Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo
(phụ trách Các Định Chế Giáo Dục)“Thiên Chúa Dựng Nên Họ Có Nam Có Nữ”,
Hướng Tới Con Đường Đối Thoại
Về Vấn Đề Lý Thuyết Phái Tính Trong Giáo Dục
,Vatican City, 2019
Dẫn Nhập
Điều ngày càng trở nên rõ ràng là chúng ta đang phải đối diện với điều có thể chính xác gọi là một cuộc khủng hoảng giáo dục, đặc biệt trong lĩnh vực cảm giới và giới tính (sexuality). Ở nhiều nơi, các chương trình giảng dạy đang được lên kế hoạch và thi hành “bị coi là truyền đạt một quan niệm trung lập về con người và sự sống, ấy thế nhưng, trên thực tế, đã phản ánh một nền nhân học chống lại đức tin và lý trí đúng đắn” (1). Sự mất phương hướng về nhân học, vốn là một nét phổ biến của cảnh quan văn hóa của chúng ta, chắc chắn đã giúp gây bất ổn cho gia đình như một định chế, mang theo nó xu hướng hủy bỏ các dị biệt giữa đàn ông và đàn bà, thay vào đó, trình bầy chúng chỉ như sản phẩm của các điều kiện văn hóa và lịch sử.
2. Bối cảnh trong đó sứ mệnh giáo dục được thi hành có đặc điểm chịu các thách thức xuất phát từ các hình thức khác nhau của một ý thức hệ thường được gọi chung là 'lý thuyết phái tính', một lý thuyết “bác bỏ sự khác biệt và tính hỗ tương trong bản chất đàn ông và đàn bà và dự kiến một xã hội không có sự các dị biệt giới tính, do đó loại bỏ cơ sở nhân học của gia đình. Ý thức hệ này dẫn đến các chương trình giáo dục và việc ban hành các đạo luật nhằm cổ vũ một bản sắc bản vị và một sự thân mật xúc cảm xúc tách biệt hoàn toàn với sự khác biệt sinh học giữa nam và nữ. Do đó, bản sắc con người trở thành sự lựa chọn của cá nhân, một lựa chọn cũng có thể thay đổi theo thời gian (2).
3. Điều xem ra rõ ràng là không nên xem xét vấn đề này tách biệt với vấn đề rộng lớn hơn về giáo dục trong ơn gọi yêu thương (3), một nền giáo dục, như Công đồng Vatican II đã lưu ý, nên cung ứng “một nền giáo dục tích cực và khôn ngoan vê giới tính” trong bối cảnh quyền bất khả nhượng của mọi người được nhận “một nền giáo dục phù hợp với mục tiêu tối hậu của họ, khả năng, giới tính của họ, và văn hóa cùng truyền thống của đất nước họ, và cũng hòa hợp với mối liên kết anh em của họ với các ds6n tộc khác trong việc phát huy sự hợp nhất và hòa bình thực sự trên trái đất (4). Thánh Bộ Giáo dục Công Giáo đã cung ứng một số suy nghĩ về chủ đề này trong tài liệu 'Hướng dẫn giáo dục về tình yêu con người: Đề cương giáo dục giới tính' (5).
4. Viễn kiến Kitô giáo về nhân học coi giới tính là một thành tố căn bản của tư cách ngôi vị của người ta. Đây là một trong những phương thức hiện hữu của nó, tự biểu lộ chính nó, thông đạt với người khác, và cảm nhận, phát biểu và sống tình yêu nhân bản. Do đó, giới tính của chúng ta đóng một phần không thể thiếu trong sự phát triển nhân cách của chúng ta và trong diễn trình giáo dục nó: “Thực thế, chính từ giới tính của họ mà con người nhân bản nhận được những đặc điểm mà ở bình diện sinh học, tâm lý và tâm linh , biến người đó thành đàn ông hay đàn bà, và do đó phần lớn tạo điều kiện cho sự tiến bộ của anh ta hoặc cô ta được lồng vào xã hội (6). Khi mỗi người lớn lên, “sự đa dạng như vậy, được nối kết với tính bổ túc cho nhau của hai giới, cho phép một đáp ứng triệt để đối với kế sách của Thiên Chúa theo ơn gọi của mỗi người (7). Trong bối cảnh này, “giáo dục cảm giới và giới tính phải xem xét tính toàn bộ của con người và do đó nhấn mạnh đến sự tích hợp các yếu tố sinh học, tâm lý cảm giới, xã hội, xã hội và tâm linh” (8).
5. Bộ Giáo dục Công Giáo, như một phần trong đệ trình (remit) của mình, mong muốn cung cấp trong tài liệu này một số suy tư hy vọng có thể hướng dẫn và hỗ trợ những người làm việc trong lãnh vực giáo dục giới trẻ, để giúp họ giải quyết một cách có phương pháp (và dưới ánh sáng ơn gọi yêu thương phổ quát của con người) các vấn đề được tranh luận nhiều nhất về giới tính của con người (9). Phương pháp luận muốn nói ở đây dựa trên ba nguyên tắc hướng dẫn được coi là thích hợp nhất để đáp ứng nhu cầu của cả cá nhân lẫn cộng đồng: lắng nghe, lý luận và đề xuất. Thực thế, lắng nghe một cách cẩn thận các nhu cầu của người khác, kết hợp với sự hiểu biết về sự đa dạng thực sự của các điều kiện, có thể dẫn đến một tập hợp các yếu tố hợp lý trong một luận điểm, và có thể chuẩn bị người ta đón nhận một nền giáo dục Kitô giáo bắt nguồn từ đức tin có khả năng “ rõi một ánh sáng mới trên mọi sự, biểu lộ kế sách của Thiên Chúa đối với ơn gọi toàn diện của con người, và do đó điều hướng tâm trí đạt tới các giải pháp hoàn toàn xứng hợp với con người” (10).
6. Nếu chúng ta muốn tiếp nhận cách tiếp cận vấn đề lý thuyết phái tính dựa trên con đường đối thoại, thì điều sinh tử là phải lưu ý phân biệt giữa ý thức hệ phái tính một mặt và mặt khác, toàn bộ lĩnh vực nghiên cứu về phái tính mà các khoa học nhân văn đã và đang đảm nhiệm. Dù các ý thức hệ phái tính cho rằng chúng đáp ứng, như Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ ra, “được điều đôi khi là các nguyện vọng có thể hiểu được”, nhưng chúng cũng tìm cách “tự khẳng định là tuyệt đối và không thể nghi ngờ, thậm chí còn ra lệnh trẻ em nên được nuôi dạy như thế nào” (11), do đó loại bỏ đối thoại. Tuy nhiên, các công trình khác về phái tính đã được thi hành nhằm đạt được sự hiểu biết sâu xa hơn về cách thức trong đó sự khác biệt giới tính giữa đàn ông và đàn bà được sống thực trong nhiều nền văn hóa khác nhau. Chính trong mối liên hệ với loại nghiên cứu này mà chúng ta nên cởi mở hơn để lắng nghe, lý luận và đề xuất.
7. Trong bối cảnh đó, Thánh Bộ Giáo Dục Công Giáo thấy thích hợp việc cung ứng bản văn này cho tất cả những ai đang quan tâm đặc biệt tới việc giáo dục, và cho những ai bị tác động bởi vấn đề lý thuyết phái tính. Nó có ý định được dành cho cộng đồng giáo dục có can dự vào các trường Công Giáo và cho mọi người, được viễn kiến Kitô giáo về sự sống gợi hứng, làm việc trong các loại trường học khác. Tài liệu này được cung cấp để các phụ huynh, các học sinh, các nhà lãnh đạo và nhân viên nhà trường, các giám mục, linh mục, tu sĩ, các phong trào giáo hội, các hiệp hội của tín hữu giáo dân và các cơ quan có liên quan khác sử dụng.
Kỳ tới: Lắng Nghe