Theo Edward Pentin của National Catholic Register, gần bốn năm trước, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thay đổi đường hướng của Giáo hoàng Học viện Gioan Phaolô II có trụ sở tại Rôma để Nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình và “tái thành lập” học viện có cấp bằng mà Đức Gioan Phaolô đã thành lập với Đức Hồng Y Carlo Caffarra vào năm 1981.
Kể từ thời điểm đó, nhiều thay đổi đã diễn ra và các nhà phê bình học viện ngày nay nói với tờ Register rằng điều này ít có người nhận ra, dù các nhân viên trung thành với huấn quyền của vị Giáo hoàng quá cố bị loại bỏ phần lớn, và các giảng viên cấp cao và cấp dưới mới được tuyển dụng công khai mâu thuẫn với giáo huấn của Đức Gioan Phaolô. Do đó, họ nhấn mạnh rằng tên của viện cần được thay đổi.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công bố tông thư Summa Familiae Cura, dưới hình thức tự sắc (motu proprio), đổi tên thành Viện Thần học Giáo hoàng Gioan Phaolô II về Khoa học Hôn nhân và Gia đình chỉ 13 ngày sau khi Đức Hồng Y Caffarra, tổng giám mục hưu trí của Bologna, qua đời vào ngày 6 tháng 9, Năm 2017.
Tông thư nói rõ, từ thời điểm đó, cơ quan được thành lập lại này sẽ cổ vũ công trình của các Thượng Hội Đồng Giám Mục các năm 2014-2015 về gia đình và tông huấn Amoris Laetitia (Niềm vui Yêu thương) công bố năm 2016, viết dựa trên các cuộc họp đó. Tông huấn này là một tài liệu đáng chú ý, vì nó đã bỏ qua bất cứ tham chiếu nào đến thông điệp Veritatis Splendor của Đức Gioan Phaolô II về thần học luân lý.
Mối liên hệ của Đức Hồng Y Caffarra với thời điểm tái lập viện không phải là ngẫu nhiên. Cùng với các Hồng Y Walter Brandmuller, Raymond Burke và Joaquim Meisner, ngài đã gửi năm câu hỏi, hay còn gọi là dubia, tới Bộ Giáo lý Đức tin vào mùa thu năm 2016 nhằm để giải tỏa “sự mất phương hướng nghiêm trọng và sự bối rối lớn lao” bị các ngài cho là do Amoris Laetitia gây ra.
Cho đến nay, Đức Giáo Hoàng vẫn chưa chính thức trả lời các dubia, cũng như không mời các vị Hồng Y liên hệ đến để thảo luận về vấn đề này, để cho hai trong số bốn vị - Đức Hồng Y Caffarra và Đức Hồng Y Joachim Meisner - qua đời vào năm 2017 trước khi nguyện vọng của họ được toại nguyện.
Thay vào đó, triều giáo hoàng này đã đi bước trước bằng việc phá bỏ định chế, giống như Veritatis Splendor, vốn được dùng như một thành lũy chống lại sự bất đồng đối với thông điệp Humanae Vitae năm 1968 của Đức Phaolô VI (Về Điều hòa Sinh đẻ), và thay vào đó cải cách định chế để làm cho nó trùng hợp chặt chẽ hơn với những lý tưởng được nêu ra trong Amoris Laetitia.
Được thành lập như một phần tạo ra Đại học Giáo hoàng Lateran ở Rome, viện này là thành quả của Thượng hội đồng năm 1980 về Gia đình và tông huấn Familiaris Consortio (Về vai trò của Gia đình Kitô hữu trong Thế giới Hiện đại) của ngài dựa vào Thượng hội đồng đó. Đức Hồng Y Caffarra nói vào năm 2011 rằng Đức Gioan Phaolô muốn có viện giáo hoàng vì ngài “tin chắc rằng việc bảo vệ và cổ vũ hôn nhân và gia đình sẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất trong sứ mệnh của Giáo hội trong thiên niên kỷ thứ ba”.
Ngài nói thêm, Đức cố Giáo hoàng người Ba Lan muốn “xây dựng, ở bình diện trí thức, một nền nhân học thỏa đáng, một nền thần học nội bộ về thân xác và một nền tảng thuận lý - triết học và thần học - cho Humanae Vitae”.
Nhưng các tín hiệu đã có từ rất sớm trong triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô khi không một thành viên nào của Viện được đại diện tại Thượng hội đồng đầu tiên về Gia đình vào năm 2014.
Chưa đầy hai năm sau, vào tháng 8 năm 2016, Đức Tổng Giám Mục Vincenzo Paglia, người cũng đã phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì quyền lãnh đạo Giáo hoàng Học viện về Sự sống (vào năm 2017, ngài đã bổ nhiệm nhà thần học ủng hộ phá thai Nigel Biggar làm thành viên của học viện và vào tháng 6 đã lên tiếng ủng hộ việc thay đổi giáo huấn của Sách Giáo lý về vấn đề đồng tính luyến ái) được bổ nhiệm làm viện trưởng của học viện.
Sự thay đổi tên của học viện vào năm 2017 càng gióng lên hồi chuông cảnh báo. Stanislaw Grygiel, một trong những giáo sư sáng lập viện và là bạn cũ của Đức Gioan Phaolô II, nói với tờ Register ngày 20 tháng 6, “Ngay sau khi thành lập Viện mới, trong một cuộc họp giữa các giáo sư và các thẩm quyền học thuật, tôi đã yêu cầu xóa tên của đức Gioan Phaolô II khỏi danh xưng của Học Viện – nhưng không có kết quả”.
Nhưng phải đến khi thay đổi quy chế vào tháng 7 năm 2019, ý định của Đức Phanxicô đối với viện mới trở nên rõ ràng hơn một cách đáng kể.
Các quy chế mới trước tiên dẫn đến việc đình chỉ năm chương trình cấp bằng thạc sĩ, một khóa học về đào tạo linh mục và sa thải Grygiel trong tư cách là giảng viên (ông vẫn là giám đốc của Ghế Karol Wojtyla của viện) và hai giáo sư hàng đầu khỏi các chức vụ có nhiệm kỳ. Đó là Đức Ông Livio Melina, một cựu chủ tịch của viện, người mà ghế thần học luân lý cơ bản, một chức vụ đầu tiên do Đức Hồng Y Caffarra nắm giữ, đã bị bãi bỏ; và Cha José Noriega, một nhà thần học luân lý đã bị cách chức vì lý do là bề trên tổng quyền của một dòng tu (Các môn đệ của Trái tim Chúa Giêsu và Mẹ Maria) không phù hợp với việc trở thành một giáo sư có nhiệm kỳ của viện mới.
Không ai trong số các giáo sư này được thông báo trước về quyết định, cũng như họ không được viện cho cơ hội để thách thức việc bị sa thải, dẫn đến một số cuộc phản đối, bao gồm cuộc phản đối của các sinh viên và cựu sinh viên của trường và hơn 200 học giả quốc tế đã ký một bức thư ngỏ yêu cầu Đức Tổng Giám Mục Paglia khôi phục họ nhưng không thành công. Sáu giáo sư khác cũng bị cho thôi việc trong đợt thứ hai sau đó vài ngày, và một số giáo sư đáng kính khác cũng bị sa thải trong đợt thứ ba, hoặc từ chức theo ý riêng của họ, trong đó có Cha José Granados, một cựu phó chủ tịch của viện và là một thành viên thuộc cộng đồng tu trì của Cha Noriega.
Trước khi công bố quy chế mới, các nhân viên đã phê bình diễn trình soạn thảo; họ lưu ý rằng không phải tất cả các cuộc tham vấn trước mà các nhà lãnh đạo viện hứa hẹn đều đã diễn ra, và hầu hết các giáo sư chỉ biết về quy chế khi chúng được công bố trên tờ L'Osservatore Romano vào ngày 18 tháng 7 năm 2019.
Các nguồn tin nói với Register rằng trong suốt năm 2018 và 2019, chủ tịch của viện, Đức Ông Pierangelo Sequeri, đã khiến các nhân viên trong khoa tin rằng ngài sẽ làm việc với họ để cập nhật các quy chế cũ chỉ để làm họ ngạc nhiên bằng cách trình bày các quy tắc hoàn toàn khác vào tháng 7 năm 2019. Các giáo sư cũng lưu ý rằng các điểm khác nhau trong dự thảo quy chế, những điểm mà họ đã bác bỏ, vẫn còn trong phiên bản cuối cùng.
Đức Ông Sequeri khẳng định các quy chế mới của cơ quan này có tính “liên tục” với các quy chế của Đức Gioan Phaolô II được thiết lập vào năm 1982 và chúng là kết quả của “một diễn trình và đối thoại kéo dài ba năm”. Tuy nhiên, các giáo sư hoàn toàn không đồng ý. Grygiel cho biết trong một cuộc phỏng vấn, viện đã không được đổi mới và mở rộng, mà đã bị giải thể và phá hủy.
Trong cùng tháng với những lần sa thải này, viện thông báo họ đang thuê Cha Maurizio Chiodi, một nhà thần học luân lý người Ý, người bất đồng quan điểm với Humanae Vitae và đã dạy rằng “quyền làm cha mẹ có trách nhiệm” có thể bắt buộc một cặp vợ chồng sử dụng biện pháp kiểm soát sinh sản nhân tạo. Cha Chiodi cũng đã lập luận, trên cơ sở Amoris Laetitia, cho sự cần thiết phải vượt ra ngoài “tự nhiên” và xem xét khả thể các hành vi đồng tính luyến ái, trong một số trường hợp nhất định, có thể là tốt về mặt luân lý.
Viện cũng đã thuê Cha Pier Davide Guenzi, một giáo sư nhân chủng học và đạo đức học tại Đại học Milan, người cũng nổi tiếng với việc nghi vấn các điều tuyệt đối về luân lý. Trong một cuộc phỏng vấn với tờ Avvenire, tờ báo của hội đồng giám mục Ý, cha nói nước đôi về việc liệu các hành vi đồng tính luyến ái có bao giờ được phép hay không và lập luận rằng luật tự nhiên “phải liên tục được suy nghĩ lại”.
Các dấu hiệu cho thấy những thay đổi này đang ảnh hưởng đến viện đã xuất hiện vào đầu năm nay khi, trên trang Facebook của mình, viện đăng lại một bài báo từ Huffington Post có thiện cảm với “phúc âm xã hội” của Tổng thống Joe Biden. Một số nhà bình luận đặt câu hỏi tại sao viện dường như ủng hộ lời khen ngợi dành cho Biden trên các diễn đàn truyền thông xã hội, thì người đứng đầu văn phòng báo chí của viện, Arnaldo Casali, nhận xét rằng “bảo vệ quyền phá thai không có nghĩa là bảo vệ việc phá thai”. Ông nói thêm rằng “trên hết, nếu chúng ta phải cấp chứng nhận tính Công Giáo dựa trên các chủ trương chính trị, rất ít chính trị gia có thể tự mô tả mình là Công Giáo”.
Casali, người không phải là nhà thần học mà chỉ là một người bạn của Tổng giám mục Paglia từ thời tổng giám mục còn là giám mục của Terni, đã xin lỗi về bình luận này.
Riccardo Cascioli, biên tập viên của nhật báo Công Giáo tiếng Ý La Nuova Bussola Quotidiana, cho biết suy nghĩ như vậy trực tiếp trái ngược với thông điệp Evangelium Vitae của Đức Gioan Phaolô II (Về giá trị và tính bất khả xâm phạm của sự sống con người), vốn lên án thuyết tương đối đạo đức thường được dùng để biện minh cho việc phá thai, và thêm tên ông vào danh sách dài những người chỉ trích đòi đổi tên viện.
Cascioli, cũng như nhiều người liên quan đến viện, tin rằng sẽ thích hợp hơn nếu đổi tên nó thành “Viện Amoris Laetitia” hoặc một diều gì đó tương tự. Một số cựu nhân viên và sinh viên tin rằng giữ tên này là một nỗ lực để che giấu việc phá hủy chương trình giảng dạy mà Đức Gioan Phaolô mong muốn, và do đó là một phương tiện để thao túng các giám mục không biết về những thay đổi gần đây.
Những thay đổi rất công khai này đã không được chú ý, đặc biệt bởi các sinh viên tương lai muốn cổ vũ giáo huấn của Đức Gioan Phaolô II. Sự xa rời chậm chạp nhưng nhất định này khỏi viễn kiến của Đức Giáo Hoàng quá cố đã ảnh hưởng đến việc ghi danh, và học viện, theo báo cáo, đã buộc phải cắt bỏ một số khóa học vì không thu hút được số lượng sinh viên tối thiểu. Theo Catholic News Agency, các khóa khác được cho là đã mất 90% sinh viên. Sự chuyển hướng trong việc nhấn mạnh đến khoa học nhân văn thay vì thần học được coi là một vấn đề khác, cùng với sự thay đổi theo hướng thuyết tương đối được viện cổ vũ mà các nhà phê bình cho là tấn công vào gia đình tự nhiên.
Một nguồn tin thân cận cho biết, “Nó phủ nhận sự liên quan của sự thật này là Chúa Kitô cứu chuộc kế hoạch của Thiên Chúa về tính dục của con người bắt nguồn từ việc sáng thế”. Nguồn này cũng cho rằng, thay vào đó, các quan điểm này đã được chấp thuận, nhất định sẽ dẫn đến “sự lạm dụng và rạn nứt nơi các gia đình và cả nơi các chủng viện, khi họ được những người được đào tạo tại học viện mới này dạy điều ngược lại với sự thật”.
Nguồn tin còn cho biết: “Khi những định chế như vậy sa vào và truyền bá những bóp méo của cái nhìn vô vị thế tục về gia đình, thì cuối cùng chúng sẽ đánh mất vị mặn của muối mà Giáo hội được kêu gọi để gìn giữ trong sứ mệnh giảng dạy của mình. Vì vậy, những sinh viên chân thành tìm kiếm vẻ đẹp của kế hoạch Thiên Chúa dành cho gia đình sẽ phải đi nơi khác để tìm ra nó”.
Những người khác được tờ Register tiếp xúc không chỉ trích đến như vậy; họ cho rằng việc nghe các quan điểm trái với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II thách thức sinh viên, khiến họ phải suy nghĩ và tránh cho họ khỏi đại lãn. Một nguồn tin cho biết: “Một phần của việc huấn luyện tốt là tương tác với các giáo sư khác nhau”. Một cựu sinh viên của viện không đồng ý; anh nói với tờ Register rằng những quan điểm đối lập với huấn quyền luôn được các giáo sư bị sa thải trình bày và loại bỏ một cách dễ hiểu để giúp các sinh viên xây dựng được một phản ứng mạnh mẽ đối với quan điểm phiếm tính dục (pansexual) của chủ nghĩa hậu hiện đại.
Một cựu sinh viên, yêu cầu được giấu tên giống như phần lớn những người có liên hệ với viện, nói, “Sự khác biệt bây giờ là những quan điểm như vậy không còn bị bác bỏ trong viện mới nữa, mà được trình bày theo quan điểm thuyết tương đối”.
Tin tức mới nhất có liên quan đến viện, và được các nhà phê bình cho là bằng chứng đầy đủ cho thấy viện không còn đại diện cho các ý định thành lập của Đức Gioan Phaolô II, là việc bổ nhiệm Đức Ông Philippe Bordeyne làm chủ tịch mới của nó. Vốn là viện trưởng của Institut Catholique de Paris (Học Viện Công Giáo Paris) từ năm 2011, Đức Ông Bordeyne được biết đến như là người phản đối Humanae Vitae và việc tái khẳng định lệnh cấm ngừa thai nhân tạo, viết vào năm 2015 rằng “việc biện phân các phương pháp ngừa thai” nên được để cho “sự khôn ngoan của các cặp vợ chồng”.
Một số người cáo buộc ngài còn bất đồng hơn nữa với huấn quyền khi, để trả lời cho câu dứt khoát “không” của Bộ Giáo lý Đức tin đối với việc chúc lành cho các cuộc kết hợp đồng tính vào tháng Ba, ngài đã viết rằng mặc dù ngài không ủng hộ việc chúc lành cho các cuộc kết hợp như vậy, ngài quả có ủng hộ những buổi chúc lành tư riêng cho các cá nhân sống trong các cuộc kết hợp này và sử dụng các công thức phụng vụ đặc biệt.
Vào tháng 6, Đức Ông Bordeyne cũng đã được bổ nhiệm làm quản trị viên của các cơ sở Đạo Đức của Pháp ở Rome và Lorette, một cơ quan quản lý năm nhà thờ của Pháp ở Rome. Do đó, từ tháng 9, ngài sẽ giữ hai chức vụ cùng một lúc - một lý do được viện sử dụng để chống lại Cha Noriega nhằm sa thải ngài khỏi chức vụ của ngài vào năm 2019.
Nguồn tin thông thạo và thân cận với Viện Gioan Phaolô II cho biết: “Tiêu chuẩn kép này cho thấy mục đích thực sự của các cuộc bổ nhiệm của cơ sở này trong ba năm qua. Việc loại bỏ những giáo sư trung thành với giáo huấn của Giáo hội, trên thực tế, là một phần của mục đích rộng lớn hơn là phá hủy sứ mệnh ban đầu của Viện".
Đức Ông Bordeyne thay thế Đức Ông Sequeri, 75 tuổi, đã kết thúc nhiệm kỳ. Nhưng mặc dù ngài bất đồng trong một số chủ trương chủ chốt, một số người xem đó là một cuộc bổ nhiệm tích cực do việc ngài rất được tôn trọng ở Pháp và, hơn nữa, còn lập luận rằng ngài có uy tín gần với huấn quyền của Đức Gioan Phaolô II hơn một số người nghĩ. Một số dự kiến viện sẽ đóng cửa sau một hoặc hai năm, nhưng với Đức Ông Bordeyne, họ tin rằng nó có khả năng tồn tại lâu hơn thế.
Vị Giáo sư người Pháp này sẽ không đảm nhận chức chủ tịch viện giáo hoàng cho đến tháng 9 và do đó đã từ chối trả lời các câu hỏi của Register vào lúc này.
Đức Tổng Giám Mục Paglia cũng được yêu cầu bình luận cho bài báo này nhưng Casali cho biết ngài “rất bận” và lúc này, không thể dành cho bài báo sự đối xử xứng đáng với nó được.