Như đã biết ngày 26 tháng Ba, 2018, Đức Cha Vincent Guo Xijin của Giáo Phận Mindong, Trung Hoa, đã bị bắt vì đã không chịu đồng tế Thánh Lễ Truyền Dầu với giám mục “quốc doanh” Zhan Silu. Một ngày sau, Đức Cha được thả tự do, nhưng bị cấm không được cử hành Thánh Lễ Truyền Dầu trong tư cách giám mục, vì tư cách này không được Nhà Nước Cộng Sản Trung Hoa nhìn nhận.

Theo Yanan Wang của Associated Press, Trong Thánh Lễ Thứ Năm Tuần Thánh, Đức Cha Guo nói với giáo dân của ngài hãy can đảm và giữ vững đức tin . Ngài nói: “Đầy an ủi và trông cậy, chúng ta được linh hứng để đương đầu một cách can đảm hơn với các cuộc chiến đấu và dâng tình yêu của chúng ta lên Thiên Chúa”.

Sau đó không lâu, cảnh sát lại đã đến và lần thứ hai trong Tuần Thánh, họ lại bắt Đức Cha Guo đem đi để, theo lời họ, “nghỉ mát”, một kiểu nói ở Trung Hoa để chỉ việc bị buộc phải vắng mặt.

Thành thử ngôi nhà thờ hai tháp ở Saiqi, Mindong, vào hôm thứ Sáu Tuần Thánh hôm qua chật ních khoảng hơn 1 ngàn giáo dân Công Giáo trong nghi thức tưởng niệm Cuộc Khổ Nạn và Qua Đời của Chúa Giêsu, nhưng vị giám mục chăm sóc họ không cùng hiện diện với họ.

Ngài vốn ở tâm điểm cuộc thương thảo đang diễn ra giữa Vatican và Nhà Nước Cộng Sản Trung Hoa về việc bổ nhiệm giám mục tại Trung Hoa.

Trong nhiều năm, người Công Giáo Trung Hoa vốn chia rẽ giữa những người tham dự các nhà thờ do nhà nước kiểm soát và những người tham dự các nhà thờ tùng phục Đức Giáo Hoàng. Đức Cha Guo là 1 trong các vị gám mục lãnh đạo lớp người sau.

Theo thỏa thuận đang được thương thảo, Vatican được chờ mong sẽ nhìn nhận 7 giám mục do Bắc Kinh bổ nhiệm mà không có sự đồng ý của Đức Giáo Hoàng, và Đức Cha Guo và 1 vị giám mục “hầm trú” khác sẽ phải nhường chức bản quyền.

Những người ủng hộ thỏa thuận, như Đức Hồng Y John Tong, cựu Tổng Giám Mục Hồng Kông, cho rằng thỏa thuận này sẽ giúp Tòa Thánh đạt được mục tiêu lâu dài của mình là đặt tất cả 12 triệu người Công Giáo Trung Hoa dưới quyền của Đức Giáo Hoàng.

Nhiều người khác, như Đức Hồng Y Joseph Zen, cựu Tổng Giám Mục Hồng Kông trước Đức Hồng Y John Tong, thì tố cáo Tòa Thánh bán đứng những người trung thành với mình cho chế độ độc tài.

Việc bắt giam Đức Cha Guo nhắc cho người ta nhớ rằng quyền lực nhà nước luôn tìm cách buộc người ta phải trung thành với đảng cầm quyền.



Nó cũng làm nổi bật sự kiện các cuộc luận nghị ở cấp cao của những vị ở kinh thành Vatican tráng lệ và toà nhà kín cổng cao tường ở Bắc Kinh có ảnh hưởng như thế nào đối với những người thấp cổ bé miệng ở những nơi xa xôi hẻo lánh như miền quê Saiqi của Mindong.

Nhà thờ của Đức Cha Guo ở trên một ngọn đồi nhìn xuống những con phố ngoằn ngoèo gồm những tiệm hớt tóc và bán mì nóng. Các giáo dân cho hay họ không biết nên mong chờ gì ở một thỏa thuận mà họ chỉ dám thảo luận bằng cách rỉ tai trong những buổi lễ sáng chiều.

Họ nói rằng đã nhiều thập niên qua, họ được yên ổn thực hành đạo dù luôn bị nhà nước theo dõi. Việc này không luôn được như thế.

Câu truyện về thời kỳ đen tối của Giáo Hội Công Giáo ở Trung Hoa thời Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Đông được kể đi kể lại cho giới trẻ trong giáo phận của Đức Cha Guo. Họ được nghe các câu truyện của thân nhân cao tuổi bị đốt hết Kinh Sách, bị giễu hành ở đường phố trong các buổi bêu xấu công khai hoặc bị bắt đi lao động phương xa.

Huang Weiping, 37 tuổi, chủ một tiệm bán tràng hạt và ảnh tượng, nói rằng “thế hệ ấy phải kinh qua nhiều chuyện”.

Anh cho hay thân nhân của anh, Đức Cha Huang Shoucheng, tiền nhiệm của Đức Cha Guo, đã phải sống nhiều năm ở trong tù.

Lin Qigua, một giáo dân 55 tuổi, nói rằng lấp hố chia rẽ giữa giáo hội chính thức và giáo hội hầm trú rất khó khăn. Theo ông “cha mẹ chúng tôi luôn nói với chúng tôi rằng Giáo Hội Công Giáo phát xuất từ Rôma, rồi bỗng nhiên Đảng Cộng Sản cho ra đời một giáo hội riêng của họ. Rõ ràng có sự kình chống ở đây, không đúng sao? Cha ông chúng tôi đã hy sinh quá nhiều, chả lẽ máu họ vô ích sao?”

Trong một hội nghị gần đây, Giáo Hội Trung Hoa do nhà nước bảo trợ đã nhấn mạnh tới việc phải độc lập đối với Vatican và phải tự “Trung Hoa hóa”, nghĩa là chấp nhận quyền lãnh đạo của Đảng và bác bỏ liên kết với người ngoài.

Một giới chức Vatican, dấu tên vì không được phép tiết lộ nội dung các cuộc đàm phán với Trung Hoa, thừa nhận thỏa thuận có thể có những điểm tiêu cực, như việc hạn chế các hoạt động của Tòa Thánh tại Trung Hoa và nhường quyền bổ nhiệm các giám mục cho Bắc Kinh, Đức Giáo Hoàng cùng lắm chỉ có quyền phủ quyết.

Associated Press cho rằng cơ quan Tôn Giáo Vụ của Nhà Nước từ khước, không trả lời phỏng vấn của họ.

Cha Peng Zhenkang, một linh mục thuộc giáo phận của Đức Cha Guo, cho hay: từ thập niên 1990, các nhà thờ hầm trú thường xuyên tiếp xúc với các nhà cầm quyền Trung Hoa và các giới cầm quyền thậm chí còn yêu cầu Giáo Hội giúp giải quyết các tranh chấp địa phương. Ngài nói: “Các dân làng ở đây lắng nghe hàng giáo sĩ”. Ngài bảo: Đức Cha Guo thường bị bắt giam trong những thời kỳ “nhậy cảm” và Đức Cha không chống cự. Theo Cha, lần này, việc đức cha bị đem đi chắc chắn có liên quan tới các cuộc đàm phán của Vatican.

Hôm Thứ Năm Tuần Thánh, liên lạc được bằng điện thọai, vị linh mục cùng bị bắt với Đức Cha Guo, cho hay hai vị vừa rời xe lửa tại Xiamen, một thành phố cách Saiqi hơn 255 kilômét.

“Không tiện để Đức Cha nói chuyện lúc này. Xin lỗi!” Cha Xu Wenning nói thế trước khi gác máy.

Giới chức Tòa Thánh thì cho hay: với thoả thuận, Đức Cha Guo sẽ trở thành Giám Mục Phụ Tá cho giám mục chính thức, được nhà nước nhìn nhận là Zhan Silu, nhưng vẫn lãnh đạo các giáo dân mà hiện ngài đang lãnh đạo. Giới chức này cho hay Đức Cha Guo đồng ý sự sắp xếp này.

Nhà lãnh đạo được Vatican bổ nhiệm khác cũng chịu ảnh hưởng bởi thỏa thuận này là Đức Cha Zhuang Jianjian, 88 tuổi, đứng đầu một giáo phận vùng quê ở Quảng Đông có ngôi nhà thờ xây bằng vữa hơn 100 năm nay.

Đức Cha Zhuang được mô tả là một cột trụ của các cộng đồng Công Giáo thuộc vùng Jiexi. Giáo dân trong giáo phận cho hay: hàng nhiều thập niên qua, ngài đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ Công Giáo và ban bí tích cho rất nhiều trẻ sơ sinh và vợ chồng mới cưới, người chết hay đang hấp hối.

Đức Cha từ chối, không tiếp các nhà báo ở bên ngoài nhà thờ chính tòa. Đức Cha nhỏ nhẹ nói “xin lỗi” rồi cúi đầu chào.

Dù nhiều giáo dân tỏ lòng ngưỡng mộ lòng đại lượng và sự tận tụy của ngài, không ai chắc chắn sẽ phản đối việc ngài ra đi nếu Vatican truyền lệnh.

Huang Q.L., một hậu duệ của 3 thế hệ Công Giáo có tranh ảnh vẽ chuyện Thánh Kinh ở gian giữa nhà thờ, nói rằng “Chúng tôi sẽ bám lấy giáo hội bất kể các cuộc thương thuyết đi theo hướng nào. Chúng tôi hết thẩy đã cảm nghiệm đức tin một cách sâu xa”.

Người được đề nghị thay thế Đức Cha Zhang là giám mục Huang Bingzhang, người được Bắc Kinh bổ nhiệm năm 2011 nhưng không được Tòa Thánh chấp thuận. Như trên đã nói, Đức Cha Zhuang từ chối phỏng vấn.

Một trong các linh mục của ngài, Cha Xu Jihua, nói rằng ngài mong giám mục Huang được Tòa Thánh tấn phong. Ngài cho rằng chấm dứt các chia rẽ giữa Vatican và Bắc Kinh sẽ tốt cho người Công Giáo khắp Trung Hoa. Ngài bảo: “Không ai hy vọng sống đức tin dưới các điều kiện bất thường hiện nay”.