SỰ SỤP ĐỔ CỦA NỀN VĂN HÓA KITÔ GIÁO TÂY PHƯƠNG

Đức Hồng Y Raymond Leo Burke, D.D., J.C.D.
Nguyên Tổng Giám Mục Giáo Phận Saint Louis (Hoa Kỳ)
Đương Kim Chánh Án Toà Án Tối Cao


Bài thuyết trình trước Tổng Hội Sinh Viên Công Giáo Úc Đại Lợi của ĐHY Burke vào ngày 20 tháng 02 năm 2011 có thể coi như một sự khai triển ý tưởng của Đức Giáo Hoàng (ĐGH) Biển Đức XVI trong cuốn sách ngài viết một thời gian ngắn trước khi lên ngôi Giáo Hoàng: “Christianity and The Crisis of Cultures” (Kitô giáo và cuộc khủng hoảng của các nền văn hoá) do Ignatius xuất bản vào năm 2006 (bản dịch từ nguyên tác bằng tiếng Ý: “L’Europa di Benedetto nella crisi delle culture,” do Edizioni Cantagalli, Siena, xuất bản năm 2005).

Câu trả lời mà Đức đương kim Giáo Hoàng đề xướng nhằm đáp lại chủ nghĩa duy thế tục có xu hướng hư vô hoá tất cả mọi sự đang tràn ngập trời Âu và phương Tây không phải là chính trị, mà là một canh tân thiêng liêng, tương tự như cuộc canh tân mà Thánh Biển Đức và các anh em trong Dòng đã thực hiện và cống hiến cho một Âu Châu sa sút bên bờ vực thẳm của cuộc sập đổ văn hóa vào thời của ngài. Đó là cuộc canh tân phối hợp sự thánh thiện với tình yêu dành cho chân lý. Phải chăng vì muốn đi theo đường lối canh tân này mà ĐHY Giuse Ratzinger khi lên ngôi Giáo Hoàng đã chọn danh hiệu Biển Đức XVI? Cuộc canh tân với trọng tâm là đời sống thánh thiện, nếu cần thì sẽ được minh chứng bằng tử đạo anh hùng, chính là Chương Trình Hành Động của trào lưu Tân Phúc Âm Hóa được khai sáng bởi Đức Đáng Kính--sắp bước lên hàng Chân Phước—là Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Điều này cũng được ĐHY Burke khai triển--nhất là trong phần “Sống Thánh và Chứng Tá cho Sự Thật về Dục Tính Con Người “ và “Lương Tâm như Hướng Dẫn Viên cho việc sống thánh”—sau khi đã vạch ra bối cảnh, lý do và các dấu chỉ suy đồi của một phương Tây văn minh một thời vì đã từng thấm đẫm tinh thần văn hóa Công Giáo.

Xin cống hiến bạn đọc bản lược dịch bài thuyết trình rất đáng lưu ý này. Xin xem “The Fall of the Christian West” theo địa chỉ sau đây: www.catholicculture.org/culture/library/view.cfm?recnum=9567

Bối Cảnh Hiện Tại: Sự Suy Đồi của Kitô Giáo Tây Phương

Trong diễn từ Giáng Sinh 2010 gửi đến Hồng Y Đoàn, Hội Đồng Tư Vấn Rôma và toàn thể ban lãnh đạo Vatican, ĐGH Biển Đức XVI đã nói rất mạnh và rõ ràng về tình trạng luân lý quá bất trật tự của thế giới hôm nay. Đó là những tội ác nghiêm trọng của thời đại, tỉ như việc hàng giáo sĩ lạm dụng tính dục đối với trẻ em, việc tiếp thị tranh ảnh khoả thân trẻ em, kỹ nghệ du lịch tình dục, và việc thậm lạm dụng các chất kích thích.

Đó là chưa kể đến những tội cực kỳ nặng nề khác như tệ nạn phá thai, việc “bán sỉ” các thai nhi còn trong bụng mẹ, dưới chiêu bài thực thi quyền tự quyết tự chọn của người mẹ trước việc cho đứa con mình đã cưu mang được hay không được ra đời. Càng ngày ta càng thấy những vụ sản sinh ngụy tạo hay tiêu diệt mạng sống con người, khi còn trong tình trạng phôi thai, nấp dưới danh nghĩa truy tầm phương cách chữa trị các bệnh nan y. Tôi không thể không nói tới việc “từ tâm giết hại” những vị xứng đáng được chúng ta chăm sóc hơn hết, đó là quý cụ vì tuổi già sức yếu, mắc phải những căn bệnh hiểm nghèo và có những nhu cầu đặc biệt. Đáng tiếc là việc giết hại các cụ lại được biện minh bằng chiêu bài “tôn trọng phẩm chất đời sống” các cụ. Ta cũng cần nói đến nỗ lực ngày càng gia tăng của những người muốn tái định nghĩa đời sống hôn nhân và gia đình, bao gồm việc kết hợp đồng tính, được biện minh bằng hoả mù “chấp nhận các hình thức tính dục khác của con người,” coi đó như là một hình thức tính dục chân chính của con người, bên cạnh hình thức mà chính Thiên Chúa Tạo Hoá và Cứu Chuộc đã hoạch định qua việc ghi khắc nó ngay trong thân thể và linh hồn chúng ta.

ĐGH Biển Đức XVI đã gọi những tội lỗi nặng nề đang bủa vây thế giới hôm nay là những dấu chỉ của “nền độc tài đang làm băng hoại con người.” Tất cả đều phát xuất từ một sự hiểu lầm về tự do, một thứ hiểu lầm chết người, gây phương hại cho tự do và rốt cục tiêu hủy luôn tự do đó.” Nói theo từ ngữ của Đấng Đáng Kính--sắp sửa thành Chân Phước GH Gioan Phaolô II—thì đó là biểu thị của lối sống “y như thể Thiên Chúa không hề hiện hữu.”

Tự gốc rễ, đó chính là lòng kiêu căng, sự ngạo mạn của con người không hề biết nhìn nhận rằng tất cả bản thân mình, tất cả những gì mình có, đều đến từ bàn tay Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng nên ta và cứu chuộc ta, sau khi nguyên tổ loài người đã phạm tội. Đó là biểu thị của sự điên rồ khi đi tìm tự do bên ngoài thánh ý Chúa và tự làm cho mình trở thành nô lệ của tạo vật. Sự điên rồ này hiển hiện một cách tuyệt vọng trong một nền văn hóa “nghiện ngập,” trong đó ta đi tìm tự do và hạnh phúc nơi tạo vật. Khi không tìm thấy ở đó, trong sự kiêu căng cố hữu, thay vì tìm về vâng phục Thiên Chúa, ta lại dấn bước đi sâu thêm vào kiếp nô lệ tạo vật, như nghiện rượu, ăn uống thái quá, tìm kiếm khoái cảm tính dục hoặc nhìn ngắm tranh ảnh khoả thân, cho đến khi bị chính tạo vật tiêu diệt chúng ta.

Diễn từ Giáng Sinh năm ngoái của ĐGH Biển Đức XVI gợi nhớ lại mối ưu tư mục vụ rất day dứt mà ngài đã bộc lộ qua bài giảng trong Thánh Lễ nhân dịp tuyển chọn vị tân Giáo Hoàng, được cử hành cùng toàn thể Cơ Mật Viện (đã tuyển chọn ngài lên ngôi kế vị Thánh Phêrô). Ngài nói đến “tư tưởng của nhiều Kitô hữu” đã bị xô giạt bởi muôn vàn “luồng ý thức hệ” của thời đại. Ngài nhận xét rằng chúng ta đang chứng kiến những “trò bịp bợm của những kẻ giảo quyệt khéo dùng mưu ma chước quỷ để làm cho kẻ khác lầm đường,” điều mà Thánh Phaolô đã viết trong thư Êphêsô 4:14. Ngài ghi nhận rằng, trong thời đại hôm nay, những ai sống theo “một niềm tin trong sáng dựa trên lời Tuyên Tín của Hội Thánh” đều bị coi là cực đoan, trong khi những kẻ đi theo chủ nghĩa duy tương đối—nghĩa là để mình bị “đánh trôi giạt bởi các chiều gió đạo lý”—thì lại được xiển dương. Khi đề cập đến ngọn nguồn tội ác luân lý nặng nề, ngài đã kết luận rằng: “Chúng ta đang dựng xây một nền độc tài của chủ nghĩa duy tương đối vốn không hề thừa nhận một điều gì là kiên vững bởi mục tiêu tối hậu của chủ thuyết đó chỉ tập chú vào ‘cái tôi’ và những khát vọng của nó.”

Những ý thức hệ nền tảng đưa đến sự suy đồi

Cũng trong diễn từ Giáng Sinh 2010, khi suy tư về những tội ác tầy trời đang tàn phá từng cá nhân cho đến toàn xã hội, và đã sản sinh ra một nền văn hóa mang đậm chất bạo lực và chết chóc, ĐGH đã nhắc nhở rằng, với ơn Chúa trợ giúp, nếu chúng ta muốn thắng vượt những thứ tội ác của thời đại này, thì “phải chú ý đến những nền tảng ý thức hệ đưa đến sự suy đồi hôm nay.” Ngài đã vạch mặt chỉ tên: đó là sự đồi bại của ethos, của quy tắc luân lý, vốn đã len lỏi cả vào trong tư tưởng của một số nhà thần học của Hội Thánh.

Khi nói đến những biểu thị gây choáng váng của thứ ý thức hệ luân lý chủ trương rằng việc người lớn lạm dụng tình dục trẻ em là một điều tốt cho các em và cho cả người lớn nữa, ĐGH đã nói: “Ngay trong lãnh vực thần học của Hội Thánh cũng có chủ trương rằng: không hề có điều gì tự nó tốt hay tự nó xấu; chỉ có cái “tốt hơn” hay “xấu hơn” mà thôi. Không có gì tự thân tốt hay tự thân xấu. Mọi sự đều tùy thuộc hoàn cảnh và mục tiêu nhắm đến. Bất cứ cái gì cũng có thể tốt hay xấu, tùy theo mục tiêu và hoàn cảnh. Luân lý tính được thay thế bởi bài toán lấy hậu quả làm đáp số, và thế là chấm dứt luân lý tính.”

Đức đương kim GH còn mô tả chủ nghĩa duy tương đối, được nền thần học luân lý gọi là chủ nghĩa duy tương xứng hay duy hậu quả, vốn tạo ra sự rối loạn sâu xa và sai lạc rõ rệt đối với các chân lý nền tảng nhất của luật luân lý. Nó đưa đến một tình trạng trong đó chính luân lý tính rốt cuộc đã “tắt thở.” Vì vậy, nếu muốn phục hưng trật tự luân lý vốn bất khả thay thế--bởi vì đó chính là đường lối tự do và hạnh phúc của ta—thì nhất thiết phải vạch ra cho thật rõ và thật đanh thép cái sai lạc của chủ nghĩa duy tương đối, duy tương xứng, và duy hậu quả về luân lý, đang thấm sâu vào nền văn hóa chúng ta, và nhất là đang len lỏi cả vào trong Hội Thánh, như ĐGH đã nhắc nhở.

Để đương đầu với thứ ý thức hệ đó, ĐGH đã thúc bách chúng ta nghiên cứu học hỏi lại giáo huấn của vị tiền nhiệm ngài là đấng Đáng Kính, sắp sửa lên bậc Chân Phước, là ĐGH Gioan Phaolô II, trong Thông Điệp Veritatis Splendor, nói về “Các Nền Tảng Giáo Huấn Luân Lý của Hội Thánh.” Trong Thông Điệp này, ĐGH Gioan Phaolô II, nói theo lời của ĐGH Biển Đức XVI, đã “vạch ra một cách rất tiên tri chính những nền tảng căn cốt và thường tồn của hành động luân lý trong truyền thống lớn lao và hợp lý của ethos Kitô giáo.” Khi nhắc nhở ta về sự cần thiết phải đào luyện lương tâm, phù hợp với giáo huấn luân lý Hội Thánh, ĐGH đã lưu ý tới “trách nhiệm của ta là gióng lên cho người thời đại nghe thấy, và giải thích cho họ hiểu thấu, những tiêu chuẩn này, tức là những nền tảng luân lý, như là những đường lối làm người chân chính, trong mối ưu tư hằn sâu về con người hôm nay.” Trong lời khuyến dụ của ĐGH Biển Đức XVI, ta nhin thấy rõ đức ái mục vụ sâu xa nhất của vị Đại Diện Chuá Kitô trên trần gian, đức ái của Chúa Kitô Mục Tử Nhân Lành, đức ái vô biên và không ngừng nghỉ.

Lý trí và Đức Tin trong việc Thấu Hiểu các Nguyên Tắc Luân Lý Khách Quan

Cũng trong Diễn Từ Giáng Sinh viện dẫn, ĐGH nhắc lại cuộc “giáp mặt với thế giới văn hóa Điện Westminster,” trong chuyến tông du Vương Quốc Anh, nhân dịp này ngài suy tư về “chỗ đứng thích đáng của niềm tin tôn gíáo trong tiến trình chính trị.” Khởi hứng từ gương Thánh Thomas More, ngài đề cập thẳng đến “các nền tảng đạo đức của công luận.” Ngài diễn giải cách hiểu Công giáo về vấn đề này như sau: “Vấn nạn trọng yếu là thế này: Tìm đâu ra nền tảng đạo đức của các lựa chọn chính trị? Truyền thống Công giáo chủ trương rằng—dù không xét đến nội dung mạc khải—lý trí con người vẫn có khả năng thấu hiểu được các quy tắc khách quan vốn điều hướng hành động đúng đắn. Theo lối hiểu này, vai trò của tôn giáo trong việc tranh luận chính trị không phải là cung ứng các quy tắc này, như thể người không tin thì không thể hiểu biết—càng không phải là đề xướng các giải pháp chính trị, vốn nằm ngoài lãnh vực tôn giáo—mà là giúp thanh luyện và soi sáng việc sử dụng lý trí để khám phá ra các nguyên tắc luân lý khách quan.”

ĐGH Biển Đức XVI cũng ghi nhận rằng vai trò tôn giáo trong công luận “không phải lúc nào cũng được đón nhận,’ vì nhiều lý do, bao gồm cả “các hình thức tôn giáo đã bị bóp méo, tỉ như chủ nghĩa bè phái và bảo thủ cực đoan.”

Tuy nhiên, ngài cũng ghi nhận rằng những kiểu bóp méo như thế không hề biện minh cho việc loại trừ tôn giáo ra khỏi công luận, bởi vì chính “lý trí cũng có thể là nạn nhân của sự bóp méo, khi nó bị nhào nặn bởi ý thức hệ, hoặc khi bị áp dụng một cách phiến diện không đếm xỉa gì đến nhân phẩm.” Điều cần thiết thực sự chính là mối tương quan đúng đắn giữa đức tin và lý trí. ĐGH kết luận: “Chính vì vậy mà thế giới của lý trí và thế giới của đức tin--thế giới của lý tính trần tục và thế giới của niềm tin tôn giáo--phải cần đến nhau, không ngại đi vào đối thoại sâu xa và liên tục vì thiện ích của nền văn minh chúng ta.”

Ngài tiếp: “Tôn giáo không phải là một vấn đề mà giới luật gia phải giải quyết, mà là một thành tố quan trọng cho việc đối thoại cấp quốc gia. Vì vai trò bất khả thay thế của tôn giáo trong đời sống công cộng, ĐGH bầy tỏ “mối ưu tư về xu hướng đang đẩy lùi tôn giáo, nhất là Kitô giáo, ra bên lề, điều này đang xẩy ra không phải chỉ trong một khu vực giới hạn nào đó, mà ngay tại các quốc gia vốn đặt nặng trọng tâm nơi sự khoan dung.” Những lời sau đây của ĐGH trước việc loại bỏ tôn giáo ra khỏi khu vực công cộng cho thấy sự phi lý và thói đồi trụy luân lý của trật tự công cộng khi biểu tỏ sự bất kính đối với vai trò đúng đắn của tôn giáo: “Có những người muốn dập tắt tiếng nói của tôn giáo, hoặc ít là đẩy tôn giáo vào trong phạm vi riêng tư, cá nhân. Đó là những kẻ cho rằng cử hành công khai ngày lễ Giáng Sinh chẳng hạn, sẽ xúc phạm đến những người thuộc các tôn giáo khác, hay những ai không theo một tín ngưỡng nào. Lại còn có những kẻ chủ trương--nghịch với ý hướng loại trừ sự phận biệt đối xử--rằng những Kitô hữu, trong đời sống công cộng, đôi khi phải bị bó buộc hành động trái với lương tâm mình. Đây là những dấu chỉ đáng lo ngại về việc thiếu tôn trọng, không phải chỉ đối với quyền lợi của người tín hữu trước tự do lương tâm và tự do tín ngưỡng, mà còn thiếu tôn trọng cả vai trò chính đáng của tôn giáo trong khu vực công cộng.” ĐGH Biển Đức kết luận bằng việc kêu gọi bảo vệ và nuôi dưỡng mối tương quan tốt đẹp giữa lý trí và đức tin, cốt yếu nhằm đến công ích, hay thiện ích của cả xã hội. Trong diễn từ Giáng Sinh 2010, khi gợi nhớ diễn văn tại Điện Westminster, ĐGH đã kết thúc bằng những lời lẽ khẩn thiết này: “Sự đồng thuận luân lý căn bản đến từ gia sản Kitô giáo này đang bị đe dọa khi lý tính thuần túy mang tính cách dụng cụ vừa đề cập đến đã tước đoạt mất vị trí của lý luận luân lý. Sự thật là nó làm cho lý trí đui mù không nhìn thấy điều cốt yếu. Việc chống lại lối triệt tiêu lý trí này, cũng như cố gắng bảo vệ khả năng của lý trí trong việc nhận diện điều cốt tủy, nhìn ra Thiên Chúa và con người, nhận biết điều thiện hảo và chân thật, chính là mối quan tâm chung nối kết tất cả mọi người thành tâm thiện chí. Chính tương lai của thế giới đang lâm nguy.”

Lời kêu gọi của ĐGH thật sự khẩn thiết trước nguy cơ sa sút của nền văn hóa Kitô giáo Tây phương bằng cách đem nguồn chân lý căn bản của luật luân lý vào trong công luận, như lý trí và đức tin Công giáo đã dậy ta.

Trong Thông Điệp Caritas in Veritate (CiV), ĐGH Biển Đức đã nói đến cùng mối ưu tư này qua đề tài phát triển nhân loại, khi ngài cho thấy sự nguy hại gây ra cho xã hội nói chung, khi tôn giáo bị trừ khử ra khỏi công luận. Ngài mô tả hậu quả tai hại cho xã hội đến từ hai thái cực, một bên là việc loại trừ tôn giáo, một bên là chủ nghĩa bảo thủ tôn giáo, như sau:“ Việc phủ nhận quyền tuyên xưng đức tin nơi công cộng và quyền đem ra thực hành những chân lý đức tin tác động trên đời sống công cộng, sẽ mang theo những hậu quả tiêu cực cho việc phát triển đích thực. Việc loại bỏ tôn giáo ra khỏi bình diện công cộng – và ở một cực đoan khác là chủ trương bảo thủ cực đoan – sẽ ngăn cản việc gặp gỡ giữa con người và sự cộng tác của họ cho sự tiến triển nhân loại. Đời sống công cộng sẽ nghèo nàn và chính trị sẽ mang bộ mặt đàn áp và gây hấn. Nhân quyền sẽ gặp nguy hiểm vì không còn được tôn trọng, hoặc vì nền tảng siêu việt của nhân quyền bị cướp mất hay vì sự tự do của con người không được công nhận. Cả chủ thuyết thế tục hóa lẫn chủ trương bảo thủ cực đoan đều làm cho con người mất khả năng có được một sự đối thoại đầy hiệu năng và sự cộng tác đầy thắng lợi giữa lý trí và niềm tin tôn giáo. Lý trí luôn cần được đức tin thanh luyện, điều này cũng áp dụng cho lý trí chính trị, thứ lý trí này không được phép cho mình là toàn năng. Mặt khác, tôn giáo cũng cần để lý trí thanh luyện, để có thể bày tỏ khuôn mặt mang tính nhân bản đích thực. Sự đổ vỡ cuộc đối thoại này phải trả một giá đắt cho sự phát triển nhân loại.” (CiV, số 56)

Chỉ khi nào phục hồi được lòng tôn trọng mối tương quan cốt yếu giữa đức tin và lý trí, ta mới có được niềm hy vọng về tương lai của một nền văn hóa, nếu không thì chỉ còn lại sự suy đồi.

Là thành phần của Hội Thánh Công giáo, ta khám phá ra mối tương quan chân thật giữa đức tin và lý trí, ý niệm chân chính về ethos, về quy tắc luân lý, nơi Chúa Giêsu Kitô, trong mối giao hảo cá nhân với Ngài khi Ngài đến gặp gỡ ta và làm cho ta càng nên một với Ngài hơn trong Nhiệm Thể Ngài là Hội Thánh. Trong Chúa Giêsu Kitô, là Chúa Con đã nhập thể, thiên đàng đã đến với trần gian nhằm phá tan bóng tối lầm lạc và tội lỗi, và đổ tràn tâm hồn ta bằng nguồn ánh sáng chân lý và thiện hảo. Nếu ta sống trong Ngài, đem trái tim ta hòa nhập với Thánh Tâm Ngài, thì khi các anh chị em của ta đây đang lạc bước trong một thế giới không tưởng của chủ nghĩa duy tương đối về luân lý, và đang chênh vênh bên bờ thất vọng mà gặp được ta, họ sẽ như tìm được hướng đi cho đời mình và ấp ủ được niềm hy vọng mình đang ngóng trông. Sống trong Chúa Giêsu Kitô, sống theo chân lý mà chỉ một mình Ngài đã giáo huấn ta trong Hội Thánh, ta sẽ trở thành ánh sáng xua tan đi bóng tối hỗn loạn và lầm lạc đang hướng đến vô vàn những sự ác luân lý tầy trời trong thời đại hôm nay, và nhờ thế, ta có thể khơi lên một nguồn sống mới, theo đường chân lý và mang dấu ấn của tự do và hạnh phúc.

04/12/2011

Nguyễn Kim Ngân