Liên tiếp trong mấy ngày qua, Đức Hồng Y George Pell đã được A.P. và National Catholic Register phỏng vấn.



Nicole Winfield của A.P. cho hay Đức Hồng Y cho rằng ngài đã được chứng thực phần nào khi việc quản lý tài chánh của Tòa Thánh, một việc ngài cố gắng vạch trần, nay đã được phơi bầy trong một cuộc điều tra gây sóng gió của Tòa Thánh.

Khi nhận nhiệm vụ tại Tòa Thánh năm 2014, ngài biết tài chánh của Tòa Thánh có vấn đề, nhưng không ngờ nó lại “muôn mầu” đến thế, nhiều “tội ác” đến thế.

Và ngài hy vọng tiếng đồn có sự liên hệ giữa tính tội ác này và việc ngài bị hàm oan ở Úc sẽ được làm sáng tỏ. Ngài không chắc chắn về sự liên hệ này, “Nhưng tôi nghĩ chúng ta sẽ khám phá ra, liệu có hay không. Chắc chắn tiệc vui chưa kết liễu”.

Cuộc phỏng vấn ngày 2 tháng 12 của National Catholic Register dài hơn. Edward Pentin của hãng tin này cũng cho hay Đức Hồng Y Pell hy vọng một phiên xử của Tòa Thánh sẽ soi sáng mọi chuyện.

Ký giả này cho hay: theo Đức Hồng Y, việc bị giam oan uổng và chịu nhiều thử thách lớn lao trong ba năm qua dạy ngài rằng giáo huấn của Chúa Giêsu “vể nhiều vấn đề hoàn toàn chân thực” và “chìa khóa cuộc sống được tìm thấy trong lời lẽ của Chúa Kitô”.

Ngài cho biết các lý do công bố nhật ký trong tù. Một trong các lý do này là để chuyện tương tự “không xẩy ra tại Úc một cách quá nhanh cho người, thuộc một nhóm ít được lòng dân, chủ trương các quan điểm không được coi là chính xác về chính trị và bị gạt bỏ bởi công luận thù nghịch”.

Tuy nhiên, Đức Hồng Y không hoàn toàn bi quan trước thái độ thù nghịch đối với người Công Giáo nói chung. Ngài nghĩ rằng không hẳn người ta bách hại mình cho bằng chống đối và việc chống đối này không nhất thiết xấu đối với Giáo Hội. Nhiều người Công Giáo đã bỏ đạo, nhưng do cung cách ngài bị đối xử mà họ đã quay về với Giáo Hội.

Được hỏi: “có phải một niềm tin vững chắc vào một Thiên Chúa đã giữ cho ngài tiếp tục tiến bước? Dù ngài vô tội, ngài có tin không phải Thiên Chúa ác độc với ngài, nhưng cho phép sự việc diễn ra vì bất cứ lý do nào không?” Đức Hồng Y đã trả lời: “Với một người tin vào Chúa Kitô và lời hứa của Người sẽ trở lại, thì sẽ có sự phán xét sau cùng. Nhà huyền nhiệm người Anh là Julian Norwich đã nói lên niềm tin của bà rằng tối hậu, mọi sự sẽ tốt đẹp, mọi sự sẽ cân bằng. Đó là niềm an ủi lớn lao”.

Sau đó, Đức Hồng Y thuật lại “quả là một cú điếng hồn khi tôi bị kết tội, nhưng cú tệ hơn là lúc tòa án tối cao ở Victoria bác kháng án của tôi, một phán quyết ngoại thường theo bất cứ nghĩa nào. Tôi thực sự nửa nghiêm túc cân nhắc việc không tiếp tục kháng án nữa. Tôi nghĩ nếu các quan tòa đã chỉ đơn giản cấu kết với nhau và đưa ra các phán quyết ngu đần và hoàn toàn sai lầm, thì bạn bè tôi hẳn sẽ phải quyên góp những món tiền khổng lồ để tôi tiếp tục thực hiện các cố gắng. Nếu tốn phí đến thế, thì tốt hơn tôi nên tháo lui”.

Rất may, “nhiều người tốt lành đã khuyên tôi không nên tháo lui, trong đó, có cả ông xếp nhà tù. Tôi không biết; có lẽ tôi không cần nhiều thuyết phục. Đối với một Kitô hữu, quả là một an ủi lớn được tin vào ơn tha thứ của Thiên Chúa, nhưng họ cũng tin rằng phán xét thực sự quan trọng sẽ tới. Tiếng thơm của ngươi, danh dự của ngươi và thiệt hại cho Giáo Hội, đúng, tôi ý thức rất sống động các chiều kích này, và đó là một lý do tôi rất sung sướng thấy mình được minh oan”.

Dĩ nhiên, Đức Hồng Y tin ơn quan phòng. Ngài cho biết, phải “chấp nhận ở nơi chúng ta đang ở. Tôi rất muốn ở nơi khác. Tôi muốn việc này đừng xẩy ra. Tôi muốn đừng có tai tiếng ấu dâm, tôi muốn nó được xử lý tốt hơn, nhưng nó đã không như thế. Tôi muốn tình thế khác hơn cho Giáo Hội, nhưng thực tế đã không thế. Thành thử bước thứ nhất là thừa nhận, là chấp nhận nơi mình đang hiện hữu”.

Kỳ tới: Bài nói chuyện của Đức Hồng Y Pell tại Hội Nghị Bàn Tròn Rôma của Qũy Hoàn Cầu.