Đoá Hoa Thiêng Dâng Lên Chúa Phục Sinh
1. Đêm lễ Phục Sinh, trong các nhà thờ, khi Phụng vụ vừa công bố xong lời “Chúa đã sống lại”, thì nhiều chậu hoa tươi liền được đưa lên cung thánh. Cung thánh trở thành một vườn hoa tươi thơm đẹp, bao quanh bàn thờ rực sáng, làm nên một cảnh tưng bừng, chào mừng Chúa Phục Sinh.
Nay là thế. Còn xưa kia, khi Chúa Giêsu bước ra khỏi mồ, bầu khí vẫn ảm đạm. Nhưng giữa không gian lặng lẽ đó, đã có một đoá hoa sống động chờ đón Chúa. Đoá hoa ấy đơn độc, nhưng giá trị hơn cả một rừng người. Theo tôi, đoá hoa đó là thánh nữ Mađalêna.
Đoá hoa đó rất đẹp. Tất nhiên đẹp nói đây phải hiểu là những giá trị cao quý thuộc lãnh vực đạo đức. Tôi xin được nói lên một số giá trị đó.
2. Trước hết, Mađalêna tôn thờ Chúa bằng những của lễ cao quý riêng tư, vượt xa khuôn khổ cộng đồng.
Thờ Chúa theo khuôn khổ cộng đồng là mình đọc những kinh mà cộng đồng đọc, là mình làm những việc mà cộng đồng làm. Mọi người đều thờ phượng Chúa theo những lễ nghi như nhau, theo những công thức như nhau. Như thế được coi là đủ.
Còn Mađalêna thì khác. Của lễ bà dâng lên Chúa là tất cả tình yêu riêng tư đầy cảm xúc, đầy gắn bó, đầy trung tín và hy sinh. Phúc Âm viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Maria Mađalêna đi đến mộ Chúa” (Ga 20,1) Những người khác không đi. Nhưng bà cứ đi, bất chấp mọi rủi ro. Động lực khiến bà đi đến mộ Chúa Giêsu chính là tình yêu. Đối với bà, Chúa Giêsu là không gian trong lành để thở, là căn nhà bình an để ở, là cột trụ vững bền để tựa. Trong trái tim bà, Chúa Giêsu có một chân dung riêng, mà chỉ mình bà đã cảm nghiệm được. Bà tôn thờ Chúa Giêsu bằng tất cả một tâm hồn được thuyết phục bởi những chân lý cứu độ, mà Chúa đã dành riêng cho bà.
Như thế, mối quan hệ giữa bà và Chúa Giêsu có những gì rất thắm thiết, rất riêng tư, rất sâu thẳm. Đó là một vẻ đẹp thiêng liêng vượt xa khuôn khổ cộng đồng.
Vẻ đẹp đó càng thêm rực sáng, khi tình hình đang trở thành đen tối, vì mọi người lúc ấy xem ra đều xa tránh Chúa. Mặc cho cộng đồng có thái độ loại trừ, Mađalêna vẫn theo tiếng gọi riêng tư, quyết băng qua đêm tối, để đến mộ, với hy vọng ít ra cũng được xức thuốc thơm trên xác Chúa. Đẹp thay những giá trị của tình yêu riêng tư ấy.
3. Trong nếp sống đạo đức cộng đồng, mỗi người dễ trở thành một con số. Người nọ có thể thay thế người kia. Nhưng trong đạo đức cá thể của Mađalêna, tình yêu của bà là một giá trị độc đáo, không gì thay thế được. Phúc Âm viết: “Bà Maria Mađalêna đứng gần bên mộ mà khóc” (Ga 20,11). Giọt nước mắt của bà mang cả một đại dương tình yêu cao cả. Không gì trong cộng đoàn có thể thay thế được giọt nước mắt ấy. Nước mắt ấy quả là một của lễ riêng tư rất đẹp lòng Chúa. Riêng tư, mà vẫn trong cộng đồng.
4. Ngoài ra, Mađalêna còn dâng lên Chúa sự tự do của mình như một sự hiện diện luôn đợi chờ lắng nghe tình yêu Chúa.
Phúc Âm kể: “Đức Giêsu gọi bà ‘Maria’. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: ‘Rapboni!’. Nghĩa là ‘Lạy Thầy’”. (Ga 20,16). Cuộc đối thoại giữa Chúa Phục Sinh và Mađalêna đã bắt đầu một cách đơn giản. Chúa gọi bà bằng chính tên của bà. Bà trả lời Chúa bằng cách gọi Chúa là Thầy. Với câu trả lời rất hồn nhiên, tự phát, Mađalêna muốn xác định mình là người môn đệ hiện diện, sẵn sàng lắng nghe Thầy.
“Lạy Thầy”, có nghĩa là: “Này con đây”. Lời đó, với ý nghĩa đó, diễn tả thái độ quen thuộc của những người được Chúa gọi, còn ghi trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh cũng đã chép về chính Đức Kitô: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con’” (Dt 10,5-7).
Mađalêna, khi nói: Lạy Thầy, thì cũng như nói: Này con đây. Câu trả lời vắn gọn đó thiết tưởng cũng đủ nhắc lại tất cả bài học, mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người. Người môn đệ Chúa là người luôn hiện diện trước Chúa. Nói cách khác, người môn đệ Chúa là người luôn ở trước mặt Chúa, để lắng nghe Chúa, để sẵn sàng thực thi ý Chúa.
Với thái độ ấy, Mađalêna hiến dâng trọn vẹn sự tự do của mình cho Chúa. Nói cho đúng, bà có một sự tự do mới. Bà thoát ra khỏi chính mình, để được hoàn toàn tự do thuộc về Chúa.
Với thái độ “Này con đây” bà nhấn mạnh ưu tiên đến là hơn làm. Bà muốn mình là người môn đệ đích thực của Chúa, luôn sống trước mặt Chúa. Thái độ “Lạy Thầy, này con đây” của Mađalêna đúng là một giá trị cao quý, làm cho Mađalêna trở thành một đoá hoa thơm đẹp, dâng kính Chúa Phục Sinh.
5. Thêm vào những vẻ đẹp trên đây, Mađalêna còn có một vẻ đẹp nữa, đó là chuyển trao ý Chúa cho các tông đồ Chúa, như một người cộng tác khiêm nhường.
Phúc Âm kể lời Chúa Phục Sinh nói với Mađalêna: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,17-18).
Lúc đó, chắc chắn Mađalêna biết rõ tình hình đen tối đã và đang xảy ra có liên quan đến các tông đồ. Có người đã bán Chúa, có người đã chối Chúa, có người đã bỏ Chúa mà trốn. Họ đang sợ hãi. Tình hình như thế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Mađalêna. Cho dù có thể, nhưng khi nghe Chúa Phục Sinh gọi các tông đồ là anh em của Người với những lời rất thân thương, Mađalêna đã hiểu Chúa vẫn dành yêu thương và tin tưởng đặc biệt cho các ngài. Vì thế bà đã rất thông cảm những yếu đuối của các tông đồ. Bà tế nhị chuyển lời của Chúa cho các ngài với tư cách người cộng tác khiêm nhường. Rồi bà âm thầm rút vào bóng tối. Vẻ đẹp của đoá hoa Mađalêna thực là trọn vẹn.
6. Với những suy gẫm trên đây, tôi thấy việc cần làm để đón Chúa Phục Sinh là bản thân mỗi người chúng ta hãy là đoá hoa thiêng thiêng. Mọi thứ hoành tráng bề ngoài có thể sẽ trở thành trống rỗng, nếu bản thân con người chúng ta không là những bông hoa thơm đẹp do những giá trị Phúc Âm.
Tình hình đạo đức lúc này rất cần được đổi mới một cách sâu sắc. Việc đổi mới ấy có thể thực hiện được, với sự góp phần của những đoá hoa Phục Sinh sống động.
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN
1. Đêm lễ Phục Sinh, trong các nhà thờ, khi Phụng vụ vừa công bố xong lời “Chúa đã sống lại”, thì nhiều chậu hoa tươi liền được đưa lên cung thánh. Cung thánh trở thành một vườn hoa tươi thơm đẹp, bao quanh bàn thờ rực sáng, làm nên một cảnh tưng bừng, chào mừng Chúa Phục Sinh.
Nay là thế. Còn xưa kia, khi Chúa Giêsu bước ra khỏi mồ, bầu khí vẫn ảm đạm. Nhưng giữa không gian lặng lẽ đó, đã có một đoá hoa sống động chờ đón Chúa. Đoá hoa ấy đơn độc, nhưng giá trị hơn cả một rừng người. Theo tôi, đoá hoa đó là thánh nữ Mađalêna.
Đoá hoa đó rất đẹp. Tất nhiên đẹp nói đây phải hiểu là những giá trị cao quý thuộc lãnh vực đạo đức. Tôi xin được nói lên một số giá trị đó.
2. Trước hết, Mađalêna tôn thờ Chúa bằng những của lễ cao quý riêng tư, vượt xa khuôn khổ cộng đồng.
Thờ Chúa theo khuôn khổ cộng đồng là mình đọc những kinh mà cộng đồng đọc, là mình làm những việc mà cộng đồng làm. Mọi người đều thờ phượng Chúa theo những lễ nghi như nhau, theo những công thức như nhau. Như thế được coi là đủ.
Còn Mađalêna thì khác. Của lễ bà dâng lên Chúa là tất cả tình yêu riêng tư đầy cảm xúc, đầy gắn bó, đầy trung tín và hy sinh. Phúc Âm viết: “Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, Maria Mađalêna đi đến mộ Chúa” (Ga 20,1) Những người khác không đi. Nhưng bà cứ đi, bất chấp mọi rủi ro. Động lực khiến bà đi đến mộ Chúa Giêsu chính là tình yêu. Đối với bà, Chúa Giêsu là không gian trong lành để thở, là căn nhà bình an để ở, là cột trụ vững bền để tựa. Trong trái tim bà, Chúa Giêsu có một chân dung riêng, mà chỉ mình bà đã cảm nghiệm được. Bà tôn thờ Chúa Giêsu bằng tất cả một tâm hồn được thuyết phục bởi những chân lý cứu độ, mà Chúa đã dành riêng cho bà.
Như thế, mối quan hệ giữa bà và Chúa Giêsu có những gì rất thắm thiết, rất riêng tư, rất sâu thẳm. Đó là một vẻ đẹp thiêng liêng vượt xa khuôn khổ cộng đồng.
Vẻ đẹp đó càng thêm rực sáng, khi tình hình đang trở thành đen tối, vì mọi người lúc ấy xem ra đều xa tránh Chúa. Mặc cho cộng đồng có thái độ loại trừ, Mađalêna vẫn theo tiếng gọi riêng tư, quyết băng qua đêm tối, để đến mộ, với hy vọng ít ra cũng được xức thuốc thơm trên xác Chúa. Đẹp thay những giá trị của tình yêu riêng tư ấy.
3. Trong nếp sống đạo đức cộng đồng, mỗi người dễ trở thành một con số. Người nọ có thể thay thế người kia. Nhưng trong đạo đức cá thể của Mađalêna, tình yêu của bà là một giá trị độc đáo, không gì thay thế được. Phúc Âm viết: “Bà Maria Mađalêna đứng gần bên mộ mà khóc” (Ga 20,11). Giọt nước mắt của bà mang cả một đại dương tình yêu cao cả. Không gì trong cộng đoàn có thể thay thế được giọt nước mắt ấy. Nước mắt ấy quả là một của lễ riêng tư rất đẹp lòng Chúa. Riêng tư, mà vẫn trong cộng đồng.
4. Ngoài ra, Mađalêna còn dâng lên Chúa sự tự do của mình như một sự hiện diện luôn đợi chờ lắng nghe tình yêu Chúa.
Phúc Âm kể: “Đức Giêsu gọi bà ‘Maria’. Bà quay lại và nói bằng tiếng Hípri: ‘Rapboni!’. Nghĩa là ‘Lạy Thầy’”. (Ga 20,16). Cuộc đối thoại giữa Chúa Phục Sinh và Mađalêna đã bắt đầu một cách đơn giản. Chúa gọi bà bằng chính tên của bà. Bà trả lời Chúa bằng cách gọi Chúa là Thầy. Với câu trả lời rất hồn nhiên, tự phát, Mađalêna muốn xác định mình là người môn đệ hiện diện, sẵn sàng lắng nghe Thầy.
“Lạy Thầy”, có nghĩa là: “Này con đây”. Lời đó, với ý nghĩa đó, diễn tả thái độ quen thuộc của những người được Chúa gọi, còn ghi trong Kinh Thánh.
Kinh Thánh cũng đã chép về chính Đức Kitô: “Vì vậy, khi vào trần gian, Đức Kitô nói: ‘Chúa đã không ưa hy lễ và hiến tế, nhưng đã tạo cho con một thân thể. Chúa cũng chẳng thích lễ toàn thiêu và lễ xá tội. Bấy giờ con mới thưa: lạy Thiên Chúa, này con đây, con đến để thực thi ý Ngài, như Sách Thánh đã chép về con’” (Dt 10,5-7).
Mađalêna, khi nói: Lạy Thầy, thì cũng như nói: Này con đây. Câu trả lời vắn gọn đó thiết tưởng cũng đủ nhắc lại tất cả bài học, mà Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ Người. Người môn đệ Chúa là người luôn hiện diện trước Chúa. Nói cách khác, người môn đệ Chúa là người luôn ở trước mặt Chúa, để lắng nghe Chúa, để sẵn sàng thực thi ý Chúa.
Với thái độ ấy, Mađalêna hiến dâng trọn vẹn sự tự do của mình cho Chúa. Nói cho đúng, bà có một sự tự do mới. Bà thoát ra khỏi chính mình, để được hoàn toàn tự do thuộc về Chúa.
Với thái độ “Này con đây” bà nhấn mạnh ưu tiên đến là hơn làm. Bà muốn mình là người môn đệ đích thực của Chúa, luôn sống trước mặt Chúa. Thái độ “Lạy Thầy, này con đây” của Mađalêna đúng là một giá trị cao quý, làm cho Mađalêna trở thành một đoá hoa thơm đẹp, dâng kính Chúa Phục Sinh.
5. Thêm vào những vẻ đẹp trên đây, Mađalêna còn có một vẻ đẹp nữa, đó là chuyển trao ý Chúa cho các tông đồ Chúa, như một người cộng tác khiêm nhường.
Phúc Âm kể lời Chúa Phục Sinh nói với Mađalêna: “Hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em. Bà Maria Mađalêna đi báo cho các môn đệ: Tôi đã thấy Chúa, và bà kể lại những điều Người đã nói với bà” (Ga 20,17-18).
Lúc đó, chắc chắn Mađalêna biết rõ tình hình đen tối đã và đang xảy ra có liên quan đến các tông đồ. Có người đã bán Chúa, có người đã chối Chúa, có người đã bỏ Chúa mà trốn. Họ đang sợ hãi. Tình hình như thế có thể ảnh hưởng tiêu cực đến Mađalêna. Cho dù có thể, nhưng khi nghe Chúa Phục Sinh gọi các tông đồ là anh em của Người với những lời rất thân thương, Mađalêna đã hiểu Chúa vẫn dành yêu thương và tin tưởng đặc biệt cho các ngài. Vì thế bà đã rất thông cảm những yếu đuối của các tông đồ. Bà tế nhị chuyển lời của Chúa cho các ngài với tư cách người cộng tác khiêm nhường. Rồi bà âm thầm rút vào bóng tối. Vẻ đẹp của đoá hoa Mađalêna thực là trọn vẹn.
6. Với những suy gẫm trên đây, tôi thấy việc cần làm để đón Chúa Phục Sinh là bản thân mỗi người chúng ta hãy là đoá hoa thiêng thiêng. Mọi thứ hoành tráng bề ngoài có thể sẽ trở thành trống rỗng, nếu bản thân con người chúng ta không là những bông hoa thơm đẹp do những giá trị Phúc Âm.
Tình hình đạo đức lúc này rất cần được đổi mới một cách sâu sắc. Việc đổi mới ấy có thể thực hiện được, với sự góp phần của những đoá hoa Phục Sinh sống động.
+ Gm. Gioan B BÙI TUẦN