Ngày 07-06-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC: Lễ Mình Máu Thánh Chúa mời gọi dấn thân tiếp đón và liên đới
Linh Tiến Khải
15:55 07/06/2015
Ước chi Lễ Mình Máu Thánh Chúa luôn linh hứng và nuôi dưỡng nơi từng người chúng ta ước muốn dấn thân cho một xã hội tiếp đón và liên đới hơn, đặc biệt đối với các anh chị em nghèo nàn, đói khát, không có thực phẩm nuôi thân.

Kính thưa quý vị thính giả, ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hàng chục ngàn tín hữu và du khách hành hương trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật hôm qua. Mở đầu bài huấn dụ ngài nói: Hôm nay tại nhiều quốc gia trong đó có Italia, người ta mừng lễ trọng Mình và Máu cực thánh Chúa Kitô, hay theo kiểu nói latinh quen biết nhất là Corpus Domini lễ Mình Chúa.

Phúc Âm giới thiệu trình thuật việc thành lập Thánh Thể, do Chúa Giêsu thành toàn trong Bữa Tiệc Ly, tại Nhà Tiệc Ly ở Giêrusalem. Hôm trước ngày chết cứu độ trên thập giá, Ngài đã thực hiện trước điều Ngài đã nói: “Ta là bánh hằng sống, từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống đời đời và bánh Ta sẽ ban là thịt Ta cho sự sống của trần gian… Ai ăn thịt và uống máu Ta thì ở trong Ta và Ta ở trong người ấy” (Ga 6,14-22). Chúa Giêsu cầm lấy bánh trong tay và nói: “Hãy nhận lấy, này là mình Thầy” (Mc 14,22). ĐTC giải thích lời nói và cử chỉ của Chúa Giêsu như sau:

Với cử chỉ và các lời nói này Chúa ban cho bánh một nhiệm vụ không còn là nhiệm vụ đơn sơ nuôi thân xác nữa, mà là nhiệm vụ khiến cho Con Người của Ngài hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu.

Bữa Tiệc Ly diễn tả điểm tới của toàn cuộc sống Chúa Kitô. Nó không chỉ là việc thực hiện trước hiến tế của Ngài sẽ thành toàn trên thập giá, nhưng cũng là tổng hợp của một cuộc sống hiến dâng cho ơn cứu rỗi của toàn nhân loại. Vì thế khẳng định rằng Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể thì không đủ, mà cần phải trông thấy trong đó sự hiện diện của một cuộc sống cho đi và tham dự vào đó nữa. Khi chúng ta cầm và ăn Bánh ấy, chúng ta được sáp nhập vào sự sống của Chúa Giêsu, chúng ta bước vào sự hiệp thông với Ngài, chúng ta dấn thân hiện thực sự hiệp thông giữa chúng ta, để biến dổi cuộc sống chúng ta thành quà tặng, nhất là cho người nghèo.

ĐTC nói thêm trong bài huấn dụ như sau:

Ngày lễ hôm nay gợi lại sứ điệp liên đới đó và thúc đẩy chúng ta tiếp nhận lời mời gọi thân tình hoán cải và phục vụ, yêu thương và tha thứ. Nó khích lệ chúng ta bắt chước điều chúng ta cử hành trong phụng vụ với cuộc sống. Chúa Kitô dưỡng nuôi chúng ta dưới hình bánh và rượu cũng chính là Chúa Kitô đến gặp gỡ chúng ta trong các biến cố thường ngày; Ngài ở trong người nghèo mà chúng ta giang tay cho, trong người đau khổ van nài sự

trợ giúp, trong người anh em xin sự sẵn sàng của chúng ta và chờ đợi sự tiếp đón của chúng ta. Ngài ở trong em bé không biết gì về Chúa Giêsu, về ơn cứu rỗi, không có đức tin. Ngài ở trong mọi người, cả nơi người bé nhỏ và không được bênh đỡ nhất.

Thánh Thể, suối nguồn tình yêu của cuộc sống Giáo Hội là trường học của tình bác ái và liên đới. Ai nuôi mình bằng Bánh của Chúa Kitô thì không thể thờ ơ trước biết bao người không có bánh ăn hằng ngày. Và ngày nay chúng ta biết đây là một vấn đề ngày càng trầm trọng hơn.

Ước chi lễ Mình Chúa Kitô luôn ngày càng linh hứng và nuôi dưỡng ước muốn và dấn thân cho một xã hội tiếp đón và liên đới hơn. Chúng ta hãy đặt để các cầu chúc này trong con tim của Trinh Nữ Maria, Phụ Nữ của Thánh Thể. Xin Mẹ dấy lên trong tất cả chúng ta niềm vui tham dự vào Thánh Lễ, đặc biệt trong ngày Chúa Nhật, và lòng can đảm tươi vui làm chứng cho tình bác ái vô cùng của Chúa Kitô.

Tiếp đến ĐTC đã đọc Kinh Truyền Tin và ban phép lành tòa thánh cho mọi người.

Sau Kinh Truyền Tin ĐTC đã cám ơn tín hữu giăng băng rôn chào mừng ngài từ Sarajevo trở về. Ngài nhắc lại chuyến viếng thăm của ngài tại Sarajevo bên Bosnia Erzegovina, như là người hành hương của hòa bình và niềm hy vọng. Ngài nói: Trong nhiều thế kỷ vùng đất này đã là nơi sinh sống giữa các dân tộc và các tôn giáo, đến độ nó được gọi là “Giêrusalem của tây phương”. Trong quá khứ mới đây, nó đã trở thành biểu tượng các tàn phá của chiến tranh. Giờ đây đang có một tiến trình hòa giải và nhất là chính vì thế mà tôi đã đi để khích lệ con đường chung sống hòa bình này giữa các dân tộc khác nhau. Nó là một con đường mệt nhọc, khó khăn, nhưng có thể. Họ đang làm tốt điều này.

Tôi xin lập lại lòng biết ơn của tôi đối với các giới chức chính quyền và toàn dân thành phố vì sự tiếp đón nồng hậu. Tôi xin cám ơn cộng đoàn Công Giáo, mà tôi đã muốn đem lòng trìu mến của Giáo Hội hoàn vũ đến cho. Và tôi cũng xin đặc biệt cám ơn tất cả mội tín hữu: chính thống, hồi giáo, do thái và các người thuộc các tôn giáo khác.

Tôi đánh giá cao dấn thân cộng tác và liên dới giữa các người thuộc các tôn giáo khác nhau, và thúc đẩy họ tiếp tục công trình tái thiết tinh thần và luân lý của xã hội. Họ làm việc với nhau như anh em. Xin Chúa chúc lành cho Sarajevo và Bosnia Erzegovina.

Thứ sáu tới đây là lễ trọng Thánh Tâm _Chúa Giêsu, chúng ta hãy nghĩ tới tình yêu của Ngài, Ngài đã yêu thương chúng ta như thế nào! Trong tim Ngài là tất cả tình yêu ấy. Thứ sáu tới cũng là Ngày thế giới chống tệ nạn trẻ em lao động. Có biết bao nhiêu trẻ em trên thế giới không được tự do vui chơi, đến trường học và kết cục bị khai thác bóc lột như nhân công. Tôi cầu mong cộng đồng thế giới mau chóng dấn thân để thăng tiến việc thực sự thừa nhận các quyền của trẻ em.

ĐTC đã chào nhiều nhóm tín hữu đến từ khắp nơi trong nước Italia cũng như các nước khác, đặt biệt là từ Madrid, Brasilia và Curitiba. Ngài chúc mọi người một ngày Chủa Nhật an lành và xin mọi người nhớ cầu nguyện cho ngài.
 
Đông đảo người hành hương kéo đến Medjugorje nhân chuyến thăm Sarajevo của Đức Thánh Cha
Nguyễn Việt Nam
20:48 07/06/2015
Trong số 70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosnia-Herzegovina sáng ngày thứ Bẩy 6 tháng Sáu, có nhiều người đến từ rất xa như Ukraine hay Trung quốc. Phần lớn các tín hữu hành hương từ hải ngoại này đã đến thăm Medjugorje trước hoặc sau chuyến viếng thăm Sarajevo của Đức Thánh Cha.

Medjugorje nằm trong khu vực Herzegovina ở phía Tây của nước Bosnia và Herzegovina, cách thị trấn Mostar 25km về phiá Tây Nam và gần với biên giới Crotia. Sáu thanh niên, thiếu nữ nói đã thấy Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje vào ngày 24/06/1981. Từ đó dòng người lũ lượt đến hành hương địa điểm này để cầu nguyện với Đức Mẹ dưới hai tước hiệu là “Đức Mẹ Medjugorje” hay “Đức Mẹ là Nữ Vương Hòa Bình”.

Trước những biến cố cho rằng đã thấy những thị kiến riêng, Giáo Hội luôn có những cuộc điều tra để có thể kết luận là “constat de supernaturalitate” – tính chất siêu nhiên được chứng thực hay “non constat de supernaturalitate” – tính chất không siêu nhiên được chứng thực – nói dễ hiểu là do người ta bày vẽ ra, không phải là thật.

Ngày thứ Bẩy 18 tháng Giêng năm ngoái 2014, Giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh là cha Federico Lombardi, cho biết ủy ban quốc tế điều tra các sự kiện tại Medjugorje đã tổ chức cuộc họp cuối cùng một ngày trước. Ủy ban đã được Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin hình thành vào ngày 17 tháng Ba năm 2010 và do Đức Hồng Y Camillo Ruini lãnh đạo.

Tòa Thánh chưa chính thức công bố kết luận nhưng ngày 21 Tháng 10 năm 2013, Sứ thần Tòa Thánh tại Mỹ, thay mặt cho Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, cho biết là dưới ánh sáng của tuyên bố do các Đức Giám Mục Nam Tư đưa ra năm 1991 tại Zadar về các sự kiện tại Medjugorje, người Công Giáo, cho dù giáo sĩ hay giáo dân, “không được phép tham gia các cuộc họp, hội nghị, lễ kỷ niệm công cộng có thể bị lợi dụng để tăng sự khả tín cho ‘những cuộc hiện ra’ như thế”

Trong một diễn biến mới nhất, buổi nói chuyện của một “nhân chứng” Medjugorje tại một giáo xứ ở St. Louis, Hoa Kỳ được dự kiến diễn ra hôm 18 tháng Ba đã bị hủy bỏ theo yêu cầu của Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Một ngày trước khi Đức Thánh Cha thăm Sarajevo, cha Marinko Sakota, linh mục chánh xứ Medjugorje cho thông tín viên AFP biết cảm nghĩ của ngài như sau:

“Điều quan trọng đối với tôi là một cộng đoàn sống động. Chúng tôi đang thực sự rất năng động ở đây. Việc nơi đây có được công nhận hay không chẳng phụ thuộc vào chúng tôi, đó không phải là nhiệm vụ của chúng tôi”.

Theo cha Marinko Sakota:

“Nếu hiện tượng Medjugorje là do hành động của Thiên Chúa thì không ai có thể phá hủy nó. Nếu đó là công việc của con người, nó sẽ tự sụp đổ. Ở đây, chúng tôi cảm thấy rằng đó là công việc của Thiên Chúa, mà Thiên Chúa muốn”.

Kata Papalovic một tín hữu người Croatia cho biết

“Tôi đang bị bệnh rất nặng, tôi đã phẫu thuật nhiều lần và phải nằm ở nhà, tôi dành phần lớn thời gian nằm nghỉ. Em gái tôi khuyến khích tôi đến đây. Hôm nay, tôi cố leo lên một phần của một ngọn đồi, tôi đi trên địa hình núi đá này mà không cảm thấy khó khăn nào. Tôi rất phấn chấn với những gì tôi đã đạt được. Tôi không mệt chút nào “.
 
Burundi dời lại cuộc bầu cử quốc hội lập pháp
Lý Thúy Dung
21:32 07/06/2015
Theo dự trù ban đầu, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp lẽ ra đã diễn ra vào ngày 05 Tháng Sáu. Tiếp đó, Quốc Hội mới sẽ được yêu cầu thông qua việc tu chính hiến pháp để Tổng thống Burundi là ông Pierre Nkurunziza có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26 tháng Sáu.

Tuy nhiên, cuộc bầu cử quốc hội lập pháp đã bị dời lại 45 ngày. Quyết định tẩy chay cuộc bầu cử của Giáo Hội Công Giáo, nơi người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân, chắc chắn đã là động lực cho sự trì hoãn này.

Đức Cha Évariste Ngoyagoye là Tổng Giám mục thủ đô Bujumbura, của Burundi đã suýt bị ám sát hôm 31 tháng Năm.

Theo những tin tức sơ khởi, vụ ám sát dự trù diễn ra trong cuộc rước kiệu kính Mẹ Maria trong ngày cuối cùng của tháng Năm là tháng kính Đức Mẹ.

Các thanh niên trong ban an ninh của cuộc rước đã khống chế được một kẻ muốn bắn chết Đức Tổng Giám Mục.

Vụ tấn công xảy ra chỉ vài ngày sau khi các giám mục Công Giáo Burundi ra thông báo yêu cầu tất cả các linh mục phải rút khỏi các ủy ban bầu cử, vì trong tình hình hiện nay một cuộc bầu cử công bằng là không thể thực hiện được. Hội Đồng Giám Mục Burundi đã công bố như trên trong một động thái được xem là quyết liệt tẩy chay cuộc bầu cử vào thượng tuần tháng Sáu.

“Chúng ta không thể làm người bảo lãnh cho các cuộc bầu cử đầy những trò ma giáo”, Đức Cha Gervais Bashimiyubusa của giáo phận Ngozi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nói.

Claudine một phụ nữ sống ở thủ đô Bujumbura nói:

“Việc trì hoãn này là một điều tốt vì nó sẽ cho tổng thống có thời gian để suy ngẫm và từ bỏ mong muốn của mình muốn làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba.”

Yves, cư dân thủ đô Bujumbura:

“Tôi thấy cuối cùng sẽ không thay đổi nhiều đâu bởi vì Tổng thống Nkurunziza quá gắn bó với quyền lực của mình, ông sẽ cố đấm ăn xôi làm thêm một nhiệm kỳ thứ ba bất chấp sự chống đối của chúng ta. Vì vậy, tôi không thấy rằng 45 ngày này sẽ giúp ông ta thay đổi quyết định của mình. "

Charles Nditije, đối thủ chính trị, lãnh đạo của Liên minh để Thăng Tiến Đất Nước nói:

"Đây là một tin khá tốt và cho chúng ta đã thấy rằng chưa đủ các các điều kiện cho việc tổ chức các cuộc bầu cử đáng tin cậy, minh bạch, toàn diện và bình tĩnh."
 
Các tín hữu Colombia cung nghinh thánh tích Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II
Lý Thúy Dung
21:54 07/06/2015
Hàng ngàn tín hữu bao gồm nhiều nạn nhân của các cuộc xung đột vũ trang ở Colombia đã cung nghinh thánh tích của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, như một phần trong chiến dịch cầu nguyện cho một chuyến thăm trong tương lai, thậm chí chưa biết ngày nào, của Đức Thánh Cha Phanxicô.

Hôm thứ Tư 3 tháng Sáu, trong một buổi lễ được Đức Hồng Y Ruben Salazar chủ sự ở một giáo xứ tại Marinilla cách Medellin khoảng 50 km, giữa những tràng pháo tay và những tiếng hoan hô, 10,000 người đã tụ tập cung nghinh thánh tích là một cuốn sách có chứa một giọt máu của Đức Thánh Cha Karol Wojtyla, đã qua đời vào năm 2005 và được phong thánh năm 2014.

Thánh tích này đã thăm Colombia lần thứ hai trong ba năm qua. Thánh tích đã được đưa đến một giáo xứ đang được xây dựng tại Marinilla mang tên Gioan Phaolô II, trước khi được đưa đến thủ đô Bogota vào ngày thứ Năm.

Mục đích của cuộc du hành thánh tích này là nhằm chuẩn bị cho chuyến thăm được dự kiến của Đức Giáo Hoàng Phanxicô tại Colombia với mục đích “mang đến một thông điệp hòa bình, và kêu gọi mọi người trong cả nước trợ giúp các nạn nhân của tất cả các hình thức bạo lực,” Hội Đồng Giám Mục Colombia đã cho biết như trên trong một tuyên bố đưa ra hôm 1 tháng Sáu.

Ít nhất 220.000 người chết và 6 triệu người phải di dời trong cuộc xung đột vũ trang tại Colombia, là cuộc chiến kéo dài nhất ở châu Mỹ Latinh cho đến nay.
 
Án tử hình dành cho Mohamed Morsi sẽ được quyết định vào ngày 16 tháng 6
Lý Thúy Dung
22:18 07/06/2015
Hôm thứ Bẩy 16 tháng Năm, tòa án tối cao Ai Cập đã tuyên án tử hình tổng thống bị lật đổ Mohamed Morsi trong một phiên tòa diễn ra dưới sự bảo vệ nghiêm nhặt của cảnh sát và quân đội. Mohamed Morsi được đưa ra tòa trong một cũi sắt kiên cố để đề phòng mọi bất trắc.

Thẩm phán Shabaan El-Shamy đã tuyên án tử hình cựu tổng thống Mohamed Morsi và 100 người khác. Tuy nhiên, theo hiến pháp Ai Cập án tử hình phải được quyết định bởi Đại Giáo Trưởng Hồi Giáo Ai Cập là người chịu trách nhiệm giải thích luật Hồi giáo, cố vấn cho chính phủ và đưa ra một phán quyết chung thẩm cho những án tử hình.

Theo dự trù, ngày 6 tháng Sáu là thời gian vị Đại Giáo Trưởng này cho biết ý kiến. Tuy nhiên, thẩm phán Shabaan El-Shamy cho biết hôm 2 tháng 6 rằng:

“Tòa án đã nhận được sáng nay các quan điểm hợp pháp của Đại Giáo Trưởng, và đây là lý do tại sao tòa án đã quyết định hoãn phán quyết cuối cùng của mình đến ngày 16 tháng 6 năm 2015 để mọi cân nhắc có thể được hoàn thành.”

Án tử hình Mohamed Morsi, người đã gây ra bao nhiêu đau khổ cho các tín hữu Kitô Ai Cập, không làm cho họ vui mừng nhưng lại dìm cộng đoàn Kitô hữu nước này vào những mối âu lo cho an ninh của họ vì lo sợ bị người Hồi Giáo báo thù.
 
Hàng chục ngàn người biểu tình tại Honduras kêu gọi tổng thống từ chức
Lý Thúy Dung
22:30 07/06/2015
Hàng ngàn người đã biểu tình diễu hành qua thủ đô Honduras từ hôm thứ Sáu 5 tháng Sáu để đòi Tổng thống Juan Orlando Hernandez từ chức sau những tai tiếng về một vụ tham nhũng trầm trọng.

Một lớn đám đông ồn ào ước chừng 20,000 người đã tổ chức diễu hành một nửa cây số trong mưa phùn từ một bệnh viện ở phía đông của thủ đô Tegucigalpa đến tòa nhà Liên Hợp Quốc.

Đầu tuần này Hernandez thừa nhận rằng Đảng Quốc Gia có khuynh hướng bảo thủ của ông đã nhận số tiền bị chiếm dụng từ các quỹ an sinh xã hội và tuyên bố mình cảm thấy bị “xúc phạm”, và cam kết rằng các nhà điều tra sẽ “điều tra tới cùng về vụ này.”

Phe đối lập nói rằng tổng thống đã nhận được khoảng 90 triệu Mỹ Kim trong tổng số hơn 300 triệu Mỹ Kim đánh cắp từ hệ thống y tế công cộng cho những người nghèo trong chiến dịch tranh cử năm 2013 của ông.

Hàng chục những cuộc biểu tình tương tự đã diễn ra vào tuần trước tại hàng chục thành phố trên toàn quốc đòi tổng thống từ chức ngay lập tức.
 
Một nhà lãnh đạo Công Giáo Iraq kêu gọi có thêm những hành động quân sự để loại trừ tai ương Nhà nước Hồi giáo
Lý Thúy Dung
22:40 07/06/2015
Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Canđê tại Erbil, thủ phủ của vùng bán tự trị Kurdistan của Iraq, kêu gọi có thêm những hành động quân sự để ngăn chặn "ung thư" Nhà nước Hồi giáo.

“Hành động quân sự là cần thiết để ngăn chặn IS. Nó là một loại ung thư cần phải được dừng lại, giống như căn bệnh này”, Đức Tổng Giám mục Basha Warda nói: “Viện trợ nhân đạo cũng cần được tiếp tục để đối phó với số lượng ngày càng tăng của người tị nạn đang đến Kurdistan”.

“Tôi biết nhiều người sẽ lấy làm lạ khi một giám mục kêu gọi sự can thiệp quân sự, nhưng các biện pháp đôi khi không may cần phải được thực hiện, như trong trường hợp này, bởi vì chúng ta đang phải đối mặt với căn bệnh ung thư. IS là một mối đe dọa không chỉ cho các Kitô hữu trong khu vực mà còn cho cả người Hồi Giáo Sunni, Shiite, Yazidis, và cho toàn thế giới.”
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đoàn Thiếu nhi Thánh Thể CĐCGVN Thánh Vinh Sơn Liêm mừng bổn mạng.
Trần Văn Minh
05:50 07/06/2015
Melbourne, lúc 8.45 Sáng Chúa nhật 7/6/15. Tại Nguyện đường Trung tâm Công giáo Thánh Vinh Sơn Liêm, Thánh lễ kính Mình và Máu Thánh Chúa Kitô là bổn mạng của Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể, cũng là bổn mạng của Ca Đoàn Belem thuộc cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm Thánh lễ đã được cử hành đồng tế thật trọng thể.

Mời coi hình

Thánh lễ đồng tế do Linh mục Trần Ngọc Tân Quản nhiệm cộng đoàn cũng là tuyên uý xứ đoàn chủ tế cùng hai Linh mục khách là Lm. Phêrô Nguyễn Văn Đang và Giuse Phạm Thanh đồng tế, Ca đoàn Belem phụ trách phần Thánh ca trong Thánh lễ đặc biệt mừng bổn mạng.

Sau bài chia sẻ lời Chúa và cộng đoàn tuyên xưng đức tin, Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đã cử hành nghi thức xin Cha Tuyên uý tấn phong huynh trưởng cho hai trưởng là:
Thêrêsa Cao Lan Anh và
Anna Trần Anh Kim.

Cờ xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể xứ đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm được long trọng trương cao trước đoàn và cộng đoàn. Sau lời tuyên hứa của hai Dự trưởng trước mặt Cha Tuyên uý và cộng đoàn và được sự chuẩn thuận của Cha Tuyên uý. Hai dự trưởng đã quỳ gối giơ thẳng tay phải trước mặt để hát kinh huynh trưởng.

Sau nghi thức tuyên hứa, hai tân huynh trưởng được Cha Tuyên uý xuống trao và thay khăn quàng màu vàng cho các em bằng khăn quàng màu đỏ, và cũng gắn cấp hiệu đỏ thay cấp hiệu vàng. Nghi thức trước cộng đoàn thật long trọng, giúp các em biết nhiệm vụ của mình là hy sinh theo ơn gọi để phụng vụ Chúa.

Nhân dịp này, Ca đoàn Belem và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Xứ đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm đã cùng chụp hình chung kỷ niệm ngày lễ bổn mạng của các em, những khuôn mặt thơ ngây thánh thiện đứng bên nhau trong cùng mầu áo hướng về Anh Cả Giêsu như bức tranh tuyệt đẹp.

 
Xứ Bắc Đoàn, Phú Cường dâng lễ tạ ơn tân Linh Mục Việt Nam được thu phong tại Lusaka Phi Châu
Tôma Đỗ Lộc Sơn
08:12 07/06/2015
Giáo Xứ Bắc Đoàn Phú Cường – Thánh Lễ Tạ Ơn Tân Linh mục Phêrô Nguyễn Duy Khánh SDB được thụ phong tại Lusaka

Trước hết, xin trích một đoạn trên trang web Tỉnh Dòng Don Bosco VN:

Cha Phê-rô Nguyễn Duy Khánh SDB là ai?

Ngài là một nhà truyền giáo đến từ Việt Nam. Sinh ngày 20.04.1982. Tuyên khấn lần đầu trong Hội dòng Sa-lê-diêng ngày 14.08.2005 và khấn trọn ngày 06.08.2011. Ngài theo học thần học tại Nairobi Kenya. Thụ phong Phó tế vào tháng 05.2014 và linh mục vào ngày 30.05.2015. Ngài đã hoàn tất chương trình thần học vào tháng 04.2015 tại Don Bosco Utume, một học viện liên kết với Đại Học Giáo Hoàng Sa-lê-diêng (UPS) tại Roma.

Xem Hình

Khuôn viên nhà thờ Bắc Đoàn nhộn nhịp khác thường, bởi vì hôm nay có một thánh lễ Tạ ơn vô cùng long trọng, một thánh lễ đã được trông đợi từ rất lâu (61 năm), sẽ được diễn ra chỉ ít phút nữa thôi.

Giây phút mong đợi đã đến. Cha xứ Giuse Vũ Hùng Sơn tươi cười giới thiệu đến quý cha đồng tế và cộng đoàn: “Tân Linh mục Phêrô Nguyễn Duy Khánh”.

Dâng lễ Tạ ơn hôm nay ngoài sự hiện diện của cha xứ Giuse còn có: Cha bề trên dòng Don –bos-co, quý cha cựu chánh xứ và nhiều quý cha khách, quý tu sĩ, đông đảo bà con thân nhân, ân nhân và cộng đoàn giáo xứ Bắc Đoàn, Sơn Lộc.

Giáo xứ Bắc Đoàn là một giáo xứ nhỏ. Trước đây không có cha xứ, muốn tham dự thánh lễ Ban đại diện giáo xứ thường mời các cha khách đến “cho lễ”. Từ suy nghĩ này, “lễ sinh” Phêrô cảm thấy “Cần có nhiều linh mục hơn”. Ý chí này nung nấu trong cậu và sự thật là thế.

Một vài kỷ niệm xưa:

Thường thì cha mẹ hối thúc con cái đi lễ nhưng ở đây thì khác.Thấy cha mẹ làm ăn vất vả có thể lãng quên việc kinh hạt, nên giúp lễ Phêrô nhắc nhở cha mẹ đi lễ nhất là ngày Chúa Nhật (Lễ từ 4 giờ 30 sáng).

Tấm gương của anh Phêrô đã giúp em gái là Maria có cùng suy nghĩ là: “Làm sao phụng vụ Thiên Chúa?”, để sau này khi nhận Thánh chức Linh mục thì người em gái Maria đã là một Nữ tu.

Là con trai duy nhất trong gia đình có 3 anh em, đôi khi thầy Phêrô cũng có những suy nghĩ theo thói đời, nhưng tất cả những điều ấy không làm thầy nao núng, quyết vững tâm, bền chí “Theo Thầy” tới cùng.

Xin cầu chúc cha mới luôn hạnh phúc trong sự chọn lưa cao quý này và luôn nhiệt thành với sứ vụ mới.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Lễ Mình Máu thánh Chúa tại Phủ Cam: các em Rước Lễ lần đầu
Trương Trí
13:47 07/06/2015
Sáng hôm nay Chúa Nhật, 7 tháng 6, cùng với Giáo Hội toàn cầu, Giáo xứ Chính tòa Phủ Cam đã dâng Thánh lễ mừng kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu. Cũng trong Thánh lễ này, Cộng đoàn Giáo xứ hiệp dâng lời tạ ơn với 84 gia đình trong Giáo xứ có con em được rước lễ lần đầu.

Hình ảnh

Từ sáng sớm, các em cùng với cha mẹ đã nhộn nhịp trước sân Nhà thờ để chuẩn bị vào đoàn rước Cha Phó Giuse Maria Hồ Sĩ Hiếu Trung, Chủ tế Thánh lễ sáng mai nay, cùng thầy Phó tế Giuse Nguyễn Hữu Tâm là con cái của Giáo xứ phụ tế.

Mở đầu Thánh lễ, Cha Chủ tế nhắc nhỡ: “Hôm nay chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Lòng sùng kính Mình Thánh Chúa đã có từ lâu đời trng Hội Thánh, đặc biệt qua việc cử hành Thánh lễ ngày Chúa Nhật. Nhưng dành ra một ngày trong năm làm ngày Lễ Trọng Kính Mình Máu Thánh Chúa được chính thức thiết lập cho toàn thể Hội Thánh do Đức Giáo Hoàng Urbano ban hành ngày 11 tháng 8 năm 1264.

Đặc biệt sáng mai nay, Cộng đoàn Giáo xứ chúng ta hân hoan tạ ơn Chúa cùng với 84 gia đình có con em được rước lễ lần đầu. Dâng Thánh lễ này, chúng ta hãy cầu xin cho mỗi em nhận biết được tình thương cao cả của Chúa Giêsu Thánh Thể, biết dọn lòng sốt sắng đến đón nhận Mình Thánh Chúa mỗi khi tham dự Thánh lễ, và cầu cho mỗi một Kitô hữu biết sống chia sẻ với mọi người chung quanh như chính Chúa Giêsu là tấm bánh được bẻ ra cho mọi người được sống.”

Các em Thiếu nhi được rước lễ lần đầu hôm nay mặc chiếc áo choàng đồng phục của Giáo xứ sắm ra, sốt sắng vây quanh bàn thờ thật trang trọng. Phần Phụng vụ Lời Chúa hôm nay do các em phụ trách, từ công bố Lời Chúa đến hát đáp ca, lời nguyện tín hữu và dâng Lễ vật. Các em đều được tập tành cẩn thận nên hoàn thành nghiêm túc.

Trong bài giảng lễ, Cha chủ tế chia sẻ: “Chúa Giêsu là Bánh Hằng sống, Khi con người ăn bánh thông thường, thân xác con người tiêu hóa và đồng hóa bánh; còn khi ăn bánh trường sinh là Minh Thánh Chúa Giêsu Kitô, thì chính bánh này đồng hóa và biến đổi mỗi người. Chúa Kitô biến đổi Kitô hữu, Người ban cho họ sự sống của Người và kết hợp họ vào đời sống của Người, vì sự sống của Chúa Giêsu là sự sống đời đời…

Trao ban máu thịt cho con người như một của ăn, Chúa Giêsu muốn chúng ta thực sự đón nhận Người, ăn thịt của Người. Nếu lương thực tự nhiên cần thiết để nuôi sống thể xác thì Thánh Thể Chúa thực sự là lương thực không thể thiếu để nuôi sống linh hồn. Lương thực này còn bảo đảm cho sự sống vĩnh cửu của linh hồn: “Ai ăn thịt và uống máu Ta, thì sẽ không chết bao giờ”…

Nhiều người Công Giáo ngày nay bị cám dỗ, rơi vào lối sống đạo hình thức, sống đạo không phụng vụ, không Bí tích. Nhiều người có thể bỏ hàng giờ để xếp hàng dành giật nhau một phần bánh, một xuất quà. Nhưng họ lại tỏ ra sốt ruột khi đến với Chúa Giêsu Thánh thể và tham dự bữa tiệc của Ngài.

Hôm nay các em thiếu nhi được rước lễ lần đầu, nghĩa là Chúa Giêsu mời gọi các con đến với Chúa, vì Chúa yêu thương các con. Hôm nay là ngày biến cố trọng đại nhất trong đời các con, ngày mà Đấng Tạo hóa đến thăm viếng tâm hồn các con, ban muôn hồng ân cho các con. Đồng thời cũng là ngày các con được sống trọn vẹn đời sống Kitô hữu, được lãnh nhận Bí tích Thánh thể là trung tâm của mọi Bí tích, trung tâm của đời sống Kitô hữu.”

Sau Thánh lễ, Cha Tổng Đại diện Antôn Dương Quỳnh, Quản xứ Chính tòa chúc mừng các em và gia đình, Ngài cũng nói lời cảm ơn các anh chị Giáo lý viên đã dạy Giáo lý cho các em trong 2 năm qua, đặc biệt trong suốt 1 tháng vừa rồi, các anh chị đã không quản ngại vất vả để tăng cường đức tin cho các em, dọn lòng cho các em được rước Chúa hôm nay.

Kết thúc Thánh lễ, ông Gioakim Trần Hữu Phước, thay mặt phụ huynh của 84 em được rước lễ lần đầu, nói lời cảm ơn Cha Quản xứ, quý Cha Phó và anh chị Giáo lý viên đã tất bật đêm ngày, dạy dỗ và chuẩn bị cho các em có ngày trọng đại nhất trong cuộc đời các em. Xin Chúa trả công bội hậu cho quý Cha và quý anh chị Giáo lý viên.

Kỷ ngày vui của các em, ghi lại dấu ấn trọng đại nhất trong cuộc đời các em. Cha Chủ tế, quý Cha, HĐGX đã chụp hình lưu niệm với các em trước Tiền đường Nhà thờ.
 
Hình ảnh “Ngày Thánh Thể VI”, Thứ Bảy, ngày 06-06-2015, tại Đan viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas
Trần Trọng Long và Nguyễn Vàng
23:12 07/06/2015
 
Văn Hóa
Lá thư truyền giáo : Những điều bất ngờ thú vị
Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
22:26 07/06/2015
LÁ THƯ TRUYỀN GIÁO - NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ THÚ VỊ

Chuyến đi Buenos Aires – Argentina

Trung tuần tháng Năm vừa qua chúng tôi có chuyến đi Argentina để làm thông dịch cho Tổng Tu Nghị của một Dòng Nữ Quốc Tế đã hiện diện hơn 300 năm từ ngày thành lập đến nay. Họ đã mời chúng tôi làm thông dịch từ đầu tháng Hai, nhưng chúng tôi đã từ chối vì công việc bên Paraguay. Họ đã tìm kiếm khắp nơi các vị tu sĩ thông thạo và hiểu biết tiếng Anh – Tây Ban Nha và tiếng Việt để giúp Tổng Tu Nghị lần này được diễn ra tại Buenos Aires, thủ đô của Argentina trong vòng 1 tháng. Cuối tháng 3 họ lại mời chúng tôi giúp họ ít nhất là 10 ngày vì rất khó tìm người thông ngôn bằng tiếng Tây Ban Nha – tiếng Anh và tiếng Việt. Cha Bề Trên Giám Tỉnh của chúng tôi ở Paraguay đã khuyến khích chúng tôi giúp Tổng Tu Nghị cho họ lần này trong dịp Năm về Đời Sống Thánh Hiến. Chúng tôi đã sắp xếp công việc và lên đường.

Đây là lần thứ 5 chúng tôi đặt chân đến Argentina, quốc gia láng giềng của Paraguay nơi chúng tôi đang làm việc. Vì mỗi chuyến đi có mục đích khác nhau và địa điềm khác nhau nên chúng tôi có dịp tìm hiểu thêm và phong tục, tập quán của từng vùng, miền để hiểu thêm phong cách của người Nam Mỹ.

Lần này chúng tôi đến Buenos Aires là thủ đô và là thành phố lớn nhất, hải cảng lớn nhất của Argentina. Thủ đô này tọa lạc bên bờ nam của Río de la Plata, duyên hải đông nam của Nam Mỹ, đối diện với Colonia del Sacramento, Uruguay. Buenos Aires theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là ‘Không Khí Trong Lành’, và thật đúng với tên gọi đó vì đây là nơi rất xanh vì có nhiều cây cối và không gian rộng lớn để hít thở, nhưng không được ‘sạch’ cho lắm như ở Singapor ở Đông Nam Á vì người dân Nam Mỹ không mấy tuân thủ và tôn trọng luật pháp và họ sống rất xuề xòa.

Đậm màu sắc văn hóa châu Âu, Buenos Aires đôi lúc được mệnh danh là "Paris phương Nam" hay "Paris của Nam Mỹ". Đây là một trong những đô hội phồn hoa nhất của Mỹ Latinh nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc đặc sắc, tưng bừng nhịp sống về đêm và sinh hoạt văn hóa năng động. Đây cũng là một trong những thành phố sung túc nhất châu Mỹ Latinh với giới dân cư trung lưu đông đúc và rộng kiến thức.

Cũng chính ở Buenos Aires có hai đội bóng nổi tiếng luôn kình địch nhau là River Plate và Boca Juniors. Vào đêm chúng tôi vừa đặt chân đến Buenos Aires đã xảy ra chuyện ẩu đả vì hai đội bóng đồng hương này phải tranh hạng 1/8 Copa Libertadores ngay trong sân cỏ lẫn ngào đường phố giữa các cổ động viên quá khích khiến giao thông bị cản trở nhiều. Nam Mỹ mà không nói đến bóng đá thì xem như không biết gì về Nam Mỹ và ở Argentina thì người dân ghiền bóng đá hơn cả ghiền Đức Giáo Hoàng.

Ở Buenos Aires có một khu vực mà nhiều người dân Nam Mỹ khi nói đến thường gièm pha và hay trêu chọc bằng những câu chuyện tiếu lâm vì họ sống khá lập dị và cách nói tiếng Tây Ban Nha cũng khá đặc biệt. Nói chung người dân Nam Mỹ không mấy thân thiện với người Argentina vì họ cho rằng dân Argentina rất kiêu ngạo và tự tôn vì họ có dòng máu Đức. Bởi thế khi Đức Hồng Y Jorge Berggolio đắc cửa Giáo hoàng với niên hiệu là Phan-xi-cô thì lúc đầu người ta gièm pha vì không thích người Argentina, nhưng liền sau đó một tháng người ta có một câu chuyện phiếm là Đức Tân Giáo Hoàng Phan-xi-cô vừa mới làm một phép lạ là ngài đã chinh phục cả thế giới về sự khiêm tốn, nhân từ và là một vị mục tử nhân lành thực sự dù Ngài là người… Argentina.

Trở lại mục đích chính của chuyến đi Argentina lần này không phải là một chuyến du lịch hay hành hương nhưng là một sứ mạng đặc biệt – làm thông ngôn cho một Tổng Tu Nghị.

Các Tu Nghị viên đến từ các nước Argentina, Chile, Ecuardor, Pháp, Canada, Phi châu và Việt Nam. Các Nữ tu Việt Nam đã từng tu học ở Pháp vài năm trước đây nên phần nào cũng có kinh nghiệm sống cộng đoàn quốc tế. Ban dịch thuật có một linh mục người Togo Dòng Đức Mẹ Lên Trời thông thạo 6 thứ tiếng dù còn rất trẻ và đang làm việc ở Chile. Một linh mục khác cùng Dòng người Argentina từng làm việc ở Phi Luật Tân 15 năm nên thông thạo tiếng Anh. Chỉ có bản thân chúng tôi là kém nhất trong nhóm nhưng cũng cố gắng làm thông ngôn cho Tổng Tu Nghị lần này.

Các ngôn ngữ được trao đổi và báo cáo là tiếng Tây Ban Nha, tiếng Pháp, tiếng Anh và tiếng Việt dù Việt Nam chỉ có 3 Nghị Viên nhưng số thành viên ở Việt Nam khá đông nên không thể xem nhẹ. Vấn đề đau đầu nhất trong phần thông dịch là vấn đề về báo cáo tài chính vì những con số và mỗi quốc gia đều dùng những đồng tiền khác nhau nên phải giải thích cho tương xứng vì một Dollar Canada hay Mỹ có giá trị gấp 20 ngàn lần tiền đồng Việt Nam nên một số người nghe báo cáo mà không biết thì tưởng Việt Nam mình chi tiêu nhiều.

Vì là Tổng Tu Nghị Quốc Tế nên làm việc rất bài bản và chuyên nghiệp nên các thông ngôn cũng phải làm việc tối mặt và hầu như không có giờ cho riêng mình. Cứ sau mỗi ngày làm việc và đến tối trước giờ ăn là thánh lễ và mỗi các linh mục thông ngôn phải chiaa nhau dâng thánh lễ và giảng lễ bằng các thứ tiếng nên cũng khá căng thẳng.

Ngày Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên 17/5 Tu Nghị sắp xếp hành hương Đức Mẹ Lujan, một Trung Tâm Hành Hương có tầm cỡ thế giới và nơi đây có trưng bày kho tang về các Di Ảnh Đức Mẹ trên khắp thế giới, trong đó có Đức Mẹ La Vang Việt Nam. Khi chiêm ngắm các Ảnh Đức Mẹ của các nước được đặt cách long trọng trong tầng hầm của Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Lujan, chúng tôi nhận thấy là bên cạnh Di Ảnh Đức Mẹ luôn có treo quốc kỳ của quốc gia đó, chỉ riêng Đức Mẹ La Vang của mình là … không có vì vấn đề tế nhị. Không biết đến bao giờ người Việt Nam của chúng ta mới thống nhất thật sự cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Không biết bao giờ tất cả người Việt Nam dù ở trong nước hay hải ngoại có thể đứng chung dưới một lá cờ quốc gia và hát chung bài quốc ca mà mọi người đều có thể đồng ý dù chính kiến khác nhau!

Những ngày ở Buenos Aires, Argentina tuy khá căng thẳng vì phải vận dụng tất cả 10 thần công lực để làm thông dịch nhưng thật thú vị vì có thêm kinh nghiệm sống cộng đoàn quốc tế và cảm thấy bản thân cũng đang giúp ích được gì đó trong Năm về Đời Sống Thánh Hiến.

Chuẩn bị đón tiếp Đức Thánh Cha Phan-xi-cô

Từ khi biết tin Đức Thánh Cha Phan-xi-cô sẽ viếng thăm mục vụ 3 quốc gia Nam Mỹ là Ecuador, Bolivia và Paraguay vào tháng 7 tới đây, và Paraguay là trạm dừng chân cuối của Ngài trước khi trở về Rô-ma. Người dân ở đây rất háo hức mong đợi để được diện kiến vị Đại Diện Đức Ki-tô nơi trần gian. Lẽ thường người Công Giáo chúng ta cứ nghĩ đơn giản là Đức Thánh Cha muốn đi thăm chỗ nào thì đi nhưng thực sự không phải như thế. Ngoài việc Đức Thánh Cha là vị Chủ chăn của hơn 1 tỷ tín hữu Công Giáo trên thế giới, Ngài còn là một Quốc Trưởng của quốc gia Thành Vatican dù quốc gia này nằm trong lãnh thổ Italia nhưng là một quốc gia hoàn toàn độc lập và cỏ đủ thành phần cơ cấu như mọi quốc gia khác của Liên Hiệp Quốc. Bởi thế, nếu Ngài muốn viếng thăm một quốc gia nào thì vị quốc trưởng hay tổng thống của quốc gia đó mời chính thức, và dĩ nhiên theo nguyên tắc ngoại giao, thì ai mời sẽ phải chịu mọi chi phí cho chuyến viếng thăm ngoại trừ các quốc gia nghèo đang nhận viện trợ. Có lần chúng tôi tự hỏi tại sao Đức Thánh Cha khi viếng thăm mục vụ thì thường Ngài hay viếng thăm hai hay nhiều nước trở lên? Có lẽ vì mỗi lần đi là mỗi lần khó và chi phí cho chuyến đi đắt đỏ đến cỡ nào. Do đó, chúng ta đừng tưởng là cứ hễ mời là được nhưng còn phải tính toán thực hư đủ thứ vì chỉ có những người trong cuộc mới hiểu được điều này.

Hai vấn đề tối quan trọng trong việc tiếp đón Đức Thánh Cha và các vị quốc khách là cơ sở hạ tầng và an ninh. Đây là điều khá đau đầu cho các nhà chức trách vì những kẻ cơ hội hay bọn khủng bố thường lợi dụng những sự kiện này để đáng bóng tên tuổi và đòi yêu sách. Bởi thế, ngân sách để tiếp đón các vị quốc khách không hề nhỏ tý nào nếu nhà nước không trợ giúp, nhất là đón tiếp vị Đại Khách như Đức Thánh Cha lần này.

Các linh mục thuộc Tổng Giáo Phận Asunción như chúng tôi là những người chịu trách nhiệm trong việc đôn đốc, đồng hành và hướng dẫn mọi người trong việc tiếp đón Đức Thánh Cha. Người Nam Mỹ nói chung và người Paraguay nói riêng rất sáng tạo nhưng thiếu đầu óc tổ chức. Cho đến giờ mà mọi việc vẫn chưa đâu vào đấy và những người trong ban tổ chức vẫn bình chân như vại và thường thị đợi nước đến chân mới nhảy. Bởi thế, thỉnh thoảng bản thân cũng cảm thấy bực mình nóng vội khi làm việc với họ, nhất là với các giáo viên và học sinh trong trường. Họ rất thản nhiên và bình tâm trong công việc chung, nhưng việc riêng của họ thì họ hối thúc cứ như là có ai sắp chết đến nơi và nếu chưa kịp đáp ứng cho họ là họ lại phản ứng rất mạnh. Bởi thế mỗi dân tộc đều có một tập quán riêng nên khi sống cần phải hiểu biết để hạn chế tối đa những mâu thuẫn, nhất là các xung đột văn hóa và tôn giáo, vì nếu để điều đó xảy ra thì dễ dẫn đến chiến tranh.

Chỉ trong 1 tháng nữa là Đức Giáo Hoàng sẽ viếng thăm Paraguay và ai nấy đều náo nức mong chờ chuyến thăm này. Người người quảng cáo và dịch vụ du lịch nhộn nhịp tưng bừng chưa từng có dù thời tiết lúc này nắng mưa thất thường giữa mùa Thu. Giáo Hội và Nhà Nước cùng nhau đưa ra những dự án chung để sửa sang đường xá và những dịch vụ công cộng trong việc đón tiếp. Việc ghi danh cho các thành phần xã hội tham dự những cuộc gặp gỡ chung với Đức Giáo Hoàng cũng là một điều nan giải vì ai cũng muốn được diện kiến Đức Thánh Cha nhưng số lượng thì có hạn. Đơn cử như cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các tu sĩ Nam Nữ, linh mục, phó tế và chủng sinh toàn quốc tại Nhà Thờ Chính Tòa ở Thủ đô Asunción vào chiều thứ Bảy 11 tháng 7 chỉ giới hạn cho khoảng 1.200 người vì sức chứa trong Thánh Đường có giới hạn và việc an ninh nữa nên các Hội Dòng chỉ phân phối vỏn vẹn khoảng 3 người tham dự và số khác phải đứng ngoài xem qua truyền hình. Thánh Lễ Đại Trào đươc truyền hình trực tiếp trên toàn thế giới vào trưa Chúa Nhật 12 tháng 7 ở Parque Ñu Guazu ước tính khoảng 2,5 triệu người đăng ký tham dự nên việc kiểm soát an ninh không mấy dễ dàng.

Tối thứ Sáu ngày 5 tháng 6 vừa qua Tổng Giáo Phận Asunción đã tổ chức Lễ Vọng Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô tại sân vận động Thủ Đô với sự tham dự của khoảng 15.000 giáo dân trong đó phần lớn là giới trẻ với mục đích như là việc chuẩn bị cho việc đón tiếp Đức Thánh Cha. Đức Tổng Giám mục của Tổng Giáo Phận chủ tế với Đức Sứ Thần Tòa Thánh và nhiều Giám mục, linh mục trong toàn quốc cùng đồng tế thánh lễ. Đây là dịp để mọi người thể hiện tài năng của mình trong công việc chung của Giáo Hội. Như chúng tôi đã chia sẻ, người Paraguay rất năng động, tháo vát nhưng khâu tổ chức rất kém cõi nếu so với người Việt mình. Hi vọng mọi điều sẽ suôn sẻ trong việc đón tiếp Đức Thánh Cha, vị Đại Diện của Chúa Ki-tô nơi trần gian được diễn ra tốt đẹp và người dân Paraguay sẽ thay đổi trong cách sống đạo để Nước Chúa được mở rộng nơi dân tộc này.

Hôm nay Chúa Nhật Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô, sau 3 thánh lễ vào buổi sáng ở các cộng đoàn khác nhau, chiều nay chúng tôi tham dự thánh lễ truyền chức linh mục của một phó tế Paraguay tại một giáo xứ láng giềng. Lâu lắm rồi mới được tham dự lễ truyền chức linh mục vì người Paraguay không có nhiều ơn gọi, ngay cả trong Dòng Ngôi Lời của chúng tôi ở đây cũng vậy. Có được một tân linh mục trong ngày lễ Mình Máu Thánh Chúa là một món quà lớn cho Giáo Hội vì Chúa Giê-su đã nói : “Đây là Mình Thầy, hãy cầm lấy mà ăn. Đây là Máu Thầy, hãy cầm lấy mà uống… Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” (Xc. Mc. 14, 22-26). Linh mục chính là hiện thân hay là bản sao của Chúa Ki-tô nơi trần gian, và khi linh mục dâng thánh lễ là thể hiện việc Chúa Giê-su hiện diện với dân của Ngài. Vậy chúng ta hãy cầu nguyện nhiều cho các linh mục để họ luôn bắt chước vị Thầy Chí Thánh là qui tụ mọi thành phần dân Chúa về một mối để đi đến sự hiệp thông trọn vẹn.

Paraguay, Chúa Nhật 7/6/2015 – Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Ki-tô,

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Sen
Lê Trị
21:21 07/06/2015
SEN
Ảnh của Lê Trị
Đất trời gì quý hơn Sen
Dầm bùn chắt nắng hút phèn tỏa hương.
Hạ về gạn gió lọc sương
Tinh khôi kết hạt đài gương ngọc ngà.
(Trích thơ của Nguyên Xuân)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 02/06 – 08/06/2015: Giáo Hội lạc quan dè dặt về tình hình tại Nigeria
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:21 07/06/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Giám Mục Nigeria lạc quan dè dặt trước sự lãnh đạo của tân tổng thống

Một giám mục Nigeria chủ chăn của giáo phận bị thiệt hại nặng nhất vì các cuộc tấn công của bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram đã bày tỏ sự tin tưởng vào tân tổng thống Muhammadu Buhari và lòng biết ơn đối với sự chuyển tiếp chính quyền suôn sẻ.

“Cuộc bầu cử tổng thống đã diễn ra trong hòa bình một cách bất ngờ”, Đức Cha Oliver Doehme là giám mục giáo phận Maiduguri nói như trên trong một cuộc họp với các nhà lập pháp châu Âu, do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ bảo trợ. Ngài nói thêm là tổng thống mãn nhiệm Goodluck Jonathan đã thể hiện tư cách của một nhà lãnh đạo quốc gia khi chấp nhận thất bại ngay sau khi cuộc kiểm phiếu, và như thế ngăn chặn triển vọng xung đột bạo lực vì kết quả bầu cử.

Ông Goodluck Jonathan là một người Công Giáo rất thành công trong lĩnh vực kinh tế nhưng về mặt quân sự, dân chúng hoài nghi ông không có khả năng đánh bại bọn khủng bố Boko Haram.

Đức Cha Oliver tin rằng sự thay đổi chính trị tương đối trơn tru, xảy ra trong một khoảng thời gian bất ổn ở Nigeria, là “hoa trái của lời cầu nguyện”.

Quân đội Nigeria đã thành công trong một chiến dịch tấn công các cứ điểm của quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gần đây, và rất nhiều người rời bỏ nhà cửa của họ trong giáo phận Maiduguri để tránh các cuộc tấn công khủng bố nay đang trở về.

Theo Đức Cha Oliver, tân tổng thống Buhari đã từng là một Đại Tướng trong quân đội Nigeria sẽ có thể tiếp tục chiến dịch tận diệt bọn khủng bố Boko Haram thành công. Ông phục vụ trong quân ngũ từ năm 1961 đến 1985.

Đức Cha nói:

“Ông ta là một người Hồi giáo, nhưng ông đã thể hiện rằng mình là tổng thống cho tất cả mọi người Nigeria bất kể tôn giáo hay truyền thống của họ”.

Theo Đức Cha Oliver, cuộc chiến chống Boko Haram vẫn còn là một mối quan tâm quan trọng đối với Nigeria, và đặc biệt đối với giáo phận của ngài. Bọn khủng bố vẫn hoạt động rầm rộ và thành trì của chúng trong rừng Sambisa vẫn chưa bị tấn công.

2. Các Giám Mục Nigeria hứa trợ giúp những phụ nữ bị mang thai bởi bọn khủng bố Boko Haram

Các giám mục Công Giáo Nigeria đã đưa ra một tuyên bố hứa trợ giúp những phụ nữ bị hãm hiếp bởi bọn khủng bố Boko Haram trong các cuộc tấn công khủng bố, và xin những phụ nữ đang mang thai trong những trường hợp này đừng phá thai.

Đức Cha Anselm Umoren, chủ tịch Ủy ban y tế của Hội Đồng Giám Mục Nigeria nói với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc:

“Đề nghị giết chết những đứa trẻ được hoài thai trong những vụ hiếp dâm bởi những kẻ khủng bố là điều không thể chấp nhận được. Trong trường hợp bi đát này, Giáo Hội Công Giáo hợp tác với tất cả mọi người thiện chí, và sẵn sàng giúp đỡ các phụ nữ mang thai.”

Sau khi quân đội Nigeria giải phóng hàng trăm phụ nữ bị Boko Haram giam giữ, tin tức cho biết là những kẻ khủng bố đã cưỡng hiếp rất nhiều phụ nữ trong số họ, và một số đã có thai.

Các Giám Mục Công Giáo, nhắc nhở dân chúng rằng các em bé được hoài thai trong những vụ hiếp dâm là vô tội.

3. Miến Điện gia tăng bách hại người Hồi giáo Rohingya bằng chính sách dân số

Trong một động thái được nhiều người xem là nhắm vào người Hồi giáo Rohingya thiểu số, tổng thống Thein Sein của Miến Điện đã ký đạo luật chăm sóc sức khỏe và kiểm soát dân số, trong đó cho phép các nhà cầm quyền vùng miền đưa ra những quy định về “khoảng cách sinh” ít nhất là 36 tháng.

Dainius Puras, đặc biệt phái viên của Liên Hiệp Quốc về y tế nhận định:

“Bất kỳ yêu cầu cưỡng chế khoảng cách sinh với mục đích kế hoạch gia đình sẽ tạo ra một sự can thiệp không cân xứng trong sức khỏe tính dục và sinh sản; vi phạm quyền của phụ nữ và có thể cấu thành một sự vi phạm nhân quyền trầm trọng”

Đạo luật do tổng thống Thein Sein của Miến Điện đưa ra cho thấy nhà cầm quyền nước này tiếp tục phớt lờ mọi phản ứng của thế giới trước tình cảnh bi đát của hàng chục ngàn người Hồi giáo Rohingya thiểu số sống không nổi phải bỏ nước ra đi trôi giạt trên biển.

4. Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz hy vọng Đức Thánh Cha sẽ ghé thăm trại tử thần Auschwitz

Đức Hồng Y Stanislaw Dziwisz của tổng giáo phận Krakow hy vọng Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ghé thăm trại tử thần Auschwitz của Đức Quốc xã vào năm 2016, khi ngài tới Ba Lan nhân dịp Ngày Giới Trẻ Thế Giới.

Đức Hồng Y nói với thông tấn xã Công Giáo Ba Lan KAI:

“Chúng tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Auschwitz và một lần nữa đưa ra lời cảnh báo cho thế giới về nỗi kinh hoàng của chiến tranh và các trại tập trung, để những điều này không bao giờ tái diễn nữa”

Mặc dù kế hoạch viếng thăm của Đức Thánh Cha đến Auschwitz vẫn chưa ngã ngũ ra sao, một phát ngôn viên của Hội Đồng Giám Mục Ba Lan cho biết chi tiết này sẽ sớm được công bố.

Ngày 28 tháng Năm năm 2006, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm trại tập trung Auschwitz, nơi 1.5 triệu người bị Đức Quốc Xã giết chết

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến thăm Ba Lan nhân ngày Ngày Giới Trẻ Thế Giới được tổ chức từ 26 đến 31 tháng 7 năm tới 2016.

5. Các Hồng Y lên tiếng chỉ trích cuộc trưng cầu dân ý về cái gọi là “hôn nhân đồng tính” tại Á Nhĩ Lan

84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo nhưng trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 22 tháng Năm vừa qua 1,201,607 phiếu trong tổng số 1,949,725 phiếu bầu, tức là 62.07% đã đồng ý sửa đổi hiến pháp công nhận “hôn nhân đồng tính”.

Ái Nhĩ Lan không phải là nước đầu tiên định nghĩa lại hôn nhân để công nhận “hôn nhân đồng tính”. Ở một số nước khác, nhà cầm quyền công nhận “hôn nhân đồng tính” thông qua các cơ chế lập pháp. Nhưng tại Ái Nhĩ Lan, việc sửa đổi hiến pháp cần phải thông qua một cuộc trưng cầu dân ý. Do đó, Ái Nhĩ Lan là nước đầu tiên công nhận “hôn nhân đồng tính” thông qua phổ thông đầu phiếu.

Trước diễn biến bi đát này, Đức Hồng Y Raymond Burke, nguyên chánh tòa ân giải tối cao, nhận định rằng:

“Đây là một thách thức chống lại Thiên Chúa”.

Trong bài nói chuyện tại Đại Học Oxford thuộc Hiệp Hội Newman về di sản trí tuệ của Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16, Đức Hồng Y Raymond Burke bày tỏ sự đau buồn tột độ của ngài:

“Thật không thể tin nổi. Những người ngoại đạo có thể dung nạp những hành vi tình dục đồng giới, nhưng họ không bao giờ dám nói đây là một cuộc hôn nhân.”

Trong khi đó, nói chuyện trong hội nghị về kinh tế tại Vatican hôm thứ Hai 25 tháng 5, Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã mô tả cuộc trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan “không chỉ là một thất bại đối với nguyên tắc Kitô giáo, nhưng là một thất bại đối với nhân loại”

“Tôi đã rất buồn vì kết quả này”, ngài nói.

Điều đáng tiếc là trong cuộc trưng cầu dân ý tại Ái Nhĩ Lan đã nổi lên một số linh mục trong đó khét tiếng nhất là các linh mục Pádraig Standún, Iggy O’Donovan và Martin Dolan, những người tự nhận mình là “gay” và hô hào giáo dân bỏ phiếu công nhận “hôn nhân đồng tính”.

6. Đức Hồng Y Robert Sarah nói: Giáo Hội phải có can đảm lội ngược dòng triều của xã hội

Đức Hồng Y Robert Sarah, tổng trưởng Thánh Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, nói rằng “ngày nay Giáo Hội phải chiến đấu chống lại trào lưu xã hội, với lòng can đảm và hy vọng, và không phải sợ lên tiếng tố cáo những lừa dối, những lèo lái và các tiên tri giả.”

Đức Hồng Y đã đưa ra nhận xét trên trong cuộc nói chuyện tại Học Viện Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ở Rôma hôm 22 tháng 5.

Đề cập đến Thượng Hội Đồng Giám Mục sắp tới, Đức Hồng Y nêu ra nhận xét rằng “Có những người tin rằng sẽ có một cuộc cách mạng, nhưng điều đó sẽ không xảy ra đâu bởi vì tín lý không thuộc về bất cứ ai, nhưng thuộc về Chúa Kitô.”

Về phiên họp Thượng Hội Đồng Ngoại Thường về Gia Đình vừa qua, Đức Hồng Y nói “rõ ràng rằng trọng tâm thực sự không phải và không chỉ giới hạn trong vấn đề những người ly dị tái hôn”, nhưng “vấn đề là có một số người cho rằng tín lý của Giáo Hội là một lý tưởng không thể đạt được, không thể thực hiện được và vì vậy cần phải có một sự điều chỉnh theo hướng giảm nhẹ đi để có thể đề nghị với xã hội ngày nay.”

Đề cập đến cuộc trưng cầu dân ý về cái gọi là “hôn nhân đồng tính” vừa diễn ra tại Ái Nhĩ Lan, Đức Hồng Y cảnh cáo rằng “ngày nay một trong những hệ tư tưởng nguy hiểm nhất là thuyết giới tính theo đó không có sự khác biệt về bản chất tự nhiên nào giữa người nam và người nữ, cũng như nam tính và nữ tính không được ghi khắc trong tự nhiên.”

“Họ muốn nói rằng tính dục con người không phụ thuộc vào căn tính của người đàn ông và người phụ nữ, nhưng chỉ là một khuynh hướng tình dục, chẳng hạn như đồng tính luyến ái. Đây là hệ tư tưởng độc tài hão huyền, một hệ tư tưởng thực dụng nhưng lại có hiệu quả phủ nhận mọi thực tại của sự vật ... Giáo Hội không thể cổ võ cho một mới khái niệm về gia đình. Người đồng tính là những nạn nhân đầu tiên của sự trôi dạt này”.

Đức Hồng Y cũng khẳng định rằng Giáo Hội không nên “sử dụng các thuật ngữ được sử dụng ở Liên Hợp Quốc,” Ngài nói: “Chúng ta có một vốn từ vựng để diễn đạt những gì chúng ta tin. Nếu Thánh Thể chỉ là một bữa ăn, chúng ta có thể trao Mình Thánh Chúa cho những người ly dị và tái hôn là những người làm trái với các giao ước. “

Ngài nói thêm:

Thực tế là đôi khi chúng ta không chính xác trong việc sử dụng các từ ngữ Kitô giáo, chẳng hạn như là “lòng thương xót.” Nếu không giải thích ý nghĩa thực sự của từ ngữ ấy, chúng ta lừa dối dân chúng ... Chúa Kitô đã thương xót, nhưng chính Ngài cảnh cáo: “Ngoại trừ trường hợp hôn nhân bất hợp pháp, ai rẫy vợ mà cưới vợ khác là phạm tội ngoại tình” (Mt 19:8). Những ai đã phạm tội mà không ăn năn, thì không thể tiếp cận Mình Thánh Chúa Kitô ... Đó là một sự phạm thánh làm ô uế thân thể Ngài.

7. Giám Mục thành Aleppo lên án thứ truyền thông vô nhân đạo

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc cho biết Đức Giám Mục Công Giáo nghi lễ Latinh của thành phố Aleppo đã bày tỏ sự bất bình của ngài trước lề lối đưa tin vô trách nhiệm của Đài Quan Sát Nhân Quyền Syria (Syrian Observatory for Human Rights – gọi tắt là SOHR) có trụ sở tại Luân Đôn, Anh Quốc.

SOHR được thành lập bởi Rami Abdulrahman vào tháng Năm năm 2006 với chủ trương rõ rệt là nhằm chống lại chính quyền của tổng thống Bashar al-Assad, chủ yếu với những cáo buộc vi phạm nhân quyền của quân đội Syria.

Sau khi Hoa Kỳ và các lực lượng đồng minh bắt đầu các cuộc không kích chống lại quân khủng bố Hồi Giáo IS từ tháng 9 năm 2014, SOHR được trích dẫn gần như hàng ngày bởi hầu như tất cả các phương tiện truyền thông trên thế giới như Voice of America, Reuters, BBC, và CNN về số thương vong hàng ngày của quân khủng bố Hồi Giáo và số dân thường thiệt mạng trong các cuộc không kích ở Syria.

Trong điều kiện khó khăn của cuộc chiến tại Syria và Iraq, SOHR gần như là nguồn tin duy nhất về tình hình chiến sự tại hai quốc gia này. Mặc dù nhiều người cũng hoài nghi do đâu SOHR có thể có những tin tức và số liệu như thế.

Thông tấn xã Công Giáo Asia News của Hội Các Thừa Sai Truyền Giáo cảnh giác rằng cho đến năm 2013, SOHR vẫn theo đuổi một đường lối bênh vực quân khủng bố Hồi Giáo IS. Sau khi quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm được Mosul và gây ra bao nhiêu hành động tàn ác, SOHR mới bớt đi những luận điệu bênh vực cho bọn khủng bố.

Đức Giám Mục Georges Abou Khazen, dòng anh em hèn mọn, là Giám Quản Tông Tòa Aleppo của Công Giáo nghi lễ Latinh nói với thông tấn xã Fides rằng tin gần đây do SOHR tung ra và bắt đầu được lan truyền rộng rãi theo đó một người lính Kitô giáo trong lực lượng Assyrô phối hợp với quân đội người Kurd đã chặt đầu một chiến binh khủng bố Hồi Giáo IS là “không đáng tin cậy, chưa được kiểm chứng và vô trách nhiệm”.

Theo SOHR, trong cuộc tấn công giải phóng làng Tal Shamiram, trong thung lũng Khabur, nơi đã bị quân khủng bố Hồi Giáo IS chiếm gần 3 tháng nay, một chiến binh khủng bố Hồi Giáo IS đã bị bắt sống và bị một người lính Kitô giáo chặt đầu để trả thù.

Đức Cha Georges nói: “Sự việc được trình bày một cách chung chung, không ghi rõ chi tiết, không có một tên tuổi nào được nhắc đến...Sự lèo lái thông tin này cũng là một trong những phương tiện được sử dụng để nhân lên nhiều lần bạo lực và sự khủng khiếp của cuộc xung đột này. Chúng tôi biết rằng hơn 230 Kitô hữu Assyriô đang bị bắt cóc ở các làng trong thung lũng Khabur và vẫn đang bị các chiến binh thánh chiến giữ làm con tin. Chỉ có những kẻ người liều lĩnh mới có thể làm một cái gì đó như thế, khi những người khác đang gặp nguy hiểm, vì tất cả mọi thứ có thể sẽ được sử dụng như một cái cớ để biện minh cho sự trả đũa”

“Trên tất cả”, vị Đại Diện Tông Tòa Aleppo nói “Kitô hữu chúng tôi không chấp nhận bất kỳ sự trả thù hoặc bạo lực nhân danh tôn giáo. Đáp trả duy nhất của chúng tôi trong bất kỳ tình huống nào đều là sự tha thứ, như một dấu chỉ soi sáng cho tất cả mọi người. Trả thù, trả oán chỉ làm sâu sắc thêm các vết thương, và kéo dài vòng xoáy thù hận”

8. Đức Hồng Y Louis Sako Raphael vui mừng vì đức tin của người Công Giáo tại Iran

Nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Chanđê đã trở lại Iraq sau một chuyến thăm kéo dài 12 ngày tại hai thành phố của Iran là Teheran và Urmia.

Các cuộc gặp gỡ với người Công Giáo Chanđê ở Iran “lấp đầy trái tim chúng tôi với niềm vui và lòng biết ơn đối với sự kiên vững trong đức tin, sự vững vàng, hy vọng, tình yêu, và việc gìn giữ các giá trị Kitô giáo và truyền thống của anh chị em, bao gồm cả ngôn ngữ Chanđê của chúng ta”. Đức Hồng Y Louis Sako Raphael, Thượng Phụ Công Giáo Babylon đã viết như trên trong một thư mục vụ được công bố hôm 27 tháng Năm.

Ngài viết tiếp: “Hãy nhớ rằng anh chị em là con cháu của các vị tử đạo và các thánh. Trong nhà thờ chính tòa của Urmia có hài cốt 4,000 vị tử đạo thiệt mạng trong năm 1918. Các vị là một ân sủng và một nguồn lực cho anh chị em.”

Đức Thượng Phụ kết luận rằng:

“Chúng tôi mời gọi anh chị em cũng gắn liền với đất nước mình; anh chị em là người Iran và không phải là một cộng đồng những người nước ngoài có nguồn gốc từ một hành tinh khác. Anh chị em có nguồn gốc còn trước cả người Hồi giáo, khi đó Kitô hữu là đa số, và Giáo Hội của anh chị em được gọi là Giáo Hội của Ba Tư, và hôm nay anh chị em là một thiểu số, nhưng chúng tôi cảm thấy rằng tất cả mọi người vẫn tôn trọng anh chị em. Mặc dù anh chị em là một cộng đồng nhỏ về số lượng, nhưng anh chị em mạnh mẽ như các Giáo Hội tiên khởi. Chúng tôi tin chắc rằng anh chị em sẽ phát triển.”

9. Các Giám Mục Burundi yêu cầu các linh mục rút lui khỏi Ủy Ban Tuyển Cử vì Giáo Hội không thể bảo lãnh cho cuộc bầu cử ma giáo

Các linh mục Công Giáo không được tham gia vào các Ủy Ban Tuyển Cử trung ương và địa phương trong cuộc bầu cử sắp diễn ra tại Burundi vì những vi phạm trong quá trình bỏ phiếu là không thể tránh khỏi. Hội Đồng Giám Mục Burundi đã công bố như trên trong một động thái được xem là quyết liệt tẩy chay cuộc bầu cử vào thượng tuần tháng Sáu.

“Chúng ta không thể làm người bảo lãnh cho các cuộc bầu cử đầy những trò ma giáo”, Đức Cha Gervais Bashimiyubusa của giáo phận Ngozi, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nói.

Theo dự trù ban đầu, sau khi cuộc bầu cử lập pháp diễn ra vào ngày 05 Tháng Sáu, Quốc Hội mới sẽ được yêu cầu thông qua việc tu chính hiến pháp để Tổng thống Burundi là ông Pierre Nkurunziza có thể ra tranh cử nhiệm kỳ thứ ba trong cuộc bầu cử tổng thống vào ngày 26 tháng Sáu.

Hiện chỉ có hai đảng tham gia vào cuộc chạy đua vào Quốc Hội. Các đảng khác đồng loạt tẩy chay để phản đối những hạn chế vô lý áp đặt bởi tổng thống Pierre Nkurunziza.

Theo một thông lệ đã có từ năm 2005, nhiều linh mục hiện đang giữ những chức vụ cao trong các Ủy Ban Tuyển Cử trung ương và địa phương.

Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào năm 2010.

Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tổng thống Pierre Nukurunziza đã muốn thay đổi hiến pháp để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bạo động đã nổ ra ngày 26 tháng Tư khi cảnh sát đàn áp dã man những người biểu tình và bắn chết ít nhất 25 người. Hàng trăm ngàn người đã di tản khỏi đất nước.

Người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân.