Vatican News cung cấp bản tóm lược Phiên họp toàn thể thứ hai vào chiều thứ Hai, 7 tháng 10, của Thượng Hội Đồng Giám Mục về Amazon:

Chiều thứ Hai, ngày 7 tháng 10, công việc thực sự của Thượng hội đồng đặc biệt cho khu vực Toàn-Amazon bắt đầu dưới sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Phiên họp thứ hai kết thúc cuộc bầu cử các thành viên của Ủy ban soạn thảo tài liệu cuối cùng cũng như Ủy ban Thông tin. Tổng cộng có 176 nghị phụ trong Hội trường Thượng Hội Đồng.



Tổng cộng, bốn thành viên được bầu vào Ủy ban soạn thảo tài liệu cuối cùng. Tài liệu này là thành quả suy tư và việc làm của Thượng hội đồng. Việc bầu các thành viên theo đa số tuyệt đối đạt được sau một số đầu phiếu. Các nghị phụ Thượng hội đồng sau đây đã được bầu vào Ủy ban này.

+ Mario Antonio Da Silva, Giám mục Roraima ở Ba Tây
+ Héctor Miguel Cabrejos Vidarte, O.F.M., Tổng Giám mục Trujillo và Chủ tịch Hội đồng Giám mục Peru
+ Nelson Jair Ramìrez, Giám mục San Jose del Guaviare tại Colombia
+ Sergio Alfredo Gualberti Calandrina, Tổng giám mục Santa Cruz de la Sierra ở Bôlivia.

Ba thành viên khác đã được Đức Thánh Cha chọn.

Vị đầu tiên được đề cử là Đức Hồng Y Carlos Aguiar Retes, Tổng Giám mục Mexico City, mặc dù Đức Hồng Y đã từ chối đề cử của mình để ủng hộ việc đề cử một nghị phụ thuộc một trong các Hội đồng Giám mục liên quan trực tiếp đến khu vực Amazon. Do đó, các giám mục sau đây đã được đề cử để làm việc với Ủy ban.

Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Tường Trình Viên và Chủ tịch Thượng hội đồng
Đức Hồng Y Lorenzo Baldisseri, Tổng Thư ký Hội đồng Giám mục

Mario Grech, Phó Tổng thư ký của Thượng hội đồng giám mục
Đức Hồng Y Michael Czerny, Phó Tổng Thư ký của Bộ Cổ Vũ Phát triển Toàn diện Con người
David Martinez, Giám mục Giám quản của Aguirre Guinea

Ba thành viên khác của Ủy ban do Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm sẽ được chính thức hóa trong vài ngày tới.

Bầu thành viên cho Ủy ban Thông tin

Thượng hội đồng cũng bầu theo phương pháp đa số tương đối, những vị tham gia sau đây.

+ Erwin Kräutler, C.PP.S. Giám mục hưu trí Xingu ở Ba Tây.
+ Rafael Cob Garcìa, Giám mục Giám quản của Puyo ở Ecuador
+ ÁngeL Divassón Cilveti, S.D.B., Giám mục giám quản của Puerto Ayacucho ở Venezuela
+ Cha Antonio Spadaro, S.J., Giám đốc của La Civiltà Cattolica

Những danh tính trên thêm vào các quan chức sau đây của Văn phòng Báo chí của Tòa thánh.

Paolo Ruffini, Bộ trưởng Bộ Truyền thông
Cha Giacomo Costa, S.J.
Matteo Bruni, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Tòa thánh
Andrea Tornielli, Giám đốc biên tập của Bộ Truyền thông
Nữ tu Maria Ines Lopes dos Santos, Thẩm lượng viên của Ủy ban Giám mục cho vùng Amazon của Hội đồng Giám mục Ba Tây
Mauricio López Oropeza, Thư ký điều hành của Mạng lưới Giáo hội Toàn-Amazon

Greta Thunberg và chủ nghĩa đấu tranh tuổi trẻ

Tiếp nối với Thượng Hội Đồng Giám Mục về Tuổi trẻ năm ngoái, người ta tìm thấy trong Tài Liệu Làm Việc những suy nghĩ khác nhau về vai trò của Tuổi trẻ trong xã hội. Điều này đặc biệt đúng trong lĩnh vực sinh thái toàn diện, nơi nhiều người trẻ được linh hứng từ gương sáng của Greta Thunberg và do đó đã tham gia vào các cuộc đình công khác nhau chống lại việc biến đổi khí hậu. ‘Giải pháp cho tuổi trẻ’ là một chủ đề chủ chốt theo đó người ta được mời gọi đối thoại bằng cách sử dụng thuật ngữ của họ liên quan đến việc bảo vệ Sáng thế. Cùng với cuộc đối thoại này, là sự cần thiết phải coi trọng các đóng góp xã hội của người trẻ, có khả năng truyền cảm hứng để Giáo hội trở thành tiếng nói tiên tri trong lĩnh vực sinh thái toàn diện. Người ta vốn nói rằng trái tim người trẻ mong muốn tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn, vì giới trẻ ngày nay vốn đại diện cho Học thuyết xã hội 'đang chuyển động'. Hơn bất cứ điều gì khác, giới trẻ ngày nay muốn làm chúng ta biết rằng cần phải thiết lập một mối tương quan mới với Sáng thế , không phải là một mối tương quan bóc lột, mà là một mối tương quan ý thức được những đau khổ của hành tinh. Chủ đề môi trường cũng có một đặc tính đại kết và liên tôn. Đây được coi là một thách thức tích cực đối với Giáo hội, cùng với lời khuyên phải bước vào cuộc đối thoại với giới trẻ, đồng hành cùng họ trên con đường biện phân chân thực để mong muốn bảo vệ hành tinh của họ không đơn giản trở thành một khẩu hiệu của Phong trào Xanh, nhưng thực sự trở thành một vấn đề sống hay chết đối với nhân loại và hành tinh.

Bảo vệ nguồn nước

Một số nghị phụ mời gọi các tham dự viên chú ý tới nhu cầu bảo vệ nguồn nước khỏi ô nhiễm hóa chất, đặc biệt nạn ô nhiễm phát xuất từ một số công ty đa quốc gia. Vấn đề này cũng đụng đến sự sinh tồn của một số sắc dân bản địa và nhu cầu bảo tồn nền văn hóa của họ theo những con đường truyền giảng tin mừng mới mẻ. Các hoạt động khổng lồ của kỹ nghệ khai thác mỏ được ghi nhận trong nhiều can thiệp tại Hội trường Thượng Hội Đồng, đặc biệt, một số hành vi lạm dụng của một số nhóm gây hậu quả có hại cho người dân bản địa sống ở Amazon. Vì điều này, nhiều giám mục đã nhấn mạnh đến sự cần thiết phải bảo vệ mọi thứ quyền, bất kể là nhân quyền hoặc quyền môi trường. Lý do của điều này là để có được một hệ sinh thái tòan diện thực sự, người ta phải tìm lại sự cân bằng giữa loài người và thiên nhiên.

Nhiên liệu hóa thạch và vấn đề về thay đổi khí hậu

Tầm nhìn của Hội trường Thượng Hội Đồng sau đó chuyển sang vấn đề thay đổi khí hậu và hậu quả của nó đối với môi trường. Khí hậu là một thiện ích hoàn cầu, một lợi ích chung cần được bảo vệ và bảo tồn cho các thế hệ tương lai. Một trong những gợi ý được đưa ra là ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, trước hết, ở các nước đã kỹ nghệ hóa nhiều hơn vì họ chịu trách nhiệm lớn hơn về vấn đề này. Trong Hội trường Thượng Hội Đồng, các suy tư được chia sẻ về cách để vượt qua các hình thức khác nhau của chủ nghĩa thực dân, vốn là đặc điểm của phần lớn các phái bộ truyền giáo của các thế kỷ trước, nhường bước cho các cách bảo tồn bản sắc văn hóa Amazon. Trên thực tế, mỗi nền văn hóa đều có những đóng góp đặc thù cho tính Công Giáo của Giáo hội, do đó cung cấp một tính bổ sung nào đó vào bản sắc của Giáo hội. Trích dẫn Thánh Gioan Phaolô II, một số nghị phụ Thượng hội đồng nhắc nhở các tham dự viên rằng chính Chúa Kitô là người sinh động hóa trung tâm của mọi nền văn hóa. Do đó, người ta có thể coi Giáo hội như một hệ sinh thái phức hợp với “một đa dạng sinh học tâm linh tuyệt vời”, được phát biểu trong các cộng đồng khác nhau, các biểu thức văn hóa từng tạo nên đời sống thánh hiến và các thừa tác vụ khác nhau trong Giáo hội. Nhiều tham chiếu đã nhắc đến Thánh Phaolô như là vị Tông đồ đầu tiên của Hội nhập Văn hóa, người đã tự biến mình thành “Hy Lạp cho người Hy Lạp” [xem 1 Cr 9: 19-23].

Các Nghi lễ bản địa

Chủ đề Các Nghi lễ bản địa là một chủ đề khác được một số nghị phụ của Thượng hội đồng đề cập. Một trong các nghị phụ của Thượng hội đồng đề nghị rằng Giáo hội có thể xem xét một cách chính đáng rằng các khía cạnh nào của nền văn hóa bản địa không liên kết với mê tín có thể được hòa hợp với tinh thần phụng vụ. Từ đó, gợi ý đã được đưa ra, cho rằng nên bắt đầu ở vùng Amazon một diễn trình chia sẻ các kinh nghiệm của những cộng đồng bản địa đã cử hành các nghi thức phụng vụ phản ảnh sự hội nhập văn hóa, thí dụ, Bí tích Rửa tội, Hôn phối và Truyền chức linh mục. Theo cách đó, đề xuất đã được đưa ra nhằm thiết lập, để thử nghiệm, một Nghi lễ của người Amazon. Điều này sẽ phù hợp với việc biện phân thần học thực sự, cả về phụng vụ lẫn về mục vụ, để tạo ra Nghi lễ Amazon Công Giáo biết sống và tôn vinh đức tin vào Chúa Kitô. Làm căn bản cho các suy tư này trong Hội trường Thượng hội đồng, là điểm cho rằng một hệ sinh thái môi trường hiện hữu ở đó thế nào, thì một hệ sinh thái giáo hội cũng hiện hữu ở đó như vậy.

Vấn đề các ‘Viri Probati’

Một số can thiệp cũng đề cập đến vấn đề của điều vốn được gọi là viri probati. Tài Liệu Làm Việc đề xuất ý niệm viri probati như một cách để đảm bảo việc cử hành thường xuyên các bí tích trong các khu vực thiếu linh mục cách nào đó. Dù một can thiệp nhấn mạnh đến việc điều này không được dẫn đến việc sửa đổi đáng kể về bản chất của chức linh mục và mối tương quan của nó với luật độc thân như đã được dự kiến trong Nghi lễ Latinh của Giáo hội. Cùng với những can thiệp này là gợi ý muốn phát triển một ơn gọi mục vụ giữa các người trẻ bản địa để cổ vũ việc truyền giảng tin mừng ở những vùng xa xôi nhất của Amazon. Điều này được thực hiện để không tạo ra một loại ‘người Công Giáo hạng nhất’, những người dễ dàng tiếp nhận các bí tích, nhất là Bí tích Thánh Thể, trái ngược với điều gọi là ‘ người Công Giáo hạng nhì’, những người phải chờ đợi lâu mới được tiếp nhận Bí tích Thánh Thể. Ở một số nơi của Amazon, nhiều người phải chờ đợi hơn hai năm mới được nhận lãnh các Bí tích.