LÝ LUẬN
Các luận điểm hợp lý
24. Sau khi xem xét cái nhìn tổng quát có tính lịch sử của chúng ta, cùng với việc nhận diện một số điểm đồng thuận, và phê bình lý thuyết phái tính, giờ đây chúng ta có thể chuyển sang một số xem xét về vấn đề trên dựa vào ánh sáng của lý trí. Thực thế, có những luận điểm hợp lý để hỗ trợ tính trung tâm của cơ thể như yếu tố tích hợp của bản sắc bản thân và mối liên hệ gia đình. Cơ thể là chủ quan tính thông đạt bản sắc của hữu thể (23). Dưới ánh sáng của thực tại này, chúng ta có thể hiểu tại sao các dữ kiện của khoa học sinh học và y học cho thấy ‘tính lưỡng hình giới tính’ (sexual dimorphism) - (tức sự dị biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà) có thể được chứng minh một cách khoa học bởi các lĩnh vực như di truyền học, nội tiết học và thần kinh học. Từ quan điểm của di truyền học, các tế bào nam (có chứa các nhiễm sắc thể XY), từ thời điểm thụ thai, khác với các tế bào cái (với các nhiễm sắc thể XX của chúng). Tuy nói thế, nhưng trong những trường hợp giới tính của một người không được xác định rõ ràng, thì các chuyên gia y học có thể thực hiện một can thiệp có tính trị liệu. Trong các tình huống như vậy, cha mẹ không thể thực hiện một sự lựa chọn tùy tiện trong vấn đề này, phương chi là xã hội. Thay vào đó, khoa học y khoa nên hành động nhằm các mục đích trị liệu đơn thuần và can thiệp một cách ít xâm phạm (invasive) nhất, dựa trên cơ sở các thông số khách quan và nhằm thiết lập bản sắc cấu thành của người ta.
25. Diễn trình nhận diện bản sắc giới tính trở nên khó khăn hơn bởi một dàn dựng hư cấu được biết đến dưới tên “phái trung tính” hay “phái thứ ba”, có tác dụng che khuất sự kiện này: giới tính một người là yếu tố có tính cơ cấu xác định ra bản sắc nam hay nữ. Các cố gắng vượt quá dị biệt giới tính vốn tạo ra nam-nữ, chẳng hạn như ý niệm “intersex” (liên giới) hoặc “transgender” (chuyển phái tính), dẫn đến một nam tính hoặc nữ tính mơ hồ, mặc dù (theo cách tự mâu thuẫn), các khái niệm này thực sự giả định phải có chính sự dị biệt giới tính, điều mà họ đề nghị phải phủ nhận hoặc thay thế. Sự dao động giữa nam và nữ này cuối cùng trở thành chỉ còn là một màn trình diễn ‘khiêu khích’ chống lại cái gọi là‘khuôn khổ truyền thống’, và một một màn trình diễn, trên thực tế, làm ngơ sự đau khổ của những người phải sống tình huống không xác định về giới tính. Các lý thuyết tương tự nhằm tiêu diệt khái niệm ‘tự nhiên’, (nghĩa là mọi thứ chúng ta được ban cho làm nền tảng tiền hiện sinh cho hữu thể và hành động của chúng ta trong thế giới), trong khi đồng thời mặc nhiên tái khẳng định lại sự hiện hữu của nó.
26. Phân tích triết học cũng chứng minh rằng sự dị biệt giới tính giữa nam và nữ là yếu tố cấu thành của bản sắc con người. các nhà tư tưởng Hy Lạp và La Mã đặt yếu tính làm khía cạnh của hữu thể vượt lên trên, mang lại với nhau và làm hài hòa sự dị biệt nam-nữ trong tính thống nhất của con người nhân bản. Trong truyền thống triết học giải thích và hiện tượng luận, cả sự phân biệt lẫn bổ sung giới tính được giải thích bằng các thuật ngữ tượng trưng và ẩn dụ. Sự dị biệt giới tính trong các mối liên hệ được coi là các yếu tố cấu thành ra bản sắc bản thân, bất kể ở bình diện ngang (trong dyad [bộ đôi] đàn ông-đàn bà) hoặc ở bình diện dọc (trong triad [bộ ba] đàn ông-đàn bà-Thiên Chúa). Điều này cũng áp dụng tương tự vào các mối liên hệ nam nữ liên ngã “Anh-Em” và các mối liên hệ gia đình (Em-Anh-Chúng Mình).
27. Sự hình thành ra bản sắc một người tự nó đặt cơ sở trên nguyên tắc tính khác (otherness), vì chính cuộc gặp gỡ trực tiếp giữa một “em” khác không phải là tôi đã làm tôi có khả năng nhận ra yếu tính của “Anh”, người chính là tôi. Thực thế, sự dị biệt là một điều kiện của mọi nhận thức, bao gồm cả nhận thức về chính bản sắc mình. Trong gia đình, nhận thức về mẹ và cha của em đã giúp đứa trẻ xây dựng được bản sắc và sự dị biệt giới tính của chính em.
Lý thuyết phân tâm học chứng minh giá trị ba cực của trẻ em – các liên hệ cha mẹ, bằng cách cho thấy bản sắc giới tính chỉ có thể xuất hiện đầy đủ dưới ánh sáng so sánh hiệp lực (synergetic comparison) mà sự dị biệt hóa giới tính đã tạo ra.
28. Tính bổ túc sinh lý của dị biệt giới tính nam-nữ bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc sinh sản. Ngược lại, chỉ có chạy đến với kỹ thuật sinh sản mới có thể cho phép một trong các đối tác của mối liên hệ giữa hai người cùng giới tính sinh con, bằng cách sử dụng thụ tinh ‘trong ống nghiệm’ và một người mẹ đẻ thay (surrogate mother). Tuy nhiên, việc sử dụng một kỹ thuật như vậy không phải là sự thay thế cho việc thụ thai tự nhiên, vì nó liên hệ đến việc thao túng các phôi thai người, một thứ phân mảnh tư cách làm cha mẹ, một thứ công cụ hóa và / hoặc thương mại hóa cơ thể con người cũng như việc giản lược em bé thành một đối tượng trong tay khoa học và kỹ thuật (24).
29. Vì vấn đề này liên quan đến thế giới giáo dục, điều rõ ràng là từ bản chất của nó, giáo dục có thể giúp đặt nền móng cho một cuộc đối thoại hòa bình và tạo điều kiện cho một cuộc gặp gỡ hữu hiệu giữa các dân tộc và một cuộc gặp gỡ giữa các tâm trí. Hơn nữa, dường như triển vọng mở rộng lý do để bao gồm chiều kích siêu việt không phải là điều quan trọng thứ yếu. Cuộc đối thoại giữa Đức tin và Lý trí, “nếu không muốn bị giản lược thành một thao tác trí tuệ vô bổ, thì nó phải bắt đầu từ tình huống cụ thể hiện tại của nhân loại và trên điều này khai triển một suy tư dựa vào sự thật siêu hình hữu thể học (25). Sứ mệnh truyền giảng Tin Mừng của Giáo hội cho các người đàn ông và đàn bà được thực hiện bên trong chân trời này.
Kỳ tới: Đề Xuất