PHỤ LỤC 1: TIẾN TRÌNH THÀNH LẬP HỘI ĐỒNG MỤC VỤ



TRẦN VĂN CẢNH

NHẬP ĐỀ

Từ khi được thành lập vào năm 1947 cho đến năm 1983, với những biến chuyển thăng trầm, Giáo Xứ Việt Nam Paris là một thực thể tôn giáo Việt Nam ở Paris. Trong suốt thời gian hiện hữu trên 40 năm ấy, Giáo Xứ luôn luôn có một Ban Giám Đốc (BGĐ), đại diện giáo quyền để giúp đỡ giáo dân về mặt tinh thần và tôn giáo. Tất cả mọi hoạt động đều do khả năng và nhiệt tình của Ban Giám Đốc, với sự cộng tác riêng rẽ của một số giáo dân, hay của một vài hội đoàn, chứ chưa hề bao giờ được thống nhất và điều hợp theo một qui chế hoặc một tổ chức chung. Nhu cầu cần có một Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV), do đó, là một điều cần thiết. Nhưng hoàn cảnh đặc biệt của Ba-lê, vì là trung tâm văn hóa, tôn giáo và chính trị quan trọng, vì có nhiều khuynh hướng đối chọi nhau, việc tạo lập một Hội Đồng Mục Vụ vẫn chỉ là một ước mơ. Đã có nhiều lần, những Ban Giám Đốc tiên nhiệm đã toan tính lập Hội Đồng Mục Vụ bao gồm linh mục và giáo dân, nhưng chưa lần nào, những toan tính tốt đẹp ấy đã được thể hiện kết quả, bởi có quá nhiều khó khăn.

Nhưng những khó khăn này, nhờ ơn Chúa và với sự chuẩn bị cũng như đóng góp một cách tích cực và có phương pháp của Ban Giám Đốc cũng như của Cộng Đoàn, Cộng Đoàn công giáo Việt Nam Paris đã khắc phục được, và kể từ ngày 30.10.1983, một Hội Đồng Mục Vụ, một Ban Thường Vụ (BTV) của Hội Đồng Mục Vụ và một Ban Cố Vấn (BCV) đã chính thức được các đại diện các Đơn Vị Mục Vụ (ĐVMV) gồm đại diện của các Hội Đoàn Mục Vụ và đại diện của các Địa Điểm Mục Vụ thành lập. Rồi ngày 11.12.1983, giáo quyền địa phương, là Tòa Tổng Giám Mục Ba-Lê đã chính thức công nhận Hội Đồng Mục Vụ, Ban Thường Vụ và Ban Cố Vấn, qua sự hiện diện và chúc lành của đức cha Michel COLONI, giám mục phụ tá tổng giáo phận Ba-lê, đặc trách Ngoại Kiều Vụ.

Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ được nội quy xác định một cách vắn tắt rằng: 'Hội Đồng Mục Vụ là một cơ quan gồm những giáo dân được tuyển chọn để tích cực cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ trong việc xây dựng cộng đoàn về các phạm vi: tôn giáo, văn hoá, xã hội, tài chính'. Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ sẽ được nhìn ra rõ hơn khi thấy được tiến trình theo đó Hội Đồng Mục Vụ đã được thành lập.

Tổ chức được HĐMV là kết tinh của nhiều cố gắng và thiện chí. Những cố gắng ấy đã trải qua ba chặng đường, cũng là ba giai đoạn trong quá trình của HĐMV: giai đoạn chuẩn bị, giai đoạn phôi thai và giai đoạn sinh hoạt chính thức đầu tiên. (1)

1. GIAI ĐOẠN CHUẨN BỊ

Việc chuẩn bị có thể là chuẩn bị xa, có thể là chuẩn bị gần. Chuẩn bị xa thì chắc chắn là HĐMV hôm nay đã được chuẩn bị từ ngày cộng đoàn Việt Nam được thành lập tại Ba-lê, do những việc mà cộng đoàn và các Ban Giám Đốc (BGĐ) tiền nhiệm đã thực hiện. Chuẩn bị gần thì chắc chắn là từ ngày cha Mai Đức Vinh được bổ nhiệm làm giám đốc giáo xứ năm 1980 và do những hoạt động của BGĐ vào lúc đó, trong đó, sinh hoạt của các nhóm công giáo tiến hành đóng một vai trò không nhỏ.

Các BGĐ tiền nhiệm chẳng những đã góp phần chuẩn bị thành lập, mà một số hiện còn cộng tác với BTV của HĐMV hiện nay. Tôi có ý nói đến cha Trần Thanh Giản, một trong những khuôn mặt của các cha cựu giám đốc. Trong những năm 80, ngài vẫn hàng tháng đi họp với BTV của HĐMV mới thành lập, với tính cách là cố vấn và vẫn thường xuyên tích cực góp sức vào nhiều hoạt động khác. Cha Toán cũng vậy. Còn nói đến việc chuẩn bị thì công lao của các BGĐ tiên nhiệm là việc không thể chối cãi. Không kể việc duy trì và phát triển Đoàn Sinh Viên Công Giáo, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Đạo Binh Đức Mẹ,... một vài vị giám đốc tiên nhiệm đã rõ rệt muốn lập HĐMV. Năm 1977, cha Trương Đình Hoè đã triệu tập một phiên họp Trí Thức Công Giáo để bàn về vấn đề này. Trước đó, cha Toán và sau đó, cha Hoàng cũng đã có những ý định tương tự.

Nhưng cha Vinh mới thực là người đã trực tiếp chuẩn bị thiết lập HĐMV. Nếu trí nhớ tôi có thể tin được thì vào những năm 1979, 1980, cha Vinh đã nói truyện với tôi về vấn đề này. Lúc vừa nhận trách nhiệm giám đốc, hai vấn đề mà cha Vinh đã thông cảm với tôi và chắc chắn với nhiều người khác nữa, là làm sao để cho cộng đoàn được có tổ chức hơn, nói khác đi, làm sao thiết lập được HĐMV và làm sao tạo cho cộng đoàn một cơ sở thích hợp hơn. Tôi nhớ, lúc đó chúng tôi đàm đạo nhiều về những căn bản thần học, pháp lý, pháp lý đời cũng như pháp lý đạo, của HĐMV. Có lẽ có hai lý do khiến chúng tôi đề cập nhiều về vấn đề này. Thứ nhất vì đó là một vấn đề rất được cha Vinh lưu ý. Một trong hai luận án tiến sĩ mà cha đã đệ trình tại Roma là luận án 'Thần học mục vụ'. Luận án này đề cập đến 'Ban hành giáo tại các họ đạo ở Việt Nam'. Lý do thứ hai vì đó là đề tài thời sự công giáo cho những năm 79, 80. Tôi nhớ lúc đó đã đọc một số tài liệu của đức thánh cha về vấn đề HĐMV này.

Ngoài sự đóng góp của các Ban Giám Đốc tiền nhiệm, sự góp phần của các Hội Đoàn Công Giáo Tiến Hành vào việc thành lập Hội Đồng Mục Vụ cũng thật là quan trọng. Cái khéo của cha Vinh là ở chỗ đó. Ý thì đến từ cha, nhưng cha làm thế nào để ý đó được ý thức và được phát biểu nơi giáo dân. Sau nhiều xáo trộn và ồn ào, với những dư luận mà nhiều kẻ xấu miệng đã tung ra, không mấy hấp dẫn cho Giáo Xứ, nhiều địa điểm mục vụ lúc đó đã cảm thấy nhu cầu cần có một tổ chức để bảo tồn giáo xứ, để cộng tác với các cha. Sau một thời gian làm việc riêng rẽ, nhiều hội đoàn công giáo tiến hành đã cảm thấy nhu cầu cần có một cơ cấu để thống nhất các hoạt động. Những hội đoàn mà tôi đã từng tham dự, như nhóm Cầu Nguyện, nhóm Emmau, nhóm Ca đoàn, nhóm Thần Học Giáo Dân,... tất cả đều ý thức đến những nhu cầu mà tôi vừa nêu trên: nhu cầu sinh tồn, nhu cầu có tổ chức, nhu cầu thống nhất, nhu cầu cộng tác. Một khi nhu cầu đã được ý thức, việc thực hiện trở thành dễ dàng.

2. GIAI ĐOẠN PHÔI THAI

Sau thời gian chuẩn bị, một loạt các hoạt động phôi thai đã được thực hiện. Tôi muốn nói đến việc thành lập và phát triển các hội đoàn, việc lập bản nội quy và việc bầu Ban Thường Vụ. Tất cả những hoạt động này đều được thực hiện trong một giai đoạn mà tôi mạn phép đặt tên là giai đoạn phôi thai của HĐMV.

Có nhiều ý kiến về HĐMV, nhưng ý kiến hay hơn cả có lẽ là ý kiến, theo đó, HĐMV phải được tạo thành do các cán bộ công giáo tiến hành, và đặc biệt là các cán bộ đang tại chức, đang làm việc.

Đơn vị mục vụ gồm các địa điểm mục vụ và các hội đoàn mục vụ. Thực ra thì trong thời gian này, từ khoảng 1981 đến 1983, Cộng Đoàn Công Giáo Ba-lê đã không lập thêm được một địa điểm mục vụ nào mới, mà chỉ lập được một số hội đoàn mục vụ mới. Nhưng ngay cả với những đơn vị đã hiện hữu, làm thế nào để mỗi đơn vị đều có được một ban đại diện không phải là một việc dễ. Lập được một ban đại diện, nhưng chính thức hoá và làm sao cho ban đại diện ấy được công nhận cũng là một việc không dễ khác, cần phải được thực hiện.

Từ việc thành lập đại diện của các đơn vị mục vụ sang việc lập HĐMV, đó không phải là việc đương nhiên! Vì còn hai trở ngại lớn, trở ngại tâm lý và trở ngại pháp lý. Trở ngại tâm lý, tôi có ý nói đến việc hiểu biết nhau, việc làm việc chung với nhau. Hội đồng là nơi mà các đại diện làm việc chung với nhau. Làm thế nào họ có thể làm việc chung, nếu họ không biết có những ai. Do đó, việc đầu tiên phải làm là tạo dịp để các đại diện gặp gỡ và thông cảm nhau, nếu không nói là nhận diện nhau. Dĩ nhiên, lễ chủ nhật là dịp để họ nhận diện nhau, một vài hoạt động đặc biệt, như hai ngày thân hữu, cũng là dịp khác để họ làm việc chung với nhau. Những việc này đã được lưu ý. Nhưng, tổ chức một vài buổi họp để họ ngồi chung lại với nhau, cũng là một việc khác phải làm. Đó là lý do đã có những buổi họp rộng lớn vào năm 1983, đặc biệt là buổi họp đầu tiên, sôi nổi, hào hứng, vào ngày 27.02.1983.

Khó khăn thứ hai là khó khăn pháp lý, hay đúng hơn, có tính cách pháp lý. Dùng từ pháp lý thì hơi to. Vì đơn giản, nó là một bản văn qui định mục tiêu, thành phần, tổ chức, sinh hoạt của HĐMV, mà chúng ta có thể gọi là nội quy đơn giản. Đây là việc căn bản của bất cứ một tổ chức nào, huống hồ là của một tổ chức to lớn và phức tạp như Giáo Xứ Việt Nam Paris. Hai buổi đại hội đã được triệu tập, dành riêng cho việc này, đặc biệt là đại hội ngày 10.04.1983.

Có thể nói được rằng bản nội quy hiện nay là cô đọng ý kiến của tất cả các đại diện của tất cả các đơn vị mục vụ. Tôi nhớ, hồi đó, cha Vinh và tôi đã làm việc nhiều cho bản nội quy này. Chúng tôi đã phải viết đi viết lại đến ba lần. Lần thứ nhất, xong vào ngày 27.02.1983, sau khi đã cân nhắc từng chữ, từng câu, từng khoản, và đã so sánh với các bản nội quy khác của các ban hành giáo ở Việt Nam. Đại hội ngày 27.03.1983 đã sửa một số điều. Chúng tôi đã ngồi lại với nhau hai ngày để viết một bản mới, sửa theo những tiêu chuẩn mà đại hội đã đề ra. Bản thứ hai này đã được đại hội ngày 10.04.1983 nghiên cứu rất kỹ lưỡng: một số câu và chữ đã được sửa lại nữa. Chúng tôi lại phải ngồi lại viết bản thứ ba, để đệ trình vào đại hội ngày 30.10.1983. Lần này, đại hội đã chấp nhận toàn thể bản nội quy. Đó là bản nội quy đang được áp dụng hiện nay, với một vài tu chính do các đại hội ngày 23/06/1985, 13.12.1992, 12.10.1997 và 09.12.2001.

Còn một cơ quan quan trọng của HĐMV chưa được thành lập, đó là Ban Thường Vụ của HĐMV. Các thành viên của HĐMV là các đại diện của các đơn vị mục vụ, đã có. Nhưng các đại diện đông đảo quá, và mỗi lần tổ chức một phiên họp, thật là khó. Vả nữa, ai sẽ là người giải quyết các vấn đề thường ngày? Đó là vấn đề quan trọng phải được thực hiện. Qua một ngày đại hội rất sôi nổi, ngày 30.10 ?1983, một Ban Thường Vụ tiên khởi đã được bầu ra. Yếu tố cuối cùng, nhưng quan trọng nhất, đã được hoàn tất. Từ đây, cụ thể mà nói, ta có thể bảo HĐMV đã được thành lập.

3. GIAI ĐOẠN SINH HOẠT CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN 1983-1985

Tổ chức của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris là một tổ chức công giáo, trong đó, yếu tố pháp lý dân cử là quan trọng, nhưng không phải là quyết định. Sự quyết định đòi phải có sự hiệp thông của Giáo Hội địa phương, mà giám mục là đại diện chính thức. Báo Dân Chúa, số tháng 12/1985 có đăng bài của cha Phan Tấn Thành, nói rõ về điều này như sau: "Tiếng hiệp thông nhấn mạnh đến các yếu tố nội tại tạo nên Giáo Hội. Các phần tử Giáo Hội đã được gắn bó với nhau, không phải bằng các cơ chế luật lệ bề ngoài, nhưng bằng các sợi dây liên kết bên trong. Tất cả các phần tử gắn bó với nhau vì cùng chia sẻ một gia sản chung, một sức sống chung, một vận mạng chung. Sự hiệp thông trong cộng đồng địa phương đòi hỏi sự hiệp thông với giám mục".

Tôi vừa dùng chữ 'cụ thể mà nói', chứ không dám dùng chữ 'chính thức mà nói', vì BTV cũng như HĐMV chưa chính thức được giáo quyền địa phương công nhận. Phải đợi tới ngày 11.12.1983, khi đức cha Michel COLONI, giám mục phụ tá Paris, thay mặt đức hồng y J.M. LUSTIGER, đến Giáo Xứ, chủ lễ ra mắt của BTV, cũng như của HĐMV, ngày đó HĐMV mới chính thức được thành lập. Và từ đó, ta có thể nói rằng HĐMV đã bước vào giai đoạn thứ ba, giai đoạn sinh hoạt chính thức đàu tiên.

Từ ngày chính thức được công nhận, HĐMV tiên khởi đã làm được gì trong hai năm 1983-1985?

Trong bản phúc trình cho đại hội ngày 23.06.1985, đăng trong báo Giáo Xứ số 16 (2), ông chủ tịch BTV-HĐMV đã trả lời vấn đề này. Phần tôi, tôi gợi lại vài yếu tố góp phần trả lời, cũng đã được đăng trong Báo Giáo Xứ số 11, ngày 01.12.1985 (3), và sửa lại đôi chút.

Sau hai năm sinh hoạt, HĐMV đã làm được gì? Để trả lời câu hỏi này, người hời hợt và phiến diện sẽ nông nổi nói ngay rằng 'Chưa được gì cả, chưa xây được nhà thờ, chưa gây được quỹ'. Trả lời như vậy tức là chối bỏ cái quỹ xây nhà thờ là to lớn, cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cần có kế hoạch, cần hiểu biết về pháp luật và giáo luật đến chi tiết, cần quản trị nghiêm chỉnh. Một gia đình, nhất là một gia đình trẻ, tay trắng, muốn mua một căn nhà, và mua chịu, cũng còn cần phải làm một kế hoạch tiết kiệm năm năm. Huống hồ việc gây quỹ cho một cộng đoàn, một quỹ to, đủ để xây một nhà thờ, có phải một sớm một chiều, một năm một tháng mà làm được đâu.

Người khác lại trả lời rằng: 'Được nhiều việc lắm: ra được báo, xây được sân xi-măng, giúp các cha tổ chức được hai ngày thân hữu, giúp các cha tổ chức được những lễ lạc lớn,...' Câu trả lời này cũng hời hợt và nhất diện không kém gì câu trả lời trên. Như chúng ta vừa thấy ở trên, HĐMV này là HĐMV tiên khởi của cộng đoàn Giáo Xứ Việt Nam Paris, một cộng đoàn có nhiều vấn đề đa tạp cần giải quyết, và sự hiện diện ở đây có lẽ còn kéo dài thế hệ này qua thế hệ nọ.

Bởi vậy, tiêu chuẩn đầu tiên cần đặt ra là hỏi xem HĐMV có ý thức được sứ mệnh của mình và những vấn đề phải được giải quyết không. Không dám nói rằng HĐMV đã ý thức hoàn toàn được những vấn đề của cộng đoàn, nhưng có những dấu chỉ để bảo rằng HĐMV đã có thiện chí muốn nhận định những vấn đề ấy. Năm đề tài được đưa ra để thảo luận trong đại hội mục vụ ngày 17.06.984, liên hệ đến năm việc quan trọng của cộng đoàn: 1. sự sinh tồn của cộng đoàn, 2. điều kiện phát triển cộng đoàn, 3. sứ mệnh tôn giáo và văn hoá của cộng đoàn, 4. tạo dựng cơ sở cho cộng đoàn, 5. những phương pháp gây quỹ cho cộng đoàn, là một biểu lộ của thiện chí ấy.

Tiêu chuẩn thứ hai cần đưa ra là hỏi xem "cách làm việc của HĐMV có phương pháp không?" Để trả lời câu hỏi này, cần phải nhìn xem BTV và HĐMV làm việc thế nào. Ở điểm này, tôi xin mô tả cách làm việc của HĐMV như sau: BTV đã tạo được một sinh hoạt đều đặn là buổi họp hàng tháng; Các giải pháp được đưa ra, các quyết định được lựa chọn, tất cả đều phải được BGĐ, người trách nhiệm thực sự về tinh thần của cộng đoàn chấp nhận; Tháng nào BTV và BCV cũng giữ được phiên họp hàng tháng này với sự chủ toạ của cha Giám Đốc, và sự trao đổi trong các phiên họp tương đối hào hứng và đa số tích cực. Riêng Đại Hội Mục Vụ thì nhiệm kỳ vừa qua chỉ tổ chức được hai lần. Đó cũng là lý do khiến việc tiếp sức với các đơn vị mục vụ chưa được dồi dào cho lắm.

Cũng ở trong phương pháp làm việc, đại để cách thức sau đây đã được BTV và BCV áp dụng để giải quyết các vấn đề. Trước nhất, nhận định vấn đề. Nếu là vấn đề ngắn hạn cần được giải quyết ngay, thì nhận định xem có nên làm hay không, nên làm thế nào. Rồi phân công, rồi thực hiện. Nếu là vấn đề dài hạn, trường kỳ và phức tạp, thì mổ xẻ sự cần thiết, điều kiện pháp luật, khả năng có thể và kế hoạch thực hiện. Nhiều khi, sau một chuỗi làm việc, ở giai đoạn kế hoạch, một vài khó khăn mới lại nảy ra, đôi khi lại là những khó khăn ngoài khả năng, việc thực hiện lại được xét lại. Đại để đó là hai điều chính yếu trong phương pháp làm việc hiện nay của BTV - HĐMV. Cái giá trị của phương pháp ấy ra sao, tôi xin nhường lời cho mọi người phê phán.

Tiêu chuẩn thứ ba cần đưa ra là hỏi xem "HĐMV có đã tìm ra được những giải đáp tương ứng với những vấn đề của cộng đoàn chưa?". Câu hỏi này tương đối tế nhị, vì sứ mệnh của HĐMV chỉ là cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ, chứ không bao giờ được vượt quyền của ban này. Dĩ nhiên điều này không có nghĩa là HĐMV chỉ thụ động đoàn, đặc biệt là những vấn đề có tính cách tâm lý xã hội, như vấn đề đoàn kết, vấn đề tin tưởng, vấn đề tương trợ. Muốn đoàn kết các thành phần của cộng đoàn, đâu phải chỉ có một giải đáp chung, hữu hiệu cho hết mọi người, đâu phải chỉ cần làm một lúc. Nhưng phải linh động và thích ứng, tùy người và liên tục.

Kết luận

Như vậy là HĐMV đã đi được một chặng đường dài? Quãng đường còn lại phải đi còn nhiều việc phải làm và còn nhiều khó khăn phải vượt qua? Câu hỏi này gồm ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất: HĐMV đã đi được một quãng đường dài? Dài được bao nhiêu, tôi không dám xác định. Tôi chỉ dám nói rằng HĐMV đã đi được một quãng đường. Quãng đường còn lại chắc chắn là dài lắm. Vấn đề thứ hai liên hệ đến những việc sẽ phải làm. Về điểm này, xin mọi người tin tưởng vào BGĐ, HĐMV, BCV và BTV. Quí vị là những người sáng suốt, chắc chắn đã, đang và sẽ nhìn ra những việc phải làm. Không ở trong HĐMV, nhiều khi mình tưởng việc này phải làm gấp, có thể làm ngay. Nhưng ở trong HĐMV, hiểu biết cụ thể về khả năng của cộng đoàn, về nhu cầu của cộng đoàn, một cái nhìn khác lại nảy ra. Còn vấn đề thứ ba liên hệ đến các khó khăn, có lẽ khó khăn lớn nhất là phương tiện: phương tiện tài chánh, phương tiện thời giờ, phương tiện nhân sự. Xin Chúa dàn xếp, để thiện chí chúng ta được đền bù phần nào cho những khó khăn về phương tiện.

Ghi chú

(1) Nguyễn thi minh Phượng; ‘Ba giai đoạn lịch sử HĐMV, phỏng vấn GS Cảnh’; trong báo Giáo Xứ Việt Nam, số 20, ngày 01/01/1986.

(2) Phan Quang; Phúc trình của ông Chủ Tịch BTV-HÐMV; trong báo Giáo Xứ Việt Nam, số 16, ngày 01.07.1985, trang 14-17

(3) Trần Văn Cảnh; tuổi đầu đời của Hội Ðồng Mục Vụ; trong báo Giáo Xứ Việt Nam, số 11, 01.02.1985, trang 30-32.



PHỤ LỤC 2: HÌNH THÀNH VÀ TU CHÍNH NỘI QUY HỘI ĐỒNG MỤC VỤ (1983-2007)



LÊ ĐÌNH THÔNG

Trong Năm Hồng Ân 2007, Giáo Xứ kỷ niệm Kim Khánh 60 thành lập Giáo Xứ và ngân khánh 25 năm thành lập Hội Đồng Mục Vụ: Lễ vàng Giáo Xứ cũng là Lễ bạc Hội Đồng Mục Vụ. Trong cuốn Kỷ Yếu 50 Năm Thành Lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris (trang 11) ghi rõ điều lệ của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam được hàng Giáo phẩm duyệt y ngày 1 tháng 10 năm 1947. Thời điểm này đánh dấu ngày cộng đoàn chính thức thành lập.

Cách đây 25 năm máy điện toán và máy in chưa phổ cập như ngày nay. Giáo Xứ phát hành bản tin hàng tuần đánh máy chữ, in ronéo với số lượng hạn chế. Trong số 255 phát hành ngày chủ nhật 9 tháng 10 năm 1983 đăng bài ''Hội Đồng Mục Vụ'', của cha giám đốc Mai Đức Vinh như sau:

''Trong bộ Giáo Luật mới của Giáo Hội, được công bố ngày 25.1.1981 có hiệu lực từ 27.11.1983 quy định: Tùy theo sự phán đoán của đức giám mục giáo phận và ý kiến của Hội Đồng Linh Mục, nếu có thể được, trong mỗi xứ đạo nên thiết lập Hội Đồng Mục Vụ''.

''Vẫn theo quy luật và ước muốn của Giáo Hội, cộng đoàn chúng ta, sau gần một năm chuẩn bị và hơn một tháng phổ biến nội quy, sẽ thành lập Hội Đồng Mục Vụ trước Mùa Vọng năm nay, được tổ chức vào chủ nhật 30.10.1983. Thời điểm này đánh dấu sự thành lập Hội Đồng Mục Vụ tại Giáo Xứ.''

Chủ nhật 11.12.1983, đức cha Michel Coloni, giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Paris đại diện đức hồng y Tổng Giám mục Jean-Marie Lustiger đến Giáo Xứ chuẩn nhận việc thành lập Hội Đồng Mục Vụ của cộng đoàn Giáo Xứ. Chủ nhật 30.12.2007, đức cha Michel Pollien, giám mục phụ tá Tổng Giáo phận Paris đại diện đức hồng y Tổng Giám Mục André Vingt-Trois cử hành thánh lễ Tạ Ơn bế mạc Năm Hồng Ân, mừng 25 Hội Đồng Mục Vụ.

Như vậy là Giáo Xứ tuân thủ điều 511 đến 514, chương V của Giáo Luật (Codex iuris canonici) có hiệu lực từ Mùa Vọng 1983 thành lập Hội Đồng Mục Vụ, đáp ứng nhu cầu mục vụ sau năm 36 thành lập (1947-1983). Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ (1983) cùng tuổi với việc áp dụng các quy định của Giáo Luật về HĐMV (1983) chứng tỏ Giáo Xứ luôn hiệp thông với Giáo Hội hoàn vũ và Tổng Giáo phận Paris.

Văn bản đầu tiên của Hội Đồng Mục Vụ có tên là Nội Quy Đơn Giản gồm 5 chương và 10 điều, có hiệu lực từ 30.10.1983. Theo quá trình phát triển của Giáo Xứ, bản Nội Quy Đơn Giản đã được tu chính 6 lần:

- Tu chính lần I: Đại Hội Mục Vụ ngày 20.06.1985.

- Tu chính lần II: Đại Hội Mục Vụ ngày 13.12.1992.

- Tu chính lần III: Cha Giám đốc và Ban Thường Vụ ngày 12.10.1997

- Tu chính lần IV: Đại Hội Mục Vụ ngày 09.12.2001.

- Tuchinh lần V: Đại Hội Mục Vụ ngày 17.06.2007.

Khoảng cách (intervalle) giữa:

- Nội quy 1 và 2 là 7 năm

- Nội quy 2 và 3 là 5 năm

- Nội quy 3 và 4 là 4 năm

- Nội quy 4 và 5 là 6 năm

Mỗi lần tu chính đánh dấu một giai đoạn phát triển của Giáo Xứ:

- 1985 đánh dấu sự tăng trưởng về số lượng, từ 28 thành viên HĐMV tăng lên 66 thành viên (+ 135%)

- 1992: tăng 76 thành viên (+ 15%)

- 1997: 50 năm thành lập Giáo Xứ. Cha giám đốc Mai Đức Vinh căn cứ vào điều 10, chương V Nội Quy lưu nhiệm Ban Thường Vụ.

- 2001: tăng số thành viên Ban Thường Vụ lên 12. Thêm các ủy viên Phụng vụ Thánh ca, Ủy viên Thiếu niên, Ủy viên Thông tin và Liên lạc và Ủy viên Văn hóa.

- 2007: 60 năm thành lập Giáo Xứ và 25 năm thành lập Hội Đồng Mục Vụ, đức ông giám đốc Mai Đức Vinh căn cứ vào điều 10, chương V nội quy lưu nhiệm Ban Thường Vụ.

Việc đối chiếu giữa hai ban thường vụ nhiệm kỳ 1 (1983) và nhiệm kỳ 10 (2007) và hai bản nội quy cho thấy tiến trình thành lập và tu chính Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam vùng Paris.

I. BAN THƯỜNG VỤ NHIỆM KỲ 1 (1983) VÀ NHIỆM KỲ 10 (2007)

A) Nhiệm kỳ 1 (1983-1985)

Chủ tịch: Ô. Phan Quang

Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo:Ô. Nguyễn Văn Hộ

Phó chủ tịch đặc trách xã hội: Ô. Louis Trần

Phó chủ tịch đặc trách văn hóa tuổi trẻ: Ô. Võ Phước Thiện

Thư ký: Ô. Trần Văn Cảnh

Phó Thư ký: B. Tạ Thanh Minh Khánh

Chánh Thủ quỹ: B. Nguyễn Đình Thái

Phó Thủ quỹ: Ô. Nguyễn Tiến Đạt

B) Nhiệm kỳ 10 (2004-2007)

Chủ tịch: Ô. Phanxicô Lê Đình Thông

Phó chủ tịch: Ô.Antôn Bùi Trọng Khang

Tổng Thư ký: Ô. Giuse Trần Khắc Đạt

Phó Thư ký: B. Céceline Trần Kim Chi

Ủy viên Tôn giáo: C. Marie Thérèse Nguyễn Mỹ Phước

Ủy viên Cơ sở: Ô. Giuse Nguyễn Văn Thơm

Ủy viên Tài Chánh: Ô. Giuse Ngô Triệu Hùng

Ủy viên Thiếu Niên: A. Phanxicô Nguyễn Nhaty.

Ủy Viên Thanh Niên: Ô. Gioan Võ Thành Nhân

Ủy Viên Phụng Vụ và Thánh Ca: C. Élisabeth Thérèse Huỳnh Anh Thư

Ủy Viên Văn Hóa: Ô. Toma Nguyễn Minh Đức.

Ủy viên Thông Tin Liên Lạc: Ô. Michel Nguyễn Anh Hải

Thành phần Ban Thường Vụ nhiệm kỳ 1 và nhiệm kỳ 10 có một số khác biệt như sau:

• Nhiệm kỳ 1: không đặt ra chức vụ ủy viên.

• Nhiệm kỳ 10: 8 ủy viên chuyên trách.

Khác biệt chính: Nhiệm kỳ I chú trọng về cơ cấu (structurel). Nhiệm kỳ 10 chú trọng đến công tác mục vụ (opérationnel).

• Nhiệm kỳ 1: 2/9 phụ nữ (22%).

• Nhiệm kỳ 10: 3/12 phụ nữ (25%).

Khác biệt chính: Ngay từ nhiệm kỳ I đã chú trọng về vai trò của phụ nữ trong cộng đoàn. Nhiệm kỳ 10 triển khai sự quan tâm này, tỷ lệ tăng + 0,8 %.

• Nhiệm kỳ 1: họp hai tháng một lần.

• Nhiệm kỳ 10: họp mỗi chủ nhật đầu tháng (từ 9 giờ đến 11 giờ).

Khác biệt chính: Việc tăng số lần họp minh chứng sự gia tăng các sinh hoạt mục vụ trong cộng đoàn.

• Nhiệm kỳ 1 có sáng kiến triển khai nhiều sinh hoạt mục vụ đến nay vẫn còn tiếp tục (Tiệc Xuân Thân Hữu, Hội Yểm Trợ Ơn Gọi).

• Nhiệm kỳ 10 triển khai mục vụ tu đức và phụng vụ (tĩnh tâm hàng năm), phụng vụ thánh ca (tổ chức họp mặt ca đoàn, canh thức cầu nguyện), xây dựng (công tác trùng tu và bảo tồn cơ sở), văn hóa (sinh hoạt văn nghệ trong Đại Hội Mục Vụ) v.v…

II - NỘI QUY ĐỐI CHIẾU

Chúng tôi in lại toàn văn Nội quy Đơn giản (1983) và Nội quy hiện hành (áp dụng từ 2001).

A) NỘI QUY ĐƠN GIẢN (1983)

CHƯƠNG I: MỤC ĐÍCH VÀ THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Điều 1 - Mục đích Hội Đồng Mục Vụ

HĐMV là một cơ quan gồm những giáo dân được tuyển chọn để tích cực cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ trong việc xây dựng cộng đoàn về các phạm vi: tôn giáo, văn hóa, xã hội và tài chính.

Điều 2 - Thành phần HĐMV:

Hội Đồng Mục Vụ gồm hai thành phần sau đây:

a) Ban Thường vụ HĐMV

b) Các đại diện những đơn vị mục vụ.

Điều 3 - Ban Cố Vấn HĐMV

Hội Đồng Mục Vụ có một ban cố vấn gồm những vị do Ban Giám Đốc Giáo Xứ và Ban Thường Vụ Hội Đồng Mục vụ tùy nghi thỉnh mời để tham khảo ý kiến trong những vấn đề quan trọng của cộng đoàn. Ban này đứng ngoài HĐMV.

CHƯƠNG II: NHÂN VIÊN VÀ TRÁCH NHIỆM CỦA TỪNG THÀNH PHẦN HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Điều 4: Ban thường vụ và Hội đồng Mục vụ

Ban Thường Vụ HĐMV là ban trách nhiệm của HĐMV để thường xử mọi công vụ liên hệ. Ban Thường Vụ HĐMV gồm những nhân viên với những trách nhiệm liên hệ sau đây:

a) Chủ tịch:

- chịu trách nhiệm tổng quát về HĐMV trước Ban Giám Đốc Giáo Xứ và Cộng Đoàn

- đôn đốc các sinh hoạt chung của cộng đoàn

- triệu tập, chủ tọa, điều khiển các phiên họp của HĐMV.

b) Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo và mục vụ:

- cộng tác với chủ tịch và Ban Thường Vụ trong mọi vấn đề liên hệ.

- đặc biệt cộng tác với vị hữu trách trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ về các vấn đề tôn giáo mục vụ.

c) Phó chủ tịch đặc trách văn hóa:

- cộng tác với chủ tịch và Ban Thường Vụ trong mọi vấn đề liên hệ

- đặc biệt cộng tác với vị hữu trách trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ về các vấn đề văn hóa và tuổi trẻ.

d) Phó chủ tịch đặc trách xã hội:

- cộng tác với chủ tịch và Ban Thường Vụ trong mọi vấn đề liên hệ.

- Đặc biệt cộng tác với vị hữu trách trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ về các vấn đề xã hội

Thư ký và phó thư ký:

- Tổ chức văn phòng HĐMV. Soạn thảo chương trình và làm biên bản cho các phiên họp của HĐMV.

- Soạn thảo và giữ các văn thư.

- Thông báo cho các thành phần của cộng đoàn khi cần.

Thủ quỹ và phó thủ quỹ

- Cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ trong các vấn đề liên hệ đến việc tạo dựng, bảo trì tài sản và chi thu ngân quỹ của cộng đoàn.

Điều 5: Các đại diện những đơn vị mục vụ

Các đại diện những đơn vị mục vụ là những người có trách nhiệm tại các đơn vị mục vụ và được đề cử đại diện cho đơn vị trong HĐMV. Mỗi địa điểm mục vụ, mỗi hội đoàn, mỗi ban, mỗi nhóm đều là một đơn vị mục vụ.

Đại diện địa điểm mục vụ:

Mỗi nơi Ban Giam Đốc Giáo Xứ có thể qui tụ giáo dân để thường xuyên dâng lễ là một địa điểm mục vụ của cộng đoàn. Mỗi địa điểm có thể đề cử từ 1 đến 3 đại diện vào HĐMV tùy theo sự quyết định của linh mục trách nhiệm địa điểm. Riêng Paris, địa điểm mục vụ chính của cộng đoàn có 5 đại diện trong HĐMV.

Đại diện các đoàn, các ban hay các nhóm: Mỗi đoàn, mỗi ban hay mỗi nhóm công giáo tiến hành sinh hoạt trong cộng đoàn và cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ và Ban Thường Vụ HĐMV trong công việc mục vụ đều được cử một đại diện vào HĐMV.

Nhiệm vụ của mỗi đại diện đơn vị mục vụ:

Cộng tác với Ban Giám Đốc Giáo Xứ trong phạm vi sinh hoạt riêng của đơn vị.

Tham gia các phiên họp mục vụ do Ban Thường Vụ triệu tập.

Phổ biến và thi hành trong phạm vi đơn vị những quyết định của HĐMV.

CHƯƠNG III: TUYỂN CHỌN VÀ NHIỆM KỲ HĐMV

Điều 6: Tuyển chọn vào HĐMV

Việc tuyển chọn vào mỗi thanh phần của HĐMV được quyết định như sau:

Vào Ban Thường Vụ: Các nhân viên của Ban Thường Vụ HĐMV sẽ được các đại diện đơn vị mục vụ bầu bằng phiếu kín trên các ứng cử viên hay những người được đề cử. Chỉ các đại diện những đơn vị mục vụ mới được quyền ứng cử hoặc được đề cử.

Vào các đại diện những đơn vị mục vụ:

Các đại diện của các địa điểm mục vụ hoặc sẽ được Ban Giám Đốc Giáo Xứ đề cử rồi giới thiệu với địa điểm hoặc sẽ được bầu cử trong mỗi địa điểm.

Đại diện của các đoàn, các ban hay các nhóm sẽ tùy đoàn, ban hay nhóm qui định.

Điều 7: Nhiệm kỳ của HĐMV

Nhiệm kỳ của thành phần của HĐMV được qui định như sau:

Ban thường vụ: nhiệm kỳ của Ban Thường Vụ là hai năm, tái cử tối đa 3 lần.

Các đại diện những đơn vị mục vụ: nhiệm kỳ của các đại diện những đơn vị mục vụ là hai năm, tái cử nhiều lần.

CHƯƠNG IV: NHÓM HỌP

Điều 8: Nhóm họp

Có ba loại nhóm họp sau đây:

Họp thường kỳ cho Ban Thường Vụ và cho HĐMV

Ban Thường Vụ họp thường kỳ hai tháng một lần.

HĐMV họp thường kỳ một năm hai lần để kiểm thảo tình hình chung của cộng đoàn và những công tác của từng ngành đạo đức, văn hóa, xã hội.

Họp bất thường: mỗi khi cộng đoàn gặp một vấn đề bất thường, Ban Giám Đốc Giáo Xứ sẽ mời Ban Thường Vụ mở một cuộc họp bất thường.

Đại Hội Mục Vụ: mỗi năm một lần Đại Hội Mục Vụ thường niên sẽ được triệu tập. Thành phần tham dự: Ban Giám Đốc Giáo Xứ, Ban Thường Vụ HĐMV, các đại diện những đơn vị mục vụ; ban cố vấn HĐMV. Và một số người trong cộng đoàn tùy nhu cầu; nội dung của đại hội là xem lại sinh hoạt năm qua hầu rút ưu khuyến điểm và phác họa chương trình năm tới.

Điều 9: Hiệu lực của các nhóm họp

Các đề nghị của mỗi buổi nhóm họp chỉ có giá trị và được cứu xét khi có quá bán số người tham dự chấp thuận.

Số người tham dự phải hơn quá bán số người được mời thì những quyết định của buổi họp mới có giá trị.

Trường hợp khẩn cấp, dầu không đủ hai điều kiện trên, Ban Giám Đốc Giáo Xứ có quyền quyết định thi hành.

Dầu sao, các quyết định của mọi thể thức nhóm họp chỉ có hiệu lực khi Ban Giám Đốc Giáo Xứ chấp thuận (xem chú thích).

CHƯƠNG V: VẤN ĐỀ TÀI SẢN CỦA CỘNG ĐOÀN

Điều 10: Tài sản của cộng đoàn do HĐMV cùng quản trị với Ban Giám Đốc Giáo Xứ.

Tiền niên liễm bổ theo nhân danh trong xứ

Tiền lạc quyên trong những trường hợp đặc biệt, hoặc do những ân nhân ủng hộ.

Lợi tức do tổ chức kinh tài hợp pháp mà thủy quỹ gây nên

Chú giải về điều 9

Nói cho rõ: HĐMV dù cấp bậc giáo phận hay giáo xứ chỉ có quyền tư vấn mà thôi, quyết định dành cho đức giám mục giáo phận hay cha sở giáo xứ.

Tự sắc ''Hội thánh'' (Ecclesiae sancae) (19+66) của đức Phaolô VI đã xác định: HĐMV chỉ hưởng quyền tư vấn thôi'' (Consilium pastorale voce conultiova tantum gaudet, ES 16)

Giáo Luật mới (1983) khi nói về HĐMV cấp giáo phận (cc511-514) và cấp giáo xứ (c 536) cũng quy định: ''HĐMV chỉ hưởng quyền đầu phiếu tư vấn thôi'' (Consilium volo gaudet tantum sonsultivo c.514.1 và 536.2)

Quy chế HĐGX địa phận Long Xuyên (1971) khẳng định: ''Chương trình nghị sự cũng như các quyết định của cuộc họp phải được linh mục chính xứ chấp thuận mới có giá trị'' (đ. 36)

Thủ bản HĐGX địa phận Xuân Lộc (1971) tuyên bố: Các quyết định của Hội Đồng trong ba thể thức hội họp trên (thường kỳ, bất kỳ, đại hội) chỉ có hiệu lực khi được cha xứ chấp thuận (đ.34).

B) NỘI QUY TU CHÍNH NĂM 2001

CHƯƠNG I: CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ

Điều 1: Tổ chức Cộng Đoàn Giáo Xứ

Cộng Đoàn Giáo Xứ gồm những tín hữu công giáo quy tụ từ các địa điểm, các hội đoàn, các ngành và các ban, nhóm.

Cộng đoàn Paris là địa điểm mục vụ chính. Ngoài ra, mỗi địa điểm có các sinh hoạt mục vụ do một linh mục trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ hướng dẫn là một địa điểm mục vụ.

Nhằm mục đích thăng tiến cộng đoàn qua các sinh hoạt chuyên biệt, các hội đoàn, các ngành Liên đới Nghề nghiệp, các Ban, Nhóm đều được tổ chức thành Đơn vị Mục vụ.

CHƯƠNG II: MỤC ĐÍCH VÀ CƠ CẤU HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Điều 2: Mục đích và cơ cấu Hội Đồng Mục Vụ

Hội Đồng mục Vụ là cơ quan tư vấn hình thành các quyết định mục vụ. Ngoài ra, Hội Đồng Mục Vụ còn có trách nhiệm cộng tác với Ban Giám Đốc và trong các phạm vi: tôn giáo, văn hóa, xã hội và tài chính.

Điều 3: Cơ cấu Hội Đồng Mục Vụ

Hội Đồng Mục Vụ gồm có:

Đại biểu các Địa Điểm Mục Vụ

Đại biểu các Đơn Vị Mục Vụ

Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ

Cơ cấu tổ chức của Hội Đồng Mục Vụ được phụ đính vào bản Nội quy này.

CHƯƠNG III: THÀNH PHẦN VÀ NHIỆM VỤ BAN THƯỜNG VỤ

Điều 4: Thành phần Ban Thường Vụ

Ban Thường Vụ là cơ cấu thường trực của Hội Đồng Mục Vụ có trách nhiệm soạn thảo và thực hiện chương trình hoạt động cho mỗi năm mục vụ. Chương trình chỉ có hiệu lực sau khi được Ban Giám Đốc phê chuẩn.

Thành phần Ban Thường Vụ gồm có:

-Chủ tịch

-Phó chủ tịch

-Tổng thư ký

- Phó Tổng thư ký

- Ủy viên Giao lý

- Ủy viên Phụng vụ và Thánh ca

- Ủy viên Tài chính

- Ủy viên Thanh niên

- Ủy viên Thiếu niên

- Ủy viên Thông tin và Liên laic

- Ủy viên Văn hóa

- Ủy viên Xây dựng

Điều 5 - Nhiệm vụ mỗi thành phần Ban Thường Vụ

- Chủ tịch: Trách nhiệm soạn thảo chương trình hoạt động và thực hiện các sinh hoạt chung của cộng đoàn, triệu tập và điều khiển các phiên họp của Ban Thường Vụ

- Phó chủ tịch: cộng tác với chủ tịch trong mọi trách nhiệm của chủ tịch, thay thế chủ tịch trong trường hợp vị này vắng mặt.

- Tổng thư ký và phó tổng thư ký: Tổ chức văn phòng Ban Thường Vụ, lưu trữ văn thư và các tài liệu của Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ; soạn thảo, thông báo cho các thành phần Ban Thường Vụ và Hội Đồng Mục Vụ về nghị trình phiên họp; lập biên bản các phiên họp.

- Ủy viên Giáo lý: Cộng tác với Cha Tuyên Úy Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể và vị đại diện Ban Giám Đốc đặc trách Giáo lý tân tòng (dành ho người trưởng thành), soạn chương trình và thực hiện các lớp giáo lý tại Giáo XXứ. Phối hợp với các Địa điểm Mục vụ để tổ chức lớp Giáo lý tại các địa điểm này.

- Ủy viên Phụng vụ và Thánh ca: Ghi nhận về việc cử hành phụng vụ hiện nay để đưa ra những đề nghị thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi giúp các ca đoàn thực hiện phụng vụ Lời Chúa qua ca nguyện.

- Ủy viên Tài chính: thực hiện sổ sách chi, thu của Hội Đồng Mục Vụ. soạn thảo và thực hiện các sinh hoạt nhằm gây quỹ cộng đoàn.

- Ủy viên Thanh niên: Cộng tác với Cha Tuyên úy Thanh niên trong việc soạn thảo và thực hiện các sinh hoạt mục vụ thanh niên.

- Ủy viên Thiếu niên: Liên lạc giữa Ban Thường Vụ và Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể (các Huynh trưởng và các Phụ huynh) để thực hiện các sinh hoạt mục vụ chung. Đoàn trưởng Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đương nhiên là Ủy viên Thiếu niên trong Ban Thường Vụ.

- Ủy viên Thông tin và Liên lạc: Liên lạc với các Địa điểm Mục vụ và các Đon vị Mục vụ nhằm phối hợp công tác mục vụ giữa các địa điểm và đơn vị mục vụ và ban thường vụ.

Thâu thập tin tức sinh hoạt mục vụ của ban thường vụ, các Địa điểm Mục vụ và các Đơn vị Mục vụ để thực hiện một trang Sinh hoạt Mục vụ đăng thường kỳ trên Báo Giáo Xứ.

- Ủy viên Văn hóa: Phối hợp thực hiện các sinh hoạt văn hóa của cộng đoàn (hội luận, hội diễn văn nghệ, triển lãm, chiếu phim công giáo có phần thuyết minh bằng tiếng Việt).

Phối hợp với các Địa điểm Mục vụ và Thư viện Giáo Xứ nhằm phát huy các sinh hoạt văn hóa tôn giáo chuyên biệt.

- Ủy viên Xây đụng: Cộng tác với Ban Giám Đốc trong việc hoạch định và thực hiện các công tác trùng tu hoặc khuyếch trương cơ sở Giáo XXứ.

Điều 6: Ban Cố Vấn

Ban Cố Vấn của Hội Đồng Mục Vụ gồm những vị có uy tín hoặc kinh nghiệm chuyên môn, do Ban Thường Vụ thỉnh mời và được Ban Giám Đốc chấp thuận. Số vị cố vấn không nhất định, thay đổi theo nhu cầu mục vụ. Ban Thường Vụ thông báo phương danh các vị cố vấn trước Đại Hội Mục Vụ.

CHƯƠNG IV: THỂ THỨC BẦU PHIẾU VÀ NHIỆM KỲ CỦA HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Điều 7 - Thể thức tuyển chọn các đại biểu:

- Địa điểm mục vụ Paris được cử từ 5 đến 10 đại biểu.

- Số đại biểu của mỗi Địa điểm Mục vụ: các thành viên của Ban Đại diện Địa điểm Mục vụ đương nhiên là đại biểu của Hội Đồng Mục Vụ.

Các Hội đoàn: các thành viên của Ban Chấp Hành mỗi hội đoàn đương nhiên là đại biểu của Hội Đồng Mục Vụ.

Các ngành Liên đới Nghề nghiệp: mỗi ngành được cử hai đại biểu.

Mỗi Đơn vị Mục vụ (nhóm, ban) tiến hành bầu đại biểu như sau:

Các Nhóm, ban có dưới 10 thành viên được cử một đại biểu.

Các Nhóm, Ban có trên 10 thành viên được cử hai đại biểu.

Điều 8 - Nhiệm kỳ của Hội Đồng Mục Vụ

Nhiệm kỳ của các thành phần trong Ban Thường Vụ là ba năm, có thể tái nhiệm nhiều lần, ngoại trừ chức vụ chủ tịch chỉ có thể tái nhiệm một lần (tức là tối đa hai nhiệm kỳ).

Điều 9- Thể thức tuyến cử Ban Thường Vụ

Đại biểu các Địa điểm Mục vụ, các Hội đoàn, các Ngành Liên đới Nghề nghiệp, các Ban, Nhóm có quyền ứng cử, đề cử, nhận sự đề cử và bỏ phiếu.

Ban Giám Đốc và Ban Cố Vấn có quyền bỏ phiếu.

Đại Hội chỉ tiến hành bầu cử khi hội đủ túc số quá bán hiện diện trên tổng số các đại biểu ghi trong danh sách HĐMV.

Trước ngày tổ chức Đại Hội, Tổng thư ký Ban Thường Vụ có trách nhiệm cập nhật hóa danh sách HĐMV.

Mỗi đại biểu chỉ được nhận một phiếu ủy quyền.

Đại Hội bỏ phiếu theo thể thức bầu phiếu kín. Nếu trong vòng đầu, người ra ứng cử (hoặc người được đề cử) không hội đủ đa số tuyệt đối thỉ phải bầu lại vòng hai. Trong vòng hai, Đại Hội chỉ giữ lại hai người nhiều phiếu nhất ở vòng một. Người nào có số phiếu cao nhất được coi như là trúng cử, bất kể đa số tuyệt đối hay tương đối.

CHƯƠNG V: THỂ THỨC ĐIỀU HÀNH HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Điều 10 - Thể thức điều hành Hội Đồng Mục Vụ

Mỗi Địa điểm Mục vụ và Đơn vị Mục vụ có trách nhiệm chuyển tới Ban Thường Vụ các sinh hoạt trong thời gian vừa qua cũng như dự án hoạt động trong thời gian sắp tới. Ban Giám Đốc Giáo Xứ và Ban Thuờng Vụ sẽ căn cứ vào các tài liệu này để soạn thảo lịch trình mục vụ bán niên hoặc toàn niên.

Để bảo đảm sự liên tục, thường xuyên và hiệu năng hoạt động, các phiên họp được tổ chức như sau:

- Ban Thường Vụ họp với cha Giám Đốc một tháng một lần.

- Các Địa diểm Mục vụ và Đơn vị Mục vụ tùy nghi tổ chức họp theo nhu cầu sinh hoạt.

- Ban Thường Vụ họp với Ban Giam Đốc mỗi khi cần thiết.

Ban Thường Vụ tùy nghi thỉnh mới các vị Cố Vấn dự họp với Ban Thường Vụ.

Đại Hội Mục Vụ gồm Ban Giám Đốc, Ban Thường Vụ, Ban Cố Vấn và các đại biểu, được tổ chức mỗi năm hai lần. Đại Hội xem xét các sinh hoạt trong thời gian qua và đưa ra các định hướng mục vụ trong thời gian sắp tới. Đại Hội Mục Vụ bất thường có thể được triệu tập.

Trong trường hợp có vấn đề quan tọng và do Ban Thường Vụ triệu tập, với sự chấp thuận của Ban Giám Đốc hoặc do Cha Giám Đốc trực tiếp triệu tập.

Điều 11 Tu chính và Hiệu lực Nội quy HĐMV

Đại Hội Mục Vụ có thẩm quyền tu chinh bản Nội quy của Hội Đồng Mục Vụ nếu hội đủ đa số tuyệt đối ở vòng một, hoặc đa số tương đối ở vòng hai. Các điều khoản tu chinh có hiệu lực ngay sau khi được Đại Hội Mục Vụ chung quyết.

Theo Tự sắc Ecclesiae Sanctae (Hội Thánh) số 16 năm 1966 của đức Phaolo VI và theo Giáo Luật 1983 về Hội Đồng Mục Vụ cấp Giáo Xứ (canon 536), Cha Giám Đốc Giáo Xứ có thẩm quyền tối hậu về mọi vấn đề của Cộng Đoàn.

Bản Nội quy này đã đuợc Đại Hội Mục Vụ tu chinh ngày 8.12.2001 và gồm hai bản chính.

Paris, ngày 9 tháng 12 năm 2001

Giám Đốc Giáo Xứ Chủ Tịch Ban Thường vụ,

Đức Ông Giuse MAI ĐỨC VINH Phanxicô LÊ ĐÌNH THÔNG

KẾT LUẬN

Như Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh nhận xét trong bài Hội Đồng Quý Chức in trong tập Hội Đồng Mục Vụ ấn hành trong khuôn khổ Hội Ngộ Niềm Tin năm 2003 tại Roma: ''Phi cổ bất thành kim'' ''Ôn cố nhi tri tân'', việc ''ôn cố'' từ nội quy đơn giản đến nội quy tu chính hiện nay cho thấy sự đóng góp của Cha Giám đốc, quý Cha Tuyên úy, qúy Thầy Phó tế và Nữ tu trong ban Giám đốc, quý vị đã tham gia Ban Thường Vụ từ 1983 đến nay và toàn thể cộng đoàn. Có một số vị đã qua đời. Cha Tuyên úy Cung Chi đã ghi lại trang sử 25 thành lập Hội Đồng Mục Vụ qua thể thơ song thất lục bát, chúng tôi xin chép dưới đây, ''Của tin gọi một chút này làm ghi'' theo truyền thống văn hóa đức tin thể hiện rõ nét trong các sinh hoạt mục vụ của Giáo Xứ trong lịch sử 60 năm, từ 1947 đến nay.

PHỤ LỤC 3: HỘI ĐỒNG MỤC VỤ



CUNG CHI

Xin kính cẩn cúi đầu bái phục,
Các “Ông Trùm”, “Quới Chức” xưa nay.
“Hội Đồng Mục Vụ” tuyệt hay,
“Ủy ban Hành giáo”, đổi thay từng thời.
Toàn những vị giữa đời sống đạo,
Không ngại ngần đôn đảo xở xoay.
Mang bầu máu nóng hăng say,
Góp tài góp sức đắp xây Nước Trời.
Là tai mắt của người trong xứ,
Là thành viên dụng cụ ích chung.
Là nguồn đá quý không cùng,
Là vôi, là vữa, thành đồng, phên che.
Trải nắng mưa bốn bề chống đỡ,
Gặp gian nguy cơ khổ coi thường.
Sẵn lòng vai cứng đảm đương,
Âm thầm từng bước trên đường hy sinh.
Có những vị hiến mình tử đạo,
Nhiều tâm hồn trọn hảo trọn lành.
Đẹp như đồng cỏ tươi xanh,
Chữ Trung rạng rỡ, chữ Thành long lanh.
Nặng môt gánh gia đình sớm tối,
Chuyện áo cơm buộc trói như ai.
Không hề thở ngắn than dài,
Cốt sao cho trọn trong ngoài ấm êm.
Gia đình, Họ đạo ấm êm.

PHỤ LỤC 4: SỨ MỆNH VÀ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG MỤC VỤ



TRẦN VĂN CẢNH

LỜI MỞ

Được thành lập vào năm 1983, đến năm nay, 2007, Hội Đồng Mục Vụ (HĐMV) Giáo Xứ Việt Nam Paris đã tròn 25 tuổi. Bản nội quy đầu tiên viết xong và được chấp nhận ngày 30.10.1983, đã được tu chính 4 lần vào ngày 20.06.1985, 13.12.1992, 12.10.1997 và 09.02.2001. Hội Đồng Mục Vụ khoá XLII hiện nay, được bầu ngày 13.06.2004, đã được Đại Hội 17.12.2006 lưu nhiệm thêm một năm, sẽ chấm dứt nhiệm kỳ vào tháng 6 năm 2008, gồm 79 thành viên. HĐMV, theo nội quy tu chính lần thứ tư vào ngày 09.12.2001, gồm 4 thành phần: Đại diện của 7 địa điểm mục vụ, Đại diện của 36 đơn vị mục vụ, Ban Thường Vụ (BTV) với 12 nhân viên và Ban Cố Vấn gồm 6 vị. Tất cả bốn thành phần của HĐMV đều chung nhau giúp Ban Giám Đốc (BGĐ) thực hiện công việc mục vụ của giáo xứ cho tốt đẹp, trong ba sứ mệnh chính yếu sau đây: 1- Tư vấn BGĐ trong những quyết định mục vụ; 2- Cộng tác với BGĐ trong việc soạn thảo chương trình và kế hoạch hoạt động mục vụ; và 3- Cộng tác với BGĐ trong việc thực hiện công tác mục vụ qua khắp các phạm vi tôn giáo, văn hoá, xã hội và tài chánh. Những sứ mệnh này, từ 25 năm qua 1983-2007, đã được thực hiện qua 10 nhiệm kỳ HĐMV.

I. TƯ VẤN BAN GIÁM ĐỐC TRONG NHỮNG QUYẾT ĐỊNH MỤC VỤ

Tư vấn BGĐ trong những quyết định mục vụ, HĐMV không làm thay, cũng không lấn quyền của BGĐ. Giáo luật khoản 536 xác định rất rõ về điểm này "Nếu giám mục giáo phận xét là thuận lợi, sau khi đã tham khảo ý kiến của Hội đồng Linh mục, thì trong mỗi giáo xứ nên thành lập Hội Đồng Mục Vụ, do cha sở chủ tọa, và trong đó các tín hữu cùng với những người, chiếu theo chức vụ tham gia vào việc săn sóc mục vụ trong giáo xứ cùng đóng góp sự cộng tác của mình vào việc cổ võ sinh hoạt mục vụ. Hội Đồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn, và được điều hành theo các quy tắc do giám mục giáo phận đã ấn định. Nguyên tắc chung được Giáo luật qui định đó là Hội Đồng Mục Vụ chỉ có quyền tư vấn mà thôi, nghĩa là cha sở không bị bó buộc vâng theo ý kiến của Hội Đồng Mục Vụ, nhưng tùy thẩm định khôn ngoan của ngài. Tuy nhiên, khi tất cả các thành viên trong Hội Đồng đều nhất trí về một vấn đề, cha sở không nên đi ngược lại nếu không có một lý do thật quan trọng để làm như thế ".

Tư vấn BGĐ là sứ mệnh chính yếu của mọi thành phần của HĐMV, nhưng Ban Cố Vấn (BCV) có một trách nhiệm đặc biệt về sứ mệnh cố vấn này. Công việc cố vấn thực ra không đơn giản và không chỉ giới hạn vào việc cho ý kiến, như nhiều người lầm tưởng. Sau nhiều năm làm cố vấn cho các chủ xí nghiệp và tổ chức về quản lý chất lượng, tôi nhận ra những công việc chính yếu sau đây của một cố vấn, mà ở xí nghiệp họ gọi là tư vấn. Những công việc tư vấn này cũng đã được các vị trong Ban Cố Vấn thực hiện cho BGĐ, BTV và cho HĐMV:

1) Chỉ lắng nghe, quyết định tức khắc nhìn ra;

2) Lắng nghe và gợi ý phân tâm, quyết định tức khắc tìm ra.

3) Đặt vấn đề, cho thông tin, hoặc tạo dịp quan sát vấn đề và từ từ hướng đến một quyết định;

4) Giúp thảo luận nhóm, để nhóm tự tìm lấy quyết định;

5) Quyết định gần như đã lấy, nhưng còn nghi ngại, giúp nhìn ra vấn đề minh bạch, giúp lấy quyết định rõ rệt và tìm ra cách hành động hữu hiệu;

6) Quyết định đã lấy, nhưng mục tiêu không xác định rõ rệt, chương trình không minh bạch, tiêu chuẩn không xác định, phương tiện, phương pháp và dụng cụ không đầy đủ, tóm lại không biết làm sao, chỉ bày cho làm, đào tạo người làm;

7) Quyết định đã lấy, nhưng không biết làm, không có người làm và cũng không có giờ làm, xin làm giùm.

BCV tiên khởi của HĐMV, trong thực tế đã được thành lập trước khi có HĐMV. Cha Trần Thanh Giản, Cha Bùi Đức Tín (P. Gastine), Sư Huynh Trần Văn Nghiêm, Bác Sĩ Hoàn, Bác Sĩ Phán, Giáo Sư Bảo, Bác Sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Giáo sư Cảnh, Chị Lan Bằng là những vị cố vấn đầu tiên đã giúp BGĐ Giáo xứ từ những năm 1980 lấy quyết định lập HĐMV và tham gia tích cực vào việc chuẩn bị, đào tạo, tổ chức và thành lập HĐMV vào năm 1983, cũng như theo dõi và giúp đỡ HĐMV trong những năm đầu tiên, nhất là 3 nhiệm kỳ đầu, từ 1983 đến 1989.

Ban Cố Vấn đã cố vấn trong tất cả những mức độ quyết định, mà quan trọng và tổng quát nhất là những quyết định chiến lược (décisions stratégiques) để tạo những sinh hoạt mới, như tạo lập Hội Đồng Mục Vụ vào năm 1983; tạo lập việc gây quỹ tài chánh và tìm kiếm cơ sở từ năm 1983; tạo lập mục vụ văn hoá: thuyết trình vào năm 1981, báo chí vào năm 1984, tu thư vào năm 1997; tạo lập mục vụ giáo dục: giáo lý và tiếng việt từ năm 1983, gia đình vào năm 1995; tạo lập liên đới nghề nghiệp vào năm 2000,… Về những quyết định chức vụ (décisions fonctionnelles), BCV đã góp phần vào những quyết định liên hệ đến việc dùng phương tiện, hoặc tổ chức, như tổ chức lại cơ cấu của HĐMV: nâng vai trò của BTV lên quan trọng hơn BCV, tổ chức BTV theo mô hình một chính phủ với việc lập các ủy viên, giảm trách nhiệm cho tổng thư ký và tăng trách nhiệm cho chủ tịch,... Và sau cùng, về những quyết định hành sự (décisions opérationnelles), BCV đã tích cực tham gia vào những quyết định liên hệ đến công việc mục vụ hàng ngày, mà cụ thể và rõ rệt nhất là quí vị đích thân làm những việc mục vụ ấy.

BCV hiện nay gồm 6 vị sau đây: Bs Nguyễn Văn Ái, cố vấn văn hoá; Gs Trần Văn Cảnh, cố vấn giáo dục; Bs Nguyễn Ngọc Đỉnh, cố vấn ngoại vụ; Ông Nguyễn Văn Hộ, cố vấn mục vụ cao niên; Bs Tạ Thanh Minh, cố vấn y tế xã hội và Gs Tạ Thanh Minh Khánh, cố vấn gia đình và thanh niên. Mỗi vị cố vấn trên đây, ngoài công việc cố vấn, còn tham gia vào việc thực hiện các công việc mục vụ một cách tích cực, trong các đoàn thể, phong trào và ban nhóm khác nhau. Đa số các vị đều là giảng viên trong Ban Mục Vụ gia đình, và thành viên trong ban biên tập báo Giáo Xứ và ban tu thư Văn hóa.

II. CỘNG TÁC VỚI BAN GIÁM ĐỐC ĐỂ SOẠN THẢO CHƯƠNG TRÌNH VÀ KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG MỤC VỤ

Tất cả các linh mục và tu sĩ đều xuất thân từ giáo dân. Đó là một sự thật hiển nhiên thứ nhất. Đa số các linh mục và tu sĩ Việt Nam đều gốc gác từ những gia đình giáo dân nghèo. Đó là sự thật hiển nhiên thứ hai. Nhưng một số giáo sĩ và tu sĩ, khi trở thành giáo sĩ, được chọn vào hàng lãnh đạo của Giáo Hội, đã quên hẳn xuất xứ và gốc gác của mình, tự cao tự đại, khinh khi giáo dân, xa tránh người nghèo hèn. May thay các linh mục, thầy sáu và nữ tu ở Giáo Xứ Việt Nam Paris không có cách cư xử khinh khi và xa tránh ấy. Dường như BGĐ Giáo Xứ đã được nhiều hồng ân, đã cầu nguyện nhiều, có tinh thần làm việc theo đức ái chia sẻ, đức mến kính trọng, đức cậy tin tưởng và đức tin phó thác. Ban Giám Đốc rõ rệt có cách cư xử chăm chỉ và khiêm tốn nhã nhặn. Họ lãnh đạo giáo xứ có tổ chức và phương pháp và họ không ngần ngại mời gọi các giáo dân cộng tác. Sự cộng tác mà BGĐ mới gọi giáo dân đóng góp không chỉ ở lãnh vực thực hiện, nhưng ở cả lãnh vực soạn thảo chương trình và kế hoạch. Trao trách nhiệm một cách tin tưởng, trong tâm tình kính trọng vào giáo dân đến nỗi tất cả các chức vụ trong HĐMV đều trao cho giáo dân, ngay cả chức chủ tịch. Chỉ giữ cho mình trách nhiệm tuyên úy và đồng hành, là những trách nhiệm tối thiểu của các cha sở và cha phó đối với các đoàn thể của giáo xứ. Vai trò của giáo dân được nâng cao đến mức ấy thực là ít thấy, không chỉ ở những xứ đạo Việt Nam, mà ngay cả ở những xứ đạo Pháp !

Nếu công việc tư vấn là công việc ưu tiên của BCV, thì công việc soạn thảo chương trình và kế hoạch là lãnh vực chuyên biệt của BTV. Họp với Cha Giám Đốc mỗi tháng một lần, với BGĐ mỗi khi cần thiết, trách nhiệm căn bản của BTV là soạn thảo chương trình và kế hoạch chung, phối hợp và theo dõi, rồi tổng kết và cải thiện sự thực hiện các sinh hoạt ấy nơi các đơn vị mục vụ. Cụ thể mỗi năm hai lần, BTV có trách nhiệm tổ chức 2 đại hội mục vụ vào tháng sáu và tháng mười hai để xem xét sinh hoạt trong thời gian qua và đưa ra các định hướng mục vụ cho thời gian tương lai sắp tới. Bên cạnh những công việc có tính chất điều hành trên, BTV còn có bổn phận làm nhiều việc mang tính cách đại diện, như đại diện cộng đoàn tham dự những sinh hoạt mục vụ ở Tổng Giáo Phận Paris, tham dự những sinh hoạt mục vụ công giáo Việt Nam ở cấp quốc gia pháp, lục địa âu châu hay toàn thế giới; đại diện cộng đoàn đọc diễn văn, tiếp đón, chúc mừng các quan khách đạo đời pháp việt, đại diện cộng đoàn và HĐMV thăm viếng các đơn vị mục vụ, chúc mừng các linh mục, các giáo dân hoặc các đoàn thể vào những dịp đặc biệt, như Tết nhất, thượng thọ, sinh nhật, tang chế... Cũng trong lãnh vực đại diện này, mỗi vị trong BTV đều là đồng hành của một hoặc nhiều đơn vị mục vụ, nhóm, hội đoàn, phong trào,… Mỗi nhóm Liên Đới nghề nghiệp đều có ít nhất một nhân viên của BGĐ và một nhân viên của BTV là đồng hành.

Song song với những công việc điều hành và đại diện trên, BTV còn đích thân đảm nhiệm nhiều công việc cụ thể, như hàng năm tổ chức tiệc tân niên cho cộng đoàn vào dịp Tết Nguyên Đán, đảm nhiệm thực hiện hai ngày thân hữu giáo xứ vào tháng năm; tổ chức những công việc đặc biệt, như thi hang đá, huấn luyện và trình diễn thánh ca cho các ca đoàn, điều hành và quảng diễn những thánh lễ quan trọng, chỉnh trang cơ sở, triển lãm truyền giáo, truyền hình thánh lễ, chiếu phim truyền giáo,… Cũng trong lãnh vực những công việc cụ thể, mỗi vị trong BTV đều là thành viên của một hay nhiều đơn vị, hội đoàn, ban nhóm mục vụ.

III. CỘNG TÁC VỚI BAN GIÁM ĐỐC ĐỂ THỰC HIỆN CÔNG TÁC MỤC VỤ TRONG KHẮP CÁC PHẠM VI TÔN GIÁO, VĂN HOÁ, XÃ HỘI VÀ TÀI CHÍNH

Công tác mục vụ của BGĐ thật rất bao la, trải dài rộng trên 12072 cây số vuông, với 11491000 dân số của 8 tỉnh vùng Ile-de-France: Essonne, Hauts-de-Seine, Paris, Seine-Saint-Denis, Val-de-Marne, Val-d'Oise và Yvelynes, trong đó có từ 42 đến 47 ngàn người Việt Nam và từ 13 đến 16 ngàn người Việt Nam công giáo. Tính trung bình, mỗi một trong 9 vị BGĐ có trách nhiệm mục vụ trên 1341 k2, có trách nhiệm lo giữ đạo cho từ 1444 đến 1888 giáo dân Việt Nam, có trách nhiệm lo truyền đạo cho 4666 đến 5222 lương dân Việt Nam. Công tác mục này sẽ rất hạn hẹp, nếu các cha, các thầy sáu và các chị nữ tu không được giáo dân cộng tác.

Một cách nào đó, dù muốn dù không, BGĐ cần đến giáo dân. Và giáo dân, với tính cách là thành phần dân Chúa, với ơn gọi làm tông đồ giáo dân (1), có bổn phận giữ đạo và truyền đạo cũng cần phải liên lạc với hàng giáo phẩm và sự giúp đỡ của các linh mục và tu sĩ (2). Từ nhu cầu hỗ tương trên, Ban Giám Đốc đã cổ động và mời gọi các giáo dân cộng tác để tích cực và trực tiếp tham dự vào công tác mục vụ. Giáo dân đã nghe tiếng gọi của các giáo sĩ và đã gia nhập các hội đoàn Công giáo tiến hành có sẵn, hoặc lập ra những nhóm, phong trào, hội đoàn mới. Tư vấn là công tác mục vụ chuyên biệt của các vị cố vấn: Định hướng, phối hợp, kiệm tra tổng kết là hành động mục vụ độc đáo của ban thường vụ; trực tiếp tham gia mục vụ để giữ đạo và truyền đạo là ơn gọi và sứ mệnh của toàn giáo dân. Rất nhiều giáo dân đã tham gia vào các công tác mục vụ trực tiếp này bằng cách hoặc tham gia vào Ban Đại Diện các đơn vị mục vụ địa phương, hoặc tham gia vào các đoàn thể Công giáo tiến hành địa phương và trung ương Paris. Mỗi người chọn lấy sinh hoạt và đơn vị, tùy theo khả năng, thời giờ, sức khoẻ. Dẫu là công tác tình nguyện, nhưng vì tự do chọn lựa, đa số các giáo dân sinh hoạt với tinh thần trách nhiệm và với những kết quả đáng kính phục.

Cho đến năm 1980, theo những nghiên cứu được ghi lại tong "Kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris 1947-1997", giáo xứ có 2 địa điểm mục vụ là Paris (1947) và Sarcelles (1977) và 6 hội đoàn, ban nhóm mục vụ: Hội Sinh viên Công giáo (1946), Hội Đạo Binh Đức Mẹ (1970), Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (1971), Giới trẻ (1977), Ca đoàn (1978) và Nhóm Xã hội (1978).

Hôm nay, 22.03.2007, nếu nhìn vào các báo cáo mục vụ hàng năm của BGĐ và BTV, Giáo xứ hiện có tất cả 7 địa điểm mục vụ: Paris (1947), Sarcelles (1977), Villiers-Le-Bel (1979), Marnes-La-Vallée (981), Cergy-Pontoise (1993), Ermont-Montigny-Franconville (1993) và Antony (2006)

Còn như các hội đoàn và phong trào, ban, nhóm Công giáo tiến hành, thì hiện nay tại Giáo Xứ Việt Nam, địa điểm trung ương Paris, có 36 đơn vị chính: Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, Hội Đạo Binh Đức Mẹ (15 tiểu đội), Hội Yểm Trợ Ơn Gọi (35 chi hội với 539 hội viên), Phong Trào Thiếu Nhi Thánh Thể (269 ấu, thiếu, sĩ), Phong Trào Cursillo (trên 600 cursillistas), Liên Đới Nghề Nghiệp (với năm nghành Chuyên gia, Thân hữu Taxi, Doanh tương, Dịch vụ, Xây dựng); Các Ca Đoàn (Năm Ca đoàn tại Paris: Giáo xứ, Trinh vương, Triều dâng, Thiếu nhi Thánh thể, Lê bảo Tịnh, và sáu Ca đoàn tại 6 địa điểm mục vụ: Antony, Cergy, Ermont, Marne la Vallée, Sarcelles, Villiers le bel) ngoài ra còn nhóm Nhạc Dân Tộc, nhóm Du Ca.

Giới trẻ (trên 300 người), Nhóm Gia đình trẻ, Nhóm Sống đạo, Nhóm Tìm hiểu ơn gọi, Nhóm Thánh kinh, Nhóm Giáo lý tân tòng, Nhóm bữa cơm chủ nhật, Nhóm Thư viện, Nhóm trẻ, Lớp Giáo lý cho 269 trẻ em, Lớp Pháp văn (8 lớp ban ngày cho 168 học viên), Lớp tiếng Việt cho 269 trẻ em, Lớp đàn tranh, lớp nghệ thuật ca kịch, Ban giúp lễ, Ban báo giáo xứ và tu thư, Ban Mục vụ hôn nhân, Ban Tiền giúp Giáo Hội.

Tất cả những địa điểm và hội đoàn mục vụ trên đây của Giáo Xứ đều đã được trình bày tóm lược trong một sơ đồ tổ chức sau đây, đơn sơ và trong sáng, cho thấy những sinh hoạt nội bộ của Giáo Xứ, được cha Mai Đức Vinh và giáo sư Trần Văn Cảnh phát họa vào năm 1999.

IV. CÁC NHIỆM KỲ VÀ NHỮNG THỰC HIỆN

Hội Đồng Mục Vụ tiên khởi, khóa I (1983-1985)

Ban Thường Vụ đã được các đại diện của các Địa Điểm Mục Vụ và các Đơn Vị Mục Vụ bầu cử ngày 30.10.1983 và được đức cha Michel COLONI, giám mục phụ tá Tổng Ba-lê, đặc trách các Cộng Đoàn Ngoại Kiều chính thức công nhận ngày 11/12/1983. Thành phần gồm:

Chủ tịch: Ô. Phan Quang

Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo:Ô. Nguyễn Văn Hộ

Phó chủ tịch đặc trách xã hội: Ô. Louis Trần

Phó chủ tịch đặc trách văn hóa tuổi trẻ: Ô. Võ Phước Thiện

Tổng Thư ký: Ô. Trần Văn Cảnh

Phó Thư ký: B. Tạ Thanh Minh Khánh

Chánh Thủ quỹ: B. Nguyễn Đình Thái

Phó Thủ quỹ: Ô. Nguyễn Tiến Đạt

Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phạm Văn Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh.

1983:

Khai trương 'Bữa Cơm Chúa Nhật'; tổ chức hai ngày thân hữu để gây quỹ điều hành và kiến thiết; Xây Xi măng sân trong.

1984:

Xin nhà dòng Visitandines cho đất, mở rộng sân; tái bản báo Giáo Xứ Việt Nam; Tiểu đội Legio Trẻ ra đời.

1985:

Cha Hoàng Quang Lượng đi hưu, Cha Pêrô Bùi Duy Nghiệp từ Toulouse lên làm việc cho Giáo Xứ, lo giới trẻ và giúp cộng đoàn Sarcelles. Xin nhà dòng cho phép làm nhà kho ngoài sân, làm sân khấu. Trình diễn văn nghệ với đề tài 'Giữ Thơm Quê Mẹ'. Đại Hội Mục Vụ 20.06.1985: tu chính lần 1, Nội qui HĐMV. Cha Vinh được bầu làm chủ tịch hội Liên Tu Sĩ VN/P.

Hội Đồng Mục Vụ khóa II (1985-1987)

Ban thường Vụ:

Chủ tịch: Ô. Phan Quang

Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo: Ô. Nguyễn Văn Hộ

Phó chủ tịch đặc trách xã hội: Ô. Louis Trần

Phó chủ tịch đặc trách văn hóa tuổi trẻ: Ô. Võ Phước Thiên

Tổng Thư ký: B. Tạ Thanh Minh Khánh

Phó Thư ký: Ô. Đoàn Ngọc Hưởng

Chánh Thủ quỹ: B. Nguyễn Đình Thái

Phó Thủ quỹ: Ô. Nguyễn Tiến Đạt

Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phạm Văn Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh

1986:

Qua sự gợi ý của BGĐ và BTV-HĐMV, nhiều giáo dân đã biên thơ (3) cho ĐHY Lustiger, trình bày về nhu cầu cần một cơ sở mới và rộng rãi cho Giáo Xứ.

Đại Hội Mục Vụ kỳ I, tháng 06.1986, quyết định mở "Sổ Vàng" gây quỹ xây dựng cơ sở; Đồng thời BTV đã quyết định khởi đầu tổ chức "Tiệc xuân hàng năm" để gây thêm quĩ cho Giáo Xứ.

Thành lập Đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể,

Đại Hội Liên Tu Sĩ I tại Giáo Xứ.

Chị Sophie Phú thôi làm việc cho Giáo Xứ và được nhà dòng gửi đi học y tá.

Cũng chính năm 1986, nhiệm kỳ của cha Mai Đức Vinh được triển hạn thêm ba năm làm cha sở của Giáo Xứ Việt Nam trong Hạt Ngoại Kiều (Curé de la poroisse Vietnamienne dans le doynné des Migrants) kể từ ngày 01.09.1986.

1987:

Thầy Girard Xavier thuộc cộng đoàn Sarcelles lãnh chức Phó Tế Vĩnh Viễn.

Hội Đồng Mục Vụ khóa III (1987-1990).

Ban Thường Vụ:

Chủ tịch: Ô. Nguyễn Văn Hộ

Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo: Ô. Trần Louis

Phó chủ tịch đặc trách xã hội: B. Debonnaire Lộc

Phó chủ tịch đăc trách văn hóa tuổi trẻ: Ô. Trương Quân Vương

Tổng Thư ký: Ô. Nguyễn Ngọcc Đỉnh

Phó Thư ký: C. Nguyễn Thị Hy

Chánh Thủ quỹ: B. Nguyễn Đình Thái

Phó Thủ quỹ: C. Đào Kim Phượng

Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh

1988: Cha Bùi Duy Nghiệp trở về lo cộng đoàn Việt Nam ở Toulouse, Cha Vincentê Nguyễn Văn Cẩn từ Thụy Sĩ về làm việc cho Giáo Xứ. Giáo Xứ tham dự Thánh lễ Phong Thánh tại Roma.

1989: Hội Yểm Trợ Ơn Gọi ra đời. Sau vụ nhà thờ 'Notre Dame de Blanc Manteau', Ban Giám Đốc lên yết kiến đức hồng y để trình bày về ý chí bảo toàn 'hằng tình' (identité) của người Việt Nam. Lưu nhiệm Hội Đồng Mục Vụ thêm một năm. Đại Hội Liên Tu Sĩ II tại Giáo Xứ.

Ngày 28.08.1989, đức cha Claude Frikart, giám mục phụ tá Paris, thay mặt đức hồng y J.M. Lustiger, gửi thư báo cho cha Vinh biết: Nhiệm kỳ làm cha sở sẽ hết vào ngày 31.08.1989, nhưng với sự đồng ý của các bề trên của cha, theo quy định về đặc quyền mà Bộ Giáo Sĩ ra ngày 23.12.1968, và theo sự biểu quyết của Hội Đồng Giám Mục Pháp công bố ngày 13.06.1984, nhiệm kỳ của cha được triển hạn đến 31.08.1992.

1990: Với sự giúp đỡ của nhà dòng Visitandines, nhiều người trong cộng đoàn góp sức trang bị lại nhà bếp, hệ thống sưởi, máy hút đồ dơ. Ra tờ "Mission Catholique Vietnamiene" bằng tiếng Pháp, 1 tờ A3, mỗi năm 2 số để gửi cho các ân nhân và bạn hữu ngoại quốc.

Chiều chúa nhật, ngày 16.4.1990, thư viện đã chính thức được cha giám đốc Mai Đức Vinh cắt băng khánh thành với tên là "Thư Viện Giáo Xứ''.

Ngày 17.06.1990, Văn nghệ 'Uống Nước Nhớ Nguồn', kỷ niệm hai năm lễ Phong Thánh.

Ngày 25.06.1990, đức cha Pierre Joatton, giám mục giáo phận Saint Etienne, chủ tịch Ủy Ban Giám Mục Ngoại Kiều gửi thư bổ nhiệm cha Giuse Mai Đức Vinh làm Đại Diện Quốc Gia cho Tuyên Úy Đoàn Việt Nam tại Pháp và là người có trách nhiệm phối hợp về mục vụ cho người Việt Nam 'Délégué National pour les aumôniers vietnamiens en France et responsable de la cơrdination de la Pastorale des Vietnamiens).

Hội Đồng Mục Vụ khóa IV (1990-1992).

Ban Thường Vụ

Chủ tịch: Ô. Nguyễn Văn Hộ

Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo: Ô. LouisTrần

Phó chủ tịch đặc trách xã hội: Nt. Christine Nguyễn Thị Lan

Phó chủ tịch đặc trách văn hóa tuổi trẻ: C. Đào Kim Phượng

Tổng Thư ký: C. Vũ Thị Lan

Phó Thư ký: Ô. Phạm Hòa Hiệp

Chánh Thủ quỹ: Ô. Hoàng Minh Trứ

Phó Thủ quỹ: C. Nguyễn Thị Cẩm Tuyết

Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Phạm Văn Phán, Giáo sư Nguyễn Huy Bảo, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh

1991: Ủy ban Giám Mục về Ngoại Kiều can thiệp xin đức cha địa phận Nanterre cử cha Giuse Nguyễn Văn Ziên đến làm việc cho Giáo Xứ một phần tư thời gian trong hai năm. Đại Hội Liên Tu Sĩ III tại Giáo Xứ. Cha Giuse Trần Anh Dũng đến làm việc cho Giáo Xứ bán thời gian.

1992: Ngày 01.09.1992, đức cha Claude Frikart, thay mặt đức hồng y J.M. Lustiger gửi thư cho cha Mai Đức Vinh triển hạn nhiệm kỳ 'cha sở Giáo Xứ' của cha đến 31.08.1995. Làm lại nhà kho.

Đại Hội Mục Vụ 13.12.1992: tu chính lần 2, Nội qui HĐMV

Hội Đồng Mục Vụ khóa V (1992-1994).

Ban Thường Vụ

Chủ tịch: Ô. Nguyễn Văn Nghi (+2006

Phó chủ tịch đặc trách tôn giáo: Ô. Nguyễn Ngọc Đỉnh

Phó chủ tịch đặc trách xã hội: B. Huỳnh Thái Ngoạn

Phó chủ tịch đặc trách văn hóa tuổi trẻ: C. Đào Kim Phượng

Tổng Thư ký: Nt. Nguyễn Thị Lan

Phó Thư ký: Ô. Đỗ Duy Hoàng

Chánh Thủ quỹ: Ô. Đỗ Thượng Hưng

Phó Thủ quỹ: B. Debonnaire Lộc

Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Ông Nguyễn Văn Hộ

1993: Phong trào Cursillo bắt đầu mở Tuần Tĩnh Huấn tại Rungis với sự giúp đỡ nhân sự và tài chánh của Cursillo Việt Nam bên Hoa Kỳ. Cha Dũng nhận cộng đoàn Noisy Le Grand thay Cha Cẩn. Cha Sách nhận lo cộng đoàn Cergy-Pontoise.

1994: Chuẩn bị vận động với nhà dòng và Tòa Giám Mục làm lại hai nhà ngoài sân. Cha Ziên thôi làm việc cho Giáo Xứ và được đức cha giáo phận Nanterre cho đi học. Cha Cẩn thay thế Cha Ziên giúp cha Vinh ở Sarcelles.

Hội Đồng Mục Vụ khóa VI (1994-1997).

Ban Thường Vụ

Chủ tịch: Ô. Nguyễn Văn Hộ

Phó chủ tịch: Ô. Nguyễn Ngọc Đỉnh

Tổng Thư ký: C. Đào Kim Phượng

Phó Thư ký: Ô. Đỗ Duy Hoàng

Ủy viên đặc trách Tôn giáo: C. Nguyễn Mỹ Phước

Ủy viên đặc trách xã hội: Ô. Ngô Triệu Hùng

Ủy viên đặc trách văn hóa và giới trẻ: Ô. Nguyễn Kim Tuấn

Ủy viên tài chánh. Ô. Đỗ Anh Sĩ

Ban Cố Vấn: Cha Trần Thanh Giản, Sư Huynh Pierre Trần Văn Nghiêm, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn văn Ái.

1995: Ban 'Chuẩn Bị Hôn Phối' bắt đầu sinh hoạt. Làm lại nhà ngoài sân. Tham dự Đại Hội Hành Hương Lộ Đức do Tuyên Úy Đoàn tổ chức. Cha Vinh nhận lo cộng đoàn Ermont theo lời yêu cầu của Giáo phận Pontoise. Cha Dũng lo giới trẻ thay cha Sách.

1996: Làm lại sân. Chuẩn bị lễ 50 năm thành lập Giáo Xứ. Tuần lễ 'Đón Đức Mẹ' là tuần khai mạc năm Tạ Ơn. Thiếu nhi mừng 10 năm thành lập. Ban Thường Vụ của Hội Đồng Mục Vụ được triển hạn lại một năm. Nhóm 'Thân Hữu Taxi' thành hình.

Đúng theo thư bổ nhiệm, cha Vinh hết nhiệm kỳ làm cha sở Giáo Xứ vào ngày 31.08.1996. Nhưng ngày 21.03.1996, cha Vinh lên Tòa Tổng Giám Mục gặp đức cha Claude Frikart, đức cha bảo: 'Bây giờ không tính số năm, điều quan hệ là cha còn khỏe (solide) không? Tôi suy nghĩ và sẽ trả lời cho cha. Thế rồi ngày 03.06.1996, cha Yves Mallmann phụ tá của đức cha Claude Frikart và là giám đốc của SITI (Service Interdiocésain des Travailleurs Immigrants) đến Giáo Xứ báo cho cha Vinh hay là 'Địa phận muốn cha vui lòng tiếp tục nhiệm vụ làm cha sở Giáo Xứ Việt Nam, không cần bổ nhiệm lại nữa'. Lưu nhiệm Hội Đồng Mục Vụ thêm một năm.

1997: Tổ chức Đại lễ Kim Khánh Giáo Xứ (1947-1997) tại nhà thờ Notre Dame des Champs và tại Giáo Xứ ở Boissonade vào hai ngày 11 và 18.05.1997.

Xuất bản kỷ yếu 50 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris ngày 01.01.1997.

Triển lãm kỷ niệm Kim Khánh về lịch sử, sinh hoạt, các đơn vị mục vụ, tổ chức các hội đoàn do sứ thần tòa thánh cắt băng khánh thành vào ngày 11.05.1997.

Văn nghệ 'Mùa gặt mới' tổ chức tại Centre Culturel Bouogne - Brillancourt vào thứ bảy 10.05.1997.

Cha Giuse Trần Anh Dũng được Tòa Tổng Giám mục chính thức bổ nhiệm làm việc tại Giáo Xứ, cách riêng cho giới trẻ, từ 1995. Từ nay ngài sẽ làm việc toàn thời gian cho Giáo xứ.

Xuất bản cuốn sách 'Giáo lý cho người trưởng thành' và cuốn 'Têrêsa, vị thánh lớn nhất của thời đại'

Ngày 12.10.1997, Cha Giám Đốc và BTV tu chính lần 3, Nội qui HĐMV

HĐMV, nhiệm kỳ VII, 1997-1999

Ban Thường Vụ

Chủ tịch: Ô. Antôn Nguyễn Ngọc Đỉnh

Phó chủ tịch: - Ô. Phêrô Phạm Bá Nha (năm 1997); - Ô. Phanxicô Lê Đình Thông (1998-1999)

Tổng Thư ký: Ô. Giuse Trần Khắc đạt

Phó Thư ký: C. Anna Phạm Mai Hương

Ủy viên Tôn giáo: C. Marie Thérèse Nguyễn Mỹ Phước

Ủy viên Văn hóa: Ô. Giuse Bùi Văn Triển

Ủy viên Cơ sở: Ô. Giuse Nguyễn Văn Thơm

Ủy viên Tài Chánh: Ô. Giuse Ngô Triệu Hùng

Ban Cố Vấn: Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ.

1998

Thầy Phạm Bá Nha và thày Nguyễn Văn Thạch lãnh chức phó tế vĩnh viễn ngày 23.08.1998 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Bà Paris.

Đại hội hành hương Lộ Đức từ 06 đến 10.08.1998

Đến cơ sở mới và dâng thánh lễ đầu tiên tại cơ sở mới vào ngày lễ Đức Mẹ Lên Trời, 15.08.1998 và chuyển giao cơ sở Boissonade cho cộng đoàn công giáo Triều Tiên ngày 31.08.1998.

Linh mục giám đốc Mai Đức Vinh được Tòa Thánh ân thưởng tước vị 'Đức ông' qua quyết định ngày 12.11.1998 của phủ quốc vụ khanh đích thân đức hồng y Jean Marie Lustiger đã đến địa điểm mới của Giáo Xứ và công bố vào lễ Các Thánh Tử Đạo cử hành tại cơ sở mới vào ngày 15.11.1998.

1999

Sr Anna Huỳnh thị Na qua đời ngày 11.12.1999.

16 hang đá dự thi triển lãm vào Giáng sinh 25.12.1999

Xuất bản cuốn 'Hành trang sống thế kỷ XXI'

Ban thường vụ nhiệm kỳ VII; lưu nhiệm thêm một nhiệm kỳ 2 năm

Hội Đồng Mục Vụ nhiệm kỳ VIII, 1999-2001

Ban Thường Vụ

Chủ tịch: Ô. Antôn Nguyễn Ngọc Đỉnh

Phó chủ tịch: Ô. Phanxicô Lê Đình Thông

Tổng Thư ký: Ô. Giuse Trần Khắc Đạt

Phó Thư ký: C. Anna Phạm Mai Hương

Ủy viên Tôn giáo: C. Marie Thérèse Nguyễn Mỹ Phước

Ủy viên Văn hóa: C. Maria Đào Kim Phượng

Ủy viên Cơ sở: Ô. Giuse Nguyễn Văn Thơm

Ủy viên Tài Chánh: Ô. Giuse Ngô Triệu Hùng

Ban Cố Vấn: Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Ông Nguyễn Văn Hộ, Bác sĩ Nguyễn Văn Ái

2000

Nhóm Chuyên Gia Đại Hội ra mắt vào chúa nhật 16.01.2000.

Ngày Năm Thánh của cộng đoàn để lãnh ơn toàn xá, cử hành ngày 12.03.2000 tại Vương Cung Thánh Đường Sacré Coeur, Montmartre.

Đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ nhất 01.05.2000 với năm nhóm chuyên gia, dịch vụ, doanh thương, thân hữu Taxi và xây dựng.

Hội diễn thánh ca ngày 17.12.2000 với sự tham dự của tất cả các ca đoàn và nghệ sĩ của Giáo Xứ.

Xuất bản 3 cuốn sách 'Fatima, hòa bình và tình thương', 'Đường vào tình yêu' và 'Chân phước Giáo hoàng XXIII'.

2001

Sư huynh Trần Văn Nghiêm, người đã đóng góp rất nhiều cho Giáo Xứ qua đời ngày 05.04.2001, thọ 93 tuổi.

Ban Mục vụ Hôn nhân cho ra đời ngày (bồi dưỡng) gia đình tổ chức vào hai ngày 27 và 28.10.201

Nhóm chuyên gia bắt đầu mở phòng trực vào mỗi chiều chúa nhật thứ tư, nha y dược, bắt đầu từ 23.09.2001.

Xuất bản cuốn sách "Tâm tình tuổi xuân" (Hỏi để biết sống).

Cha Dũng thay cha Cẩn lo việc quản lý.

Tu chính lần thứ tư Bản nội quy HĐMV, qua ĐHMV ngày 09/12/2001, đặc biệt tăng nhiệm kỳ của các thành phần trong BTV lên 3 năm (thay vì 2 năm, như trước đây) và tăng thêm số ủy viên. Xin nhắc lại Nội Qui HĐMVC được Gs Cảnh soạn thảo vào năm 1983, đã được tu chính ba lần vào các năm 1985, 1992 và 1997

Hội Đồng Mục Vụ nhiệm kỳ IX, 2001-2003

Ban Thường Vụ

Chủ tịch: Ô. Phanxicô Lê Đình Thông

Phó chủ tịch: C. Maria Đào Kim Phượng

Tổng Thư ký: Ô. Giuse Trần Khắc Đạt

Phó Thư ký: C. Marie Têrêsa Lê Thị Xuân Phượng

Ủy viên Tôn giáo: C. Marie Thérèse Nguyễn Mỹ Phước

Ủy viên Cơ sở: Ô. Giuse Nguyễn Văn Thơm

Ủy viên Tài Chánh: Ô. Giuse Ngô Triệu Hùng

Theo bản tu chính 9-12-2001, nhiệm kỳ của BTV là 4 năm và có thêm 4 Ủy Viên:

Ủy viên Thiếu Niên: Ô. Dương Công Huy.

Ủy Viên Phụng Vụ và Thánh Ca: Ô. Bùi Trọng Khang.

Ủy viên Văn Hóa: Ô. Trần Anh Dũng.

Ủy viên Thông Tin Liên Lạc: Ô. Giuse Nguyễn Thành Công.

Ban Cố Vấn: Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh

2002

Cha Vinh được bầu làm Liên Lạc Trưởng Mục Vụ Âu Châu, lo phối hợp hoàn thành cuốn 'Hội Ngộ Niềm Tin' và tổ chức Đại Hội Công Giáo Âu Châu từ 02 đến 04.08.2002 tại Lộ Đức.

Đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ 3, ngày 01.05.2002, mạng lưới đầu tiên của Giáo Xứ (sau hai năm cưu mang). Chào đời với tên gọi www giaoxuvn paris.org

Cộng đoàn Giáo Xứ đón Đức Mẹ Lavang vào Giáo Xứ trong hai ngày 12 và 13.10.2002.

Ra mắt cuốn I trong bộ Tân Lịch Sử Giáo Hội (gồm 5 cuốn và 10 quyển sách)

2003

Tiếp đón 130 bạn trẻ trên tổng số 90.000 bạn trẻ thế giới về họp tại Paris từ 28.12.2002 đến 01.01.2003.

Thánh lễ tại Giáo Xứ được trực tiếp truyền hình trên đài F2 vào chúa nhật 23.03.2003.

Đại hội liên đới nghề nghiệp lần thứ 4, ngày 01.05.2003 Ấn hành cuốn 'Kỷ yếu Liên Đới Nghề Nghiệp 2003'.

Lập nhóm đặc trách 'Tiền giúp Giáo Hội'.

Giáo Xứ tích cực tham gia đại hội "Hội Ngộ niềm tin" tổ chức tại Rôma, từ 24 đến 28.07.2003, và góp phần thành hình tập sách "Hội Đồng Mục Vụ".

Cha Đinh Đồng Thượng Sách thay cha Trần Anh Dũng lo mục vụ giới trẻ, có thầy sáu vinh viễn Tạ Đình Chung phụ tá. Thánh lễ giới trẻ tổ chức vào chúa nhật 01.11.2003 qui tụ trên 300 người tham dự.

Thầy sáu Tạ Đình Chung chịu chức ngày thứ bảy 03.10.2003.

Cha Dũng lo mục vụ cộng đoàn Sarcelles, thay cha Nguyễn Văn Cẩn và làm tuyên úy hội yểm trợ ơn gọi. Hội đã tu chính nội qui và bầu Ban Chấp Hành mới vào ngày 05.10.2003.

Tiếp đón đức tân hồng y Phạm Minh Mẫn, và cùng Ngài cử hành thánh lễ kỷ niệm Các Thánh Tử Đạo Việt Nam ngày chúa nhật 16.11.2003.

16.12.2003, thiết trí hệ thống âm thanh mới trong nhà nguyện và hội trường chung với kinh phí 22.000 euro. Ngoài ra một hệ thống tân trang mới cũng đã được thiết bị: đàn piano numérique, máy chiếu điện tử (vidéo projecteur).

Thi hang đá kỳ II mừng Giáng Sinh. 18 hang đá đã dự thi từ lễ Giáng Sinh 25.12.2003 đến lễ Thánh Gia 28.12.03. Giải nhất về Marne-La-Vallée.

Khánh nhật Hôn nhân tổ chức vào ngày lễ Thánh gia 28.12. 2003, có 14 đôi tham dự, kỷ niệm 15 năm, 20 năm, 25 năm, 30 năm, 42 năm và 60 năm hôn nhân.

Tổng kết mục vụ năm 2003 ở Giáo Xứ có 49 em bé rửa tội, 26 người lớn gia nhập Giáo Hội, 21 trẻ em rước lễ lần đầu, 26 người lớn và 28 trẻ em chịu phép thêm sức, 14 đôi bạn trẻ lãnh bí tích Hôn Phối (10 đôi khác học khoá chuẩn bị hôn phối tại Giáo Xứ, nhưng làm lễ nơi khác), 256 ấu thiếu nhi và kha tráng, từ 5 đến 17 tuổi đi học giáo lý và tiếng Việt tại Giáo Xứ, 58.000 người rước lễ chúa nhật.

2004

Xuất bản 2 cuốn sách: Tân Lịch Sử Giáo Hội cuốn III, và Kỷ yếu mừng 20 năm xuất bản báo Giáo xứ.

Lễ thánh Giuse, quan thầy Giáo Hội VN, 19.03.2004, Ban tu thư Giáo Xứ phát hành cuốn sách thứ 11: VĂN HOÁ VÀ ĐỨC TIN, 640 trang, giá bán 20 euros.

Ngày gia đình thảo luận về "Trao truyền văn hoá và đức tin cho con cái" đã được các phụ huynh trẻ tổ chức vào ngày chúa nhật 28.03.2004, qua 2 nhóm thảo luận về 2 đề tài:

1- Trao truyền văn hoá gia đình Việt Nam cho con cái,

2-Trao truyền đức tin gia đình cho con cái.

Ngày chúa nhật 18.04.2004 nữ nghệ sĩ Bích Thuận nói truyện và ra mắt cuốn hồi ký "Từ làng Vân hồ đến Unesco".

Cha Huỳnh Ngọc Tiên tạ thế ngày 18.04.2004. Rất nhiều tu sĩ và giáo dân đã đến dự thánh lễ an táng do đức hồng y Phạm Minh Mẫn chủ tế tại Giáo Xứ, lúc 10 giờ, ngày 24.04.2004.

Đại hội kỳ 5 của Liên Đới Nghề nghiệp vào 01.05 tại Giáo Xứ từ 14 giờ và tiệc thân hữu tại Asia Palace từ 20 giờ, thâu được 3774 euro, để giúp quỹ truyền giáo tại Việt Nam.

Hai ngày Giáo Xứ thứ bảy và chúa nhật 15-16.05.2004 năm nay có sư tham gia đông đảo hơn của các đơn vị mục vụ và các hội đoàn.

Đại diện Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ, Ls Lê Đình Thông và chị Đào Kim Phượng tham dự các buổi hội thảo của Tổng địa phận Paris về Năm Truyền giáo, đặc biệt trong ngày Đại Hội 15.05.2004, và các cuộc Hội Luận trong tuần lễ 25-28.10.2004.

Đại Hội Mục Vụ nhiệm kỳ X (2004-2007),

Ban Thường Vụ.

Chủ tịch: Ô. Phanxicô Lê Đình Thông

Phó chủ tịch: Ô.Antôn Bùi Trọng Khang

Tổng Thư ký: Ô. Giuse Trần Khắc Đạt

Phó Thư ký: B. Céceline Trần Kim Chi

Ủy viên Tôn giáo: C. Marie Thérèse Nguyễn Mỹ Phước

Ủy viên Cơ sở: Ô. Giuse Nguyễn Văn Thơm

Ủy viên Tài Chánh: Ô. Giuse Ngô Triệu Hùng

Ủy viên Thiếu Niên: A. Phanxicô Nguyễn Nhaty.

Ủy Viên Thanh Niên: Ô. Gioan Võ Thành Nhân

Ủy Viên Phụng Vụ và Thánh Ca: C. Élisabeth Thérèse Huỳnh Anh Thư

Ủy Viên Văn Hóa: Ô. Toma Nguyễn Minh Đức.

Ủy viên Thông Tin Liên Lạc: Ô. Michel Nguyễn Anh Hải

Năm 2007- 2008, năm hồng ân của Giáo Xứ, kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ (1947-2007) và 25 năm thành lập Hội Đồng Mục Vụ (1983-2007) nên Ban Thường Vụ trên được lưu nhiệm thêm một năm để tổ chức các lễ kỷ niệm..

Ban Cố Vấn: Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bà Giáo Sư Tạ Thanh Minh Khánh, Bác sĩ Nguyễn Văn Ái, Ông Nguyễn Văn Hộ, Bác sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh.

2004

Triển lãm kết thúc năm Truyền Giáo trong 2 tháng, từ 03.10 đến 28.11.2004 với chủ đề "Ai sẽ cho ta thấy hạnh phúc" (Tv 4,7), qua 4 ngăn: hiện tình truyền giáo trên thế giới, công cuộc truyền giáo tại Việt Nam, Giáo Xứ Việt Nam thể hiện tinh thần truyền giáo và phim về truyền giáo.

Để mở đầu năm Thánh Thể (tháng 10.2004 tháng 10.2005), Giáo xứ đã khai trương "Chương trình học hỏi về thánh lễ" 3 phút, kể từ chúa nhật 28.11.2004.

2005

Từ ngày 23.01.2005, Giáo Xứ phát hành 'Tờ Thông Báo' hàng tuần với nội dung: "Các bài đọc Kinh Thánh của chúa nhật, phần suy niệm Phúc Âm (Chủ yếu, Suy niệm và Cầu nguyện). phần thông tin sinh hoạt của Giáo Xứ.

Mùa đông 2004-2005 lạnh, các huynh trưởng và nghĩa sĩ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể tổ chức nhiều ngày "Chúa nhật công tác xã hội, mang cháo, cà phê nóng và thức ăn cho những kẻ không cửa không nhà tại các khu phố nghèo ở Paris.

Cha Trần Định, sinh hoạt tích cực với Giáo XXứ trong những năm thập niên 80, đặc biệt trong nhóm Thần Học Giáo Dân, đã qua đời ngày 14.02.2005, hưởng thọ 63 tuổi

Hai ngày công quả 28.02 và 17.03.2005 đã được ủy viên xây dựng tổ chức để trùng tu cơ sở Giáo Xứ. Trên dưới 20 thành viên trong nhóm Liên đới Xây dựng đã đáp lời mời của ông Thơm, để đến làm việc công quả này.

Ngày Gia đình cho các gia đình trẻ đã được tổ chức vào ngày 13.03.2005. Gs Tạ Thanh Minh Khánh nói lời dẫn nhập vào đề tài "Hạnh phúc gia đình", để 4 nhóm thảo luận về: 1-Hạnh phúc vợ chồng: tiền bạc ? 2-Hạnh phúc vợ chồng: sức khoẻ và sinh lý ? 3- Hạnh phúc vợ chồng: danh vọng, nghề nghiệp, đam mê cá nhân? - Hạnh phức vợ chồng: tôn giáo ?

Cha Lê Xuân Mừng, trợ bút tích cực của báo Giáo Xứ đã từ trần ngày 27.03.2005, hưởng thọ 94 tuổi.

17.04.2005 là ngày sinh nhật thứ 15 của Thư Viện. Luật Sư Lê Trọng Quát và Giáo sư Vũ Quốc Thúc đã thuyết trình về Quận Công Nguyễn Hữu Bài.

Tiếp tục truyền thống ngày Hội Thánh Ca của các ca đoàn trong Giáo Xứ, ngày 30.04.2005, ngày ca đoàn lần thứ hai đã được tổ chức.

01.05.2005, Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp kỳ VI, hội thảo về kinh nghiệm của các nghiệp đoàn. Gs Trần Văn Cảnh đã thuyết trình về đề tài "Từ quan niệm về liên đới trong hiến chương Âu Châu đến kinh nghiệm Liên đới Nghề nghiệp của các nghiệp đoàn chủ". Ls Lê Đình Thông thuyết trình về đề tài "Từ liên đoàn Lao Động đến Liên Đới Nghề nghiệp". Đức Ông Mai Đức Vinh bổ nhiệm thầy sáu Tạ Đình Chung và Giáo sư Trần Văn Cảnh làm đại diện cho năm ngành liên đới.

Qua lá thơ đề ngày 29.06.2005, Đức Ông Giám Đốc Mai Đức Vinh đã chính thức loan báo với cộng đoàn việc thành lập địa điểm mục vụ mới ở Antony.

11.08.005, 36 bạn trẻ Giáo Xứ Việt Nam lên đường tham dự Ngày Thế giới Giới trẻ lần thứ 20 tại Cologne, nước Đức, về đề tài "Chúng ta cùng đến thờ lậy Ngài".

Thứ bảy 10.09.2005, cùng với các tôn giáo Việt Nam khác, Phật giáo, Cao đài, Hoà Hảo, GXVN đã cử hành lễ cầu nguyện liên tôn cho các linh hồn tổ tiên tại crématorium nghĩa trang Père Lachaise Paris. Gs Trần Văn Cảnh điều khiển buổi lễ. Ls Lê Đình Thông cắt nghĩa ý nghĩa của buổi lễ.

Thầy Giuse Nguyễn Thanh Điển lãnh nhận chức linh mục ngày 01.10.2005 và đã dâng lễ tạ ơn tại Giáo XXứ. Tân linh mục sẽ về phục vụ Giáo Xứ, thay cha Nguyễn Văn Cẩn về hưu.

Nữ tu Marie Nguyễn thị Kim Thoa đã làm lễ khấn trọn đời trong tu hội Thánh Tâm Chúa Giêsu theo bậc giáo dân tận hiến ngày 02.10.2005 tại nhà nguyện Giáo xứ. Chị Thoa là thành viên trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ và phụ trách Lớp Pháp Văn từ năm 2000.

Cha Trần Anh Dũng thay thế cha Cẩn lo sổ sách tiền bạc của Giáo Xứ.

Chúa nhật 16.10.2005, Giáo Xứ cử hành thánh lễ tạ ơn, cám ơn cha Nguyễn Văn Cẩn, đã làm việc cho Giáo Xứ gần 20 năm, từ 1988 và nay ngài về nghỉ hưu.

Trong chương trình hướng đi mục vụ LIÊN ĐỚI TIN MỪNG, ngày 26.11.2005, Ban Giám Đốc và Ban Thường Vụ đã đồng ý đề nghị với cộng đoàn 3 việc cho năm 2006: 1-Phổ biến và học hỏi hai văn kiện "Tông đồ giáo dân" và "Truyền giáo", 2-Tiếp tục cây thông truyền giáo trong Mùa vọng và mùa Giáng sinh, 3-Cầu nguyện và đọc kinh truyền giáo.

2006

Phục Sinh 16.04.2006 ra mắt cuốn sách thứ 12 của Ban Tu Thư GXVN: VĂN HOÁ GIA ĐÌNH, 552 trang, giá bán 20 euros.

2.04.2006, Ngày Văn Hoá Giáo Xứ do nhóm Thư Viện tổ chức để mừng sinh nhật thứ 20 của thư viện. Khoảng 300 người tham dự. Gs Lê Đình Thông thuyết trình về đề tài 'Thầy Lazarô Phiền (1887) của Nguyễn Trọng Quản (1865-1911)'. Phần hai nhóm thư viện giới thiệu Cuốn Hồi ký của nhạc sĩ Phạm Xuân Lôi.

29.04.2006, họp mặt của 12 ca đoàn để hát cho nhau nghe và trao đổi về thánh ca và phụng vụ dưới sự hướng dẫn của cha Nguyễn Thanh Sang.

01.05.2006, Đại Hội LĐNN lần thứ 7. Khoảng 100 người thuộc 5 nhóm LĐNN đã về tham dự. Bà chưởng khế Mỹ Linh đã thuyết trình về đề tài 'thừa kế' rất hấp dẫn.

20.05.2006, Giáo Xứ tham dự lễ Tưởng Niệm và làm phép mồ Cựu Hoàng Bảo Đại tại Nghĩa trang Passy, quận 16, Paris với các tôn giáo Việt Nam khác và đại diện hoàng gia.

Chúa nhật 28.05.2006, đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể cắm trại ở Dourdan, mừng sinh nhật thứ 20 của đoàn.

Chiều thứ bảy 17.06.2006, đức tổng giám mục André Vingt-Trois đã đến thăm mục vụ Giáo Xứ và ban phép thêm sức cho 35 em thiếu nhi Việt Nam.

Từ 03 đến 07.08.2006 cùng với 46 Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam khác tại Pháp đã trở về Lộ Đức họp mặt kỷ niệm '30 năm hành trình đức tin của các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Pháp 1976-2006'. Gs Trần Văn Cảnh đã thuyết trình về đề tài 'Những thách đố đức tin' và Gs Tạ Thanh Minh Khánh về đề tài 'Nhiệm vụ làm tông đồ của giáo dân'.

08.10.2006, Hội Đồng Mục Vụ tĩnh tâm tại nhà dòng các Soeurs Bénédictines trên đồi Montmartre ở quận 18 Paris và học hỏi về đề tài 'Làm chứng cho tin mừng theo gương các thánh tử đạo Việt Nam'.

Mở đầu ĐẠI HỘI MỤC VỤ lần thứ 50 vào chúa nhật 17.12.2006, Đức Ông Mai Đức Vinh đề nghị với Cộng đoàn đặt tên cho năm 2007, năm mà Giáo Xứ Việt Nam Paris hiện diện vừa chẵn 60 năm là năm HỒNG ÂN và một chương trình gồm 9 sinh hoạt quan trọng.

Thi hang đá kỳ 3, 25.12.2006, với 19 hang đá dự thi. Giải nhất 500 euros đã được trao cho Cộng Đoàn Cergy Pontoise ngày lễ Ba Vua 07.01.2007.

31.12.2006, lễ Thánh Gia, Giáo Xứ đã tổ chức Lễ Mừng Thượng Thọ cho các bậc cao niên trên 70 tuổi của Cộng đoàn. Khoảng 200 vị đã đến tham dự. Phát hành bộ Suy Niệm Tin Mừng (ba cuốn A,B,C) để kỷ niệm 5 năm 'Sinh hoạt Mục vụ Màng Lưới' và gửi tặng các vị mừng Thượng Thọ.

2007

"Ngày Bệnh Nhân" được thực hiện trong 10 ngày, từ 26.01.2006 đến 04.02.2006, qua ba việc: bó hoa thiêng cầu nguyện, lần hạt, dâng lễ, rước lễ, làm phúc chỉ cho các bệnh nhân; thánh lễ đặc biệt vào chúa nhật 04.02.2007 cầu cho các bệnh nhân; và thăm viếng, tặng quà cho các bệnh nhân của Cộng Đoàn.

Thân Hữu Taxi mở Tiệc Xuân giúp các em mồ côi và khuyết tật tại Việt Nam, Paris, tối 10.02.2007

Tết Đinh Hợi, Tiệc Xuân chung cho toàn Giáo Xứ được tổ chức vào trưa chúa nhật 11.02.2007.

Giao thừa Tết Đinh Hợi 2007 tại Giáo Xứ Việt Nam Paris: 20 giờ, tối thứ bảy 17.02.2007, tất cả các giáo hữu tụ họp tại Giáo Xứ, khởi đầu bằng phần canh thức.

Rửa Tội và Thêm Sức cho 12 anh chị em Tân Tòng tại Giáo Xứ vào chủ nhật lễ Phục Sinh 08.04.2007.

Ngày Văn Hóa Việt Nam, nói chuyện về linh mục NGUYỄN VĂN THÍCH và nghe nhạc sĩ

LÊ TRẠCH LỰU, Do nhóm Thư Viện Giáo Xứ Việt Nam Paris tổ chức ngày 15.04.2007.

Diễn Nguyện Thánh Ca tại Giáo Xứ Việt Nam Paris, ngày 29.04.2007

Đại Hội Liên Đới Nghề Nghiệp VIII, tại Giáo xứ Việt nam Paris, ngày 01.05.2007

Ngày Gia Đình Trẻ với đề tài "Giáo dục con cái ở bậc tiểu học & trung học", chủ nhật 6-5-2007 tại cộng đoàn Marne-La-Vallée, Pháp

Hai ngày Thân Hữu (Kermesse), thứ bảy 12 và chủ nhật 13.05.2007, Giáo xứ Việt Nam Paris

Thánh Lễ Tạ Ơn, kỷ niệm 60 năm thành lập Giáo Xứ Việt Nam tại Paris, do đức cha Fortunato BALDELL, Sứ Thần Toà Thánh chủ lễ, Chủ nhật 24-06-2007

Nhóm Thân Hữu 'Tầu 101' xin Lễ Tạ Ơn vượt biển đền nơi định cư bình an, ngày 01.07.2007

Vĩnh biệt đức hồng y Jean Marie LUSTIGER, đã tạ thế vào chủ nhật 05 tháng 08 năm 2007

Tọa Đàm về 60 năm Giáo Xứ và 25 năm Hội Đồng Mục Vụ, GXVN Paris, ngày 30.09.2007

LỜI KẾT

Ngày 22.08.2006 vừa qua, tại Toà Giám Mục Thanh Hoá, Ủy Ban Giáo Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã tổ chức một cuộc Hội Nghị để bàn về chương trình hoạt động cho năm 2007 với sự chủ toạ của đức cha chủ tịch Giuse Nguyễn Chí Linh. Trong bản đúc kết, Hội Nghị viết "Để cụ thể hóa cho hoạt động của Ủy ban, Hội nghị đã đề ra đường hướng sinh hoạt cho Năm Sống Đạo 2007 do HĐGM đề xướng, chủ yếu nhằm vào 3 đối tượng ưu tiên: Hội Đồng Giáo Xứ (HĐGX), Đoàn thể, Gia đình" (4). Ngày 08.09.2006, Hội Đồng Giám mục Việt Nam đã gởi một THƯ MỤC VỤ năm 2006. Chọn chủ đề sống đạo hôm nay để mời gọi mỗi người sống niềm tin bằng những hành động cụ thể, như thánh Giacôbê Tông đồ viết: "Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết" (Gc 2,17). Quả thực, đời sống đạo vừa cần gắn bó với Thiên Chúa, vừa phải đi đến với anh em, như Chúa Giêsu, Ngôi lời nhập thể và nhập thế đã nêu gương cho chúng ta (5)".

Dõi theo hai tài liệu căn bản và hiện đại này, chúng ta có thể bảo rằng giáo dân của Giáo Xứ Việt Nam Paris đang lắng nghe và sống thư mục vụ của các vị chủ chăn là Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đang sinh hoạt theo đối tượng ưu tiên của Ủy Ban Giáo Dân thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt nam qua việc thực hiện ba sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ mà họ đã thành lập từ 1983 và hằng luôn cải tiến. Ba sứ mệnh đó là:

Tư vấn các linh mục và tu sĩ trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ về những quyết định mục vụ,

Cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ để soạn thảo chương trình và kế hoạch hoạt động mục vụ,

Cộng tác với các linh mục và tu sĩ trong Ban Giám Đốc Giáo Xứ để thực hiện công tác mục vụ trong khắp các phạm vi tôn giáo, văn hoá, xã hội và tài chính.

Kết thúc bài biên khảo này về Sứ mệnh của Hội Đồng Mục Vụ và đặc biệt về Ban Thường Vụ của HĐMV, GXVN Paris, một hình ảnh mạnh tuổi thơ, khi còn ở xứ Thanh, trở về trong trí tôi. Hình ảnh bơi thuyền trên biển đời. Xin ghi lại hình ảnh này qua bài thơ 'Biển đời', mà tôi đã khai bút vào xuân Quí Mùi 2003 vừa qua, và xin gởi tặng các thành viên Hội Đồng Mục Vụ và nhân viên Ban Thường Vụ.

BIỂN ĐỜI

Ra biển lấy thuyền bơi.
Biển đời,
Nhiều sóng, nhiều gió,
Đá ngầm cũng có.
Biển đời, một thử thách gay go
Lèo lái thuyền, với sóng giằng co,
Bơi chèo thuyền, tranh giành với gió,
Chống đỡ thuyền, đá ngầm so đo.
Sóng qua,
Sóng tới,
Sóng nhẹ,
Sóng mạnh,
Sóng nhỏ,
Sóng to.
Gió tây,
Gió đông,
Gió đẩy,
Gió cản,
Gió bắc,
Gió nam.
Đá này nhận ra,
Đá kia chẳng thấy.
Ở đây không có đá,
Biết đâu có đằng xa !
Chèo thuyền, tự chèo lấy
Cả sức lực, tâm trí.
Đừng quay lung lại với gian lao,
Cũng đừng trao thuyền cho ai hết !
Chèo thuyền.
Tự mình.
Nhìn thẳng.
Phiá trước.
Lái thuyền !
Bơi !
Thuyền đời,
Mở đất trời,
Hạnh phúc, nghỉ ngơi !

(Thanh Hương)


Chú thích:

(1) Sắc lệnh Tông đồ Giáo dân, chương 1; 2-4

(2) Ibidem chương 5; 24-25

(3) Bảy lá thơ đã được gởi lên Ðức Hồng Y Lustiger và toà tổng giám mục Paris

1. 01.10.1986, thơ của giáo sư Trần Văn Cảnh gởi cho ÐHY Lustiger

2. 10.03.1987, thơ của nữ tu Marie Thérèse Trần gởi cho ÐHY Lustiger

3. 10.06.0987, thơ của chị Marie Julie Dương Nguyệt Di gởi cho ÐHY Lustiger

4. 03.10.1987, thơ của Cha GD Mai Ðức Vinh và ông chủ Tịch Phan Quang gởi cho ÐHY Lustiger

5. 14.04.1988, thơ của Ban Giám Ðốc và Ban Thường Vụ gởi cho ÐHY Lustiger

6. 10.10.1989, thơ của Ông Pierre Ðặng Kim Ban gởi cho ÐHY Lustiger

7. 12.09.1992, thơ của Ông Vũ Văn Nghi gửi cho ÐHY Lustiger

PHỤ LỤC 5: NIỀM VUI CHUNG



Lm Mai Đức Vinh

Hôm nay chúng ta vui mừng chia sẻ niềm vui với ba người trong Giáo Xứ lãnh huy chương và bằng khen 'PRO ECCLESIA ET PONTIFICE' do đức thánh cha Biển Đức XVI trao ban. Ba người đó là:

• Ông Giuse TRẦN VĂN CẢNH, người có công soạn thảo Nội Quy của Hội Đồng Mục Vụ (1983), giữ chức Tổng Thư Ký HĐMV (1983-1985) và liên tục làm Cố Vấn của HĐMV cho tới năm nay.

• Ông Antôn NGUYỄN NGỌC ĐĨNH, lần lượt giữ chức Tổng Thư Ký HĐMV (1987-1990) Phó Chủ Tịch HĐMV (1994-1997), Chủ ịch HĐMV (1997- 2003).

• Ông Phanxicô Xaviê LÊ ĐÌNH THÔNG, lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch HĐMV (1997- 2003) và Chủ Tịch HĐMV (2003 - 2008).

Đây là huy chương và bằng khen mà Toà Thánh ban tặng để tán thưởng một giáo dân đã tận tụy làm việc 'cho Giáo Hội và cho đức giáo hoàng'. Nói như vậy, đức thánh cha muốn nhấn mạnh với chúng ta: Dù chỉ làm việc tông đồ trong một xứ đạo nhỏ, chúng ta cũng được Ngài coi như 'làm việc cho chính Giáo Hội và cho Ngài' (pro Ecclesia et Pontifice), nghĩa là cho Thiên Chúa.

Một sự thật đáng nói lên: Cũng như mười vị đã lãnh huy chương và bằng khen nhân dịp lễ Kim Khánh của Giáo Xứ (1997), ba vị lãnh huy chương và bằng khen nhân dịp lễ Ngân Khánh của Hội Đồng Mục Vụ năm nay (1983-2008), không nhận riêng cho mình, nhưng cho toàn thể Giáo Xứ, và đặc biệt cho mọi thành viên của Hội Đồng Mục Vụ. Quả vậy, có những vị đã làm việc cho Giáo Hội cách khôn ngoan và nhiệt thành trong phong trào Cursillo như cụ Gioan Bosco Đào Văn, hay trong một Cộng Đoàn như ông Phêrô Nguyễn Văn Ân ở Villiers le Bel, bà Anna Nguyễn Hữu Nhơn ở Sarcelles, hay trong một hội đoàn như bà Maria Nguyễn Thị Hổ của hội các Bà Mẹ Công Giáo… và còn bao nhiêu người khác trong Ban Cố Vấn, Ban Thường Vụ, và trong các Đơn Vị Mục Vụ hay trong nhiều dịch vụ khác của Giáo Xứ, như lo sạch sẽ trong nhà, làm đẹp ngoài khuôn viên và quán xuyến ẩm thực… Tất cả đều đáng được Giáo Xứ ghi ơn và Giáo Hội khen thưởng.

Do đó, tôi xác tín rằng: Nếu Giáo Xứ chúng ta nhỏ bé và Giáo Hội trần thế còn bị giới hạn, thì chỉ mình Thiên Chúa mới ban huy chương và bằng khen đích thực cho mỗi người. Đúng như lời thánh Phaolô viết cho giáo dân Roma xưa: "Thiên Chúa không thiên vị, Ngài sẽ ban danh dự, bình an và vinh quang cho những ai phụng sự Ngài" (Rm 2,10-11); hay như chính lời của Chúa Giêsu trong Phúc Âm: "Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng của anh em thật lớn lao!" (Mt 5,12),

Thánh Gioan kể rằng: "Hôm ấy Chúa Giêsu nhìn ngắm đồng lúa chín vàng, đã phấn khởi thốt lên: 'Ai là người có công, ai là kẻ thu hoa lợi? Vậy, người gieo kẻ gặt hãy vui lên niềm vui chung! (Ga 4,35-36). Tôi trộm nghĩ: giờ đây Chúa Giêsu nhìn xuống Giáo Xứ Việt Nam Paris, Ngài cũng hồ hởi nói với chúng ta: "Các con hãy vui lên trong niềm vui chung! niềm vui chia sẻ của cả Giáo Xứ chúng con!".

ĐỨC GIÁO HOÀNG BIỂN ĐỨC XVI vui lòng ban cho Quý Ông

Joseph Trần Văn Cảnh, Antonio Nguyễn Ngọc Đĩnh, Francisco X. Lê Đình Thông

Huy Chương Thánh giá Tôn Nghiêm

PRO ECCLESIA ET PONTIFICE

Kết Tụ Công Trình Hoạt Động và Học Hỏi Sáng Giá

Nhân Danh Giáo Hội và Đức Thánh Cha

Đồng thời cho Quý Ông năng quyền mang huy chương cao quý này


TÀI LIỆU THAM KHẢO



A. Tài liệu căn bản

CHAFFOULIE H.: AUX ORIGINES D'UNE ÉGLISE (Rome et les Missions d'Indochine au XVIIe Siècles), 2 tomes, Paris 1943, 1948.

COLOMBERT (Mgr): CHỨC SỞ MỤC LỆ (Le Règlement des Notables) Saigon 1884

DIRECTOIRES (Les):

- DIRECTOIRE "POUR LES MISSIONS DE LA COCHINCHINE OCCIDENTALE ET DU CAMBODGE, 2è édition, Sai-Gon

- DIRECTOIRIUM VICARIATUS APOSTOLICI DE HA-NOI (Luật riêng địa phận Hà-Nội) Hà-Nội, 1941

- DIRECTOIRE DU VICARIAT APOSTOLIQUE DE HUẾ, Huế 1941

- DIRECTOIRE DU VICARIAT AOSTOLIQUE DE QUY-NHƠN, Quy-Nhơn 1942

LAUNAY A.:

-HISTOIRE DE LA MISSION DU TONKIN (Documents Historiques), tome I, 1658-1728

-HISTOIRE DE LA MISSION DE COCHINCHINE (Documents historiques) tome I, 1658-1728 Paris 1923; tome 1, 1728-1771, Paris 1924; tome II, 1771-1823, Paris 1925.

LOUVET E.: LA CONCHINCHINE RELIGIEUSE, 2 volumes, Paris 1882.

NGÔ-ĐÌNH-THỤC (Mgr): CHỨC SỞ MỤC LỆ (Le règlement des notables rédigé par Mgr Colombert, retouché et publié en 1953) Vĩnh-Long 1953.

NGUYÊN –HÔNG: LỊCH SỬ TRUYỀN GIÁO Ở VIỆT-NAM (Histoire d'évangélisation au Vietnam) tome I, Sai-gon 1959.

PHAN-PHAT-HUON: VIỆT-NAM GIÁO SỬ (Histoire de l'Église vietnamienne) tome I, 1533-1933 Sai-gon, 1958; tome Ì, 1933-1960, Sai-gon 1961.

SYNODES (les):

- CONSTITUTIONES SYNODI FAIFO 1672, dans LAUNAY A. Histoire de la Mission de Cochinchine (documents historiques) t.I, 1658-1728, pp. 276-286, Paris 1924

- SYNODE DE COCHINCHINE TENU A SÀI-GÒN DU 7 au 14 AOUT 1880, dans TEYSSERE, Un Missionnaire Albigeois en Cochinchine Mgr alibert, appendice pp.339-357, Albi 1881.

- ACTA ET DECRETA PRIMAEREGIONALIS SYNODI TUNQUINENSIS 1900, Kẻ-Sở, typis Missionis Tunquini Occidentalis 1905.

- PRIMIUM CONCILIUM INDONENSE 1934, imprimerie Trung-Hòa, 1938

TEYSSEYRE: UN MISSIONNAIRE ALBIGEOIS EN INDOCHICHINE, MGR. GALIBERT, Albi 1887.

THƠ CHUNG (Lettres pastorales):

-THƠ CHUNG ĐỊA PHẬN ĐÀNG TRONG BÊN TÂY

(Les lettres pastorales du Vicariat de la Cochinchine Occidentale) Sai-gon 1886.

- THƠ CHUNG ĐỨC CHA CHIẾU VÀ ĐỨC CHA PHỨƠC ĐÃ LÀM TỪ 1868 (Les lettres pastoales du Mgr. Theurel et Mgr Puginier depuis 1868) Ke-So 1890.

- THƠ CHUNG ĐỊA PHẬN TÂY ĐÀNG NGOÀI 5 Les lettres pastorales du Vicariat du Tonkin Occidental) 3 volumes Ke-So.1901-1908.

- THƠ CHUNG ĐỊA PHẬN THANH (Les lettres pastorales du Vicariat du Tonkin Maritime) 2 volumes, Hong-Kong 1920

- MƯỜI BẢY THƠ CHUNG ĐAI CÁI CỦA BA GIÁM MỤC SÀI GÒN (Dix-sept lettres pastorales de trois Vicaires apostoliques de Saigon) 2 volumes, Sai-Gon, Tân Định 1950.

CADIERE L.:

-ORGANISATION ET FONCTIONNEMENT D'UN CHRÉTIENNETÉ VIETNAMIENNE, dans Bulletin des Missions Étrangères de Paris 34 (1955) pp. 305-318,389-397,574-586,723-736,961-969,1051-1061

-LA MISSION DE HUẾ, dans Annales des Missions Étrangères de Paris I4(1911) pp. 254-272,282-312.

B. Sách chuyên đề

AAVV: LE CONSEIL PAROISSIAL, UNE FORME DE PARTICIPATION, Bruxelles, 1968

ANNABOLDI A.: SERVIZIO DELLA PASTORALE PARROCHIALE NELLA LUCE E NELLO SPIRITO DEL VATICANO II, Milano 1967

BARRI D: DOMANI, LE COMUNITA DI BASE, Milano 1971

BAZELAIRE: LES LAICS SONT AUSSI L’ÉGLISE ? Paris 1962

BERNARD-MAITRE:

-INTRODUCTION HISTOIRIQUE A L’ÉTUDE COMPARÉE DES CIVILISATION ANNAMITES ET EUROPÉENNE DEPUIS L’ARRIVÉE DES PORTUGAIS AU XVIe SIÈCLE JUSQU’À LA FIN DE LA DYNASTIE DE MINH EN CHINE, Hà Nội 1938

-POUR LA COMPRÉHENSION DE L’INDOCHINE ET DE L’OCCIDENT, Paris 1951

BONIFACY: LES DÉBUTS DU CHRISTIANISME EN ANNAM (Des origines au commencement du XVIII siècle) Hà Nội 1930

BORRI C.: RELATIONE DELLA NUOVA MISSIONE DELLE P.P. DELLA COMPAGNIA DI GIESU AL REGNO DELLA COCINCINA, Roma 1631 (Traduction française du père Antoine de la Croix, Lille et Rennes 1931)

CADET J.: LE LAICAT ET LE DROIT DE L’ÉGLISE

GAILLARD R.: ESSAI SUR LES ORIGINES DU CHRISTIANISME AU TONKIN ET DANS LES AUTRES PAYS ANNAMITES Paris 1925

CARATIMI H.: LE STATUT DES MISSIONS EN INDOCHINE. Hà Nội, 1941

(COLLECTIF):

- CALENDRIER POUR SIX PROVINCES DE COCHINCHINE (Lịch Annam thông dụng trong sáu tỉnh Nam-Kỳ) Saigòn 1917.

- COMPTE RENDU DE LA RÉUNION DES ÉVÊQUES DU GROUPE DU TONKIN, Hà-Nội 1926

- ESSAI DE DIRECTOIRE POUR LA MISSION DU TONKIN, Kẻ-Sỡ 1903

- LA COOPERAZIONE DEI LAICI D'ASIA E D'AFRICA ALL'APOSTOLATO MISSIONARIO, Roma 1958

- LA PAROISSE SE RECHERCHE, Bruges 1963

- LE LAICAT ET LES MISSIONS, Ottawa 1951

- SACRAE CONGREGATIONIS DE PROPAGANDA FIDE MEMORIA RERUM. 3 VOLUMES, Roma 1972-1975

COLOMBERT (Mgr); NOTICE SUR LES MARTYRS DE LA COCHINCHINE OCCIDENTALE, Sai-gon 1887

CONNAN F.; DEMAIN, LA PAROISSE, Paris 1966

COTHONAY R.; LES VINGT-SIX MARTYRS DES MISSIONS DOMINICAINES DU TONKIN BEATIFIÉS PAR S.S. LEON XIII, 7 MAI 1900, Paris 1906

DABIN: LE SACERDOS ROYAL DES FIDÈLES DANS LA TRADITION ANCIENNE ET MODERNE, Bruxelles 1950

ĐAO-DUY-ANH: VIỆT-NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG (Histoire générale de la culture vietnamienne) Sai-gon 1961

ĐĂNG-PHƯƠNG-NGHI: LES INSTITUTIONS DU VIETNAM AU XVIIIe SIÈCLE (thèse), Paris 1965

DAVOUST J. (Mgr.): SÁCH DẠY VIỆC KẺ GIẢNG PHÀI LÀM (Manueldes catéchistes), Phát-Diệm 1871

DE LA CROIX: HISTOIRE UNIVERSELLE DES MISSIONS CATHOLIQUES, 4 tomes, Paris 1956-1958

D'ENJOY P.: LA COLONISATION DE LA COCHINCHINE, Paris 1898

DEPIERRE (Mgr): SITUATION DU CHRISTIANISME EN COCHINCHINE À LA FIN DU XIXe SIÈCLE, Sai-gon 1898

(DIRECTOIRE): DIRECTORIO DEL MISIONERO DOMINICO DE TUNQUIN, Phú-Nhai 1941

DORTEL C.: EGLISES LOCALES, EGLISE UNIVERSELLE, COMMENT SE GOUVERNE LE PEUPLE DE DIEU, Lyon 1973

ESTEVE E.: MISSION DE LA COCHINCHINE ET DU TONKIN, Paris 1858

GIRAN P.: PSYCHOLOGIE DU PEUPLE ANNAMITE, Paris 1904

GIROD L.:

-UNE TOURNEE PASTORALE DANS LE VICARIAT DU TONKIN OCCIDENTAL (Lettres d'un missionnaire à la famille) Lons-le-Saunier 1882.

-RECITS D'UN MISSIONNAIRE, Lons-le-Saunier 1886

-DIX ANS DE HAUT-TONKIN, Paris 1899

GRANDJEAN Ph.: LE STATUT LÉGAL DES MISSIONS CATHOLIQUES ET PROTESTANTES EN INDOCHINE FRANCAISE, Paris 1939

GUGLIEIMOTTI: MÉMORIE DELLE MISSIONI CATTOLIQUE NEL REGNO DEL TUNCHINO, Roma 1844

HAY A.: LE PÈRE PIERRE GODET, MISSIONNAIRE EN ANNAM 1866-1926, Châtellerault 1928

JOBBE-DUVAL: LA COMMUNE ANNAMITE, Paris 1896

JOLY L.: LE CHRISTIANISME EN EXTRÊME-ORIENT, tome I, (Indochine), Paris 1907

LABBE C.: RÉCIT ABREGÉ DE LA DERNIÈRE PERSÉCUTION DE LA RELIGION CHRÉTIENNE DANS LA COCHICHINE, Paris 1703.

LAUNAY A.:

-TRENTE CINQ MARTYRS, SERVITEURS DE DIEU, Paris 1907

-HISTOIRE GÉNÉRALE DE LA SOCIÉTÉ DES MISSIONS ÉTRANGÈRES, Paris 1894

-MONSEIGNEUR RETORD ET LE TONKIN CATHOLIQUE, 2è édit. Hong-Kong 1937

LÊ-THÀNH-KHÔI: LE VIỆTNAM, Paris 1955

LOUVET E.: MONSEIGNEUR COLOMBERT, Saigon 1895.

LURO: COURS D'ADMINISTRATION ANNAMITE (ronéo, chez les pères MEP) Paris 1695

MALOT Fr.: LA COMMUNE ANNAMITE: SA FORMATION, SA CONSTITUTION, SES RAPPORTS AVEC L'ETAT (thèse) Paris 1903

MAZZOLI A.: LA PASTORALE NELLA PARROCHIA MODERNA, 2è édit. Brescia 1968

MEYNARD A.: MISSIONS DOMINICAINES DANS L'EXTRÊME ORIENT, 2 Volumes, Paris 1865

MONTEZON Fr.: MISSION DE LA COCHINCHINE ET DU TONKIN, Paris 1858

MOSARD (Mgr): TỬ HẦU, (l'assistance aux mourants) 5è édit. Sài-Gòn 1942.

MUNERO M.: HISTORICAE VICARIATUS TONQUINI CENTRALIS, Phú-Nhai 1916

NEEZ L.: DOCUMENTS SUR LE CLERGÉ TONKI NOIS AUX XVIIe ET XVIIIe SIÈCLE, Paris 1925

NGUYỂN HỬU GIAI: LA PERSONNALITÉ DE LA COMMUNE ANNAMITE Paris 1937

NGUYỂN-HỬU-KHANG: LA COMMUNE ANNAMITE (études historiques, juridiques et économiques) Paris 1966

NGUYỂN-HỒNG-PHONG: XẢ THÔN VIỆT-NAM (la commune vietnamienne) Hà-Nội 1953

NGUYỂN-VĂN-PHONG: LA SOCIÉTÉ VIÊTNAMIENNE DE 1862 À 102 Paris 1971

NGUYỂN-VĂN-QUÊ: HISTOIRE DES PAYS DE L'UNION INDOCHINOISE, Paris 1943

NGUYỄN-HỮU-TRỌNG: LES ORIGINES DU CLERGÉ VIETNAMIEN ? Sài-Gòn 1959.

NHẤT-THANH: ĐẤT LỀ QUÊ THÓI (Les coutumes de chez nous) Sài-Gòn 1968

OEY P.: LA COMMUNE ANNAMITE AU TONKIN, Paris 1894

PASQUIER P.: L'ANNAM D'AUTREFOIS, Paris 1930

PHẠM-ĐÌNH KHIÊM: NGƯỜI CHỨNG THỨ NHẤT (Le premier martyr vietnamien) Sài-Gòn 1959

PAPOT J.: LA PAROISSE, Paris 1965

(QUY CHẾ):

-QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ TỔNG GIÁO PHẬN HUẾ, (statut des conseils paroissiaux de l'Archidiocèse de Huế), Huế 1969

-QUY CHẾ GIÁO DÂN ĐỊA PHẬN NHA TRANG (statut des laics du diocèse de Nha-Trang 1970

- QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ ĐỊA PHẬN SÀI-GÒN VÀ PHÚ CƯỜNG (statut des conseils paroissiaux des diocèses de Saigon et de Phu-Cuong) Sai-Gon 1971

- QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ ĐỊA PHẬN LONG XUYÊN (statut des conseils paroissiaux du diocèse de Long-Xuyên) Long-Xuyên 1971

- THỦ BẢN HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ ĐỊA PHẬN XUÂN LỘC (Manuel des conseils paroissiaux du diocèse de Xuân-Lộc) Xuân-Lộc (Biên-Hòa) 171

- QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ ĐỊA PHẬN CẦN THƠ (statut des conseils paroissiaux du diocèse de Cần-Thơ ) Cần-Thơ 1972.

- QUY CHẾ HỘI ĐỒNG GIÁO XỨ ĐỊA PHẬN ĐÀ LẠT (statut des conseils paroissiaux du diocèse de Đà-Lạt) Đà-Lạt 1973

RHODES A.:

-HISTOIRE DU ROYAUME DE TUNQUIN ET DES GRANDS PROGRÈS QUE LA PREDICATION DE L'ÉVANGILE Y A FAITS EN LA CONVERSION DES INFIDELES, DEPUIS L'ANNÉ 1627 JUSQU'À L'ANNÉE 1646 (composée en latin par R.P. ALEXANDRE DE RHODES, de la compgnie de Jésus et traduite en français par le R.P.Henri Albi de la même compagnie) Lyon 1651.

-DIVERS VOYAGES ET MISSIONS DU P.ALEXANDRE DE RHODES EN CHINE ET AUTRES ROYAUMES DE L'ORIENT, AVEC SON RETOUR DE LA CHINE A ROME, DEPUIS 1618 JUSQU'À L'ANNÉE 1653 Lille 1884

SACCANO M.: RELATIONS DES PROGRES DE LA FOI AU ROYAUME DE LA COCHINCHINE DES ANNÉES 1646 ET 1647 Paris 1653.

(SYNODES):

- CONSTITUTIONES SYNODI NAMDIHENSIS 1670. DANS LAUNAY A. Histoire de la Mission du Tonkin (documents historiques ) t. I, 168-1727 pp. 92-100, Paris 1927

- ACTA ET DECRETA SECUNDAE REGIONALIS SINODI TUNQUINNSIS HABITAE IN PAGO KẺ-SỞ A/D 1912, in tại Kẻ-Sở, 1914.

SCHWOD G.: LES MISSIONS INDOCHINOISES A L'EXPOSITION DE 1900, Paris 1902

THEODORE C.: ESQUISSE SUR L'ACTION CATHOLIQUE DANS LE VICARIAT APOSTOLIQUE DE BÙI CHU, Bùi Chu 1938

TONNA B.: SOCIOLOGIA PASTORALE DELLA PARROCHIA E DELLA DIOCESI, Roma 1970

TRẦN-TRỌNG-KIM: VIỆT-NAM SỬ LƯỢC (Histoire générale du Viêt-Nam ) 5ème édit. Saigon 1954

TRẦN-MINH-TIẾT: HISTOIRES DES PERSÉCUTIONS AU VIETNAM Paris 1955

TRỊNH VIỆT-YẾN: MÁU TỬ ĐẠO TRÊN ĐẤT VIỆT (Le sang des martyrs au Vietnam) Hà-Nội 1953

VROMANT G.: DE BONIS EGGLESIAE TEMPORALIBUS, 3è édit. Paris 1953

VỦ-VĂN- ĐINH: DE FONTIBUS JURIS PARTICULARIS ECCLESIASTICI MISSIONIS VIETNAMIENSIS, Rome 1964

C. Bài báo chuyên đề

(ANONYME):

-HÀ NỘI CHRÉTIEN, dans Bulletin Missions Étrangères de Paris 4 (1925) pp. 331-333

-CONTACT AVEC LES NON-CHRÉTIENS VIETNAMIENS, dans Épiphanie, 1967 pp.245-246

-LA CHRÉTIENTÉ ET L'ÉGLISE DE BA-RIA, dans Les Missions Catholiques 12 (1980) pp.311-312

-COCHINCHINE OCCIDENTALE: LES DISTRICTS ET LEURS MISSIONS DE 1882 A 1918, dans Annales des Missions Étrangères de Paris 21(1918) pp.601-615

-COCHINCHINE ORIENTALE: ESPÉRENCE ET GLOIRE CHRÉTIENNE, dans les Missions Catholiques 41 (1909) pp.463-466

-NOTICE SUR LES MISSIONS DE LA COCHINCHINE ET DU TONKIN, dans Annales de la Propagande de la Foi 27(1855) pp.85-101,257-277, 338-353

-INFLUENCE D'UN ZÈLE NOTABLE SUR LES PROCHES D'UNE CHRÉTIENTÉ, dans Annales de la Propagande de la Foi 70 (1855) pp.20-23

-L'ÉGOISME DES INFIDÈLES ET LA CHARITÉ DES CHRÉTIENS PENDANT LE TEMPS DU COLÉRIE, dans Annales de la Propagande de la Foi 22(1850) pp.293-294

-CÁC CHÂN PHƯỚC TỬ ĐẠO VIỆT-NAM (La liste des bienheureux martyrs au Vietnam) dans Hiệp-Sống (hebdomadaire " l'Union de vie) (1972) n.13-14 pp.22-23

-HIỆN TÌNH CÁC ĐỊA PHẬN MIỀN BẮC VÀ MIỀN NAM VIỆT-NAM, (La situation actuelle de l'Église du Nord et du Sud Vietnam) dans Hiệp-Sống (L'Union de Vie) (1972) nn13-14 pp.14-18.

ARTIF: UNE FLEUR DE L'APOSTOLAT EN COCHINCHINE, dans les Missions Catholiques 38 (1906) pp. 448-454

BARDY G.: L'APOSTOLAT DES LAiCS AUX PREMIERS SIÈCLES, dans Masses Ouvrières, Juillet 1945 pp.2-15

BARUFFO A.: L'APOSTOLATO DEI LAICI NEL DECRETO CONCILIARI, dans Civiltà Catholica (1966) pp. 240-254.

BAUMGARTNER: FORMES DIVERSES DE L'APOSTOLAT DES LAiCS dans Christus, Janvier 1957 pp.67-71

BELLEVILLE Fr: RÉPÉTITION DE CATÉCHISME DES JEUNES GENS dans Annales de la Propagande de la Foi 76(1904) pp.290-293.

BERNARD H.: POURQUOI L'EXPANSION CHRÉTIENNE A-T-ELLE ÉCHOUÉ EN INDOCHINE AU XVIe SIÈCLE, dans Revue d'Histoire des Missions 12 (1935), pp. 386-390

BONICELLE C.: I CONSIGLI COLLEGIALI DI DIECI ANNI DOPO IL CONCILIO, dans Prezenza Pastorale 43 (1973) pp.95-102

BOSA P.N.: COOPÉRAZIONE DEL LAICATO AFRICANO CON LA GERARCHIA, dans la Cooperasione dei laici d'Asia e d'Africa all'Apostolato Missionario, Roma 1958 pp. 12-22

BOUCLET A.:

-TOURNÉE ÉPISCOPALE ÀTRAVERS LES FORÊTS MONTAGNEUSES DU LAOS TONKINOIS, dans Les Missions Catholiques 47 (1915) pp. 330-331

-DEUX MÉTHODES: COMMENT SE FONDENT LES PAROISSES EN ANNAM, dans les Missions Catholiques 70 (1938) pp.366-370

BURRO P.: LES ÉCOLES EN CHINE ET EN INDOCHINE, dans Bulletin des Missions Étrangères de Paris 3 (1924) pp.33-40

CADIERE L.:

-INSTRUCTIONS PRATIQUES POUR LES MISSIONNAIRES QUI FONT DES OBSERVATIONS RELIGIEUSES, dans annales des Missions Étrangères de Paris 13 (1913) pp. 60-70, 130146, 184-193

-LES MÉMOIRES DE VACHET POUR SERVIR À L'HISTOIRE ECCLÉSIASTIQUE DE LA MISSION DE COCHINCHINE ? DANS Bulletin de la Commission Archéologique de l'Indochine, 1933 pp 1-77

CELLARD JB.: CHRÉTIENTÉS DU VIETNAM, dans Union Missionnaire du Clergé de France 14(1955) pp.22-27

CHAIZE Fr: INFLUENCE DE LA SAINTE EUCHARISTIE DANS L'OEUVRE MISIONNAIRE EN INDOCHINE, dans les Missions Catholiques 69 (1937) pp. 262-367

CHARMOT Cl.: HISTOIRE DE L'ÉVANGELISATION, dans Sacerdos (1974) nn.145-146 pp 55-57

(OLLECTIF): UNE LETTRE DES ÉVÊQUES DU TONKIN SUR LES ÉCOLES CATHOLIQUES, dans Les Missions Catholiques 51 (1919) pp.565-566

CONGAR Y.:

-L'APOSTALAT DES LAICS D'APRÈS LES DÉCRETS DU CONCILE, dans la Vie Spirituelle (1967) pp. 129-160

-LAICS, dans Encyclopédie de la Foi, vol. II pp. 436-456: Paris 1965

CUSSAC G.:

-L'IMPLANTATION DE L'ÉGLISE AU VIETNAM, dans les Missions Catholiques (nouvelle série) (Lyon) 5 (1955) pp.44-50, 85-90;

-LE DRAME DES COMMUNAUTÉS CATHOLIQUES DU VIETNAM, dans la revue de Deux Monde (1955) n.4 pp. 577-593

DEVAUX A.: LETTRES DES MISSIONNAIRES DE LA COCHINCHINE ET DU TONKIN AU COMMENCEMENT DU XVIIIe SIÈCLE, dans Bulletin des Amis de Vieux Huế (Huế 1943) pp.285-327

DEPAULIS: LA CROISADE EUCHARISTIQUE DE HÀ-NỘI, dans Annales de la Foi 102 (1933) pp.176-186

DOUMERQ J.: UNE VISITE DE NOUVEAUX CHRÉTIENS (VIETNAMIENS) dans les Missions Catholiques 41 (1909) pp.55-56

DUBUC J.: COLLABORATION APOSTOLIQUE DES PRÊTRES ET DES LAICS AU DÉBUT DU CHRISTIANISME, dans Lumen Vitae 171962) pp.209-229

ELOY (Mgr.): LES ÉCOLES DU VICARIAT DE VINH, dans les Missions Catholiques 48 (1916) pp.232-236

ERNEST-HAY: QUELQUES NOTES SUR UNE OEUVRE DE CATÉCHISTES, dans Annales des Missions étrangères de Paris 8 (1905) pp.291-312

FOLLIET J.: QU'EST-CE QU'UN LAIQUE? dans ECCLESIA, avril 1956 pp.291-312

FRICHOT: UN COUP D'OEIL SUR LE TONKIN MÉRIDIONAL EN 1886, dans les Missions Catholiques 19 (1887) pp.260-262, 272-274, 286-288, 322-324.

GAILLARD: LE CHANT DES LAMENTATIONS AU TONKIN, dans Annales e la Propagande de la Foi 70 (1898) pp.436-437

GALLAY: LE CONCOURS GENERAL SUR LE CATÉCHISME, dans Annales de la Propagande de la Foi 22 (1953) pp. 20-22.

GAUDEMET J.: LA PAROISSE AU MOYEN ÂGE, dans la Revue d'Histoire de l'Église de France 59 (1973) pp. 5-21.

GEFFRAY: UNE PAGE DE LA PERSÉCUTION EN COCHINCHINE, dans Les Missions Catholiques 18 (1886) pp.420-430, 442-444, 452-455, 464-467

GERMAIN M.: LE RÔLE DU LAICAT DANS L'APOSTOLAT MISSIONNAIRE DE L'ÉGLISE, dans Laicat et les Missions, pp.27-37 Ottawa 1951

GERNOT: LES RELIGIEUSES ANNAMITES, dans Annales des Missions Étrangères de Paris 8 (1905) pp. 11-37

GISPERT F.:

-LA MISSION DOMINICANA EN TUNKIN EN EL SIGLO XIX, dans Missiones Dominicanas 21 (1938) pp. 173-180, 206-209, 235-239, 265-268, 299-304, 330-332.

-TROIS SIÈCLES D'APOSTOLAT DOMINICAIN EN INDOCHINE, dans Missions Dominicaines 3 (1924) pp. 32-42, 74-84, 111-112.

GRANGUA: À TRAVERSLES CHRÉTIENTÉS DE LA COCHINCHINE ORIENTALE, dans les Missions Catholiques 17 (1885) pp. 557-560, 569-573, 584-586.

GRAND'MAISON J.: LE CONSEIL PAROISSIAL DE PASTORALE, dans La Paroisse en Concile, pp. 159-165, Ottawa 1966.

GUENNOU J.

-LES MISSIONS D'INDOCHINE AU XVIIIe SIÈCLE, dans Sacrae Congregationis de Propaganda Fidei Memoria Rerum, vol.II pp.976-960.

-VIGUEUR NOUVELLE AUX MISSIONS D'INDOCHINE DANS 'Sacrae Congragationis de Propaganda Fidei Memoria Rerum' vol. I. (1622-1700) pp. 572-581, Rome 1972.

-FLORAISON MISSIONNAIRE DANS LES PERSÉCUTIONS. (ou: Les missions d'Indochine au XIe Siècle), dans ' Sacrae Congregationis de Propaganda Fidei Memoria Rerum' vol. III/I pp.461-475, Rome 1975.

HEBRARD Fr.: L'ÉVANGÉLISATION DE RÉGION NORD-OUEST DE LA MISION DE HÀ-NỘI, 1882-1936, dans Bulletin des Missions Étrangères de Paris 17 (1938) pp. 5-14,73-79,146-151,212-219

HEIMARL H.: CONCEPTS DE LAICS DANS LA CONSTITUTION SUR L'ÉGLISE DE VATICAN II, dans Concilium (1966) pp 117-126

HỒ-NGỌC-CẨN (Mgr): CẤM PHÒNG CHỨC SỞ ( La Retraite des notables) dans Sacerdos Indoniensis 3(1929) pp. 420-459 4(1930) pp.29-32,121-122,192-194,140-141,453-455; 5 (1931) pp. 16-17,179-183,255-257; 6(1932) pp. 184-186; 7 (1933) pp.9-11, 12-14,88-90,91-93,119-120,121-123.

HƯƠNG-HUYÊN: ĐẤT VIỆT NHUỘM MÁU HỒNG TỬ ĐẠO (Le sang des martyrs arrose le Vietnam) dans Hiệp-Sống (L'union de Vie) (1972) nn.13-14 pp 10-13

LÂM-THANH: HỘI ĐOÀN CÔNG GIÁO VỚI LƯƠNG DÂN (Association catholiques avec paiens) dans Hiệp-Sống ( L'Union de Vie) (1972 ) nn.13-14 pp. 2-5

LAPLANTE J.: NOS MISSIONS PAROISSIALES EN INDOCHINE dans Annales de la Bonne Sainte Anne 85 (1957 ) pp.126-129

LAUNAY A.: SOUVENIRS DU TONKIN CATHOLIQUE, dans les Missions Catholiques 29 (1897) pp.126-129

LE MEE H.: L'ORPHELINAT DES ÉCOLES CATHOLIQUES À SAI-GON, dans Les Missions Catholiques 18 (1876) pp. 502-503

LÊ-VĂN-NGÔ P.: ESSAI D'UNE MÉTHODE MISSIONNAIRE AU VIỆT-NAM, dans Cahiers des Auxiliaires Laiques des Missions 6 (1947) pp. 9-15

LIQUET-ISAAC: CATHOLIC ACTION IN VIETNAM, dans Missions Bulletin (Hông-Kông) 6 (1954) pp.530-532

LIÈGE P.A.: LA PARTICIPAION DES LAICS À L'APOSTOLAT ECCLÉSIAL, LA NOUVELLE IMAGE DE L'ÉGLISE, dans Bilan du Concile de Vatican II, (1967) pp. 441-452

LOMBARDI A.: COOPERAZIONE DEL LAICATO INDIANO CON LA GERARCHIA, dans La Cooperazione dei Laici d'Asia e d'Africa all'Apost. Mis. Roma 1958 pp. 8-12

LOPETEGNI L.: LA CONSERVACION DEL CATOLICISMO EN EL VIETNAM, dans Missiones Dominicanas 21 (1948) pp. 145-150

LUCAS LY: POUR UNE ÉVANGELISATION EFFECTIVE DU VIET-NAM DU SUD. Dans Le Christ au Monde 6 (1961) pp.346-354

L.V.P.: UNE EXPÉRIENCE PASTORALE CHEZ LES CATÉCHUMÈNES DU CENTRE-VIETNAM. dans Bulletin des Missions Étrangères de Paris 32 (1961) pp. 16-17

MARTIN: UN MANDIANT DEVINT BON CATÉCHISTE. dans Annales de la Propagande de la Foi 70(1898 ) pp. 20-23

MESSIEN: L'ÉDUCATION DU PEUPLE ANNAMITE, dans Le Correspondant, Paris 1901 pp. 307-329

NAIDENOFF G.: LA TRIPLE CHRÉTIENTÉ DU VIETNAM DANS LES CONJONTURES PRÉSENTÉS, dans Missi 21 (1956) pp.39-46

NGUYỄN-NGỌC-THU: HỌ ĐẠO CỦA NGÀY MAI (Le chrétienneté du demain), dans Sacerdos (1971) n.120 pp.755-759

NGUYỂN-DUY-VI: HỌ ĐẠO CŨA CHÚNG TA (Nos chrétientés) dans Sacerdos (1971) n.120 pp.379-346

PARREL F.: LES DÉBUTS D'UNE CHRÉTIENTÉ, dans Bulletin des Missions Étrangères de Paris 31 (1952) pp.162.169

PATUEL:

-EGOISME PAIENS ET CHARITÉ CHRÉTIENNE, dans Annales de la Propagande de la Foi 89 (1917) pp. 146-151

-CHARITÉ CHRÉTIENNE ET ÉGOISME PAIEN, dans Les Missions Catholiques 47 (1915) pp.303-05

-BAPTISEUSES VIETNAMIENNES, dans Les Missions Catholiques 47 (1915) pp. 185-186.

PHẠM-BÁ-TƯỚC: ĐI THĂM CHA SỞ HỌ ĐẠO MIỀN QUÊ (visite à un curé d'une paroisse de campagne) dans Sacerdos (971) n.120 p..747-750

PORTIER V.: APOSTOLAT DES LAICS, dans Missions Ouvrières (1958) n.137 pp. 43-50; n.138 pp.10-20

POTTERIE J.: L'ORIGINE ET SENS PRIMITIF DU MOT "LAIC" dans Nouvelle Revue Théologique 80 (1958) pp.840-853

RENAU JB.: LES CHRÉTIENS DU SUD-VIETNAM ENTRE LA GUERRE ET LA PAIX, dans Information Catholique Internationale (1969) n.330 pp. 27-32

ROBERT: UNE TOURNÉE PASTORALE AU TONKIN, dans Les Missions Catholiques 25 (1893) pp. 354-357, 365-368, 381-383, 390-392, 405-407, 418-419, 429-432.

RUYGROK P.: LA MISSIONE DEI LAICI, dans Mondo d'Oggi (Bresci) 1967 pp. 103-202

SAJOT: GLORIEUSES PAGES DE L'HISTOIRE DU TONKIN dans Les Missions Catholiques 25 (1905) pp.580-584,593-596,605-608,616-620

TÂN-YÊN: HIỆN TÌNH CÁC HỌ NHÁNH TẠI LỤC TỈNH (La situation actuelle des chrétiennetés secondaires de la région de Six-Provinces) dans Sacerdos (1969) n.89 pp.279-282

TARDIEU A.: VISITE D'UNE PROVINCE DE LA MISSION DE QUI-NHON, dans les Missions Catholiques 73 (1941) pp. 165-168,183-187

TRONG A.:

-APOSTOLAT LAIC AU VIETNAM, dans l'Église Vivante 3 (1951) p. 345-348

-LES ÉTAPES DE LA FONDATION DE L'ÉGLISE AU VIETNAM, dans L'Église Vivante 4 (1952) pp.302-311

VALDERAMA: LE VIETNAM, PAYS CLASSIQUE DU CLERGÉ INDIGÈNE, dans Mission Belletin (Hồng -Kông) 6 (1954) pp. 530-532

VIGNAU A.: LA VIE CHRÉTIENNE ANNAMITE, dans Les Missions Catholiques 77 (1945) pp.12-16, 26-28, 44-45, 76-77, 114-116, 136-138, 172-174

VÕ-THANH-LỘC: LES CHRÉTIENS DANS LA CONSTRUCTION SOCIALE DU VIETNAM, dans Les Missions Catholiques (nouvelle série, Lyon) 5 (1955) pp.177-182, 199-203.

D. Văn kiện Tòa Thánh và Công Đồng

PIUS XI PP:

-‘QUAE NOBIS': PRINCIPES ET FONDEMENTS GÉNÉRAUX DE L'ACTION CATHOLIQUE, dans Acta Apostolicae Sedis 20 (1928) pp. 384-387

-ENCYCLIQUE EVANGELII PRAECONES; dans Documentation catholique 78 (1951) col.759-790

-DISCURSUS AD CONGRESSUM MUNDI DE APOSTOLATU LAICORUM, dans Acta Apostolicae Sedis 42 (1951) pp. 784-789

-DISCURSUS AD CONGRESSIUM MUNDI DE APOSTOLATU LAICORUM, dans Acta Apostolicae Sedis 48(1957) pp.922-938

VATICAN II (Conc. de):

-DE SACRA LITURGIA, (constitutio), 4-12-1963,dans Acta Apostolicae Sedis 56 (1965) pp.1-130

-LUMEN GENTIUM (constitutio) 21-11-1964 dans Acta Apostolicae Sedis 57 (1965) pp.1-89

-UNITATIS REDINTEGRATIO (decretum), 21-10-1964 dans Acta Apostolicae Sedis 57 (1965 pp. 90-107

-CHRISTUS DOMINUS (decretum), 28-10-1965 dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp.673-695.

-OPTATAM TOTIUS (decretum), 28-10-1965, dans Acta Apostolicae, Sedis 58 (1966) pp. 713-727

-GRAVISSIMUM EDUCATIONIS (decretum) 18-11-1965 dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp.728-744

-APOSTOLICAM ACTUOSITATEM (decretum) 18-11-1965 dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp.877-863

-GAUDIUM ET SPES (constitutio), 7-12-1965 dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp.1025-115

-PRESBYTERORUM ORDINIS (decretum), 7-12-1965 dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp. 991-1022.

-AD GENTES (decretum) 7-12-1965 dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp. 948-989

PAULUS VI PP.:

-MOTU PROPRIO " ECCLESIAE SANTAE ", dans Acta Apostolicae Sedis 58 (1966) pp. 757-787.

-ALLOCUTIO 'MODERATORIBUS, MEMBRIS ET CONSULTORIBUS CONCILII DE LAICIS, ROMAE QUINTUM COETUM HABENTIBUS', dans Acta Apostolicae Sedis 61 (1969) pp. 245-247

-PAROISE NE PEUT ÊTRE / PAS SUPPRIMÉE (Allocution à la semaine italienne d'aggiornamento pastoral) dans Documentation Catholique 69 (1972) p.209