Các con số thống kê công bố trong tuần này vừa đem lại niềm vui vừa đem lại nhiều âu lo.
Vui vì theo John McCormack của National Review (www.nationalreview.com/corner/marist-poll-most-anericans-want-abortion-limits-that-roe-casey-wont-allow//), cuộc thăm dò của Dòng Marist cho hay: Hầu hết người Mỹ muốn có giới hạn phá thai mà các phán quyết Roe & Casey vốn không cho phép.
Thực vậy, một cuộc thăm dò ý kiến mới do Hội Hiệp sĩ Columbus ủy quyền thấy rằng phần lớn người Mỹ muốn có các luật lệ về phá thai vốn không được các tiền lệ phá thai Roe và Casey của Tối cao Pháp viện cho phép.
Chế độ Roe cấm bất cứ giới hạn pháp lý nào đối với việc phá thai ít nhất là cho đến khi “khả năng sống còn” – tức lúc một thai nhi có thể sống sót ở bên ngoài tử cung – một điều xảy ra sớm nhất là khi thai nhi được 21 tuần thai kỳ. (Ngay cả sau khi khả năng sống còn, đòi hỏi của Roe về các trường hợp ngoại lệ sau khả năng sống còn đối với sức khỏe "tình cảm" và "tâm lý" nghiêm cấm các giới hạn thực sự đối với việc phá thai muộn).
Cuộc thăm dò mới đã cung cấp cho những người được hỏi sáu lựa chọn khác nhau khi được hỏi điều gì gần nhất đối với quan điểm của họ:
Cuộc thăm dò cho thấy 17 phần trăm người Mỹ muốn phá thai bất cứ lúc nào trong suốt thai kỳ, trong khi 12 phần trăm nói rằng chỉ nên cho phép phá thai trong sáu tháng đầu của thai kỳ.
Hai mươi hai phần trăm người Mỹ nói rằng chỉ nên phá thai trong ba tháng đầu của thai kỳ.
Và 49% người Mỹ nói rằng chỉ nên cho phép phá thai trong những trường hợp hiếm hoi hoặc không bao giờ.
Nói cách khác, cuộc thăm dò Marist cho thấy ít nhất 71% người Mỹ muốn giới hạn phá thai vượt quá những gì Roe / Casey cho phép.
Cuộc thăm dò của Marist vạch trần lý do khiến nhiều cuộc thăm dò khác về Roe v. Wade đã gây hiểu lầm. Hầu hết người Mỹ không biết nếu Roe bị lật ngược thì điều này có nghĩa gì, và hầu hết các cuộc thăm dò thực sự không đi sâu vào chi tiết việc người Mỹ muốn luật của họ ra sao. Đôi khi nhà thăm dò ý kiến làm cho vấn đề trở nên tệ hơn bằng cách cho thông tin sai lệch vào các câu hỏi thăm dò. Thí dụ, một cuộc thăm dò mới của CNN nói với những người được hỏi rằng Roe đã thiết lập quyền phá thai “ít nhất trong ba tháng đầu của thai kỳ”. Kết quả chênh lệch ủng hộ việc giữ Roe (69% đối với 30%) cho chúng ta biết rất ít về những gì người Mỹ thực sự nghĩ về việc phá thai.
Một kết quả còn nói với ta nhiều hơn trong cuộc thăm dò của CNN là việc phát hiện ra rằng “số người Mỹ nói rằng họ đang sử dụng vấn đề [phá thai] như một thử nghiệm tương đối thấp ở cả những người ủng hộ việc bãi bỏ Roe (25%) lẫn những người không muốn thấy nó bị bãi bỏ (18%)”.
Thăm dò cử tri sau cuộc bầu cử thống đốc Virginia năm 2021 cho thấy 8% cử tri Virginia nói rằng phá thai là “vấn đề quan trọng nhất” và nhóm cử tri này đã bỏ phiếu 58% chống 41% ủng hộ Glenn Youngkin của đảng Cộng hòa. Trong chiến dịch tranh cử, McAuliffe đặt vấn đề phá thai lên hàng đầu và là trọng điểm - và Đảng Dân chủ đã bỏ gần 4 triệu đô la để quảng cáo truyền hình có chủ đề về phá thai chống lại Youngkin.
Giảm đi nhà thờ vì COVID-19
Âu lo vì theo Wendy Wang thuộc Viện Nghiên cứu Gia đình (https://ifstudies.org/blog/the-decline-in-church-attendance-in-covid-america), cuộc thăm dò gần đây của Trung tâm Nghiên cứu Pew cho thấy dân số Kitô giáo của Hoa Kỳ đã giảm đều đặn trong thập kỷ qua. Ngày nay, 63% người Mỹ tự mô tả mình là Kitô hữu, giảm so với 75% chỉ một thập niên trước. Tỷ lệ người Mỹ tự xác định mình theo các tín ngưỡng không phải Kitô giáo (6%) vẫn ổn định, nhưng tỷ lệ người Mỹ thế tục tăng 10 điểm bách phân so với một thập niên trước.
Trong thời kỳ khủng hoảng, chẳng hạn như đại dịch COVID-19, người ta có thể nghĩ rằng nhiều người sẽ hướng về tôn giáo hơn, do cái chết, nỗi sợ hãi và sự cô lập mà đại dịch đã tạo ra. Thực vậy, dữ kiện thăm dò ý kiến khi đại dịch mới bùng phát cho thấy người Mỹ có nhiều xác suất nói rằng cuộc khủng hoảng COVID-19 đã củng cố niềm tin của họ thay vì làm suy yếu nó. Tuy nhiên, phản ứng ban đầu đối với cuộc khủng hoảng có thể không kéo dài, và một số người có thể nhụt chí, không muốn trở lại nhà thờ vì đại dịch kéo dài.
Theo các dữ kiện thu thập được vào tháng 4 / tháng 5 năm 2020 bởi Barna Group, một trong ba Kitô hữu thực hành đã bỏ nhà thờ hoàn toàn vì COVID-19. Tháng 6 năm ngoái, AP đã tung ra câu chuyện về nhiều nhà thờ phượng ở Hoa Kỳ đã bị đóng cửa vĩnh viễn do đại dịch. Điều còn tồi tệ hơn là con số thành viên Giáo Hội ở Hoa Kỳ giảm xuống dưới 50% lần đầu tiên vào năm 2020, theo các dữ kiện của Gallup từ năm 1940.
Một phân tích mới của Viện Nghiên cứu Gia đình sử dụng cuộc Thăm dò Gia đình Hoa Kỳ cho thấy, việc tham dự các hoạt động tôn giáo đã giảm đáng kể trong hai năm qua. Tỷ lệ những người thường xuyên đi nhà thờ giảm 6 điểm bách phân, từ 34% vào năm 2019 xuống 28% vào năm 2021 (1). Trong khi đó, tỷ lệ những người Mỹ thế tục không bao giờ hoặc hiếm khi tham dự các nghi lễ tôn giáo tăng 7 điểm bách phân.
Việc tham gia các buổi lễ tôn giáo được đo lường theo tiêu chuẩn của cuộc Thăm dò Gia đình Hoa Kỳ: “Ngoài đám cưới và đám tang, bạn có thường xuyên tham dự các buổi lễ tôn giáo không?” Chúng ta không biết liệu những người được hỏi có bao gồm việc tham dự nhà thờ trực tuyến như một phần của việc tham dự lễ nghi tôn giáo của họ hay không.
Trong khi đó, sự suy giảm tham gia tôn giáo thay đổi theo một số yếu tố nhân khẩu học. Những người Mỹ trẻ hơn hoặc lớn tuổi hơn có nhiều xác suất hơn những người ở nhóm tuổi trung niên giảm đi lễ nhà thờ. Mức giảm khoảng 10 điểm bách phân từ năm 2019 đến năm 2021 đối với những người dưới 35 tuổi cũng như những người trên 65 tuổi, nhưng chỉ giảm 4 điểm bách phân đối với nhóm trung niên. Người Mỹ da đen cũng có nhiều xác suất hơn những người khác giảm mạnh trong việc đi lễ ở nhà thờ. Năm 2019, 45% người Mỹ da đen đi lễ tôn giáo thường xuyên. Đến năm 2021, tỷ lệ này giảm xuống còn 30%, chênh lệch 15 điểm bách phân. Sự suy giảm trong các nhóm chủng tộc / dân tộc khác là từ 5 đến 6 điểm bách phân.
Sự sụt giảm đi lễ nhà thờ cũng rõ ràng hơn ở những người trưởng thành đã kết hôn mà không có con dưới 18 tuổi. Khoảng 30% người lớn đã kết hôn mà không có con tham gia các buổi lễ tôn giáo thường xuyên vào năm 2021, giảm từ mức 40% vào năm 2019. Điều này có lẽ liên quan đến tuổi tác, vì nhóm người lớn tuổi nhất trong 4 nhóm được phân loại theo tình trạng hôn nhân và có con dưới 18 tuổi (tuổi trung bình là 61).
Mặt khác, ý thức hệ dường như không liên quan đến việc giảm số người đi lễ ở nhà thờ. Những người bảo thủ thường có xu hướng tham gia các buổi lễ tôn giáo hơn những người ôn hòa và cấp tiến, nhưng sự sụt giảm số lượng người tham dự là tương tự nhau ở ba nhóm. Tương tự như vậy, không có sự khác biệt đáng kể theo thu nhập được tìm thấy trong việc giảm sút việc tham dự lễ nghi tôn giáo trong hai năm qua.
Khi ngày càng có nhiều vắc-xin và phương pháp điều trị COVID-19, câu hỏi nhức nhối là liệu chúng ta có thấy lượng người đi lễ ở nhà thờ tăng trở lại sau khi đại dịch qua đi hay không. Thật khó để dự đoán, nhưng nghiên cứu trước đây về cuộc Đại suy thoái năm 2007-2009 ảnh hưởng đến việc tham dự các lễ nghi tôn giáo có thể làm sáng tỏ. Vào thời điểm đó, nhiều người tin rằng cuộc khủng hoảng kinh tế sẽ dẫn đến lượng người đi lễ ở nhà thờ cao hơn. Tuy nhiên, dữ kiện cho thấy không có sự gia tăng nào về số người tham gia các hoạt động tôn giáo ở Hoa Kỳ kể từ sau cuộc Đại suy thoái. Hơn nữa, nghiên cứu cũng cho thấy cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 cũng không có bất cứ tác động rõ ràng nào đến mức độ tham dự các lễ nghi tôn giáo ở các nước châu Âu.
Có thể một số băng ghế trống được thay thế bằng những người thờ phượng trực tuyến, nhưng hiện không có dữ kiện nào để hỗ trợ điều này. Hơn nữa, việc thiếu tương tác trực tiếp có thể làm suy yếu các mối liên kết xã hội trong các nhà thờ khi đại dịch kéo dài. Như chúng ta đã biết, việc tham dự các buổi lễ tôn giáo không chỉ liên quan đến việc có một mạng lưới hỗ trợ xã hội mà còn mang lại lợi ích sức khỏe cộng đồng, chẳng hạn như ít trầm cảm hơn, tỷ lệ tự tử thấp hơn và ít sử dụng ma túy và rượu hơn. Các dịch vụ trực tuyến, với những người bị cô lập ở nhà, không có khả năng mang lại cùng mức lợi ích.
Ngoài ra còn có thiệt hại về tình cảm cho những người thực hành tôn giáo nhưng không còn tham dự các buổi lễ tôn giáo. Theo cuộc thăm dò Barna, những người được hỏi ngừng đi nhà thờ trong thời gian COVID-19 có nhiều xác suất cảm thấy bất an và lo lắng hơn những Kitô hữu thực hành không ngừng tham dự các buổi lễ trực tiếp.
Như Tyler Vanderweele và Brendan Case gần đây đã nhấn mạnh trên tờ Christian Today, “băng ghế trống là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng của Mỹ”. Hơn nữa, những người Mỹ tham dự các buổi lễ tôn giáo thường xuyên có nhiều xác suất kết hôn và sinh con hơn. Thoát khỏi đại dịch COVID-19, những người Mỹ theo đạo cũng có nhiều xác suất hơn những người Mỹ không theo tôn giáo trong việc mong muốn kết hôn và có con cái mạnh mẽ hơn. Sự suy giảm trong việc đi lễ không những có tiềm năng ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe cộng đồng mà còn cả sự ổn định của gia đình và sự gia tăng dân số ở Mỹ.
___________________________
(1). Các thuật ngữ “nhà thờ”, “buổi lễ tôn giáo” và “nhà thờ phượng” được sử dụng thay thế cho nhau.