ĐÔI LỜI GIỚI THIỆU

KHÓA ‘XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN’

Trong Tông huấn “Giáo hội tại Châu Á” (1) Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã làm nổi bật những luồng gió mới đang được Chúa Thánh Thần thổi vào trong lòng các dân tộc và các Giáo hội Á châu:

Thánh Thần Thiên Chúa đã luôn hoạt động trong lịch sử Giáo hội Châu Á, hẳn cũng sẽ tiếp tục hướng dẫn Giáo hội ấy. Người ta tìm thấy nhiều yếu tố tích cực nơi các Giáo hội địa phương, mà các Nghị phụ thường lưu ý trong Hội nghị, điều này càng làm chúng ta thêm hy vọng vào «một mùa xuân mới trong đời sống đức tin của Kitô hữu. Một lý do vững chắc cho phép ta hy vọng như thế là càng ngày càng có nhiều giáo dân được huấn luyện tốt hơn, nhiệt tình và đầy ơn Thánh Thần, nhận thức sâu sắc hơn ơn gọi riêng của mình trong cộng đoàn Giáo hội. Trong số đó, các giáo dân giảng viên giáo lý là những người rất đáng cho chúng ta chân nhận và ca ngợi một cách đặc biệt. Các phong trào tông đồ và đặc sủng cũng là một ơn huệ do Chúa Thánh Thần ban cho, đem lại sức sống mới và nghị lực cho công việc đào tạo các giáo dân nam nữ, các gia đình và giới trẻ. Các hiệp hội và các phong trào của Giáo hội nhằm thăng tiến phẩm giá con người và công lý đã giúp làm cho mọi người cảm nhận được tính phổ quát của sứ điệp Tin Mừng: mọi người đều được nhận làm con cái Thiên Chúa (x. Rm 8, 15-6) (2).

Trong những điều mới mẻ mà Chúa Thánh Thần khơi dậy trong lòng các Giáo hội Á châu ngày nay, thì các “Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản” (3) và chứng tá của các Cộng đoàn ấy được các Nghị Phụ Thượng Hội đồng Giám Mục về Châu Á và chính Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đặc biệt đề cao:

Trong bối cảnh ấy và dựa trên kinh nghiệm mục vụ của mình, các Nghị Phụ nhấn mạnh tới giá trị của các Cộng đoàn Giáo hội Cơ bản như một phương thế hữu hiệu để cổ võ mọi người sống hiệp thông và tham gia trong các giáo xứ và giáo phận, và như một sức mạnh thật sự cho công cuộc Loan báo Tin Mừng. Những tập thể nhỏ bé ấy sẽ giúp các tín hữu sống thành những Cộng đoàn Đức Tin, Cầu Nguyện và Yêu Thương như các Kitô hữu đầu tiên (x. Cv 2, 44-47; 4, 32-35). Các tập thể này còn giúp các thành viên sống Tin Mừng trong tinh thần yêu thương huynh đệ và phục vụ, từ đó trở thành điểm khởi hành vững chắc để xây dựng một xã hội mới, biểu hiện một nền Văn Minh Tình Thương. Cùng với Thượng Hội đồng, tôi khuyến khích Giáo hội tại Châu Á, chỗ nào có thể được, hãy coi các Cộng đoàn Cơ bản ấy như một nét tích cực trong công việc Loan báo Tin Mừng của Giáo hội. Nhưng các cộng đoàn ấy chỉ thực sự hữu hiệu, khi biết hiệp thông với Giáo hội địa phương và Giáo hội toàn cầu, hiệp thông từ trong tâm hồn với các vị chủ chăn và huấn quyền của Giáo hội, biết dấn thân cho việc truyền giáo mở rộng, không rơi vào tình trạng cô lập và không để cho một ý thức hệ nào lợi dụng khai thác…” (4).

Thật ra không phải cho đến những năm cuối cùng của thế kỷ XX, Giáo hội Roma mới công khai nhìn nhận giá trị của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Các Cộng đoàn này đã xuất hiện từ thập niên 60 ở khắp các châu lục, nhất là tại Mỹ châu La tinh và Phi châu với các tên gọi khác nhau, và nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của hàng giáo phẩm các nơi. Riêng tại Châu Á thì các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản cũng đã nhiều lần được các tài liệu chính thức của Liên hội đồng Giám mục Á châu (5) nhắc đến. Riêng tại cuộc tọa đàm về các Thừa tác vụ trong Giáo hội (6) được Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức tại Hồng Kông ngày 5 tháng 3 năm 1977, các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản đã được nhắc đến trong phần kết luận của hội nghị, trong đề mục “Phát triển các cộng đoàn Giáo hội cơ bản” từ số 41 đến số 49. Hai số 41 và 42 của tài liệu kể trên cho chúng ta thấy nguyên nhân khiến các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản được hình thành:

41. Tại nhiều nơi ở Á châu ngày nay người ta cảm nhận cách mạnh mẽ hơn nhu cầu thành lập các Cộng đoàn Kitô cơ bản (7) Dân chúng đang cho thấy họ có nhu cầu về một loại cộng đồng xã hội cơ bản qui tụ các thành viên lại với nhau và họ có thể diễn tả mối tương quan liên vị thực sự và cảm nhận mình thuộc về một cộng đoàn. Có nhiều hình thái khác nhau đang phát triển dẫn tới việc làm cho mọi người tham gia trọn vẹn hơn vào đời sống Kitô hữu. Các nhóm này không phải là phương thế duy nhất để tham dự vào đời sống của Giáo hội; nhưng dường như Thánh Thần đang thúc đẩy Giáo hội cách mạnh mẽ đi vào hướng đi này.

42. Các Cộng đoàn Kitô cơ bản này được thành lập để đáp ứng các nhu cầu và các hoàn cảnh như sau:

i. Nhiều khi các cơ cấu hiện hữu của giáo xứ không dẫn tới một đời sống Kitô hữu intensive. Các cơ cấu ấy trở nên bất cập trong việc đáp ứng các nhu cầu ngày càng phát triển của dân Chúa.

ii. Dân quá đông và ở quá rải rác so với số các linh mục có thể thực hiện các thừa tác vụ cho họ.

iii. Dân chúng cần thuộc về một cộng đoàn nào đó và cần sự hỗ trợ, nhất là trong môi trường không Kitô giáo.

iv. Dân chúng muốn có trách nhiệm hơn đối với Giáo hội của mình và có muốn đáp ứng các thừa tác vụ mới để phục vụ các Cộng đoàn Kitô nhỏ.

v. Khẩn trương cần có những chứng tá trong cộng đoàn giữa những cuôc đấu tranh có tính ý thức hệ tại Á châu.


Còn trong Hội nghị quốc tế về Truyền giáo, được Liên Hội đồng Giám mục Á châu tổ chức tại Manila (Philipin) vào đầu 12 năm 1979 (8) đã có cả một cuộc thảo luận tổ về các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và các Thừa tác vụ địa phương, với rất nhiều điều đáng chú ý.

Riêng tôi, tôi thấy mình bị lôi cuốn bởi các “Cộng đoàn Giáo hội cơ bản” từ hồi còn rất trẻ. Trước 1975 tôi đã ra sức xây dựng một vài nhóm Chia sẻ Lời Chúa gồm một số anh chị em lao động Công giáo vùng ven Sàigòn, theo hướng phát triển thành Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Nhưng công việc ấy gặp nhiều khó khăn trong những thập niêm sau 1975. Tháng 6 năm 1995 tôi được có dịp may đi Manila (Philíppin) học ba tuần tại Viện Phát triển Mục vụ (9). Trong ba tuần lễ đó tôi chọn học 3 chủ đề khác nhau hợp với nguyện vọng của mình là: “Xây dựng Cộng đoàn Kitô” tức các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản (10), “Niềm Vui Khám Phá” (11) và “Giảng dạy Lời Chúa” (12). Ngoài ra tôi còn “học ké” một khóa có chủ đề là “Chia sẻ Lời Chúa” (13). Về nước tôi được Linh mục Phụ trách Mục vụ Giới trẻ giáo phận Thành phố mời cộng tác. Chúng tôi mở các Khóa Khám Phá Lời Chúa và Chia Sẻ Lời Chúa song song với nhau, trong nhiều năm liên tục. Năm 1997 tôi lại có dịp trở lại Manila để học khóa “Đào tạo Thừa tác viên Lời Chúa” (14) tại Viện Mục vụ Đông Á (15). Trong khóa học kéo dài 4 tháng này, cũng có một giáo trình về Các cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Ngoài việc học ở Viện, chúng tôi còn được đi tham quan, gặp gỡ, trao đổi học hỏi với nhiều Cộng đoàn Giáo hội cơ bản ở thành phố Quezon và vùng hải cảng Subic. Trong những năm 1999 -2002 tôi tích cực xây dựng các cộng đoàn Khôi Bình (16) theo mô hình các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và thấy rằng: hình thái sinh hoạt cộng đoàn này đóng góp tích cực vào việc canh tân đời sống giáo dân, gia đình và giáo xứ.

Rất tiếc là trong lòng Giáo hội Việt Nam, ngoài các Hội đoàn Công giáo Tiến hành truyền thống như Legio Mariae, Huynh đoàn Đa Minh giáo dân, Huynh đoàn Phan Sinh tại thế, Phạt tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu…. mới chỉ xuất hiện nhiều nhóm tông đồ tự phát như Chia sẻ Lời Chúa hay thăm viếng, cứu trợ, cầu nguyện, chứ chưa có nhiều Cộng đoàn Giáo hội cơ bản. Lý do dễ hiểu là giáo sĩ và giáo dân Việt Nam không có điều kiện để tiếp cận với những tài liệu về các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản này nên không hiểu rõ về các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản và về lợi ích lớn lao về nhiều mặt, nhân sinh và tâm linh, truyền giáo và nội tâm, của các Cộng đoàn ấy. Thậm chí có nhiều người còn nghi ngại về những thay đổi trong cơ cấu hạ tầng giáo xứ nếu như có các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản ấy. Thật ra không phải như vậy.

Sau đây là những điều quan trọng về mục đích, đối tượng, giáo trình và thời gian cần thiết của một Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN.

1. Mục đích của Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN.

Mục đích của Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN chẳng những là giúp các học viên hiểu thế nào là Cộng đoàn Giáo hội cơ bản mà còn là trang bị cho học viên các điều kiện cần thiết về tinh thần, kiến thức, phương pháp và kỹ năng để có thể tổ chức và linh hoạt các Nhóm nhỏ hay các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản trong địa bàn dân cư của mình.

Vì thế, sau khi Khóa kết thúc, các học viên bắt tay vào việc xây dựng các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản tại địa bàn giáo xứ của mình. Và các anh chị nòng cốt của các Nhóm hay Cộng đoàn sẽ sinh hoạt chung với nhau một tháng một lần, để thông tin và chia sẻ với nhau những kết quả và khó khăn của mỗi Nhóm hay Cộng đoàn.

2. Đối tượng tức học viên của Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN.

Đối tượng số một của Khóa: là những anh chị em giáo dân nòng cốt của các giáo họ hay giáo khu, các hội đoàn tông đồ, các giới, các ban mục vụ giáo xứ và Hội đồng Mục vụ Giáo xứ.

Đối tượng thứ hai của Khóa: là những giáo dân thành tâm thiện chí, muốn thăng tiến đời sống Đức Tin một cách chủ động, và muốn thể hiện một cách sâu sắc và cụ thể các chiều kích hiệp thông, cộng đoàn, liên đới, san sẻ….. của đời sống Kitô giáo.

3. Giáo trình Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN gồm 16 đề tài:

Đề tài I: Thế nào là một Cộng đoàn Giáo hội cơ bản?

Đề tài II: Nguyên nhân xuất hiện và tầm quan trọng của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài III: Nền tảng Thánh Kinh và Giáo hội học của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài IV: Mô hình mẫu của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài V: Lời Chúa là trung tâm đời sống của các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài VI: Phương pháp đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện (Lectio Divina) trong các Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài VII: Ý nghĩa của việc chia sẻ Lời Chúa.

Đề tài VIII: Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp 7 bước trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài IX: Chia sẻ Lời Chúa theo phương pháp xem-xét-làm trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài X: Khám phá Lời Chúa theo tiến trình 6 bước trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài XI: Sống và xây dựng tình huynh đệ Phúc Am trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài XII: Dấn thân Giáo hội và xã hội của Cộng đoàn Giáo hội cơ bản trong địa bàn giáo xứ và dân cư.

Đề tài XIII: Vai trò của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài XIV: Phẩm chất của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản.

Đề tài XV: Kỹ năng thứ nhất của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản: hướng dẫn một buổi cầu nguyện.

Đề tài XVI: Kỹ năng thứ hai của các linh hoạt viên trong Cộng đoàn Giáo hội cơ bản: điều hành một buổi họp thành công.

Ghi chú: Các đề tài VI, VIII, IX, X, XV, XVI ngoài giờ trình bày lý thuyết, cần có thêm hai ba buổi thực tập.

4. Thời gian cần thiết cho Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN.

Khóa XÂY DỰNG CÁC CỘNG ĐOÀN GIÁO HỘI CƠ BẢN gồm16 đề tài sẽ được trình bày và thực tập trong vòng 30-32 buổi học (tức 60-64 tiết học). Có thể tổ chức hoặc mỗi tuần một hay hai buổi học, mỗi buổi 90 phút hoặc tổ chức vào các đợt cuối tuần: chiều thứ bẩy, sáng hoặc chiều chúa nhật, tùy tình hình của giáo xứ.

Ngày 26 tháng 05 năm 2003

Chú Thích

(1) Tiếng La tinh là Ecclesia in Asia viết tắt là EA; tiếng Việt là Tông huấn Giáo hội tại châu Á.

(2) Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 9.

(3) Tiếng Anh là Basic Ecclesial Communities, viết tắt là BEC.

(4) Tông huấn Giáo hội tại Châu Á, số 25.

(5) Tiếng Anh là Federation of Asian Bishops Conferences viết tắt là FABC.

(6) Asian Colloquium on Ministries in the Church, Gaudencio Rosales D.D. & C.G. Arévalo, S.J., For all the peoples of Asia, vol 1, Claretian Publications, trang 76.

(7) Tiếng Anh là Basic Christian Communities, viết tắt là BCC.

(8) Đọc International Congress on Mission, Workshop V: Basic Christian Communities and Local Ministries, Gaudencio Rosales D.D. & C.G. Arévalo, S.J., For all the peoples of Asia, vol 1, Claretian Publications, trang 148-152.

(9) Tiếng Anh là Institute for Pastoral Development, viết tắt là IPD.

(10) Tiếng Anh là Building Christian Community, viết tắt là BCC.

(11) Tiếng Anh là Joy of Discovery in Bible study, viết tắt là JOD.

(12) Tiếng Anh là Teaching the Word of God, viết tắt là TWD.

(13) Tiếng Anh là Gospel Sharing, viết tắt là GS.

(14) Tiếng Anh là Ministers of the Word Training Course, viết tắt là MWTC.

(15) Tiếng Anh là East Asian Pastoral Institute, viết tắt là EAPI.

(16) Tiếng Anh là The Catholic Kolping Society là một hội đoàn công giáo mang tính xã hội, xuất phát từ nước Đức, do Chân Phước Adolf Kolping sáng lập cách nay hơn 100 năm.