Ngày 01-01-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Hiển Linh 2/1/2022 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
03:45 01/01/2022

BÀI ĐỌC I: Is 60, 1-6

“Vinh quang Chúa xuất hiện trên ngươi”.

Bài trích sách Tiên tri Isaia.

Hãy đứng lên, hãy toả sáng ra, hỡi Giêrusalem! Vì sự sáng của ngươi đã tới, vì vinh quang của Chúa đã bừng dậy trên mình ngươi. Kìa tối tăm đang bao bọc địa cầu, vì u minh phủ kín các dân, nhưng trên mình ngươi Chúa đang đứng dậy, vì vinh quang của Ngài xuất hiện trên mình ngươi. Chư dân sẽ lần bước tìm về sự sáng của ngươi, và các vua hướng về ánh bình minh của ngươi. Hãy ngước mắt lên chung quanh, và hãy nhìn coi: tất cả những người đó đang tập họp, đang tìm đến với ngươi; các con trai của ngươi tự đàng xa đi tới, và các con gái ngươi đứng dậy từ khắp bên hông. Bấy giờ ngươi sẽ nhìn coi, và ngươi trở nên rực rỡ, tim ngươi sẽ rạo rực và sẽ phồng lên. Bởi vì những kho tàng bể khơi tuôn đến với ngươi, nguồn phú túc của chư dân sẽ tới tay ngươi. Những con lạc đà tràn ngập vây phủ lấy ngươi, những lạc đà một bướu tự xứ Mađian và Epha; tất cả những ai từ Saba đi tới, đem theo vàng và nhũ hương, và họ sẽ tuyên rao lời ca ngợi Chúa.

Đó là lời Chúa.

ĐÁP CA: Tv 71, 2. 7-8. 10-11a. 12-13

Đáp: Lạy Chúa, mọi dân tộc trên địa cầu đều thờ lạy Chúa (x. c. 11b).

1) Lạy Chúa, xin ban quyền xét đoán khôn ngoan cho đức vua, và ban sự công chính cho hoàng tử, để người đoán xét dân Chúa cách công minh, và phân xử người nghèo khó cách chính trực.

2) Sự công chính và nền hoà bình viên mãn sẽ triển nở trong triều đại người, cho đến khi mặt trăng không còn chiếu sáng. Và người sẽ thống trị từ biển nọ đến biển kia, từ sông cái đến tận cùng trái đất.

3) Vì người sẽ giải thoát kẻ nghèo khó khỏi tay kẻ quyền thế, và sẽ cứu người bất hạnh không ai giúp đỡ. Người sẽ thương xót kẻ yếu đuối và người thiếu thốn, và cứu thoát mạng sống kẻ cùng khổ.

4) Chúc tụng danh người đến muôn đời, danh người còn tồn tại lâu dài như mặt trời. Vì người, các chi họ đất hứa sẽ được chúc phúc, và các dân nước sẽ ca ngợi người.

BÀI ĐỌC II: Ep 3, 2-3a. 5-6

“Bây giờ được tỏ ra rằng các dân ngoại được đồng thừa tự lời hứa”.

Bài trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Êphêxô.

Anh em thân mến, (chắc) anh em đã nghe biết rằng: Thiên Chúa đã ban cho tôi việc phân phát ân sủng cho anh em, là theo ơn mạc khải cho tôi biết, tôi đã được thấu hiểu mầu nhiệm mà con cái loài người các thế hệ khác không được biết, nhưng nay đã mạc khải cho các thánh Tông đồ của Người, và cho các vị Tiên tri, nhờ Thánh Thần. Và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được nên đồng thừa tự, đồng một thân thể và đồng thông phần với lời hứa của Người trong Chúa Giêsu Kitô.

Đó là lời Chúa.

ALLELUIA: Mt 2, 2

All. All. – Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đã đến để triều bái Người. – All.

PHÚC ÂM: Mt 2, 1-12

“Chúng tôi từ phương Đông đến thờ lạy Đức Vua”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi Chúa Giêsu sinh hạ tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, trong đời vua Hêrôđê, có mấy nhà đạo sĩ từ Đông phương tìm đến Giê-rusalem. Các ông nói: “Vua người Do-thái mới sinh ra hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã nhận thấy ngôi sao của Người ở Đông phương, và chúng tôi đến để triều bái Người”. Nghe nói thế, vua Hêrôđê bối rối, và tất cả Giêrusalem cùng với nhà vua. Vua đã triệu tập tất cả các đại giáo trưởng và luật sĩ trong dân, và hỏi họ cho biết nơi mà Đức Kitô sinh hạ. Họ tâu nhà vua rằng: “Tại Bêlem thuộc xứ Giuđa, vì đó là lời do Đấng Tiên tri đã chép: Cả ngươi nữa, hỡi Bêlem, đất Giuđa, không lẽ gì ngươi bé nhỏ hơn hết trong các thành trì của Giuđa, vì tự nơi ngươi sẽ xuất hiện một thủ lãnh, Người đó sẽ chăn nuôi Israel dân tộc của Ta”.

Bấy giờ Hêrôđê ngầm triệu tập mấy nhà đạo sĩ tới, cặn kẽ hỏi han họ về thời giờ ngôi sao đã hiện ra. Rồi vua đã phái họ đi Bêlem và dặn rằng: “Các khanh hãy đi điều tra cẩn thận về Hài Nhi, rồi khi đã gặp thấy, hãy báo tin lại cho Trẫm, để cả Trẫm cũng đến triều bái Người”. Nghe nhà vua nói, họ lên đường. Và kìa ngôi sao họ xem thấy ở Đông phương, lại đi trước họ, mãi cho tới nơi và đậu lại trên chỗ Hài Nhi ở. Lúc nhìn thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Và khi tiến vào nhà, họ đã gặp thấy Hài Nhi và Bà Maria Mẹ Người, và họ đã quỳ gối xuống sụp lạy Người. Rồi, mở kho tàng ra, họ đã dâng tiến Người lễ vật: vàng, nhũ hương và mộc dược. Và khi nhận được lời mộng báo đừng trở lại với Hêrôđê, họ đã qua đường khác trở về xứ sở mình.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:52 01/01/2022

29. Đất khô hạn thì lợn và chó không muốn đạp lên; tâm yên lặng khô khan dục tình thì ma quỷ không muốn ở.

(Thánh John Climent)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:55 01/01/2022
54. TAI HỌA GIẤU RẬN

Trong thôn có một người ngồi dưới gốc cây, ngẫu nhiên rờ trúng một con rận, bèn lấy tờ giấy cẩn thận gói lại giấu trong một cái lỗ nơi thân cây rồi mới bỏ đi.

Qua hai, ba năm sau, anh ta lại đi qua nơi chỗ ấy, đột nhiên nhớ lại chuyện hồi trước, bèn nhìn cái lỗ nơi cây ấy thì thấy tờ giấy bao thì vẫn còn y nguyên, anh ta mở ra coi, con rận đã mỏng dẹp như da vậy, anh ta lại đem con rận bỏ vào trong lòng bàn tay và đưa lên coi cho rõ.

Một lúc sau, cảm thấy lòng bàn tay ngứa ngáy, bụng con rận từ từ phình lớn lên, anh ta quăng con rận xuống đất và trở về nhà. Chỗ bị ngứa nổi lên một cục giống như trái đào, qua mấy ngày thì anh ta chết.

(Liêu Trai Chí Dị)

Suy tư 54:

Có những người sống bất an vì giấu giếm những việc làm xấu của mình; có những người sống mà như đã chết, họ luôn bị ám ảnh trong nổi sợ hãi vì không ra đầu thú tội mình trước pháp luật... Cũng như có một vài người Ki-tô hữu sống trong sự bất an dù họ đã đi xưng tội, tại sao vậy? Thưa, bởi vì họ đi xưng tội nhưng vẫn còn giấu một hoặc vài tội trọng mà không xưng ra hết.

Giấu tội trọng không muốn xưng ra đều là do ma quỷ xúi giục:

- Nó xúi giục đừng xưng tội trọng ra vì mắc cở.

- Nó xúi giục đừng xưng tội trọng ra vì để bảo vệ danh dự mình.

- Nó xúi giục đừng xưng tội trọng ra vì cha giải tội sẽ nạt nộ to tiếng thêm mắc cở.

- Nó xúi giục đừng xưng tội trọng ra vì Thiên Chúa không tha tội quá nặng ấy.v.v...


Nhưng trên tất cả là vì không trông cậy vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa.

Vì giấu con rận nên chết vì con rận hút máu.

Người Ki-tô hữu giấu tội trọng khi xưng tội thì xưng tội không thành, và linh hồn vẫn cứ trong tình trạng mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, nghĩa là linh hồn đã chết. Mà linh hồn chết thì còn thảm thương hơn chết phần xác rất nhiều. Cho nên phải thật lòng thống hối, phải đơn sơ thú tội, phải quyết tâm sửa đổi và tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Lễ Chúa Hiển Linh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
09:56 01/01/2022
CHÚA NHẬT LỄ HIỂN LINH

Tin Mừng: Mt 2, 1-12.

“Từ phương Đông chúng tôi đến bái lạy Ngài.”


Bạn thân mến,

Đọc bài Tin Mừng hôm nay chúng ta thấy nổi bật lên hai khuôn mặt thật của hai loại người: một là khuôn mặt dối trá thâm hiểm của vua Hê-rô-đê, hai là khuôn mặt ngây thơ thật thà và thành kính của ba nhà hiền sĩ đến từ phương Đông.

Khuôn mặt dối trá và thâm hiểm của vua Hê-rô-đê đã đánh lừa được những người hiền lành chất phác, nhưng ông ta không thể đánh lừa được Thiên Chúa, những mưu mô tận đáy lòng của ông đã không che giấu được con mắt của Thiên Chúa, là Đấng luôn nhìn thấy và che chở những người hiền lành. Ông ta đã thất bại chua cay vì có Chúa can thiệp và phá vỡ âm mưu thâm hiểm của ông ta.

Khuôn mặt ngây thơ thật thà và thành kính của ba nhà hiền sĩ đã cho chúng ta thấy các ông là những người yêu thích và luôn tìm kiếm chân lý trong cuộc sống của mình. Thái độ và khuôn mặt thật thà ấy đã làm cho vua Hê-rô-đê hí hửng vui mừng vì rất dễ dàng đánh lừa được họ, nhưng chính Thiên Chúa đã không để những người thành tâm tìm kiếm chân lý bị người khác lợi dụng bắt nạt, Ngài đã ra tay cứu giúp, và các vị hiền sĩ trở về quê nhà cách bình an...

Bạn thân mến,

Trong con người của bạn và tôi đều có hai khuôn mặt: khuôn mặt của Hê-rô-đê tàn ác và khuôn mặt thành kính thật thà của ba nhà hiền sĩ...

Khuôn mặt tàn ác đã làm cho chúng ta trở thành những tên lừa dối anh em chị em của mình, khuôn mặt gian thâm này đã làm cho chúng ta không nhìn thấy được thiện chí của tha nhân, nên chúng ta vẫn cứ mãi lừa dối và mưu hại anh em và người khác để thoả mãn lòng tham của mình. Trái lại, khuôn mặt thành kính thật thà nơi bạn và tôi sẽ làm cho nhiều người nhận ra Đức Chúa Ki-tô đang hiện diện và hoạt động trong thái độ thân tình, yêu mến và khiêm tốn của chúng ta, và đó chính là một sự chọn lựa: chọn khuôn mặt của Hê-rô-đê hay chọn khuôn mặt của các nhà hiền sĩ, tất cả đều lệ thuộc vào đức tin và cuộc sống của mình mà thôi.

Lễ Hiển Linh là ngày Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại, có nghĩa là ơn cứu độ của Thiên Chúa không dành cho một ai, nhưng là hể ai thành tâm đón nhận Tin Mừng thì sẽ được ơn cứu độ.

Thành tâm đón nhận Tin Mừng như ba nhà hiền sĩ phương Đông, hoặc thành tâm đón nhận Tin Mừng như các mục đồng của thành Bê-lem là đón nhận và trở thành những ánh sao lạ chiếu soi Tin Mừng của Chúa cho mọi người, đó cũng là sứ điệp truyền giáo mà Giáo Hội đang ngày đêm thúc giục chúng ta, hãy làm tất cả những gì có thể để Lời Chúa được mau chạy đến với các linh hồn vậy.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi chúng ta là ngôi sao sáng dẫn đường
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
10:19 01/01/2022
Mỗi chúng ta là ngôi sao sáng dẫn đường

(Suy niệm lễ Chúa Hiển Linh)

Trong một cuộc tĩnh tâm, buổi tối nọ nhà thờ có cả mấy trăm giáo dân. Linh mục giảng thuyết bảo tắt hết đèn trong nhà thờ. Thế là bóng tối bao trùm !... Đoạn linh mục nói:

Tôi sẽ đốt lên một que diêm. Tất cả những ai thấy ánh sáng của que diêm, xin hô to: “Thấy”.

Nhà thờ to lớn, chỉ có ánh sáng một que diêm, nhưng ai cũng thấy và đồng thanh hô to:

-Tôi thấy! Chúng tôi thấy.

Linh mục giải thích:

-Như thế, anh chị em thấy một hành động tốt của anh chị em dù nhỏ cách mấy cũng chiếu sáng trước mặt mọi người, làm ngọn đèn soi cho họ bước lên ngôi sao sáng, dẫn đường họ đến Chúa như ba nhà chiêm tinh.

Kế đến, linh mục phát cho mỗi người một que diêm và bảo:

-Bây giờ mỗi người hãy đốt que diêm của mình lên.

Thế là trong phút chốc, bóng tối trong nhà thờ đã nhường chỗ cho ánh sáng tỏa lan từ những que diêm bé bỏng, khiến bầu khí trong nhà thờ trở nên mông lung kỳ diệu. Và linh mục kết luận:

-Anh chị em hãy xem đấy, nếu mỗi người chúng ta gộp lại một việc tốt lành nhỏ, chúng ta cũng có thể xua đuổi bóng tối lầm lạc tội lỗi, và trở nên Ánh Sao Lạ dẫn đưa mọi người đến với Chúa Cứu Thế như ba nhà chiêm tinh thời xưa.

Kính thưa,

Hôm nay Giáo Hội mừng lễ Hiến Linh (Ba Vua), lễ kỷ niệm việc Chúa tỏ mình ra cho dân ngoại. Chúa không chỉ tỏ mình ra một lần cho Ba vua đại diện cho dân ngoại cách đây hơn 2021 năm, nhưng Ngài vẫn còn và sẽ luôn tỏ mình ra cho từng người chúng ta.

Chúa Hiển Linh là gì? Là tỏ ra vinh quang Thiên Chúa cho con người nhận biết để được ơn cứu độ.

Bài Tin Mừng kể lại các đạo sĩ đại diện cho dân ngoại đã được ánh sao lạ dẫn đường tới thờ lạy Hài Nhi Giê-su. Quả thật, nhờ sự soi dẫn của ánh sao, các đạo sĩ đã đi đúng đường để đến với Chúa Giê-su Hài Đồng. Ba đạo sĩ đã lãnh nhận được niềm vui khôn tả khi tiếp kiến Hài Nhi. Qua đây, chúng ta khẳng định ngay rằng Đức Giê-su sinh ra là không chỉ dành riêng cho người Do Thái, cho riêng một ai, nhưng cho toàn thể nhân loại. Một Giê-su phổ quát cho mọi người mà không phân biệt nô lệ hay tự do; lương dân hay dân bản; da đen hay da màu; châu phi hay châu mỹ,…Thật vậy, ai đi theo sự hướng dẫn của Ngôi Sao Giê-su sẽ không đi trong bóng tối mù mịt, nhưng đi trong ánh sáng chan hòa; không đi trong dối gian, nhưng đi trong sự thật; không đi trong hận thù ghen ghét nhưng đi trong thuận hòa yêu thương; không đi trong chiến tranh khủng bố, nhưng đi trong hòa bình công lý; không đi trong nỗi buồn man mác, nhưng đi trong niềm vui hớn hở; không đi trong thất vọng ê chề, nhưng đi trên con đường tràn trề hy vọng; không đi trong hỏa ngục đời đời, nhưng đi trong thiên đàng vinh hiển,…

Kính thưa, ngày nay ngôi sao nào đang dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa?

Ngôi sao trước tiên đó là Lời Chúa. Chính nhờ đọc và suy gẫm Lời Chúa mà chúng ta nhận ra Chúa trong cuộc sống. Phúc âm sẽ vẽ lên cho chúng ta gương mặt thực của Chúa Ki-tô chứ không phải khuôn mặt theo những mơ ước trần tục của chúng ta. Phúc Âm sẽ là ngôi sao dẫn đường cho chúng ta đến với Chúa.

Ngôi sao đặc biệt nhất là Mình và Máu Chúa Giê-su trong mỗi thánh lễ chúng ta tham dự. Chính đó là nguồn sống và sức mạnh cho đời sống đức tin của chúng ta. Quả thật, Bí tích Thánh Thể chính là trung tâm trong lịch sử của nhân loại, là “nguồn mạch” và “chóp đỉnh” của mọi sinh hoạt trong phụng vụ của Giáo Hội, bởi vì Thánh Thể là lương thực cần thiết cho sự sống và sứ mạng của Giáo Hội.

Ngôi sao kế tiếp là Giáo Hội ngang qua các vị thánh, qua các linh mục, qua các ki-tô hữu giáo dân gương mẫu, thánh thiện,…

Kính thưa,

Chính Đức Giê-su cũng đã dạy chúng ta rằng anh em là ánh sáng cho trần gian,…ngọn đèn phải được đặt ở trên đế để soi sáng cho mọi người trong nhà, mỗi ki-tô hữu phải là ngọn đèn, nghĩa là ngôi sao dẫn đường cho kẻ khác. Cha mẹ là ngôi sao dẫn đường cho con cái, những người có trách nhiệm phải là ngôi sao dẫn đường cho những người mình chịu trách nhiệm; linh mục - tu sĩ phải là ngôi sao dẫn đường cho dân Chúa; và mỗi ki-tô hữu phải trở thành ngôi sao dẫn đường cho những ai chưa biết Chúa qua chợ búa, đồng ruộng, trường học, công ty và trên mọi nẻo đường trong cuộc sống.

Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa 1/1/2022
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
07:37 01/01/2022


Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 55 đã diễn ra lúc 10g sáng ngày đầu năm mới 1/1/2022 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Năm ngoái, do bất ngờ bị đau thần kinh tọa gây ra đau đớn và khó khăn trong việc đi lại, Đức Thánh Cha đã không thể chủ tế Thánh Lễ này. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tế thánh lễ thay cho ngài.

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 là “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công ăn việc làm là các khí cụ để xây dựng hòa bình lâu dài”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Các mục đồng tìm thấy “Đức Maria, Thánh Giuse, và hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đối với những mục đồng, máng cỏ là một dấu chỉ vui mừng: đó là sự xác nhận sứ điệp mà họ đã nghe từ thiên sứ (xem câu 12), và là nơi họ đã tìm thấy Đấng Cứu Rỗi. Đó cũng là bằng chứng về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với họ, vì Ngài được sinh ra trong máng cỏ, một đồ vật mà họ biết rõ, như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi và thân thuộc của Ngài. Máng cỏ cũng là một dấu chỉ vui mừng cho chúng ta. Chúa Giêsu chạm đến trái tim chúng ta bằng cách sinh ra trong sự bé nhỏ và nghèo hèn; Ngài lấp đầy chúng ta bằng tình yêu, chứ không phải là sự sợ hãi. Máng cỏ tiên báo Đấng tự làm lương thực cho chúng ta. Sự nghèo khó của Ngài là một tin tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề, những người bị từ chối và những người không được coi trọng trong mắt thế gian. Đó là cách Thiên Chúa đến: không chút ưu tiên, và thiếu ngay cả một cái nôi! Thật là một điều tuyệt vời khi nhìn thấy Ngài ở đó, nằm trong máng cỏ.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Mẹ đã phải chịu đựng “tai tiếng của máng cỏ”. Từ lâu trước những mục đồng, Mẹ đã nhận được thông điệp của một thiên sứ đã nói với Mẹ một cách long trọng về ngai vàng của Đavít: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.” (Lc 1:31-32). Và bây giờ, Đức Maria phải đặt Ngài trong một cái máng dành cho gia súc. Làm sao Mẹ có thể dung hòa được ngai vàng của một vị vua và một máng cỏ thấp hèn? Làm thế nào Mẹ có thể dung hòa giữa vinh quang của Đấng Tối Cao và sự nghèo khổ cay đắng của một chuồng gia súc? Chúng ta hãy nghĩ đến sự đau khổ của Mẹ Thiên Chúa. Còn gì đau đớn hơn đối với một người mẹ khi chứng kiến cảnh con mình phải chịu cảnh bần hàn? Nó thực sự bẽ bàng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho Đức Maria, nếu Mẹ lên tiếng phàn nàn về những rắc rối ngỡ ngàng đó. Tuy nhiên, Mẹ không ngã lòng. Mẹ không phàn nàn, nhưng giữ im lặng. Thay vì phàn nàn, Mẹ chọn một cách khác. Tin Mừng cho chúng ta biết: Về phần mình, Mẹ Maria “đã ghi nhớ tất cả những điều đó, suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2:19).

Đó không phải là điều mà những mục đồng và dân chúng làm. Những mục đồng kể cho mọi người nghe về những gì họ đã thấy: thiên thần hiện ra giữa đêm đen và những lời của sứ thần liên quan đến Hài Nhi. Và dân chúng, khi nghe những điều này, rất kinh ngạc (xem câu 18). Bàn tán và ngạc nhiên. Trái lại, Đức Maria trầm ngâm; Mẹ ghi nhớ tất cả những điều này, suy đi nghĩ lại trong lòng. Bản thân chúng ta cũng có thể có cùng hai phản ứng khác nhau đó. Câu chuyện do những mục đồng kể lại, và sự kinh ngạc của chính họ, nhắc nhở chúng ta về sự khởi đầu của đức tin, khi mọi thứ dường như dễ dàng và đơn giản. Chúng ta vui mừng trong sự mới mẻ về Thiên Chúa, Đấng bước vào cuộc sống của chúng ta và làm chúng ta đầy kinh ngạc. Trái lại, sự trầm ngâm của Đức Maria là biểu hiện của một đức tin trưởng thành, trưởng thành, chứ không phải một đức tin của những người mới bắt đầu. Không phải là một đức tin mới sinh, nhưng đúng hơn là một đức tin đã sinh hoa kết quả. Vì hoa trái thiêng liêng được phát sinh từ những gian truân và thử thách. Từ sự yên tĩnh của Nazareth và từ những lời hứa chiến thắng nhận được từ Thiên thần – nghĩa là từ những ngày đầu tiên - Đức Maria giờ đây thấy mình trong chuồng bò tối tăm của Bêlem. Tuy nhiên, đó là nơi Mẹ trao Chúa cho thế giới. Những người khác, trước tai tiếng của máng cỏ, có thể cảm thấy vô cùng đau khổ. Mẹ thì không: Mẹ ghi nhớ những điều ấy, suy đi nghĩ lại trong lòng.

Chúng ta hãy học nơi Mẹ Thiên Chúa cách thức để có cùng một thái độ: đó là ghi nhớ và suy ngẫm. Bởi vì chúng ta cũng có thể phải chịu đựng một số “vụ tai tiếng của máng cỏ”. Chúng ta hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa và sau đó, hết sức ngỡ ngàng, một vấn đề bất ngờ phát sinh. Những kỳ vọng của chúng ta đụng độ với thực tế một cách đau đớn. Điều đó cũng có thể xảy ra trong đời sống đức tin, khi niềm vui của Tin Mừng bị đem ra thử thách trong những hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay Mẹ Thiên Chúa dạy chúng ta cách thu lợi từ cuộc đụng độ này. Mẹ cho chúng ta thấy điều đó là cần thiết: đó là con đường hẹp để đạt được mục tiêu, là thập giá, không có thập giá thì không thể có sự phục sinh. Giống như sự đau đớn của việc sinh nở, nó tạo ra một đức tin trưởng thành hơn.

Thưa anh chị em, tôi xin hỏi, làm thế nào để chúng ta thực hiện đoạn văn này, làm thế nào để giải quyết cuộc xung đột giữa lý tưởng và thực tế? Thưa: Bằng cách làm chính xác những gì Đức Maria đã làm, nghĩa là bằng cách ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đầu tiên, Đức Maria “ghi nhớ”, tức là Mẹ giữ lấy những gì xảy ra; Mẹ không quên hoặc khước từ nó. Mẹ giữ trong tim tất cả những gì Mẹ đã thấy và nghe. Những điều đẹp đẽ, như những điều thiên thần và những mục đồng đã nói với Mẹ, nhưng cũng có những điều rắc rối: nguy cơ bị phát hiện có thai trước khi kết hôn và bây giờ là chuồng gia súc tồi tàn nơi Mẹ đã phải sinh con. Đó là những gì Đức Maria làm. Mẹ không chọn cái này cái kia; Mẹ ghi nhớ. Mẹ chấp nhận cuộc sống như nó đến, mà không cố gắng ngụy trang hay tô điểm nó; Mẹ giữ những điều đó trong tim mình.

Sau đó, thái độ thứ hai của Đức Maria là về cách Mẹ gìn giữ: Mẹ ghi nhớ và Mẹ suy ngẫm. Tin Mừng nói về việc Mẹ Maria “tập hợp lại”, so sánh, những trải nghiệm khác nhau của Mẹ và tìm ra những sợi dây tiềm tàng kết nối chúng lại với nhau. Trong thâm tâm, trong lời cầu nguyện của mình, Mẹ thực hiện chính xác điều đó: Mẹ gắn kết những điều đẹp đẽ và những điều khó chịu lại với nhau. Mẹ không giữ chúng tách biệt nhau, nhưng mang chúng lại với nhau. Chính vì lý do này mà người ta cho rằng Đức Maria là Mẹ của Đạo Công Giáo. Về điểm này, chúng ta có thể dám khẳng định rằng chính vì thế mà người ta nói Đức Maria là người Công Giáo, vì Mẹ hợp nhất, không chia rẽ. Và theo cách này, Mẹ nhận ra ý nghĩa to lớn hơn của chúng, từ quan điểm của Thiên Chúa. Trong lòng mình, Đức Maria nhận ra rằng vinh quang của Đấng Tối Cao xuất hiện trong sự khiêm nhường; Mẹ hoan nghênh chương trình cứu độ, theo đó Chúa phải nằm trong máng cỏ. Mẹ nhìn thấy Chúa Hài Đồng yếu đuối và run rẩy, và Mẹ chấp nhận sự giao thoa thần thánh kỳ diệu giữa sự vĩ đại và nhỏ bé. Đức Maria ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Cách nhìn nhận mọi thứ một cách toàn diện này, vượt qua những căng thẳng bằng cách “gìn giữ” và “suy đi nghĩ lại”, là cách của những người mẹ, những người mà trong những khoảnh khắc căng thẳng, họ không chia rẽ, họ vẫn giữ và bằng cách này họ giúp cuộc sống phát triển. Đó là cách mà rất nhiều bà mẹ đón nhận những vấn đề của con mình. “Cái nhìn” từ mẫu không khuất phục trước căng thẳng; không bị tê liệt trước những vấn đề đó, mà nhìn chúng ở một góc độ rộng lớn hơn. Và đây là thái độ của Mẹ Maria: Mẹ gìn giữ và suy nghĩ cho đến tận đồi Canvê. Chúng ta có thể nghĩ đến khuôn mặt của tất cả những người mẹ chăm sóc đứa trẻ bị bệnh hoặc gặp khó khăn. Tình yêu tuyệt vời mà chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt của họ! Ngay cả giữa những giọt nước mắt của họ, họ vẫn có thể khơi dậy hy vọng. Ánh mắt của họ là một cái nhìn có ý thức và thực tế, nhưng đồng thời mang đến cho người khác một bức tranh lớn hơn, một sự quan tâm và tình yêu mang đến hy vọng mới. Đó là những gì các bà mẹ làm: họ biết cách vượt qua những trở ngại và bất đồng, để truyền hòa khí. Bằng cách này, họ biến các vấn đề thành cơ hội để tái sinh và phát triển. Họ có thể làm được điều này bởi vì họ biết cách “gìn giữ”, cùng nhau nắm giữ những sợi dây cuộc sống. Chúng ta cần những người như vậy, có khả năng dệt những sợi dây của sự hiệp thông thay cho hàng rào thép gai của xung đột và chia rẽ. Các mẹ biết cách làm này.

Năm mới bắt đầu dưới sự chỉ dẫn của Thánh Mẫu Thiên Chúa, dưới sự chỉ điểm của Đức Mẹ. Cái nhìn của người mẹ là con đường dẫn đến sự tái sinh và lớn lên. Chúng ta cần những người mẹ, những người phụ nữ biết nhìn ra thế giới không phải để khai thác nó mà để nó có sự sống. Những người phụ nữ, nhìn bằng trái tim, có thể kết hợp những ước mơ và khát vọng với thực tế cụ thể, mà không bị trôi dạt vào những chủ nghĩa trừu tượng và thực dụng vô sinh. Và Giáo hội là Mẹ, đây là điều làm nên nữ tính của Giáo hội. Vì lý do này, chúng ta không thể tìm thấy một chỗ đứng cho phụ nữ trong Giáo hội nếu không để cho trái tim của Người Phụ nữ và Người Mẹ được tỏa sáng. Đây là nơi dành cho những người phụ nữ trong Giáo hội, một nơi tuyệt vời, từ đó phát sinh ra những nơi khác, cụ thể hơn và ít quan trọng hơn. Giáo hội là Mẹ, Giáo hội là phụ nữ. Và vì các bà mẹ ban tặng cuộc sống, và phụ nữ “gìn giữ” thế giới, tất cả chúng ta hãy nỗ lực hơn nữa để nâng đỡ các bà mẹ và bảo vệ phụ nữ. Biết bao nhiêu bạo lực nhắm vào phụ nữ! Đã quá đủ! Làm tổn thương một người phụ nữ là xúc phạm Thiên Chúa, Đấng từ một người phụ nữ đã mang lấy nhân tính của chúng ta. Ngài đã không làm điều đó thông qua một thiên thần; Ngài cũng không đến trực tiếp; Ngài đã làm điều đó thông qua một người phụ nữ. Giống như một người phụ nữ, Giáo hội Mẹ mang đến nhân tính cho những người con trai và con gái của mình.

Vậy thì vào đầu năm mới, chúng ta hãy đặt mình dưới sự che chở của người phụ nữ này, Mẹ Thiên Chúa, cũng là mẹ của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta gìn giữ và suy ngẫm mọi sự, không ngại thử thách và vui mừng tin chắc rằng Chúa là Đấng thành tín và có thể biến mọi thập tự giá thành sự Phục sinh. Hôm nay cũng vậy, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ cũng như dân Chúa tại Êphêsô. Chúng ta hãy đứng lên và hướng về Đức Mẹ như D ân Chúa ở Êphêsô xưa, chúng ta hãy cùng nhau lặp lại ba lần danh hiệu Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria: “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”! Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Congo: Lăng mộ của Đức Hồng Y Biayenda bị phá phách trong Đêm Giáng Sinh
Đặng Tự Do
16:14 01/01/2022


Một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Congo bảo đảm với các tín hữu rằng thi thể của Đức Hồng Y Biayenda chưa bị động đến. Thông cáo báo chí này được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông loan tin rằng ngôi mộ của cố Hồng Y bị phá phách trong hai đêm 23 và 24 tháng 12. Tin tức này đã khiến người Công Giáo hết sức âu lo.

Một thông cáo báo chí từ Tổng giáo phận Brazzaville, cho biết đó là một “phép lạ của thiên đàng và nhờ tài năng của các vị trưởng lão của chúng ta, những người đã đặt một thiết bị an ninh khá vững chắc trên lăng mộ, mà thi hài của vị Hồng Y không bị động đến cũng như không bị xáo trộn mặc dù những kẻ phá hoại đã tiếp cận được”.

“Do đó, mọi thứ đều nguyên vẹn,” tuyên bố bảo đảm như trên với người Công Giáo.

Cho đến nay vẫn chưa xác định được thủ phạm. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cổng bảo vệ ngôi mộ bị hư hỏng nhẹ. Ngôi mộ này nằm trong khuôn viên của Nhà thờ Thánh Tâm, ở trung tâm Brazzaville.

Một nguồn tin thân cận với Giáo Hội địa phương, nói với RFI rằng đây là lần thứ ba trong năm nay ngôi mộ của vị Hồng Y đã bị mạo phạm.

Đến nay người ta vẫn chưa biết động cơ của những kẻ gây án.

Tổng Giáo phận cho biết thêm trong tuyên bố của mình: “Chúng tôi muốn trấn an quý vị rằng cảnh sát tư pháp đã vào cuộc và họ đang tiến hành các cuộc điều tra cần thiết trong những trường hợp như vậy”.

Đức Hồng Y Émile Biayenda bị ám sát năm 1977 ở tuổi 50. Cái chết của ngài, trong hoàn cảnh vẫn chưa rõ ràng cho đến nay, diễn ra chỉ vài ngày sau vụ ám sát tổng thống thứ ba của Congo, là ông Marien Ngouabi.
Source:.journaldebrazza.com
 
Đức Thánh Cha chia sẻ trong buổi Triều Yết: Cầu xin Mẹ Maria truyền cảm hứng cho tâm hồn chúng ta và thế giới có được sự hòa hợp
Thanh Quảng sdb
19:21 01/01/2022
Đức Thánh Cha chia sẻ trong buổi Triều Yết: Cầu xin Mẹ Maria truyền cảm hứng cho tâm hồn chúng ta và thế giới có được sự hòa hợp

Tại buổi Triều Yết nhân Ngày đầu năm mới, Đức Thánh Cha Phanxicô khuyến khích chúng ta hãy “lăn xả vào công việc xây dựng hòa bình”, nguyện xin Đức Maria, Nữ vương Hòa bình, ban cho chúng ta và toàn thế giới sự hòa hợp trong tâm hồn.

(Tin Vatican)

Sau khi chủ trì Thánh Lễ trọng kính Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón khách hành hương tại Quảng trường Thánh Phêrô, gửi lời chúc mừng Năm mới và chia sẻ bài suy ngẫm về ngày lễ hôm nay. Giáo hội đã dành ngày đầu tiên trong năm mới để mừng Lễ trọng Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, cũng là Ngày Hòa bình Thế giới.

Trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha đã cầu xin: Mẹ Maria giúp chúng ta biết luôn lưu giữ và suy ngẫm mọi hồng ân như Mẹ đã làm.

Trong bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta nghe tường thuật lại sự kỳ diệu Hài Nhi Ngôi Hai giáng trần và các mục đồng đã vội vã tìm đến bái thờ, chứng kiến Chúa Hài Đồng bọc tã đặt nằm trong máng cỏ như sứ thần đã loan báo cho họ. Đức Thánh Cha nói chúng ta có thể hình dung ra Đức Maria, "giống như một người mẹ dịu hiền cung kính, "đặt Chúa Giêsu trong máng cỏ, Mẹ không chỉ ôm Chúa trong vòng tay của Mẹ, nhưng Mẹ mời gọi chúng ta nhìn vào Chúa mà tôn thờ kính tin. "Đây là Hài nhi, Con của Mẹ Maria, Mẹ hiến tặng Chúa Con, Đấng đã sinh ra cho tất cả chúng ta."

Chúa gần gũi trong tầm tay của chúng ta

Sự trình bày của Mẹ Maria về Chúa Giêsu cho chúng ta thật là "một sứ điệp tuyệt vời" rằng "Thiên Chúa đang ở gần, trong tầm tay với của chúng ta," Đức Thánh Cha nói, không uy nghi làm ta sợ hãi mà với "sự yếu đuối của một người con cần được yêu thương." ĐTC nói thêm rằng Thiên Chúa đã chia sẻ thân phận con người của chúng ta để ở với chúng ta như một người trong chúng ta, "sinh ra nhỏ bé và thiếu thốn để không ai phải xấu hổ vì nghèo túng," và ngày càng gần chúng ta hơn, Ngài không loại trừ ai, khiến chúng ta tất cả là anh chị em với nhau.

Chúa ban cho chúng ta lòng can đảm với sự dịu dàng

“Thiên Chúa ở cùng chúng ta” trong Chúa Hài Đồng ban cho chúng ta “lòng can đảm dịu dàng,” Đức Thánh Cha nêu lên và khích lệ chúng ta chạy đến ánh sáng này trong một thời điểm bất định và khó khăn do đại dịch gây ra. Các vấn đề kinh tế và xã hội làm chúng ta sợ hãi hoang mang cho tương lai, Đức Thánh Cha thừa nhận, nhắc lại là những người mẹ trẻ trung của thời đại và con cái của họ đang phải chạy trốn khỏi các cuộc xung đột và nạn đói, hoặc chờ đợi trong các trại tị nạn. Giống như Mẹ Maria, chúng ta có thể mở lòng tiếp đón họ để mang lại sự thay đổi tích cực trong thế giới của chúng ta. "Nếu chúng ta trở thành những người mang tình huynh đệ, chúng ta sẽ có thể hàn gắn những sợi dây của một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh và bạo lực."

Hòa bình là một món quà và sự cam kết chia sẻ

Nhắc lại Ngày Thế giới Hòa bình hôm nay, Đức Thánh Cha xác quyết rằng hòa bình đến từ Thiên Chúa và là hoa quả của sự cam kết sẻ chia. Đức Thánh Cha nhấn mạnh, chúng ta cần cầu xin món quà hòa bình từ trời cao, vì chúng ta không thể bảo tồn nó nếu không có sự giúp đỡ của Thiên Chúa. ĐTC nhắc lại chúng ta cần có hòa bình trong tâm hồn ta, rằng chúng ta cũng phải cam kết hòa bình bằng những hành động cụ thể. Điều này có nghĩa là quan tâm đến người nghèo, hoạt động cho công lý, và can đảm tha thứ cho người khác để dập tắt lửa hận thù.

ĐTC nói, chúng ta cũng cần một cái nhìn tích cực, cả trong Giáo hội và xã hội, được thúc đẩy bằng cách nhìn thấy "điều tốt lành liên kết chúng ta." Đức Thánh Cha nói thêm rằng "chán chường hay phàn nàn than trách thì vô ích", chúng ta cần "xắn tay áo" lên và hành động cho hòa bình, nguyện xin Đức Maria, Nữ vương Hòa bình, ban cho chúng ta "được sự hòa hợp trong tâm hồn trên toàn thế giới. "

Sau khi ban phép lành tông đồ, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cầu chúc bình an cho mọi người theo cách đặc biệt trong Ngày Đầu năm Mới mà Giáo hội kỷ niệm Ngày Thế giới Hòa bình hàng năm, kể từ khi Thánh Giáo Hoàng Phao-lô VI bắt đầu vào năm 1968. Ngài nhắc lại thông điệp năm nay với chủ đề: "Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công việc: một Công cụ để xây dựng hòa bình lâu dài", ĐTC nhắc lại ba yếu tố này là chìa khóa để thiết lập cơ sở vững chắc cho việc xây dựng hòa bình trong thế giới chúng ta đang sống.

Đức Thánh Cha cũng cảm ơn Tổng thống Ý, Sergio Mattarella, đã gửi lời chúc mừng năm mới tới ngài. ĐTC cũng bày tỏ lòng biết ơn với tất cả những người hành hương đang tập trung tại Quảng trường, đặc biệt các thành viên của cộng đồng Thánh Egidio đã tích cực hoạt động cho hòa bình khắp nơi trên thế giới.
 
Văn Hóa
Thiên Thu Mẹ Mãi Không Già
Sơn Ca Linh
10:16 01/01/2022
Thiên Thu Mẹ Mãi Không Già

(Chút cảm nhận huyền nhiệm “Mẹ Thiên Chúa”)

Đất trời mông mênh động chuyển,
Thời gian biền biệt xoay vần…
Đông qua Xuân rồi lại đến,
Phận người một thoáng bâng khuâng !

Đâu tiếng ngựa xe thành quách,
Bóng cũ hình xưa nhạt nhòa…
Bạo chúa, cung triều… phế tích,
Thiên thu Mẹ Mãi không già !

Dáng Mẹ Lên Đền vẫn thế,
Hoan vui nhịp bước Dâng mình.
Vẫn buổi Truyền Tin diễm lệ,
Ave vọng tiếng uy linh.

Lại vẫn con đường Thăm Viếng,
Hồn nhiên những bước chân son.
Rộn rã Thần Linh vọng tiếng,
Ma-gni-fi-cát vẹn tròn !

Cứ mỗi mùa đông tuyết trắng,
Lại bừng sáng rực Bê-lem.
Máng cỏ chiên lừa vắng lặng,
Lời ru Mẹ hát êm đềm !

Chuyện hai ngàn năm mới mãi,
Mẹ di tản, Mẹ tìm Con…
Ca-na rượu nồng đã dậy,
Có mẹ “Tiệc cưới” vuông tròn !

Rồi những bước chân thầm lặng,
Chiều nao lẽo đẽo Can-vê.
Máu loang mang lời cay đắng,
Trối trăng một cõi đi về !

Một sáng tinh mơ bừng dậy,
Trên cành chim hót tin vui.
Mồ trống bây giờ sống lại,
Con tim Mẹ hết bùi ngùi….

Những ngày Phục Sinh năm ấy,
Mẹ vui bên các Tông Đồ.
Ngọn lửa Thánh Thần bừng cháy,
Bước chân vội vã “sang bờ” !

Câu thề ngày nao đã vẹn,
Mẹ lìa xa cõi trần gian.
Xác hồn thiên cung cập bến,
Từ đây chắp cánh thien đàng… !

Năm mới con mừng tuổi Mẹ,
Mẹ Thiên Chúa, Mẹ đầy ơn.
Thiên thu Mẹ hằng tươi trẻ,
Càng ngày thương chúng con hơn.

Sơn Ca Linh (Mẹ Thiên Chúa 2022)

 
Henri de Lubac, Hồng Y Thần Học Gia, Chuyên Viên Vatican II, Bênh vực Thành công Pierre Teilhard de Chardin
Vũ Văn An
19:36 01/01/2022

I.Cuộc Đời và Sự Nghiệp

Hồng Y

Ngày 16 tháng 9 năm 1991, tuần báo quốc tế Time đưa tin: “Hồng Y Henri de Lubac, một trong những nhà thần học hàng đầu trong số các tu sĩ Dòng Tên Pháp, đã qua đời ở tuổi 95 tại Paris. De Lubac bị cấm giảng dạy từ năm 1946 đến năm 1954 sau khi xuất bản cuốn Surnaturel [Siêu Nhiên]của ngài (1). Được phục hồi vào năm 1958, ngài tham dự Công đồng [Vatican II] theo yêu cầu của Đức Gioan XXIII. Mối liên hệ của ngài với Rôma sau đó còn trở nên mạnh mẽ hơn dưới triều đại của Đức Gioan Phaolô II, người, trong chuyến thăm Paris năm 1980, đã cắt ngang bài phát biểu đang đọc khi nhìn thấy vị linh mục, và nói: “Tôi cúi đầu chào Cha de Lubac”.



Năm 1983, Đức Giáo Hoàng đã bổ nhiệm nhà thần học, lúc đó tám mươi bảy tuổi, làm Hồng Y để công nhận các phục vụ của ngài trong lĩnh vực thần học. Vinh dự này, vinh dự mà Henri de Lubac dành cho toàn thể Dòng Tên nói chung, là bước cuối cùng trong việc phục hồi một người trong một thời gian từng bị nghi ngờ, ngay trong Giáo hội, đã làm suy giảm đức tin chân chính bằng đủ loại “đổi mới” Và là người từ năm 1950 đến năm 1958, đã bị sa thải khỏi chức vụ giảng dạy của mình vì những nghi ngờ như vậy và bị cấm xuất bản các sách học thuật về thần học.

Henri de Lubac và Karol Wojtyla, người sau này trở thành Giáo hoàng, đã quen biết từ những ngày của Công đồng Vatican II và rất quý trọng nhau. Họ đã cùng nhau thực hiện “Lược đồ 13” mà cuối cùng được gọi là Hiến chế Mục vụ về Giáo hội trong Thế giới Ngày nay, Gaudium et spes (Niềm vui và Hy vọng) (2). Thậm chí, hơn cả việc cộng tác trực tiếp của ngài vào các bản văn Công đồng, de Lubac còn ảnh hưởng đến Công đồng qua các nghiên cứu thần học đồ sộ mà ngài đã xuất bản trong những năm dẫn đến Công đồng, qua đó ngài đã góp phần vào việc đổi mới thần học dựa trên các nguồn, tức Sách Thánh và các trước tác của các Giáo phụ. Công việc sơ bộ nhưng chủ yếu cho cả Hiến chế Tín lý về Giáo hội, Lumen gentium, và Hiến chế Tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa, Dei Verbum, là những tài liệu thần học quan trọng nhất của Công đồng, đã được thực hiện trong các tác phẩm của Henri de Lubac.

Về phần mình, trong các cuộc gặp gỡ với vị Tổng giám mục uyên bác của Krakow, Henri de Lubac thừa nhận rằng ngài đang xử lý với một cá nhân phi thường. Hai người trở thành bạn và thư từ qua lại. De Lubac đã viết lời tựa cho bản dịch tiếng Pháp cuốn sách Tình yêu và Trách nhiệm của Wojtyla, trong khi Wojtyla ủy nhiệm bản dịch tiếng Ba Lan cuốn tiểu luận của de Lubac, Églises particulières et Église universelle [Các Giáo hội Đặc thù và Giáo Hội Hoàn vũ]. Năm 1970 và 1971, Wojtyla mời de Lubac đến Ba Lan. Chỉ có căn bệnh của de Lubac khiến ngải không thể thực hiện kế hoạch du lịch của mình. De Lubac nhớ lại rằng trong những cuộc trò chuyện quen thuộc, ngài đã nhiều lần khẳng định: “Sau Đức Phaolô VI, Wojtyla là ứng viên của tôi”.

“Thiên tài về tình bạn”

Bất cứ ai đảm nhiệm việc phác thảo tiểu sử của Henri de Lubac, ngay từ đầu, hẳn phải tham khảo cuốn Mémoire sur l’occasion de mes écrits (Hồi ký về dịp các trước tác của tôi) (3), mà cuối cùng ngài đã cho xuất bản vào năm 1989 trong những năm hoàng hôn của cuộc đời mình; “bản ghi nhớ” này thực sự là một bản tường trình mà ngài đã tự soạn trong nhiều giai đoạn liên quan đến hoàn cảnh trong đó các bài viết của ngài đã bắt nguồn. Cuốn sách này sẽ luôn là nguồn có thẩm quyền cho bất cứ nghiên cứu đào sâu nào về con người và công trình của Henri de Lubac. Trong những năm từ 1956 đến 1957, de Lubac đã ghi chép về hai mươi năm đầu tiên của cuộc đời mình, nhưng ngài đã không xuất bản chúng (4). Trong khi đó, một loạt đầu tiên các hồi ký này đã được biên soạn từ những di tích văn học của ngài, được chú thích rộng rãi, và được xuất bản bởi Georges Chantraine. De Lubac cũng ghi lại nhiều hồi ký về những năm Thế Chiến hai và sự chiếm đóng của Đức trên đất Pháp và xuất bản chúng bằng tiếng Pháp vào năm 1988 (5).

De Lubac luôn cố gắng giữ kín cuộc sống cá nhân của mình. Điều này đúng với cả các trước tác của ngài lẫn những cuốn hồi ký tự truyện của ngài. Ngài không bao giờ nghĩ về thần học của mình như là độc đáo. Một trong những điều trớ trêu trong lịch sử thần học là ngài, giữa mọi người, nên được các đối thủ mô tả như là phát ngôn viên của nền “tân thần học”, La Nouvelle Théologie. “Trong các bài viết của mình, ngài mang thái độ [khách quan] đến mức tự xóa nhòa mình; nhiều trang viết của ngài không có gì khác ngoài một đoạn trích dẫn, đan kết với những lời bình luận. Ngài đã từ bỏ công trình thần học suy lý để trở thành ‘viên ký lục được đào tạo cho vương quốc thiên đàng', người từ kho tàng của mình, rút ra những điều mới và những điều cũ' với sự phong phú xa hoa", Xavier Tilliette đã mô tả về phương thức của de Lubac như thế, trong một đánh giá cao được viết nhân dịp sinh nhật lần thứ tám mươi của ngài (6). Động cơ chính trong công trình học thuật của ngài là đưa ra ánh sáng thích đáng chân lý của đức tin cũng như vẻ đẹp và sự huy hoàng của Truyền thống, cùng với công việc cả đời của bạn bè ngài. Cha Gerd Haeffner nói rằng ngài có "một thiên tài về tình bạn" (7). Nhiều trang hồi tưởng của ngài dành để tưởng nhớ bạn đồng tu và bạn bè. Bên cạnh gần bốn mươi bộ sách của ngài, de Lubac cũng đã xuất bản gần như số ấy các sách của bạn bè sau khi họ đã qua đời, ngoài việc viết lời nói đầu và dẫn nhập cũng như biên tập và chú thích thư từ. Henri de Lubac đã xuất bản bảy bản thảo đồ sộ của Cha Yves de Montcheuil, S.J. (sinh năm 1899), người bị Đức Quốc xã sát hại ở Grenoble vào tháng 8 năm 1944 ngay trước khi nước Pháp được giải phóng. Đúng là các bản thảo gần như đã sẵn sàng để in ấn, nhưng de Lubac đã một tay cứu chúng khỏi sự lãng quên. Ngài đã dành ba cuốn sách trên quy mô lớn để bảo vệ người cùng dòng và là bạn của ngài, Teilhard de Chardin (1881-1955). Ngài đau lòng khi kế hoạch xuất bản các tác phẩm quan trọng của Cha Pierre Rousselot, SJ., (8), người đã chết trong Thế chiến I ở tuổi 37, liên tục không đi đến đâu!

Trong khi ngài xuất bản và công bố tác phẩm của những người khác, cùng một dịch vụ này đã được thực hiện cho ngài bởi Hans Urs von Balthasar (1905-1988), một trong những người bạn thân của ngài từ những ngày họ cùng nhau ở Lyons-Fourvière. Ngay từ năm 1947, von Balthasar đã dịch cuốn sách đầu tiên của de Lubac, Catholicisme (Đạo Công Giáo) (9). Sau đó, vào năm 1967, ngài bắt đầu xuất bản các tác phẩm sưu tầm của de Lubac bằng tiếng Đức. Chúng được xuất bản bởi Johannes Verlag, nhà xuất bản do chính ngài sáng lập và chỉ đạo. Vì vậy, hầu hết các tác phẩm chính đều có sẵn bằng tiếng Đức, trong một bản dịch thích đáng, nhờ vào văn phong sáng chói của Hans Urs von Balthasar. Một ấn bản rút gọn của bộ sách Exégèse médiévale [Khoa Chú giải thời Trung cổ] gồm bốn tập, do chính Henri de Lubac soạn thảo với tựa đề L’Écriture dans la Tradition [Thánh kinh trong Thánh truyền](1966), gần đây đã xuất hiện bằng tiếng Anh với tựa đề Scripture in the Tradition (10).

Mặc dù những tác phẩm quan trọng nhất của Henri de Lubac do đó có thể tiếp cận được với độc giả nói tiếng Đức, chúng thực sự được biết đến ở Đức [và trong thế giới nói tiếng Anh] chỉ trong vòng giới hạn các chuyên gia, nói là giới hạn, vì so sánh với phạm vi và ý nghĩa công trình của ngài. Vậy Henri de Lubac là ai? Những tác phẩm quan trọng nhất của ngài là gì? Chúng được tạo ra khi nào và trong những mối liên hệ nào? Ngài đã dọn đường cho Công đồng Vatican II bằng những cách thức nào và qua những hiểu biết nào? Ý kiến của ngài về những phát triển sau Công Đồng là gì? Ngài đã nói điều gì có giá trị lâu dài về những chủ đề thần học nào?

Ghi chú

1 Cuốn sách gây tranh cãi của De Lubac, Surnaturel: Études historiques [Siêu nhiên: Các Nghiên cứu Lịch sử] (1946) đã vạch trần lý thuyết về natura pura [bản tính thuần túy] như một sản phẩm thần học của thời kỳ hiện đại và do đó đưa ra một thách thức đối với các nền tảng của thần học Tân Kinh viện được giảng dạy trong các trường học. Về chủ đề này, xin xem cuộc thảo luận chi tiết, ở bên dưới, tại các trang 63-64, 92, và 122-38.

2 Các bản văn Công đồng, cũng như các văn kiện huấn quyền khác, được trích dẫn theo những chữ bắt đầu bằng tiếng Latinh: Lumen gentium [Ánh sang Muôn dân], Dei Verbum [Lời Thiên Chúa], Gaudium et spes [Vui mừng và Hy vọng], v.v. Có thể tìm thấy chúng trong Documents of Vatican II, ed. Austin P. Flannery [Các Văn kiện của Vatican II do Austin P. Flannery hiệu đính] (Grand Rapids, Mich: Eerdmans, 1975); hoặc trong ấn bản gần đây hơn, Vatican Council II: The Basic Sixteen Documents: Constitutions, Decrees, Declarations, ed. Austin P. Flannery [Công Đồng Vatican II: 16 Văn kiện Căn bản: Các Hiến chế, Sắc lệnh, Tuyên ngôn, do Austin P. Flannery hiệu đính] (Northport, N.Y: Costello; và Dublin: Dominican Publications, 1996).

3 Henri de Lubac, Mémoire sur l’occasion de mes écrits [Hồi ký về Hoàn cảnh đưa đến các Trước tác của tôi] (1989); Bản tiếng Anh, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances That Occasioned His Writings [Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy tư về các Hoàn cảnh đưa đến Các Trước tác của mình], của Anne Elizabeth Englund, Communio Books (San Francisco: Ignatius Press, 1993), ở đây được trích dẫn là PVGH. Tác phẩm này chứa các ghi chú tiểu sử, cùng với rất nhiều tư liệu như điểm sách, thư từ và các mục nhật ký.

4 Henri de Lubac, “Mémoire sur mes vingt premières années” [Ký ức về 20 năm đầu của tôi] I, Bulletin de l’Assotiation Internationale Cardinal Henri de Lubac I (1998): 7-31.

5 Henri de Lubac, Christian Resistance to Anti-Semitism: Memories from 1940-1944 [Kitô giáo phản kháng chống lại chủ nghĩa bài Do Thái: Các Hồi ký từ năm 1940-1944], Bản tiếng Anh của Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1990).

6 Xavier Tilliette, “Henri de Lubac achtzigjährig”, Internationale Katholische Zeitschrift Communion 5 [“Henri de Lubac ở tuổi tám mươi ”, Tạp chí Công Giáo Quốc tế Communion 5] (1976): 187tt.

7 Gerd Haeffner, “Henri de Lubac”, trong Stephan Pauly, chủ biên, Theologen unserer Zeit [Các nhà thần học của thời đại chúng ta] (1997), trang 47-57.

8 Pierre Rousselot, SJ. (1878-1915), giáo sư thần học tín lý tại Paris. Luận án tiến sĩ của ngài, L’Intellectualisme de Saint Thomas [Thuyết duy trí của Thánh Tôma], một cột mốc quan trọng trong việc khôi phục các quan điểm ban đầu của của Thánh Tôma, có ảnh hưởng quyết định đến cách tiếp cận thần học của de Lubac. Về Rousselot, xem E. Kunz, Glaube, Gnade, Geschichte [Niềm tin, ân sủng, lịch sử] (1969).

9 Henri de Lubac, Catholicisme: Les Aspects Sociaux du dogme [Đạo Công Giáo: Các Khía cạnh Xã hội của Tín điều](1938). Bản dịch sang tiếng Đức bởi Hans Urs von Balthasar với tên Katholizismus als Gemeinschaft [Công Giáo như là cộng đồng] (1943); ấn bản thứ hai của bản dịch này xuất hiện vào năm 1970 với tựa đề sửa đổi là Glauben aus der Liebe [Đức tin vì tình yêu]. Bản tiếng Anh: Catholicism: Christ and the Common Destiny of Man [Đạo Công Giáo: Chúa Kitô và Số phận chung của Con người], của Lancelot C. Sheppard và Elizabeth Englund (San Francisco: Ignatius Press, 1988), ở đây được trích dẫn là Cath.

10 Henri de Lubac, L’Écriture dans la Tradition [Thánh kinh trong Thánh truyền] (1966); Bản tiếng Anh, Scripture in the Tradition [Thánh kinh trong Thánh truyền], của Luke O’Neill (New York: Crossroad Publishing, 2000); Ấn bản tiếng Đức, Typologie, Allegorie, Geistiger Sinn [Hình loại học, ngụ ngôn, ý nghĩa tâm linh], của Rudolf Voderholzer (Einsiedeln: Johannes Verlag, 1999).

Kỳ sau: Đào tạo
 
Chuyện BÁC Chuyện EM: Hiển Linh Năm Nay
Lm Nguyễn Trung Tây
20:49 01/01/2022
LM Nguyễn Trung Tây
Chuyện BÁC Chuyện EM: Hiển Linh Năm Nay


Chuyện Bác Chuyện Em bối cảnh xảy ra ở khắp nơi, Việt Nam, Mỹ, Úc, Do Thái… Em đi tu mà em cũng có thể là một nhân vật đã lập gia đình.

Bác và em đặt chân tới đất thánh vào dịp Giáng Sinh. Phái đoàn hành hương do cha xứ hướng dẫn khởi hành từ phi trường Gia Lâm; tới Bangkok, Boeing 747 nghỉ hai tiếng đồng hồ bốc thêm khách, sau đó cất cánh bay thẳng sang phi trường Jerusalem. Tháng Mười Hai bầu trời Trung Đông giá rét căm căm, nhiệt độ đêm đêm rớt xuống trừ độ âm; bên ngoài tuyết bông đua nhau bay lất phất dọc ngang bám trắng mặt đường phố cổ Jerusalem.

Chiều hôm nay, bước vào nhà cơm, em mặt mày hớn hở như giai mới lấy được vợ; thấy bác, em gật đầu,

— Vâng, em chào bác. Gớm, vui quá bác nhỉ. Thế là bác với em đã có mặt ở đất thánh rồi...

Bác gật đầu biểu đồng tình,

— Vâng, chú nói đúng... Sáng dậy, tôi cứ phải dụi mắt mấy lần, bởi vẫn cứ tưởng mình nằm ngủ mơ. Mãi tới khi nghe thấy tiếng loa đọc kinh Hồi giáo oang oang, tôi mới dám tin mình đang ở đất thánh.

Nhưng rất nhanh, bác đổi sang giọng dân chuyên nghiệp bán than,

— Nhưng khổ, với ông tôi mới dám kể, cũng phải năn nỉ tợn lắm, con vợ nó mới chịu cho đi…

Em trố mắt ốc, ngạc nhiên nhìn bác,

— Ơ hay! Bác cứ ưa nói chuyện bỡn… Bác đi hành hương đất thánh, chớ có phải là đi hát chèo quan họ đầu làng đâu...mà bác gái không cho đi…

Bác cộ mắt nhìn em, ăn nói dấm dẳng,

— Ông cứ ưa cái thói tinh vi. Ông có biết không, tôi vừa mới nói được mấy nhời, nó đã cắt ngang, dấm dẳng tựa chó cắn ma, “Ơ! Hay nhỉ! Ông… Ông đi rồi, lấy ai thái chuối nấu cám cho lợn ăn. Còn con Tĩn với thằng Tửu, ai trông nom hai đứa? Còn mấy sào ruộng nữa đó... Không lo mà cày đi! Tới vụ lúa, giời đổ thóc xuống sân gạch cho ông phơi đấy. Lúc đó, có mà vốc nước sông uống cho no bụng!”.

Bác chép miệng, thở dài,

— Nghe con vợ càm ràm, tớ tức anh ách!

Bác mở miệng chửi tục,

— Mẹ kiếp! Biết thế hồi xưa đi tu như ông, giờ muốn đi đâu thì đi. Một thân một mình, nhẹ gánh!

Em bĩu môi dài cả thước tây,

— Gớm! Bác mắng em tinh vi, còn bác, bác cứ nói chuyện tề thiên... Bác làm như em muốn đi đâu thì…thì cứ cúi xuống xỏ dép vào chân bước đi khắp cùng thiên hạ. Khổ! Có mà được như thế! Em cũng phải xin phép đàng hoàng chứ nào phải chuyện chơi. Cha bề trên có chấp nhời cho đi thì mới được đi chớ.

Bác nhăn mặt, nói ngay,

— Biết! Nhưng ông cũng đâu có phải hốt hoảng chạy sang làng bên, nhờ chú em cày phụ để kịp gieo mạ cho vụ mùa. Nói khó mãi, chú ấy mới chịu bỏ ruộng nhà sang phụ cho mấy bữa cày. Cày xong mấy sào ruộng, tôi lại còn phải năn nỉ, lúc tôi đi vắng, nhờ chú ấy ngày ngày chạy qua, thái chuối vớt bèo cho mấy con lợn giống. Anh em thì anh em, tôi vẫn phải dúi vào tay chú ấy mấy hào bạc mới xong được hai việc đấy.

Em cắt ngang nhời bác,

— Bác! Bác không nói chuyện bỡn đấy chứ? Anh em trong nhà, sao lại thế?

Bác mắng em,

— Đấy, đấy! Chú cái tật nói mãi vẫn không chịu bỏ. Bộ chú nghĩ tôi là thằng mõ làng chỉ chuyên vác mõ chạy rông nói chuyện tầm phào?

Biết bác cáu gắt mắng tôm, em lại vuốt giận,

— Bác cứ nói thế! Em nào dám. Đấy là em nhỡ nhời, mở miệng nói chuyện tầm phào để bác mắng mấy mắng cho vui chuyện mà thôi...

Em dừng lại, nhanh miệng quay lại chuyện cũ,

— À... Vâng, thưa bác, thế rồi bác gái cũng đồng ý cho bác đi hành hương đất thánh chứ?

Bác trợn mắt,

— Ấy! Có mà hão. Cứ tưởng là thế. Ai ngờ, vừa mới nói xong được mấy nhời, bà ấy lại mở miệng mắng tiếp, “Ơ cái ống này, đến là vớ vẩn. Tôi đang gần tới dịp ở cữ rồi. Còn mấy bữa nữa lại đập bụng bầu. Ông sao đến là cạn nghĩ… Ông đi rồi, nửa đêm về sáng ai gọi cô mụ cho tôi?”.

Bác lại chép miệng,

— Khổ! Vậy là lại chạy te te sang nhà mẹ vợ, nói khó mấy câu, “Vâng! Con xin thưa với bầm, bầm ở nhà, con nhờ bầm nom nom nhà con. Nó tới ngày, nhờ bầm gọi bà mụ…”.

Em như đã vỡ nhẽ,

— Thôi, em hiểu rồi. Nhưng…rồi mẹ vợ bác cũng chịu chứ…

Không nhịn nữa, lần này bác tố mẹ vợ thẳng một lèo ra tới đường cái,

— Chẳng chịu cũng phải chịu. Cụ đã cho tôi ghi danh tham gia phái đoàn hành hương đất thánh. Làm mặt khó, mẹ vợ thì mẹ vợ, mẹ kiếp! Túng quá, tôi vô nhà xứ bẩm Cụ mấy câu, lúc đó thì lại mệt với Cụ.

Bác tiếp nối câu chuyện,

— Nhưng khổ! Bà mẹ vợ cũng đâu có chịu thua. Bà ấy nói nhỏ nhẹ nhưng chết điếng cả người…

Em ngó bác đăm đăm,

— Mẹ vợ nói sao mà lại chết điếng cả người?

Bác điệu cóc cắn,

— Thì bà ấy nói, “Anh con rể cũng là người trong nhà, cho nên nói tình thật. Tôi thì tiền bạc túng thiếu. Anh cũng phải đưa cho bà mụ mấy đồng. Chứ chẳng lẽ mình chỉ nước miếng suông với người ta. Mà từ nhà bà ấy tới làng mình cũng mấy quãng đồng. Anh liệu tính sao thì tính cho đẹp đôi bên. Chuyện sanh nở không phải là chuyện bỡn. Có tiền dúi tay thì việc chi mà chẳng thông”.

Bác than thở,

— Thế là lại mất thêm mấy đồng bạc giấy với mẹ vợ. Khổ! Vốn liếng cả một đời!

Em an ủi bác,

— Nhưng thế là xong rồi. Còn việc gì nữa đâu mà lo.

Bác thở dài,

— Cũng tưởng là vậy. Nhưng hóa ra không phải. Còn con Tĩn với thằng Tửu, ai trông nom cho?

Em chép miệng theo,

— Đến là khổ. Bác không nói, ai mà biết…

Bác mặt tươi ra,

— Đấy, ông vậy là hiểu chuyện rồi… Thế là lại chạy te te qua nhà bà Trùm Tài. Cái bà Trùm Tài đến là khéo. Thấy bóng tôi ở sân phơi thóc là bà ấy biết tôi có chuyện phải nhờ vả rồi. Ngồi trên cái đi-văng gỗ khảm xà cừ, bà ấy ăn trầu miệng đỏ loen loét…

Bác đứng dậy, đổi giọng, hai tay chống eo, giả giọng bà Trùm Tài,

— “Ừ! Tôi mừng cho chú được Cụ chọn cho đi trong phái đoàn hành hương. Nguyên cả tổng cũng chẳng mấy người được Cụ chọn. Thật là nở mày nở mặt. Nhưng thím ấy đang gần tới ngày rồi. Việc sanh nở là việc hệ trọng. Còn con Tĩn với thằng Tửu, ai trông nom cho?”.

Em nhận xét,

— Bà Trùm Tài, đến là khéo…

Bác gật đầu, đồng tình với lời nhận xét,

— Ừ… Thấy người ta khéo quá, tôi buộc lòng cũng phải khéo theo. Tôi mới nói, “Vâng, cháu cám ơn bà đã có lòng lo lắng cho nhà cháu. Việc sanh nở đã có một tay mẹ vợ cháu đỡ đần. Ấy, thì cháu qua đây trước là thăm bà, sau là cũng có việc cháu nhờ vả. Cháu hỏi ý bà trước, nếu phải hay không phải thì cũng xin bà bỏ qua cho. Cháu tính nhờ bà để ý trông nom cho con Tĩn với Tửu trong thời gian cháu đi vắng. Được như thế thì trước là cháu yên tâm, sau là cháu đội ơn bà”.

Bác dừng lại, nhìn em chòng chọc,

— Ông biết bà ấy nói chi không?

Em lắc đầu hỏi,

— Bà ấy nói gì?

Bác nói ngay,

— Thì bà ấy nói, “Tôi thì cũng chẳng hẹp hòi chi. Nhà cửa đơn sơ, chỉ mình tôi ra vào quạnh quẽ. Có hai đứa nó thì lại càng thêm vui nhà vui cửa. Nhưng nói tình thật. Phải hay không phải cũng xin anh đừng có chấp nhời. Tôi đang túng thiếu lắm. Bữa hụi vừa rồi hốt, nhưng cũng chẳng được mấy. Phiên chợ huyện mấy tháng rồi cứ èo uột cứ như nhà quan huyện có tang. Chẳng kiếm được xu nào”.

Em như đã hiểu chuyện, lắc lắc đầu,

— Cái bà Trùm Tài chủ hụi thì cả mấy tổng ai mà lại không biết. Thiến há đố có ai mà vắt ra được của bà ấy một miếng trầu héo.

Bác nói ngay,

— Chuyện, nhưng mình cũng đang có chuyện nhờ vả. Thế là lại về nhà, lôi ra thêm mấy tờ tiền giấy đưa cho bà ấy.

Em nhìn bác,

— Cũng khổ cho bác nhỉ. Mất hẳn một mớ bạc nhớn.

Bác gật gật,

— Thì đã hẳng! Khổ! Tôi cũng đến là nhức đầu. Nhưng lòng dặn lòng, phải kiên nhẫn. Bí đường nào, tớ lại mở miệng hỏi han nhờ vả đường đó. Hết chú em, lại tới mẹ vợ, rồi là láng giếng. Người ta chịu gánh vác việc nhà cho mình là mừng rồi. Tiếc chi vài hào, với lại dăm ba tờ giấy bạc. Ông nghĩ tôi nói có phải hay không?

Bác dừng lại,

— Mà đã hết đâu, cái đoạn này thì ông biết rồi đấy. Tới được phi trường Thái thì cả phái đoàn phải ngồi đợi tới mấy tiếng đồng hồ nữa bởi trễ chuyến bay. Nửa đêm về sáng, ngồi ở phi trường, ai nấy miệng cứ ngáp dài như con cá ngão. Tới được phi trường Jerusalem thì tôi lại mất đồ. Chẳng biết sao hành lý gửi theo phi cơ biến mất tiêu. Vậy là cứ trần ra mấy ngày liền một quần một áo. Trời tháng mùa đông, lạnh teo lại. Thế là ốm, ho sù sụ như ho lao. Nào có ăn được cái gì. Cứ cháo loãng mà húp. Mãi cho tới đêm hăm bốn, cụ dẫn phái đoàn mình tới hang đá Bêlem. Cái đêm hôm đó thật là đêm nhớ đời. Bao nhiêu đời rồi, miệng thì cứ oang oang, “Đêm đông lạnh lẽo Chúa sinh ra đời, Chúa sinh ra đời nằm trong hang đá nơi máng lừa”. Miệng thì hát, nhưng nào có biết trời Bêlem rét cỡ nào. Mà cũng nào có biết cái hang đá Bêlem hình dạng ra sao. Thế mà cái đêm đó, cả phái đoàn được tham dự thánh lễ nửa đêm ở hang đá Bêlem. Ở trên cụ cử hành thánh lễ Misa, ở dưới tôi là nước mắt cứ rưng rưng. Trời mùa đông bên ngoài rét tợn. Bên trong hang đá Bêlem, hơi đá tỏa ra lại càng run lên. Lúc đó, mới hiểu Chúa sinh xuống trần vất vả như thế nào.

Bác chép miệng,

— Khổ! Đến là thương Chúa!

SUY NIỆM

Ngày xưa các nhà Tu Sĩ phương Đông đường xa vất vả lên đường hành hương tìm về đất thánh (Matt 2:1-12). Mặc dù họ lạc lối tại kinh thành Jerusalem, nhưng không ai chịu bỏ cuộc. Lạc đường, họ cất tiếng hỏi thăm thần dân kinh thành đường phố dẫn tới nơi Hài Nhi Thánh. Cuối cùng, ngôi sao Bêlem hiện ra dẫn họ tới thẳng ngôi nhà của Hài Nhi Giêsu.

Hành trình đi tìm Chúa là một hành trình của kiên nhẫn. Kiên nhẫn với mình, với người, và với Chúa.

Với mình, ôn hòa.

Với người, bao dung.

Với Chúa, đợi chờ. Chúa chưa trả lời. Kiên nhẫn. Kiên nhẫn đợi chờ giây phút trời đêm bừng sáng ánh sao soi đường dẫn lối ta đi.

Hiển Linh năm xưa và Hiển Linh năm nay vẫn là những cuộc hành trình của kiên nhẫn và đợi chờ.□
 
VietCatholic TV
Tại sao Chúa để nhiều người lầm đường lạc lối? Giải thích của Lm. Giáo sư Kinh Thánh Charles Pope
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:47 01/01/2022

Đứng trước một thực tế đáng âu lo là mỗi năm có hàng trăm ngàn tín hữu Công Giáo chính thức làm đơn lên tòa án tuyên bố bỏ đạo, để khỏi phải đóng thuế 9% thu nhập cho Giáo Hội, các Giám Mục tại Đức đã quyết định tiến hành cái gọi là tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc”. Mục tiêu của tiến trình này là xét lại hàng loạt các vấn đề về đạo lý và kỷ cương của Giáo Hội như luật độc thân linh mục, phong chức cho phụ nữ, thay đổi giáo huấn về tính dục để chúc lành cho các kết hiệp đồng tính. Ít nhất 12 Giám Mục Đức không đồng ý với đường hướng này trong phiên họp toàn thể kéo dài từ 23 đến 25 tháng Chín vừa qua. Tuy nhiên, các ngài chỉ là một thiểu số so với 51 Giám Mục còn lại, và một vị không có ý kiến.

Trước tiến trình công nghị “có hiệu quả ràng buộc” này, nhiều tiếng nói âu lo đã nổi lên. Chúng tôi xin gởi đến quý vị và anh chị em ý kiến của Đức Ông Charles Pope được đăng trên Catholic Standard. Ngài là giáo sư Kinh Thánh đang giảng dạy tại các chủng viện ở tổng giáo phận Washington DC và phụ trách một lớp Kinh Thánh tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây: “What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?” - “Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?”. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.


What Can Remnant Theology Teach Us about the Church Today?
Charles Pope
Thần học về tàn dư có thể dạy chúng ta điều gì về Giáo Hội ngày nay?


Trong Bài Đọc thứ nhất ngày thứ Tư tuần thứ 25 Mùa Quanh Năm, tiên tri Ezra than thở về tội lỗi của dân đã dẫn đến cuộc lưu đày tại Babylon, nhưng ông cũng biết ơn Thiên Chúa giờ đây đã mở ra một cánh cửa cho dân trở về Đất Hứa và cho “tàn dư” trong dân tái thiết lại. Có một cái gì đó chúng ta cần phải học trong thần học Kinh Thánh về tàn dư.

Là một người Công Giáo và là một linh mục, tôi sững sờ trước sự suy giảm trong việc tham dự thánh lễ đã xảy ra trong suốt cuộc đời tôi. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi nhớ các Thánh lễ đầy chật người: nếu bạn không đến đó sớm, bạn sẽ phải đứng. Vào những ngày đó (những năm 1960) nếu bạn dựng lên bốn bức tường, người Công Giáo sẽ tuôn đến lấp đầy bốn bức tường ấy. Có những danh sách chờ đợi dài xin học các trường học giáo xứ. Có rất nhiều nữ tu. Không chỉ có một cha phó hoặc một cha phụ tá; có hai, ba hoặc thậm chí bốn vị trong một giáo xứ.

Những ngày đó phần lớn không còn nữa. Mặc dù vẫn còn một số giáo xứ lớn ở khu vực ngoại ô, một số thậm chí vẫn còn phát triển, số người Công Giáo tham dự thánh lễ hàng tuần đã giảm từ khoảng 75 phần trăm xuống dưới 25 phần trăm kể từ thập niên 1950. Và mặc dù các ơn gọi đang bắt đầu hồi phục, nhưng tình hình ngày nay chủ yếu vẫn là những chủng viện và dòng tu trống rỗng. Nhiều nơi, người ta chưa từng được nghe nói đến danh từ cha phó, và ở một số vùng của đất nước này thậm chí không có cả một linh mục thường trú trong mỗi giáo xứ.

Không có cách nào để mô tả sự suy giảm này khác hơn là sững sờ. Tôi có thể nghe thấy tất cả những tranh luận thông thường về lý do tại sao quay cuồng trong trí của mình: phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ truyền thống; phải chăng vì chúng ta không cấp tiến đủ; phải chăng vì chúng ta có quá nhiều quy tắc; hay phải chăng vì chúng ta đã từ bỏ tất cả các quy tắc. Mọi người đều có một lối giải thích riêng của mình, và có rất nhiều bất đồng.

Chúa có thể làm gì? Ngài có thể cho phép điều gì? Tôi biết rằng tôi đang trượt trên lớp băng mỏng khi cố gắng xem xét câu hỏi này, nhưng xin hãy yên tâm rằng tôi chỉ đang cân nhắc về điều đó, chứ không đề xuất một câu trả lời dứt khoát. Tôi thường hỏi Chúa, “Chuyện gì đang xảy ra với Giáo Hội? Chuyện gì đã xảy ra vậy?” Tôi không cho rằng tôi đã nhận được một then chốt từ thiên đàng cho câu trả lời này, trái lại tôi dần dần đi đến một kết luận rằng những gì chúng ta đang trải qua thực sự không có gì mới. Có một tiền lệ trong Kinh Thánh rằng Thiên Chúa thường thấy phù hợp để làm mỏng hàng ngũ của Ngài, để cắt tỉa và thanh tẩy dân Ngài. Các nhà thần học gọi đây là “remnant theology” - “thần học tàn dư”.

Thần học tàn dư được thấy cả trong Cựu Ước và Tân Ước. Trong những thời kỳ quan trọng, nhiều người theo Chúa (nếu không phải hầu hết) đã bỏ đi chỉ còn lại một phần những người trung tín đến cùng bắt đầu lại. Đây chỉ là một vài trong cơ man những ví dụ có thể tìm thấy trong Kinh thánh:

Các chi tộc Giuđa và Lêvi - Có mười hai chi tộc trong dân Israel, nhưng mười chi tộc trong số này (Mười Chi Tộc Lầm Lạc) đã lầm đường lạc lối trong cuộc chinh phạt của người Assyriô ở phía Bắc Israel vào năm 721 trước Chúa Giáng Sinh. Các tiên tri đã cảnh cáo những người phương Bắc này nhưng họ đã từ chối ăn năn và sự hủy diệt đã được báo trước. Những người không chết trong chiến tranh đã bị lưu đầy và bị đồng hóa vào các dân tộc xung quanh họ. Chỉ còn lại các chi tộc Giuđa và Lêvi, sống sót ở miền Nam.

Tàn dư của chi tộc Giuđa – Chi tộc Giuđa cũng trở nên độc ác và các tiên tri đã cảnh báo về sự hủy diệt của chi tộc này. Người Babylon sau đó đã tiêu diệt dân Giuđê và san bằng Giêrusalem, vào năm 587 trước Chúa Giáng Sinh, họ đã lưu đầy những người sống sót đến Babylon. Tám mươi năm sau, người Ba Tư đã chinh phục người Babylon và cho phép người Do Thái trở về Đất Hứa. Tuy nhiên, chỉ còn lại chút tàn dư; hầu hết đã chọn ở lại vùng đất lưu đầy, họ thích Babylon hơn vùng đất được Chúa hứa ban.

Quân đội của Giđêon - Giđêon có một đội quân 30,000 người và phải đối mặt với đội quân Mêđian tới 60,000 người, nhưng Chúa nói với ông rằng quân đội của ông đông quá, và ông nên cho về nhà những người lính nhát đảm. Vì thế, ông Giđêon nói với những người lính rằng nếu họ không nghĩ rằng họ sẵn sàng cho trận chiến này thì họ có thể bỏ đi; 20,000 người đã bỏ về. Đội quân của ông Giđêon chỉ còn có 10,000, nhưng Chúa nói với ông Giđêon rằng quân đội của ông vẫn còn đông quá và ông nên quan sát những người lính khi họ uống nước từ một con suối gần đó. Ba trăm trong số họ liếm nước bằng lưỡi như chó! Chúa bảo ông Giđêon hãy cho tất cả những người khác về nhà. Ông Giđêon đã chiến thắng trong ngày hôm đó với 300 người mà Chúa đã chọn. Đức Chúa Trời làm mỏng hàng ngũ của Ngài và chỉ chọn một tàn dư là những người lính thực sự của Ngài (xem Thẩm phán chương 6 và 7).

Chúa Giêsu và đám đông dân chúng - Một số câu nói khó nghe nhất của Chúa Giêsu đã xảy ra trước một đám đông dân chúng: Ngài đã dạy dân phải chống lại ly dị (Mt chương 5 và 19, Mc chương 10); Ngài tuyên bố rằng không ai có thể là môn đệ của Ngài trừ khi người ấy từ bỏ tài sản của mình, vác thập giá của mình và theo Ngài (chẳng hạn Lc chương 14); Ngài dạy về Bí tích Thánh Thể, khiến nhiều người bỏ đi và không đồng hành với Ngài nữa (Ga chương 6).

Con đường hẹp dẫn đến ơn cứu độ - Chúa Giêsu than thở rằng con đường hủy diệt thì rộng thênh thang và nhiều người đổ xô vào đó, trong khi con đường đến với ơn cứu rỗi thì hẹp và chỉ một số ít người tìm thấy con đường đó (x. Mt 7: 13-14). Vâng, chỉ một số ít, một tàn dư.

Tôi muốn trích dẫn một đoạn cuối từ sách Đacaria vì nó đi đến gốc rễ của những gì Chúa có thể làm trong thời đại của chúng ta, nếu linh cảm của tôi là chính xác.

Này gươm, hãy đứng dậy mà đánh mục tử của Ta, đánh đồng bào của Ta.
Sấm ngôn của ĐỨC CHÚA các đạo binh.
Hãy đánh mục tử, thì đàn chiên sẽ tan tác.
Cả những con bé nhỏ, Ta cũng trở tay đánh phạt.
Bấy giờ, trên toàn xứ, sấm ngôn của ĐỨC CHÚA,
hai phần ba sẽ bị huỷ diệt, bị tiêu vong,
còn một phần ba sẽ được để lại.
Ta sẽ đưa một phần ba này qua lửa,
sẽ luyện chúng như người ta luyện bạc,
và thử chúng như thử vàng.
Chính chúng sẽ kêu cầu danh Ta, và Ta, Ta sẽ đáp lời chúng;
Ta sẽ nói: “Chúng là dân của Ta”,
chúng thưa lại: “ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của chúng tôi.”

(Đacaria 13: 7-9).

Đó là một đoạn chắc chắn gây choáng váng, nhưng nó cho thấy mục đích của Thiên Chúa trong việc làm giảm hàng ngũ của Ngài. Mặc dù chúng ta luôn có tự do ở lại hoặc bỏ đi, nhưng có một điều rất bí ẩn về lý do tại sao Chúa lại để cho nhiều người lầm đường lạc lối. Dường như có những thời trong đó Thiên Chúa cho phép nhiều người bỏ đi, thậm chí còn “khiến” họ ra đi, như đoạn Kinh Thánh này mô tả. Đó là một mầu nhiệm khó nuốt, nhưng tôi hiểu một khía cạnh của điều này khi tôi xem xét các bụi hoa hồng của tôi.

Tháng 11 là thời gian cắt tỉa ở vùng Đông Bắc. Những bụi hoa hồng hùng vĩ của tôi, một số cao tới tám feet [2.4 m], sẽ được cắt tỉa trở lại chỉ còn cách mặt đất một foot [0.3 m] và tôi cố tình làm điều đó! Nếu muốn cho hoa hồng của tôi phát triển mạnh vào năm tới, việc cắt tỉa phải được thực hiện. Những bông hồng không hiểu những gì tôi làm, nhưng tôi biết tại sao tôi làm điều đó. Mặc dù là đau đớn, nhưng cần thiết. Chúa cũng vậy, Ngài biết những gì Ngài đang làm và tại sao. Chúng ta không thể hiểu nhiều hơn những bụi hoa hồng của tôi có thể hiểu tại sao tôi cắt tỉa chúng. Trong đoạn văn trên, một phần ba còn lại cũng phải được thanh lọc, tinh luyện trong lửa. Khi điều đó được thực hiện, họ sẽ là vàng nguyên chất. Những người còn lại và chấp nhận thanh tẩy sẽ kêu cầu danh Chúa. Họ sẽ là một dân tộc, một Giáo Hội, theo đuổi trái tim của chính Ngài.

Đối với tôi có vẻ rõ ràng rằng Chúa đang cắt tỉa Giáo Hội của Ngài. Ngài đang chuẩn bị cho chúng ta một mùa xuân mới. Chúng ta đang thực sự chịu đựng một mùa đông khó khăn, nhưng chúng ta đang được thanh lọc, được thanh tẩy. Đây là những ngày khó khăn cho Giáo Hội, nhưng tôi đã có thể thấy những dấu hiệu của một mùa xuân tuyệt vời phía trước. Có nhiều phong trào giáo dân và nhiều lãnh vực tăng trưởng tuyệt vời trong Giáo Hội. Tôi rất có ấn tượng với những người nam đầy tài năng bước vào chức tư tế; họ yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và khao khát sâu sắc nói lên sự thật trong tình yêu. Trong tu viện của tôi, chúng tôi có hơn 25 nữ tu những Nữ Tì của Chúa, một dòng truyền giáo tương đối mới. Họ cũng yêu mến Chúa và Giáo Hội của Ngài và muốn truyền bá Tin mừng của Ngài.

Mặc dù số lượng người Công Giáo thực hành đạo đã giảm đi, tôi thấy sự nhiệt thành hơn ở những người còn lại. Trong giáo xứ của tôi có nhiều người hết lòng cầu nguyện, nghiên cứu Kinh Thánh và ngợi khen Chúa. Lòng đạo đức tôn sùng Thánh Thể mạnh mẽ hơn trong Giáo Hội ngày nay qua việc chầu Thánh Thể và Thánh lễ hàng ngày. Trên Internet có nhiều dấu hiệu phấn khởi và sốt sắng đối với đức tin. Nhiều blog và trang web tuyệt vời đang nổi lên để củng cố người Công Giáo. EWTN đang làm công việc tuyệt vời và nhiều đài phát thanh Công Giáo cũng đã bắt đầu.

Tôi có thể tiếp tục, nhưng tôi nghĩ rằng bạn đã nắm được. Thiên Chúa đã cắt tỉa chúng ta và đang thanh tẩy chúng ta. Tôi không nghi ngờ rằng phía trước vẫn còn một số ngày mùa đông khó khăn trước khi một mùa xuân trọn vẹn đến, nhưng Chúa không bao giờ thất bại. Ngài đang canh tân Giáo Hội của Ngài và chuẩn bị cho chúng ta những gì nằm ở phía trước.

Sẽ cần phải có một Giáo Hội mạnh mẽ và thuần khiết hơn để chịu đựng cơn sóng thần văn hóa đang diễn ra. Những đợt sóng đầu tiên xảy ra vào cuối những năm 1960 và những đợt tiếp theo sẽ còn tàn phá hơn nữa. Văn hóa phương Tây như chúng ta đã biết đang dần bị cuốn đi. Giáo Hội sẽ phải mạnh mẽ và trong sạch để chịu đựng những ngày sắp tới, để giải cứu những người chúng ta có thể giải cứu, và để giúp xây dựng lại sau khi những con sóng khủng khiếp đã gây ra những thiệt hại.


Source:Catholic Standard
 
CDC: Biến thể mới đang lây như cháy rừng. Sao Chúa để những sự dữ nghiêm trọng như thế này xảy ra?
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:45 01/01/2022


Tại sao Chúa để những sự dữ nghiêm trọng như thế này xảy ra?

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, vừa đưa ra cảnh báo rằng Tháng Giêng này sẽ là tháng rất khó khăn vì biến thể Omicron đang lan nhanh như cháy rừng và nhiều cơ sở y tế đang ngấp nghé mức quá tải.

Đó là một tin không ai muốn nghe trong những ngày đầu xuân. Tính cho đến cuối ngày 31 tháng 12, số trường hợp nhiễm coronavirus đã lên đến 288,520,058 trường hợp nhiễm bệnh, trong đó có 5,453,188 trường hợp tử vong.

Câu hỏi nhiều người đặt ra trên các mạng xã hội là nếu Thiên Chúa là toàn năng và toàn thiện, tại sao Ngài lại để cho một sự dữ nghiêm trọng như thế xảy ra? Câu hỏi này đã nổi lên trong những ngày gần đây và lôi kéo sự tranh luận của nhiều nhà lãnh đạo tôn giáo cũng như giới truyền thông.

Bất cứ khi nào tai họa xảy ra, nhiều câu hỏi nổi lên về cách thế làm sao người ta có thể bào chữa sự tốt lành của Thiên Chúa và quyền lực của Ngài. Trong Thần Học có một ngành học gọi là theodicy - Thần Học Thiên Nhiên. Ngành học này nghiên cứu về sự hiện diện của Thiên Chúa dưới ánh sáng của lý trí tự nhiên, tách rời với mạc khải siêu nhiên. Thần Học Thiên Nhiên chú trọng đến sự tốt lành và sự quan phòng của Thiên Chúa trước những sự dữ tỏ tường trong vũ trụ.

Sau khi đại biến sóng thần xảy ra vào ngày 26 tháng 12, 2004 giết chết gần như tức khắc 227,898 người ở 14 quốc gia, Tổng Giám Mục Anh Giáo thành Cantebury, thủ lãnh Giáo Hội Anh Giáo, tiến sĩ Rowan Williams đã gây nên một cuộc tranh cãi chung quanh bài viết của mình được đăng trên tờ The Sunday Telegraph. Cái tựa đề của bài viết đã khiến cho nhiều người bực mình: “Cố nhiên điều này [tức đại biến sóng thần] làm ta hoài nghi sự hiện diện của Thiên Chúa”.

Tiến sĩ Rowan Williams, sau đó, đã đưa ra lời thanh minh và trách cứ tờ báo đã đặt cái tựa không phù hợp với ý kiến của mình. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng cái tựa đó không xa bao nhiêu với luận điểm của ngài. Trong bài báo này, Tổng Giám Mục Anh Giáo viết: “Mỗi cái chết ngẫu nhiên, bất ngờ là điều gì đó gây hoang mang cho một đức tin giới hạn trong những câu trả lời an ủi và dễ dàng. Đối diện với một thiên tai có tầm cỡ gây tê liệt như thế này, tự nhiên là chúng ta cảm thấy uất hận và bơ vơ”.

“Câu hỏi ‘Làm sao ta có thể tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho sự dữ kinh khủng này xảy ra?’ do đó nổi lên rất nhiều vào thời điểm này và thật là ngạc nhiên nếu không có những câu hỏi như thế - thậm chí chắc có cái gì đó không ổn nếu không có những câu hỏi như thế”.

Toàn bộ bài viết của Tổng Giám Mục Anh Giáo chỉ nêu vấn đề và không có lời giải đáp tại sao Chúa để một sự dữ nghiêm trọng như vậy xảy ra. Ngay lập tức, mục sư Albert Mohler, hiệu trưởng Southern Baptist Theological Seminary, lên tiếng chỉ trích Tổng Giám Mục Anh Giáo và cho rằng bài viết của ngài là một thí dụ tốt về cách thức “làm sao không đưa ra một câu trả lời Kitô Giáo”. Mục sư Mohler tuyên bố rằng ông hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Tổng Giám Mục Anh Giáo tại Sydney, Phillip Jensen, người đã cho rằng tai họa này là lời cảnh cáo về ngày phán xét sắp xảy đến của Thiên Chúa.

Trong khi đó, tại Ottawa, Đức Hồng Y Jean Claude Turcotte của Công Giáo nói với tờ Le Devoir rằng ngài mạnh mẽ bác bỏ mọi nhận định cho rằng tai họa này là sự trừng phạt của Thiên Chúa và chỉ ra rằng đứng trước một tai ương nghiêm trọng như thế này việc đặt ra những câu hỏi là lẽ tự nhiên và dễ hiểu. Đức Hồng Y nhận định rằng con người luôn có ý muốn nổi loạn chống lại Tạo Hóa hay coi Thiên Chúa như tay sai của mình. Thiên Chúa không phải là bù nhìn kiểm soát các biến cố theo ý muốn của con người. Chúng ta không nên cầu nguyện cho một sự chữa lành có tính ảo thuật hay cho một sự can thiệp siêu tự nhiên, nhưng hãy cầu nguyện cho sức mạnh và lòng can đảm vượt qua những thử thách hay khó khăn trong cách thế mà Đức Giêsu đã thực hiện trong cuộc thương khó”.

Cha Richard Cote, giám đốc ủy ban thần học thuộc Hội Đồng Giám Mục Canada cho biết ngài quan tâm theo dõi cuộc tranh luận hiện nay trên thế giới về vấn đề này. Cha nhận định “Có một giao lưu sâu xa giữa tin vui và tin buồn, Đức Kitô đã không đến trong thế gian nếu nhân loại sa ngã này không có chuyện buồn.”

Đức Giám Mục Frederick Henry của giáo phận Calgary, Alberta chia sẻ ý tưởng này, ngài viết:

“Máng cỏ và thánh giá là những phần của mầu nhiệm nhập thể và từ Bethlehem đến đồi Calvê cũng không xa bao nhiêu. Đọc những lời tiên báo thanh bình của tiên tri Isaia trước Giáng Sinh và về việc các quốc gia xích lại gần nhau, lòng tôi ngập tràn một tinh thần suy tư và kinh ngạc trước cách thế tất cả các dân tộc đã hiệp sức với nhau đáp trả lại nhu cầu trước sự thống khổ của Đức Kitô nơi dân người”.

“Còn về tại sao điều này xảy ra ư? Tôi đã từng trả lời nhiều lần ‘Hãy hỏi các nhà khoa học’”.

Cha Richard Cote cũng cho rằng động đất là “một hiện tượng địa chấn tự nhiên”. Thiên Chúa đã tạo ra thế giới vật chất với những định luật về trọng lực và Ngài không can thiệp vào. “Thiên Chúa không áp lực tình yêu của Ngài lên chúng ta như sóng triều. Thiên Chúa của Kitô Giáo là Thiên Chúa dễ bị thương tổn. Cái nguy lớn nhất mà Thiên Chúa đã tự nhận lấy là yêu thương chúng ta vô điều kiện. Thiên Chúa mãi mãi chấp nhận hiểm nguy vì yêu ta.”

“Thiên Chúa đã nhập thể. Ngài đã đến với thế giới trong sự tình liên đới hoàn toàn với chúng ta. Ngài chia sẻ thân phận nhân loại với chúng ta để chứng tỏ rằng Ngài đã không lầm khi tạo ra bạn và tôi”
 
Trước thềm Năm Mới: ĐTC cử hành lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa, xin Đức Mẹ bảo vệ Giáo Hội và Thế Giới
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
08:16 01/01/2022

Thánh Lễ Mẹ Thiên Chúa và cũng là ngày hòa bình thế giới lần thứ 55 đã diễn ra lúc 10g sáng ngày đầu năm mới 1/1/2022 tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Năm ngoái, do bất ngờ bị đau thần kinh tọa gây ra đau đớn và khó khăn trong việc đi lại, Đức Thánh Cha đã không thể chủ tế Thánh Lễ này. Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã chủ tế thánh lễ thay cho ngài.

Ngày 4 tháng 10 năm 1965, trong diễn văn lịch sử đọc trước Đại hội đồng Liên hiệp quốc nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập của tổ chức này, Đức Phaolô VI đã long trọng nhắc lại sứ vụ khó khăn, nhưng là sứ mệnh cao quý nhất của Liên hiệp quốc: đó là “Hành động để nối kết các quốc gia, để liên kết nước này với nước khác, là nhịp cầu, là mạng lưới tương giao giữa các dân tộc, là kiến tạo tình huynh đệ không phải chỉ cho một số, mà cho tất cả các dân tộc…” và ngài tha thiết kêu gọi: “Đừng bao giờ có chiến tranh! Hòa bình phải hướng dẫn vận mệnh các dân tộc và của toàn thể nhân loại”.

Để biểu lộ quyết tâm của Giáo Hội đối với vấn đề công lý và hòa bình, năm 1967, Đức Phaolô VI thiết lập Hội đồng Giáo hoàng “Công lý và Hòa bình”. Kể từ năm 1968, ngài thiết lập thêm ngày “Hoà bình Thế giới”. Hằng năm theo thông lệ, vào ngày 01 tháng Giêng, các vị Giáo hoàng công bố một sứ điệp hòa bình với một chủ đề rõ ràng.

Chủ đề của Ngày Hòa Bình Thế Giới lần thứ 55 là “Đối thoại giữa các thế hệ, giáo dục và công ăn việc làm là các khí cụ để xây dựng hòa bình lâu dài”.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


Các mục đồng tìm thấy “Đức Maria, Thánh Giuse, và hài nhi nằm trong máng cỏ” (Lc 2:16). Đối với những mục đồng, máng cỏ là một dấu chỉ vui mừng: đó là sự xác nhận sứ điệp mà họ đã nghe từ thiên sứ (xem câu 12), và là nơi họ đã tìm thấy Đấng Cứu Rỗi. Đó cũng là bằng chứng về sự gần gũi của Thiên Chúa đối với họ, vì Ngài được sinh ra trong máng cỏ, một đồ vật mà họ biết rõ, như một dấu chỉ cho thấy sự gần gũi và thân thuộc của Ngài. Máng cỏ cũng là một dấu chỉ vui mừng cho chúng ta. Chúa Giêsu chạm đến trái tim chúng ta bằng cách sinh ra trong sự bé nhỏ và nghèo hèn; Ngài lấp đầy chúng ta bằng tình yêu, chứ không phải là sự sợ hãi. Máng cỏ tiên báo Đấng tự làm lương thực cho chúng ta. Sự nghèo khó của Ngài là một tin tốt lành cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người bị gạt ra ngoài lề, những người bị từ chối và những người không được coi trọng trong mắt thế gian. Đó là cách Thiên Chúa đến: không chút ưu tiên, và thiếu ngay cả một cái nôi! Thật là một điều tuyệt vời khi nhìn thấy Ngài ở đó, nằm trong máng cỏ.

Tuy nhiên, điều đó không xảy ra với Đức Maria, Mẹ Thánh của Thiên Chúa. Mẹ đã phải chịu đựng “tai tiếng của máng cỏ”. Từ lâu trước những mục đồng, Mẹ đã nhận được thông điệp của một thiên sứ đã nói với Mẹ một cách long trọng về ngai vàng của Đavít: “Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người.” (Lc 1:31-32). Và bây giờ, Đức Maria phải đặt Ngài trong một cái máng dành cho gia súc. Làm sao Mẹ có thể dung hòa được ngai vàng của một vị vua và một máng cỏ thấp hèn? Làm thế nào Mẹ có thể dung hòa giữa vinh quang của Đấng Tối Cao và sự nghèo khổ cay đắng của một chuồng gia súc? Chúng ta hãy nghĩ đến sự đau khổ của Mẹ Thiên Chúa. Còn gì đau đớn hơn đối với một người mẹ khi chứng kiến cảnh con mình phải chịu cảnh bần hàn? Nó thực sự bẽ bàng. Chúng ta không thể đổ lỗi cho Đức Maria, nếu Mẹ lên tiếng phàn nàn về những rắc rối ngỡ ngàng đó. Tuy nhiên, Mẹ không ngã lòng. Mẹ không phàn nàn, nhưng giữ im lặng. Thay vì phàn nàn, Mẹ chọn một cách khác. Tin Mừng cho chúng ta biết: Về phần mình, Mẹ Maria “đã ghi nhớ tất cả những điều đó, suy đi nghĩ lại trong lòng” (x. Lc 2:19).

Đó không phải là điều mà những mục đồng và dân chúng làm. Những mục đồng kể cho mọi người nghe về những gì họ đã thấy: thiên thần hiện ra giữa đêm đen và những lời của sứ thần liên quan đến Hài Nhi. Và dân chúng, khi nghe những điều này, rất kinh ngạc (xem câu 18). Bàn tán và ngạc nhiên. Trái lại, Đức Maria trầm ngâm; Mẹ ghi nhớ tất cả những điều này, suy đi nghĩ lại trong lòng. Bản thân chúng ta cũng có thể có cùng hai phản ứng khác nhau đó. Câu chuyện do những mục đồng kể lại, và sự kinh ngạc của chính họ, nhắc nhở chúng ta về sự khởi đầu của đức tin, khi mọi thứ dường như dễ dàng và đơn giản. Chúng ta vui mừng trong sự mới mẻ về Thiên Chúa, Đấng bước vào cuộc sống của chúng ta và làm chúng ta đầy kinh ngạc. Trái lại, sự trầm ngâm của Đức Maria là biểu hiện của một đức tin trưởng thành, trưởng thành, chứ không phải một đức tin của những người mới bắt đầu. Không phải là một đức tin mới sinh, nhưng đúng hơn là một đức tin đã sinh hoa kết quả. Vì hoa trái thiêng liêng được phát sinh từ những gian truân và thử thách. Từ sự yên tĩnh của Nazareth và từ những lời hứa chiến thắng nhận được từ Thiên thần – nghĩa là từ những ngày đầu tiên - Đức Maria giờ đây thấy mình trong chuồng bò tối tăm của Bêlem. Tuy nhiên, đó là nơi Mẹ trao Chúa cho thế giới. Những người khác, trước tai tiếng của máng cỏ, có thể cảm thấy vô cùng đau khổ. Mẹ thì không: Mẹ ghi nhớ những điều ấy, suy đi nghĩ lại trong lòng.

Chúng ta hãy học nơi Mẹ Thiên Chúa cách thức để có cùng một thái độ: đó là ghi nhớ và suy ngẫm. Bởi vì chúng ta cũng có thể phải chịu đựng một số “vụ tai tiếng của máng cỏ”. Chúng ta hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn thỏa và sau đó, hết sức ngỡ ngàng, một vấn đề bất ngờ phát sinh. Những kỳ vọng của chúng ta đụng độ với thực tế một cách đau đớn. Điều đó cũng có thể xảy ra trong đời sống đức tin, khi niềm vui của Tin Mừng bị đem ra thử thách trong những hoàn cảnh khó khăn. Hôm nay Mẹ Thiên Chúa dạy chúng ta cách thu lợi từ cuộc đụng độ này. Mẹ cho chúng ta thấy điều đó là cần thiết: đó là con đường hẹp để đạt được mục tiêu, là thập giá, không có thập giá thì không thể có sự phục sinh. Giống như sự đau đớn của việc sinh nở, nó tạo ra một đức tin trưởng thành hơn.

Thưa anh chị em, tôi xin hỏi, làm thế nào để chúng ta thực hiện đoạn văn này, làm thế nào để giải quyết cuộc xung đột giữa lý tưởng và thực tế? Thưa: Bằng cách làm chính xác những gì Đức Maria đã làm, nghĩa là bằng cách ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng. Đầu tiên, Đức Maria “ghi nhớ”, tức là Mẹ giữ lấy những gì xảy ra; Mẹ không quên hoặc khước từ nó. Mẹ giữ trong tim tất cả những gì Mẹ đã thấy và nghe. Những điều đẹp đẽ, như những điều thiên thần và những mục đồng đã nói với Mẹ, nhưng cũng có những điều rắc rối: nguy cơ bị phát hiện có thai trước khi kết hôn và bây giờ là chuồng gia súc tồi tàn nơi Mẹ đã phải sinh con. Đó là những gì Đức Maria làm. Mẹ không chọn cái này cái kia; Mẹ ghi nhớ. Mẹ chấp nhận cuộc sống như nó đến, mà không cố gắng ngụy trang hay tô điểm nó; Mẹ giữ những điều đó trong tim mình.

Sau đó, thái độ thứ hai của Đức Maria là về cách Mẹ gìn giữ: Mẹ ghi nhớ và Mẹ suy ngẫm. Tin Mừng nói về việc Mẹ Maria “tập hợp lại”, so sánh, những trải nghiệm khác nhau của Mẹ và tìm ra những sợi dây tiềm tàng kết nối chúng lại với nhau. Trong thâm tâm, trong lời cầu nguyện của mình, Mẹ thực hiện chính xác điều đó: Mẹ gắn kết những điều đẹp đẽ và những điều khó chịu lại với nhau. Mẹ không giữ chúng tách biệt nhau, nhưng mang chúng lại với nhau. Chính vì lý do này mà người ta cho rằng Đức Maria là Mẹ của Đạo Công Giáo. Về điểm này, chúng ta có thể dám khẳng định rằng chính vì thế mà người ta nói Đức Maria là người Công Giáo, vì Mẹ hợp nhất, không chia rẽ. Và theo cách này, Mẹ nhận ra ý nghĩa to lớn hơn của chúng, từ quan điểm của Thiên Chúa. Trong lòng mình, Đức Maria nhận ra rằng vinh quang của Đấng Tối Cao xuất hiện trong sự khiêm nhường; Mẹ hoan nghênh chương trình cứu độ, theo đó Chúa phải nằm trong máng cỏ. Mẹ nhìn thấy Chúa Hài Đồng yếu đuối và run rẩy, và Mẹ chấp nhận sự giao thoa thần thánh kỳ diệu giữa sự vĩ đại và nhỏ bé. Đức Maria ghi nhớ và suy đi nghĩ lại trong lòng.

Cách nhìn nhận mọi thứ một cách toàn diện này, vượt qua những căng thẳng bằng cách “gìn giữ” và “suy đi nghĩ lại”, là cách của những người mẹ, những người mà trong những khoảnh khắc căng thẳng, họ không chia rẽ, họ vẫn giữ và bằng cách này họ giúp cuộc sống phát triển. Đó là cách mà rất nhiều bà mẹ đón nhận những vấn đề của con mình. “Cái nhìn” từ mẫu không khuất phục trước căng thẳng; không bị tê liệt trước những vấn đề đó, mà nhìn chúng ở một góc độ rộng lớn hơn. Và đây là thái độ của Mẹ Maria: Mẹ gìn giữ và suy nghĩ cho đến tận đồi Canvê. Chúng ta có thể nghĩ đến khuôn mặt của tất cả những người mẹ chăm sóc đứa trẻ bị bệnh hoặc gặp khó khăn. Tình yêu tuyệt vời mà chúng ta nhìn thấy trong đôi mắt của họ! Ngay cả giữa những giọt nước mắt của họ, họ vẫn có thể khơi dậy hy vọng. Ánh mắt của họ là một cái nhìn có ý thức và thực tế, nhưng đồng thời mang đến cho người khác một bức tranh lớn hơn, một sự quan tâm và tình yêu mang đến hy vọng mới. Đó là những gì các bà mẹ làm: họ biết cách vượt qua những trở ngại và bất đồng, để truyền hòa khí. Bằng cách này, họ biến các vấn đề thành cơ hội để tái sinh và phát triển. Họ có thể làm được điều này bởi vì họ biết cách “gìn giữ”, cùng nhau nắm giữ những sợi dây cuộc sống. Chúng ta cần những người như vậy, có khả năng dệt những sợi dây của sự hiệp thông thay cho hàng rào thép gai của xung đột và chia rẽ. Các mẹ biết cách làm này.

Năm mới bắt đầu dưới sự chỉ dẫn của Thánh Mẫu Thiên Chúa, dưới sự chỉ điểm của Đức Mẹ. Cái nhìn của người mẹ là con đường dẫn đến sự tái sinh và lớn lên. Chúng ta cần những người mẹ, những người phụ nữ biết nhìn ra thế giới không phải để khai thác nó mà để nó có sự sống. Những người phụ nữ, nhìn bằng trái tim, có thể kết hợp những ước mơ và khát vọng với thực tế cụ thể, mà không bị trôi dạt vào những chủ nghĩa trừu tượng và thực dụng vô sinh. Và Giáo hội là Mẹ, đây là điều làm nên nữ tính của Giáo hội. Vì lý do này, chúng ta không thể tìm thấy một chỗ đứng cho phụ nữ trong Giáo hội nếu không để cho trái tim của Người Phụ nữ và Người Mẹ được tỏa sáng. Đây là nơi dành cho những người phụ nữ trong Giáo hội, một nơi tuyệt vời, từ đó phát sinh ra những nơi khác, cụ thể hơn và ít quan trọng hơn. Giáo hội là Mẹ, Giáo hội là phụ nữ. Và vì các bà mẹ ban tặng cuộc sống, và phụ nữ “gìn giữ” thế giới, tất cả chúng ta hãy nỗ lực hơn nữa để nâng đỡ các bà mẹ và bảo vệ phụ nữ. Biết bao nhiêu bạo lực nhắm vào phụ nữ! Đã quá đủ! Làm tổn thương một người phụ nữ là xúc phạm Thiên Chúa, Đấng từ một người phụ nữ đã mang lấy nhân tính của chúng ta. Ngài đã không làm điều đó thông qua một thiên thần; Ngài cũng không đến trực tiếp; Ngài đã làm điều đó thông qua một người phụ nữ. Giống như một người phụ nữ, Giáo hội Mẹ mang đến nhân tính cho những người con trai và con gái của mình.

Vậy thì vào đầu năm mới, chúng ta hãy đặt mình dưới sự che chở của người phụ nữ này, Mẹ Thiên Chúa, cũng là mẹ của chúng ta. Xin Mẹ giúp chúng ta gìn giữ và suy ngẫm mọi sự, không ngại thử thách và vui mừng tin chắc rằng Chúa là Đấng thành tín và có thể biến mọi thập tự giá thành sự Phục sinh. Hôm nay cũng vậy, chúng ta hãy kêu cầu Mẹ cũng như dân Chúa tại Êphêsô. Chúng ta hãy đứng lên và hướng về Đức Mẹ như D ân Chúa ở Êphêsô xưa, chúng ta hãy cùng nhau lặp lại ba lần danh hiệu Mẹ Thiên Chúa của Mẹ Maria: “Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa, Lạy Mẹ Thánh của Thiên Chúa”! Amen.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Oái oăm: Vừa mới ôm Đức Giáo Hoàng, đúng lễ Giáng Sinh, Modi đóng băng các tài khoản ngân hàng Dòng Mẹ Têrêsa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 01/01/2022


1. Congo: Lăng mộ của Đức Hồng Y Biayenda bị phá phách trong Đêm Giáng Sinh

Một tuyên bố từ Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Congo bảo đảm với các tín hữu rằng thi thể của Đức Hồng Y Biayenda chưa bị động đến. Thông cáo báo chí này được đưa ra sau khi các phương tiện truyền thông loan tin rằng ngôi mộ của cố Hồng Y bị phá phách trong hai đêm 23 và 24 tháng 12. Tin tức này đã khiến người Công Giáo hết sức âu lo.

Một thông cáo báo chí từ Tổng giáo phận Brazzaville, cho biết đó là một “phép lạ của thiên đàng và nhờ tài năng của các vị trưởng lão của chúng ta, những người đã đặt một thiết bị an ninh khá vững chắc trên lăng mộ, mà thi hài của vị Hồng Y không bị động đến cũng như không bị xáo trộn mặc dù những kẻ phá hoại đã tiếp cận được”.

“Do đó, mọi thứ đều nguyên vẹn,” tuyên bố bảo đảm như trên với người Công Giáo.

Cho đến nay vẫn chưa xác định được thủ phạm. Hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội cho thấy cổng bảo vệ ngôi mộ bị hư hỏng nhẹ. Ngôi mộ này nằm trong khuôn viên của Nhà thờ Thánh Tâm, ở trung tâm Brazzaville.

Một nguồn tin thân cận với Giáo Hội địa phương, nói với RFI rằng đây là lần thứ ba trong năm nay ngôi mộ của vị Hồng Y đã bị mạo phạm.

Đến nay người ta vẫn chưa biết động cơ của những kẻ gây án.

Tổng Giáo phận cho biết thêm trong tuyên bố của mình: “Chúng tôi muốn trấn an quý vị rằng cảnh sát tư pháp đã vào cuộc và họ đang tiến hành các cuộc điều tra cần thiết trong những trường hợp như vậy”.

Đức Hồng Y Émile Biayenda bị ám sát năm 1977 ở tuổi 50. Cái chết của ngài, trong hoàn cảnh vẫn chưa rõ ràng cho đến nay, diễn ra chỉ vài ngày sau vụ ám sát tổng thống thứ ba của Congo, là ông Marien Ngouabi.
Source:.journaldebrazza.com

2. Đúng ngày lễ Giáng Sinh, chính phủ Ấn Độ đóng băng các tài khoản ngân hàng của Hội Thừa sai Bác ái

Động thái này của chính phủ Ấn Độ, diễn ra vào đúng ngày Giáng Sinh, đã gây ra sự tức giận lớn. Truyền thông Ấn Độ đưa tin, vào đúng ngày Lễ Giáng Sinh các tài khoản ngân hàng của Dòng Thừa sai Bác ái, gọi tắt là MoC, của Mẹ Têrêsa đã bị đóng băng sau khi chính phủ Ấn Độ từ chối phê duyệt tài trợ nước ngoài cho tổ chức này.

Mẹ Têrêsa từng đoạt giải Nobel, là một nữ tu Công Giáo qua đời năm 1997, đã thành lập Dòng Thừa sai Bác ái vào năm 1950.

Giờ đây, tổ chức của Mẹ Têrêsa không còn có thể sử dụng các tài khoản ngân hàng của mình nữa khi chính phủ theo chủ nghĩa dân tộc Ấn Giáo không chấp thuận cho phép Dòng Thừa sai Bác ái nhận tiền nước ngoài theo Đạo luật quy định về đóng góp nước ngoài của Ấn Độ.

Những thành phần Ấn Giáo cứng rắn liên kết với Đảng Bharatiya Janata của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi liên tục cáo buộc Dòng Thừa sai Bác ái dẫn đầu các chương trình cải đạo dưới chiêu bài bác ái bằng cách cung cấp tiền, giáo dục miễn phí và nơi ở cho các cộng đồng bộ lạc và người theo Ấn Giáo nghèo khó.

Tuy nhiên, động thái của chính phủ diễn ra vào đúng ngày Giáng Sinh đã làm dấy lên sự giận dữ lớn.

Mamata Banerjee, thủ hiến của Tây Bengal, đã viết trong một tweet. “Tôi bị sốc khi biết tin rằng vào ngày lễ Giáng Sinh, Liên Bộ trong nội các liên bang đã ĐÓNG BĂNG TẤT CẢ CÁC TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG của Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ!”

Ông Mamata, một nhà lãnh đạo phe đối lập và thường xuyên chỉ trích chính phủ Modi, nói thêm:

“22,000 bệnh nhân và nhân viên của họ đã lâm vào đường cùng vì không có thức ăn và thuốc men. Mặc dù luật pháp là tối quan trọng, nhưng các nỗ lực nhân đạo không thể bị tổn hại.”.

Đặt trụ sở chính tại Tây Bengal, Dòng Thừa sai Bác ái có hơn 3,000 nữ tu trên toàn thế giới điều hành các nhà tế bần, bếp ăn cộng đồng, trường học, các trại phong và nhà cho trẻ em bị bỏ rơi.

Các nữ tu Dòng Thừa sai Bác ái chưa đưa ra bình luận ngay lập tức, vì còn hy vọng chính phủ đổi ý trong khi Bộ Nội vụ liên bang cho biết họ đã không gia hạn giấy phép của nhà dòng sau khi được biết về lệnh đóng băng tất cả các tài khoản ngân hàng.

“Khi xem xét hồ sơ, đơn xin gia hạn của Dòng Thừa sai Bác ái đã không được chấp thuận. Đăng ký của nhà dòng có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2021 và chúng tôi không thể cấp giấy phép cho một tổ chức không có tài chính để vận hành.”

Cha Dominic Gomes, Tổng đại diện của Tổng giáo phận Kolkata, cũng lên tiếng về điều mà ông nói là “một cuộc tấn công dã man vào cộng đồng Kitô Giáo”.

Đầu tháng này, hãng tin AFP cho biết cảnh sát ở Gujarat đang điều tra xem Dòng Thừa sai Bác ái có buộc các cô gái trong một ngôi nhà tạm trú ở đó đeo thánh giá và đọc Kinh thánh hay không.

Về tội 'cải đạo', Cha Gomes nói điều đó là một cáo buộc “vô căn cứ” và chỉ ra rằng nếu các tổ chức Kitô Giáo có ý định chiêu dụ tín đồ “sẽ có nhiều Kitô Hữu hơn trong 2000 năm Kitô Giáo tồn tại trên đất Ấn Độ, chứ không rơi vào tình trạng thiểu số 2.3% như ngày hôm nay.”

Kể từ khi Modi lên nắm quyền vào năm 2014, các nhóm Ấn Giáo cánh hữu đã củng cố vị trí của họ trên khắp các bang và tiến hành các cuộc tấn công quy mô nhằm vào các nhóm thiểu số tôn giáo, và biện minh rằng hành động của họ là để ngăn chặn các cuộc cưỡng bức cải đạo.

Một số bang của Ấn Độ đã thông qua hoặc đang xem xét các luật chống cải đạo thách thức quyền tự do tín ngưỡng và các quyền liên quan mà hiến pháp Ấn Độ bảo đảm cho các tôn giáo thiểu số.
Source:Dhaka Tribune[Thủy]

3. Sau cuộc viếng thăm Đức Thánh Cha của Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi, bách hại gia tăng mạnh tại Ấn Độ

Hôm thứ Bảy 31/10, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào mừng Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi đến Vatican trong 55 phút. Đó là một thời gian rất lâu theo tiêu chuẩn của Vatican.

Bản thân Modi đã lên Twitter để nói với hơn 72 triệu người theo dõi của mình rằng ông đã có một “cuộc gặp rất ấm áp” với Đức Giáo Hoàng.

“Tôi đã có cơ hội thảo luận nhiều vấn đề với ông ấy và cũng mời ông ấy đến thăm Ấn Độ,” ông viết trong một thông điệp được minh họa bằng bốn bức tranh.

Trái với các phương tiện truyền thông Tây phương không tỏ ra mừng rỡ trước biến cố này. Họ thừa hiểu rằng Narenda Modi, từng là chủ tịch đảng Ấn Giáo cực đoan Bharatiya Janata, gọi tắt là BJP, chỉ làm một động tác giả với Đức Giáo Hoàng. Họ thậm chí còn tiên đoán rằng Giáo Hội tại Ấn Độ sắp phải đối diện với các khó khăn rất lớn sau khi động tác giả này được thực hiện tại Vatican để che mắt công luận thế giới. Thật thế, bách hại đã nổi lên tại 21 trong 28 bang của Ấn Độ. Hầu hết các bang thông qua luật cấm cải đạo nhằm chặn đứng cơ hội truyền giáo của các tín hữu Kitô.

Để chắc ăn hơn, đúng vào ngày lễ Giáng Sinh, Liên Bộ trong nội các liên bang đã ĐÓNG BĂNG TẤT CẢ CÁC TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG của Dòng Thừa sai Bác ái Mẹ Têrêsa ở Ấn Độ! Không tiền, không thể hoạt động, không thể truyền giáo.

Một báo cáo do tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết, những người Thiên Chúa Giáo 305 hành vi bạo lực đã diễn ra ở 21 trong số 28 bang của Ấn Độ, và chiều hướng là ngày càng gia tăng.

Ấn Độ, quốc gia đông dân thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, đã bị xếp hạng thứ 10 trong danh sách các nước đàn áp Kitô Giáo.

Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ từ năm 2020 đã liệt kê Ấn Độ vào danh sách “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo.

Bản báo cáo giải thích: Chính phủ Ấn Độ hiện nay do BJP lãnh đạo, đã thúc đẩy các chính sách dân tộc chủ nghĩa của người Ấn Giáo, dẫn đến vi phạm tự do tôn giáo có hệ thống, liên tục và nghiêm trọng.

Ngày 16 tháng Năm 2014, lãnh tụ Ấn Giáo cực đoan Narendra Modi của BJP lên làm thủ tướng. Từ đó cho đến nay, các Kitô hữu lãnh đủ các hình thức bách hại.

Các cuộc tấn công chống các tín hữu Kitô đã tăng lên kể từ khi BJP lên nắm quyền ở New Delhi vào năm 2014 và ngày càng nhiều.

Được sự khích lệ ngấm ngầm của BJP do thủ tướng Narendra Modi lãnh đạo, nhiều làng ở miền đông Ấn Độ tiếp tục cấm sự hiện diện của các linh mục bất chấp một quyết định của tòa án ra lệnh ngưng ngay những cấm đoán vô lý này.

Ngay cả ở cấp trung ương, ngày 5 tháng 7 năm 2017, bộ trưởng Tư Pháp Ấn Prem Prakash Chaudhary, thành viên BJP, còn táo tợn đến mức đề nghị rằng các linh mục chỉ được phép giải tội cho nam giới, không được phép giải tội cho phụ nữ để tránh lạm dụng tính dục.

Năm 2019, trước cuộc bầu cử toàn quốc lần thứ 17, kéo dài từ 11 tháng Tư cho đến 23 tháng Năm vừa qua, các Kitô hữu đã mừng thầm vì sau 5 năm vác thánh giá mệt mỏi, chắc đã đến lúc chấm dứt một triều đại kinh hoàng nhất trong lịch sử.

Chẳng may, vô cùng chẳng may, khi số phiếu bầu được đếm xong, ngày 23 tháng 5, 2019, cha John Dayal, nhà lãnh đạo Công Giáo Ấn Độ và nhà hoạt động nhân quyền cho biết các Kitô hữu tại Ấn “tái mặt” nhận ra rằng BJP còn thắng đậm hơn kỳ bầu cử trước. Trong Quốc Hội gồm 542 ghế, BJP giành được 303 ghế. Đảng liên minh với nó là đảng Lok Sabha giành được 46 ghế khác. Với 349 ghế trong một Quốc Hội 542 ghế như thế, BJP dễ dàng thông qua bất cứ dự luật nào nhằm Ấn Giáo hoá quốc gia này.

Dân số Ấn Độ hiện nay là 1.3 tỷ. 80% dân theo Ấn giáo. 20% còn lại bao gồm Hồi giáo 14%, Kitô hữu 2.3%, Sikh 1.7% và 2% theo các tín ngưỡng khác, bao gồm Phật giáo, Jains và Zoroastrians.

Cả Kitô giáo và Hồi giáo đều bị coi những người theo chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo coi là tôn giáo nước ngoài cần phải bị bài trừ.