CHƯƠNG IV: CÁC CÁCH MỚI ĐỂ HOÁN CẢI SINH THÁI

“Tôi đến để họ có sự sống và có sự sống dồi dào” (Ga 10:10)

65.Hành tinh của chúng ta là một quà phúc của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng biết rằng chúng ta đang trong tình trạng khẩn cấp phải hành động trước một cuộc khủng hoảng môi trường xã hội chưa từng có. Để đáp ứng thỏa đáng, chúng ta cần một cuộc hoán cải sinh thái. Do đó, với tư cách Giáo hội Amazon, đối diện với một sự gây hấn ngày càng gia tăng đối với sinh quần của chúng ta, một sinh quần đang bị đe dọa biến mất với những hậu quả to lớn cho hành tinh của chúng ta, chúng ta đã lên đường trong khi được gây cảm hứng từ đề nghị về một hệ sinh thái toàn diện. Chúng ta thừa nhận những vết thương gây ra bởi con người trong lãnh thổ của chúng ta; chúng ta muốn, nhờ các anh chị em bản địa, trong cuộc đối thoại kiến thức, học hỏi cách thức đưa ra câu trả lời mới, tìm kiếm các mô hình phát triển công bằng và liên đới. Chúng ta muốn chăm sóc “ngôi nhà chung” của chúng ta ở Amazon và chúng ta đề nghị các cách mới để làm như vậy.



Hướng tới một hệ sinh thái toàn diện theo thông điệp Laudato Si’

a. Các mối đe dọa chống lại sinh quần vùng Amazon và các dân tộc của nó

66. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trái đất như một quà phúc và như một nhiệm vụ, để chăm sóc nó và trả lời cho nó; chúng ta không phải là sở hữu chủ của nó. Hệ sinh thái toàn diện có nền tảng của nó trong sự kiện này “mọi sự vật đều có liên hệ mật thiết với nhau” (LS 16). Do đó, sinh thái và công bằng xã hội hợp nhất với nhau từ trong nội tại” (x. LDS 137). Với hệ sinh thái toàn diện, một mô hình công lý mới xuất hiện, vì “một cách tiếp cận sinh thái thực sự luôn trở thành một cách tiếp cận xã hội, phải tích nhập công lý vào các cuộc thảo luận về môi trường, để lắng nghe cả tiếng kêu của trái đất lẫn tiếng kêu của người nghèo (LS 49). Như thế, hệ sinh thái toàn diện nối kết việc thi hành chăm sóc thiên nhiên với việc thi hành công lý cho những người nghèo khổ nhất và bị thiệt thòi nhất trên trái đất, vốn là ưu tiên lựa chọn của Thiên Chúa trong lịch sử mặc khải.

67. Điều cấp bách là chúng ta phải đối đầu với việc khai thác không giới hạn “ngôi nhà chung” và các cư dân của nó. Một trong những nguyên nhân chính gây hủy diệt ở Amazon là hoạt động khai khoáng trấn lột, một hoạt động tương ứng với luận lý học tham lam, vốn là của riêng mô hình kỹ trị đang thịnh hành (LS 101). Trước tình hình cấp bách của hành tinh và Amazon này, hệ sinh thái toàn diện không phải là một cách khác nữa để Giáo hội có thể lựa chọn khi đối diện với tương lai của lãnh thổ này; nó là cách duy nhất có thể có, vì không có con đường khả thi nào khác để cứu vãn vùng này. Sự phá phách lãnh thổ luôn đi kèm với việc đổ máu vô tội và kết tội những người bảo vệ Amazon.

68. Giáo hội là một phần của tình liên đới quốc tế, một tình liên đới phải cổ vũ và nhìn nhận vai trò trung tâm của sinh quần Amazon đối với thế thăng bằng của khí hậu hành tinh; nó khuyến khích cộng đồng quốc tế cung cấp các nguồn lực kinh tế mới để bảo vệ và cổ vũ mô hình phát triển công bằng và liên đới, với sự lãnh đạo và trực tiếp tham gia của các cộng đồng địa phương và các dân tộc bản địa trong mọi giai đoạn, từ việc lên kế hoạch đến việc thi hành, tăng cường cả các công cụ đã được khai triển bởi công ước tháng Ba về biến đổi khí hậu.

69. Quả là tai tiếng khi các nhà lãnh đạo và thậm chí các cộng đồng bị kết tội vì một sự kiện duy nhất này: là đòi hỏi quyền lợi của chính họ. Trong mọi quốc gia vùng Amazon, đều có các đạo luật công nhận nhân quyền, nhất là quyền của người bản địa. Trong những năm qua, vùng (Amazon) đã có những biến đổi phức tạp, trong đó, các nhân quyền của cộng đồng bị tác động bởi các quy tắc, chính sách và thực hành công cộng chỉ biết tập chú trước nhất vào việc mở rộng biên giới khai khoáng các tài nguyên thiên nhiên và trong các dự án phát triển cơ sở hạ tầng vĩ đại, gây áp lực lên các vùng lãnh thổ bản địa vốn do tổ tiên họ để lại cho họ. Theo cùng báo cáo, điều này đi kèm với một tình trạng nghiêm trọng của việc đặc miễn (impunity) trong vùng liên quan đến vi phạm nhân quyền và các rào cản để có được công lý (Báo cáo của Ủy Ban Nhân Quyền Liên Mỹ (CIDH / OAS), Các Dân tộc Bản địa và Bộ lạc của Toàn Vùng-Amazon. 5 và 188. Tháng 9, 2019).

70.Đối với các Kitô hữu, việc lưu ý và quan tâm trong việc cổ vũ và tôn trọng sự sống con người, cả cá nhân lẫn tập thể, không phải là điều tùy chọn. Con người được tạo ra theo hình ảnh và họa ảnh của Thiên Chúa Tạo Hóa, và phẩm giá của họ là điều bất khả xâm phạm. Do đó, việc bảo vệ và cổ vũ nhân quyền không đơn thuần là một nghĩa vụ chính trị hay xã hội, mà còn là và trên hết là một đòi hỏi khẩn trương của đức tin. Có lẽ chúng ta không có khả năng thay đổi ngay tức khắc mô hình phát triển mang tính phá phách và trấn lột thịnh hành hiện nay; tuy nhiên, chúng ta cần biết và minh xác, chúng ta đang đứng ở đâu? Chúng ta đứng về phía ai? Chúng ta chấp nhận viễn cảnh nào? Làm thế nào chúng ta truyền tải bằng lời lẽ của mình các chiều kích chính trị và đạo đức của đức tin và cuộc sống? Vì lý do này: a) chúng ta tố cáo việc vi phạm nhân quyền và khai khoáng phá hoại; b) chúng ta chấp nhận và hỗ trợ các chiến dịch giải tư các công ty khai thác liên quan đến tác hại đối với sinh thái và xã hội Amazon, bắt đầu với các định chế giáo hội của chúng ta và cũng liên minh với các Giáo hội khác; c) chúng ta kêu gọi một diễn trình chuyển tiếp năng lượng triệt để và tìm kiếm các giải pháp thay thế: “Văn minh cần năng lượng, nhưng việc sử dụng năng lượng không được phá hủy văn minh!”, (Đức Phanxicô, Diễn văn với những người tham gia Hội nghị “Chuyển tiếp năng lượng và chăm sóc Ngôi Nhà chung”, ngày 9 tháng 6 năm 2018).

Chúng ta đề nghị khai triển các chương trình đào tạo về việc chăm sóc “ngôi nhà chung”, một điều cần được thiết kế cho các tác nhân mục vụ và các tín hữu khác, mở ra cho cả cộng đồng, trong “một nỗ lực nâng cao ý thức của người dân” (LS 214)

b. Thách đố của các mô hình mới phát triển công bằng, liên đới và bền vững.

71. Chúng ta thấy rằng việc can thiệp của con người đã mất hết tính cách “thân thiện” của nó, để mặc lấy một thái độ phàm ăn và trấn lột có xu hướng vắt ép thực tại đến chỗ cạn kiệt mọi tài nguyên thiên nhiên sẵn có. Mô hình kỹ trị có xu hướng đặt để quyền kiểm soát lên nền kinh tế và chính trị (LS 109). Để chống lại điều này, một điều đang gây tổn hại nghiêm trọng cho sự sống, cần phải tìm kiếm các mô hình kinh tế thay thế, bền vững hơn, thân thiện hơn với thiên nhiên, với “của nuôi dưỡng tinh thần vững chắc”. Do đó, cùng với người dân Amazon, chúng ta yêu cầu các Quốc gia ngưng coi Amazon như tủ thức ăn bất tận (xem Fr PM). Chúng ta muốn họ khai triển các chính sách đầu tư đòi bất cứ sự can thiệp nào cũng phải tôn trọng điều kiện này: chu toàn các tiêu chuẩn xã hội và môi trường cao và nguyên tắc căn bản là bảo tồn Amazon. Về phương diện này, điều cần thiết là họ phải có sự tham gia của các Dân tộc bản địa có tổ chức, của các cộng đồng Amazon khác và của các định chế khoa học khác nhau vốn đã đề nghị các mô hình khai thác rừng. Mô hình mới phát triển bền vững phải có tính bao gồm về xã hội, kết hợp kiến thức khoa học và truyền thống để trao quyền cho các cộng đồng truyền thống và bản địa, nơi đa số phụ nữ của họ, và bắt các kỹ thuật này phục vụ phúc lợi và bảo vệ rừng.

72. Vì vậy, đây là việc thảo luận về giá trị thực sự mà bất cứ hoạt động kinh tế hoặc khai thác nào cũng phải có, đó là giá trị mà nó đóng góp và trả lại cho trái đất và xã hội, xem xét sự giàu có mà nó khai thác từ các thực thể này và hậu quả sinh thái và xã hội của chúng . Nhiều hoạt động khai khoáng, như khai mỏ quy mô lớn, nhất là khai mỏ bất hợp pháp, đang làm giảm đáng kể giá trị của sự sống Amazon. Thực thế, chúng xé nát cuộc sống của các dân tộc và thiện ích chung của trái đất, tập trung quyền lực kinh tế và chính trị vào tay một số ít người. Tệ hơn nữa, nhiều dự án phá hoại này được thực hiện dưới danh nghĩa tiến bộ và được sự hỗ trợ - hoặc được phép – của chính quyền địa phương, quốc gia và nước ngoài.

73.Cùng với các dân tộc Amazon (Xem LS 183), chân trời “sống tốt” của họ kêu gọi chúng ta thực hiện cuộc hoán cải sinh thái cá nhân và cộng đồng và một mô hình phát triển trong đó các tiêu chuẩn thương mại không đứng trên các tiêu chuẩn môi trường và nhân quyền. Chúng ta mong muốn hỗ trợ một nền văn hóa hòa bình và tôn trọng - không phải nền văn hóa bạo lực và lạm dụng - và một nền kinh tế tập trung vào con người, nhưng cũng quan tâm đến thiên nhiên. Do đó, chúng ta đề nghị tạo ra các phương thức thay thế lấy từ việc phát triển sinh thái toàn diện, dựa vào viễn kiến vũ trụ từng được thiết kế trong các cộng đồng, khôi phục túi khôn của tổ tiên. Chúng ta hỗ trợ các dự án từng đề nghị một nền kinh tế liên đới và bền vững, tuần hoàn và sinh thái, ở cả bình diện địa phương và quốc tế, ở bình diện nghiên cứu và trong lĩnh vực hành động, trong các bộ phận chính thức và không chính thức. Trong đường hướng này, điều phù hợp là hỗ trợ và cổ vũ các kinh nghiệm của các hợp tác xã sản xuất sinh học, của các khu bảo tồn rừng và việc tiêu thụ bền vững. Tương lai của Amazon nằm trong tay mọi người chúng ta, nhưng nó phụ thuộc chủ yếu vào việc chúng ta từ bỏ ngay lập tức mô hình hiện tại, một mô hình phá hủy rừng, không mang lại phúc lợi mà còn gây nguy hiểm cho kho tàng tự nhiên mênh mông này và những người bảo vệ nó.

Giáo Hội trông coi “ngôi nhà chung” ở Amazon

a. Chiều kích môi trường và xã hội của việc truyền giảng Tin mừng

74. Tùy thuộc tất cả chúng ta trở thành những người bảo vệ công trình của Thiên Chúa. Những người chủ đạo của việc chăm sóc, bảo vệ và bênh vực quyền lợi của người dân và quyền lợi của thiên nhiên trong vùng này là chính các cộng đồng Amazon. Họ là tác nhân của chính số phận họ, của chính sứ mệnh họ. Trong khung cảnh này, vai trò của Giáo hội là vai trò của mọi người. Họ đã phát biểu rõ ràng rằng họ muốn Giáo hội đồng hành với họ, bước đi với họ, nhưng không áp đặt lên họ một cách hiện hữu đặc thù, một cách phát triển chuyên biệt ít liên quan đến các nền văn hóa, truyền thống và linh đạo của họ. Họ biết phải chăm sóc Amazon ra sao, phải yêu thương và bảo vệ nó ra sao; điều họ cần là Giáo hội hỗ trợ họ.

75. Chức năng của Giáo Hội là tăng cường khả năng hỗ trợ và tham gia đó. Vì vậy, chúng ta đề nghị một nền đào tạo có tính đến phẩm chất đời sống đạo đức và tinh thần của mọi người theo viễn kiến toàn diện. Giáo hội phải chăm sóc trước hết các cộng đồng bị ảnh hưởng bởi các thiệt hại về môi trường và xã hội. Tiếp nối truyền thống của giáo hội Châu Mỹ Latinh, trong đó các nhân vật như Thánh Jose de Anchieta, Bartolome de las Casas, các vị tử đạo người Paraguay đã chết ở Rio Grande do Sul (Ba Tây) Roque Gonzalez, Thánh Alfonso Rodriguez và Thánh Juan del Castillo, và nhiều người khác, đã dạy chúng ta rằng việc bảo vệ các dân tộc bản địa của lục địa này gắn liền một cách nội tại với niềm tin vào Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng của Người. Ngày nay chúng ta phải đào tạo các tác nhân mục vụ và các thừa tác viên thụ phong biết nhạy cảm về phương diện xã hội và môi trường. Chúng ta muốn một Giáo hội thả buồm đi vào đất liền và bắt đầu cuộc hành trình của mình xuyên suốt Amazon, cổ vũ một lối sống hài hòa với lãnh thổ, đồng thời, với lối “sống tốt” của những người sống ở đó.

76. Giáo hội nhìn nhận túi khôn của các dân tộc Amazon về tính đa dạng sinh học, một túi khôn truyền thống vốn là một diễn trình sống động và luôn luôn chuyển động. Đánh cắp kiến thức đó là đánh cắp sinh học (bio-piracy), một hình thức bạo lực chống lại các sắc dân này. Giáo hội phải giúp bảo tồn và duy trì kiến thức này cũng như các đổi mới và thực hành của dân chúng, tôn trọng chủ quyền của các quốc gia và luật pháp của họ, các luật pháp quy định việc tiếp cận các nguồn tài nguyên di truyền học và kiến thức truyền thống liên hệ với chúng. Trong chừng mực có thể, Giáo Hội phải giúp các sắc dân đó bảo đảm việc phân phối phúc lợi do việc sử dụng kiến thức đó mang lại, phân phối các đổi mới và thực hành trong mô hình phát triển bền vững và bao gồm.

77. Điều khẩn trương cần đến là các chính sách năng lượng thành công trong việc làm giảm đáng kể lượng khí thải carbon dioxide (CO2) và các loại khí khác liên quan đến việc biến đổi khí hậu. Những năng lượng sạch mới sẽ giúp cổ vũ sức khỏe. Mọi công ty phải thiết lập hệ thống giám sát các dây chuyền cung cấp để bảo đảm sản phẩm họ mua, chế tạo và bán, được sản xuất theo cách thức xã hội và bền vững về phương diện môi trường. Hơn nữa, “việc tiếp cận nguồn nước uống được và an toàn là nhân quyền căn bản, nền tảng và phổ quát, vì nó quyết định sự sống còn của con người và do đó, là điều kiện để thực thi các nhân quyền khác” (LS 30). Quyền này được Liên Hợp Quốc công nhận (2010). Chúng ta cần phải hợp tác với nhau để quyền nền tảng được tiếp cận nước sạch được tôn trọng tại lãnh thổ.

78. Giáo hội chọn việc bảo vệ sự sống, trái đất, các nền văn hóa bản địa Amazon. Điều này hàm nghĩa đồng hành với các dân tộc Amazon trong việc đăng ký, hệ thống hóa và phổ biến các dữ kiện và thông tin về lãnh thổ của họ và tình hình pháp lý của các lãnh thổ này. Chúng ta muốn ưu tiên hóa việc xẩy ra và việc đồng hành để có được việc phân ranh đất đai, nhất là của các sắc dân Cô Lập có Tiếp xúc Ban đầu (PIACI, những người Châu Mỹ nói tiếng Tây Ban Nha) hoặc các sắc dân Cô Lập Tự nguyện (PIAV, những người Châu Mỹ nói tiếng Bồ Đào Nha [Lusophone America]). Chúng ta khuyến khích các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ Hiến pháp về các chủ đề này, bao gồm quyền có nước dùng.

79. Học thuyết xã hội của Giáo hội, một học thuyết từ lâu vốn đề cập tới chủ đề sinh thái, ngày nay được làm cho phong phú hơn bằng một tầm nhìn tổng thể hơn, bao trùm các mối liên hệ giữa các dân tộc Amazon và lãnh thổ của họ, luôn đối thoại với kiến thức và túi khôn của tổ tiên họ. Chẳng hạn, nhận ra cách người bản địa tương quan với nhau và bảo vệ lãnh thổ của họ, như một tham chiếu không thể thiếu để chúng ta quay trở về với nền sinh thái toàn diện. Trong ánh sáng này, chúng ta muốn tạo ra các thừa tác vụ để chăm sóc “ngôi nhà chung” ở Amazon, những thừa tác vụ có chức năng chăm sóc lãnh thổ và nguồn nước cùng với các cộng đồng bản địa, và một thừa tác vụ tiếp khách, đón tiếp những người rời cư từ lãnh thổ của họ vào các thành phố.

b. Một Giáo hội nghèo, với và cho người nghèo ở các vùng ngoại vi dễ bị tổn thương

80. Chúng ta tái khẳng định cam kết của chúng ta trong việc bảo vệ sự sống trong tính toàn vẹn của nó từ lúc thụ thai cho đến lúc suy tàn của nó và phẩm giá của mọi người. Giáo hội đã và đang ở bên cạnh các cộng đồng bản địa để bảo vệ quyền có cuộc sống yên tĩnh của riêng họ, tôn trọng các giá trị của truyền thống, phong tục và văn hóa của họ, bảo tồn các dòng sông và cánh rừng, vốn là những khu vực thánh thiêng, nguồn sự sống và khôn ngoan. Chúng ta ủng hộ các nỗ lực của nhiều người bảo vệ sự sống một cách can đảm trong tất cả các hình thức và giai đoạn của nó. Việc phục vụ mục vụ của chúng ta tạo thành một việc phục vụ sự sống viên mãn của các dân tộc bản địa, một việc phục vụ buộc chúng ta phải công bố Chúa Giêsu Kitô và Tin mừng Nước Thiên Chúa, ngăn chặn các tình huống tội lỗi, các cơ cấu chết chóc, bạo lực và bất công bên trong và bên ngoài và cổ vũ đối thoại liên văn hóa, liên tôn giáo và đại kết.

Các nẻo đường mới để cổ vũ nền sinh thái toàn diện

a. Thách đố tiên tri và sứ điệp hy vọng cho toàn thể Giáo hội và toàn thế giới

81. Việc bảo vệ sự sống của Amazon và các dân tộc của nó đòi hỏi một hoán cải bản thân, xã hội và cơ cấu sâu xa. Giáo hội được bao gồm trong lời kêu gọi học bỏ, học hỏi và học lại (unlearn, learn and releran), do đó vượt qua bất cứ xu hướng nào nghiêng về các mô hình thực dân hóa từng gây hại trong quá khứ. Về phương diện này, điều quan trọng là chúng ta phải ý thức được sức mạnh của chủ nghĩa tân thực dân, hiện diện trong các quyết định hàng ngày của chúng ta và mô hình phát triển đang thịnh hành, một mô hình ngày một lớn mạnh tự phát biểu trong phương thức nông nghiệp độc canh, hoặc các hình thức vận chuyển và phúc lợi ảo từ việc tiêu thụ chúng ta đang hưởng trong xã hội và gây nhiều hệ quả trực tiếp và gián tiếp tại Amazon. Đối diện với những điều này - một thứ chân trời hoàn cầu - với việc lắng nghe tiếng nói của các Giáo hội Chị em, chúng ta muốn chủ trương một nền linh đạo sinh thái toàn diện, để cổ vũ việc chăm sóc sáng thế. Để đạt được điều này, chúng ta phải là một cộng đồng tham gia và bao gồm các môn đệ truyền giáo.

82. Chúng ta đề nghị định nghĩa tội sinh thái như một hành động hoặc thiếu hành động chống lại Thiên Chúa, chống lại người lân cận, cộng đồng và môi trường. Đó là một tội chống lại các thế hệ tương lai và được biểu lộ trong các hành vi và thói quen gây ô nhiễm và phá hủy sự hài hòa của môi trường, vi phạm nguyên tắc liên thuộc (inter-dependence) và phá vỡ các mạng lưới liên đới giữa các tạo vật (Xem Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 340-344) và chống lại đức công bằng. Chúng ta cũng đề nghị thành lập các thừa tác vụ ở cấp giáo xứ và trong từng khu vực tài phán của giáo hội, có chức năng chăm sóc lãnh thổ và nguồn nước, cũng như cổ vũ Thông điệp Laudato Si’, và nhiều điều khác. Đảm nhận chương trình mục vụ, giáo dục và tác động của của Thông điệp Laudato Si’, trong chương V và VI của nó, ở tất cả các bình diện và cơ cấu Giáo hội.

83. Như một cách đền bù món nợ sinh thái mà các quốc gia có với Amazon, chúng ta đề nghị thành lập một quỹ hoàn cầu để trang trải một phần ngân sách của các cộng đồng có mặt ở Amazon; qũi này cổ vũ việc phát triển toàn diện và tự nâng đỡ của họ và do đó cũng bảo vệ họ khỏi các mưu toan trấn lột, luôn muốn bòn rút các tài nguyên thiên nhiên của nó bởi các công ty quốc gia và đa quốc gia.

84. Thực hiện các thói quen có trách nhiệm biết tôn trọng và đánh giá cao các dân tộc Amazon, các truyền thống và túi khôn của họ, bảo vệ trái đất và thay đổi nền văn hóa tiêu thụ quá mức của chúng ta, sản xuất thặng dư cách chắc chắn, kích thích việc tái sử dụng và tái biến chế. Chúng ta phải giảm thiểu sự phụ thuộc của chúng ta vào nhiên liệu hóa thạch và sử dụng chất nhựa hóa học, thay đổi các thói quen ăn uống (tiêu thụ quá nhiều thịt và cá / hải sản) bằng các lối sống đạm bạc hơn. Cam kết tích cực trong việc trồng cây, tìm kiếm các phương thức thay thế bền vững trong nông nghiệp, năng lượng và di chuyển, những phương thức biết tôn trọng quyền của thiên nhiên và của con người. Cổ vũ nền giáo dục sinh thái toàn diện ở tất cả các bình diện, cổ vũ các mô hình kinh tế và sáng kiến mới có khả năng cổ vũ phẩm chất của cuộc sống bền vững.

b. Vọng quan sát xã hội và mục vụ Amazon

85.Lập một đài quan sát mục vụ về xã hội và môi trường, tăng cường cuộc chiến đấu bảo vệ sự sống. Thực hiện cuộc chẩn đoán về lãnh thổ và các tranh chấp xã hội và môi trường của nó trong mỗi Giáo hội địa phương và khu vực, có khả năng có một chủ trương, đưa ra quyết định và bảo vệ quyền của những người dễ bị tổn thương nhất. Vọng quan sát này sẽ hợp tác với Liên Hội Đồng Giám mục Châu Mỹ La Tinh (CELAM), Liên hiệp Tu sĩ Châu Mỹ La Tinh và vùng Caribbean (CLAR), Caritas, Mạng lưới Giáo Hội Toàn Vùng Amazon (REPAM), hàng giám mục quốc gia, các Giáo hội địa phương, các Đại học Công Giáo, Ủy Ban Nhân quyền Liên Mỹ (CIDH), các tác nhân phi giáo hội khác ở lục địa và các đại diện của các dân tộc bản địa. Tương tự như vậy, chúng ta yêu cầu điều này: tại thánh bộ Phục vụ việc Phát triển Con người Toàn diện, một văn phòng Amazon được thiết lập duy trì tương quan với Vọng Quan sát này và các định chế địa phương khác của Amazon.

Kỳ tới: Chương V