1. Lính Nga bắt sống đại tá Nga ra lệnh tra tấn thường dân ở Kherson được dàn xếp định cư ở quốc gia khác

Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine đã xác định viên đại tá Nga đã ra lệnh cho quân đội tra tấn dân thường, cướp phá và hãm hiếp ở Kherson bị chiếm đóng.

Cơ quan an ninh của Ukraine, gọi tắt là SBU, đã chỉ đích danh Oleksandr Naumenko thuộc đơn vị Vệ binh Rostov là thủ phạm của các tội ác chiến tranh nghiêm trọng ở Kherson.

Báo cáo của SBU được công bố hôm nay cho thấy Naumenko đã phụ trách các lực lượng Nga ở Kherson kể từ tháng Ba.

Báo cáo viết: “Theo lệnh của ông ta, việc bắt giữ, tra tấn cư dân địa phương bất hợp pháp, xâm nhập vào nhà của họ, cưỡng hiếp phụ nữ và chiếm hữu tài sản đang diễn ra.”

Naumenko - có biệt danh là Alfa - cũng đứng sau các cuộc tấn công các cuộc biểu tình ôn hòa chống Nga trong lãnh thổ bị chiếm đóng.

Người ta hiểu rằng đích thân ông ta đã tham gia và ra lệnh cho quân đội Nga giải tán đám đông bằng cách sử dụng lựu đạn gây choáng và hơi cay.

Báo cáo cũng tuyên bố rằng theo chỉ thị của ông, quân đội Nga đã bắt cóc nhiều người Ukraine và tra tấn họ trong vài tuần.

Naumenko là phó chỉ huy trưởng trung đoàn Rosgvardia được đánh giá cao của Putin. Đó là lực lượng bảo vệ Điện Kremlin và các tòa nhà chính phủ khác trên khắp nước Nga.

SBU ra lệnh truy nã viên đại tá này và tuyên bố thưởng tiền mặt và dàn xếp cho định cư ở nước khác các binh lính Nga bắt sống và giao nộp viên đại tá ác ôn này.

2. Bộ Tư lệnh Vương quốc Anh cho biết các chỉ huy Nga 'ngày càng lo ngại' trước những thất bại

Lực lượng Nga có thể đang cố gắng tấn công các con đập ở Ukraine để làm tràn ngập các điểm giao thông quân sự của Ukraine trong bối cảnh Nga lo ngại về thất bại của chiến trường, tình báo Anh cho biết như trên trong bản tin tình báo mới nhất.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết trong cuộc họp báo hàng ngày mới nhất của mình rằng các cuộc tấn công “không có khả năng gây gián đoạn đáng kể cho các hoạt động của Ukraine do khoảng cách xa giữa các đập bị hư hại và các khu vực chiến đấu”.

Bản tin cho biết các lực lượng Nga đã tấn công đập Pechenihy trên sông Siverskyi Donets bằng hỏa tiễn đạn đạo hoặc vũ khí tương tự trong hai ngày thứ Tư và thứ Năm sau khi tấn công một con đập gần Krivyy Rih ở miền trung Ukraine vào tuần trước.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Vào ngày 21 và 22 tháng 9 năm 2022, Nga tấn công Đập Pechenihy trên sông Siverskyy Donets bằng cách sử dụng hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn hoặc vũ khí tương tự. Điều này xảy ra sau một cuộc tấn công vào Đập Karachunivske gần Krivyy Rih ở miền trung Ukraine vào ngày 15 tháng 9 năm 2022.

Các lực lượng Ukraine đang tiến xa hơn về phía hạ lưu dọc theo cả hai con sông. Khi các chỉ huy Nga ngày càng lo ngại về những thất bại trong hoạt động của họ, họ có thể đang cố gắng tấn công các cửa của các con đập, để làm ngập các điểm giao thông quân sự của Ukraine.

Các cuộc tấn công không chắc đã gây ra gián đoạn đáng kể cho các hoạt động của Ukraine do khoảng cách xa giữa các con đập bị hư hại và các khu vực tác chiến.

3. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu cho biết những lời đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân của Vladimir Putin trong cuộc chiến ở Ukraine phải được xem xét một cách nghiêm túc.

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên Hiệp Âu Châu, Josep Borrell, thường được mô tả như Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu, cảnh báo “thời điểm nguy hiểm” đã đến trong cuộc xâm lược khi quân đội Nga phải đối mặt với một số thất bại.

Ông nói với BBC: “Chắc chắn đó là một thời điểm nguy hiểm vì quân đội Nga đã bị đẩy vào tình thế khó khăn, thất bại nhục nhã, và phản ứng của Putin là đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Đó là một điều rất tồi tệ.”

Ông nói thêm, cần phải đạt được một giải pháp ngoại giao “bảo tồn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ” của Ukraine.

Ông Josep Borrell đã đưa ra lập trường trên trong bối cảnh Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Dmitry Bulgakov, người phụ trách hậu cần quân sự kể từ đầu cuộc xâm lược Ukraine, đã bị cách chức, và bị thay bằng Thượng Tướng Mikhail Mizintsev, một người khét tiếng tàn bạo được các phương tiện truyền thông Ukraine và phương Tây gọi là “tên đồ tể thành Mariupol”.

Việc cách chức Bulgakov và thăng chức Mikhail Mizintsev đang được nhiều người coi là một ý định leo thang chiến tranh của Putin.

4. Người Nga nên ở lại và chiến đấu chống lại Putin

Chủ tịch Hội đồng Âu Châu cho biết Âu Châu nên mở cửa cho những người Nga chạy trốn

Charles Michel, chủ tịch Hội đồng Âu Châu, đã kêu gọi Âu Châu thể hiện “sự cởi mở với những người không muốn bị Điện Cẩm Linh xung vào đội quân xâm lược ở Ukraine”

Michel đã đưa ra lập trường trên sau bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc ở New York vào hôm thứ Sáu và trước cuộc họp quan trọng của các đại sứ Liên Hiệp Âu Châu vào ngày thứ Hai trong khuôn khổ Ứng phó với khủng hoảng chính trị tổng hợp của Liên Hiệp Âu Châu.

Về nguyên tắc, tôi nghĩ rằng… Liên minh Âu Châu nên tiếp nhận những người đang gặp nguy hiểm vì chính kiến của họ. Nếu ở Nga, người ta gặp nguy hiểm vì ý kiến chính trị của họ, vì họ không tuân theo quyết định điên rồ này của Điện Cẩm Linh trong việc phát động cuộc chiến này ở Ukraine, chúng ta phải cân nhắc điều này.

Ông nói thêm: “Tôi đồng ý về ý kiến rằng chúng ta nên nhanh chóng hợp tác và phối hợp vì cuộc động viên bán phần này là một thực tế mới”

Đáp lại ý kiến này của Ông Michel, Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis, cho biết nước này sẽ không cấp quyền tị nạn cho những người Nga chạy trốn khỏi đất nước.

“Người Nga nên ở lại và chiến đấu chống lại Putin.”

Tổng thống Phần Lan cũng chia sẻ ý kiến của Lithuania. Tổng thống Sauli Niinistö và Hội Đồng Bộ Trưởng đã đề xuất những hạn chế đáng kể trong việc cấp thị thực cho công dân Nga nhập cảnh vào nước này sau những báo cáo cho thấy số người băng qua biên giới Nga-Phần Lan tăng gấp đôi trong vài ngày qua.

Vài giờ sau khi Điện Cẩm Linh gây chấn động nước Nga khi tuyên bố động viên lần đầu tiên sau thế chiến thứ hai, với ít nhất 300,000 quân, nam giới trong độ tuổi nhập ngũ đổ xô rời khỏi đất nước.

Theo BBC, hàng dài xe cộ chờ đợi để vượt biên giới giữa Nga và Georgia dài khoảng 10km, nơi mọi người đã chờ đợi hơn 20 giờ để vượt qua.

Đầu tuần này, bốn trong số năm quốc gia Liên Hiệp Âu Châu có biên giới với Nga tuyên bố sẽ không cho phép người Nga nhập cảnh bằng thị thực du lịch nữa.

“Tôi sẽ lái xe qua biên giới tối nay,” một trung sĩ 29 tuổi thuộc quân đội Nga, Oleg, nói với tờ The Guardian của Anh. “Tôi không biết khi nào tôi sẽ đặt chân trở lại Nga một lần nữa,” anh nói thêm, đề cập đến án tù mà những người đàn ông Nga phải đối mặt vì trốn tránh quân dịch.

5. Cựu Thủ tướng Nga nhận xét rằng trò đùa hạt nhân của Putin được thiết kế để 'dọa mọi người'

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin's Nuclear 'Bluff' Designed to 'Scare People': Ex-PM of Russia”, nghĩa là “Cựu Thủ tướng Nga nhận xét rằng trò đùa hạt nhân của Putin được thiết kế để 'dọa mọi người'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Đình Trinh.

Những lời đe dọa hạt nhân của Vladimir Putin chỉ là một “trò lừa bịp” bởi vì ông ta đang hoảng sợ về sai lầm của mình trong cuộc xâm lược Ukraine, cựu thủ tướng của Putin nói.

Khi tuyên bố huy động một phần lực lượng dự bị để bù đắp tổn thất của mình ở Ukraine, Tổng thống Nga cáo buộc các nước NATO đang cố gắng “tống tiền” Mạc Tư Khoa bằng vũ khí hạt nhân, đồng thời cảnh báo ông sẽ sử dụng “tất cả các phương tiện hiện có để bảo vệ Nga và nhân dân Nga.”

Bài nói chuyện của Putin hôm thứ Tư được giải thích bên ngoài nước Nga là dấu chỉ báo hiệu ý định sử dụng vũ khí hạt nhân để giành lại chiến thắng sau khi rút lui nhục nhã khi đối mặt với cuộc phản công của Kyiv trong cuộc chiến.

Nhưng Mikhail Kasyanov, người từng là người đứng đầu chính phủ của Putin từ năm 2000 đến năm 2004, bác bỏ khả năng ông chủ cũ của mình sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân.

Ông nói với Newsweek: “Ông ta đã cố gắng khiến mọi người sợ hãi vì việc sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng tôi nghĩ đây chỉ là một trò lừa bịp”.

“Tôi không nghĩ ông ta dám chuyển sang sử dụng vũ khí hạt nhân vì lý do đơn giản là ông ta nhận ra bản thân mình sẽ bị trừ khử ngay lập tức,” Kasyanov nói với Newsweek, “đó sẽ là dấu chấm hết cho sự cai trị của ông ta ngay lập tức và đó sẽ là một kết quả thảm khốc.”

“Ông ta đang cố gắng để dọa mọi người, ông ta đã làm điều đó một vài lần vào đầu năm nay,” Kasyanov nói.

Ngay sau khi bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine, Putin đã đặt các lực lượng hạt nhân của mình trong tình trạng báo động cao. Trong nhiều tháng qua, truyền hình nhà nước Nga đã định hình cuộc chiến như một trận chiến giữa phương Tây và Nga, mục tiêu này có thể được đẩy nhanh nếu Điện Cẩm Linh lôi ra các đầu đạn từ trong kho có khoảng 6.000 đầu đạn của mình.

Trong vài tháng qua, Hoa Kỳ đã gửi các công hàm tới Mạc Tư Khoa để cảnh báo về những hậu quả nghiêm trọng nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng.

Dmitry Medvedev, Phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã viết trên Telegram hôm thứ Năm rằng sau khi tổ chức “cuộc trưng cầu dân ý”, lãnh thổ ở miền đông Ukraine sẽ được “chấp nhận vào Nga” và sẽ được bảo vệ. Các cuộc trưng cầu dân ý ở bốn khu vực bị chiếm đóng của Ukraine đã khai mạc vào thứ Sáu.

Thủ tướng Medvedev cho biết Nga sẽ sử dụng các lực lượng được huy động và “bất kỳ vũ khí nào của Nga, bao gồm cả vũ khí hạt nhân chiến lược và vũ khí sử dụng các nguyên tắc mới”, ám chỉ vũ khí siêu thanh được chào mời nhiều của Mạc Tư Khoa, để bảo vệ vùng đất thôn tính đó.

Nhưng Kasyanov nói rằng Putin “đã quyết định chơi con bài cuối cùng của mình trong trò chơi này”, nhằm cảnh báo các nhà lãnh đạo phương Tây về việc ông tin rằng mình có “quyền sử dụng vũ khí hạt nhân bất hợp pháp” để bảo vệ các vùng lãnh thổ bị sáp nhập.

Hàng nghìn người đàn ông trên khắp nước Nga đã được trao giấy gọi nhập ngũ buộc họ phải chiến đấu ở Ukraine sau sắc lệnh huy động một phần dân số của Putin, làm dấy lên cuộc biểu tình lớn nhất ở nước này kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

“Sắc lệnh của ông ấy là động viên một phần nhưng trên thực tế đó là tổng động viên vì tất cả nam giới từ 18 đến 55 tuổi đều phải tham gia chiến tranh,” Kasyanov nói, khi ông dự đoán rằng các cuộc biểu tình sẽ dồn dập và cuối cùng có thể dẫn đến việc lật đổ Putin.

Kasyanov tin rằng điều này cho thấy Putin “nhận ra rằng ông đã sai lầm khi bắt đầu cái gọi là hoạt động quân sự, trong cuộc chiến đẫm máu chống lại Ukraine. Hắn ta đang kêu gọi cả nước Nga bảo vệ chính hắn chứ không phải bảo vệ Tổ quốc “.

“Sự thành công của các lực lượng Ukraine đã đưa hắn ta đến một vị trí tuyệt vọng và hắn ta đang hoảng loạn.”

Kasyanov từng làm việc trong chính quyền của cựu Tổng thống Boris Yeltsin vào những năm 1990 trước khi giữ chức thủ tướng đầu tiên của Putin từ năm 2000 đến 2004. Ông trở thành nhà phê bình nổi bật đối với tổng thống đương nhiệm, và hiện là lãnh đạo Đảng Tự do Nhân dân, gọi tắt là PARNAS.

Kasyanov hiện không còn ở Nga, đang suy nghĩ về việc ông chủ cũ của mình đã thay đổi nhiều như thế nào, từ nhà lãnh đạo đã ủng hộ các cải cách trong nội các của mình trong nhiệm kỳ đầu tiên, thành một kẻ độc tài đã xâm lược nước láng giềng và đang đe dọa chiến tranh hạt nhân.

“Ở thời của tôi và thời của Yeltsin, Putin chỉ muốn được nhìn nhận như một nhà dân chủ. Hiện giờ, ông ta là một Putin thực sự, một sĩ quan KGB với một thế giới quan rất khác và hoàn toàn không bình thường”.

“Tôi thậm chí không thể tưởng tượng chúng tôi có thể ra đến nông nỗi như bây giờ.”

6. Hơn 730 người biểu tình Nga bị giam giữ trong các cuộc biểu tình hôm thứ Bẩy

Ba ngày sau khi Putin ra lệnh động viên bán phần, một quyết định đầu tiên của nước này kể từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, hơn 730 người đã bị bắt giữ trên khắp nước Nga trong các cuộc biểu tình phản đối lệnh động viên.

Nhóm giám sát độc lập các cuộc biểu tình OVD-Info cho biết họ đã biết về các vụ giam giữ ở 32 thành phố, từ Saint Petersburg đến Siberia.

Các cuộc biểu tình dù ôn hòa vẫn bị xem là bất hợp pháp theo luật của Nga, luật này cũng cấm mọi hoạt động được coi là bôi nhọ lực lượng vũ trang.

Một tấm biểu ngữ do một phụ nữ ngồi trên xe lăn cầm tại một cuộc biểu tình ở Mạc Tư Khoa có dòng chữ: “Bạn có muốn giống như tôi không?”

Các viên chức cảnh sát Nga đã tỏ ra rất mạnh tay với những người tham dự các cuộc biểu tình. Các phương tiện truyền thông Nga ủng hộ Putin hô hào bắt những người biểu tình phải gia nhập quân đội ngay tức khắc.

7. Dự luật sáp nhập các phần Ukraine do Nga chiếm đóng vào Nga

Hãng thông tấn nhà nước Tass cho biết, Duma, hay Hạ Viện Nga, có thể tranh luận về các dự luật hợp nhất các vùng do Ukraine chiếm đóng vào Nga vào ngày 29 tháng 9.

Mạc Tư Khoa đã tiến hành các cuộc trưng cầu dân ý về việc sáp nhập vào Nga 4 khu vực bị chiếm đóng của Ukraine vào hôm thứ Sáu, thu hút sự lên án từ Kyiv và các quốc gia phương Tây. Họ đã bác bỏ các cuộc bỏ phiếu là một sự giả tạo và cam kết không công nhận kết quả.

Tass dẫn lời Denis Pushilin, người đứng đầu khu vực ly khai Donetsk của Ukraine do Nga hậu thuẫn, nói rằng các ưu tiên của ông sẽ không thay đổi một khi khu vực này là một phần của Nga.

Tass dẫn lời một nguồn tin Duma cho biết Hạ Viện Nga có thể tranh luận về một dự luật về việc sáp nhập các vùng do Nga chiếm đóng vào Ukraine ngay từ thứ Năm, hai ngày sau khi kết thúc cuộc trưng cầu dân ý ở bốn tỉnh của Ukraine.

Cơ quan Interfax dẫn lời một nguồn tin cho biết thượng viện có thể xem xét dự luật cùng ngày, và RIA Novosti, cũng trích dẫn một nguồn tin, cho biết Putin có thể đang chuẩn bị đưa ra một bài phát biểu chính thức cho một phiên họp chung bất thường của cả hai viện vào hôm thứ Sáu tới đây.

Một quan chức ở vùng Luhansk thông báo tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sau hai ngày bỏ phiếu là 45.9% trong khi ở Zaporizhzhia là 35.5%. Việc bỏ phiếu sẽ kết thúc vào thứ Ba.

Theo các phương tiện truyền thông Nga, một luật mới được Putin ký hôm thứ Bảy cho biết quân đội Nga từ chối chiến đấu, đào ngũ, bất tuân lệnh cấp trên hoặc đầu hàng quân Ukraine có thể phải đối mặt với mức án lên đến 10 năm.

Luật này đã được Quốc hội Nga thông qua vào đầu tuần này.