Nhưng ngoài bề mặt đượm màu sắc chính trị đó, còn có những bề sâu khác được đưa ra mổ xẻ âm thầm. Là những vấn đề liên quan đến thực chất kinh tế, xã hội và giáo dục mà qua đó, những kết luận thì không mấy sáng suả cho lắm, không phải do tiềm lực hay nhân lực cuả Việt Nam thiếu xót, nhưng do cơ chế còn lạc hậu.
Một trong những quan điểm nêu trên có bài "Voices: Vietnam at a crossroads" ("Việt Nam trước ngã ba đường") cuả đặc phái viên Thomas Maresca, đăng trên USA TODAY ngày 24, 5, 2016. Chúng tôi xin được tóm lược như sau:
"Một trong những vấn đề đầu tiên tôi tìm hiểu ở Việt Nam, khoảng chín năm về trước, là hệ thống giáo dục đại học đã làm cho sinh viên thất vọng như thế nào. Với phương pháp thủ cựu và giảng trình lạc hậu, các đại học đã không chuẩn bị cho đám sinh viên gia nhập lực lượng lao động lúc bấy giờ.
Vào thời điểm đó, một vị học giả khách (visiting scholar) mà tôi phỏng vấn đã đặt ra một câu hỏi: Việt Nam sẽ đi theo chiều hướng nào? Giống như Thái Lan? Hoặc Đài Loan?
Là hai trường hợp kiểu mẫu cuả những thách đố mà các nước đang phát triển đã phải đối mặt. Thái Lan, mặc dù là một điểm du lịch tuyệt vời, nhưng con đường dẫn tới sự thịnh vượng đã bị chặn lại vì việc quản trị kém cỏi, trong khi đó thì Đài Loan (một "Con hổ châu Á" sánh vai với Hồng Kông, Hàn Quốc và Singapore) đã thực hiện những bước nhảy vọt từ tình trạng kinh tế chỉ dựa vào xuất khẩu trở thành một nền kinh tế mở rộng và tiền tiến.
Chuyến thăm của Tổng thống Obama trong tuần qua đã đưa vấn đề này lên trên bề nổi một lần nữa.
Trong vài năm qua tôi đã sống ở Việt Nam nhiều khoảng thời gian khá lâu, nhưng sự tập trung vào chuyến viếng thăm của Obama đã giúp tôi bỗng thấy rằng Việt Nam đã phát triển khá nhiều. Về thể chất, những thành phố đã vượt lên từ những vùng đất trũng, u buồn, có thể nói là hỗn loạn, để trở thành các trung tâm đô thị hiện đại với những căn nhà chọc trời và với những cần cẩu xây dựng mọc lên như rừng, miên man trước mắt.
Nói chuyện với các học sinh sinh viên Việt Nam trong tuần này, tôi đã rất ấn tượng vì họ có một hiểu biết về thế giới (worldlier) nhiều hơn so với các bậc đàn anh 10 năm trước. Họ hiểu biết về công nghệ điện toán, và trình độ Anh văn khá vững, để có thể thảo luận cả đến những chi tiết vụn vặt cuả lời phát biểu cuả ông Obama, có em còn nhắc đến việc ông Obama đã bông đuà một cách rất 'cool' như thế nào trong bữa tiệc với các phóng viên tại toà Bạch Cung cách đây vài tuần.
Nhưng đồng thời, chuyến thăm của Tổng thống Obama cũng nhắc nhở mạnh mẽ đến những điều đã không hề thay đổi.
Hồ sơ nhân quyền của Việt Nam đã không được vẻ vang gì mấy trong tuần này. Có nhiều báo cáo mới từ toà Bạch Cung và cuả ủy ban Human Rights Watch cho thấy một số thành viên của các nhóm xã hội dân sự đã bị bắt giữ trên đường đi họp với Obama tại Hà Nội. Human Rights Watch ước tính có hơn 100 tù nhân chính trị tại Việt Nam, và Tổ chức Ân xá Quốc tế đã lên án vụ bắt giữ sáu nhà hoạt động biểu tình phản đối sự thờ ơ của chính phủ về cuộc khủng hoảng sinh thái đã giết chết nhiều tấn cá dọc theo bờ biển miền Trung Việt Nam.
Về kinh tế, Việt Nam có những bước tiến lớn nhưng vẫn còn nặng nề về cơ chế (top-heavy), với một bộ máy nhà nước cồng kềnh, kém hiệu quả đang chế ngự nhiều lãnh vực kinh tế.
Trên lãnh vực Văn hóa, tôi vẫn tiếp tục tự hỏi rằng các nhà tư tưởng, nghệ sĩ, nhà văn, nhạc sĩ và nhà làm phim sẽ có loại tiếng nói nào ở Việt Nam. Người ta có thể tìm thấy những bộ óc sáng tạo ở khắp nơi, nhưng bầu không khí văn hóa ở các thành phố lớn của Việt Nam vẫn còn vô cùng kém phát triển, đè bẹp bởi một chính sách kiểm duyệt và việc cấp phép hạn chế. Ngay cả dưới bóng mát của những tòa nhà chọc trời lộng lẫy mới, hầu như người ta vẫn không thể tìm thấy một tờ báo nước ngoài, một cuốn sách hay một tạp chí có giá trị.
Nằm giữa một tiềm năng tăng trưởng đáng kinh ngạc và một chính sách thoái lui, Việt Nam đang tiến gần đến một khúc quanh kế tiếp của tiến trình tăng trưởng, là nơi mà những lựa chọn và trách nhiệm sẽ phải thay đổi và sẽ gặp phải nhiều khó khăn hơn. Làm thế nào để chuyển đổi từ một đất nước đa phần là lao công trên những đôi giày thể thao và điện thoại thông minh trở thành một quốc gia biết sáng tạo? Làm thế nào để có thể vận dụng tất cả các tài năng và tiềm năng của một dân tộc trẻ, đầy nhiệt huyết và năng động, trước khi chưa muộn để có thể tận dụng lợi thế của thời kỳ bùng nổ dân số này?
Thực ra thì câu trả lời không phức tạp lắm đâu. Ngân hàng Thế giới - kết hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư cuả Việt Nam - gần đây đã đưa ra một lộ trình cho đến năm 2035, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải phát triển khu vực tư nhân, phải có sự hòa nhập xã hội lớn hơn và cần xây dựng các tổ chức chính phủ hiện đại. Hiến pháp của Việt Nam, như ông Obama đã chỉ ra trong bài phát biểu hôm thứ ba, đã bao gồm một khuôn khổ cho một xã hội cởi mở và công bằng hơn, bảo đảm tự do ngôn luận, tự do báo chí, quyền hội họp và quyền biểu tình.
Việc thực hiện những bước đó đòi hỏi cấp lãnh đạo của Việt Nam có một mức độ cởi mở, minh bạch và hoà hợp lớn hơn, là điều mà chúng tôi hiếm có khi nhìn thấy.
Tuần này, tôi gặp lại một người bạn cũ ở Hà Nội trong bữa ăn trưa, và cuộc trò chuyện quay sang chuyện đứa con cuả bà đang du học bên Mỹ. Có thể niềm tự hào của một người mẹ đã thổi phồng một số đức tính cuả đứa con trai lên chăng, vì chỉ một bản tóm tắt về những thành tựu cuả nó cũng đủ để mọi người nghe phải há hộc miệng ra rồi. Là một sinh viên kỹ thuật xuất sắc, anh cũng là một nghệ sĩ tài năng, một nhà ngôn ngữ học, nhạc sĩ, lãnh đạo sinh viên, doanh nhân.. . và bản danh sách còn tiếp tục nữa. Tôi nửa đùa nửa thật nói với bà rằng anh ta nên trở về điều hành đất nước, một ngày nào đó.
"Tôi không biết nó có về không," bà ta nói, như đã chấp nhận đó là một sự thật hiển nhiên chứ không còn là một nổi lo.
Bỗng nhiên câu hỏi về ngã ba đường đã đặt ra từ nhiều năm trước đây dường như lại xuất hiện trong làn không khí đang thở, một cách cơ bản hơn, là trong khi Việt Nam tiếp tục phát triển, câu hỏi khẩn trương vẫn là: Việt Nam sẽ là loại quốc gia nào đây?"