Ngày 02-08-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Hãy sẵn sàng
Lm Anphong Trần Đức Phương
08:41 02/08/2010
HÃY SẴN SÀNG

(Chúa Nhật XIX, Thường Niên, Năm C)

Chúa Nhật hôm nay nói đến tinh thần sống đức tin của chúng ta trong cuộc đời trần gian chóng qua này. Bài Đọc I (Sách Khôn Ngoan 18:6-9): Các Tổ phụ xưa đã sống vất vả, nhưng luôn trung thành giữ các giới răn Chúa và luôn sống như những người công chính và đáng được ca tụng qua muôn thế hệ. Bài Đọc II (Thơ Do Thái 11:1-2,8-19): Thánh Phaolô nêu ra một gương mẫu sống Đức Tin của các tổ phụ xưa, đó là ông Abraham: Ông đã đáp lại tiếng Chúa gọi để đi đến “miền đất Chúa đã chỉ cho ông” và suốt đời ông đã tin tưởng và vâng theo thánh ý Chúa trong mọi sự; ông xứng đáng được kể như Tổ Phụ của những người hoàn toàn đặt niềm tin nơi Chúa và suốt đời phụng sự Chúa. Bài Phúc Âm (Luca 12:32-48): Chúa Giêsu nêu lên một thực tại là chúng ta đều phải trải qua cái chết và cái chết đến “vào lúc mà chúng ta không ngờ,” nên chúng ta hãy luôn sống sẵn sàng bằng cách hết lòng thờ phượng Chúa, giữ các giới răn Chúa và hãy luôn quảng đại làm việc từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó trên thế giới này.

Trong thánh vịnh 102 có câu “Đời sống con người chóng qua như cỏ, như bông hoa sớm nở tối tàn…”(câu 15). Trong Bài Phúc Âm Chúa Giêsu cũng chỉ cho chúng ta thấy cuộc đời này chỉ là cuộc đời tạm thời, cuộc đời sau mới là vĩnh cửu. Cha ông chúng ta đã biết rõ điều đó nên cũng nói cuộc đời thoáng qua như “ngựa qua cửa sổ!” vừa thấy đó mà đã qua rồi; vì thế mới có câu nói “Sinh Ký Tử quy!” “sống gửi thác về!” Về đâu? Về với Chúa là Cha, là Đấng đã dựng nên chúng ta, về quê hương thật nước Chúa.

Như vậy, chúng ta là những tín hữu của Chúa, chúng ta phải sống Đức Tin như thế nào khi còn sống ở cuộc đời chóng qua này.

Thái độ sống đức tin đầu tiên là hãy luôn sống “Tỉnh Thức” “Sẵn Sàng” đón nhận Chúa đến với chúng ta bất cứ lúc nào. Nói thế không phải để chúng ta sống bi quan, sống thụ động, sống sợ hãi, chỉ lo chờ chết. Chắc chắn không phải như vậy. “Sống Sẵn Sàng” là luôn sống ý thức giây phút hiện tại để lo chu toàn bổn phận của mình, như bổn phận vợ chồng, bổn phận cha mẹ đối với con cái, bổn phận với quốc gia, với nhân quần xã hội. Tích cực hơn nữa là biết sống bác ái, vị tha, làm việc từ thiện giúp đỡ những người nghèo khó; đừng quá ham mê tích trữ của cải, đừng quá bám víu vào những thực tại trần gian. Chúng ta hãy đọc chính Lời Chúa trong Bài Phúc Âm hôm nay: “Hỡi các con yêu quý, các con đừng sợ! Cha các con luôn vui lòng ban Nước Trời cho chúng con. Hãy ‘bán đi’ những của cải mình có mà làm việc từ thiện. Hãy sắm sẵn những ‘túi tiền’ không bao giờ hư nát, một ‘kho tàng’ không bao giờ hao mòn ở trên trời….Vì kho tàng của chúng con ở đâu, thì lòng chúng con cũng ở đó!” (Luca 12:32-34).

Đó là thái độ sống Đức Tin khôn ngoan của các bậc Tổ Phụ xưa trong Cựu Ước, của các vị Thánh, và của những người thành tâm thiện chí.

Xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh chuyển cầu, chúc lành cho mỗi người chúng ta, giúp chúng ta luôn biết “Sống Sẵn Sàng” trong khi “chu toàn bổn phận là những tín hữu của Chúa, để chúng ta xứng đáng thừa hưởng gia nghiệp Nước Trời, Chúa đã sắm sẵn cho chúng ta ở trên trời!” (Lời Nguyện Đầu Lễ).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH Nói Giáo Hội Vẫn Tươi Trẻ Và Vui Mừng
Paul Minh Nhật
08:48 02/08/2010
ĐGH Nói Giáo Hội Vẫn Tươi Trẻ Và Vui Mừng

Chia sẻ về 5 năm dưới cương vị Giáo Hoàng

CASTEL GANDOLFO, Ý.(Zenit.org).- Sau khi xem một tài liệu về 5 năm thứ nhất triều đại giáo hoàng của ngài, đức Benedict XVI đã lưu ý rằng mặc dù Giáo Hội kinh qua thời kì khủng hoảng và thương tổn, Giáo Hội vẫn giữ được nét vui vẻ và trẻ trung.

Sau khi xem bộ phim "Fünf Jahre Papst Benedikt"(5 năm: Đức Giáo Hoàng Benedict XVI), một bộ phim được sản xuất bởi Bayerischer Rundfund, một phát thanh viên công cộng tại Bavaria, Đức Quốc, ĐGH đã cảm ơn các nhà làm phim vì "cuộc hành trình thiêng liêng ngoại thường, cuộc hành trình mà đã có thể cho chúng ta sống và nhìn thấy một lần nữa những thời khắc quyết định và đỉnh điểm của 5 năm trong thừa tác vụ thánh Phê-rô cho sự sống của chính Giáo Hội"

"Nó đã một cách cá nhân làm tôi rất cảm động để nhìn thấy vài thời khắc, trên tất cả là một người nơi Chúa đã đặt lên vai tôi tác vụ của thánh Phê-rô" ngài nói tiếp. "Một sức nặng mà không một ai tự mình có thể mang được với một sức mạnh hạn chế của người đó, nhưng nó đã có thể được mang đi bởi vì Chúa đã mang lấy nó và mang lấy tôi.

"Dường như đối với tôi trong bộ phim này chúng ta thấy sự phong phú về sự sống của Giáo Hội, vô số các nền văn hóa, các đặc sủng, các quà tặng khác những cái mà đang sống trong Giáo Hội và làm thế nào trong vô số và sự rất đa dạng này cũng giống như thế giáo hội sống hiện hữu.

"Và vị trí thủ lãnh giám mục đoàn đại diện thánh Phê-rô có sự ủy thác nhằm làm cho sự hiệp nhất vô hình và hữu hình, trong sự đa dạng mang tính lịch sử và cụ thể, trong sự hiếp nhất của hiện tại, quá khứ, tương lai và mãi mãi."

Ngài nói thêm "Nó không phải là một giáo hội già cỗi, nhưng chúng ta đã nhìn thấy rằng giáo hội thì vẫn tươi trẻ và niềm tin đó tạo nên nỗi vui mừng"

ĐGH đồng thời cũng lưu ý rằng bộ phim kết thúc với một "cuộc thăm viếng của Mẹ Thiên Chúa" và ngài đã chia sẻ rằng đó là mẹ Maria "người dạy chúng ta khiêm tốn, vâng phục và vui mừng vì Chúa ở cùng với chúng ta"

ĐTC đã lần lượt cám ơn Michael Mandlik và Gerhard Fuchs, giám đốc và giám đốc điều hành vì "khoảnh khắc tuyệt diệu mà bạn đã trao cho chúng tôi."
 
Giáo Hội Pháp -Tây Ban Nha và mục vụ hành hương
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:57 02/08/2010
Đáp lại lời mời của Đức Cha Julian Barrio, Tổng Giám Mục giáo phận Compostela, Tây Ban Nha, 22 giám mục Pháp và Tây Ban Nha đã tham dự trong hai ngày 19 và 20 tháng Bảy vừa qua khóa họp lần thứ hai tại giáo phận này để bàn về mục vụ con đường hành hương dẫn đến thánh địa Santiago de Compostela.

Trung tâm hành hương Santiago de Compostela được rất nhiều người trên thế giới biết đến. Để đến nơi đây, khách hành hương thường đi bộ hoặc đi xe đạp qua những địa điểm thuộc lộ trình quy định. Tại mỗi nơi đi qua, họ đều đến giáo xứ ở đó để xin được đóng con dấu vào cuốn sổ hành hương của mình. Mỗi năm, họ thực hiện một chặng và phải mất nhiều năm mới có thể kết thúc cuộc hành hương này.

Càng ngày càng có nhiều người đến với địa điểm này. Các khách hành hương không chỉ đến từ Châu Âu mà còn có cả những người đến từ Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nhật Bản và một số nước Châu Á. Do đó, công việc mục vụ khách hành hương là mối bận tâm lớn cho các giáo phận có trục đường đi qua, như việc đón tiếp, mở cửa nhà thờ, hướng dẫn trước và đồng hành trong hành trình, cẩm nang hành hương…

Về phần mình, Đức Cha Bernard Ginoux, Giám Mục giáo phận Montauban, Pháp quốc, hiện diện trong khóa họp này, vì giáo phận của ngài cũng nằm trong chặng đường hành hương. Được biết, có hai điểm dừng chân rất nổi tiếng tại đây dành cho khách hành hương, đó là: Lauzerte, một trong những ngôi làng đẹp nhất nước Pháp; và Moissac, một trong những đan viện đẹp nhất thế giới. Đặc biệt, phải kể đến khâu đón tiếp tại Moissac mang đậm nét thiêng liêng. Một đội ngũ thiện nguyện hiếu khách tổ chức những buổi cầu nguyện cùng với khách hành hương.

Đức Cha Ginoux cũng cho biết cảm tưởng của mình về cuộc họp này, đồng thời đánh giá cao bầu khí thân thương giữa các giám mục tham dự: «Những suy tư mà chúng tôi đã chia sẻ với nhau, qua những trao đổi rất huynh đệ…Tất nhiên, chúng tôi cũng đã quây quần bên nhau để cầu nguyện, đặc biệt cùng cử hành Thánh Thể trong khuôn khổ ngày thứ chín của tuần chín ngày kính thánh Giacôbê vào buổi tối 20/07, chung quanh Đức Hồng Y Jean-Pierre Ricard, Tổng Giám Mục Bordeaux, cũng như thật dễ chịu với bài giảng của ngài bằng Tiếng Tây Ban Nha… ».

Ít ngày sau đó, các Đức Cha còn ở lại để cùng mừng lễ Thánh Giacôbê Tông Đồ với đông đảo khách hành hương trong bầu không khí sốt sắng của Năm Thánh đang được mở tại đây.

Được biết, kỳ họp lần tới sẽ diễn ra tại giáo phận Puy (nước Pháp) để tiếp tục tìm kiếm những sáng kiến nảy sinh và cùng theo đuổi công việc phục vụ đặc biệt cho những ai trên bước đi trên con đường hành hương này. Với họ, Đức Cha Ginoux nhắn nhủ: « Hãy mở con mắt ra trước tất cả những vẻ đẹp của thiên nhiên, của nền văn hóa và của di sản Kitô giáo của chúng ta để ca ngợi vinh quang của Thiên Chúa, của con đường này kết thúc với những ánh sao ».
 
Thông điệp ”Bác ái trong chân lý”, một năm sau ngày công bố
Linh Tiến Khải
14:42 02/08/2010
Một số nhận định của ông Ettore Gotti Tedeschi, chuyên viên kinh tế, Giám đốc nhà băng Vaticăng, về Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” một năm sau ngày công bố

Cách đây một năm ngày mùng 7 tháng 7 năm 2009, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố Thông điệp thứ III của ngài tựa đề ”Bác ái trong chân lý”. Thông điệp chứng minh cho thấy giáo huấn xã hội của Hội Thánh có thể là chìa khóa giúp đọc hiểu một cách vô cùng sáng suốt các thời gian khủng hoảng của thế giới chúng ta đang sống ngày nay như thế nào.

Thật ra, Thông điệp đã được Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ký ngày 29 tháng 6 năm 2009. Và vẫn thường xảy ra là ngày ký và ngày công bố hầu như không bao giờ trùng nhau. Mọi người đã chờ đợi Đức Thánh Cha công bố Thông điệp dịp kỷ niệm 40 năm công bố Thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI (1967), nhưng cuộc khủng hoàng kinh tế tài chánh bùng nổ đã khiến cho Đức Thánh Cha duyệt xét lại văn bản Thông điệp dưới ánh sáng những gì đang xảy ra trên thế giới. Và kết qủa mọi người đều trông thấy là 142 trang của Thông điệp là một phân tích rất sáng suốt các lý do sâu xa của cuộc khủng hoảng hiện nay, và cống hiến cho người đọc nhiều điểm suy tư giúp tìm ra các giải pháp thích hợp. Trong năm đầu tiên này Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” đã chứng minh cho thấy tất cả các tiềm lực của nó, bằng cách khơi dậy các cuộc thảo luận và đối chiếu trong lãnh vực kinh tế chính trị, xã hội và vén mở cho thấy nó là một trong các tài liệu sắc bén nhất của Huấn Quyền trong mấy thập niên qua, nằm trên cùng một chiều hướng với Thông điệp ”Năm thứ một trăm” mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã công bố cách đây 18 năm. Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” mở rộng viễn tượng của Thông điệp ”Tiến bộ các dân tộc”, xuyên qua ý niệm ”tiến bộ các dân tộc” và ”tiến bộ nhân bản toàn vẹn”. Nhưng nhất là qua đề tựa của nó Thông điệp trình bầy hai đề tài nền tảng trong giáo huấn của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là Bác Ái và Chân Lý.

Trước hết Thông điệp đương đầu với các lý do của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới. Con người là tư bản đầu tiên cần phải cứu vãn và đánh gía cao. Xác tín kinh tế có thể độc lập với các ảnh hưởng luân lý đã thúc đẩy con người lạm dụng kinh tế đến độ khiến cho nó trở thành một dụng cụ tàn phá. Sự phát triển, nếu muốn nhân bản đích thực, phải nhường chỗ cho nguyên tắc của sự nhưng không. Điều này đặc biệt có giá trị đối với thị trường. Không có các hình thức nội tại của tình liên đới và sự tin tưởng lẫn nhau, thị trường không thể chu toàn nhiệm vụ kinh tế của nó.

Thị trường không thể chỉ dựa trên chính nó, mà phải kín múc các năng lực luân lý từ các chủ thể khác, và không được coi người nghèo là một gánh nặng, nhưng là một tài nguyên, chứ không phải là nơi để cho kẻ mạnh hơn ức hiếp người yếu đuối. Ngoài ra, Thông điệp cũng nhắc cho biết rằng cái luận lý thương mại phải nhắm mục đích phục vụ công ích, mà cộng đồng chính trị có nhiệm vụ theo đuổi.

Điểm thứ hai là vấn đề sinh học. Lần đầu tiên hai quyền căn bản của con người là quyền sống và quyền tự do tôn giáo được đặt song song trong một thông điệp xã hội. Trong Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” vấn đề nhân chủng trở thành vấn đề xã hội. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhấn mạnh rằng không thể nào tách rời việc tôn trọng sự sống con người khỏi sự phát triển của các dân tộc. Trong các nước kỹ nghệ phát triển người ta phổ biến tâm thức bài sinh sản, và thường tìm cách phổ biến tâm thức ấy trong các nước khác, làm như thể nó là một sự tiến bộ văn hóa. Ngoài ra chính các trợ giúp phát triển cũng được gắn liền với các đường lối chính trị y tế áp đặt chính sách kiểm soát sinh sản. Bên cạnh đó còn có các luật lệ làm cho chết êm dịu hay trợ tử. Khi một xã hội tiến tới chỗ khước từ và hủy bỏ sự sống, thì sẽ không còn tìm ra các lý do và năng lực để phục vụ thiện ích thực sự của con người nữa. Quyền tự do tôn giáo cũng quan trọng đối với sự phát triển của một xã hội và một quốc gia như vậy. Lý do đơn sơ là vì các tín hữu cũng là các công dân và phần đóng góp của họ cho thiện ích của đất nước luôn luôn rất lớn và tích cực. Khi các Giáo Hội không được tự do sống đạo và có các cơ cấu giáo dục, bác ái từ thiện và an sinh phát triển, đất nước và đặc biệt dân nghèo bị thiệt thòi rất nhiều.

Thứ ba là lãnh vực phụ đới. Sự phát triển đúng đắn cũng cần áp dụng nguyên tắc phụ đới, là phương cách hữu hiệu nhất chống lại mọi hình thức duy trợ giúp kiểu bố thí và bao cấp. Nó cũng là hình thức thích hợp giúp nhân bản hóa hiện tượng toàn cầu. Các trợ giúp quốc tế nhiều khi có thể giam cầm một dân tộc trong vòng lệ thuộc, vì thế cần phải làm sao để lôi cuốn xã hội dân sự và các chính quyền địa phương vào trong tiến trình trợ giúp. Rất thường khi các trợ giúp chỉ tạo ra các thị trường bên lề đối với sản phẩm của các quốc gia đang trên đường phát triển. Thông điệp khích lệ các quốc gia giầu dành nhiều ngân khoản hơn cho việc trợ giúp phát triển, làm sao để cho người dân các nước nghèo có được nền giáo dục toàn vẹn hơn, mà không nhượng bộ thuyết tương đối khiến cho dân chúng càng nghèo hơn. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI cũng đề cập tới hiện tượng du lịch tình dục, được các chính quyền địa phương dung thứ, với sự thinh lặng của chính quyền các nước giầu và sự đồng lõa của biết bao nhiêu nhân viên làm việc trong lãnh vực du lịch.

Thứ bốn là vấn đề môi sinh. Đối với tín hữu thiên nhiên là một món qùa Thiên Chúa ban, cần được sử dụng với tinh thần trách nhiệm. Sự kiện các quốc gia giầu và các công ty siêu quốc vơ vét tài nguyên là một cản ngăn nghiêm trọng đối với sự phát triển của các nước nghèo. Vì thế cộng đồng quốc tế phải tìm ra các cơ cấu hữu hiệu giúp điều hòa việc khai thác các tài nguyên thiên nhiên không thể canh tân được. Các xã hội kỹ nghệ tân tiến phải giảm bớt nhu cầu năng lượng của mình và kiếm tìm các nguồn năng lượng khác. Đặc biệt cần phải thay đổi tâm thức và kiểu sống duy tiêu thụ và hưởng lạc. Vấn đề nòng cốt liên quan tới nền luân lý xã hội. Nếu con người không tôn trọng quyền sống và cái chết tự nhiên, thì lương tâm con người sẽ đánh mất đi ý niệm về môi sinh nhân bản và ý niệm về sinh thái.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông Ettore Gotti Tedeschi, chuyên viên kinh tế, Giám đốc nhà băng Vaticăng, về Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” một năm sau ngày công bố. Giáo sư Tedeschi đã diễn thuyết nhiều về đề tài kinh tế của Thông điệp.

Hỏi: Thưa giáo sư Tedeschi, Thông điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đánh đúng trọng tâm của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh hiện nay. Thế giáo sư có nghĩ rằng các vị lãnh đạo thế giới đã đọc Thông điệp này của Đức Giáo Hoàng hay không?

Đáp: Hãy chấp nhận là họ có đọc đi, thì chắc chắn các người có quyền bính trên thế giới này phải hiểu ba điều được trình bầy trong Thông điệp: thứ nhất, không thể có phát triển kinh tế nơi đâu người ta không sinh con; thứ hai, không thể xây dựng nền kinh tế trên việc tiêu thụ; và thứ ba, hãy tránh các các bọt xà phòng nguy hiểm mới, nhất là trong các lãnh vực kỹ thuật sinh học. Đây là các tài nguyên quan trọng nhưng rất nguy hiểm, nếu dùng chúng một cách sai lầm. Trên bình diện kỹ thuật con người đã tiến bộ rất nhiều, nhưng nó vẫn chưa trưởng thành trên bình diện tâm linh: nó chưa bảo đảm cho thấy nó biết sử dụng các dụng cụ có thể vượt thoát khỏi tầm tay của nó, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Thông điệp ”Lo lắng cho các vấn đề xã hội”. Và như thế sẽ là một đại họa!

Hỏi: Như thế có nghĩa là Thông điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI có chứa đựng cả một chương trình trong đó?

Đáp: Vâng, như chính Đức Hồng Y Bertone Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã nói: Thông điệp vượt thời gian và chứa đựng các lời yêu cầu ”ngàn đời”; nó kêu gọi mọi người thiện chí chú ý tới các giáo huấn xã hội của Hội Thánh. Tuy nhiên, Thông điệp cũng ”ở trong thời gian”, và đây là chiều kích mới mẻ của nó, trong nghĩa nó là Thông điệp đầu tiên đề cập tới vấn đề toàn cầu hóa. Như tất cả mọi người đều đã có thể nhận ra, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã công bố Thông điệp trễ 2 năm so với dự định ban đầu. Lý do là vì Đức Thánh Cha đã nhận ra cuộc khủng hoảng kinh tế đang thay đổi cục diện thế giới. Và đây cũng là điều Đức Hồng Y Bertone, là người rất gần gũi với Đức Thánh Cha trong việc soạn thảo Thông điệp, nhận thấy.

Hỏi: Như vậy, có thể nói rằng chính cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh trên thế giới đã khiến cho Đức Thánh Cha ”viết lại” Thông điệp, có đúng thế không thưa giáo sư?

Đáp: Có thể nói rằng trong hai năm, vài nội dung đã được bổ túc: chẳng hạn như trong chương thứ nhất, Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh giáo huấn của Thông điệp ”Humanae Vitae” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, để minh giải lý do của cuộc khủng hoảng là sự kiện số sinh giảm sút trầm trọng. Việc khước từ sự sống do các phong trào tân Malthus đưa vào trong thế giới tây âu giữa các năm 1975-1985, đã là nguyên do của cuộc suy thoái kinh tế và các sửa chữa bù trừ trong 20, 30 năm qua.

Hỏi: Mọi người đều bình luận về Thông điệp này: theo giáo sư đâu đã là các sai lầm thường xảy ra nhất?

Đáp: Sai lầm thứ nhất đó là nhiều người đọc ngay chương 5 nói về việc tái phân chia tài nguyên, mà không đọc 4 chương đầu và phần dẫn nhập. Nó cũng giống như đọc các điều răn, mà không đọc điều răn thứ nhất. Nhiều nhà bình luận khác nữa thì cho rằng Đức Thánh Cha muốn đưa ra một đường hướng mới cho chủ thuyết tư bản. Nhưng mà Đức Giáo Hoàng đâu có đưa ra các bài học kinh tế đâu, sự nhắc nhở và lời kêu mời của người không liên quan tới các dụng cụ, mà liên quan tới các mục đích. Thị trường và chủ thuyết tư bản là các dụng cụ, và Đức Thánh Cha biết rằng dụng cụ tự nó không tốt mà cũng không xấu.

Hỏi: Một năm sau khi Đức Thánh Cha Biển Đức XVI công bố Thông điệp, giáo sư nghĩ gì?

Đáp: Tôi xác tín rằng không có gì có lý hơn là luân lý công giáo và Thông điệp ”Bác ái trong chân lý” là một trong các Thông điệp có lý nhất. Hơn cả Thông điệp ”Tân sự - Rerum novarum” nữa. Toàn Thông điệp ”Bái ái trong chân lý” thấm nhuần một chỉ dẫn rõ ràng: đó là các dụng cụ không thể có sự độc lập luân lý; chúng phải có một mục đích và mục đích này được giải thích bởi Chân Lý, mà con người phải lấy đó như điểm tham chiếu. Trong nghĩa ấy, phần dẫn nhập Thông điệp giống như một Thông điệp nhỏ chống lại thuyết hư vô đang thống trị thế giới ngày nay.

Hỏi: Nhưng mà thưa giáo sư, các người lãnh đạo chính trị và nhà băng có hiểu điều này hay không?

Đáp: Tôi hy vọng là các nhà lãnh đạo chính trị và tài chánh đã đọc trọn vẹn Thông điệp của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI như Bộ trưởng Kinh Tế Tremonti. Ông Tremonti đã đọc từ đầu tới cuối Thông điệp và đã công khai thảo luận với tôi. Nếu giới lãnh đạo chính trị và tài chánh đã đọc Thông điệp, thì họ phải hiểu rằng nếu thế giới tây âu chúng ta tiếp tục chủ trương không sinh con, thì chúng ta phải thắt lưng buộc bụng, và không còn có thể chế ra các giải pháp bù trừ được nữa, đặc biệt liên quan tới tình trạng nợ nần của các chính quyền.

Giáo huấn thứ hai của Thông điệp đó là sự phát triển kinh tế không thể chỉ là phát triển duy vật mà thôi. Trong khảo luận ”Sợ hãi và hy vọng” bộ trưởng Tremonti đã lãnh hội được điều này và khẳng định rằng cai quản con người bằng cách chỉ cung cấp cho nó của cải vật chất thôi là không đủ và không thỏa mãn được các nhu cầu của con người. Sau cùng chính trị cũng như kinh tế chỉ là một dụng cụ, và nếu các dụng cụ chiếm hữu được sự độc lập luân lý, thì chúng trở thành mục đích và khi đó con người trở thành một phương tiện: sản xuất, tiêu thụ, tạo ra sự tiết kiệm, thử nghiệm kỹ thuật vv...

(Avvenire 7-7-2010)
 
Cựu Bề trên Tổng Quyền dòng Chúa Cứu Thế thăng Tổng Giám Mục
LM. Trần Đức Anh, OP
14:43 02/08/2010
VATICAN. Hôm 2-8-2010, ĐTC Biển Đức 16 đã bổ nhiệm Cha Joseph William Tobin, cựu Bề trên Tổng quyền dòng Chúa Cứu Thế, làm tân Tổng thư ký Bộ các dòng tu, đồng thời thăng làm TGM hiệu tòa Obba.

Cha Tobin người Mỹ, năm nay 58 tuổi (1952), sinh trưởng tại Detroit bang Michigan và được bầu làm Tổng cố vấn của dòng năm 1991. 6 năm sau đó, ngài lần lượt được bầu làm Bề trên tổng quyền của dòng trong 2 nhiệm kỳ tổng cộng 12 năm, cho đến năm 2009. Cha cũng từng được bầu làm Phó Chủ tịch Hiệp Hội các Bề trên Tổng quyền các dòng nam vào năm 2003 và là thành viên Hội đồng liên lạc giữa các Bề trên Tổng quyền và Bộ các dòng tu.

Đức tân TGM Joseph Tobin thông thạo 5 sinh ngữ là Anh, Tây Ban Nha, Pháp, Ý và Bồ đào nha. Ngài kế nhiệm Đức TGM Gianfranco Gardin, 66 tuổi, dòng Phanxicô Viện Tu, được bổ làm GM giáo phận Treviso, bắc Italia, hồi tháng 12 năm 2009.

Bộ các dòng tu hiện do ĐHY Franc Rodé, người Sloveni, dòng Lazzariste làm tổng trưởng. Ngài sẽ tròn 76 tuổi vào ngày 23 tháng 9 tới đây (SD 2-8-2010)
 
Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội được ghi vào Danh mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới.
Dominic David Trần
23:15 02/08/2010
TORONTO-SAO PAULO-UNESCO theo Thông Tấn Xã AP (The Associated Press) thì Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học Và Kỹ Thuật của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) trong ngày Chúa Nhật 01 tháng Tám 2010 đã công bố nêu thêm 5 địa danh văn hóa vào Danh Mục Di Sản Văn Hóa của Thế Giới, trong đó bao gồm Hoàng Đế Thành Thăng Long- tại Hà Nội, Việt Nam. (The Imperial Citadel of Thăng Long- Ha Noi in Viet Nam. Xin xem bài chuyển ngữ và hình ảnh phụ đề riêng.)

Hoàng Đế Thành Thăng Long, đã được Vương Quốc Đại Việt xây dựng nên vào thế kỷ thứ 11 sau Công Nguyên, đã chính thức trở thành điạ danh thứ 900 được nêu tên trong Danh Mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới Cần được bảo vệ. Cùng với 4 địa danh khác cũng được công bố thuộc Sở Hữu Di Sản Văn Hóa Thế Giới đã nâng tổng số địa danh này lên đến 904 vào ngày 01/08/2010.

Các địa danh khác gồm có: thứ 901 là các di tích kỷ niệm lịch sử tại Đông Phương, Trung Cộng; thứ 902 là các di chỉ khảo cổ Sarazm thuộc nước Tajikistan; thứ 903 là Thành phố Giám Mục Albi tại Pháp; và thứ 904 là các hệ thống vòng kênh đào được xây dựng từ thế kỷ thứ 17 tại thủ đô Amsterdam, Hà Lan.

Trong ngày thứ Bảy 31/07/2010, UNESCO cũng nêu thêm 9 địa danh vào Danh Mục Di sản Văn Hóa Thế Giới; bao gồm Đảo san hô Bikini Atoll trong quần đảo Marshall, Thái Bình Dương: nơi đây đã là khu vực dùng để thử nghiệm các loại Bom Hạch Nhân Nguyên Tử trong các năm 1940 và 1950. UNESCO tức Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học Và Kỹ Thuật của Liên Hiệp Quốc tuyên bố rằng các vụ thử nghiệm các loại Bom Hạch Nhân và Nguyên Tử đã có "những hậu qủa lớn và nghiêm trọng" đến địa chất và môi trường sinh thái của các quần đảo san hô trên Thái Bình Dương - và đồng thời cũng đã biểu hiện như là "buổi mở đầu của thời đại hạt nhân nguyên tử".

Cùng được kể vào Danh Mục Di Sản Văn Hóa Thế Giới trong ngày thứ Bảy 31/07/2010 còn có Khu vực Turaif thuộc Ả Rập Xê Út; Các Nhà Tù thời Thực Dân tại Úc Đại Lợi; Khu vực Đài Quan sát Thiên văn Jantar Mantar tại Ấn Độ; Khu Vực Đền thờ Ardabil tại

Ba Tư Iran; Quần thể lịch sử Phức hợp về Chợ trời Tabriz cũng tại Iran Ba Tư; và Các ngôi làng lịch sử Hahoe và Yangdong ở Nam Hàn.

Các Hội Nghị của Tổ Chức Văn Hóa, Khoa Học Và Kỹ Thuật của Liên Hiệp Quốc để xem xét, tuyển chọn và đưa thêm các địa danh văn hóa vào Danh Mục Di Sản Văn Hóa cần được bảo vệ sẽ kết thúc vào ngày thứ Ba 03/08/2010.
 
Top Stories
A festival on mission and catechism in the diocese of Lang Son - Cao Bang
Asia-News
16:56 02/08/2010
The event involved more than 200 children of the parishes along the mountainous border with China. The meeting takes place every summer and is now in its 11th edition, despite the difficulties and restrictions of the government.

Hanoi (AsiaNews) – At the festival on catechism and the Bible over 200 children from the mountain communities of the diocese of Lang Son - Cao Bang (on the border with China), learn to listen to the word of God and live Christianity in everyday life. The event has great importance, because for years the ruling regime has prohibited the teaching of the catechism, forcing priests to teach in secret.

Organized July 27 to 28, the festival is now in its 11th edition. Each summer it involves children and catechists from all the parishes of the diocese. Divided into groups they discuss the Church texts, simplified to facilitate the children’s understanding.

The festival is also an opportunity to encourage children to Christian mission and ends each year with "The Rite of departure for doing mission". This time the mass was celebrated by Mgr. Joseph Dan Duc Ngan, bishop of Lang Son - Cao Bang. "We came here - he said - to pray together and share the word of God each one helping with his spirit and his ability to build our diocese through catechism and Bible study to try to live according to the word of God". "Jesus – he continued - teaches us that we must bring His message to local churches and our communities. Then with joy and faith, build our communities starting especially from our families".

In recent decades, Vietnam is experiencing a gradual reduction of religious freedom, forcing Christians to secretly teach catechism. The main difficulties are registered in its mountainous regions populated by indigenous Montagnard Christians, who for years have been without catechists and priests. Despite these difficulties, the Church has not stopped in its mission. To date there are 26 dioceses in the country and over 10 thousand catechists, who are often sent to serve in remote parishes of the country.

Maria, a catechist active in various mountain parishes, tells: "I taught catechism for seven years. At the beginning we had many difficulties, we lacked the appropriate texts, we had to learn the dialects of ethnic minorities and were under the continuous control of local authorities. " "But– she continues - we still taught catechism to children, paying no attention to politics and remaining firm in our faith."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Mừng Kim Khánh nhà thờ Tuy Hòa 1960-2010
GX. Tuy Hòa
08:29 02/08/2010
Mừng Kim Khánh Nhà Thờ Tuy Hòa Giáo Phận Quy Nhơn.

Ý NGHĨA LOGO MỪNG KỶ NIỆM KIM KHÁNH NHÀ THỜ TUY HOÀ

1. Ý nghĩa tổng quát: Kim Khánh nhà thờ Tuy Hoà (1960-2010) được đặt trong bối cảnh của Kim Khánh thành lập Hàng Giáo Phẩm Việt nam (1960-2010), nên cũng được thiết kế trên nền tổng quát của Logo năm Thánh Giáo Hội Việt nam: 3 vòng tròn lơn dần với 3 màu vàng đỏ xanh.

2. Ý nghĩa chi tiết:

a/. Ba vòng tròn vàng, đỏ, xanh cũng gợi nhớ màu vàng của lòng tin, màu đỏ tình yêu và màu xanh đức hy vọng: “Lạy Cha, xin thắp sáng ngọn lửa tin cậy mến trong lòng chúng con, để chúng con noi gương các vị chứng nhân đức tin, biết củng cố và lưu truyền gia sản đức tin cho các thế hệ tương lai” (Kinh Năm Thánh 2010).

b/. Ba vòng tròn lớn dần lên như những quầng sáng phát ra từ cuốn sách Lời Chúa mà trọng tâm chính là Đức Kitô-Alpha và Ômêga là nguồn sáng, làm sáng ý: “Thầy là đường là sự Thật và là sự sống” (Ga 14,6) trên đôi bàn tay biểu thị thái độ căn bản của đức tin đó là đón nhận và vâng phục Lời Chúa.

c/. Nhà thờ Tuy Hoà phía sau có hình Núi Nhạn tượng trưng của mãnh đất Phú Yên, đứng trên chiếc thuyền đang hướng mũi phía trước mà hai con số 50 như cánh bườm lướt đi với thời gian 50 năm để vươn tới tương lai trên biến đời dậy sóng.

d/. Hai cành lá vạn tuế tượng trưng cho quá khứ hào hùng của bao thế hệ tiền nhân, đặc biệt những bậc cha ông đã đổ máu đào, hy sinh, gian khổ để làm nên gia tài đức tin cho con cháu hôm nay.

e/. Các dòng chữ: Kim Khánh nhà thờ Tuy Hoà phía dưới trên nền xanh, 1960-2010 phía dưới trên nền đỏ, giáo xứ Tuy Hoà, giáo phận Qui Nhơn phía trên trên nền xanh là gói ghém thời điểm hồng ân trong biến cố mục vụ trọng đại của giáo xứ Tuy Hoà.

KINH NGUYỆN 50 NĂM XÂY DỰNG NHÀ THỜ

Nhân Dịp Kỷ Niệm 50 Năm Xây Dựng Nhà Thờ

(Giáo xứ đọc trong 3 Tuần Cửu Nhật từ 01-27.08.2010)

Lạy Chúa Cha từ ái, từ ngàn xưa và cho đến mãi muôn đời, Chúa không ngừng yêu thương săn sóc và bảo vệ cộng đoàn Dân Chúa trên con đường lữ thứ trần gian. Giáo xứ Tuy Hòa chúng con, cũng là đoàn dân được Chúa yêu thương và dẫn dắt. Kể từ biến cố khởi công xây dựng nhà thờ, cuộc hành trình sống đạo suốt 50 năm, cộng đoàn giáo xứ chúng con đã trải qua bao thăng trầm và gian nan thử thách, cho đến hôm nay vẫn tồn tại, tươi trẻ và đứng vững trong đời sống con cái Chúa.

Chúng con tin rằng, nhờ sự che chở phù trì của Thánh Cả Giuse, Bổn Mạng của Nhà Thờ và giáo xứ chúng con, Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ hiền của Giáo Hội, và nhờ lời cầu thay nguyện giúp của các Chứng Nhân anh hùng Tử đạo Việt Nam, nhất là của Á Thánh Anrê Phú Yên và Các Vị Tử đạo trên mảnh đất Phú Yên nầy, mà chúng con luôn trung thành trong Đức Tin, vững vàng trong Đức Cậy và nhiệt thành trong Đức Mến.

Trong niềm tri ân cảm tạ vì muôn vạn hồng ân, chúng con không quên dâng lên Chúa tâm tình ăn năn sám hối vì bao lỗi lầm trong bao năm sống đạo đã qua. Quả thật, chúng con vẫn còn nhiều thiếu sót trong việc sống và thực thi Lời Chúa, trong chứng tá đức tin và thực thi sứ vụ tông đồ, trong nghĩa vụ bác ái huynh đệ và dựng xây hiệp nhất. Xin Chúa thương dủ lòng tha thứ cho tất cả chúng con.

• Nhân dịp mừng kỷ niệm 50 năm xây dựng nhà thờ, cũng là Năm Thánh của Giáo Hội Việt Nam, cộng đoàn chúng con xin quyết tâm canh tân đời sống, nỗ lực sống Phúc Âm, hiệp thông với mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận hướng về biến cố 400 năm đón nhận Tin Mừng, hoạt động cho cánh đồng truyền giáo Phú Yên được mỗi ngày thêm tươi sáng, để nhiều người chưa nhận biết Chúa và nhiều anh chị em khác vẫn còn lãnh đạm với sứ điệp Tin Mừng và sự hiện diện của Hội Thánh được tìm thấy con đường cứu độ.

• Lạy Mẹ Maria, Nữ Tỳ của Thiên Chúa và Mẹ Hiền của Giáo Hội, Lạy Thánh cả Giuse Bạn Đức Trinh Nữ và là Đấng Bảo Hộ nhà thờ và giáo xứ chúng con, xin giúp chúng con vững tiến trên con đường Tin, Cậy, Mến và biết làm vinh danh Chúa trên mọi nẻo đường cuộc sống hôm nay để mai ngày được cùng nhau chung hưởng hạnh phúc trên quê hương hằng sống. Amen.
 
Đôi nét về Giáo Miền Xuân Bảng, GP Hà Nội
Giuse Trần Văn Bắc
08:57 02/08/2010
ĐÔI NÉT VỀ GIÁO MIỀN XUÂN BẢNG

( Bản báo cáo với bề trên giáo phận)

Nhân dịp Đức Tổng về thăm mục vụ giáo xứ Xuân Bảng. Chúng con xin kính trình lên Đức Tổng đôi nét về đời sống đức tin cùng với các hoạt động trong giáo miền Xuân Bảng.

I. Các giáo xứ.

Giáo miền Xuân Bảng gồm 6 giáo xứ ( 36 giáo họ)

1. Giáo xứ Xuân Bảng có 2500 giáo dân

2. Giáo xứ Đồng Đội có 1700 giáo dân

3. Giáo xứ Phú Thứ có 600 giáo dân

4. Giáo xứ Lập Thành có 400 giáo dân

5. Giáo xứ Trại Mới 1700 giáo dân

6. Giáo xứ Bảo Long 3800 giáo dân

Xem hình giáo miền Xuân Bảng

II. Về địa lý:

6 giáo xứ trải dài trên 2 tỉnh Nam Định và Hà Nam gồm các huyện: Ý Yên, Vụ Bản, Bình Lục và mỹ Lộc, chiều dài từ xứ Bảo Long đến xứ Xuân Bảng là 30 km.

III. Về lịch sử:

Giáo miền chúng con được đón nhận Tin Mừng rất sớm vào nửa cuối thế kỷ XVIII. Trong những thời bắt đạo có hàng trăm các tín hữu đã can đảm chịu tử vì đạo. Trong đó có các thánh, cha thánh Nguyễn Đình Nghi, Cha Thánh Ngân, Thánh Thọ, Thánh Cỏn.

Trong những năm cuối thập kỷ XX hoàn cảnh xã hội có nhiều khó khăn không có linh mục, nhiều giáo xứ bị hạn chế trong việc hoạt động, sinh hoạt tôn giáo. Các nhà thờ bị trưng thu làm kho tàng, nhiều nhà thờ bị tàn phá, giáo dân sống trong sợ hãi hoang mang, một số giáo họ mất cả nhà thờ, giáo dân bỏ đi nơi khác và đã để lại cho giáo miền chúng con nhiều thiệt hại to lớn.

Về hoạt động mục vụ có nhiều khó khăn do hoàn cảnh địa lý, lịch sử. Trình độ dân trí còn thấp, chủ yếu sống bằng nông nghiệp, ở vào vị thế khó khăn, kinh tế kém phát triển cho nên các linh mục về coi sóc gặp rất nhiều vất vả. Tuy nhiên nhờ ơn Chúa nâng đỡ và được bề trên giáo phận quan tâm, giáo miền chúng con ngày càng có nhiều biến chuyển tốt đẹp. Từ những năm 1990, các linh mục được phép đi lại làm mục vụ, giáo dân được tham dự vào việc cử hành phục vụ tích cực hơn, nhiều giáo họ bị mất nay đã hồi sinh, các cơ sở giáo dục, bác ái được phục hồi lại.

IV. Hiện tại.

Nhờ gương chứng nhân đức tin của các bậc tiền nhân, ngày hôm nay các tín hữu trong giáo miền chúng con vẫn tiếp tục sống và làm chứng nhân cho Chúa bằng tinh thần phục vụ, bác ái. Trong các giáo xứ, các hội đoàn được thành lập và hoạt động rất tích cực: Thiếu nhi Thánh Thể, giới trẻ, gia trưởng, hiền mẫu, hội Giuse… Các hội đoàn này đang cùng với chúng con làm sống lại tinh thần Tin Mừng của Chúa Kitô.

Trong thời kỳ thay đổi, đời sống của các tín hữu phần nào được tự do thể hiện đức tin của mình. Các hội đoàn được thành lập và hoạt động, có nhiều các linh mục về giúp đỡ và cộng tác. Nhưng chúng con đang phải đối mặt với nhiều khó khăn của thời đại, đời sống đức tin chịu thử thách trước những cám dỗ của thời cuộc: tiền bạc, đạo đức xuống dốc, nhận thức tôn giáo không rõ ràng, sống bàng quan…nên đã làm ảnh hưởng nhiều đến giới thanh thiếu niên.

Trên đây là những khái quát về tình hình của giáo miền chúng con. Chắc chắn một trang giấy không thể nãi hết được, kính xin Đức Tổng đón nhận và tiếp tục quan tâm nâng đỡ chúng con. Với chuyến thăm mục vụ lần đầu tiên này của Đức Tổng chắc chắn sẽ làm cho giáo miền chúng con được an ủi rất nhiều. Nhờ lời chuyển cầu của các Thánh tử đạo Việt nam, chúng con sẽ nguyện một lòng sống và làm chứng đức tin của mình vào Chúa Kitô.

Chúng con xin thay mặt cho bà con giáo dân trong giáo miền đồng kính chúc Đức Tổng, quý bề trên, quý cha sức khoẻ, niềm vui trong Chúa.

Nguyện xin Chúa ban nhiều ơn lành cho Đức Tổng Giám Mục.

Linh mục: Giuse Nguyễn An Khang

Chánh xứ Xuân Bảng
 
Giáo xứ Gò Đền & Gò Thao: Hãy chỗi dậy !
Lm Ngô Mạnh Điệp
09:02 02/08/2010


“…Người đã chỗi dậy…” (Luca 24, 6)

Ngày 15 tháng 8 năm 2010: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Bổn Mạng Giáo Xứ Gò Đền & Gò Thao – kỷ niệm 101 năm Giáo Xứ có mặt trên mặt đất Phan Rang-Ninh Thuận này (1909 – 2010) và 50 năm Giáo Xứ được nâng lên hàng Giáo Xứ theo Giáo Luật (1960 – 2010).

Qua đôi giòng lịch sử truyền khẩu thì cả Gò Đền và Gò Thao đều là Tên của những con người di dân lập nghiệp và an nghỉ tại nơi đó: Gò Đền là nơi Ong Đền tham gia công việc khai mương (mương Ngang) thời Cố Kim (Marie Julien Geoffroy -1871-1918) và, do lâm bạo bệnh,đã qua đời trên một Gò cao…Còn Gò Thao là nơi Ông Bà Thao,người gốc Phương Cựu,lập nghiệp trên này và qua đời tại đây,cũng trên một Gò cao…

Hai cái chết trên hai cái Gò làm nên địa danh của một vùng đất mà nay là Giáo Xứ Gò Đền & Gò Thao…với một bề dày năm tháng cũng tạm được coi là kha khá và với một khối đông giáo dân cũng thuộc vào hàng Giáo Xứ lớn của Giáo Hạt Ninh Thuận – thuộc Giáo Phận Nha Trang.

Ở một cái nhìn tích cực thì cái chết của một ai đó – nhất là của một con người khai phá – luôn luôn là một hồng ân của Thiên Chúa qua cái chết và sự sống lại của Chúa Giêsu Kytô – Đấng đã giúp chúng ta nhìn ra mầu nhiệm sinh sôi nảy nở của “hạt giống” được chôn vùi trong “lòng đất” và mang lại “hoa trái” cho con người…Đồng thời cái chết ấy cũng là nhịp tiếp nối nhiều thế hệ và là cầu nối giữa Đất – Trời, giúp chúng ta – từng bước trong từng ngày đời trần gian– lòng hướng lên cao…Xin ghi ân những bậc tiền nhân an nghỉ trên một cái Gò giữa mênh mông rừng rú của thời khai phá năm xưa…

Ở một cái nhìn có chút nặng lòng nếu không bảo là tiêu cực…thì cái chết (!) ấy cũng làm cho có những suy nghĩ không mấy vui về hôm nay: con số giáo dân của buổi ban đầu khi mới thành Họ Đạo là 170 người và thống kê của năm 2009 là trên 5.000 nhân khẩu! Thời gian từ năm 1009 cho đến năm 1936…giáo dân –mỗi tuần phải vào tận Dinh Thuỷ ( Tấn Tài)-để dâng Thánh Lễ Ngày Chúa Nhật…và họ phải dậy từ hai ba giờ sáng,cơm đùm gạo bới,dắt nhau lội bộ cho đến mãi bốn năm giờ chiều mới về tới nhà: vui vẻ – tin tưởng – không ngại ngần…Còn hôm nay, nhà thờ ngay trung tâm cộng đồng và căn nhà xa nhất cũng không quá một cây số…thế mà vẫn dẫy đầy những ngại ngần, nặng nề những bê trễ, lạnh lùng những cõi lòng!!! Vì sao ??? Phải chăng cũng vì cái “chết !” như một điềm gở cho một nơi chốn ???

Thoáng nhìn vào những hàng lịch sử sơ lược và lõm bõm của truyền khẩu thì cũng nhận ra được những khuôn mặt Mục Tử tiếng tăm và đầy nhiệt huyết làm nên cái cộng đồng Giáo Xứ lớn lao này…Bốn Vị Giám Mục – Ba Mươi Cha Quản Xứ còn sống cũng như đã qua đời– Năm Cha Phó Xứ – Rất nhiều Nam Nữ Tu Sĩ…Thậm chí đã có cả Cha Sở gửi thân trên mặt đất cằn mặn này. Xin tri ân và xin Thiên Chúa trả công…

Vậy mà hôm nay lại như thế này !!! Vì sao vậy ??? Biết bao nhiêu công lao !Biết bao nhiêu tâm huyết ! Biết bao nhiêu băn khoăn ! Biết bao nhiêu thao thức ! Vì sao ??? …và vì sao ???

Hoa trái ư ? Có chứ: dồi dào – phong phú: năm Linh Mục phục vụ trong Giáo Phận – hai mươi chín Nữ Tu các Dòng – ba Chủng Sinh và hai Nam Tu Sĩ…Không có những gia đình đạo đức, những ông cha bà mẹ gương mẫu, những xóm giềng nhiệt thành…thì làm gì có được những con số tuyệt vời như vậy…

Thế nhưng sao vẫn thấy hiện tại không mấy lạc quan ??? Do đâu ???...và tại sao ???

Có thể nghĩ được về cộng đồng Gò Đền&Gò Thao này như Phaolô nghĩ về giáo đoàn Côrintô của Ong không nhỉ: “Thư giới thiệu chúng tôi là chính anh em.Thư ấy viết trong tâm hồn chúng tôi,mọi người đều biết và đã đọc…”(2Cr3,2)…Biết thì đã biết rồi đó…nhưng đọc thì những người quanh đây đọc được những gì ???

Dù sao những ngày kỷ niệm 50 năm cũng gần đến…Khác xa với những Giáo Xứ miền Bắc – miền Trung cận Bắc hay gốc Bắc, gốc Trung…Khác xa với những Giáo Xứ thành phố…Gò Đền&Gò Thao vẫn lặng lẽ, im ắng …

Giữa cái lặng lẽ, im ắng ấy…xin được thành tâm ghi ơn Tiền Nhân – An Nhân – Thân Nhân – Bằng Hữu – Tất Cả và xin Thiên Chúa trả công bội hậu cũng như xin thông báo Kim Khánh Giáo Xứ: Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời 15 – 8 – 2010 để hiệp thông,để cầu nguyện và để chia sẻ…

Xin mượn lời hát của Cha Cố Gioan Maria Thích đáng kính và lời thơ của Sao Vườn Dầu để chúc Cộng Đồng Gò Đền & Gò Thao vào tuổi ngũ tuần TRI THIÊN MỆNH:

Cái Nhà là Nhà của ta:
Ong Cố – Ong Cha làm ra,
Cháu con ta gìn giữ lấy:
Muôn năm với Nước Non nhà (Cha Thích)

Au ơ tiếng hát lên non…
Au ơ tiếng hát thủa còn mênh mông…
Au ơ một giải núi sông…
Au ơ một thủa gieo trồng Tinh Thương…

Ngày xưa Tiên Tổ đoạn trường,
Ngày nay con cháu kiên cường nương theo.
Ngày xưa vạn nẻo cheo leo,
Ngày nay từng bước thoát nghèo có nhau.(Sao Vườn Dầu)

Cái Nhà là Nhà của Ta:
Ong Cố – Ong Cha làm ra,
Cháu con ta gìn giữ lấy,
Muôn năm với Nước Non nhà.

Ai ơi mảnh đất nhiệm mầu,
Ai ơi cằn cỗi – giãi dầu nắng mưa…
Ai ơi một dạ sớm trưa,
Ai ơi một gánh đong đưa Nghĩa – Tình…

Au ơ tiếng hát nguyên trinh:
Au ơ tiếng hát tôn vinh Chúa Trời.
Au ơ tiếng hát cuộc đời,
Au ơ tiếng hát con người có nhau.

Cái Nhà là Nhà của ta,
Ong Cố – Ong Cha làm ra,
Cháu con ta gìn giữ lấy:
Muôn năm với Nước Non nhà.

Đồng thời cũng mượn Lời Tin Mừng Sống Lại của Luca như một kêu gọi: “Người đã chỗi dậy.”….và Gò Đền & Gò Thao cũng hãy chỗi dậy từ mốc thời gian 50 năm này vì những tháng năm sắp tới…cho đến khi Ngài lại trở lại trong vinh quang…

Ngô Mạnh Điệp
Lễ Kim Khánh Giáo Xứ Gò Đền&Gò Thao 15-8-2010



 
Đồng trách nhiệm
Jos. Tú Nạc, NMS
09:11 02/08/2010
ĐỒNG TRÁCH NHIỆM

“Trách nhiệm” là một từ quen thuộc mà chúng ta thường nói và thường được nghe – có khi là câu nói cửa miệng được phát và nhận từ vô thức. Nhưng ý nghĩa của nó bao hàm trường nghĩa của những từ cùng đi với nó: đồng hành, đồng cảm, đồng sinh, đồng tử,…Tất cả những từ này đều nằm trong phạm trù “trách nhiệm”.

“Đồng trách nhiệm”, câu nói đã được Đức Cha Giu-se Trần Xuân Tiếu – Giám Mục giáo phận Long Xuyên lặp lại ba lần trong bài giảng của Ngài vào Lễ kỷ niệm Kim Khánh giáo phận và 150 năm Thánh Quí và Thánh Phụng tại nhà thờ Cù Lao Giêng, vào hồi 9:00 ngày 31 tháng 7 năm 2010 nhằm nhắn gửi đến các các tu sỹ nam, nữ, và giáo dân thuộc đia phận của Ngài.

Trách nhiệm là gì?

Trách nhiệm là tự xác nhận mình là chủ thể mọi hành vi của mình và cam chịu tất mọi hậu quả của nó. Như vậy trách nhiệm có nghĩa là chúng ta phải trả lời hành vi của chúng ta trước mọi uy quyền: uy quyền của lương tâm, uy quyền của tòa án hay xã hội. Do đó chúng ta phải nhận biết chúng ta là tác giả của các hành động và lãnh nhận những phán xét của lương tâm và xã hội.

Trách nhiệm có thể chia thành hai loại:

Trách nhiệm bện trong.

Trách nhiệm bện trong hay còn gọi là trách nhiệm tinh thần, là thứ trách nhiệm trước tòa án lương tâm hay thần linh. Đối với tín hữu Ki-tô giáo đó là trách nhiệm trước Thiên Chúa.

Trách nhiệm bên ngoài.

Trách nhiệm bên ngoài hay còn gọi là trách nhiệm xã, là trách nhiệm mà con người phải chịu trước đồng loại như dư luận, trước tòa án tức luật pháp.

Khi Đức Giám mục Giu-se nói “đồng trách nhiệm” là Ngài muốn giáo huấn các Ki-tô hữu phải ý thức tinh thần trách nhiệm của bản thân trước tiên là trách nhiệm bên trong đối với Giáo Hội và trách nhiệm bên ngoài – xã hội.

Nhưng hai loại trách nhiệm này thường không có sự trùng hợp vì chúng tùy thuộc vào những điều kiện khác nhau. Có thể có trách nhiệm lương tâm mà không có trách nhiệm pháp luật hay ngược lại. Có khi có trách nhiệm xã hội mà không có trách nhiệm lương tâm. Chúng ta chưa nói đến trường hợp hai loại trách nhiệm này đối chọi nhau.

Những điều kiện của trách nhiệm:

Trách nhiệm lương tâm đòi hỏi phải có nhận thức về pháp luật, trong khi trách nhiệm xã hội thì không cần có sự hiểu biết hay không biết pháp luật vì không ai được coi như không biết pháp luật ((nul n’est cencé ignorer la loi).

Trách nhiệm lương tâm chỉ có đối với hành vi tự ý do ý muốn của mình. Trái lại trách nhiệm luật pháp thì ap dụng cho cả những hành vi không do ý muốn hay hành vi cưỡng bách (actes involontaire).

Những điều kiện tổng quát của trách nhiệm là:

Ý chí: muốn chịu trách nhiệm về một hành vi cần phải có ý muốn trong hành động.

Tự do: phải có tự do nội tâm hay tự do tâm lý nghĩa là tự do quyết định hành động. Con người chỉ chịu trách nhiệm về những hành vi tự mình đã tự do quyết định.

Nhận thức: là khả năng kiểm điểm những hậu quả và tầm quan trọng của hành vi. Trẻ con không có trách nhiệm trước pháp luật vì hành động của nó xuất phát từ vô thức.

Lương tâm: con người không có lương tâm thì không có trách nhiệm vì không thể phán đoán giá trị của hành vi.

Đức Cha Giu-se khi nhấn mạnh ý thức “đồng trách nhiệm” là Ngài muốn nói đến các Ki-tô hữu hôm nay phải đồng hành một cách có ý thức với xã hội để duy trì đời sống đạo đức phục vụ Giáo Hội trên nền tảng đức tin Ki-tô giáo.

Xã hội chỉ có thể giúp cá nhân phát triển đạo đức chứ không thể làm cứu cánh cho đạo đức cá nhân.

Ngài muốn nói rằng trong đời sống đạo đức luôn phải có sự hiện diện của Thiên Chúa vì nếu không, đạo đức sẽ không còn ý nghĩa. Tiêu chuẩn cho đời sống đạo đức với lý tưởng cộng đồng thường ở mức trung bình, tầm thường mà lý tưởng của đạo đức phải là sự hoàn hảo tức là chí thiện.

Ngài nói “đồng trách nhiệm” phải dựa trên căn bản của sự hiệp thông và hiệp nhất trong Giáo Hội theo tinh thần Công Đồng Vatican II mà Đức Thánh Cha Gio-an XXIII đã đề xướng (Il Consilio Vaticano II). Đoàn kết chung xây, bảo vệ và kiện toàn Giáo Hội trong bất kỳ hoàn cảnh nào trong cuộc sống như gương hai Thánh Ammanuel Lê Văn Phụng và Phê-rô Đoàn Công Quí của họ đạo Cù lao Giêng.
 
Dòng nữ Đaminh Thánh Tâm tổ chức lễ mừng hồng ân vĩnh thệ, mừng kim khánh khấn dòng
Nguyễn Quang Ngọc
09:34 02/08/2010
Biên Hòa - Đồng Nai.- Trong tâm tình tạ ơn Thiên Chúa, hội dòng nữ Đaminh Thánh Tâm đã tổ chức lễ mừng hồng ân vĩnh thệ, mừng kim khánh khấn dòng vào sáng thứ hai lúc 08h30.

Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh Giám mục Giáo phận Xuân Lộc đã đến hiệp dâng Thánh lễ Tạ ơn và chủ sự Nghi thức Khấn dòng tại nguyện đường tu viện trụ sở hội dòng (số 155/5 Kp9, Tân Biên, Biên Hòa, Đồng Nai). Cùng đồng tế có sự hiện diện Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp Giám mục Giáo phận Vinh, Đức Ông Vinhsơn Đặng Văn Tú, và khoảng 57 Linh mục. Ngoài ra còn có sự tham dự quý Soeurs, quý thân nhân, ân nhân và đông đảo bà con Giáo dân đến từ nhiều nơi trong và ngoài Giáo phận.

Xem hình lễ khấn dòng
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng học được gì nơi người đồng nghiệp Vladimir Putin
Hà Long
15:52 02/08/2010
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng học được gì nơi người đồng nghiệp Vladimir Putin

Nước Nga đang sống trong một thời kỳ cháy rừng khủng khiếp, cho đến hôm nay bà hỏa đã gây ra tử thương cho 40 người Nga.

Tính đến chủ nhật vừa qua đã có 7.000 vụ cháy rừng lớn nhỏ làm thiêu hủy 6.000 cây số vuông và có những đám cháy to làm cho ngọn lửa cao đến 50 mét. Hơn chục ngàn người phải di tản. Hầu như hoa màu đang được gặt hái bị thiêu rụi làm cho các nhà nông trở nên trắng tay. Nguyên nhân cháy rừng chính là thời gian nắng gắt kỷ lục đang kéo dài chưa từng có kể từ khi thành lập nha khí tượng cách đây 130 năm tại Nga, có thời điểm nhiệt độ nóng lên tới mức kỷ lục cao hơn 40 độ C cộng với gió lớn đạt tới 20 mét trong 1 giây đã làm lan tỏa cháy rừng không dập tắt kịp thời.

Nga đang điều động 240.000 lực lượng chữa cháy và dùng cả quân đội chống giặc lửa.

Đây là vụ cháy rừng nghiêm trọng nhất từ 40 năm qua ở miền trung Nga, thiệt hại nhất tại Nizhny Novgorod và ngay tại vùng thủ đô cách Matxcơva 10 cây số đã gây ra mây mù làm cho tầm nhìn chỉ đến 500 mét, điều này cũng gây trở ngại cho việc lên xuống của các hãng hàng không.

Trong cuộc họp báo qua kênh truyền hình thủ tướng Vladimir Putin cho biết: "Lửa và gió không ngừng nghỉ ngày nào, vì vậy chúng ta cũng không thể nghỉ ngơi ngày nào cả."

Những lời ta thán và chỉ trích của dân Nga đã thúc đẩy thủ tướng Vladimir Putin phải họp khẩn cấp với các thống đốc, thị trưởng của những khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất về hỏa hoạn vào thứ hai, 02/8 cũng như ông đến tham quan các khu vực cháy rừng tại Nizhny Novgorod.

Ông Putin dùng lời lẽ cứng rắn kêu gọi các thống đốc lên kế hoạch tái thiết và lập ngân sách đền bù thiệt hại: „Tôi muốn nhìn thấy ngay ngày hôm nay về sự tổ chức tái thiết. Tôi muốn nhìn những kế hoạch cho mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi nhà." Ngoài ra ông Putin cũng muốn có một danh sách đính hiệu chữ ký của những người bị thương từ những vị thống đốc của mỗi vùng.

Có lẽ những lời ai oán của những nạn nhân đã đến tai ông Putin khi ông đi thăm viếng và được dàn chào bởi những lời chống đối mãnh liệt của người dân, như ở Nizhny Nowgorod. Từ khi thay đổi chính thể dân chủ tại Nga, người dân đã có tiếng nói vững vàng qua lá phiếu bầu cử, điều này đã thúc đẩy ông Putin phải hành động và rất minh bạch. Ông ra lệnh cứu trợ khẩn cấp 5 tỉ Rúp (165 triệu USD) từ ngân sách Liên Bang cho những vùng bị hỏa hoạn tàn phá. Theo ngân sách này, các gia đình có người chết sẽ nhận được 1 triệu Rúp (33.000 USD) và hỗ trợ khoảng 3 triệu Rúp (100.000 USD) để xây lại cho mỗi căn nhà bị thiêu hủy.

Nhìn người ta ngẫm đến mình

Tại Việt Nam khi người dân gặp tai ương lũ lụt, công an đàn áp giết người vô tội, ngư dân đánh cá bị „tàu lạ“ bắt giữ, Vedan đầu độc dòng sông Thị Vải nhưng nhà nước quên đòi Vedan bồi thường, nạn cán bộ cao cấp dùng bằng đại học, tiến sĩ dỏm tràn lan, Bác Tô của Hà Giang vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật, nạn vô tư “cho không” ngoại quốc đất trồng rừng, IQ cao làm đường cao tốc, v.v…, những chuyện này dài như một bảng tấu chương hài không có dấu chấm hết.

Tóm gọn, tất cả vấn nạn quốc gia đang nằm trong tay của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, ông ta có thể nhìn thấy bức xúc của người dân và cũng có thể thiếu lương tâm của một nhà lãnh đạo. Tuy rằng ông Dũng cũng ra chỉ đạo này, cũng ra nghị quyết khác, nhưng cấp dưới vẫn một mực „trên bảo dưới không nghe“ làm cho bộ máy quốc gia trị trệ, tham nhũng, tham quyền và cuối cùng vị thủ tướng như bị bó tay với lời lẽ từ cửa miệng của ông: „Tôi nhớ đồng chí Phạm Văn Đồng có lần cũng nói đồng chí có lẽ làm Thủ tướng lâu nhất của đất nước nhưng đồng chí chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, từ đồng chí chủ tịch xã, phường trở lên. Hơn ba năm nay, tôi làm Thủ tướng tôi cũng chưa xử lý kỷ luật một đồng chí nào, chắc là cũng phải học theo đồng chí Phạm Văn Đồng.“ (botay1.com!).

Một người cấp dưới, phó thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng cùng phụ hoạ với ý tưởng vĩ đại có một không hai đó bằng câu: „Còn hôm nay thấy sai một chút chỗ này xử lý, “cách chức đi, kỷ luật đi”, ngày mai thấy sai chỗ kia, “cách chức đi, kỷ luật đi”, lấy ai mà làm việc các đồng chí?“ Ông Hùng định nghĩa thêm về đạo đức cách mạng mà chỉ có giá trị riêng cho 3 triệu đảng viên csVN: „Cho nên quy định của Đảng, pháp luật có cái đạo đức… có tính toán. Nghiêm ở đây không có nghĩa sai là “chặt chém” ngay, như vậy thì hết người, không có người để làm.“ (botay2.com!).

Hết ý! Các nhà lãnh đạo csVN chừng nào mới bước chân lên được con tàu cao tốc để đuổi kịp cách làm việc của những người đồng nghiệp tại nước ngoài?

Mong rằng khi mãn nhiệm kỳ ông Dũng còn được một cơ hội học được câu nói của ông Putin: „Tôi muốn nhìn thấy ngay ngày hôm nay về sự tổ chức tái thiết. Tôi muốn nhìn những kế hoạch cho mỗi vùng, mỗi địa phương, mỗi nhà."
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (3)
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:12 02/08/2010
hiểu và sống Mười Điều Răn Thiên Chúa (3)

Mười Điền Răn Thiên Chúa


(Sách Đệ Nhị Luật 5,1-22)

Ông Mô-sê triệu tập toàn thể Ít-ra-en và nói với họ: „Hỡi Ít-ra-en, hãy nghe những thánh chỉ và quyết định mà hôm nay tôi nói cho anh em nghe. Anh em hãy học cho biết những điều ấy và lo đem ra thực hành. Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng ta, đã lập một Giao Ước với chúng ta tại núi Hô-rếp. Đức Chúa đã lập Giao Ước này không phải với cha ông chúng ta, mà là với chúng ta, những người hôm nay đang ở đây, tất cả còn đang sống. Thiên Chúa đã phán với anh em mặt đối mặt, trên núi, từ trong đám lửa. Còn tôi, thời ấy, tôi đứng giữa Đức Chúa và anh em để thông báo cho anh em lời của Đức Chúa, vì anh em thấy lửa thì sợ và không lên núi. Người phán:

„Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa, đã đưa ngươi ra khỏi Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ.

• Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta.

• Ngươi không được tạc tượng vẽ hình bất cứ vật gì ở trên trời cao cũng như ở dưới đất thấp, hoặc ở trong nước phía dưới mặt đất, để thờ lạy. Ngươi không được phủ phục trước những thứ đó mà phụng thờ: vì Ta, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, là một vị thần ghen tương. Đối với những kẻ ghét Ta, Ta phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông. Còn đối với những ai yêu mến Ta và tuân giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn bề nhân nghĩa đến ngàn đời.

• Ngươi không được dùng danh Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi một cách bất xứng, vì Thiên Chúa không dung thứ kẻ dùng danh Người một cách bất xứng.

• Ngươi hãy giữ ngày Sa-bát, mà coi đó là ngày thánh, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi. Trong sáu ngày, ngươi sẽ lao động và làm mọi công việc của ngươi. Còn ngày thứ bảy là ngày Sa-bát kính Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi. Ngày đó, ngươi không được làm công việc nào, cả ngươi, cũng như con trai con gái, tôi tớ nam nữ, bò lừa và mọi gia súc của ngươi, và ngoại kiều ở trong thành của ngươi, để tôi tớ nam nữ của ngươi được nghỉ như ngươi. Ngươi hãy nhớ ngươi đã từng làm nô lệ tại đất Ai-cập, và Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã dang cánh tay mạnh mẽ uy quyền đưa ngươi ra khỏi đó. Bởi vậy, Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi cử hành ngày Sa-bát.

• Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi.

• Ngươi không được giết người.

• Ngươi không được ngoại tình.

• Ngươi không được trộm cắp.

• Ngươi không được làm chứng dối hại người.

• Ngươi không được ham muốn vợ người ta, ngươi không được thèm muốn nhà của người ta, đồng ruộng, tôi tớ nam nữ, con bò con lừa, hay bất cứ vật gì của người ta. Những lời ấy, Đức Chúa đã phán với toàn thể đại hội anh em, trên núi, từ trong đám lửa, giữa mây đen mù mịt, Người nói lớn tiếng và không thêm gì cả. Người đã viết những lời ấy trên hai bia đá và ban cho tôi.“

1. Tóm Lược Mười Điều Răn Thiên Chúa

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự.

Thứ hai: Chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.

Thứ ba: Giữ ngày Chúa Nhật.

Thứ bốn: Thảo kính cha mẹ.

Thứ năm: Chớ giết người.

Thứ sáu: Chớ làm sự dâm dục.

Thứ bảy: Chớ lấy của người.

Thứ tám: Chớ làm chứng dối.

Thứ chín: Chớ muốn vợ chồng người.

Thứ mười: Chớ tham của người.

2. Diễn Giải

Điều Răn Thứ Nhất

Thứ nhất: Thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến Người trên hết mọi sự!“

Điều đó có nghĩa là chúng ta phải thành tâm tôn thờ và biết ơn một mình Thiên Chúa, Đấng Tạo Hóa duy nhất đã tác tạo nên muôn vật hữu hình và vô hình, tức con người và các tạo vật thuộc vũ trụ vật chất này cũng như các Thiên thần và thế giới vô hình, trong đó phải kể đến linh hồn thiêng liêng bất tử của con người. Ngoài một mình Thiên Chúa ra, không còn có thần linh cứu độ nào cao trọng hơn nữa. Đối nghịch lại Thiên Chúa là các Thiên thần phản loạn, tức ma quỷ, và đã bị Thiên Chúa loại trừ ra khỏi hạnh phúc Thiên đàng và phải trầm luân trong hỏa ngục, trong chốn tối tăm đầy khổ ải.

Bổn phận thờ phượng Thiên Chúa gồm có bề trong và bề ngoài:

Bề trong: hoàn toàn xác tín và tin thật chân lý khách quan này là chỉ có một mình Thiên Chúa là Đấng Tối Cao duy nhất nắm trong tay mọi quyền lực trên trời dưới đất, và hết lòng tôn thờ và yêu mến Người trên hết mọi sự.

Bề ngoài: thể hiện sự xác tín, lòng tôn thờ và yêu mến của chúng ta đối với Thiên Chúa bằng những hành động cụ thể trong cuộc sống hằng ngày, tức sốt sắng tham dự các giờ Kinh Nguyện theo lịch phụng vụ của Giáo Hội, như các Thánh Lễ ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Trọng, lãnh nhận các Bí tích, nhất là Bí tích Hòa giải và Bí tích Thánh Thể, các Giờ Chầu, các Giờ Đền Tạ, lần hạt Mân Côi, các Giờ Đọc Kinh chung hay riêng, v.v… Vì Kinh Thánh đã dạy: „Đức tin không có việc làm là một đức tin chết“ (Gc 2,17).

Để giúp chúng ta sống đức tin một cách dễ dàng và có hiệu quả hơn, Giáo Hội đã tổ chức hai Mùa Phụng vụ quan trọng nhất trong năm, đó là Mùa Giáng Sinh và Mùa Phục Sinh.

Mùa Giáng sinh: Để giúp các tín hữu chuẩn bị cử hành và sống Mùa Giáng Sinh một cách thiết thực và có hiệu quả thực tiễn cho cuộc sống tâm linh của họ, Giáo Hội đã tổ chức một thời gian trong vòng bốn tuần lễ trước đó, được gọi là Mùa Vọng. Mục đích chính của Mùa Giáng Sinh là nhằm giúp cho mọi tín hữu chiêm ngắm và sống Mầu nhiệm tình Yêu „Xuống Thế Làm Người“ của Đức Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa: Vì quá yêu thương loài người, Thiên Chúa đã sai Con Một của Người xuống trần mặc lấy xác phàm, được sinh hạ nơi chuồng chiên lừa trong cảnh cơ hàn tột bậc, hầu để chia sẻ thân phận nghèo hèn của họ, để cứu thoát họ ra khỏi ách nô lệ tội lỗi và ma quỷ, và để làm hòa họ lại với Thiên Chúa Cha, nhờ thế con đường dẫn đưa họ vào cuộc sống viên mãn, vào chốn hạnh phúc vĩnh cửu, đã được mở ra cho họ.

Trong Mùa Giáng Sinh gồm có các Lễ Trọng chính: Đại Lễ Giáng Sinh, Lễ Chúa Hiển Linh hay Lễ Ba Vua, và thường được chấm dứt sau Lễ Đức Mẹ Dâng Con vào Đền Thờ, cũng được gọi là Lễ Nến, vì trong Lễ này Giáo Hội thường có lễ nghi làm phép các cây nến to nhỏ được sử dụng suốt năm trong nhà thờ và nhất là có tổ chức Rước Nến, để công khai tuyên dương Đức Kitô là ánh sáng thế gian và Người xuống thế gian là để soi sáng thế gian u tối bằng ánh sáng chân lý của Người.

Mùa Phục Sinh: Mục đích Mùa Phục Sinh là nhằm giúp cho các tín hữu sống Mầu nhiệm Cứu Chuộc của Đức Kitô bằng sự cử hành long trọng cuộc Khổ Nạn và sự Sống Lại hiển vinh của Người: Vì vâng lời Chúa Cha và để cứu thoát toàn thể nhân loại ra khỏi gông cùm tội lỗi và khỏi hố diệt vong, Ðức Kitô đã tự nguyện chịu mọi cực hình và cả cái chết đau thương tủi nhục trên thập giá, và đã được an táng trong mồ. Nhưng Thiên Chúa Cha đã không muốn để cho Con Một của Người phải chịu cảnh hư nát và tan rữa vào lòng đất như kiếp phàm nhân đầy tội lỗi, nên Người đã cho Đức Kitô sống lại vinh quang từ cõi chết và lên trời ngự bên hữu Người để làm Vua Vũ Trụ xét xử những ai đã từ chối tình yêu của Người, những ai chỉ biết sống ích kỷ, cư xử bất công và thiếu bác ái đối với các anh chị em đồng loại của mình (x. Mt 25, 31-46).

Mùa Phục Sinh cũng được chuẩn bị bằng một thời gian trước đó vào khoảng hơn kém năm tuần lễ, được gọi là Mùa Chay và được kết thúc với Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Trong Mùa Phục Sinh gồm có các ngày đại lễ: Lễ Phục Sinh, Lễ Chúa Giêsu Lên Trời, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Dĩ nhiên, trước khi mừng Đại Lễ Phục Sinh, mừng ngày Chúa sống lại, các tín hữu cử hành long trọng Tuần Thánh, hay cũng được gọi là Tuần Thương Khó, để thành kính tưởng nhớ tấm bi kịch đầy đau thương nhất của cuộc đời Chúa Cứu Thế – vì chỉ muốn cho nhân loại được hạnh phúc và được cứu rỗi, mà Người đã tự nguyện hy sinh chấp nhận bị phản bội, bị ghép vào hàng ngũ những kẻ tội lỗi, bị tra tấn đánh đập cực kỳ dã man, bị kết án bất công và bị đóng đinh vào thập giá – và được khởi đầu bằng Lễ Lá, kỷ niệm biến cố dân Do-thái xưa kia đã cầm lá trong tay long trọng đón rước Chúa Cứu thế vào thành thánh Giê-ru-sa-lem. Trong Mùa Phục Sinh, mỗi tín hữu Công Giáo có bổn phận phải dọn mình chịu Bí tích Hòa Giải, tức phải xưng tội và rước lễ sốt sắng.

Ngoài hai Mùa Giánh Sinh và Mùa Phục Sinh, những ngày tháng còn lại trong năm được gọi là Mùa Thường Niên. Trong suốt Năm Phụng Vụ Giáo Hội còn cử hành các Lễ kính Mẹ Maria và các Thánh, hầu để động viên, khuyến khích các tín hữu hăng say và sốt sắng tôn thờ Thiên Chúa và sống Sứ Điệp Phúc Âm của Người qua đời sống nhân đức thánh thiện gương mẫu của Mẹ Maria và của các Thánh, như của những người anh chị em đã sống và nêu gương sáng trước cho chúng ta.

Các xúc phạm đến Điều Răn Thứ Nhất:

1) Khi người ta đem lòng tôn thờ các loài thụ tạo, như: người, loài vật, cây cối, đồ vật, v.v… và công khai long trọng hương khói và khấn vái trước bàn thờ các tạo vật hư hèn chóng qua ấy như một tác động thờ phượng.

2) Khi có những thái độ và cách sống mê tín dị đoan, nghĩa là khi người ta tin tưởng, trông cậy và đặt hết hy vọng vào các loài thụ tạo – như các phù thủy, các thầy bói, các cô đồng bóng, v.v…, – như thể chúng toàn năng và có quyền lực tuyệt đối để có thể làm thỏa mãn được mọi ước vọng và trông chờ của họ, một điều mà ngoài một mình Thiên Chúa ra, không một quyền lực hay một ai khác có thể ban cho con người (x. Đnl 18, 9-14).

3) Khi phạm thánh, tức khi chủ ý và khinh thường xúc phạm đến những người cũng như những nơi chốn hay những sự vật đã được Giáo Hội công khai thánh hiến cho Thiên Chúa, như các vị có Chức Thánh, các Nhà Thờ, Nhà Nguyện, các tượng Ảnh Chúa và các tượng ảnh các Thánh, trộm cắp, cắt xén hay lạm dụng tiền bạc của Giáo Hội.

Trong việc tôn thờ Thiên Chúa, người ta có thể nói được rằng việc đọc kinh cầu nguyện là thái độ và tác động đầu tiên con người làm khi đối diện với Thiên Chúa. Ở đây, tiếng Việt Nam nói rất đúng: Đọc kinh cầu nguyện, đọc kinh và cầu nguyện. Trong đó, đọc kinh tương đối dễ dàng hơn, còn ngược lại, cầu nguyện lại tương đối khó hơn. Và bằng một cách nào đó, người ta có thể so sánh được rằng: đọc kinh là phần hình thức, còn cầu nguyện là phần nội dung. Bởi vậy, nhiều khi người ta đã đọc kinh mà không cầu nguyện thực sự, đó là khi người ta chỉ đọc kinh và ca hát ngoài miệng, chứ lòng trí họ lại không để ý đến các lời kinh mình đọc và không suy niệm theo ý nghĩa của các lời kinh ấy, nhất là không đem ra áp dụng ý nghĩa các lời kinh ấy vào cuộc sống cụ thể hằng ngày của mình. Đây chính là trường hợp mà chính Chúa đã từng phiền trách: „Dân này chỉ tôn thờ Ta bằng môi miệng, chứ lòng chúng lại xa Ta“ (Mt 15,8).

(Còn tiếp)
 
Công Giáo không tham gia chính trị? (1)
Hà Minh Thảo
09:07 02/08/2010
CÔNG GIÁO KHÔNG THAM GIA CHÁNH TRỊ ?

Ngày 21.05.2010, Radio Vatican truyền thanh bài ‘Đức Thánh Cha khuyến khích Giáo dân dấn thân chính trị’ bằng kêu gọi các tín hữu Công giáo dấn thân trong lãnh vực chính trị và chứng tỏ rằng đức tin giúp họ đọc các thực tại một cách mới mẻ và biến đổi chúng. Đức Thánh Cha Biển Đức 16 khẳng định rằng: Giáo hội không có sứ mạng huấn luyện chuyên môn cho các nhà chính trị. Đã có nhiều tổ chức khác theo đuổi mục đích ấy. Sứ mạng của Giáo hội là « đưa ra một phán đoán luân lý cả về những điều liên quan tới lãnh vực chính trị, khi các quyền căn bản của con người và phần rỗi các linh hồn đòi hỏi.. và Giáo hội chỉ sử dụng những phương thế phù hợp với Tin Mừng và thiện ích của mọi người, theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau » (GS, 76).

Trong khi đó, lang thang trên xa lộ thông tin, chúng tôi đọc được câu sau:

« Mới đây trên DVD Thúy Nga Paris By Night, MC Nguyễn Ngọc Ngạn đã có cuộc phỏng vấn với vị Tân Giám mục người Việt tại Toronto (Canada) là Đức cha Vincent Nguyễn Mạnh Hiếu. Trong cuộc phỏng vấn này, Đức cha Hiếu có nói rằng: ‘Người Công giáo không làm chính trị!’ »

Nếu chúng ta thông biết Hiến Chế Vui mừng và Hy vọng (Gaudium Et Spes) và Giáo luật thì hai lời nói trên hoàn toàn không có gì mâu thuẫn, xin mời chúng ta cùng phân tích.

I. KHÁI NIỆM VỀ CHÁNH TRỊ.

A. Công dân Việt-Nam.

Mọi người trong chúng ta khi sinh ra đã có quốc tịch Việt-Nam và là công dân nước Việt, có nhiệm vụ tôn trọng luật lệ Việt-Nam và được luật lệ Việt-Nam bảo vệ. Tham gia sinh hoạt chánh trị là quyền bẩm sinh của mỗi công dân.

B. Hành vi Chánh Trị.

Trên Quê Hương Việt-Nam, người cộng sản gieo vào đầu óc đồng bào một hiểu biết sai lầm về chánh trị, luôn phải sợ hãi khi nghe đến từ ‘chính trị’ hay khi không ưa ai thì cứ gắn cho người đó ‘làm chánh trị’ một cách vô trách nhiệm và bất công.

Ở đây, chúng tôi đề nghị chúng ta đơn giản vấn đề như thế nầy:

Chế độ cai trị nào cũng cũng tự hào là Dân Chủ, tức là dân làm chủ Đất Nước. Như vậy, Chủ quyền Đất Nước thuộc về toàn dân, tức mỗi công dân sở hữu 1/56.252.543 Chủ quyền Đất Nước (đây là số cử tri ghi danh bầu cử Quốc hội khóa 2007-2011). Thí dụ, quyền Lập pháp được giao cho Quốc hội. Trong tòa nhà Quốc hội cũng như việc thảo luận và biểu quyết dự luật rất không thể thực hiện được, nên phải tổ chức bầu cử 493 đại biểu.

Khi tham gia tuyển cử, mỗi công dân dùng lá phiếu, tương đương với 1/56.252.543 quyền làm luật của mình, chọn và ủy quyền cho các ứng cử viên trong đơn vị mình đầu phiếu để, khi đắc cử, trở thành đại biểu, thay mình làm luật tại Quốc hội. Rất tiếc, vì số ứng cử viên bị giới hạn bởi Mặt trận Tổ quốc khiến vô số người tài đức không thể hiện diện tại Nghị trường.

Trong trường hợp nầy, những cử tri làm một hành vi chính trị công dân. Tại Quốc hội, người đại biểu cần phải thảo luận và biểu quyết các dự luật theo như họ đã hứa với cử tri. Đó là một hành vi chánh trị Lập pháp cho quốc gia, nhằm phụng sự Công Ích, chứ không vì mị dân hay đảng phái.

II. TÍN HỮU CÔNG GIÁO.

Người công dân Việt-Nam trở thành người Công giáo Việt-Nam sau khi tự do xin lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Kết quả tức thì, người công dân có quyền có những hành vi chánh trị dựa theo những qui chiếu do Phúc Âm Đức Kitô, Giáo huấn xã hội Công giáo và Giáo Luật mang lại.

Ngày 05.07.2003, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, trong sứ điệp gởi cho tổ chức Vatican ‘Centesimus Annus-Pro Pontifice’, đã nhắc người giáo dân: « Những hoàn cảnh thê thảm thế giới ngày nay phải chịu chứng tỏ tính thời sự thường trực của Học thuyết Xã hội của Giáo hội và sự cần thiết khởi sự từ một viễn ảnh đúng, tập trung vào sự thật con người, một sự thật do lý trí khám phá và được Tin Mừng Chúa Giêsu củng cố và cổ võ giá trị chân chính và ơn gọi xã hội tự nhiên của con người ».

Về vấn đề này, Đức Gioan Phaolô II giải thích rằng Giáo huấn Xã hội của Giáo hội cống hiến những chỉ dẫn cho ‘sự cổ võ những nhân quyền, sự bảo vệ gia đình, sự phát triển những cơ chế dân chủ đích thực và góp phần chính trị, một nền kinh tế phục vụ con người, một trật tự quốc tế mới bảo đảm công lý và hoà bình, và một thái độ trách nhiệm đối với tạo vật.’

1. Tin Mừng Đức Kitô cần được chấp nhận như là Đại Hiến chương của những Kitô-hữu hợp thành Giáo hội Công giáo, gồm bốn sách đầu tiên của Tân Ước theo các Thánh Sử Matthêu, Máccô, Luca và Gioan, có tính ưu việt trên hết, vì là những chứng từ tuyệt vời về cuộc đời và lời giáo huấn của Ngôi Lời nhập thể, Đấng Cứu Độ chúng ta.

Công đồng Vaticanô II đã coi các sách Tin Mừng như những chứng từ thành văn của các Tông Đồ hay của những vị đã sống bên các Tông Đồ ghi chép lại do ơn linh hướng của Thánh Thần và đã long trọng khẳng định lịch sử tính của các sách Tin Mừng vì trung thành truyền lại những gì Đức Giêsu thực sự đã làm và đã dạy, luôn truyền đạt cho chúng ta những điều chân thật về Đức Giêsu. Phúc Âm vừa là chứng từ về Đức Giêsu lịch sử, vừa là chứng từ về niềm tin của các Tông Đồ sau Chúa phục sinh.

2. Giáo huấn xã hội Công giáo.

Ngày 01.05.2000, Lễ kính Thánh Giuse Thợ, với trách vụ Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hoà bình, Đức cha Phanxicô Xaviê Nguyễn văn Thuận, Tổng Giám mục hiệu tòa Vadesi, đã ký ban hành ‘Sưu Tập những Bản Văn của Huấn Quyền về Học thuyết Xã hội Công giáo’. Trong đó, Đức cha đã thu nhặt từ các văn kiện đang có trong kho tàng Giáo huấn về xã hội và viết thành 11 chương về các đề tài: Bản chất Học thuyết Xã hội Công giáo, Con Người, Gia Đình, Trật tự Xã hội, Vai trò Nhà Nước, Kinh tế, Lao Động và Tiền Lương, Sự Nghèo đói và Đức Bác ái, Môi trường, Cộng Đồng Quốc tế và Chương Kết. Văn kiện này được dùng làm căn bản cho việc hoàn thành « Toát yếu về Học thuyết Xã hội Giáo hội ».

Qua ‘Lời Giới Thiệu’ của Đức Hồng y Angelo Sodano, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, gởi Đức Hồng y Renato Raffaele Martino, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng Công lý và Hoà bình, đã viết: « … 2. Tài liệu này cũng trình bày giá trị của Học thuyết Xã hội Công giáo như một phương tiện để rao giảng Tin Mừng (x. Centesimus Annus, số 54), vì tài liệu này đặt con người và xã hội trong mối tương quan với ánh sáng Tin Mừng. Những nguyên tắc của Học thuyết Xã hội Công giáo đặt nần tảng trên luật tự nhiên, vì thế được xác nhận và cũng cố trong niềm tin của Giáo hội nhờ Tin Mừng của Đức Kitô… »

Khi khai mạc một cuộc hội thảo quốc tế về ‘Chính trị, hình thức đòi hỏi của đức ái’ (La politique, forme exigeante de la charité) ngày 20.06.2008 qui tụ khoảng 60 chuyên viên tại Roma, Đức Hồng y Renato R. Martino nói: « Giáo hội không làm chính trị, nhưng có một học thuyết về chính trị, hầu có thể chu toàn sứ mệnh của mình, để phục vụ công thiện công hảo… Duy trì và cổ võ nơi lương tâm mọi người, ý thức về phẩm giá siêu việt của nhân vị: đó là sự đóng góp đầu tiên và cốt yếu mà Giáo hội cống hiến cho cộng đồng chính trị. Trong ‘sứ điệp’ của Đức Ki-tô do Hội thánh loan truyền, cộng đồng nhân loại có thể tìm thấy sức mạnh để yêu tha nhân như chính mình, để chiến đấu chống lại tất cả những gì phản nghịch sự sống, để chấp nhận sự bình đẳng căn bản giữa mọi người, để tranh đấu chống lại mọi hình thức kỳ thị, để vượt qua một nền luân lý hoàn toàn cá nhân… Nếu chính trị có tham vọng hành động như Thiên Chúa không hiện hữu thì cuối cùng chính trị sẽ trở nên cằn cỗi và mất ý thức về tính bất khả xâm phạm của nhân vị. »

Đề cập về đa nguyên dân chủ và những giá trị căn bản, Đức Hồng y đã nhắc lại rằng những quyền lợi mang tính cá nhân và ích kỷ, ở ngoài khung cảnh sự thật, tình liên đới và trách nhiệm, sẽ phá hủy nền dân chủ và đưa vào những yếu tố phân tán và đối đầu nhau. Vào một thời đại như thời đại chúng ta bị ghi dấu bởi những thái độ phản chính trị. Một nền dân chủ chân chính phải cần đến sự trợ lực của tâm hồn, một giá trị vô điều kiện của nhân vị hướng về tha nhân và Thiên Chúa trong sự thật và sự thiện.

3. Giáo Luật.

Tông hiến "Sacrae Disciplinae Leges", được Đức Gioan Phaolô II ký ngày 25.01.1983 để ban hành Bộ Giáo Luật hiện hành.

… Thực vậy, Chúa Kitô không muốn phá hủy gia sản kỳ cựu của lề luật và các tiên tri đã được thành hình dần dần qua giòng lịch sử và kinh nghiệm của dân Chúa trong Cựu Ước. Đúng ra, Ngài đã kiện toàn nó (xem Mt 5,17), để cho gia sản ấy trở thành, dưới một hình thức mới mẻ và cao thượng hơn, một phần của gia sản Tân Ước…

… Bộ Giáo Luật này hoàn toàn phù hợp với bản chất của Giáo hội, cách riêng đã được trình bày do giáo huấn chính thức của Công đồng Vatican II xét trong toàn bộ và nhất là trong học thuyết về Giáo hội. Thực vậy, phần nào Bộ Giáo Luật mới có thể được coi như một cố gắng phi thường để diễn dịch đạo lý của Công đồng về Giáo hội ra ngôn từ pháp lý…

Trong điều 207 Giáo Luật, số 1 phân biệt tín hữu Giáo dân với Giáo sĩ và Tu sĩ như sau: « Do sự thiết lập của Thiên Chúa, giữa các tín hữu trong Giáo hội, có các thừa tác viên có chức thánh, trong luật được gọi là các Giáo sĩ; còn các người khác được gọi là Giáo dân. »

Số 2 của điều luật trên phân biệt Giáo dân với Tu sĩ như sau: « Trong cả hai thành phần vừa nói, có những tín hữu tận hiến cho Thiên Chúa một cách đặc biệt và đóng góp vào sứ mệnh cứu rỗi của Giáo hội bằng việc tuyên giữ các lời khuyên Phúc Âm qua lời khấn hoặc qua mối giây ràng buộc thánh thiện khác, được Giáo hội công nhận và phê chuẩn. Hàng ngũ của họ tuy không thuộc về cơ cấu phẩm trật của Giáo hội, nhưng thực sự thuộc về đời sống và sự thánh thiện của Giáo hội. »

Như vậy:

- Giáo sĩ là tín hữu có chức thánh như Phó tế, Linh mục và Giám mục. Nhưng chỉ có Linh mục và Giáo mục được gọi là tư tế thừa tác và được quyền Tế Lễ. Phó tế là những thừa tác viên được truyền chức thánh để lo công tác phục vụ trong Giáo hội.

- Tu sĩ là người tín hữu nam nữ đã quảng đại đáp lời mời gọi của Chúa để tự nguyện khấn và sống ba lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục) hoặc có giây ràng buộc thánh thiện khác được Giáo hội công nhận và phê chuẩn. Đây là bậc sống thánh hiến dành cho những người có ơn gọi sống những linh đạo hay đặc sủng đặc biệt của nhiều Dòng Tu hay Tu Hội khác nhau.

- Giáo dân được Giáo Luật định nghĩa theo tinh thần Hiến Chế Tín Lý về Giáo hội ‘Aùnh Sáng Muôn Dân’ số 31, như sau: « Danh hiệu Giáo dân, có nghĩa là tất cả các Kitô hữu không thuộc thành phần chức thánh, hay bậc tu trì được Giáo hội công nhận, nghĩa là các Kitô hữu đã được phép Rửa Tội sáp nhập vào thân thể Chúa Kitô, được nhập tịch Dân Chúa, được trở thành người tham gia, theo cách của mình, vào chức vụ tư tế, chức vụ rao giảng Lời Chúa, và chức vụ vương giả của Chúa Kitô, là những người thi hành sứ mệnh của toàn dân Kitô hữu trong Giáo hội và giữa trần thế theo nhiệm riêng của mình. » Do đó, chỉ Giáo dân là những người có phận vụ không ai có thể thay thế trong môi trường chính trị-xã hội.

Như vậy, Giáo hội thật rõ ràng: Giáo sĩ không phận vụ trong môi trường chính trị-xã hội. Do đó, Giáo Luật ấn định:

Điều 285: (1) Các Giáo sĩ nên xa tránh tất cả những gì không xứng hợp với bậc mình, theo như những qui định của luật địa phương.

(2) Giáo sĩ nên tránh tất cả những gì, cho dù không xấu xa, nhưng xa lạ không thích hợp với bậc Giáo sĩ.

(3) Cấm các Giáo sĩ đảm nhận những chức vụ công quyền có kèm theo việc hành sử quyền bính dân sự.

(4) Nếu không được phép của Bản Quyền riêng, Giáo sĩ không được nhận làm Quản Lý những tài sản thuộc các giáo dân hoặc những chức vụ trần thế kèm theo nghĩa vụ phải kế toán sổ sách; cũng không được làm bảo chứng cho dù dựa vào tài sản riêng của mình nếu không tham khảo ý kiến của Bản Quyền riêng; phải tránh không nên cam kết những khế ước bảo lãnh trả một món nợ mà không định rõ căn nguyên.

Điều 287: (1) Các Giáo sĩ hãy tận lực cổ võ duy trì hòa bình và hòa đồng giữa mọi người, dựa trên nền tảng công bằng.

(2) Các Giáo sĩ không được tham gia tích cực vào các đảng phái chính trị, hoặc dự phần lãnh đạo trong các nghiệp đoàn, trừ khi nào, theo phán đoán của nhà chức trách có thẩm quyền của Giáo hội, việc bảo vệ quyền lợi của Giáo hội và cổ võ công ích đòi hỏi như vậy.

III. GIÁO DÂN DẤN THÂN CHÍNH TRỊ.

1.- Đức Phaolô VI, Giám mục Giáo hội Công giáo và các Giám mục khác, họp Công Đồng Chung Vaticanô II, ngày 07.12.1965, ký ban hành Hiến Chế ‘Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay Gaudium Et Spes’, chúng ta đọc nơi số 76:

Cộng đoàn chính trị và Giáo hội. Điều rất quan trọng là cần nhận thức chính xác về mối tương quan giữa cộng đoàn chính trị và Giáo hội, nhất là trong một xã hội gồm nhiều thành phần. Cũng cần phải phân biệt minh bạch giữa những hành động của các tín hữu hoặc cá nhân hoặc đoàn thể với danh nghĩa công dân dưới sự hướng dẫn của lương tâm Kitô giáo và những hành động của các tín hữu khi họ nhân danh Giáo hội và hợp nhất với các vị chủ chăn của họ.

Vì lý do chức vụ và thẩm quyền của mình, Giáo hội không cách nào bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị, và cũng không hề cấu kết với bất cứ hệ thống chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người.

Cộng đoàn chính trị và Giáo hội, mỗi bên với lãnh vực riêng của mình, đều độc lập và tự trị. Tuy nhiên, dầu dưới danh hiệu khác nhau, cả hai cũng đồng phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội. Tùy theo hoàn cảnh và địa phương, nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn. Bởi vì con người không phải chỉ thu hẹp trong nhãn giới trần gian. Nhưng tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu. Được thiết lập trong tình yêu của Chúa Cứu Thế, Giáo hội có sứ mệnh làm cho công bằng và bác ái lan tràn trong mỗi dân tộc và giữa các dân tộc. Khi rao giảng chân lý Phúc Âm và lấy giáo lý và chứng tá của cuộc sống các Kitô hữu soi sáng mọi lãnh vực của sinh hoạt con người, Giáo hội cũng tôn trọng và cổ võ tự do chính trị cũng như trách nhiệm của các công dân.

Và được sai đi để loan báo Chúa Kitô là Đấng Cứu Thế cho mọi người, các Tông Đồ và các Đấng kế vị cũng như những cộng tác viên của các ngài đều dựa vào quyền lực của Thiên Chúa để làm việc tông đồ; còn Thiên Chúa thường tỏ rõ sức mạnh của Phúc Âm trong chính sự yếu hèn của các chứng nhân. Vậy bất cứ ai hiến thân phục vụ lời Chúa đều phải dùng đến đường lối cũng như phương thế riêng của Phúc Âm. Những đường lối và phương thế này khác biệt ở nhiều điểm với đường lối và phương thế của trần gian.

Thực thế, các thực tại trần thế và những thực tại siêu phàm nơi con người đều liên kết mật thiết với nhau. Giáo hội cũng xử dụng các thực tại trần thế tùy mức độ mà sứ mệnh riêng của mình đòi hỏi. Tuy nhiên, Giáo hội không cậy nhờ vào những đặc ân của thế quyền. Hơn thế nữa, Giáo hội cũng sẽ từ chối việc xử dụng một số quyền lợi đã được hưởng một cách chính đáng khi thấy rằng việc xử dụng những quyền lợi đó làm cho người ta nghi ngờ về lòng thành thực muốn làm chứng nhân của mình, hoặc trước những hoàn cảnh mới đòi hỏi phải xử sự cách khác. Tuy nhiên, bất cứ ở đâu và bất cứ thời nào, Giáo hội cũng phải được tự do rao giảng đức tin, truyền bá học thuyết xã hội của mình cũng như được dễ dàng chu toàn sứ mệnh của mình giữa loài người. Giáo hội cũng phải được quyền nói lên nhận định luân lý của mình về cả những vấn đề liên quan đến lãnh vực chính trị khi quyền lợi căn bản của con người hay phần rỗi các linh hồn đòi hỏi. Nhằm mục đích trên, Giáo hội xử dụng mọi phương tiện và chỉ những phương tiện nào phù hợp với Phúc Âm và lợi ích của mọi người tùy theo thời đại và hoàn cảnh khác nhau.

Trung thành theo sát Phúc Âm và thi hành sứ mệnh của mình trong thế giới, Giáo hội phải cổ võ và nâng cao bất cứ điều gì là chân, thiện, mỹ trong cộng đoàn nhân loại. Làm như thế tức là Giáo hội xây dựng hòa bình cho con người để làm vinh danh Thiên Chúa.

Tinh thần của số 76 này đã được Đức Gioan Phaolô II nhắc lại nhiều lần và Đức Biển Đức XVI nói với các Giám mục Việt-Nam trong các lần tiếp kiến chung mỗi dịp Ad Limina trong các lần cuối vừa qua [hy vọng chúng ta sẽ có dịp xem lại trong một lần khác.]

Đối với Giáo dân, điều 76 này nhắc: Giáo hội Công giáo, vì chức vụ và thẩm quyền của mình, không thể bị đồng hóa với một cộng đoàn chính trị (Nhà nước, chính đảng…) và không hề cấu kết với bất cứ chế độ chính trị nào vì Giáo hội vừa là dấu chỉ vừa là đảm bảo cho tính cách siêu việt của con người, được Thiên Chúa tạo dựng giống hình ảnh Người và được cứu chuộc bởi sự chết và sống lại của Ngôi Hai Thiên Chúa. Nhưng vì Giáo hội và Nhà nước đều phục vụ cho con người trong sứ mệnh cá nhân và xã hội, nên nếu cả hai càng duy trì được sự cộng tác lành mạnh, thì cả hai càng phục vụ lợi ích của con người một cách hữu hiệu hơn. Tuy sống trong lịch sử nhân loại, con người vẫn mang một sứ mệnh trường cửu.

Khi dấn thân chính trị, Giáo dân có những qui chiếu do Phúc Âm Đức Kitô và Giáo huấn xã hội Công giáo thêm vào các luật lệ Việt-Nam. Người Giáo dân không cần xưng danh tôn giáo, tinh thần phục vụ và khả năng của mình mới là điều kiện để đồng bào, cử tri tín nhiệm chúng ta.

2.- Một Kinh nghiệm.

Ngày 01.04.1967, Hiến pháp Đệ nhị Cộng hòa Việt-Nam được ban hành với các đặc điểm:

- Ba cơ quan Lập Pháp, Hành Pháp và Tư Pháp được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự Do, Dân Chủ và Công Bằng Xã Hội (Điều 3).

- Quyền Tư pháp được ủy nhiệm cho Tối cao Pháp viện và được hành xử bởi các Thẩm Phán xử án (Điều 76). Tối cao Pháp viện có thẩm quyền giải thích Hiến Pháp, phán quyết về tiùnh cách hợp hiến hay bất hợp hiến của các đạo luật, sắc luật; tính cách hợp hiến và hợp pháp của các sắc lệnh, nghị định và quyết định hành chánh (Điều 81 khoản 1). Nhờ thế, giới cầm quyền không thể hình thành một Hiến Pháp với những điều khoản đầy hứa hẹn dân chủ, pháp trị, nhưng, trong thực tế, Quốc hội biểu quyết các đạo luật bất hợp hiến hay Chính phủ ban hành các nghị định và quyết định hành chánh bất hợp hiến hay/và bất hợp pháp như ngày nay.

- Người dân có quyền tự do giáo dục và được hưởng ‘nền giáo dục cơ bản có tính cách cưỡng bách và miễn phí’. Nếu công dân có khả năng theo học cao hơn mà không có phương tiện, quốc gia sẽ nâng đỡ (Điều 10).

Căn cứ vào Hiến pháp, cuộc tuyển cử Nghị sĩ Thượng nghị viện đã được tổ chức ngày 03.09.1967. Có 48 liên danh với 480 ứng cử viên thuộc các chánh đảng (Đại Việt, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Duy Dân…), tôn giáo (Cao đài, Hòa hảo, Phật giáo, Công giáo), xã hội (quân nhân, trí thức, khoa bảng…) hiện diện tranh cử.

Kết quả, 6 liên danh đắc cử: về đầu, liên danh ‘Nông Công Binh’ do cựu Tướng Trần văn Đôn làm thụ ủy gồm các quân nhân và nghiệp đoàn viên; liên danh Bông Lúa, do ông Nguyễn ngọc Kỷ, tín hữu Cao đài, làm thụ ủy về hạng 5; các liên danh ‘Công Ích và Công Bình Xã Hội’, ‘Đại Đoàn Kết’, ‘Trời Việt’ và ‘Đoàn kết để Tiến bộ’ do các ông Nguyễn văn Huyền, Nguyễn gia Hiến, Huỳnh văn Cao và Trần văn Lắm đứng thụ ủy đều là những Giáo dân Công giáo chiếm các hạng còn lại.

Thượng nghị viện khóa đầu tiên có 26 người Công giáo trong số 60 Nghị sĩ, có 11 Công giáo trong số 13 luật gia trong Viện Lập pháp này. Đặc biệt, luật sư Nguyễn văn Huyền, một nhân sĩ danh tiếng trong giới Công giáo và giới chánh trị, một chánh khách hiếm hoi của nền Đệ Nhị Cộng hòa, đã được bầu vào chức Chủ tịch Thượng nghị viện. Ông đã xây dựng uy tín cho Thượng nghị viện, xứng đáng với lòng kính nể của người dân Việt trong việc phát biểu về các vấn đề: tướng lãnh tham nhũng (ngày 20.04.1970), chống độc diễn của liên danh Nguyễn văn Thiệu - Trần văn Hương (ngày 22.09.1971). Ngoàụi ra, chúng ta còn nhớ một tối trong tháng 05.1970, sau khi Thượng nghị viện phản đối ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ của Chánh phủ, Chủ tịch Nguyễn văn Huyền đã lên án sự vi hiến của Sắc luật này trên màn ảnh Truyền hình Việt-Nam. Sau đó, nhờ tài hùng biện của một Nghị sĩ Công giáo khác, luật sư Nguyễn văn Chức, ngày 30.06.1970, Tối cao Pháp viện tuyên bố tiêu hủy ‘Sắc luật Thuế kiệm ước’ vì vi hiến.

Tuy nhiên, năm 1974, sau khi một số Nghị sĩ Công giáo thuận theo ý Tổng thống Nguyễn văn Thiệu để tu chính cho phép ông ứng cử nhiệm kỳ thứ ba, luật sư Nguyễn văn Huyền từ chức Nghị sĩ bằng đăng báo xin phép cử tri đã tín nhiệm ông. Khi người Công giáo không đồng tâm, đại sự gặp nguy.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Thắp Nến Niềm Tin
Nguyễn Đăng Khoa
07:11 02/08/2010

THẮP NẾN NIỀM TIN



Ảnh của Nguyễn Đăng Khoa (Giáo phận Vinh, Việt Nam)

Lung linh ngọn nến niềm tin

Hòa bình công lý vượt trên sai lầm

Chúng con tiếp tục chuyên chăm

Tới lui cầu nguyện nhiều lần đến khi

Nền công lý được thực thi.

(Trích thơ của Ngô Xuân Tịnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau - Side By Side
Richard Drysdale
22:19 02/08/2010

BÊN NHAU - Side By Side



Ảnh của Richard Drysdale


Xin cho về trọ gần nhau

Mai kia dù có ra sao cũng đành.

(Trích nhạc Trịnh Công Sơn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền