1. Đức Giáo Hoàng giảm lịch trình các hoạt động công khai trong tháng Bảy

Đức Giáo Hoàng sẽ giảm bớt lịch trình hoạt động của mình, nhưng sẽ tiếp tục chào đón công chúng trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật. Lịch nghỉ hè có thể cho phép Đức Giáo Hoàng hồi phục tình trạng đầu gối bị đau. Ngài vẫn cam kết thực hiện một chuyến thăm có tới Canada vào cuối tháng.

Không giống như những người tiền nhiệm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn không rời Rôma trong mùa hè, nhưng thích một lịch trình nhẹ nhàng hơn tại Vatican thay vì đến nghỉ tại dinh thự mùa hè của Đức Giáo Hoàng ở Castel Gandolfo.


Source:Holy See Press Office

2. Tổng thống Georgia đến thăm Vatican để dự buổi hòa nhạc đặc biệt tại nhà nguyện Sistine

Tổng thống Salome Zourabichvili của Georgia đã tham dự một buổi hòa nhạc đặc biệt vào ngày 26 tháng 6 tại nhà nguyện Sistina nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ ngoại giao giữa quốc gia vùng Caucasus này với Tòa thánh. Dàn hợp xướng của Nhà thờ Holy Trinity của Tbilisi đã hát bài thánh ca Chính thống giáo của Georgia.

Nằm ở khu vực Caucasus, quốc gia 4,9 triệu dân này có 83% dân số theo Chính thống giáo và 11% theo Hồi giáo. Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một chuyến tông du ở đó vào năm 2016.

Tổng thống Zourabichvili đã tweet: “Nghe thấy những bài thánh ca của người Georgia trong các bức tường của Nhà nguyện Sistina là một khoảnh khắc xúc động sẽ lưu lại trong sách lịch sử của chúng tôi. Tôi gởi lời biết ơn sâu sắc nhất đến Đức Giáo Hoàng Phanxicô”
Source:Vatican News

3. Đức Thánh Cha lên án hành động dã man của quân Nga tại Ukraine

Hôm thứ Năm vừa qua, như đã làm trong những lần khác, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cáo buộc một cách rõ ràng “tâm lý chinh phục, bành trướng và đế quốc” của người Nga ở Ukraine, và một lần nữa đề cập đến cuộc chiến đang diễn ra mà ngài định nghĩa là một “cuộc xâm lược tàn bạo và vô nghĩa” đã làm thay đổi thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã đưa ra lập trường trên trong một cuộc họp tại nhà trọ Santa Marta với một phái đoàn từ Tòa Thượng Phụ Đại Kết Constantinople đến Rôma tham dự lễ hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, là các vị thánh bảo trợ của Giáo Hội Công Giáo Rôma.

Sau khi cảm ơn sự hiện diện của những người đại diện cho Tòa Thượng Phụ Istanbul trong dịp này, Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng ngày nay, hơn bao giờ hết, sự hòa giải giữa các Kitô hữu – bị tách biệt kể từ cuộc ly giáo năm 1054- là cần thiết, “trong khi thế giới thấy mình bị sốc bởi một chiến tranh xâm lược tàn ác và vô nghĩa, trong đó nhiều Kitô hữu chiến đấu với nhau. Đối mặt với tai tiếng của chiến tranh, trên tất cả, chúng ta không cần phải cân nhắc nhưng phải khóc, giúp đỡ và hoán cải. Chúng ta phải thương tiếc những nạn nhân vì quá nhiều máu đã đổ, vì những cái chết của rất nhiều người vô tội, những đau thương của gia đình, thành phố, của cả một thị trấn: bao đau khổ cho những người đã mất đi những tình cảm yêu quý nhất và buộc phải ra đi.”

Đức Phanxicô cũng kêu gọi “giúp đỡ những anh chị em này: đó là lời kêu gọi bác ái, là những người Kitô hữu, chúng ta phải thực thi trước Chúa Giêsu di cư, nghèo khổ và bị thương”.

Trong một ám chỉ đến Thượng phụ Mạc Tư Khoa, Kirill, người đã chúc lành cho “chiến dịch đặc biệt” của Putin, Đức Thánh Cha nói “chúng ta phải hoán cải để hiểu rằng các cuộc chinh phạt vũ trang, bành trướng và chủ nghĩa đế quốc không liên quan gì đến Vương quốc mà Chúa Giêsu đã công bố, không liên quan gì đến Chúa Phục sinh, Đấng ở vườn Giệtsimani đã yêu cầu các môn đệ từ bỏ bạo lực, bỏ gươm trở lại vị trí của nó 'bởi vì tất cả những người cầm kiếm sẽ chết bởi thanh kiếm'“

Hôm thứ Tư, trong buổi đọc kinh Truyền Tin, nhân lễ hai Thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, Đức Giáo Hoàng đã có những lời lẽ mạnh mẽ lên án những hành vi man rợ của người Nga trong vụ bắn hỏa tiễn tầm xa vào siêu thị ở thành phố Kremenchuk, làm cho ít nhất 20 người chết và 50 người bị thương, 36 người mất tích.

“Mỗi ngày tôi đều mang trong lòng mình đất nước Ukraine thân yêu và đang bị dày vò, nơi tiếp tục bị thiêu rụi bởi những cuộc tấn công man rợ, như vụ tấn công trung tâm mua sắm Kremenchuk. Tôi cầu nguyện rằng cuộc chiến điên rồ này có thể sớm kết thúc, và tôi tiếp tục lời mời gọi kiên trì, không mệt mỏi, trong lời cầu nguyện cho hòa bình: xin Chúa mở ra những con đường đối thoại mà con người không muốn hoặc không thể tìm thấy! Và chúng ta đừng lơ là trong việc cứu trợ người dân Ukraine, những người đang chịu rất nhiều đau khổ.”

Trong suốt cuộc chiến này, Đức Giáo Hoàng đã bị một số người chỉ trích và coi là “người ủng hộ Nga” vì chưa bao giờ đề cập đến Nga và tổng thống của nước này, Vladimir Putin, trong tất cả các diễn từ, với mục đích để ngỏ một kênh đối thoại và hòa giải, như các nguồn tin của Vatican giải thích. Thay vào đó, Tòa thánh, thông qua “bộ trưởng ngoại giao”, Tổng giám mục người Anh Paul Gallagher, đã nói về “sự xâm lược” của Nga đối với Ukraine và ủng hộ sự “toàn vẹn lãnh thổ” của nước này.

Vào giữa tháng 6, Đức Giáo Hoàng cũng ám chỉ Nga là một “siêu cường” muốn “tự áp đặt mình chống lại nguyên tắc tự quyết của các dân tộc”, ở phần đầu Thông điệp cho Ngày Thế giới về Người nghèo lần thứ IV.
Source:La Nacion

3. Đức Tổng Giám Mục Salvatore J. Cordileone: Nhiệm vụ của chúng ta tại Hoa Kỳ thời hậu Roe

Đức Cha Salvatore J. Cordileone, Tổng Giám Mục San Francisco, vừa có bài viết trên tờ First Things, với nhan đề “Our Task in Post-Roe America”, nghĩa là “Nhiệm vụ của chúng ta tại Hoa Kỳ thời hậu Roe”.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Năm 1974, Thẩm phán Harry Blackmun, tác giả của phán quyết Roe kiện Wade, cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng Roe “sẽ được coi là một trong những sai lầm tồi tệ nhất trong lịch sử của tòa án hoặc một trong những quyết định lớn của tòa án”.

Đó là một tiên báo. Hôm thứ Sáu, Tòa án Tối cao đã đảo ngược phán quyết có lẽ là sai lầm lớn nhất của tòa án này từ trước đến nay. Với phán quyết trong vụ Roe kiện Wade, quyền giết người vô tội đã được đưa vào lịch sử hiến pháp của chúng ta. Khi nói đến các quyết định của Tòa án Tối cao thể hiện một sự thiếu tôn trọng đáng ghê tởm đối với phẩm giá bình đẳng của mỗi con người, chỉ có phán quyết trong vụ Dred Scott kiện Sandford mới sánh được với phán quyết Roe về mức độ sai lầm quá sức nghiêm trọng.

Sau nửa thế kỷ, khoảnh khắc mà rất nhiều người trong chúng ta hết lòng hy vọng, làm việc và cầu nguyện, đã đến. Tôi đã bắt đầu cầu nguyện trước các cơ sở phá thai khi tôi được thụ phong linh mục vào năm 1982. Giáo xứ đầu tiên của tôi nằm gần một trong những nhà máy tử thần này, vì vậy bản thân tôi đã làm công việc này vài thập kỷ.

Chúng ta sẽ không phải là con người nếu chúng ta không dành một chút thời gian để vinh danh những anh hùng ủng hộ cuộc sống, những người đã làm việc trong rất nhiều năm để biến điều này thành hiện thực.

Đức Hồng Y John O'Connor đã hô hào các tín hữu và khiển trách các chính trị gia. Cha Richard John Neuhaus đã giúp tạo nên một liên minh những nhà trí thức vượt qua những khác biệt về tôn giáo. Tiến sĩ Bernard Nathanson là một trong nhiều người chuyển đổi sang chính nghĩa phò sinh. Là một người theo chủ nghĩa vô thần, ông đã tự mình thực hiện 5000 vụ phá thai trước khi phản đối việc giết người. Bộ phim Silent Scream của ông đã nhân bản hóa đứa trẻ chưa chào đời trong bụng mẹ và buộc những người ủng hộ việc phá thai phải thừa nhận rằng phá thai là một hành động bạo lực. Tôi biết ơn khi nhớ lại nhiều nhà nữ quyền ủng hộ cuộc sống, những phụ nữ đã lên tiếng nói rằng phá thai không tốt cho phụ nữ và cũng chẳng phải là một cách để thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ.

Một trong số họ là Tiến sĩ Mildred Jefferson, tiền thân của các nhà lãnh đạo ủng hộ cuộc sống ngày nay như Marjorie Dannenfelser, Kristan Hawkins và Lila Rose của chính vùng Vịnh này. Tiến sĩ Jefferson là nữ bác sĩ da đen đầu tiên đến từ Harvard và là giáo sư giải phẫu nổi tiếng tại Trường Y Đại học Boston. Năm 1970, khi Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ từ bỏ Lời thề Hippocrate để tuyên bố rằng phá thai là hợp pháp, bác sĩ Jefferson đã trở thành một nhân vật hàng đầu quốc gia lên tiếng phản đối việc giết chết những đứa trẻ trong bụng mẹ. Sau khi cô xuất hiện trong loạt phim truyền hình công cộng năm 1972 “The Advocates”, Tiến sĩ Jefferson nhận được một lá thư từ một chính trị gia đang nổi của California. Ronald Reagan viết: “Tôi ước tôi có thể nghe được quan điểm của bạn trước khi luật của chúng tôi được thông qua. Bạn đã nói rõ không thể chối cãi rằng phá thai là cướp đi mạng sống của một con người. Tôi biết ơn bạn.”

Trong năm mươi năm, những người ủng hộ cuộc sống đã làm công việc khó khăn để giữ cho lương tâm của quốc gia được tồn tại. Chúng ta biểu tình, chúng ta cầu nguyện trước các phòng khám, chúng ta duy trì các trung tâm trợ giúp mang thai khi các phụ nữ gặp khủng hoảng để giúp phụ nữ lựa chọn cuộc sống, chúng ta tiến hành các khóa tĩnh tâm chữa bệnh cho phụ nữ và nam giới chịu hậu quả của việc phá thai, chúng ta thành lập các tạp chí như Human Life Review để cung cấp kiến thức về vấn đề này. Nhiều người làm việc trong lĩnh vực pháp lý để đưa ra vụ án chính nhằm lật ngược phán quyết Roe kiện Wade. Những người khác cố gắng đào tạo và lựa chọn các thẩm phán, những người sẽ tôn trọng và không làm trái cam kết quốc gia của chúng ta đối với quyền bất khả xâm phạm được sống. Những người được kêu gọi tham gia trong chính trường đã làm việc để bầu ra các tổng thống và các thượng nghị sĩ, là những người sẽ xác nhận các thẩm phán như vậy cho Tòa án tối cao.

Cùng nhau, chúng ta kiên trì. Và hôm nay, thật khó để không cảm thấy như chúng ta vừa chiến thắng.

Nhưng sự thật thì cuộc lật đổ Roe không phải là thắng lợi cuối cùng mà là sự khởi đầu của một chặng đường mới và gian nan hơn về phía trước. Mục tiêu của chúng ta không phải là tạo ra một nền văn hóa nơi phá thai là bất hợp pháp, mà là nơi điều đó là không thể tưởng tượng được. Để làm được điều đó cần có tình yêu thương hy sinh dành cho cả các mẹ những đứa con của họ.

Sẽ có những cuộc biểu tình, đe dọa và náo động. Tôi yêu cầu anh chị em không lùi bước mà hãy nhân đôi cam kết của mình. Trên hết, tôi yêu cầu anh chị em cầu nguyện - bởi vì không có Chúa, chúng ta không thể làm gì được.

Và sau đó, bắt đầu công việc: Hãy gọi cho một trung tâm trợ giúp mang thai địa phương và cam kết quyên góp hàng tháng. Hỗ trợ các nhà lãnh đạo chính trị, những người không chỉ hạn chế phá thai mà còn cung cấp các nguồn lực mới cho các bà mẹ đang gặp khủng hoảng. Tình nguyện đồng hành cùng các bà mẹ đơn thân không chỉ trong thai kỳ, mà còn cả sau này. Ăn chay một ngày mỗi tuần và quyên góp số tiền anh chị em tiết kiệm được cho Tổ chức bác ái Công Giáo hoặc các tổ chức khác cung cấp cho các bà mẹ có nhu cầu. Và những người đàn ông, hãy trả lời tiếng gọi làm cha cho những trẻ mồ côi.

Vào ngày thứ Sáu vừa qua, Tòa án Tối cao đã đảo ngược nửa thế kỷ phân biệt đối xử đối với những người yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất trong chúng ta. Cuối cùng thì chúng ta cũng được tự do để làm việc vì một nền văn hóa phò sinh và tình yêu cho mỗi con người. Hãy bắt đầu ngay hôm nay.https://www.firstthings.com/web-exclusives/2022/06/our-task-in-post-roe-america