Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Quý vị và anh chị em đang theo dõi phóng sự đặc biệt về chuyến tông du hai nước Georgia và Azerbaigian của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Như chúng tôi đã tường thuật, sáng Chúa Nhật lúc sau 7 giờ Đức Thánh Cha từ giã tòa Sứ Thần Tòa Thánh để đi xe ra phi trường Tbilisi cách đó 26 cây số. Đức Thánh Cha đã được tổng thống Cộng hòa Georgia và Đức Thượng Phụ tiếp đón. Lễ nghi tiễn biệt đã diễn ra long trọng. Máy bay chở Đức Thánh Cha và đoàn tùy tùng đã cất cánh rời phi trường Tbilisi để trực chỉ Baku cách đó 448 cây số.

Sau 1 giờ 20 phút bay chiếc A321 của hãng hàng không Alitalia đã hạ cánh tại phi trường quốc tế Heydar Aliyev của thủ đô Baku. Tiếp đón Đức Thánh Cha tại phi trường có phó thủ tướng Azerbaigian, và linh mục Vladimir Fekete, giám quản giáo phận. Đức Tổng Giám Mục Marek Solczýnski Sứ Thần Toà Thánh ở trong đoàn tùy tùng vì ngài cũng là Sứ Thần tại Georgia.

Sau lễ nghi tiếp đón tại phi trường Đức Thánh Cha đã đi xe về nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm cách đó 23 cây số để dâng thánh lễ cho tín hữu.

Nhà thờ Đức Mẹ Vô Nhiễm được xây năm 1909, năm 1931 bị người Bônxêvích phá huỷ. Cộng đoàn tín hữu nảy sinh năm 1992. Họ viết thư về Toà Thánh để xin một linh mục. Năm 2002 sau chuyến viếng thăm mục vụ của Đức Gioan Phaolô II tổng thống Heydar Aliyev tặng Giáo Hội một mảnh đất để xây nhà thờ. Nhà thờ đã được khánh thành năm 2007 với sự tham dự của Đức Hồng Y Bertone, hồi đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Nhà thờ thuộc trung tâm Salesien, gồm 6 linh mục, 3 tu huynh và một thanh niên Azero đang theo học để làm Phó tế. Đây là trung tâm giáo dục trẻ em và người trẻ, và cung cấp thực phẩm cho người nghèo và người tỵ nạn. Bên cạnh đó cũng có các nữ tu thừa sai bác ái của Mẹ Têrêxa Calcutta hoạt động cho người già và dân nghèo, và từ năm 2015 cũng có thêm các nữ tu Salesien nữa.

Thánh lễ đã được cử hành bằng tiếng La tinh, các bài đọc và thánh ca gồm nhiều thứ tiếng khác nhau. Hàng trăm tín hữu khác đã theo dõi thành lễ ở bên ngoài nhà thờ.

Giảng trong thánh lễ Đức Thánh Cha nêu bật hai khía cạnh của cuộc sống Kitô là đức tin phục vụ.

Bài đọc thứ nhất kể lại lời ngôn sứ Khabacúc khẩn nài Thiên Chúa can thiệp để tái lập công lý và hoà bình, bị con người dùng bạo lực đập tan. Khi trả lời Thiên Chúa trả không can thiệp và giải quyết vấn đề một cách đột ngột và với sức mạnh. Trái lại Ngài mời gọi kiên nhẫn chờ đợi và không đánh mất đi niềm hy vọng và nhất là nhấn mạnh tới lòng tin, vì chính nhờ đức tin mà con người sẽ sống (Kbc 2,4). Thiên Chúa cũng làm như thế đối với chúng ta: Ngài muốn chữa lành con tim của tôi, của bạn, của từng người. Và Đức Thánh Cha giải thích kiểu Thiên Chúa làm như sau:

Ngài thay đổi thế giới bằng cách thay đổi con tim chúng ta, và Ngài không thể làm điều này mà không có sự cộng tác chúng ta. Thật thế, Thiên Chúa muốn chúng ta mở cửa con tim cho Ngài để có thể bước vào cuộc sống chúng ta. Bởi vì khi Thiên Chúa tìm thấy một con tim rộng mở và tin tưởng, ở đó Ngài có thể làm các điều kỳ diệu.

Nhưng có đức tin, một đức tin sống động, không phải là điều dễ dàng. Chính vì thế chúng ta hiểu tại sao các tông đồ lại xin Chúa gia tăng lòng tin cho các ngài. Đây là một lời xin đẹp, một lời cầu mà chúng ta có thể hướng lên Chúa mỗi ngày. Đức tin là một ơn của Chúa, nhưng luôn luôn phải được chúng ta xin và vun trồng mỗi ngày. Nó không phải là một sức mạnh ma thuật từ trời xuống, nó không phải là một “của hồi môn” nhận một lần cho luôn mãi, lại càng không phải là một quyền lực siêu phàm giúp giải quyết các vấn đề của cuôc sống.

Tiếp tục bài giảng Đức Thánh Cha nói: Không được lẫn lộn đức tin với sự thoải mái, với việc đuợc an ủi trong tâm hồn, vì chúng ta có được một chút bình an. Đức tin là sợi chỉ vàng nối liền chúng ta với Chúa, là niềm vui tinh tuyền được ở với Ngài, đuợc hiệp nhất trong Ngài. Nó là món quà đáng giá toàn cuộc sống, nhưng chi sinh hoa trái nếu chúng ta làm phần mình. Và phần của chúng ta là việc phục vụ. Không thể tách rời Đức tin và sự phục vụ, chúng gắn liền với nhau và được cột buộc vào nhau, y như các tấm thảm, là các tác phẩm nghệ thuật có một lịch sử rất xa xưa của anh chị em. Đức tin của chúng ta cũng thế nó đến từ xa xưa, là môt món qua, mà chúng ta nhận được trong Giáo Hội, phát xuất tử con tim của Thiên Chúa Cha, là Đấng muốn biến từng người trong chúng ta thành một tác phẩm của thụ tạo và của lịch sử. Cuộc sống kitô của chúng ta cũng thế: nó được dệt từng ngày một cách kiên nhẫn: sợi ngang sợi dọc đan nhau một cách chính xác, sợi dọc của đức tin sợi ngang của phục vụ. Khi đức tin giao thoa với phục vụ nó trở thành quyền năng và làm những điều kỳ diệu.

Phục vụ không phải chỉ là thực thi nhiệm vụ của mình, và làm một vài việc thiện. Đối với Chúa Giêsu nó còn hơn thế rẩt nhiều. Nó là một sự sẵn sàng hoàn toàn trong suốt cuộc đời, không tính toán và không lợi lộc. Trao ban tận hiến hoàn toàn như Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Như thế, chúng ta không chỉ được mời gọi phục vụ để được một phần thưởng, nhưng noi gương Chúa trở thành người phục vụ vì yêu thương. Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau:

Khi đó phục vụ là một kiểu sống, còn hơn thế nữa nó tóm gọn kiếu sống Kitô: phục vụ Thiên Chúa trong thờ lậy và cầu nguyện, rộng mở và sẵn sàng, yêu thương tha nhân một cách cụ thể, hăng hái lo cho công ích.

Tuy nhiên, trong cuộc sống đức tin cũng có các cám dỗ: truớc hết là một con tim nguội lạnh khiến cho tín hữu sống uơn lười và bóp nghẹt tình yêu, chỉ sống để thoả mãn các thoải mái riêng không bao giờ đủ, và không bao giờ hài lòng, và rốt cuộc sống tầm thường xoàng xĩnh. Họ dành phần trăm cho Chúa và cho tha nhân, và luôn luôn tiết kiệm. Anh chị em đừng để cho con tim mình nguội lạnh đi. Toàn Giáo Hội nhìn anh chị em và khích lệ anh chị em: anh chị em là một đoàn chiên nhỏ bé nhưng quý báu đối với Thiên Chúa.

Cám dỗ thứ hai là “quá hoạt động” nghĩ rằng mình là chủ nhân ông, cho đi chỉ để có điểm, để trở thành nhân vật quan trọng. Khi đó phục vụ trở thành phương tiện chứ không phải là mục đích, bởi vì mục đích đã trở thành uy tín, rồi quyền lực, muốn làm lớn.

Lấy lại hình ảnh các sợi chỉ của tấm thảm Đức Thánh Cha khích lệ từng người hãy là sợi tơ đan chặt vào nhau giao thoa nhau hiệp nhất với nhau, sống tươi vui khiêm tốn, bác ái, tạo dựng hoà hợp, và họ sẽ là một tác phẩm tuyệt đẹp của Chúa. Đức Thánh Cha xin Mẹ Maria và thánh Terexa Calcutta bầu cử cho họ và xin họ ghi nhớ sứ điệp của Mẹ: “Hoa trái của đức tin là tình yêu, hoa trái của tình yêu là phục vụ, hoa trái của phục vụ và hòa bình” (Il cammino semplice, Introduzione)

Cuối thánh lễ Linh Mục Vladimir Fekete, giám quận tông tòa Baku, đã cám ơn Đức Thánh Cha vì món quà lớn là chuyến viếng thăm của ngài. Là người yêu thương dân nghèo và những nguởi bị bỏ rơi, và hiểu ý nghĩa các từ kỳ thị, gạt bỏ ngoài lề xã hội và nghèo túng là gì, Đức Thánh Cha đang nỗ lực chỉ cho mọi người thấy có thể thay đổi các thực tại này thành thương xót, lòng tốt, sự khoan nhượng và tất cả mọi từ khác diễn tả tình bác ái.

Đức Thánh Cha đã đọc kinh truyền tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Vào cuối thành lễ Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói: Có người nghĩ là Đức Giáo Hoàng mất thời giờ đi biết bao cây số để thăm một cộng đoàn 700 người trong một vùng có 2 triệu tín hữu. Một cộng đoàn không đồng nhất vì nói tiếng Azero, Ý, Anh, Tây ban Nha… Một cộng đoàn ở ngoại biên thế giới. Nhưng Đức Giáo Hoàng bắt chước Chúa Thánh Thần, là Đấng đã ngự xuống trên một cộng đoàn bé nhỏ ở ngoại biên đóng kín trong Nhà Tiệc Ly. Một cộng đoàn cảm thấy mình sợ hãi nghèo nàn và có lẽ bị bách hại và bị bỏ ra ngoài. Chúa Thánh Thần ban lòng can đảm, sức mạnh và sự “tự do nói tất cả” để tiến lên rao giảng danh Chúa Giêsu. Và các cửa của cộng đoàn Giêrusalem đóng vì sợ hãi hay xấu hổ, đã mở toang ra, và sức mạnh của Chúa Thánh Thần đi ra. Đức Giáo Hoàng mất thời giờ như Chúa Thánh Thần mất thời giờ hồi đó.

Chỉ có hai điều cần thiết. Trong cộng đoàn đó đã có Mẹ. Anh chị em đừng quên Mẹ! Trong cộng đoàn đó có tình bác ái, tình yêu huynh đệ mà Chúa Thánh Thần đã đổ tràn đầy xuống cho họ. Hãy can đảm lên, Hãy tiến lên. Không sợ hãi. Hãy tiến lên!