Theo tường trình của CNA ngày 18 tháng 2 năm 2021, các diễn giả tại một biến cố Thần học ảo quán ba (Theology on Tap) tuần trước đã khuyến khích người Công Giáo sống đức tin của họ - ngay trong một nền văn hóa thù địch - và tránh thứ Công Giáo hâm hấp.



Có mặt tại nhiều giáo phận Công Giáo trên khắp nước Mỹ, Thần học Quán Ba (Theology on Tap) là một chuỗi bài diễn giảng được tổ chức tại các quán ba (bar) và mời các diễn giả Công Giáo thảo luận về các chủ đề được nhiều người quan tâm, thường nhắm vào giới trẻ.

Biến cố Thần học ảo Quán ba Toàn quốc đã được ghi lại ở Ann Arbor, Michigan, và được phát sóng vào đêm 11 tháng 2, với sự hợp tác của EWTN, Renewal International và Viện Augustine có trụ sở tại Denver.

Nó cũng được sự hỗ trợ của các Thừa tác vụ Canh Tân, Các Môn đệ Có ý hướng và Viện OSV về canh tân Công Giáo.

Peter Burak, giám đốc của Các Môn đệ Có ý hướng, đã chủ trì biến cố và thảo luận về những thách thức trong nền văn hóa hiện đại với các chuyên gia trong các lĩnh vực Công Giáo khác nhau.

Tiến sĩ Ralph Martin, chủ tịch của Thừa tác vụ Canh tân và là giáo sư thần học tại Đại Chủng viện Thánh Tâm, đã thảo luận về cuốn sách gần đây của ông “Church in Crisis: Pathways Forward” (“Giáo hội trong khủng hoảng: Các nẻo đường tiến tới”) và nêu bật một số khó khăn hiện nay mà Giáo hội và xã hội nói chung đang phải đối diện.

Martin lưu ý đến sự hỗn độn và rối loạn bởi việc các giám mục và Hồng Y mâu thuẫn nhau về thần học và việc thực hành đức tin. Ông nói, “Các giám mục đang tấn công các giám mục, các Hồng Y đang tấn công các Hồng Y. Chúng ta thậm chí có cả các hội đồng giám mục bất đồng nghiêm trọng với nhau về những vấn đề rất căn bản về luân lý”.

“Chúng ta có Hội đồng Giám mục Đức thực sự cương quyết thích ứng đức tin theo nền văn hóa thế tục, hết nhấn mạnh đến các giáo huấn của chúng ta về đạo đức tình dục… rồi bạn có Hội đồng Giám mục Ba Lan và Hội đồng Giám mục Ukraine nói với người Đức, 'hãy dừng lại'”.

Martin cũng nhấn mạnh các thách thức do đại dịch COVID-19 gây ra, bao gồm việc đóng cửa các trường học khắp nước và sự gia tăng các vụ phá sản trong giáo phận.

Ông đề nghị rằng đại dịch là cơ hội để người ta sắp xếp lại các ưu tiên của họ. Ông nói, “Tôi nghĩ Chúa đang cho phép điều này xảy ra để mọi người ngừng đứng chân trong chân ngoài đối với vấn đề. Bạn có đến được với Chúa hay không. Bạn phải đưa ra quyết định. Công Giáo hâm hấp không phải là một lựa chọn. Văn hóa sẽ thực sự thử nghiệm chúng ta ngay bây giờ, và chúng ta thực sự cần biết chúng ta đại diện cho ai, chúng ta tin ai, chúng ta tín thác ai".

Helen Alvaré, giáo sư luật tại Trường Luật Antonin Scalia của Đại học George Mason, đã nói về tầm quan trọng của tính toàn vẹn tình dục trong thế giới hiện đại. Bà nói, trong một xã hội đề cao tự do tình dục, sự tiến bộ được đo lường bằng mức độ văn hóa vượt qua những điều cấm kỵ về tình dục.

Đối với Alvaré, điều quan trọng đối với Giáo hội là bảo vệ đạo đức tình dục và là nguồn ánh sáng để chống lại sự hỗn độn trong nền văn hóa. Bà nói: “Là thiếu niên, thanh niên, mới [cưới nhau], chúng ta không thể quên rằng những yêu cầu về tình yêu triệt để theo đường lối Kitô giáo là công lý căn bản đối với người lân cận gần nhất của chúng ta”.

Đức Tổng Giám Mục Hưu trí của Philadelphia Charles Chaput cũng đã phát biểu tại Thần học ảo Quán bia, nêu bật những thách thức đang hạn chế việc Giáo hội sinh hoạt trọn vẹn. Ngài cho biết vấn đề lớn nhất, vẫn thường xảy ra trong suốt lịch sử Giáo hội, là sự thiếu tự tin giữa các chi thể của Giáo Hội. Ngài nói: “Tôi không biết có bao nhiêu người trong chúng ta thực sự tin rằng Tin Mừng là chân thật. Nếu chúng ta không xác tín rằng nó chân thật, chúng ta rất khó dựa vững vào Tin Mừng trong những thời điểm khó khăn. Tôi nghĩ đó là những gì đang diễn ra hôm nay. Có quá nhiều thế lực đang khiến người ta nghi ngờ về Giáo hội cũng như về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới”.

Đức Tổng Giám Mục Chaput đặc biệt đề cập đến cuộc tranh cãi về việc Tổng thống Joe Biden rước lễ, bất chấp việc ông ủng hộ phá thai hợp pháp, vi phạm giáo huấn Công Giáo. Chủ đề này đã là một vấn đề gây tranh cãi giữa các giám mục của quốc gia.

Đức Tổng Giám Mục Chaput nói: “Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ cao nhất của sự hiệp nhất, chứ không phải chỉ là dấu chỉ của tình yêu đối với Thiên Chúa - bởi vì Người luôn yêu thương chúng ta cho dù lãnh nhận Bí tích Thánh Thể hay không - nhưng nó là dấu chỉ sự hiệp thông của chúng ta với Người và với Giáo hội. Nếu chúng ta không đồng ý với Giáo hội, thì điều sẽ trung thực hơn là chúng ta đừng giả vờ mình tin bằng cách lãnh nhận Bí tích Thánh Thể. Điều đó không chỉ đúng với các nhà lãnh đạo chính trị, [nó] còn đúng với chúng ta trong cuộc sống bản thân của chúng ta nữa. Đó là lý do tại sao chúng ta nói rằng chúng ta không thể rước lễ nếu chúng ta đang sống trong tội trọng vì tội trọng không nhất quán với đức tin Kitô giáo và sự hiệp thông chân thật với Chúa Kitô”.