Thích bàn thờ sơn son thiếp vàng

Nhìn chung, các tôn giáo có tổ chức ở Mỹ vẫn đang mất dần các thành viên. Nhưng xem ra những người trẻ nào tìm kiếm tôn giáo đều bị lôi cuốn vào một hình thức tôn giáo nghiêm ngặt hơn, theo lối cũ hơn. Do Thái giáo chính thống đang trở nên phổ biến với giới trẻ Mỹ ngày nay hơn các giáo phái Do Thái tự do khác. Phần lớn người Mỹ gốc Do Thái thuộc phái cải cách hoặc bảo thủ đều trên 50 tuổi, trong khi đa số người Do Thái Chính thống ở đây đều dưới 40. Không phải chỉ vì gia đình Do Thái Chính thống đông con hơn. Tỷ lệ ở lại và trở lại Do Thái giáo chính thống cao hơn nhiều so với hai thập niên trước đây. Các thành viên của các giáo phái Thệ Phản “cấp tiến” như giáo phái Luthêrô đang già đi nhanh chóng trong khi các hệ phái Kitô giáo chuộng tín điều hơn như giáo phái Báptít, các Kitô hữu Chính thống, có các tín hữu trẻ hơn. Một nghiên cứu đáng lưu ý cho thấy: lớp tuổi Thiên niên kỷ (Millennials), dù là Thệ Phản hay vô thần, đã bị thu hút bởi các Giáo Hội có những bàn thờ mạ vàng kiểu xưa và phong cách thờ phượng cổ điển hơn các kiểu hiện đại. Người Mỹ trẻ tuổi thường có sác xuất nhiều hơn những người cao niên của họ tin vào các yếu tố cốt lõi của niềm tin tôn giáo truyền thống như thiên đàng và hỏa ngục, phép lạ và thiên thần, và những người trẻ tuổi có tôn giáo có nhiều sác xuất hơn những người lớn tuổi trong việc khẳng định rằng đức tin của họ là “con đường duy nhất thực sự dẫn đến sự sống vĩnh cửu”.



Các nhà thăm dò dư luận cũng đã quan sát thấy rằng những người trẻ tuổi ở Mỹ có vẻ cởi mở hơn cha mẹ hoặc ông bà của họ đối với chủ nghĩa độc đoán, như thể họ có một mong muốn tiềm ẩn muốn được cai trị, để được nhẹ nhõm. Năm 2016, gần một phần tư thanh niên Mỹ nói với các nhà nghiên cứu của Harvard rằng dân chủ là điều “xấu” đối với đất nước - năm 1995, chỉ có khoảng 10 phần trăm thanh niên nói điều đó - và họ nhất quán có nhiều sác xuất hơn những người lớn tuổi hơn họ nói nhà kỹ trị hoặc các nhà lãnh đạo mạnh mẽ nên điều hành nước Mỹ, ngay cả khi điều đó có nghĩa là loại bỏ các cuộc bầu cử. Bạn của tác giả tên Josh, một người mới trở lại Công Giáo, nói với bà rằng anh ta bị lôi kéo vào Giáo Hội chính vì Giáo Hội không “tổ chức bỏ phiếu để xác định sự thật”.

Một số người cho tác giả hay nói rằng người Mỹ sẽ trở nên tôn giáo hơn là điều không đúng sự thật. Họ trích dẫn các cuộc thăm dò cho thấy Thế hệ Z là thế hệ ít tín điều và vô thần nhất từ trước đến nay. Nhưng sự thật là rất khó hiểu người trẻ Mỹ. Bạn có thể tìm thấy các cuộc thăm dò và câu chuyện tin tức cho thấy họ có mềm dẻo hơn về phái tính, nhiều cam kết hơn đối với các vai trò phái tính truyền thống, nổi loạn hơn, câu nệ hơn và đạo đức hơn về ma túy và tình dục, tốt hơn với tiền bạc, lười biếng hơn. Điều này có thể phản ánh các mâu thuẫn nội tâm, loại mâu thuẫn khiến một số phụ nữ trẻ mà tác giả hân hạnh được gặp đi tìm một câu trả lời đơn giản hơn.

Có người trẻ cho tác giả hay: cô từng đưa ra một loạt quyết định, đôi khi được những vị cao niên hay bạn bè khuyến khích, nhưng khi cô vừa cảm thấy thoải mái trong đó, thì một biến cố nào đó đến làm cô khựng lại, làm cô nôn mửa, rồi lại phải bắt đầu làm lại...

Trở lại với Tori. Tác giả cho hay năm ngoái, Tori được chẩn đoán mắc chứng động kinh và được giải ngũ sớm. Cô coi việc chẩn đoán này như một dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa muốn cô di chuyển nhanh hơn, và trong vài tháng, cô chuyển đến “một nhà biện phân” gần thành phố Kansas được thành lập cho những phụ nữ trẻ muốn biết làm một nữ tu là như thế nào. Được tài trợ bởi các giáo phận Công Giáo khắp nước, những nhà này thường là bước đầu tiên trước khi chính thức bước vào một cộng đồng tu trì. Tại Gratia Plena, nhà biện phân của Tori, các phụ nữ trẻ sống gần như không có tài sản có trước nào, bốn phòng ngủ, hai người nằm trên một chiếc giường đôi. Họ làm những việc thường ngày trong khi dành thời gian với các nữ tu vào ban đêm.

Tori đang xem xét dòng Phanxicô, là các cộng đồng khó khăn trong đó, các nữ tu hàng ngày phải đọc một loạt những lời cầu nguyện kéo dài hàng giờ. Khi họ không tôn thờ Chúa Kitô, các nữ tu thường lau chùi tu viện, phục vụ người nghèo bằng cách làm việc tại bếp nấu súp hoặc bệnh viện, chuẩn bị bữa ăn – các bữa tối có thể là hai lát bánh mì, phô mai, trái cây và một tách trà lúa mạch, hoặc chơi các trò chơi với nhau. Thánh Phanxicô thành Assisi, Thánh Quan thầy của họ, đã tận hiến sống khó nghèo đến nỗi đôi khi ngài cho hết tài sản và chỉ sống bằng củ cải; còn các nữ tu Phanxicô thì mặc những chiếc áo chùng thắt bằng sợi dây, gọi là “dây lưng người nghèo”.

Tori nói với tác giả: “tôi rất phấn khích. Tôi hết sức mong mỏi điều này. Tôi không muốn gì hơn là thoát khỏi mọi thứ”.

Đức vâng lời mới khó khăn

Tác giả tự hỏi liệu các nữ tu lớn tuổi hơn Tori có trải nghiệm cuộc sống giống như Tori không. Nên bà đã tìm gặp các vị này, những vị đã dành nhiều năm làm nữ tu Công Giáo, một số vị đã cả một phần tư thế kỷ nay. Họ háo hức muốn nói - ít nói về mối quan hệ của họ với Đấng thần thiêng hơn là về những thăng trầm hàng ngày của thân phận nữ tu.

Những người đàn bà trên nhấn mạnh họ vốn không sẵn sàng trong việc chuyển tiếp từ “cuộc sống bình thường” của họ. Dì Mary Jo Curtsinger, quê ở Chicago, nhớ lại: “Tôi nhớ không phải đi mua thức ăn cho mình vì một chị khác đã làm “chị tạp hóa” rồi. Bà chưa bao giờ thực sự nhận ra mình đã thìch hành động nhỏ bé, tự lập đến mức nào khi đi siêu thị một mình: “tôi muốn nhìn mọi thứ và quyết định điều mình muốn”. Nữ tu Patrice Colletti, ở Nam Dakota, nói với tác giả rằng bà nhận được một khoản trợ cấp khoảng 85 đô la một tháng cho các nhu yếu phẩm: vớ, giày, dầu gội, kem đánh răng, hoặc một vài chuyến đi xem phim ảnh. Còn muốn theo đuổi một hoạt động tự phát triển như yoga, bà phải giải thích trong một bài luận ngắn với cấp trên về việc nó mang lại lợi ích như thế nào cho bà: “Tôi đã tham dự một chương trình sống đúng mốt (nifty) với giá 110 đô la và chi 10 đô la cho một tấm thảm yoga”. Lớp học rất tốt và bà tiếp tục tập yoga hàng đêm sau khi lớp học đã kết thúc.

Mary Gautier, một giám đốc nghiên cứu của Georgetown về đời sống Công Giáo, nói rằng “Một điều tôi được nghe đi nghe lại từ các nữ tu lớn tuổi là sống độc thân là lời khấn dễ giữ. Lời khấn khó giữ chính là đức vâng lời”. Có nhiều lớp lang trong phẩm trật: Những người phụ nữ được bầu làm “bề trên” có quyền gây ảnh hưởng đến cuộc sống của họ. Các bề trên này có thể chỉ định bạn được đào tạo lại để trở thành một y tá dù bạn đã có bằng luật hoặc chuyển bạn từ thành phố này sang thành phố khác. Khi các thành viên trong gia đình của Nữ Tu Patrice góp tiền mua cho bà một chiếc xe đạp mới, bà được yêu cầu hỏi bề trên tỉnh xem mình có thể nhận nó hay không. Dì Susan Francois kể với tác giả rằng dì phải xin phép để tham dự đám cưới anh trai của dì. Trước khi trở thành nữ tu, dì từng là nhân viên bầu cử của Portland, Oregon. Khi bắt đầu làm nữ tu, dì hầu như không yêu cầu bất cứ điều gì cả, vì thật là nhức nhối khi phải nghe những lời nói trẻ con phát ra từ cửa miệng mình: “dạ thưa, con mua cà rem được không ạ?”

Trong mỗi cộng đồng cá thể, có một cam kết đối với việc ra quyết định của nhóm, một việc rất sôi nổi. Nhà dòng của Dì Patrice Order tổ chức các cuộc họp kéo dài để “biện phân” các lựa chọn, thí dụ như việc phải lựa nhãn hiệu giấy vệ sinh nào các nữ tu nên sử dụng. Dì nhận xét “Sau vài năm sống như một người phụ nữ độc thân, sống độc lập, tự cung tự cấp, một người tự sửa lấy xe, tự lắp ráp chiếc xe đạp của mình, làm việc trong một nghề nghiệp mình yêu thích và có một lô bạn bè và người quen”, Dì bước vào điều Dì mô tả như một sự kết hợp “của một ký túc xá đại học mà không có tiệc tùng vui chơi”, một phòng giam giữ bồi thẩm đoàn và một phiên tòa – của chính Dì. Dì giải thích: một phần của việc tham gia một cộng đồng tu trì là việc bị các nữ tu hiện tại phán kết mình có “xứng hợp” không. Dì nói: “Chị hãy tưởng tượng là 24 giờ /7 ngày /365 ngày phải tham gia vào một cuộc đánh giá hiệu suất không chỉ về công việc chị làm, mà về toàn bộ cuộc sống của chị”.

Điều giúp nhiều phụ nữ này, ngay từ đầu, là sức mạnh ơn gọi của họ. Với thời gian, họ cho hay: cuối cùng họ đã tiến đến chỗ xem các khía cạnh xuơng xẩu, phàm nhân của việc làm một nữ tu như một phước lành to lớn. Cộng đồng của Dì Patrice trở nên giống như gia đình, hỗ trợ dì vượt qua sự đau khổ do cái chết của mẹ dì mang lại. Dì Susan thấy mình xúc động bất ngờ lúc mừng kỷ niệm 80 năm sống với dòng của một nữ tu. Vị nữ tu cao niên này thực sự sống ở Anh và dì Susan chỉ mới gặp vị ấy một lần trước đây, nhưng vì vị ấy thuộc dòng của dì, nên dì cảm thấy như một người thân yêu. Dì Susan nhớ lại “Khuôn mặt của bà sáng lên khi nhìn thấy tôi”.

Khi tác giả hỏi dì Mary Jo xem dì có tin một ai đó có thể thoát ra khỏi các bất an và đau lòng của thế giới phàm tục khi trở thành một nữ tu hay không, Dì chỉ cười. Cuộc sống tu trì không phải là một lối thoát khỏi thế giới chi đâu. Dì thấy Giáo Hội tương tự như các định chế to lớn khác - như nuớc Anh, mới đảo điên vì Brexit – theo nghĩa cũng phải đối mặt với cùng nỗi lo lắng xao xuyến, tranh luận và thăng trầm nội bộ mà mọi bến lành an toàn về lý thuyết ở mọi nơi trên trái đất đều phải kinh qua. Dì nói với tác giả một cách thẳng thừng “Tôi có cảm thấy an toàn không? An ninh không? Không. An ninh lớn nhất của tôi nằm trong tình yêu của Thiên Chúa, nhưng tôi không biết [dòng của tôi] sẽ như thế nào trong 15 năm tới” - dù Dì tin chắc nó sẽ thực hiện cam kết ‘yêu thương người lân cận của mình”. Khi Dì có tuổi, và những người mới tham gia đã đạt được cân bằng về con số trong cộng đồng của Dì, họ có thể chọn dẫn đưa nó - và cả Dì nữa - theo một hướng hoàn toàn khác.

Dì Patrice cũng đã trải qua những khủng hoảng về đức tin. Dì được phân công dạy tại một trường trung học trong một khu của người Mỹ bản địa bị tàn phá bởi nạn thiếu niên tự tử, buộc Dì phải đối đầu gay gắt với các giới hạn của sức mạnh Thiên Chúa và của chính dì. Và sau khi bị thương cột sống dẫn đến chứng đau dây thần kinh liên tục, vẫn đang ngăn trở bước đi của dì, dì rơi vào trầm cảm sâu xa đến nỗi, dì viết cho tác giả, dì cảm thấy “khá chắc chắn mình muốn 'thoát khỏi' mọi thứ, không chỉ là việc làm nữ tu”. Nay, Dì cảm thấy đức tin của mình ngày càng sâu sắc, bén rễ sâu xa hơn trong cảm thức thấy Thiên Chúa muốn dì trân quí “cuộc sống thực tế” với mọi thú vui và khó khăn của nó. Việc giáp mặt này là một phần trong “ơn cứu rỗi của Người”. Dì nói, Dì không quan tâm đến việc “không bao giờ có những đoàn thiên thần ca hát” lúc dì cầu nguyện, hay những ngọn nến đạo hạnh bỗng sáng lên.

Không phải chỉ do xúc cảm

Một năm sau khi gặp Mackenzie, người thiếu nữ ở Maryland, người đã thực tập với Dòng của Mẹ Teresa, tác giả gọi cho cô để kiểm tra tiến trình tu trì của cô. À, về điều này, cô cho hay. Cô đã tham dự một khóa tĩnh tâm biện phân, trong đo, cô nói với một trong các nữ tu rằng cô muốn nhập dòng ngay tức khắc. Cô nói với một phụ nữ lớn tuổi hơn “con biết đây là điều con muốn làm. Hãy ban cho con tu phục ngay bây giờ”. Vị nữ tu khuyên cô từ từ thôi. Mackenzie nhớ lại, “Vị ấy nói rằng tôi cần phải cầu nguyện nhiều hơn và dành vài năm cho việc ấy” vì đây là một sự lựa chọn thực sự lớn lao. “Thoạt đầu, tôi rất buồn. Tôi muốn một phần trong cuộc đấu tranh của tôi sớm kết thúc. Nếu bố chị hoặc bất cứ ai bảo chị tạm hoãn, chị hẳn sẽ không nghe. Nhưng vì lý do nào đó, khi một nữ tu nói với chị điều gì đó, chị như thể, OK. Thế là, tôi đã chờ”.

Cô trở về Ave Maria, trường đại học của cô ở Florida, một khuôn viên tôn giáo nhấn mạnh việc cầu nguyện hàng ngày. Cô định bám lấy con đường biện phân, nhưng một ngày nọ, vào đầu năm học, một cậu trai đặt khay nhựa của cậu xuống cạnh cô trong phòng ăn. anh thú nhận Anh vốn đã để mắt đến cô quanh khuôn viên trường từ lâu.

Cô nói “Chúng tôi nối kết ngay. Chúng tôi có mối liên kết này, một điều tôi không nghĩ chị có thể kiểm soát được”. Họ nói giỡn với nhau. Họ nghe nhạc và nói về mối quan tâm của họ đối với thần học. Chàng trai là một anh chàng nghiêm túc, lên lịch trình nói chuyện để hàn huyên về các cảm xúc của họ, và điều làm cô ngạc nhiên là cô hết sức yêu thích việc này. Cô không biết một con người nhân bản nào lại có thể có ý hướng đến thế, một phẩm chất mà cô chủ yếu gán cho Thiên Chúa. Chẳng mấy chốc, họ quyết định hẹn hò nhau.

Cô lo lắng: Liệu đây có phải là một mối liên hệ quá rối rắm hay không? Còn việc biện phân của cô thì sao? Cô cũng cảm thấy thường hay thất vọng ở người bạn trai. Thỉnh thoảng “chàng lại nói những điều tôi muốn chàng nói đúng lúc. Và chàng lại thẳng thừng, gần như là một lỗi lầm”. Khi cô và bạn trai cãi nhau, cô không biết chắc chắn chàng có quay trở lại hay không. Điều đó làm cô điếng hồn. Nhưng lúc riêng tư, cô bắt đầu cảm thấy ấm áp trước bí ẩn yêu một con người cũng có các thương tích và khuyết điểm như mình. Cô đã trải nghiệm niềm vui trong lòng không hẳn là bất chấp các bất trắc, nhưng chính vì những bất trắc này.

Sau khi mô tả vẻ đẹp của mối liên hệ ấy trong 20 phút, Mackenzie báo tin ngay rằng cô và bạn trai của cô gần đây đã chia tay nhau. Cô nói cô đã giật mình thấy mình đã nghĩ về mối liên hệ ấy cách quá tích cực. Cô thừa nhận cô thực sự đau lòng. “Nhưng sau khi tôi có mối liên hệ này với người này, mặc dù chúng tôi đã chia tay nhau, và chia tay thật khó khăn, niềm mong muốn kết hôn vẫn còn ở lại. Cái lòng mong muốn được yêu ấy. Nó giống như thể, ‘chà, tôi muốn điều này. Tôi muốn có một gia đình’”. Cô không còn lưu ý tới các dòng tu nữa. Cô vừa nói vừa cười qua đường dây điện thoại: Dù vẫn còn yêu mến Thiên Chúa, cô tìm thấy “sự phấn khích” bất ngờ trong việc giữ được niềm hy vọng tìm thấy một điều trần tục và bất toàn. Cô hỏi tác giả “Há đây không phải là một loại đức tin điên khùng hơn hay sao, theo cái lối suy nghĩ lạ đời này?”

Mặc cả trước một quyết định mênh mông

Một số lần trong suốt các cuộc gặp gỡ của tác giả với Tori, bà nghĩ bà nghe thấy một dấu hiệu lo lắng trong giọng nói của Tori trước sự mênh mông trong những gì cô dự tính. Ngày tác giả gặp cô và Rachael, người bạn cũng rất thông minh của Tori, nhưng lận đận đường tình, có lúc muốn đi tu “vì hận” nhưng lại thôi và tiếp tục hy vọng tìm được người tình lý tưởng, Tori sắp đi làm tóc như đã hẹn. “Dĩ nhiên do tính phù phiếm của mình, nhưng điều tôi không mong muốn chút nào là từ bỏ mái tóc của tôi”, Tori nói thế. Một số dòng tu cô đang cân nhắc đòi các nữ tu của họ cạo trọc đầu. Và mặc dù cô cho tác giả hay cô sẵn sàng chấp nhận ý tưởng từ bỏ một người chồng và những đứa con – “tôi không còn có cùng mong muốn có gia đình như tôi quen có trước đây” - cô thú nhận, cô vẫn cảm thấy nhói tim khi nhìn thấy các bé thơ.

Sau khi cảm thấy Chúa gọi vào đời tu trì, Tori xin Người hai điều. Cô cầu nguyện “Lạy Chúa, khi Chúa cầu hôn, con xin Chúa làm cho con yêu Chúa mê mệt và trọn vẹn”. Cô muốn Chúa gửi cho cô một dấu hiệu cuối cùng, cho thấy trở thành một nữ tu là điều cô nên làm với cuộc sống của cô...

Cô cũng yêu cầu được gặp người bạn trai lý tưởng trước khi bước vào đời tu. Cô muốn cảm thấy chắc chắn rằng mình không cam kết vì những lý do mà Rachael đã có, cô đơn và hận đời. Cô cầu nguyện “Lạy Chúa, Chúa có thể vui lòng trước nhất ban cho con người đàn ông hoàn hảo được không? Con sẽ không bao giờ còn nghi ngờ nữa”.

Tuy nhiên, sau đó, cô đã rút lại yêu cầu đó. Cô đã không tìm được người đàn ông hoàn hảo, nhưng cô nhận ra rằng cô “hoàn toàn ích kỷ” khi đặt bất cứ điều kiện tiên quyết nào lên việc tận hiến cho Thiên Chúa. Nếu chị mong đợi Người yêu chị vô điều kiện, thì chị cũng phải yêu kế hoạch của Người dành cho chị không cần bất cứ điều kiện nào.

Điều nghịch lý là, khi đã trở nên cứng cáp hơn trong việc biện phân của mình, những người bạn của Tori bắt đầu tìm tới cô để xin lời khuyên về liên hệ. Là nữ tu sĩ tương lai, thế mà cô lại có thể trình bầy các sứ điệp duy nữ nhất về tình yêu, với rất ít cảnh giác. Về các bạn trai của họ, bạn bè của cô thường hỏi: “chị có nghĩ việc anh ta làm là vô lý không?” Chuyện gì sẽ xảy ra nếu họ bỏ rơi một anh chàng có vấn đề và sau đó không tìm được một người nào khác? Điều gì sẽ xảy ra nếu chấp nhận những điều không hợp lý là một phần của việc làm người trưởng thành? Các câu trả lời của Tori lên sức mạnh cho họ. Cách các bạn trai đôi khi đối xử với họ thường vô lý và không hợp tình hợp lý. Cô biết tình yêu vô điều kiện giả thiết phải như thế nào.

Tất nhiên, câu hỏi khó trả lời vẫn còn đó: Người yêu của Tori có thực sự ở đó không? Hay Người cũng chỉ là một phiên bản khác của người tình thơ mộng (bae) giả tưởng, được hỗ trợ bởi một định chế đáng nể với một lịch sử lâu dài? Đôi khi điều xem ra như một cách giải quyết vấn đề thực sự lại có thể tăng bội vấn đề ấy, và đôi khi tác giả tự hỏi liệu những phụ nữ trẻ mà bà nói chuyện với có muốn trở thành nữ tu hay không vì họ nhận ra sự bất lực tự mình xây dựng cuộc sống hoàn hảo của mình - hoặc có phải ta vốn không có cách nào triệt để hơn để nhắm đến sự hoàn hảo đó. Dù chúng ta rất nhỏ bé trong tầm mắt của Thiên Chúa, nhưng việc chấp nhận ý tưởng cho rằng Người cầm chịch chương trình không có nghĩa là những gì chúng ta làm đều là một sự lãng phí thời gian không thể cứu vãn.

Khoảng cuối buổi chiều tác giả nói chuyện với Tori và Rachael, một người bạn khác của họ, người có tên là Natalie, ghé qua. Rachael nhân dịp này nói với Natalie về một người bạn trai mới tuyệt vời, đó là người anh trai Adam của Tori, người đã sưởi ấm lại mối liên hệ thân thiết với Tori. Tori đã sắp xếp cho hai người. Ở hành lang, Natalie reo lên và vỗ tay. "Ôi trời ơi! Chị có hạnh phúc không?"
Rachael nói một cách đồng loã “Chúng tôi rất hạnh phúc”, và vội vàng chạy tới Natalie để khoe các tấm hình chụp hai người trên điện thoại.

Natalie nhận xét: “Chị trông thật xinh đẹp”.

Tori, tha thẩn ở bàn nhà bếp, nói đùa với tác giả rằng đôi khi cô ước ao có thể đăng hình Chúa Giêsu, người yêu dấu của mình lên Facebook như cách bạn bè của cô kỷ niệm mối liên hệ của họ. Cô nói với tác giả: “Tôi không muốn mang máy ảnh vào cung thánh giáo đường. Nhưng đôi khi tôi như muốn nói, ‘Nhìn kìa! Nhìn vị hôn thê đẹp trai của tôi kìa’”.

Cô lớn tiếng nói với các bạn. Cô bảo “Bạn trai của tôi đã viết cho tôi bức thư tình tuyệt nhất. Cả một cuốn sách. Kinh thánh đó”. Hai cô gái kia cười chiếu lệ, rồi quay lại xem các bức hình của Rachael.

Tori phải từ bỏ rất nhiều để trở thành một nữ tu. Cô nói khi lái xe trở về nhà mẹ “Tôi phải công nhận rằng đây không phải là một việc chuyển tiếp dễ dàng. Đây là một việc chuyển tiếp khó khăn, nhưng là một chuyển tiếp tôi sẵn sàng chấp nhận”. Giọng nói của cô ấy rất rõ ràng từng tiếng và cô chằm chằm nhìn về phía trước, gần như thể đang nhấn mạnh một lời khấn hứa với chính mình.

Trước đây một tháng, tác giả gửi email cho Tori để hỏi xem sự việc diễn tiến ra sao tại nhà biện phân ở Kansas. Cô nói với tác giả đã thực sự bỏ nhà đó. Cô nói rằng trải nghiệm ở đó có những “khoảnh khắc khó khăn và những khoảnh khắc vui tươi”. Nhưng cô vẫn còn cần nhiều sự rõ ràng hơn nữa về tương lai của mình. Vì vậy, cô đã cất đồ đạc của mình vào kho và lên đường từ Núi Katahdin ở Maine để đi quá giang xe dọc Đường mòn Appalachian. Ở đấy, sẽ chỉ có cô, thiên nhiên và Thiên Chúa.

Lần đầu khi nghe kế hoạch đó, một ngày trước khi cô ấy lên đường, tác giả khá giật mình. Sự tiến triển của cô ấy đối với việc trở thành một nữ tu đã rất kiên định. Nhưng rồi, khi tác giả nghĩ nhiều hơn về nó, bà thấy đó dường như cũng là sự lựa chọn hoàn hảo đối với người phụ nữ mà tác giả có dịp quen biết – vừa nhất quyết trèo cao hơn để tìm kiếm vị Thiên Chúa mà cô yêu thương, vừa không chắc chắn.