Kate Quiñones của hãng tin CNA, ngày 19 tháng 12 năm 2024, cho hay: Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã chấp nhận lời mời đến thăm Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng tới và thảo luận về các nỗ lực thúc đẩy hòa bình, Nhà Trắng thông báo vào thứ Năm.
Biden, tổng thống Công Giáo thứ hai của đất nước, sẽ đến Rome từ ngày 9 đến ngày 12 tháng 1 theo lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô. Buổi tiếp kiến của ông với Đức Giáo Hoàng Phanxicô được ấn định vào ngày 10 tháng 1 và sẽ tập trung vào các nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới.
Thông báo về chuyến đi được đưa ra sau cuộc điện đàm vào thứ Năm giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Tổng thống Biden, trong đó hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về "những nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên toàn thế giới trong mùa lễ", theo tuyên bố ngày 19 tháng 12 từ Nhà Trắng.
"Tổng thống cảm ơn Đức Giáo Hoàng vì đã tiếp tục ủng hộ để giảm bớt đau khổ trên hoàn cầu, bao gồm cả công việc thúc đẩy nhân quyền và bảo vệ quyền tự do tôn giáo", tuyên bố viết. "Tổng thống Biden cũng đã vui vẻ chấp nhận lời mời của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Vatican vào tháng tới".
Biden cũng sẽ gặp Tổng thống Ý, Sergio Mattarella và Thủ tướng Ý Giorgia Meloni trong chuyến thăm của mình. Nhà Trắng lưu ý rằng Biden sẽ cảm ơn Meloni vì đã lãnh đạo G7 trong năm qua. Hội nghị thượng đỉnh G7 là cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo chính phủ từ Hoa Kỳ, Canada, Vương quốc Anh, Pháp, Đức, Nhật Bản và Ý.
Các chuyến thăm nước ngoài vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ tổng thống Hoa Kỳ là rất hiếm. Chuyến thăm nước ngoài gần đây nhất vào tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống là hơn 30 năm trước, khi tổng thống sắp mãn nhiệm George H.W. Bush đã đến thăm Moscow để ký một hiệp ước hạt nhân và Paris để đàm phán với tổng thống Pháp về cuộc chiến tranh Bosnia.
Biden đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô lần cuối vào tháng 6 năm nay, khi hai người thảo luận về chính sách đối ngoại ở Israel, Gaza và Ukraine cũng như biến đổi khí hậu. Trong buổi tiếp kiến riêng tại Hội nghị thượng đỉnh G7 ở Apulia, Ý, hai nhà lãnh đạo đã "nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về lệnh ngừng bắn ngay lập tức và một thỏa thuận về con tin" ở Gaza và nhu cầu "giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng", theo Nhà Trắng.
Vào thời điểm đó, Biden cũng cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô vì công việc của Vatican nhằm giải quyết các mối quan ngại về nhân đạo ở Ukraine và những nỗ lực của ngài trong việc giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Hai người đã liên tục thảo luận về cuộc chiến tranh Israel-Hamas kể từ tháng 10 năm 2023, khi họ nói chuyện qua điện thoại về việc ngăn chặn leo thang và hướng tới hòa bình sau các cuộc tấn công khủng bố ngày 7 tháng 10 năm 2023, trong đó Hamas đã giết chết hơn 1,200 nam giới, phụ nữ và trẻ em.
Biden trước đó đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô vào tháng 10 năm 2021 trong khoảng 75 phút để thảo luận về tình trạng nghèo đói, biến đổi khí hậu và các vấn đề khác. Đó là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của Biden với vị giáo hoàng với tư cách là tổng thống, nhưng hai nhà lãnh đạo cũng đã nói chuyện qua điện thoại ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Biden đã gặp Đức Giáo Hoàng Phanxicô ba lần trước khi trở thành tổng thống.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chỉ trích Biden trong quá khứ vì ông thúc đẩy phá thai hợp pháp với tư cách là người Công Giáo, gọi đó là "sự thiếu nhất quán" trong một cuộc phỏng vấn năm 2022. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói: "Hãy để [Biden] nói chuyện với mục tử của ông về sự thiếu nhất quán đó."
Đức Thánh Cha gần đây cũng đã kêu gọi chấm dứt sản xuất và sử dụng thuốc nổ chống cá nhân vào tháng 11, chỉ một tuần sau khi Biden chấp thuận việc Ukraine sử dụng mìn của Mỹ trong cuộc chiến tranh Nga-Ukraine.
Trong bốn năm qua của chính quyền Biden, Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ đã liên tục bất đồng quan điểm với chính quyền Biden về các vấn đề liên quan đến phá thai và ý thức hệ giới tính.