Ai cũng coi xu hướng thế tục hóa là một sự kiện tất yếu của lịch sử và càng ngày càng có nhiều thăm dò cho thấy giới trẻ hiện nay càng ngày càng xa rời các tôn giáo định chế, kể cả các niềm tin tôn giáo, để chạy theo những thứ như chiêm tinh (astrology) và trái cầu phalê (crystals) (xem https://www.latimes.com/health/la-he-millennials-religion-zodiac-tarot-crystals-astrology-20190710-story.html). Thế nhưng trên HuffPost ( https://www.huffpost.com/highline/article/millennial-nuns/

July 11, 2019), Eve Fairbanks, một người Do Thái Giáo, lại có một tường trình và nhận định khác: “Behold, the millennial nuns: More and more young women are being called to the religious life, after 50 straight years of decline. What on earth is going on?” (Hãy chú ý, các nữ tu thiên niên kỷ: Ngày càng có nhiều phụ nữ được kêu gọi sống cuộc sống tu trì, sau suốt 50 năm xuống dốc. Chuyện gì đang diễn ra trên trái đất đây?).

Theo tác giả, ở cuối những năm trung học chuyên về khoa học thuộc thập niên cuối cùng của thế kỷ trước, bà bỗng nhận ra một hiện tượng mới lạ: một số bạn cùng lớp của bà chuyển sang đức tin Công Giáo.

Điều ấy làm bà ngạc nhiên. Vì trường trung học của bà rất thế tục, thế tục một cách đầy phô trương. Họ có một bức tượng thép dựng trên bãi cỏ phía trước mô tả chiến thắng của luận lý toán học. Chủ tịch lớp cao cấp của bà mặc một bộ trang phục máy tính khổng lồ để dự các trận bóng đá. Khi lớp học về chính phủ của bà tổ chức một cuộc tranh luận về phá thai, chỉ có hai trong số 18 học sinh tình nguyện tranh luận cho chính nghĩa “phò sự sống”.

Và gần cuối những năm 2000, một nửa tá bạn cũ vốn là những người hoài nghi một cách có luận lý và những người sành internet theo xu hướng cấp tiến đã trở nên người tôn giáo sâu sắc. Một số người trong số này vốn chỉ nhận được một nền giáo dục Công Giáo lỏng lẻo. Họ viết blog. Họ viết bài đăng trên Facebook nói về việc họ trở lại và chia sẻ các điều người ta vốn tương truyền về kế hoạch hóa gia đình không dùng biện pháp tránh thai.

Một bạn cùng lớp Công Giáo đi mở một trang trại hữu cơ với chồng và bảy đứa con của mình, đồng thời vận động cho những thứ phe tả rất thích, như sữa chua con nít không biến đổi gen (GMO) để tưởng nhớ Chánh án tối cao Antonin Scalia và những bức hình pizza tự chế có hoa văn nước sốt cà chua nhằm giống như các vết thương của Chúa Giêsu trên thập giá.

Meg, bạn của bà, người được mọi người chú ý tại các cuộc vui chơi ở trường, bắt đầu tự gọi mình là một “Kẻ đi rong vì Chúa Kitô” (hobo for Christ). Cô ấy đi du lịch khắp thế giới và kiếm tiền từ những bài phát biểu trên blog mà ý chính là việc truyền giảng Tin Mừng sâu sắc. Cô ta viết trong một bài rằng “Thiên Chúa đang yêu cầu một thứ môn đệ triệt để”. Cô ta cũng nghĩ đến việc trở thành một nữ tu Công Giáo.

Hiện trạng Đạo và giới trẻ

Những người này làm bà tò mò, vì bà nghĩ họ không thích hợp với những chuyện họ đã hoặc đang hướng tới. Theo bà, Hoa Kỳ đang trên đà từ từ trôi dạt về phía cấp tiến. Các cuốn sách được xuất bản về vận mệnh nhân khẩu học của Hoa Kỳ thích cảnh báo những người tôn giáo phải nên sợ giới trẻ. Suy nghĩ này cho rằng mỗi thế hệ nối tiếp nhau đều muốn thực thi nhiều sự lựa chọn hơn về những gì họ ăn, về cách họ sống, về người họ yêu, về các giấc mơ của họ, về cả các sự thật của họ nữa. Giới trẻ không quan tâm đến truyền thống hoặc ràng buộc đạo đức.

Đạo Công Giáo dường như đặc biệt lạc bước đối với cuộc sống đương thời của người Mỹ. Đạo Thệ Phản dễ dàng thoả hiệp với hiện đại hơn và với một Chúa Giêsu thân thiện, huấn luyện người ta sống đời (life coach-esque). Và cả các cộng đồng Công Giáo cấp tiến cũng yêu cầu phải phục tùng một vị giáo hoàng đội vương miện vàng, người mà về mặt thần học vốn không thể sai lầm và là người được chọn bởi hơn một trăm người đàn ông, chỉ toàn đàn ông.

Dường như vì thế mà Đạo Công Giáo gặp khủng hoảng. Một cuộc thăm dò của Trung tâm nghiên cứu Pew năm 2008 cho thấy, vào cuối thế kỷ 20, Đạo Công Giáo mất nhiều tín hữu hơn bất cứ tôn giáo nào khác ở Hoa Kỳ. Khoảng một phần ba người Mỹ được nuôi dạy trong đức tin Công Giáo báo cáo rằng họ đã lìa bỏ Giáo Hội.

Sự co cụm ảnh hưởng đến cả các nhân viên Giáo Hội – hàng linh mục và cộng đồng nữ tu của Giáo hội. Năm 1965, nước Mỹ có 180,000 nữ tu Công Giáo vĩnh khấn, một thuật ngữ chỉ các phụ nữ đã cam kết sống cuộc sống khiết tịnh, nghèo đói, vâng lời và phục vụ Giáo Hội. Đến năm 2010, con số đó đã giảm xuống dưới 50,000. Năm 2009, nhiều nữ tu Công Giáo ở Mỹ ngoài 90 tuổi hơn là dưới 60 tuổi.

Tình hình thay đổi...

Nhưng tình hình ấy dường như bắt đầu được đảo ngược ngay vào khoảng thời gian bà bắt đầu chú ý đến niềm tin đang nảy nở nơi các bạn học cấp ba của mình. Sau 50 năm suy sụp, số lượng phụ nữ trẻ tuổi “đang biện phân cuộc sống tu trì” - hay trải qua một diễn trình lâu dài để trở thành nữ tu Công Giáo - đang tăng lên đáng kể. Năm 2017, 13 phần trăm phụ nữ từ 18 đến 35 tuổi trả lời một cuộc thăm dò thống thuộc Đại học Georgetown về người Công Giáo Mỹ báo cáo rằng họ đã cân nhắc việc trở thành nữ tu Công Giáo. Như thế là hơn 900,000 phụ nữ trẻ, đủ để tái cung cấp dân số cho quân đoàn “nữ tu” trong một vài thập niên tương lai, ngay cả khi chỉ một phần trong số họ thực sự trở thành nữ tu.

Và những người khao khát trở thành nữ tu không như những người xưa cũ. Họ đa dạng hơn: 90% nữ tu sĩ Mỹ năm 2009 được nhận dạng là người da trắng; năm ngoái, ít hơn 60 phần trăm những người mới nhập tu viện đã được nhận diện như thế. Họ cũng trẻ hơn: Độ tuổi trung bình để thực hiện bước cuối cùng trong đời sống tu trì cách đây một thập niên là 40. Ngày nay, tuổi ấy là 24. Họ là những đứa con của giai cấp trung lưu một cách bất cân xứng, đôi khi có tham vọng cao và đạt thành tích cao. Những câu chuyện biện phân điển hình trên blog hoặc trên báo chí Công Giáo bắt đầu bằng những dòng như “cô ấy chơi môn lacrosse (môn thể thao dùng vợt để bắt và ném bóng) và đi học ở Đại học Rutgers” hay cô ấy là “một sinh viên tốt nghiệp Harvard với một người bạn trai tuyệt vời”.

Bạn sẽ tìm thấy những người tuổi 20 này, giống như những người tuổi 20 khác, khắp trên Instagram và YouTube. Một số thăm dò thứ dòng tu nào để tham gia trên một trang mạng gọi là VocationMatch.com, về căn bản có thể coi như một ứng dụng hẹn hò dành cho các nữ tu. Bạn có cảm thức rằng những phụ nữ trẻ này hết còn những mối lắng lo kiểu những người đàn bà có tác phong, kiểu cách có thể dự đoán được mà người ta vốn gọi là basic bitch như đăng hình thực phẩm trên Instagram, các môn thể thao đại học hoặc khuôn mặt có râu của Benedict Cumberbatch. Ngược lại, họ chỉ quan tâm viết những “tweets” chắc nịch kiểu “Không có các bí tích, cái chết của bạn được coi như không được chuẩn bị”.

Những phụ nữ trẻ này có một bất ngờ cuối cùng: Họ có xu hướng bảo thủ về mặt tín lý hơn nhiều so với những người đi trước. Nếu bạn đi sâu hơn vào các nguồn cung cấp dữ liệu truyền thông xã hội của họ, qua những bức ảnh lập dị của các nữ tu mặc tu phục nhưng làm dấu (thánh giá) cách lỏng lẻo, bạn sẽ tìm thấy một lòng sùng mộ vững vàng đối với các niềm tin Công Giáo có tính truyền thống nhất. Họ nhiệt tình phản đối việc phá thai. Họ ca tụng đức đồng trinh không phải như một điều cần thiết để có thời gian rảnh rỗi phục vụ Thiên Chúa, cách mà một số nữ tu “cấp tiến” vốn nghĩ, nhưng như một điều gì đó tự nó thánh thiện. Nó là một lối sống khắc nghiệt thực sự phủ mờ thứ chủ nghĩa lạy Chúa ơi phải hưởng tối đa (OMG maximalism) đang thống trị các phương tiện truyền thông xã hội.

Patrice Tuohy, nhà xuất bản các tài liệu hướng dẫn những người đang xem xét cuộc sống tu trì, trong đó có VocationMatch.com, nói với tác giả rằng cách đây không lâu, họ chỉ nhận được khoảng 350 truy vấn mỗi năm qua điện thoại và trực tuyến. Năm ngoái, con số họ nhận được đã lên tới 2,600. Và 60 phần trăm những người phụ nữ đó, Tuohy nói, hỏi rõ ràng xem liệu họ có thể tham gia một dòng buộc họ phải mặc tu phục hay không (hiện nay, chỉ có khoảng 20 phần trăm nữ tu ở Mỹ mặc tu phục). Tuohy cho rằng những phụ nữ trẻ này muốn được lãnh đạo dù họ thích tự do.

Biện phân đời sống tu trì, một diễn trình rơi vào đường tình

Tác giả kể thêm: hai năm trước Meg, kẻ đi rong vì Chúa Kitô, giới thiệu tác giả trên Facebook với một người bạn của cô tên là Tori. Tori vừa đang biện phân để trở thành nữ tu vừa phục vụ trong Quân đội. Là một trung úy, cô chỉ huy những người đàn ông lớn tuổi hơn cô, nhưng khi cô nói chuyện với tác giả qua Skype từ một căn cứ ở Hàn Quốc, trông cô trẻ hơn 23 tuổi. Bộ dã chiến màu xanh lá cây rộng thùng thình trên thân hình gầy gò của cô, mái tóc nâu nhạt của cô nhuộm vàng ở phía dưới, được vén khỏi khuôn mặt bị cháy nắng trở thành một mái tóc đuôi ngựa mỏng manh. Cô ấy nói “ranh mãnh” khá nhiều, thỉnh thoảng chửi tục và tự gọi mình là một “người nhảy dù siêu lừa đảo!” với một cái nháy mắt và giơ ngón tay cái lên chế giễu. Tác giả cho rằng chỉ nói với cô ta vài phút đủ để nghĩ: Người phụ nữ này mà muốn trở thành một nữ tu sao? Lúc còn ở trường trung học, cô nổi tiếng ham nhẩy, nhẩy như điên, không hạn chế trong các tiệc vui. Cô vẫy xe xin đi quá giang dọc đường, chèo thuyền và giỏi túc cầu đến độ giành được một vị trí trong đội ngũ phát triển chuyên nghiệp. Trên trang Facebook của mình, người ta nhìn thấy những bức ảnh trong đó cô lén xuất hiện (photobombing) giữa một nhóm đang đi trượt tuyết, lè lưỡi trước máy ảnh. Cô luôn cho rằng mình sẽ kết hôn, có con và làm việc như một chuyên gia dinh dưỡng.

Khi tác giả hỏi Tori điều gì đã khiến cô đi trệch hẳn con đường đó để trở thành một nữ tu, toàn bộ thái độ của cô đã thay đổi. Khuôn mặt cô trở nên đỏ hơn, và cô trông gần như e lệ. Cô muốn đọc cho tác giả nghe toàn bộ câu chuyện của cô từ cuốn nhật ký cầu nguyện. Một điều quá quan trọng như thế này không thể thảo luận một cách tùy hứng được.

Vào một buổi chiều kia, khi cô còn là một học sinh cấp ba tại trường trung học toàn nữ, Tori thấy mình bị lôi cuốn đến nhà nguyện. Lúc lớn lên, cô không mấy có tinh thần tôn giáo, và nhà nguyện là nơi cô thường tránh né: nhỏ, tối và im lặng, với những chiếc ghế cầu nguyện cao đến đầu gối khó chịu. Nhưng vào ngày hôm đó, khi cô ngồi cầu nguyện, một ý nghĩ đã xuất hiện với cô, đó là điều bất ngờ nhưng mạnh mẽ đến nỗi cô đứng dậy khỏi chỗ ngồi và thực sự bỏ chạy. Chạy ra khỏi nhà nguyện. Vì sợ quá. Ý nghĩ đó là: phải mặc y phục của một nữ tu sẽ ra sao?

Cô giải thích cô không muốn làm nữ tu. Nhưng trong những năm sau đó, cô không thể xua đuổi thị kiến ấy khỏi đầu óc. Bất cứ ở đâu, trên sân cỏ, lúc mặc những chiếc váy không có quai để khiêu vũ, cô vẫn thấy mình trong chiếc khăn trùm màu đen.

Và rồi một ngày nọ, tại một nhà nguyện trong khuôn viên trường đại học của cô, cô nghe thấy giọng nói của Người.

Tác giả hỏi cô: “giọng nói đó nghe như thế nào?”

Cô trả lời “Không giống như bất cứ điều gì. Tôi chỉ biết đó là Người”. Và sứ điệp của Người rất rõ ràng: “hãy đi rao giảng Tin Mừng”.

Tori đặt cuốn nhật ký cầu nguyện xuống, nhìn lên và bắt đầu cười. Cô nói cô mong câu chuyện này hẳn phải “khùng khùng” đối với tác giả. Cô không quan tâm. Cô giải thích: biện phân đời sống tu trì, là “một diễn trình si tình”.

Tác giả được Tori cho biết hoàn cảnh gia đình. Lúc lên bẩy, cha mẹ cô ly dị. Rất thương cha, nhưng cô phải sống với mẹ và anh trai. Hai anh em sống gần gũi nhau nhưng đến tuổi thiếu niên, anh trai cũng bỏ đi và nói những lời khó nghe như “tôi không yêu hai người!” và bỏ cả đi lễ. Rồi anh gia nhập quân đội.

Về nhân cách, Tori là người cầu toàn, muốn hoàn hảo trong mọi điều mình làm. Mẹ cô nhiều khi bắt cô phải thư giã nhiều hơn, như coi truyền hình chẳng hạn, nhưng cô hét lại “Con không có thì giờ coi truyền hình!”

Rồi một ngày kia, cô bỗng nói với mẹ sẽ đi Phi Châu, muốn được giúp đỡ những người thiếu dinh dưỡng, muốn được làm việc tại 1 quốc gia đệ tam. Cô hy vọng các tài năng khiêm nhường của cô có thể hữu dụng hơn và được đánh giá nhiều hơn tại những nơi cần đến chúng hơn.

Và cô cảm thấy lời mời gọi bước vào cuộc sống tu trì ngày một trở nên mạnh mẽ hơn. Tuy nhiên, cô vẫn tiếp tục học đại học, ghi danh học các buổi huấn luyện Sĩ Quan Trừ Bị (ROTC= Reserve Officer Training Corps), chơi túc cầu, tham gia một ban nhạc.

Nhiều lúc cô cảm thấy kiệt lực vì quá nhiều cam kết. Tuy nhiên, cầu nguyện đem lại cho cô một an ủi vô bờ. Sự yên tĩnh mà cầu nguyện mang đến không phải là cái yên tĩnh trong chiếc xe lái trở về sau khi tiễn Adam vào quân ngũ. Đây là một sự yên tĩnh chung chia với một người đồng hành đầy yêu thương, đó chính là Thiên Chúa.

Có thế nào Thiên Chúa yêu thương ta thế ấy

Năm thứ hai, cô lái xe tám tiếng đồng hồ từ khuôn viên đại học đến một “khóa tĩnh tâm biện phân” tại Ann Arbor, Michigan dành cho hàng trăm phụ nữ trẻ. Một trong những nữ tu đã giảng cho các phụ nữ trẻ này. Bà nói: Một người phụ nữ có đức tin đã rất tuyệt vời rồi. Cô không cần phải chứng minh chi nữa. “Các chị đẹp cả rồi”, bà nói với họ như thế. Thiên Chúa vốn yêu thương họ, yêu cái bản ngã hiện hữu, bất toàn của họ, bởi vì Người đã dựng nên họ như thế. Cách họ không lành lặn (broken) chính là cách Thiên Chúa cố ý muốn họ xuất hiện như không lành lặn, vì các mục đích riêng của Người.

Tori cảm thấy vui vì hiểu ra rằng không phải mọi sự tùy thuộc ở mình. Mình không hoàn toàn chịu trách nhiệm phải trả lời những câu hỏi như, “Sự hiện hữu của tôi có ý nghĩa gì không?” Một đêm kia, trằn trọc không ngủ được, cô trở dậy và ghi vào nhật ký “ngươi được yêu thương vô điều kiện”, sau đó rơi vào một giấc ngủ vùi cô chưa từng thấy.

Tác giả là một phụ nữ Do Thái, nên bà cho rằng các ý niệm như đồng trinh hay cuộc sống độc thân chưa bao giờ xuất hiện ngang qua trí tưởng tượng của bà. Nhưng khi đọc 1 cuốn sách do chính những người phụ nữ tham dự cùng một khóa tĩnh tâm với Tori đưa cho, tức cuốn “And You Are Christ’s” với tiêu đề phụ “The Charism of Virginity and the Celibate Life” của linh mục Thomas Dubay, bà cảm thấy bị đánh động. Trong tác phẩm này, linh mục Dubay viết rằng sống trong xã hội hiện đại, con người dường như hiến mình cho đủ thứ chuyện: nghề nghiệp, giải trrí, người yêu, con cái, mà dường như chẳng ai lưu ý đến cái “ý niệm xúc cảm lao công”. Tuy nhiên, theo cha Dubay, có một người luôn tưởng thưởng các cố gắng của chúng ta: Đó là Chúa Kitô. Người phụ nữ yêu mến Người, người nữ tu, có một ơn gọi xứng đáng với sự hiến thân hoàn toàn của nàng và điều này tôn vinh sự hy sinh của nàng “gấp nhiều lần”, như Thánh Luca nói. Nàng tìm được “niềm đam mê” của nàng. Nàng được “nghỉ ngơi”, “thoả mãn”, “say mê”, “tròn đầy” những điều mà chính tác giả hết sức thèm muốn vì mệt mỏi trước cuộc sống.

Không hẳn "cool" mới ăn tiền

Nhân dịp nói về sách vở, học thuật này, tác giả cho thấy một khía cạnh không ngờ khác của tuổi trẻ ngày nay. Trung học St. Mary Mitch Ryken là một trường trung học Công Giáo ở vùng nông thôn Maryland. Các học sinh năm đầu thường ít lưu ý đến việc chiêm niệm Đấng Thần Linh. Bởi thế, một số linh mục đến trường trình chiếu những cuốn DVD nói về các linh mục “cool” (ta đây sành điệu): biết hát nhạc đại hội, biết nhẩy “hip hop”... Phản ứng bất ngờ là một số học sinh không thích. John Olon, một giáo sư thần học của trường và là người từng mời các tu huynh và tu muội đến nói chuyện về ơn gọi, thuật lại có lần một vị linh mục “nghiêm khắc” hơn (sterner) đến lớp của ông, mình vận áo dài đen với cổ cồn rôma cứng ngắc, phán những lời đại loại: “các anh các chị (trường hỗn hợp cả nam cả nữ) được kêu gọi nên thánh. Các anh các chị được kêu gọi trở thành các vị thánh”.

Olon thuật lại: “lúc ấy tôi đang ngồi ở bàn làm việc, nhăn mặt” nghĩ “ôi, không phải những đứa trẻ này đâu ạ. Chúng ta nên nói vừa thôi”. Và rồi, “một em, một tay chơi môn lacrosse, rất đặc trưng, dừng lại hỏi tôi, ‘Vị đó có trở lại vào tuần tới hay không?’”

Olon trấn an cậu “ồ, không, đừng lo”.

“Nhưng em muốn vị ấy trở lại”, Olon nhớ y câu nói của người cầu thủ môn lacrosse. Các bạn học khác cũng đồng ý như thế.

Chính tác giả gặp một học sinh của trường tên Mackenzie, 15 tuổi, đã cảm thấy “không có gì thoả mãn tôi. Tôi đau lòng muốn có một điều gì đó để an định”: từng đợt khát khao được gần gũi một ai đó, bất cứ ai đó, vốn áp đảo cô vượt quá cả tầm kiểm soát của cô, nhưng những hẹn hò vốn thành thói quen giữa đám bạn bè của cô ấy dường như chỉ là một giải pháp trống rỗng.

Thế rồi, năm 16 tuổi, cô học lớp của Olon. Cô yêu cách ông nói về cuộc tìm kiếm nhân đức của các thánh, và cô quyết định chịu phép rửa. Ba năm sau, cô tham gia một chuyến đi hành hương của giáo xứ địa phương đến các địa điểm Công Giáo linh thiêng ở châu Âu. Đến thăm nhà thờ bằng đá cẩm thạch khổng lồ của Đức Mẹ Fátima ở Bồ Đào Nha, Mackenzie không thể không dừng lại nhìn chằm chằm vào nữ tu trung niên trong một tu phục màu xanh xám dẫn đầu chuyến tham quan. “Bà quả có sự thanh thản quanh con người của bà”, Mitch Mackenzie nhớ lại. “Và thứ bình an này. Và niềm vui này. Và nó không hề hời hợt, đúng không? Và tôi như thể muốn nói, ‘Cái quái gì thế này? Làm thế nào ngươi đạt được điều đó? Vì tôi cảm thấy mình cách xa điều đó quá’”. Rồi bỗng nhiên, cô nghĩ, “mình có thể là một nữ tu”. Cô đã lẻn ra ngoài một mình và ngồi trên những bậc thang của nhà thờ và hít thở thật sâu.

Mấy năm sau, tác giả gặp lại Mackenzie tại một tiệm bánh kếp (pancake) ngay bên ngoài Washington D.C. Lúc ấy, cô bắt đầu tình nguyện với dòng của Mẹ Teresa, Dòng Truyền giáo Bác ái. Cô rất hạnh phúc. Cô nói với tác giả rằng cuối cùng cô đã tìm được điều cô từng tìm kiếm suốt tuổi trẻ của mình. Cô yêu việc các nữ tu “sống các lời khấn của họ một cách triệt để”. Họ làm việc chăm chỉ hơn hầu hết mọi người cô từng gặp, và họ không sở hữu gì ngoài tu phục của họ. Họ tắm từ xô nước. Họ rõ ràng chấp nhận điều đó, vì họ tin rằng “người phối ngẫu của họ là Chúa”. Họ tin chắc Người có kế hoạch dành cho họ.

Con người thời đại vẫn khao khát tôn giáo

Nhân dịp này, tác giả quay vào chính mình. Bà bảo: lúc còn là 1 thiếu niên, cha của bà, một nhà học thuật chuyên nghiên cứu Friedrich Nietzsche. Cụ cho rằng ngay lúc bà còn sống, thế giới này, nhất là Hoa Kỳ, sẽ quay trở về với các hình thức tôn giáo bảo thủ và vụ luân lý hơn.

Một nhà tâm lý trị liệu ở Oregon, Satya Doyle Byock, nói với tác giả rằng “chúng ta được dưỡng dục trong một nền văn hóa định lượng (quantitative) với các mục tiêu định lượng”. Bà vốn làm việc với những người trẻ tin rằng xã hội đã dành cho họ mọi dụng cụ, mọi kỹ thuật và khoa học cần thiết để xây dựng một cuộc sống lý tưởng. Nhưng họ vẫn cảm thấy thất bại. Và họ cảm thấy xấu hổ vì đã cảm thấy như thế, và do đó họ bị mắc kẹt trong một cái cũi kép chắc như sắt. Việc tuyên bố rằng tất cả mọi điều đều có thể đạt được có xu hướng đào cả một hố sâu đau buồn nơi con người vì nó ngụ ý nói rằng bất cứ vấn đề nào chúng ta gặp phải đều là kết quả của việc chúng ta tính toán sai lầm.

Tác giả nhận định rằng theo Nietzsche, xã hội phương Tây đã giết chết Thiên Chúa, thay thế Người bằng chính chúng ta. Nhưng ông tri nhận: dưới đó, vẫn âm ỉ một lòng khao khát đối với tôn giáo. Vì các hữu thể vô hình, những đấng đặt tiêu chuẩn cho chúng ta và sự hoàn hảo của các ngài - và sự quan tâm của các ngài đối với chúng ta bất kể các thiếu sót của chúng ta - đã giải tỏa nhu cầu chúng ta phải luôn luôn kiểm soát mình.

Tác giả cho rằng Hoa Kỳ khởi đầu bằng một câu truyện tôn giáo, một kinh thành trên đồi. Đối với tuổi trẻ, xã hội này vẫn là một xã hội đang cố gắng nắm bắt tôn giáo và họ nhìn thấy điều đó ở khắp nơi.

Nước Mỹ bắt đầu với một câu chuyện kể về tôn giáo, thành phố trên một ngọn đồi và một khi bạn hình dung về nó, vẫn như một xã hội nắm bắt tôn giáo, bạn sẽ thấy nó ở khắp mọi nơi. Cơn thịnh nộ đạo đức đụng đâu đánh đó (free-floating moral rage), nhắm vào các mục tiêu như những anh chàng dại gái (cucks) hay danh hài Aziz Ansari hoặc các chính trị gia phe tả (libtards) hoặc những người cuồng tín MAGA (Make America Great Again = Hãy Làm Nước Mỹ Vĩ Đại Một Lân Nữa). Khi nói đến khí hậu hoặc sự mất mát các giá trị của chúng ta, niềm xác tín cho rằng thế giới chắc chắn sẽ bị hủy hoại vì tội lỗi của chúng ta. Những thứ như Goop (công ty sức khỏe tự nhiên do nữ tài tử Gwyneth Paltrow sở hữu) và phong trào không dùng gluten trong căn bản là các tôn giáo thẳng thừng, hứa hẹn đổi mới tinh thần và chữa lành mọi bệnh tật, chỉ có điều coi trái trứng bằng ngọc bích (jade yoni egg) như Bí tích Thánh Thể. Chúng ta bị ám ảnh bởi chủ nghĩa tối giản (minimalism) và tự thanh tẩy, bất kể bằng các phương pháp của Marie Kondo (nhà siêu tổ chức ngăn nắp) hoặc Hộp thư trống không (Inbox Zero=phương thức nghiêm ngặt giữ cho hộp e-mail lúc nào cũng trống không) hay Jordan Peterson, người mà sự nổi tiếng ít dựa vào việc hiểu biết về Carl Jung hoặc về sinh học tôm hùm cho bằng vào ý tưởng cho rằng cuộc sống chỉ cần tới 12 quy tắc hay giới răn.

Còn 1 kỳ