Trong tuần lễ qua, có hai biến cố liên quan đến thái độ của Đức Phanxicô với những xu hướng trong Giáo Hội rõ ràng đang trên đà đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội. Đó là việc ngài khuyến khích cha James Martin trong mục vụ với người đồng giới và chuyển giới, và ủng hộ con đường đồng nghị Đức.



Phải nói ngay rằng mục vụ với người đồng giới và chuyển giớ cũng như con đường đồng nghị vốn là chủ trương cố hữu của Giáo Hội, hoàn toàn nhất quán với giáo huấn của Chúa Giêsu. Trong ba năm rao giảng công khai, những người được Đức Kitô gặp gỡ nhiều nhất không ai khác chính là những người bệnh tật cả thể xác lẫn linh hồn, những người xấu xa đối với xã hội đương thời, nhất là đối với các chức sắc trong đạo, những người khó được kể vào hàng dân Chúa. Và lời cầu nguyện tha thiết nhất của Người lúc Người sắp từ giã cõi đời này là cho tình hiệp nhất giữa các môn đệ. Con đường đồng nghị làm gì có mục đích nào khác hơn là tình hiệp nhất ấy, một điều được chính các tông đồ khởi xướng qua công đồng Giêrusalem ngay năm 50 công nguyên.

Bởi thế, trong bức thư riêng gửi Cha Martin gần đây, Đức Phanxicô rất đúng khi viết rằng “Tôi muốn cám ơn cha về nhiệt tình mục vụ của Cha và khả năng của cha trong việc gần gũi với người ta, bằng sự gần gũi mà Chúa Giêsu từng có, và là sự gần gũi phản ảnh sự gần gũi của Thiên Chúa”. Ngài giải thích, sự gần gũi của Thiên Chúa gồm 3 yếu tố: “sự gần gũi, lòng cảm thương và âu yếm dịu dàng. Đó là cách Người đến gần hơn mỗi người chúng ta”.

Đức Giáo Hoàng viết thêm: “nghĩ đến việc mục vụ của cha, tôi thấy cha liên tục tìm cách mô phỏng phong thái của Thiên Chúa. Cha là một linh mục cho mọi người, hệt như Chúa Cha là Cha cho mọi người... Tôi cầu xin cho cha tiếp tục cách này, sống gần gũi, cảm thương và âu yếm dịu dàng. Và tôi cầu xin cho các tín hữu, 'đoàn chiên' của cha và mọi người Chúa đặt dưới sự chăm sóc của cha, để cha che chở họ, làm họ lớn lên trong tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”.

Tiếp tục gần gũi, cảm thương và âu yếm dịu dàng thì đúng quá. Vì đó là điều Chúa dạy và là điều Giáo Hội vốn chủ trương đối với người đồng giới và chuyển giới như Sách Giáo Lý đã dạy. Nhưng ai cũng biết, Chúa Giêsu gần gũi người sai lạc hay thiếu sót để đưa họ về Đoàn Chiên của Người. Chứ không như Cha Martin gần gũi với người sai lạc và thiếu sót để trở nên suy nghĩ giống như họ và lên tiếng bênh vực hay giữ họ trong quan điểm sai lạc của họ. Điều này, khó có thể bênh vực, chứ đừng nói đến việc khuyến khích.

Theo CNA, “mục vụ của Cha Martin ngày càng trở nên gây tranh cãi hơn vì việc ngày càng tách xa tín lý Công Giáo hơn”. Năm 2017, sau khi cho công bố cuốn “Building a Bridge: How the Catholic Church and the LGBT Community can Enter into a Relationship of Respect, Compassion, and Sensitivity” (Xây Một Nhịp Cầu: Làm Thế Nào Giáo Hội Công Giáo và Cộng Đồng Đồng Giới và Chuyển Giới có thể Bước Vào một mối Liên Hệ Tôn Trọng, Thương Cảm và Nhậy Cảm), Cha Martin, trong một bài báo trên tờ Washington Post, cho rằng “khi viết cuốn sách này, tôi biết nó sẽ là một chủ đề gây tranh cãi, mặc dù tôi rất thận trọng giữ mình trong khuôn khổ giáo huấn của Giáo Hội”.

“Các suy nghĩ của tôi, các suy nghĩ có thể được tóm tắt như lời kêu gọi tôn trọng từ cả hai phía, được đặt nền tảng trên Tin Mừng, và trên lời kêu gọi của Sách Giáo lý muốn Giáo Hội cư xử với ‘những người đồng tính’ một cách ‘tôn trọng, cảm thương và nhậy cảm’”.

Tuy nhiên, vào ngày 30 tháng 5 vừa qua, nhân cơ hội bình phẩm về đám cưới Công Giáo của Thủ Tướng Anh Boris Johnson, Cha Martin phàn nàn rằng các cặp đồng tính vẫn chưa được hưởng bí tích hôn phối. Liên quan tới đám cưới trong Giáo Hội của Johnson, người 2 lần ly dị và bạn gái đang mang thai đứa con của họ, Cha Martin ước ao “rằng cùng một lòng thương xót và cảm thương được ban cho” Johnson và nàng dâu của ông, “thừa nhận các cuộc sống phức tạp của họ, cũng được nới rộng tới các cặp đồng tính nào vốn là những người Công Giáo lâu đời”.

Về cuộc hôn nhân của Thủ tướng Anh, Boris Johnson, nhiều nhà bình luận Công Giáo đã lên tiếng. Có điều cuộc hôn nhân ấy không có bất cứ trở ngại nào về phương diện giáo luật: hai cuộc “hôn nhân” đầu của Johnson, theo giáo luật, không phải là cuộc hôn nhân bí tích vì không được cử hành theo qui thức Giáo Hội. Trong khi ấy, bạn gái của Johnson chưa bao giờ kết hôn. Thành thử nói rằng cuộc hôn nhân ấy được cử hành trong Giáo Hội Công Giáo là nhờ được “thương xót và cảm thông” e không đúng chút nào.

Không rõ liệu cha Martin có công bố đầy đủ nội dung bức thư của Đức Phanxicô hay không, nếu đã đầy đủ, thì quả thực, bức thư ấy gây nhiều thắc mắc nơi các tín hữu.



Nó cũng gây nhiều thắc mắc như tin mới đây được báo chí tường thuật sau chuyến viếng thăm Vatican của Đức Cha Bätzing, hiện là chủ tịch của Hội Đồng Giám Mục Đức và là người hết lòng cổ vũ và đẩy mạnh Con Đường Đồng Nghị (Synoday Way) của Đức.

Như trên đã nói, con đường đồng nghị là con đường cố hữu của Giáo Hội vì Giáo Hội vốn tin vào cảm thức tín hữu (sensus fidelium). Tuy nhiên, con đường ấy, trong những năm gần đây, trở thành mù mờ vì có nhiều lạm dụng, hiểu sai. Chính vì thế Đức Phanxicô đã có ý định tổ chức một Thượng Hội Đồng Giám Mục để bàn về nó. Nhưng Giáo Hội Đức muốn đi bước trước và toan tính dẫn đường chỉ lối cho Giáo Hội hoàn vũ khi lái con đường đồng nghị vào 4 chủ đề có tính hết sức bao hàm: quyền lực, luân lý tính dục, cuộc sống giáo sĩ và vai trò nữ giới trong Giáo Hội nhấn mạnh đến những việc như phong chức phụ nữ, chúc lành cho các cặp đồng tính và kết liễu việc sống độc thân của giáo sĩ.

Họ không chỉ bàn đến khía cạnh mục vụ cho người đồng tính mà đi thẳng vào việc thay đổi định nghĩa về đồng tính. Tài liệu chính thức của Con Đường này nói như sau về các hành vi đồng tính: “chúng cũng thể hiện nhiều giá trị tích cực có ý nghĩa, bao lâu chúng phát biểu tình bạn, tính đáng tin cậy, lòng trung thành và nâng đỡ trong đời”. Và về việc thủ dâm: “kinh nghiệm hân hoan của chính thân xác mình (tự làm tình) cũng có thể có nghĩa một phương thức có trách nhiệm đối với tính dục của riêng người ta”...

Chính vì thế, nhiều giáo phẩm khắp thế giới tỏ ý lo ngại trước Con Đường Đồng Nghị này. Đức Hồng Y Gerhard Muller chẳng hạn nói rằng “nó không có thẩm quyền du nhập một tín lý và thực hành đi ra ngoài tín lý ràng buộc của Giáo Hội Công Giáo trong các vấn đề đức tin và luân lý”.

Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki của Cologne cho rằng “Con Đường Đồng Nghị... thiết lập một hình thức Giáo Hội nghị viện kiểu Thệ Phản”. Trong khi mục sư Phái Luthêrô là Alexander Garth cho rằng việc ấy không nên: “Tôi coi Con Đường Đồng Nghị là con đường sai lầm vì nó áp đặt việc Thệ Phản Hóa Giáo Hội Công Giáo”.

Vậy mà theo Đức Cha Bätzing, trong cuộc yết kiến ngày 24 tháng 6 vừa qua, Đức Phanxicô tuyên bố ủng hộ Con Đường Đồng Nghị của Đức. Thực vậy, theo Edward Pentin của National Catholic Register, liền ngay sau cuộc yết kiến riêng sáng 24 tháng 6, Đức Cha Bätzing đã cho đăng một tuyên bố nói rằng Đức Giáo Hoàng “khuyến khích chúng ta tiếp tục Con Đường Đồng Nghị đã được chúng ta chọn lựa, để thảo luận các vấn đề một cách cởi mở và trung thực và đi đến các khuyến cáo để thay đổi cách thế hoạt động của Giáo Hội”.

Chưa hết, theo vị giáo phẩm này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn muốn Giáo Hội Đức dùng Con Đường Đồng Nghị này “giúp lên khuôn cho con đường đồng nghị mà ngài đã công bố liên quan tới Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2023”, sau khi vị Giám Mục này giải thích chi tiết về nó và quả quyết với Đức Giáo Hoàng rằng các đồn đại cho rằng Giáo Hội Đức muốn “khởi diễn một con đường đặc biệt là hoàn toàn vô căn cứ”.

Pentin cho hay ông có yêu cầu Phòng Báo Chí Tòa Thánh xác nhận nội dung của tuyên bố trên, thì được trả lời là Tòa Thánh không có thói quen xác nhận như vậy.

Tưởng cũng nên nhắc lại, cuối tháng 5, Đức Hồng Y Marx, vị tiền nhiệm của Đức Cha Bätzing, và là người chủ yếu đứng đàng sau Con Đường Đồng Nghị đã đệ đơn từ chức Tổng Giám Mục Munich và Freising, rõ ràng vì việc sai lầm liên quan đến cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục, nhưng vẫn không quên thúc giục Đức Phanxicô ủng hộ Con Đường Đồng Nghị.

Điều đáng lưu ý là lá thư đã được công khai hóa. Pentin cho rằng một số bình luận gia coi việc Đức Phanxicô mau chóng bác đơn của Đức Hồng Y Marx là dấu chỉ rõ ràng Đức Giáo Hoàng ủng hộ Con Đường Đồng Nghị và mưu kế từ chức của Đức Hồng Y Marx như một phương thế gây áp lực để Đức Hồng Y Rainer Woelki cũng làm như vậy vì cuộc khủng hoảng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Vị Tổng Giám Mục của Cologne này vốn là người dẫn đầu việc phê phán nặng nề Con Đường Đồng Nghị và đó là cản trở chính đối với các mục tiêu của nó.