HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC

Quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam

Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục.


MỪNG NGÂN KHÁNH

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

GIÁO XỨ VIỆT NAM – PARIS

1983 – 2008


Tái bản lần 1, có tu bổ và cải tiến

Ấn bản tin học

Paris

2011

HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC

Quý Chức Họ Đạo Ở Việt Nam

Tham Gia Vào Thừa Tác Vụ Của Linh Mục.

MỪNG NGÂN KHÁNH

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

GIÁO XỨ VIỆT NAM – PARIS


1983 – 2008

Paris

2008

HỘI ĐỒNG QUÝ CHỨC

Chủ trương:

HỘI ĐỒNG MỤC VỤ

Phối trí:

Mai Đức Vinh

Chuyển ngữ:

Trần Thị Kim Chi, Phạm Hòa Hiệp, Bùi Trọng Khang, Đoàn Quốc Khánh, Mai Đức Vinh

Phụ lục:

Trần Văn Cảnh, Lê Đình Thông

Đọc và tu chính bản Văn:

Bùi Thị Lý, Thân Thị Kim Liên, Mai Đức Vinh

Trình bày nội dung:

Thân Thị Kim Liên, Nguyễn Văn Thạch.

Trình bày bìa:

Ngô Thị Kim Đào, Vũ Đình Khiêm

An phí:

Giáo Xứ Việt Nam - Paris

M ỤC L ỤC

LỜI NGỎ / Lê đình Thông

XÁC ĐỊNH MỘT SỐ DANH TỪ / Mai Đức Vinh

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT / Mai Đức Vinh

NHẬP ĐỀ / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG I: Lịch sử đại cương của Giáo Hội Việt Nam / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG II: Diễn tiến lịch sử công trình tổ chức HĐQC Họ đạo Việt Nam / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG III: Khuôn mặt một Họ đạo Việt Nam / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG IV: Tham gia vào Thừa Tác Vụ Thánh Hóa / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG V: Tham gia vào Thừa Tác Vụ Giảng Huấn / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG VI: Tham gia vào Thừa Tác Vụ Quản Trị / Mai Đức Vinh

CHƯƠNG VII: Hội Đồng Quý Chức dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II / Mai Đức Vinh

T ỔNG K ẾT / Mai Đức Vinh

PH Ụ LỤC I: Tiến trình thành lập HĐMV – GXVN Paris / Trần Văn Cảnh

PH Ụ LỤC II: Hình thành và tu chính Nội Quy HĐMV / Lê Đình Thông

PH Ụ LỤC III: Hội Đồng Mục Vụ (thơ) / Cung Chi

PH Ụ LỤC IV: Sứ mệnh và công tác của HĐMV / Trần Văn Cảnh

PH Ụ LỤC V: Niềm vui chung / Mai Đức Vinh

TÀI LIỆU THAM KHẢO / Mai Đức Vinh

LỜI NGỎ

Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris, vui mừng gửi đến Quý Độc Giả cuốn sách ‘HỘI ĐỒNG QUÍ CHỨC’, (Quý Chức họ đạo ở Việt Nam tham gia vào thừa tác vụ của Linh Mục). Cuốn sách này được chuyển ngữ từ luận án Tiến Sĩ Thần Học Mục Vụ «La Participation des Notables de Chrétientés Vietnamiennes aux Ministères des Prêtres» của cha Giuse Mai Đức Vinh. Ngài đã bảo vệ luận án này tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thomas Aquinô quen gọi là đại học Angelicum, tại Roma năm 1977. Chúng tôi làm chung công việc này với những mục đích sau đây:

• Cảm tạ Thiên Chúa, Đức Mẹ Lavang về bao nhiêu hồng ân đổ xuống trên Dân Tộc Việt Nam, Giáo Hội Việt Nam và tiêu biểu là một đoàn ngũ giáo dân Việt Nam ưu tuyển mang danh là ‘Hội Đồng Chức Việc’ hay ‘Hội Đồng Quí Chức’ của các Họ Đạo Việt Nam.

• Ghi ơn các Linh Mục, Tu Sĩ Thừa Sai dấn thân cho công trình Truyền Giáo tại Việt Nam với sức mạnh niềm tin bất khuất, với tinh thần hy sinh cao cả và với phương pháp truyền giáo tuyệt vời.

• Nêu bật tấm gương sống đạo của Tổ Tiên mà tiêu biểu là những Chức Việc hay Quý Chức thành viên của các Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Quý Chức của Họ Đạo. Quý ngài là những người đã thực sự ‘bền vững sống đức tin, can đảm bênh vực đức tin và nhiệt thành truyền bá đức tin’ (Giáo Lý Thêm Sức).

• Nêu bật sự hợp tác tông đồ giữa Giáo Sĩ và Giáo Dân, nói khác sự tham gia tích cực và đa diện của Hội Đồng Quí Chức vào các Thừa Tác Thánh hóa, Giáo huấn và Quản trị (officium sanctificandi, docendi et regendi) của các linh mục. Sự hợp tác này là một điểm son của lịch sử Truyền Giáo tại Việt Nam, vì nó đã củng cố và phát triển Giáo Hội Việt Nam ngay trong những thời kỳ bách, và hơn thế, nó thích hợp với giáo huấn của Công Đồng Vatican II về hoạt động tông đồ giáo dân, nó là kiểu mẫu cho Hội Đồng Giáo Xứ vào các thập niên 1950-1970 và Hội Đồng Mục Vụ hiện nay ở Việt Nam.

• Góp phần cung ứng tài liệu ‘huấn luyện tông đồ giáo dân’, ‘đào tạo nhân sự’ đang thể hiện trong các Chủng Viện và các Phong Trào Tông Đồ Giáo Dân… tại Việt Nam.

• Đặc biệt để Mừng lễ Ngân Khánh của Hội Đồng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris đã tích cực sinh hoạt từ 25 năm qua (1983-2008). Các thành viên của Hội Đồng Mục Vụ là những giáo dân sốt sắng sống đạo, nhiệt tình xây dựng Giáo Xứ… theo tinh thần tông đồ giáo dân của Công Đồng Vatican II và theo gương mẫu của các Bậc Tiền Bối.

Với những thiện ý như trên, chúng tôi chân thành xin Quý Độc Giả xa gần miện tình cho những thiếu sót, và hết lòng cám ơn những Người đã cộng tác thực hiện, cũng như mội Độc Giả thịnh tình đón nhận cuốn sách này.

Tất cả vì Vinh Danh Thiên Chúa và Giáo Hội.

Paris, Phục Sinh 2008, thay mặt Hội Đồng Mục Vụ:

Ls. Phanxicô Xavie Lê Đình Thông

Chủ Tịch HĐMV – GXVNP

XÁC ĐỊNH MỘT SỐ DANH TỪ

I. Về mấy cụm từ chính thức : Vì đây không phải là cuốn sách chuyên đề lịch sử và muốn đơn giản hóa cho người đọc ‘khỏi rối trí’, nên trong cuốn sách này, thay vì dùng những cụm từ chính thức, như ‘Điạ phận Đàng Trong’, ‘địa phận Đàng Ngoài’, ‘địa phận Tây Đàng Ngoài’, ‘địa phận Đông Đàng Trong’… chúng tôi mạn phép dùng những cụm từ quen thuộc và đơn giản hơn, như ‘giáo phận Sài Gòn’, ‘giáo phận Hà Nội’, ‘giáo phận Hải Phòng’….

II. Giáo Phận, Giám Mục.

Dựa vào Giáo Luật:

• Điều 368: Các Giáo Hội địa phương, trong đó và từ đó mà Giáo Hội Công Giáo duy nhất hiện hữu, ám chỉ trước hết là các giáo phận, các lãnh thổ thuộc giám hạt tòng thổ và đan viện tòng thổ, Đại diện Tông Toà và Phủ Doãn Tông Tòa và cả Giám Quản Tông Tòa được thiết lập cách thường trực cũng được đồng hóa với các giáo phận, trừ khi đã rõ cách nào khác.

• Điều 371: 1) Hạt Đại Diện Tông Tòa, hoặc Hạt Phủ Doãn Tông Tòa, là một phần nhất định của dân Chúa, mà vì hoàn cảnh đặc biệt, chưa được thiết lập như là một giáo phận, và việc chăn dắt được giao cho một Đại Diện Tông Tòa hoặc cho một Phủ Doãn Tông Tòa để quản trị thay mặt đức thánh cha.

Và dựa vào thói quen ở Việt Nam:

• Trừ trong những văn kiện chính thức, còn trong thực tế, từ đầu đến trước 1960, khi Tòa Thánh chính thức lập Hàng Giáo Phẩm Việt Nam, người ta không dùng cụm từ ‘Hạt Đại Diện Tông Tòa’ nhưng là ĐỊA PHẬN hay GIÁO PHẬN.

• Cũng không dùng cụm từ ‘Giám Quản Tông Tòa’ mà vắn gọn hơn là ‘Giám Mục’.

Trong cuốn sách này chúng tôi dùng từ ‘GIÁO PHẬN’ thay cụm từ Hạt Đại Diện Tông Tòa và từ ‘GIÁM MỤC’ thay cụm từ ‘Giám Quản Tông Tòa’.

III. Về Công Nghị: cũng vậy, thay vì viết ‘Công Nghị Tonkin’, ‘Công Nghị Cochinchine’, chúng tôi dùng cụm từ ‘Công Nghị Bắc Kỳ’, ‘Công Nghị Nam Kỳ’…

IV. Họ Đạo

Dựa vào Giáo Luật

• Điều 516,1) Trừ khi luật quy định cách khác, chuẩn giáo xứ cũng được đồng hoá với giáo xứ. Chuẩn giáo xứ là một cộng đoàn tín hữu ở trong Giáo Hội địa phương được ủy thách cho một tư tế như là chủ chăn riêng, nhưng vì hoàn cảnh đặc biệt chưa được thiết lập thành giáo xứ.

• 2) Ở đâu các cộng đoàn không thể thành lập giáo xứ hay chuẩn giáo xứ được, thì giám mục giáo phận phải dự liệu việc săn sóc mục vụ cho họ bằng cách khác.

Và vào thói quen ở Việt Nam:

• Trong thời truyền giáo, kể cả trước năm 1960, ở Việt Nam chưa có giáo xứ theo Giáo Luật, chỉ có ‘chuẩn giáo xứ’, và mỗi chuẩn giáo xứ lại có nhiều ‘cộng đoàn không thể lập thành chuẩn giáo xứ’.

• Tại Việt Nam, người ta quen dùng từ HỌ ĐẠO để chỉ chung về các họ chánh và họ lẻ.

Vì thế, trong cuốn sách này chúng tôi dùng chung một từ HỌ ĐẠO (Chrétienté) thay vì dùng nhiều từ tách biệt ‘chuẩn giáo xứ, họ chánh, họ lẻ…’

V. Quý Chức hay Chức Việc, Chức Sở là ba từ mà chúng tôi, dựa các văn bản chính thức vào thói quen ở Việt Nam, dùng để chỉ chung những giáo dân được đề cử hay tuyển chọn làm nên Hội Đồng Quý Chức, Hội Đồng Chức Việc hay Hội Đồng Chức Sở, để cộng tác với linh mục trong việc điều hành Họ Đạo. Chúng tôi muốn dành từ Chức Sắc hay Kỳ Mục cho những người có thế giá và chức phận trong các làng, xã dân sự.

VI. Sau cuốn Chức Sở Mục Lệ (1884), còn có những tài liệu chính thức khác có hệ đến Hội Đồng Quí Chức, chúng tôi mạn phép phân biệt:

• Từ CHỈ NAM (Directoire) cho những cuốn ‘Directoires’ của nhiều giáo phận đã ban hành sau Công Đồng Đông Dương (1934): như cuốn Chỉ Nam của giáo phận Quy Nhơn…

• Từ QUY CHẾ (Statut) cho những cuốn ‘Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ của hầu hết các giáo phận ở Miền Nam đã ban hành sau Công Đồng Vatican II (1965).

• Từ NỘI QUY (règlement) cho cuốn ‘Nội Quy Hội Đồng Mục Vụ’ của hầu hết các giáo phận hiện nay.

NHỮNG CHỮ VIẾT TẮT

AD: Acta et Decreta Primae Regionalis Tunquini (1990).

AME: Archives des Missions Etrangères de Paris

APF: Annales de la Propagande de la Foi

ASME: Annales de la Société des Missions Etrangères de Paris

Bull.MEP: Bulletin des Missions Etrangères de Paris.

CNNK: Công Nghị Nam Kỳ (Synode de Cochinchine, 1880)

CNF: Công Nghị Faifo (Synode de Faifo, 1672)

CSML: Chức Sở Mục Lệ (Le Règlement des Notables, 1884)

DCO: Directoire pour la Cochinchine Occidentale (Chỉ Nam giáo phận Sàigòn) (1922)

DH: Directoire du Vicariat Apostolique de Huế (Chỉ Nam Giáo Phận Huế) (1941)

DHN: Directorium Vicariatus Apostolici de Hà–Nội (1941).

DQN: Directoire du Vicariat Apostolique de Quy–Nhơn (1941)

ĐT: Đào Tạo các Linh Mục (Sắc lệnh Optatam Totius, 28.10.1965)

ES: Ecclesiae Sanctae (Motu proprio, 1966)

GH: Giáo Hội (Constitutio Lumen Gentium, 21.11.1964).

GM: Sắc lệnh về nhiệm vụ của các Giám Mục (Drec. Christus Dominus 28. 10. 1965)

HN: Sắc lệnh về Hiệp Nhất (Dcret. Unitatis Redintegratio, 21.11.1964).

LM: Sắc lệnh về chức vụ và đời sống Linh Mục (Dec. Presbyterorum Ordinis, 7. 2. 1965)

MBTC: Sách Mười Bảy Thư Chung của ba Giám Mục Sàigòn (1958)

MC: Les Missions Catholiques (báo).

MV: Hiến chế Mục Vụ về Giáo Hội trong Thế Giới ngày nay (Const. Gaudium et Spes, 7. 12. 1965)

NKĐP: Nam Kỳ Địa Phận (Báo của giáo phận Sài Gòn)

PCI: Primum Concilium Indoniense (1934).

PV: Hiến chế về Phụng Vụ (Decretum Sacra Liturgia, 4.13.1963).

QCHĐGX / CT, ĐL, H, LX, NT, PC, SG, XL: Quy Chế Hội Đồng Giáo Xứ / (giáo phận) Cần Thơ (1972), Đà Lạt (1973), Huế (1969), Long Xuyên (1971), Nha Trang (1970), Phú Cường (1971), Sài Gòn (1971), Xuân Lộc (1971).

SCPFMR: Sacrae Congregationis de Propaganda Fide Memoria Rerum (3 cuốn, 1972-1975)

SI: Sacerdos Indoniensis (Báo)

TCĐPT: Thơ Chung Địa Phận Thanh (1920)

TCĐPĐN: Thơ Chung Địa Phận Tây Đàng Ngoài (1901 – 1908)

TĐ: Sắc lệnh về Tông Đồ Giáo Dân (Decr. Apostolicam Actuositatem, 18.11.1965)

TG: Sắc lệnh về hoạt động Truyền Giáo của Giáo Hội (Decr. Ad Gentes, 7. 12. 1965)

TH: Sách Tử Hầu (1942)

sd: sách dẫn

tr.: trang

trg.: trong



Luận án tiến sĩ thần học của cha Giuse Mai Đức Vinh, Xuân Bích,

dưới sự hướng dẫn của cha Raphaël MOYA, Đa-Minh

trình năm 1977

tại Đại Học Giáo Hoàng Thánh Thoma Aquino, Roma, Ý Đại Lợi


NHẬP ĐỀ

‘QUÝ CHỨC CỦA CÁC HỌ ĐẠO TẠI VIỆT NAM THAM GIA VÀO THỪA TÁC VỤ CỦA LINH MỤC’ (La participation des Notables de Chrétientés Vietnamiennes aux Ministères des Prêtres) (1) là đề tài luận án của chúng tôi.

Những lý do thúc đẩy chúng tôi chọn đề tài này thì đơn giản và cụ thể: sau nhiều năm làm việc tại Đại Chủng Viện Giáo Tỉnh Huế, chúng tôi luôn ưu tư về việc huấn luyện mục vụ cho các chủng sinh (2). Trong các giáo phận gửi chủng sinh đến chủng viện, có nhiều vấn đề trầm trọng đặt ra về việc đào tạo giáo dân, cách riêng các thành viên của các Hội Đồng Giáo Xứ, để họ dấn thân làm việc tông đồ (3). Từ mối ưu tư đó, tôi ý thức nhiều về tầm quan trọng lớn lao của việc tông đồ giáo dân gắn liền với thừa tác mục vụ của linh mục. Đang khi đó, Hội Đồng Quí Chức Họ Đạo là tổ chức tuyệt hảo trong việc tông đồ có tương quan thường xuyên với các linh mục. Vì thế tôi quyết tâm đào sâu một vấn đề nào trực tiếp tương quan như vậy trong sinh hoạt mục vụ của Giáo Hội.

Trong hoàn cảnh riêng của Giáo Hội Việt Nam, việc tổ chức Hội Đồng Giáo Xứ theo giáo huấn Công Đồng Vatican II, không phải là một sáng kiến hoàn toàn mới mẻ. Đúng ra chúng ta có thể nói tổ chức này chỉ là một việc đổi mới, việc thích ứng hay canh tân một hệ thống đã có ngay từ buổi đầu của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam: Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Chức Việc của Họ Đạo. Chính vì thế, chúng tôi cảm nghiệm sâu đậm rằng: việc nghiên cứu lịch sử và mục vụ của tổ chức tông đồ giáo dân này đối với chúng tôi, là thiết yếu.

Công việc nghiên cứu này được đóng khung giữa hai niên tuế quan trọng 1533 và 1953. Năm 1533 chính là năm khởi đầu công trình Truyền Giáo tại Việt Nam, hay đúng hơn là năm chào đời của Giáo Hội Việt Nam. Chính vì đời sống của Giáo Hội này mà Hội Đồng Quí Chức được thiết lập. Tổ chức này tiến triển và gầy tạo nhiều sự nghiệp tông đồ sáng giá. Còn năm 1953 là năm ấn hành lần cuối cùng một tài liệu liên quan trực tiếp đến tổ chức các Hội Đồng Quí Chức. Đó là cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert đã soạn và xuất bản năm 1884. rồi đức cha Phêrô Ngô Đình Thục, bấy giờ là giám mục giáo phận Vĩnh Long, đã tu chính lại đôi chút trước khi tái bản, năm 1953. Hơn thế 1953, là niên tuế giáp cận với một biến cố lớn trong Lịch Sử Nước Việt Nam: Ngày 20.07.1954, hiệp định đình chiến tại Genève chia đôi nước Việt Nam ở vĩ tuyến 17, Miền Bắc thuộc chính phủ Cộng Sản và Miền Nam thuộc chính phủ Quốc Gia. Đương nhiên Giáo Hội Việt Nam cũng bị chia thành hai: Giáo Hội Miền Bắc nằm dưới chế độ Cộng Sản, và Giáo Hội Miền Nam dưới chế độ Quốc Gia (4).

Công việc làm của chúng tôi nhằm vào những mốc điểm rõ ràng: Trước tiên chúng tôi trình bày đại cương lịch sử của Giáo Hội Việt Nam (Ch. I) và sự tiến triển lịch sử của Hội Đồng Quý Chức (Ch. II). Hội Đồng Quí Chức không được thành hình trên bình diện quốc gia hay giáo phận, mà thực tế chỉ ở trên bình diện mỗi họ đạo. Vì thế, sau khi trình bày những đường nét chung lịch sử, chúng tôi quan tâm đến khuôn mặt của một họ đạo tại Việt Nam: Một trong những đặc tính đáng chú ý của các họ đạo Việt Nam, là được tổ chức theo khuôn khổ của một làng xã cổ truyền và hành chánh. Vì thế chúng tôi phải trình bày khuôn mặt của một làng xã hành chánh và cổ truyền trước khi vẽ lại khuôn mặt của một họ đạo Việt Nam (Ch. III). Tuy đơn giản, nội dung trình bày của ba chương đầu cho phép chúng tôi đề cập đến việc tham gia của Quí Chức vào các Thừa Tác Vụ của Linh Mục: Thừa Tác Vụ Thánh Hóa (officium sanctificandi) (Ch. IV), Thừa Tác Vụ Giảng Huấn (officium docendi) (Ch. V), và Thừa Tác Vụ Quản Trị (officium regendi) (Ch. VI). Những dữ kiện trình bày trong các chương trước, cho phép chúng tôi nhận định Hội Đồng Quí Chức dưới ánh sáng của Công Đồng Vatican II, nghĩa là trước hết trình bày những tương quan giữa Hội Đồng Quí Chức với việc tông đồ giáo dân theo quan điểm và giáo huấn của Công Đồng Vatican II, đồng thời trình bày về những điểm tương đồng và những điểm dị biệt so chiếu với Hội Đồng Giáo Xứ ngày nay (Ch. VII). Sau cùng, chúng tôi kết thúc công việc nghiên cứu bằng mấy nhận định vắn gọn về sự khôn ngoan mục vụ và phương pháp truyền giáo chính thống của các Linh Mục và Tu Sĩ Thừa Sai, về địa vị thiết yếu của họ đạo và của giáo xứ, và nhất là về sự hợp tác của giáo dân vào việc tông đồ tại các xứ truyền giáo hôm qua và ngày nay (Tổng kết).

Về phương pháp làm việc, chúng tôi nói đơn sơ rằng: chúng tôi đọc chăm chú một số sách và bài báo viết về Giáo Hội Việt Nam, và đặc biệt về tổ chức Hội Đồng Quí Chức, chúng tôi tập trung các dữ kiện và các sự việc lịch sử và mục vụ làm nền tảng cho việc nghiên cứu. Phải thú nhận rằng, trước Công Đồng Vatican II, hoạt động tông đồ giáo dân hầu như bị quên lãng, người ta không quý trọng đủ chỗ đứng, việc làm, sự cộng tác truyền giáo của giáo dân mà những giáo dân ưu tuyển chính là các Quí Chức họ đạo (5). Chắc chắn có nhiều tài liệu khác được giữ cẩn thận trong các văn khố của các Hội Thừa Sai Paris hay của Bộ Truyền Giáo (6), nhưng những ước nguyện tham khảo của một sinh viên nhỏ bé như chúng tôi đã không được chấp nhận. Đó là lý do tại sao việc nghiên cứu của chúng tôi còn nghèo nàn về tài liệu.

Ý thức về những điểm thiếu sót và những điểm mơ hồ (imprécis) tản mát trong các chương trình bày của chúng tôi, chúng tôi thành thực cáo lỗi, và mong có những người khác bổ túc lại.

Roma, Lễ Thánh Cả Giuse, 19.03.1997

Giuse Mai Đức Vinh xb.

-----------------------------

Chú thích

(1) Theo thói quen tại Việt Nam, chúng tôi sẽ dùng danh từ ‘HỌ ĐẠO’ (La Chrétienté) để chỉ chung về các họ đạo chính hay họ lẻ của một Giáo Xứ (Quasi-paroisse), là những nơi có nhà thờ hay nhà nguyện, có tập đoàn tín hữu đưọc hướng dẫn bởi các Chức Việc hay Quí Chức, linh mục cư ngụ tại đó hay hàng năm đến làm phúc, thăm viếng…

(2) Xem: ĐT 4, 5, 11, 19 trg AAS 58 (1966), tr. 716-717, 722, 725; GM 30 trg AAS 58 (1966) tr.688; TĐ 10, 18, 30 trg AAS 58 (1966) tr. 847, 852, 861.

(3) Xem: GH 37 trg AAS 57 (1965) tr. 43; TĐ 24-26 trg AAS 58 (1966) tr.856-859; GM 15 trg AAS 58 (1966) tr.679; LM 9 trg AAS 58 (1966) tr. 726; ĐT 20 trg AAS 58 (1966) tr.726.

(4) Sau trận Điện Biên Phủ, chính phủ Pháp điều đình với chính phủ Cộng Sản Việt Nam. Kết quả là Hiệp định đình chiến ký ngày 20.07.1954 chia đôi Nước Việt Nam, lấy vĩ tuyến 17 (sông Bến Hải) làm danh giới: Miền Bắc thuộc về Cộng Sản và Miền Nam thuộc về Quốc Gia.

(5) Sau đây là một trường hợp: Năm 1972, nhân dịp kỷ niệm 350 năm thiết lập Bộ Truyền Giáo, tại Sài Gòn, đã tổ chức một cuộc triển lãm lớn về công trình phát triển Giáo Hội Việt Nam với rất nhiều lược đồ, sách vở, hình ảnh và tài liệu đủ loại… nói lên những hoạt động truyền giáo của các linh mục thừa sai, của các dòng tu, với những con số gia tăng các họ đạo, giáo xứ, các hội đoàn công giáo tiến hành… nhưng hoàn toàn không có một chỗ nào trưng bày, không một bài bản nào nói đến sự nghiệp truyền giáo của giáo dân nói chung và Hội Đồng Quí Chức Họ Đạo nói riêng. Ngày 15.03.1974, tôi đến nhà ông Phaolô Nguyễn Văn Nghĩa, Trùm cả của Hội Đồng Chức Việc xứ Chợ Quán, xin ông một vài tài liệu, tôi được nghe những lời phàn nàn từ tốn về sự quên lãng đáng tiếc này. Ngày 01.04.1974, tôi đã đến nhà ông Micae Lê Văn Đời, chánh thư ký của Hội Đồng Chức Việc xứ Cầu Kho, mượn ông bản văn đầu tiên của cuốn Chức Sở Mục Lệ đi làm ‘photocopi’, tôi được nghe lại những lời than phiền như trên.

(6) Văn khố của Hội Thừa Sai Paris nằm tại 128 rue du Bac, 75007 Paris; Văn khố của Bộ Truyền Giáo nằm tại Piazza di Spagna 48, Roma.

CHƯƠNG I



LỊCH SỬ ĐẠI CƯƠNG

CỦA GIÁO HỘI VIỆT NAM



Trong chương này, chúng tôi sẽ trình bày ba mục chính:

I. Những bước đầu dò dẫm và những mùa lúa đầu tiên

II. Lớn lên trong bách hại

III. Tái thiết và phát triển.

MỤC I

NHỮNG BƯỚC DÒ DẪM

VÀ NHỮNG MÙA LÚA ĐẦU TIÊN

(1533-1659).


I. Những bước dò dẫm đầu tiên của công trình truyền giáo

1) I-ni-Khu (Ignatio), nhà truyền giáo đầu tiên đến Việt Nam

Niên giám chính thức của Nước Annam (Dạ Lục) năm 1533 ghi rằng: «Trong tháng thứ ba của năm thứ nhất triều đại Nguyễn Hòa (1533), Lê Trang Tôn, có một người Âu Châu tên là I-ni-Khu đã đến các làng Ninh Cường và Quần An thuộc quận Nam Chân và Châu Lư (tỉnh Nam Định) và lẩn lút rao giảng tà đạo Gia Tô» (1).

I-ni-Khu là phiên âm tiếng trung hoa từ chữ tây ban nha ‘Inigo’. Có lẽ đây là một linh mục dòng Đaminh hay dòng Phanxicô người Bồ Đào Nha. Rồi không ai nói gì đến thời gian khởi thủy của công trình truyền giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên một cách chính thức, I-ni-Khu vẫn được coi là nhà truyền giáo có mặt trước tiên trên xứ sở này (2).

2) Các cha dòng Đaminh và dòng Phanxicô đầu tiên đến Việt Nam

Mười bảy năm sau, 1550, cha Gaspard de Santa Cruz, dòng Đaminh, người Bồ Đào Nha, đã từ Goa đến truyền giáo tại Cao Miên, rồi vượt biên giới vào Việt Nam qua cửa Cần Cao, hiện nay là tỉnh Hà Tiên. Cha đã kêu gọi nhiều anh em cùng dòng tới với cha. Rồi năm 1558, cha Fernando dòng Tên cũng có mặt tại Việt Nam; Qua năm 1558 hai cha dòng Đaminh Bồ Đào Nha khác là Lopes và Acevedo, cũng cập bến Việt Nam và lưu lại đó tới 10 năm, cho tới khi vua ra lệnh trục xuất. Hai cha trở về Macao là điểm giao liên truyền giáo đã lâu năm của các cha dòng Đaminh Bồ Đào Nha. Các cha Đaminh Tây Ban Nha lại đặt trụ sở tại Phi Luật Tân. Cũng vào thời điểm ấy, bốn cha Phanxicô từ Manila đã lấn lút vào việt Nam qua cửa sông Hồng Hà, nhưng các ngài không ở lại lâu. Việc tông đồ của các ngài không có kết quả. Một trong bốn là cha Barthelemi Ruis rán ở lại ít lâu, nhưng rồi cũng ra đi.

3) Một linh mục triều Tây Ban Nha cập bến

Năm 1590, Ordonez de Cevalles, linh mục triều Tây Ban Nha, cập bến Bắc Kỳ. Có nhiều dấu ngài đến Việt Nam với tính cách một nhà thám hiểm hơn là một thừa sai truyền giáo. Ngài chỉ ở Bắc Kỳ mấy tháng thôi. Dầu vậy hình như ngài đã đem được người em gái của vua vào đạo và đặt chị làm bề trên một tu viện. Nhờ sự hăng say của cha, thành phố Hà Nội đã biến thành một cộng đoàn đông đảo có tới hàng ngàn kitô hữu (4).

Chúng ta còn lưu ý đến sự có mặt trong miền Nam (Hội An) một vài cha dòng Augustinô, và năm 1596, một cha Đaminh là Alfonso Jimenez, người Tây Ban Nha. Cha bị chính quyền bắt giữ làm con tin (5).

4) Một thừa sai ở trong triều đình Huế một thời gian ngắn

Sau cùng năm 1597, ngụ trong triều đình Huế một linh mục thừa sai công giáo đầu tiên, là cha Diego Auarte, dòng Đaminh đến từ Manila. Cha được dẫn đến trình diện với chúa miền Nam (Cochinchine) là Nguyễn Hoàng. Ban đầu chúa tiếp đón cha rất thịnh tình, và cho phép cha giảng đạo trong lãnh thổ của chúa. Nhưng chẳng bao lâu chúa lại đổi ý và ép buộc cha phải bỏ lãnh thổ (6).

5) Một nhận xét có thể chấp nhận

Trước khi trình bày giai đoạn thứ hai, chúng ta có thể kết luận với lời nhận xét của cha Henri Bernard, dòng Tên: «Như chúng ta đã thấy, vào thế kỷ XVI, đã có nhiều bước dò dẫm để truyền giáo tại Việt Nam, nhưng tất cả không để lại những kết quả tốt, vì các thừa sai không được lòng các vua, làm việc chưa có tổ chức và phương pháp lâu bền, lý do vì sự cạnh tranh về ‘quyền bảo trợ’ (patronage) giữa Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha» (7).

II. Công cuộc truyền giáo có phương pháp của các cha dòng Tên

Sau khi cha Diego Aduarte rời khỏi Việt Nam, công việc truyền giáo bị đình trệ trong vòng 20 năm. Mãi tới năm 1614 mới khởi sự lại với các cha dòng Tên từ Nhật chạy qua. Kể từ đây, viêc truyền giáo không bị gián đoạn nữa. Mặc dù liên tục có những cuộc bách hại dữ dội.

Vào thời này, nước Việt Nam đã mất sự thống nhất quốc gia, và bị chia làm hai: Phần Bắc thuộc quyền cai trị của Chúa Trịnh và vua nhà Lê, phần Nam thuộc quyền cai trị của nhà Nguyễn. Sông Gianh trở thành danh giới của hai miền Nam-Bắc (8). Và đó là gốc tích của hai quốc gia trong một nước, Bắc Kỳ (Tonkin) và Nam Kỳ (Cochinchine) (9) mà chả bao lâu lại trở nên hai Đại diện Tông Tòa đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam (deux premiers Vicariats Apostoliques de l’Eglise Vietnamienne).

Trước tiên, ngày 18.01.1615, dưới triều chúa Sãi Vương, đã cập bến Hội An (Tourane) một tàu nhỏ của Bồ Đào Nha đến từ Macao, trong tàu có hai cha dòng Tên đến với sứ mệnh thiết lập một sở truyền giáo mới tại vùng Bắc-Nam Kỳ (Nord-Cochinchine) (hiện nay nằm trong Miền Trung của Việt Nam). Hai cha dòng Tên đó là linh mục Francois Busoni và linh mục Didaco Carvahlo, cùng với ba trợ sĩ mà hai là người Nhật Bản. Tiếp theo sau, có nhiều thừa sai khác cũng cập bến, như cha Bori và cha Pina. Các cha thừa sai đã dựng lên ngôi nhà thờ đầu tiên tại Hội An. Suốt 20 năm trời, cha Busoni, bề trên của cộng đoàn dòng Tên đồng thời là người điều hành điểm truyền giáo. Ngài thực sự là người sáng lập địa điểm truyền giáo này. Ngài đã nâng con số tín hữu từ quãng 10 tín hữu lên tới 12.000 giáo dân.

Sở truyền giáo Hội An cũng đã được thiết lập bởi các cha dòng Tên và một số gia đình Nhật Bản, trở nên rất phồn thịnh và trong suốt hai thế kỷ là một trong những địa điểm truyền giáo quan trọng nhất của miền Trung Việt Nam. Cửa Hội An bấy giờ được xử dụng như một trọng điểm vãng lai, lưu trú, và trú ẩn của các thừa sai và các giám mục (bấy giờ gọi là Đại Diện Tông Tòa) (10).

Năm 1624, số các linh mục và tu sĩ dòng Tên là 15 vị, mà 11 gốc Âu Châu và 4 là người Nhật Bản. Cũng thời điểm này, cha Alexandre de Rhodes tới Việt Nam. Ngài lập sở truyền giáo ở miền Bắc Việt Nam, có lẽ là vùng Cửa Bạng (Thanh Hóa). Bị đuổi nhiều lần, và ngài trở lại Âu châu vào năm 1645. Nhờ ngài rao giảng, 500 người đã được rửa tội vào lễ Giáng Sinh năm 1627 và lễ Phục Sinh năm 1628. Trong số 500 người tân tòng này, có nhiều nho sĩ và nhiều gia đình hoàng tộc (11). Năm 1611, tại Hà Nội và vùng chung quanh đã có tới mấy ngàn tín hữu và 20 nhà nguyện. Vào năm 1639, tài liệu còn ghi lại cả miền Bắc và miền Nam đã có 100 nhà thờ, 130 nhà nguyện và 8.942 tín hữu (12).

III. Những họ đạo đầu tiên


1) Công Chúa Mai Hoa và họ đạo tiên khởi

Vì còn quá trẻ nên vua Lê Thái Tôn (1573-1599) phải nhận quyền nhiếp chính của bà chị ruột mà theo dân chúng quen gọi là công chúa Chèm. Công chúa rất tận tụy trong các sinh hoạt tôn giáo và từ thiện. Bà đã xây cất nhiều nhà bác ái, canh tân các tu giới và đời sống của các nhà sư và ni cô. Sống đạo sâu xa, bà rất thiện cảm với đạo Công Giáo. Nhờ ơn Chúa Quan Phòng, bà đã gặp được một thừa sai Tây Ban Nha là cha Pedro Ordones Cevalles vào ngày 24.12.1590. Yêu mến đạo giáo, bà kiên trì học hỏi giáo lý với cha Pedro. Bà cũng xin cha dạy đạo cho các tì nữ trong hoàng cung. Sau cùng, ngày 22.05.1591, bà đưọc rửa tội và mang tên thánh là Maria. Và từ đó, người ta gọi bà là công chúa Mai Hoa. Theo gương bà, 72 tì nữ trong hoàng cung cũng xin chịu phép Rửa Tội. Hay tin công chúa Mai Hoa đã trở lại đạo Công Giáo, vua và bà hoàng hậu rất bất mãn. Để trấn an mọi người trong hoàng gia và hoàng cung, công chúa Mai Hoa đã trả lại cho nhà vua mọi chức tước và quyền bính, bà chỉ xin vua cấp cho bà một khu đất để bà xây một tu viện và bà sống tại đó quãng đời còn lại. Thán phục niềm tin và các nhân đức sáng ngời của người chị, vua đã cho lệnh biến ngôi nhà của bà trong hoàng cung thành một tu viện. Vua còn cho xây một nhà nguyện và một nhà cho cha Pedro cư ngụ. Ngày 26.05.1591, cha đã cử hành Thánh Lễ đầu tiên và nhận lời khấn tạm của 51 nữ tu tiên khởi của Hội dòng Đức Maria Vô Nhiễm. Chả bao lâu số giáo dân tăng lên đông, công chúa Mai Hoa lại xin vua ban cho một khu đất lớn để lập làng Giatô: đây là họ đạo đầu tiên với 400 nhân danh. Và cuối năm 1591, thái hậu ngã bệnh nặng, và bà đã lãnh Bí tích Rửa Tội mấy ngày trước khi chết, tên thánh là Maria (13).

2) Từ họ đạo Hội An cho đến họ đạo Quảng Nam

Với lòng nhiệt thành đáng thán phục và một trí thông minh hiếm có, cha Busomi cập bến Hội An ngày 18.01.1615, và đã khôn khéo dựng lên mọt nhà nguyện không chỉ dành cho những người công giáo Nhật Bản tị nạn (14), nhưng cho cả những người công giáo Việt Nam đầu tiên. Lịch sử kể rằng: ngày khánh thành nhà nguyện, cha Busomi đã rửa tội 10 dự tòng. Những tân tòng này là những bông lúa đầu mùa rao giảng Tin Mừng của cha tại Việt Nam. Vui biết bao !

Để bảo đảm lâu dài cho công cuộc truyền giáo đã bắt đầu, cha Busomi đã khôn khéo liên hệ với ông chúa Sãi Vương và dâng cho chúa nhiều quà quý đem đến từ Tây Phương. Cha tìm cách học hỏi về phong tục và văn hóa Việt Nam, vì cha biết rằng đây là việc làm rất hữu ích cho việc truyền giáo của ngài.

Nhờ phương thức làm việc này, cha Busomi có thể gặp gỡ các quan chức tỉnh Quảng Nam. Quan tỉnh Quảng Nam đã đón tiếp cha cách lịch sự và niềm nở. Chính quan đã cấp cho cha một nhà ở thoải mái và những bữa ăn thịnh soạn. Quan tỉnh là anh của bà Phanxica mà dân chúng quen gọi cách thân mật là ‘bà Gioanna’. Gioanna là tên thánh của con gái bà. Một cha Phanxicô đã rửa tội cho bà trước đó 30 năm, và cô gái của bà lại được rửa tội bởi một linh mục thừa sai dòng thánh Augustinô. Chỉ một năm sau, việc truyền giáo của cha Busomi đã trổ sinh nhiều hoa trái: 300 người được chịu phép rửa tội, và đó là họ đạo thứ hai được thành hình, báo hiệu một tương lai xán lạn cho công trình truyền giáo. (15).

3) Đồng lúa mênh mông

Với những thành công nối tiếp, việc truyền giáo của các cha dòng Tên mở rộng vào các thành phố lớn của miền Nam (Cochinchine), vương quốc của nhà Nguyễn, cách riêng tại Quảng Nam và Quy Nhơn. Công việc truyền giáo giữa các năm 1618 và 1659 đã đem vào Giáo Hội một số đông tân tòng. Trong số đó có người vợ thứ của chúa là hoàng hậu Minh Đức (16) Bà lãnh Bí tích Rửa Tội năm 1625. Tên thánh của bà là Maria Madalêna. Lịch sử còn ghi: chỉ trong năm năm truyền giáo đầu tiên, cha Pina đã rửa tội 275 người, trong số đó có nhiều văn nhân tỉnh Quảng Nam (17).

Rồi đến các hoạt động truyền giáo của các cha thừa sai tại miền Bắc (Tonkin), vương quốc của vua Lê và chúa Trịnh, cũng đem lại nhiều thành công đáng kể, nổi bật là các họ đạo Cửa Bạng (18), An Vực (19). Nhật ký của cha Alexandre de Rhodes cho biết số giáo dân trong vương quốc vua Lê chúa Trịnh là 82.500 người vào năm 1639 (20). Hơn nữa, theo cha Bonifacy, năm 1641, số dân công giáo tại Bắc Việt Nam là 108.000 (21). Chỉ nguyên trong tỉnh Nghệ An bấy giờ đã có 72 họ đạo (22), và năm 1655 đã có 414 nhà thờ trong toàn vương quốc vua Lê chúa Trịnh (23). Những con số này mở ra trước mắt chúng ta những đồng lúa mênh mông, và để chăm sóc và tưới bón, cần thiết phải có nhiều cán bộ truyền giáo được huấn luyện, dấn thân và sẵn sàng hiến dâng mạng sống.

IV. Việc tổ chức các thầy giảng

1) Cha Alexandre de Rhodes, người sáng lập khôn ngoan

Để đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp của đồng lúa mỗi ngày thêm mở rộng, các thừa sai và nhất là cha Alexandre de Rhodes đồng thuận về sáng kiến tổ chức các Thầy giảng (catéchistes). Thực tế, từ năm 1615 cha Busomi đã tìm kiếm và đào tạo những cộng tác viên giáo dân, tỉ dụ, người trẻ mang tên Augustinô thuộc họ đạo Hội An (24). Qua năm 1627, cha Alexandre de Rhodes đã tiến xa hơn trong phương án này. Ngài đã muốn rằng tất cả các thầy giảng phải được huấn luyện dưới hình thức một chủng viện với nhiều giai đoạn: tập viện, kinh viện và sư huynh viện (maitres). Cha muốn các thầy giảng cũng khấn giữ đức khó nghèo, vâng lời và khiết tịnh. Tuy nhiên tổ chức các thầy giảng không phải là một hội dòng đúng nghĩa. Nhưng phải nói thật: tổ chức các thầy giảng đã được thiết lập theo hình thức một tu hội đời ngày nay.

Năm 1642, bị trục xuất khỏi Bắc Việt, cha Alexandre de Rhodes xuống thuyền vào Nam (Cochinchine). Tại đây, cha cũng có ý định đào tạo các thầy giảng giống như cha đã làm ở miền Bắc. Ngài dấn thân thực hiện phương án và Thiên Chúa đã ban cho ngài nhiều phần thưởng (25).

2) Một giải đáp trung gian và hiệu lực

Để nhấn mạnh đến sự cần thiết và hiệu lực của việc thành lập hàng giáo sĩ bản xứ, cha A. Launay đã viết: «Các linh mục bản xứ thông thạo tiếng bản xứ, xử dụng từ ngữ và kiểu nói vừa đúng vừa hay, giọng điệu thanh thoát, dễ nghe, dễ hiểu hơn… khi cắt nghĩa các mầu nhiệm trong đạo. Họ lại biết rõ về các phong tục và tập quán của xứ sở và từng địa phương, nắm bắt được các khuynh hướng của đồng bào của họ. Họ có nhiều liên hệ chặt chẽ với dân chúng. Họ có thể đi lại, giao tiếp và len lỏi dễ dàng vào đồng bào, bắt chuyện và gây tình bạn hữu với người bản xứ. Họ cũng am tường đâu là những điểm dị đoan, sai lạc trong tôn giáo của xứ sở. Nhờ đó họ biết cách vạch trần các hình thức tà thần mà khuyên dân trở lại đạo Công Giáo. Với những nhận định lý thuyết và thực tế này, chúng ta còn phải thêm rằng: các linh mục bản xứ chắc chắn có thể phục vụ hiệu lực khi, như thường xẩy ra, có những cuộc bách hại khiến các thừa sai ngoại quốc đã quá ít ỏi lại phải trốn tránh hay bị trục xuất. Thực tế, các thừa sai ‘dễ bị phản bội’ vì tiếng nói và vì hình dáng, không thể dễ dàng chu toàn các thừa tác vụ giống các linh mục bản xứ được» (26). Những nhận xét trên đây có thể nói lên trọn vẹn những lý do vì sao phải tổ chức các thày giảng.

Đó cũng là nguyên tắc hoạt động của Giáo Hội trong mọi thời. Giáo Hội luôn muốn rằng người bản quốc phải lãnh nhận trách nhiệm truyền giảng Tin Mừng cho đồng bào của họ. Như vậy Giáo Hội bản xứ sẽ tiến mạnh, mau trưởng thành và tự trách nhiệm.

Mọi người đều công nhận rằng vào buổi đầu rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam, tổ chức các thầy giảng được coi như một giải pháp trung gian và hiệu lực. Các thầy giảng là những người dọn đường trước cho các thừa sai tới, các thầy cộng tác tích cực với các cha khi các ngài có mặt tại chỗ, các thầy thay thế các cha khi các cha chuyển đi nơi khác. Những hình ảnh sáng ngời của các thầy giảng tiên khởi là thầy Augustinô ở Hội An (27), thầy Phanxicô ở Hà Nội (28), thầy Inhaxiô ở Nghệ An (29), thầy Anrê ở Quy Nhơn (30) và thầy Vixentê ở Quãng Nghĩa (31). Hơn thế, chính từ các thầy giảng đầu tiên mà Giuse Trang và Luca Bền được tuyển chọn để thành những linh mục việt nam tiên khởi vào năm 1668 (32).

Đàng khác, chính nhờ các thầy giảng mà trong thời các thừa sai bị trục xuất, việc rao giảng Tin Mừng không bị gián đoạn và các họ đạo không bị tan rã. Trái lại việc rao giảng Tin Mừng vẫn được tiếp tục và các họ đạo tăng thêm mãi. Đây là một thí dụ: các linh mục Alexandre de Rhodes và Pedro Marquez đã bị trục xuất khỏi Bắc Kỳ năm 1629, để lại địa phương ba thầy giảng Phanxicô, Anrê và Inhaxiô với 5.602 bổn đạo. Vắng mặt hai cha, các thầy phân chia công việc tông đồ: mỗi thầy quán xuyến một số họ đạo lẻ loi, dạy giáo lý cho giáo dân và những người l ương muốn tòng giáo, thăm nom các bệnh nhân. Các thầy làm hết mọi việc với sự cộng tác thân mật của các chức việc trong họ đạo. Một năm sau, 18.02.1631 khi các linh mục bồ đào nha là Gaspar d’Amiral, Antoine và Cadim từ Xiêm La (Siem) tới, các ngài thấy rõ số bổn đạo đã được gia tăng tới con số 9.942 Như vậy các thầy giảng đã rửa tội thêm được 3.340 tân tòng trong thời gian hơn một năm (33) Chính với một lòng tận tụy truyền giáo như vậy mà tổ chức các thầy giảng đã hiến dâng cho Giáo Hội Việt Nam những vị tử đạo đầu tiên.

V. Những vị tử đạo đầu tiên tại Việt Nam

1) Mọi công trình truyền giáo đều có Thánh Giá

Không công trình truyền giáo nào mà không có Thánh Giá. Thánh Giá là dấu chỉ của tình yêu. Chính vì tình yêu đối với Thiên Chúa và tình yêu đối với các linh hồn mà các nhà thừa sai đã từ giã gia đình và quê hương của họ để đem Tin Mừng đến cho các dân tộc xa xôi. Tại đó, với sự trợ giúp của Chúa Thánh Thần các ngài đã can đảm ra đi, hiến dâng sự sống cho ’phần lợi’ của Phúc Âm và đồng thời đào tạo cho Nước Chúa những tâm hồn thánh thiện chan chứa tình thương sẵn sàng hiến thân vì đức tin. Nếu các Tông Đồ và các tín hữu đầu tiên đã là những chứng nhân của Chúa Giêsu Phục Sinh trong xã hội Do Thái và trong đế quốc Roma, thì các thừa sai và các tín hữu việt nam đầu tiên, họ cũng là những chứng nhân của niềm tin vào Thiên Chúa và vào tình thương của Ngài. Là nhân chứng của đức tin, họ không lùi bước, nhưng luôn tiến lên và can đảm lãnh nhận Thánh Giá mà giá trị lớn lao nhất của Thánh Giá là chết cho tình yêu, là tử đạo nhân danh đức tin.

Vì những lợi nhuận thương mại và vì những liên hệ kinh tế, các chúa Trịnh ở Bắc cũng như các chúa Nguyễn ở miền Nam chưa dám giết hại các thừa sai ngoại quốc, nhưng họ tìm cách giập tắt cái mà họ gọi là ’tà đạo’, họ đuổi ra khỏi lãnh thổ và nhất là tàn sát, những người đứng đầu các cộng đoàn kitô hữu, tức là các thầy giảng và các chức việc.

2) Những vụ trục xuất đầu tiên các thừa sai

Lịch sử kể lại rằng nạn hạn hán năm 1617 ngăn cản mọi công việc đồng áng trong các tỉnh miền Nam. Cơn đói kém đe dọa dân chúng. Các sư sãi cầu nguyện xin trời đổ mưa xuống, nhưng vô hiệu quả! Họ nói với chúa Nguyễn rằng: nạn hạn hán xẩy đến cho dân là vì lỗi phạm của những người đã bỏ đạo của tổ tiên và đi theo đạo của Âu Châu, vì thế các thần minh nổi giận và phạt vạ thần dân bằng cơn hạn hán này. Muốn đền tạ hiệu nghiệm, chúa phải làm điều các thần minh yêu cầu, là trục xuất các thừa sai và ép buộc người công giáo phải từ bỏ tà đạo (34). Cho những ý kiến đó là hợp tình hợp lý, chúa Sãi Vương truyền lệnh cho cha Carvahle và Busomi phải ra khỏi miền Nam (35).

Cha Alexandre de Rhodes cũng ở trong hoàn cảnh khó khăn tương tự, cũng chịu những tố cáo giả dối như vậy, nên đã bị trục xuất khỏi lãnh thổ của vua Lê năm 1628 (36). Ngài trở vào miền Nam, nhưng lại bị trục xuất vào năm 1640 (37). Bó buộc phải đáp tàu về Macao. Ba tháng sau, cha Alexandre de Rhodes lại tìm cách cập bến Hội An, nhưng rồi lại bị đuổi vĩnh viễn khỏi Việt Nam ngày 3.7.1645, sau nhiều tháng bị giam cầm với chín thầy giảng (38). Sau 21 năm lặn lội truyền giáo tại Việt Nam, cha bị bó buộc phải rời bỏ các địa điểm truyền giáo, ôi bao xót xa, bao ngậm ngùi thương mến! Không được phúc đổ máu trên đồng truyền giáo, cha Alexandre de Rhodes đã ra đi mang theo một kỷ vật thật quý giá, là cái đầu của thầy giảng Anrê, vị tử đạo đầu tiên của Giáo Hội Việt Nam.

3) Thầy giảng Anrê, vị tử đạo đầu tiên tại Việt Nam

Cha Alexandrede Rhodes đã viết về vị tử đạo đầu tiên của Việt Nam như sau: “Cho tới nay, Giáo Hội Miền Nam tương đối vẫn được bình an và hạnh phúc, lâu lâu cũng bị tấn công gay gắt nhưng chưa hề phải đổ máu để bênh vực những vụ gièm pha phỉ báng Chúa mình, nên cũng chưa bao giờ xuất hiện trước ngai tòa Con Chiên với chiếc áo hồng thắm, đầu đội triều thiên, và tay cầm cành lá chiến thắng. Nói khác, cho đến nay, Giáo Hội Việt Nam chưa có một vị tử đạo đã hy sinh mạng sống vì bảo vệ đức tin. Thiên Chúa dành vinh quang này cho môt người trẻ mười chín tuổi tròn mà tôi đã rửa tội ba năm trước và tôi đã coi như một người bạn giúp tôi đi dạy giáo lý từ hai năm nay“ (39).

Năm 1644, hoàng hậu Tôn Thị truyền cho quan tỉnh Quảng Nam lùng bắt thầy giảng Inhaxiô và phá vỡ mọi công trình truyền giáo. Thù nghịch với người công giáo từ lâu, quan tỉnh đem quân lính đến bao vây nhà thầy Inhaxiô và các thầy giảng. Lúc đó thầy Inhaxiô đi vắng, lính bắt thầy Anrê đang thay mặt thầy Inhaxiô và chăm sóc bốn thầy giảng khác đau yếu. Hạnh phúc thay, trong nhà tù của tỉnh, thầy Anrê đã gặp một người công giáo trọng tuổi cũng gọi là Anrê. Cả hai khích lệ nhau can đảm chịu mọi hành nhục và sẵn sàng đổ máu vì đức tin. Cả hai cầu nguyện thâu đêm. Hôm sau bị điệu ra tòa do chính quan tỉnh ngồi xử. Quan đã kêu án xử tử cả hai người đồng tên thánh Anrê.

Ngày 16.07.1644, thanh niên Anrê bị điệu ra pháp trường xử trảm. Thầy luôn bình tĩnh và can đảm, cầu nguyện cho đến phút cuối cùng. Cha Alexandre de Rhodes cũng lẩn lút theo người môn đệ của mình ra tận pháp trường, và chứng kiến giây phút thầy Anrê bị chặt đầu. Cha đã nghe rõ tiếng của thầy Anrê tuyên xưng danh thánh Chúa Giêsu cho đến lúc nhát dao làm tắt tiếng thốt ra từ miệng thầy Anrê. Linh hồn bay về trời, thân xác ngã xuống đất... (40).

4) Cuộc bách hại các tín hữu

Tiếp cuộc tử đạo của thầy Anrê là cái chết vì đức tin của các thầy Inhaxiô (41), rồi cơn bách hại tại Quy Nhơn (42). Quân lính của quan tỉnh nhận được lệnh phải phá hủy các nhà thờ, phân tán các cộng đoàn Kitô giáo và bắt giam các chức việc. Trước tiên có 35 giáo dân bị bắt giam rồi dẫn đi nộp cho quan tỉnh. Người quý chức nổi tiếng nhất bấy giờ là ông trùm Ngữ, trùm cả của họ đạo Quy Nhơn. Mấy tháng trước, ông đã chuẩn bị cho giáo dân trong họ đạo sẵn sàng tuyên xưng đức tin và khi bị bắt giam, ông là phát ngôn viên của những người bị bách hại trước mặt quan lớn. Cương quyết trong niềm tin, mọi người đều nhất trí trung thành với Thiên Chúa và với đạo thánh. Ngày đầu tiên, quan tỉnh xúc động vì thấy họ liên đới với nhau và đồng tâm tuyên chứng đức tin, ông cho 29 người về với gia đình, ông chỉ giữ lại 6 người, trong đó đương nhiên có ông trùm Ngữ.

Cảm nghĩ sau đây của cha Alexandre de Rhodes chứng tỏ cho chúng ta thấy sự khác biệt: “Hai mươi chín người được thả ra về không phải chịu một hình nhục nào, thì nét mặt buồn rầu, bước đi chậm chạp; còn sáu người bị giữ lại, thì, tuy vai mang gông nặng nề, lại có nét mặt vui tươi, bước đi nhẹ nhàng dường như họ có đôi cánh“ (43).

Đó là giai đoạn đầu tiên của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Tuy chỉ là một bản tóm lược, chúng ta cũng nhìn thấy ở đó những khó khăn lớn lao đến từ mọi phía, cho phép chúng ta nhận ra bao công phúc của các các nhà truyền giáo tiên phong và của những người tín hữu ’thơ sinh’ ở Việt Nam. Nhờ ơn lành của Thiên Chúa và nhờ sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, các ngài đã khởi đầu một cách anh dũng lịch sử Giáo Hội Việt Nam. Nhưng để củng cố lịch sử này, như chúng ta sẽ đọc thấy trong những trang tiếp theo, Giáo Hội Việt Nam còn phải chịu những cuộc bách hại kinh hoàng, chan chứa máu hồng... mà những khó khăn nhắc đến ở những trang trên, mới chỉ là những dấu hiệu đi trước.

MỤC II

LỚN LÊN TRONG BÁCH HẠI (1580-1885)


I. Những cuộc bách hại đẫm máu

Người ta có thể không sợ quá lời khi nói rằng lịch sử của Giáo Hội Việt Nam là một chuỗi dài những cuộc bách hại chống Kitô giáo. Như chúng ta đã thấy, vào năm 1533 Tin Mừng bắt đầu được rao giảng tại Việt Nam, nghĩa là năm ‘con gái đầu lòng của Giáo Hội tại Viễn Đông chào đời’. Kể từ năm 1580 cuộc bách hại bắt đầu và kéo dài cho tới 1885, nghĩa là trong hơn 300 năm. Các sử gia chia quãng thời gian ảm đạm này thành bốn giai đoạn chính: Dưới triều đại nhà Lê với các chúa Trịnh và Nguyễn (1580-1747); dưới triều đại nhà Tây Sơn (1777-1802); dưới triều đại nhà Nguyễn (1802-1867); dưới thời Văn Thân (1862-1885).

1) Dưới triều đại nhà Lê và các chúa Trịnh và Nguyễn

Giai đoạn đầu (1580-1617). những cuộc bách hại ở cả hai miền Nam và Bắc còn ít nghiêm khắc và ít đổ máu.

Tại miền Nam, những cuộc bách hại khởi đầu từ việc trục xuất các cha dòng Tên năm 1617, rồi từ những tố cáo gian dối đổ xuống trên các thừa sai và các làng công giáo năm 1623. Nhưng những cuộc bách hại trở nên gay gắt và đổ máu kể từ năm 1644 tại Quy Nhơn và Quảng Nam. Đồng thời, chính chúa Thượng đã ra lệnh trục xuất cha Alexandre de Rhodes. Ngài đã phải ngậm ngùi ra đi không ngày trở lại trên đất Việt Nam, sau khi đã chứng kiến cuộc tử đạo của các thầy giảng Anrê, Inhaxiô. Sau cùng sắc lệnh bắt đạo của chúa Minh Vương năm 1698, đã làm tiêu tan nhiều làng công giáo và đã gây nên cái chết rũ tù của cha Langlois và 30 giáo dân (44).

Trong thời đó, tại miền Bắc, tại lãnh thổ của vua Lê chúa Trịnh, các cuộc bách hại chỉ bắt đầu từ năm 1629 với lệnh trục xuất các thừa sai của chúa Trịnh Tráng. Rồi 1712, chúa Trịnh Can cấm người công giáo họp nhau cầu nguyện và đeo ảnh đạo. Các cuộc bách hại trở nên kinh hoàng vào thời chúa Trịnh Cương, năm 1721. Chúa ra lệnh đuổi bắt và chặt đầu các thừa sai. Chính trong vụ bách hại này mà hai cha Massari và Buccharelli đã được phúc tử đạo năm 1723 (45). Mười tám năm sau, dưới triều chúa Trịnh Doanh, cuộc bách hại bỗng nhiên trở nên dữ dằn bởi sự ghen ghét người công giáo của một số quan lại muốn lấy lòng chúa Trịnh và mong được phần thưởng chúa hứa ban. Trong năm năm, bốn cha dòng Đaminh và nhiều giáo dân bị giết chết. Đó là quý cha Francois Gil, Matthieu Leginiana, Hyacinthe Castaneda và Vincent Liêm (46).

2) Dưới triều đại nhà Tây Sơn

Chính vào năm 1763 mà ba anh em Tây Sơn, Nhạc, Huệ và Lữ đã nổi dậy và đem quân chống chúa Nguyễn. Sau khi toàn thắng quân chúa Nguyễn và đánh tan cả đoàn quân Thái Lan qua giúp chúa Nguyễn, năm 1786, anh em Tây Sơn kéo quân trực chỉ miền Bắc và chiếm được Hà Nội, thủ đô của lãnh thổ thuộc vua Lê chúa Trịnh. Hai năm sau, ba anh em còn đánh tan đoàn quân trung hoa qua cứu viện vua Lê chúa Trịnh tại Đống Đa. Sau những chiến thắng oai hùng tiếp nối nhau, Nguyễn Huệ, người thứ hai của ba anh em Tây Sơn đã tự xưng là hoàng đế Việt Nam thống nhất, và mang tước hiệu là vua Quang Trung.Ngay từ buổi đầu, vua Quang Trung đã tỏ ra không ưa thích đạo Công Giáo. Vì thế, 1975 vua đã ra sắc chỉ bắt bớ các kitô hữu. Nhưng cuộc bách hại chỉ kinh hoàng và đẫm máu vào triều đại người kế ngôi vua là hoàng đế Cảnh Thịnh. Ông này bí mật ra lệnh cho các quan giết hết các người công giáo trong tháng 05. 1798. Trong số lớn những Kitô hữu bị sát hại thời Cảnh Thịnh, có hai linh mục Việt Nam là cha Gioan Đạt và Nguyễn Văn Triêu. Cùng bị giam với hai linh mục, có chừng 32 quý chức họ đạo mà 30 đã anh dũng chết vì đức tin (48).

3) Dưới triều đại nhà Nguyễn

Bị anh em Tây Sơn đánh bại, chúa Nguyễn Ánh phải chạy trốn sang Bangkok (Thái Lan). Ông chờ đợi thời thế thuận lợi để trở về Việt Nam. Vậy vào tháng 07.1787, vào lúc anh em Tây Sơn chia rẽ nhau cách trầm trọng, chúa Nguyễn Ánh đã kéo quân trở về miền Nam, chiếm tỉnh Cần Thơ. Nhờ tài binh lược của các tướng Võ Tánh, Ngô Tòng Chu và Lê Văn Duyệt, chúa Nguyễn Ánh đã đánh tan nhà Tây Sơn chiếm lại mau chóng các tỉnh lớn Sàigòn, Huế, Quy Nhơn và Hà Nội. Bấy giờ chúa Nguyễn Ánh lên ngôi vua và lấy danh hiệu là Gia Long, lập nên triều đại nhà Nguyễn năm 1799. Vua Gia Long tạ thế năm 1820 (49).

Thời vua Gia Long, người công giáo tương đối được bình yên. Nhưng những vua kế vị ngài, như Minh Mệnh, Thiệu Trị và Tự Đức đã tỏ ra rất thù nghịch với đạo Công Giáo. Một vài sử gia đã gọi Minh Mạng và Tự Đức là ‘Nêrons Việt Nam’ (des Nérons Vietnamiens) (50). Các sắc chỉ bách hại người công giáo do vua Minh Mạng ban hành liên tiếp vào các năm 1825, 1833, 1836 và 1838. Vua truyền khắc hai chữ ‘tà đạo’ trên má các tín hữu (51). Chính vua ký bản án tử hình ba giám mục: Dominique Renares, Ignace Delgado và Pierre Dumoulin; và chừng 20 linh mục ngoại quốc và linh mục bản xứ, một số đông các thầy giảng, nữ tu, quý chức và giáo dân.

Riêng vua Tự Đức, vua đã ra sáu sắc lệnh chống người công giáo trong các năm 1851, 1855, 1857, 1859 và 1861. Điều rất rõ là dưới thời Tự Đức, Giáo Hội Việt Nam bị bách hại và hủy diệt dữ đội nhất. Chỉ nguyên các cuộc bách hại từ 1858 đến 1862 con số các giáo dân bị giết hại và các họ đaọ bị tàn phá thật đáng kể: 115 linh mục đã đổ máu vì đức tin, 50 tu viện bị phá hủy, 2.000 nữ tu bị phân tán, trong số đó 100 chị đã hiến mạng sống vì vinh danh Thiên Chúa, 10.000 quý chức họ đạo bị bắt giam mà một nửa đã được phúc tử vì đạo. Một số lớn các tín hữu đã chết đói, 2.000 họ đạo bị tàn phá. Sau cùng, tất cả của cải, đất đai nhà cửa của họ đạo và của giáo dân bị dân ngoại chiếm đoạt, cướp phá. Do đó, trên 300.000 dân công giáo phải di tản, trốn tránh khỏi nơi sinh trưởng. Lịch sử còn ghi, chỉ nguyên ‘sắc lệnh phân sáp’ năm 1861 đã gây tử vong cho trên 50.000 tín hữu (52).

4) Dưới thời Văn Thân

Sau lòng thù ghét đạo Công Giáo là sự hiện diện của quân đội Pháp đã thúc đẩy các vua chúa và quan lại bách hại người công giáo không chút thương tâm. Điều đó thật rõ ràng qua vụ việc: do áp lực của chính phủ thuộc địa, vua Tự Đức đã ra một sắc lệnh ân xá cho người công giáo năm 1862 và tuyên bố quyền tự do tôn giáo (53), nhưng phần lớn các quan lại không chấp nhận. Trái lại, sự hiện diện của người Pháp còn kích thích thêm lòng ghen ghét và thù nghịch đạo Công Giáo của họ đến độ họ nổi dậy tàn phá các làng công giáo tại Huế năm 1864 và 1865, tại Nam Định năm 1869, tại Thanh Hóa năm 1874, tại Quảng Ngãi và Quảng Bình năm 1885 (54).

5) Tổng kết của hơn 300 năm bách hại

Chúng ta vừa chiếu lại mau chóng cuốn phim đẫm máu của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta thán phục đức tin của 100.000 người công giáo tử đạo, trong đó có 200 linh mục, 340 thầy giảng và 270 nữ tu mến Thánh Giá. Ngoài ra trên 3.000 họ đạo bị tàn phá hay cướp bóc (55). Chúnng ta còn phải thán phục hơn nữa khi nhận thấy giữa những năm bị bách hại tàn ác và kinh khủng… việc rao giảng Phúc Âm vẫn không bị khoan giãn, ngưng đọng…

Giáo Hội Việt Nam vẫn duy trì sức sống mạnh mẽ, hiên ngang và trung kiên. Phải chăng đó là ơn sủng của Thiên Chúa, là sự phong phú của máu các Thánh Tử đạo. Trong những trang tiếp theo, chúng tôi xin trình bày sơ lược một vài biến cố chính yếu làm chứng cho đời sống liên tục và đầy nghị lực của Giáo Hội Việt Nam trong giai đoạn đẫm máu này.

II. Thành lập giáo phận Bắc Kỳ và giáo phận Nam Kỳ

1) Hai vị Giám Mục (Đại Diện Tông Tòa) đầu tiên

Mục đích của việc thiết lập các địa phận (đại diện tông tòa) là để củng cố và phát triển công trình truyền giáo. Các linh mục của Hội Thừa Sai Paris đã từ Âu châu đến làm việc tại Nam Kỳ và Bắc Kỳ từ năm 1653. Bắc Kỳ và Nam Kỳ được chia ra thành hai giáo phận (hai đại diện tông tòa) do trọng sắc ‘Super Cathedram Principis Apostolorum’ (Từ Ngai Tòa của vị Tông Đồ Cả) của đức giáo hoàng Alexandre VII (56). Ngài đã bổ nhiệm hai linh mục thừa sai Pháp, đức cha Francois Pallu làm giám mục (Đại Diện Tông Tòa) giáo phận Bắc Kỳ (1659-1679) và đức cha Lambert de la Motte làm giám mục (Đại Diện Tông Tòa) giáo phận Nam Kỳ (1659-1679) (57).

2) Giáo phận Bắc Kỳ được chia ra thành nhiều giáo phận mới

Năm 1658 đức cha Fr. Pallu, giám mục hiệu tòa Héliopolis, được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Bắc Kỳ. Quyền tài phán của ngài bao trùm cả miền Bắc Kỳ. Cuộc bách hại ngăn cản không cho phép ngài di chuyển hết miền truyền giáo thuộc quyền. Vì thế, việc phân chia giáo phận mới đã có từ năm 1679. Đức cha Deyduer (1679-1693) được bổ nhiệm làm giám mục giáo phận Hải Phòng (Tonkin Oriental), và đức cha Bourges (1679-1717) làm giám mục giáo phận Hà Nội (Tonkin Occidental). Đến năm 1693, đức cha Deydier qua đời, giáo phận Hải Phòng được giao cho các cha dòng Đaminh thuộc tỉnh dòng Rất Thánh Mân Côi Phi Luật Tân. Và giáo phận Hà Nội vẫn thuộc về Hội Thừa Sai Paris.

Giáo phận Hà Nội lại chia ra: giáo phận Vinh (Tonkin Méridional) năm 184, giáo phận Hưng Hóa (Haut Tonkin) năm 1895, giáo phận Phát Diệm (Tonkin Maritime) năm 1901.

Giáo phận Hải Phòng chia thành: giáo phận Bùi chu (Tonkin Central) năm 1848 và giáo phận Bắc Ninh (Tonkin Septentrional) năm 1883.

Sau cùng, giáo phận Thanh Hóa tách ra khỏi giáo phận Phát Diệm năm 1932, phủ doãn hạt Lạng Sơn tách ra khỏi giáo phận Bùi Chu năm 1913 và giáo phận Thái Bình tách ra từ giáo phận Bùi Chu năm 1936.

3) Giáo phận Nam Kỳ được chia ra thành nhiều giáo phận mới

Giáo phận Nam Kỳ (vicariat de Cochinchine) được thiết lập năm 1659 và giao cho Hội Thừa Sai Paris. Giáo phận này không chỉ bao trùm trên lãnh thổ nhà Nguyễn mà còn cả lãnh thổ Cao Miên. Đến năm 1844, giáo phận được chia ra thành hai: giáo phận Quy Nhơn (Vicariat de Cochinchine Orientale) và giáo phận Sài Gòn - Cao Miên (Vicariat de Cochinchine Occidentale).

Lần lượt, giáo phận Sài Gòn - Cao Miên chia ra giáo phận Cao Miên năm 1850 và giáo phận Vĩnh Long 1938.

Còn giáo phận Quy Nhơn chia ra giáo phận Huế (vicariat septentrionale) năm 1850 và giáo phận Kontum năm 1932.

4) Một vài con số của các giáo phận năm 1883



III. Những Công Nghị Miền

1) Công nghị Nam Định năm 1670

Công nghị Nam Định năm 1670 được cử hành dưới quyền chủ tọa của đức cha Lambert de la Motte (59). Những người tham dự là ba 3 thừa sai và 9 linh mục Việt Nam. Những quyết định quan trọng là: giáo phận được chia ra thành nhiều giáo xứ và họ đạo (quasi-paroisse et chrétienté), đứng đầu mỗi giáo xứ là một linh mục. Nhà ở của ngài nằm trong thành phố. Các thầy giảng làm việc dưới quyền của cha sở. Muốn làm thầy giảng, phải có giấy chứng nhận của đức giám mục. Sau cùng, trong mỗi họ đạo, phải chọn hai giáo dân đạo đức để họ quán xuyến những vấn đề vật chất.

Nhân dịp này, đức cha Lambert de la Motte đã truyền chức linh mục cho 7 thầy giảng và các chức nhỏ cho 40 thầy khác. Ngài cũng lập những nhà đầu tiên cho các chị dòng Mến Thánh Giá (40)

2) Công nghị Hội An (Faifo) năm 1672

Công nghị Hội An năm 1672 do đức cha Lambert de la Motte triệu tập và chủ tọa. Tham dự công nghị có 6 linh mục thừa sai mà thế giá hơn cả là cha Mahot và cha Vachet, cùng 4 linh mục Việt Nam với một số các thầy giảng. Công nghị này đề cập đến nhiều vấn đề tương quan đến đời sống luân lý và bí tích của giáo dân, đến kỷ luật và việc quản trị trong các họ đạo và trong giáo phận (vicariat). Công nghị đã thảo luận kỹ lưỡng và phân định rõ ràng vai trò và nhiệm vụ của các quí chức trong họ đạo. Chúng tôi sẽ đề cập đến điểm quan trọng này trong những chương sau (61).



3) Công Đồng Đông Dương (Concilium Indosinense) năm 1934

Có thể nói cho tới nay, đây là ‘công nghị’ quan trọng nhất được cử hành tại Việt Nam, xét về nội dung phong phú, về bối cảnh lịch sử và về thành phần tham dự, đáng mang tên là ‘công đồng’ (Cocilium). Công đồng này được triệu tập và chủ tọa bởi đức cha Antonius M. Drapier, op, Khâm sứ Tòa Thánh, từ ngày 16.11 đến ngày 06.12.1934, tại Hà Nội (vì thế cha Phan Phát Huồn gọi là ‘Công đồng Hà Nội’). Không kể đức Khâm sứ Tòa thánh, còn có 20 giám mục, 5 bề trên dòng, 21 linh mục cố vấn (10 Pháp, 7 Việt Nam, 3 Tây Ban Nha và 1 Thái Lan). Các thành phần tham dự Công Đồng được chia thành năm ủy ban, mỗi ủy ban lo về một vấn đề:

• Ủy ban I, về hoạt động và quy chế của các giám mục, các thừa sai, các tu sĩ và thầy giảng.

• Ủy ban II, về quy chế của các linh mục bản xứ, các chủng sinh.

• Ủy ban III, về các Bí tích

• Ủy ban IV, về quy chế các giáo phận, về việc giảng dạy, nhất là về công giáo tiến hành.

• Ủy ban V, về tài chánh của Giáo Hội (61’).

Một thành quả quan trọng khác của Công đồng Dông Dương là từ công đồng này sẽ có nhiều thư chung của các giám mục và nhiều cuốn chỉ nam (directoire) của giáo phận. Tất cả là những tài liệu quý giá liên quan đến tổ chức Hội Đồng Quý Chức chúng tôi nghiên cứu.

4) Các Công nghị ít quan trọng khác

Trước tiên là công nghị Huế năm 1747 được cử hành bởi đức cha Lefebvre, giám mục giáo phận Nam Kỳ (1738-1760) với sự hiện diện của đức cha Hilaire de Jésus op, giám mục giáo phận Hải Phòng. Mục đích của công nghị là giải quyết những bất đồng về nghi lễ, nhưng tiếc là không thành công (62).

Lịch sử còn cho biết các công nghị Thọ Đúc (Huế) năm 1747 (63), công nghị Bắc Kỳ (1753) (64), công nghị Hà Nội năm 1795 (65), công nghị Nam kỳ - Cao miên - Xiêm la (Cochinchine-Cambodge - Ciame năm 1841 (66), công nghị Bùi Chu năm 1854 (67). Chúng tôi tiếc là không tìm ra các bản văn, một vài bản văn chúng tôi đã đọc thì không có điểm nào quan trọng.

Mục đích chính của các công nghị là giải quyết và phân định rõ ràng những điều liên hệ đến đời sống Giáo Hội, đến phần rỗi các linh hồn, và cụ thể là đến việc đào tạo và những hoạt động của những người dấn thân vào sứ mệnh truyền giáo tại Việt Nam. Họ là những người đầy tận tụy của Phúc Âm.

IV. Các tôi tớ của Tin Mừng

1) Các nhà truyền giáo Âu châu

Chúng ta biết rằng, từ năm 1649, cha Alexandre de Rhodes đã trở về Roma xin đức giáo hoàng gửi các giám mục và các nhà truyền giáo đến Việt Nam (68). Hơn thế, chính nhờ cái nhìn sâu sắc của ngài mà bao nhiêu khó khăn và chống đối từ nhiều phía, mà năm 1658 Hội Thừa Sai Paris đã thành hình với chủ yếu là rao giảng Tin Mừng tại các nước Đông Dương (69). Không ai có thể phủ nhận sự nghiệp lớn lao của các linh mục Thừa Sai Paris đối với Giáo Hội Việt Nam, nhất là trong thời Tây Sơn, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức. Nhưng trước khi các ngài tới, thì các cha dòng Tên đã có mặt. Và trong một thế kỷ rưỡi, từ 1614 đến 1774, dòng Tên đã hiến cho Giáo Hội non trẻ Việt Nam những linh mục tài ba và nhân đức. Chính nhờ các ngài mà lịch sử Giáo Hội Việt Nam đã có những trang thật đẹp. Chỉ tiếc một điều là vì vụ tranh cãi về nghi thức mà các linh mục dòng Tên bị bó buộc rời khỏi Việt Nam (70).

Theo lời yêu cầu của đức cha Francois Pallu và Lambert de la Motte, các cha Đaminh đã đến Bắc Kỳ năm 1676, mà trước tiên là hai cha Jean d’Arjona, Jean de la Croix. Cộng tác với các cha dòng Phanxicô, dòng Tên và các cha Thừa Sai Paris, dòng Đaminh đã cống hiến cho Giáo Hội Việt Nam nhiều vị tử đạo, sự nghiệp truyền giáo của các ngài tại Giáo Hội này luôn đáng ghi nhớ (71). Ngoài ra, chúng ta không quên sự hiện diện tận tình và tích cực tại Nam Kỳ, đặc biệt trong những hoạt động giáo dục và từ thiện, của các nữ tu dòng thánh Phaolô thành Charles từ 1866 (72), của các Sư Huynh Trường Công Giáo từ 1867 (73), và của các nữ tu dòng kín Lisieux chuyên chú việc tông đồ cầu nguyện, đã đến Sài Gòn năm 1861 (74).

2) Linh mục Việt Nam giữa các linh mục thừa sai

Mối bận tâm lớn lao của Tòa Thánh và của các giám mục là không những lo mời các thừa sai ngoại quốc đến làm việc tại Việt Nam, nhưng còn lo đào tạo các linh mục bản xứ. Các linh mục đầu tiên được truyền chức tại Thái Lan năm 1668. Đó là cha Giuse Trang, Luca Bền và Bênêditô Niên (75). Lịch sử còn nhắc đến các linh mục dòng Tên Việt Nam tiên khởi là cha Valentinô Sui, Lêonê Huế được chịu chức trước năm 1 694 (76). Trước khi được chịu chức linh mục, các ngài đã là thầy giảng mẫn cán. Chính vì thế, việc chịu chức của các ngài là một hãnh diện, mọi sự khích lệ lớn lao cho tổ chức các thầy giảng. Tổ chức này lớn mạnh không ngừng, cả trong những giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử truyền giáo tại Việt Nam. Số thống kê năm 1855 cho biết con số 413 linh mục việt nam làm việc sát cánh với 216 cha thừa sai ngoại quốc (77). Để bảo đảm việc đào tạo các linh mục và các thầy giảng, việc thiết lập các chủng viện đương nhiên là một đòi hỏi khẩn trương. Vì thế, từ 1665, một chủng viện truyền giáo Đông Dương đã được thiết lâp tại Juthia (Thái Lan) (78). Rồi năm 1765, một chủng viện của giáo phận Nam Kỳ được xây cất tại Hòn Đất trong tỉnh Hà Tiên. Năm 1780, đức cha Pigneau Bahaine chuyển chủng viện này về Lái Thiêu gần Sài Gòn. Tại giáo phận Bắc Kỳ, người ta nói đến chủng viện Vĩnh Trị (80).

3) Giáo dân Việt Nam

Bên cạnh và dưới sự hướng dẫn của các linh mục thừa sai hay linh mục việt nam, giáo dân việt nam rất ý thức và tích cực lãnh trách nhiệm truyền giáo.

Trước hết chúng ta phải nhìn nhận công nghiệp của các thầy giảng: thừa tác vụ chính yếu của họ là trợ tá các linh mục trong việc đem Tin Mừng Cứu Độ đến cho dân ngoại, dạy giáo lý cho trẻ em và dự tòng, là cộng tác với các quý chức trong việc điều khiển họ đạo khi linh mục vắng mặt. Đây là một tổ chức tông đồ giáo dân hiệu lực nhất tại Việt Nam đặc biệt trong thời bách hại (81).

Rồi dòng Mến Thánh Giá được thành lập bởi đức cha Lambert de la Motte tại Bắc Kỳ năm 1669 và tại Nam Kỳ năm 1672 (82). Hoạt động của họ thật khiêm tốn, kín đáo nhưng rất hiệu lực, họ lo đăc biệt việc dạy giáo lý cho các dự tòng và lo rửa tội cho các trẻ em hay người lớn ngoại giáo lâm cơn nguy tử.

Sau cùng chúng ta phải nhắc đến một số lớn các tín hữu thâm niên và đạo đức, quen gọi là quý chức hay chức việc. Ngay từ khi một họ đạo nhỏ được hình thành, thì một số tín hữu đạo đức cũng được tuyển chọn thành Hội Đồng Quí Chức để bảo vệ và phát triển cộng đoàn nằm giữa lương dân, đồng thời cũng để mở rộng sinh hoạt truyền bá Phúc Âm. Trong thời kỳ bách hại, các chức việc ở tại chỗ, lo che giấu các thừa sai, bênh vực và hướng dẫn họ đạo, rồi nếu Thiên Chúa muốn, họ hiến dâng mạng sống cho Ngài. Sự cộng tác chân thành và hăng say mà các quý chức dành cho các linh mục và cho nam nữ tu sĩ trong suốt thời cấm đạo còn được biểu lộ cách tích cực và hiệu lực trong thời tái thiết Giáo Hội Việt Nam mà chúng ta sẽ trình bày trong các trang sau đây.

MỤC III

THỜI KỲ TÁI THIẾT VÀ PHÁT TRIỂN (1885-1953)


I. Nền hòa bình và sự tự do què quặt

Người công giáo việt nam ở vào hai thế kẹt: một bên là sự hiện diện của quân đội Pháp trên lãnh thổ quê hương tạo nên nguyên nhân chính khiến các vua chúa, các văn thân và dân ngoại phản ứng chống lại đạo Công Giáo và bắt bớ linh mục và tín hữu không chút thương tâm; một bên khác là viện lẽ các thừa sai và nhiều kitô hữu bị vua chúa và quan lại giết chết, quân đội Pháp đã chiếm đoạt chủ quyền của Việt Nam. Vì thế nền hòa bình và sự tự do mà Giáo Hội Việt Nam được hưởng nhận sau ba trăm năm bách hại luôn bị què quặt bởi sự kiện Quê Hương bị cướp mất chủ quyền. Vì người công giáo mang trên hai vai bổn phận đối với Thiên Chúa và bổn phận đối với Tổ Quốc.

Sau nhiều lần đe dọa vào các năm 1818 và 1856 (83), thì tháng bảy 1858, vua Pháp đã cho tướng Gigault de Genouilly đổ bộ vào Việt Nam với 3.000 quân và chiếm Cửa Hàn, tức là Đà Nẵng ngày nay (84). Qua năm 1859, Sài Gòn rơi vào tay quân Pháp. Và hòa ước năm 1862 cho phép người pháp chiếm làm thuộc địa ba tỉnh của Nam Kỳ, nghĩa là cả giáo phận Sài Gòn (Vicariat de Cochinchine Occidentale) (85). Nhưng đó mới chỉ là bước đầu trong tham vọng thuộc địa của người Pháp. Bởi vì năm 1867, quân đội Pháp dưới quyền chỉ huy của tướng Dupré đã tiến chiếm nhiều tỉnh khác của Nam Kỳ (86). Sau khi đã chiếm cứ và đặt xong nền hành chánh ở Nam Kỳ, quân đội Pháp lại tiến ra Bắc Kỳ và chiếm đóng Hà Nội năm 1883, rồi đòi vua Việt Nam phải đặt cả Bắc Kỳ và các tỉnh khác của Việt Nam (tức là các tỉnh Trung Kỳ hay giáo phận Huế và giáo phận Quy Nhơn (Le Centre de l’Annam ou deux Vicariats de Cochinchine Septentrionale) (Huế) et Orientale (Quy Nhơn) dưới quyền bảo hộ của Nước Pháp (87). Chế độ thuộc địa – bảo hộ của Pháp tại Việt Nam chỉ chấm dứt vào năm 1954.

II. Hai Công Nghị chỉ đạo

Vừa khi có hòa bình và tự do, các giám mục miền Nam và miền Bắc họp nhau lại để kiểm điểm tình hình và đưa ra những chỉ thị cần phải có cho công trình tái thiết chung. Chúng tôi nghĩ, đó là mục tiêu của hai công nghị miền, công nghị Nam Kỳ năm 1880 và công nghị Bắc Kỳ năm 1900.

1) Công nghị Nam Kỳ

Công nghị Nam Kỳ được tổ chức tại Sài Gòn từ ngày 07 đến 14.08.1880 do các đức cha Isidore Colombert, giám mục giáo phận Sài gòn, đức cha Marie Louis Galibert, giám mục giáo phận Quy Nhơn, và đức cha Gaspard, giám mục giáo phận Huế. Nhiều linh mục và thầy giảng được mời tham dự. Bản văn ghi các quyết định của công nghị gồm bốn chương:

Chương I ‘về giáo sĩ’ gồm 16 khoản: Việc thánh hóa các tín hữu lệ thuộc sự thánh thiện của hàng giáo sĩ (1-5); Chia giáo phận ra thành hạt và xứ hay họ đạo (6-10); Việc quản trị và việc bổ nhiệm (11-16).

Chương II ‘Về trường học và chủng viện’ gồm 21 khoản: Cần thiết phải mở các trường học (17); Vấn đề chủng viện và những nguyên tắc thực tế để tuyển chọn và đào tạo các chủng sinh (18-37).

Chương III ‘Về việc truyền bá đức tin’ gồm 12 khoản: Rao giảng Tin Mừng là mục tiêu thứ nhất của sứ mệnh tông đồ (18); thiết lập các họ đạo mới và tổ chức lại Hội Đồng Quí Chức (39-40); phương pháp truyền giáo (41-50).

Chương IV ‘Về việc coi sóc các linh hồn’ gồm 21 khoản: Việc dạy giáo lý (51-58); thiết lập các hội đoàn (59); huấn luyện các giáo lý viên (60); thái độ của linh mục đối với các tội nhân và đối với các dự tòng (61-65); vấn đề hôn phối (66-72) (88)

2) Công đồng Bắc Kỳ

Công đồng Bắc Kỳ được cử hành tại Kẻ Sặt năm 1900 dưới quyền chủ tọa của đức cha Joseph Torres, giám mục giáo phận Hải Phòng, với sự tham dự của đức cha Louis Pineau, giám mục giáo phận Vinh, đức cha Pierre Marie Gendreau, giám mục giáo phận Hà Nội, đức cha Paul Ramond, giám mục giáo phận Hưng Hóa, đức cha Maximus Fernandes, giám mục giáo phận Bùi Chu và đức cha Maximus Valesco, giám mục giáo phận Bắc Ninh. Ngoài ra còn có 5 cha dòng Đaminh và 3 cha Thừa Sai Paris được mời tham dự với tư cách cố vấn và thần học gia.

Văn kiện đã được các giám mục biểu quyết gồm 4 mục, mỗi mục chia thành nhiều chương và mỗi chương chia thành nhiều tiết. Văn kiện đầu tiên được soạn thảo bằng tiếng latinh, sau được dịch ra tiếng Việt Nam. Chúng tôi nêu lên những ý tưởng chính sau đây:

Mục I ‘Về nhân sự’, chia thành 7 chương: Các giám mục (I); Các thừa sai và linh mục bản quốc (II); Các thầy giảng (III); Học trò nhà Đức Chúa Trời (IV); Các chủng sinh (V); Đời sống chung của những người trong nhà Đức Chúa Trời (VI); Các nữ tu (VII).

Mục II ‘Về tài sản’, gồm 2 chương: Bảo trì tài sản Giáo Hội (I); Việc quản trị và xử dụng tài sản Giáo Hội (II).

Mục III ‘Ban hành các Bí Tích’ gồm 7 chương, mỗi chương đề cập đến một Bí Tích.

Mục IV ‘Về việc điều hành các họ đạo’, gồm 9 chương: Tham dự Thánh Lễ và kiêng việc xác các ngày chủ nhật và lễ trọng (I); Ăn chay và kiêng thịt (II); Các chức việc của họ đạo (III); Các trường giáo lý (IV); Trường tiểu học và các giáo viên (V); Những dị đoan phải xa tránh (VI); Vấn đề an táng (VII); Các dự tòng (VIII); Các cô nhi viện (IX) (89).

III. Thư chung của các giám mục

Sau những năm dài chiến tranh và bắt đạo, công trình tái thiết được bắt đầu bằng mọi phương thức, trong mọi phạm vi. Trong giai đoạn này, các giám mục đã ra nhiều thư mục vụ, quen gọi là thư chung (89). Nội dung của những thư chung có thể tóm lược vào năm chủ đề chính yếu:

Khuyến khích tín hữu sống vững đức tin, thực hành các nhân đức, tham dự thánh lễ, chăm lo việc giáo dục con cái, năng lãnh nhận các bí tích (90).

Kêu gọi giáo dân đóng góp tích cực và quảng đại vào việc tái thiết các nhà thờ, trường học của xứ đạo đã bị phá huỷ trong thời bị bách hại và chiến tranh (91).

Khích lệ giáo dân gia nhập các hội đoàn đạo đức: Hội Thánh Thể, hội Mân Côi, hội Các Đẳng… (92).

Mời gọi tín hữu tích cực cộng tác với các linh mục trong việc truyền bá Tin Mừng cho lương dân bằng những phương thế có thể. Các giám mục nhấn mạnh đến việc cầu nguyện, việc rửa tội cho trẻ em lương dân, việc làm gương sáng cho người chưa có đạo… (93).

Tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức của họ đạo bằng cách xác định các quy luật của Hội Đồng và của họ đạo (94).

IV. Tái thiết các họ đạo

Những biến động hãi hùng của bách hại và chiến tranh đã phá vỡ nhiều địa điểm truyền giáo, nhiều họ đạo mới thành hình… Giờ đây, các vị chủ chăn, giám mục và linh mục mang chung một tâm tưởng giống như lời diễn tả của cha Lelarbousse sau đây: “Tôi tê tái tâm can nhìn thấy gia tài của Chúa đã bị phá hủy tan hoang giữa bao hỗn loạn… Các họ đạo biến mất đến gần một nửa. Giáo dân, người này bị gục ngã dưới lưỡi gươm, người khác chết rũ vì đói rét… Phần lớn tín hữu không được xưng tội rước lễ đã từ mười lăm, hai mươi, ba mươi năm hay lâu hơn nữa…” (95). Chính vì thế, ngay từ khi hòa bình ló rạng và tự do tôn giáo được bảo đảm, các giám mục, linh mục, các thầy giảng và toàn thể Dân Chúa, đã tra tay vào một công việc khẩn trương: Công trình tái thiết!

1) Tái thiết các họ đạo.

Với một nhịp độ mau chóng, người ta bắt đầu tái thiết các họ đạo đã bị phân tán bằng việc dựng lên những mái nhà tranh cho giáo dân trở về có chỗ ở, dựng lên ngôi nhà thờ đơn sơ để cử hành phụng tự, những trường kinh bổn tạm thời cho con em và nhà xứ cho linh mục hay thầy giảng cư ngụ, và tu viện cho các nữ tu Mến Thánh Giá. Tất cả là những điều kiện thiết yếu để đưa giáo dân trở về nề nếp sống đạo đã nhiều năm bị cắt đứt: trau dồi giáo lý, lãnh nhận các bí tích, phát triển sức sống của họ đạo… Đặc biệt là tổ chức lại các Hội Đồng Quý chức hầu có những giáo dân ưu tú cộng tác với linh mục trong mọi phạm vi tạo dựng, duy trì và phát triển họ đạo…Sau 20 năm tái thiết, người ta vui mừng nhìn thấy những thành quả đáng khích lệ. Chẳng hạn ở giáo phận Sài Gòn, năm 1898, đức cha Depierre đã viết: “Sau 10 năm, giáo phận hầu như đã được xây dựng lại, và đó là công trình chính yếu đức cha Colombert (1872-1894) đã thực hiện. Năm 1872, trong giáo phận Sài Gòn chưa có một ngôi nhà thờ nào đáng gọi là nhà thờ, trường học giáo xứ rất hiếm hoi, các nhà xứ chỉ là những mái nhà tranh ẩm ướt và đổ nát…! Bây giờ, nhờ sự thúc đẩy và khích lệ của đức cha Colombert, nhờ sự tận tâm của tất cả các ‘đầy tớ tin mừng’ và lòng quảng đại của giáo dân… giáo phận đã có một bộ mặt khang trang và thịnh vượng với nhiều nhà thờ kiên cố, nhiều ngôi trường tân tiến… Năm 1892, giáo phận Sài Gòn đã đếm được 250 nhà thờ hay nhà nguyện” (96).

Sự kiện làm cho người ta chú ý hơn cả là ngôi nhà thờ chính tòa trang nghiêm, đồ sộ của nhiều giáo phận. Nhưng nổi bật nhất với những nét nghệ thuật Á Châu có một không hai, đó là nhà thờ chính tòa của giáo phận Phát Diệm được xây cất năm 1891 dưới sự hướng dẫn của linh mục Trần Lục. Ông Sohuller đã không quá lời khi quả quyết: “Nhà thờ chính tòa Phát Diệm nghệ thuật nhất trong các xứ truyền giáo” (97).

2) Tổ chức lại các Hội Đồng Quí Chức họ đạo.

Một trong những lo âu lớn của các vị chủ chăn là tổ chức lại Hội Đồng Quí Chức của các họ đạo sau thời chiến tranh và cấm đạo. Bởi vì họ đạo có thể tồn tại khi vắng bóng linh mục, nhưng nó đòi hỏi phải có sự điều hành bởi một số quí chức. Vì thế, việc tổ chức lại Hội Đồng Quí Chức hay Hội Đồng Chức Việc là một điều kiện tất yếu trong việc tái thiết họ đạo. Đàng khác, trong mỗi giáo phận, số Hội Đồng Quí Chức cũng lớn bằng con số nhà thờ hay nhà nguyện. Trong hầu hết các thư chung và các công nghị, các giám mục đều tỏ ra rất lo lắng và nỗ lực hoàn thành công tác mục vụ cơ bản này. Trong chương sau, chúng ta sẽ trình bày chi tiết những bản văn chính thức do các giám mục đã biểu quyết tương quan đến Quí Chức và Hội Đồng Chức Việc, cách riêng cuốn Chức Sở Mục Lệ do đức cha Colombert soạn và ấn hành năm 1884.

3) Tái thiết các trường học của họ đạo.

Sau nhà thờ hay nhà nguyện, thì trường học cũng là mối bận tâm lớn của người công giáo trong họ đạo. Các giám mục, linh mục và quí chức ao ước mỗi họ đạo có một trường dạy kinh bổn. Kể từ khi được hưởng hòa bình và tự do hành đạo, mỗi giáo phận đã hy sinh nhiều tiền của cho công việc xây cất trường học, cốt để các trẻ em có điều kiện học kinh bổn và chữ nghĩa. Công nghị Nam Kỳ năm 1880 bày tỏ rất rõ về ước nguyện này: “Cất trường dạy giáo lý và chữ nghĩa là điều cần thiết tuyệt đối. Vì phải có nhà trường để giáo dục giới trẻ công giáo về đời sống đức tin và đời sống luân lý. Vậy các linh mục phải làm hết sức mình đầu tư vào công tác học đường này” (98).

Sau đây là một vài thành quả đáng chú ý theo những bá cáo của các giám mục: Năm 1891, đức giám mục Hải Phòng đã viết: ”Scolae catechisticae fore in unaquaque christianitate habentur” (Hầu như mỗi họ đạo đều có trường dạy kinh bổn) (99). Rồi năm 1892, đức cha Depierre đã báo cáo về tình hình giáo phận của ngài: “Các sư huynh Lasan có trường Tabert tại Sài Gòn với 331 học sinh nội trú và 236 học sinh ngoại trú; các nữ tu dòng Saint Paul de Chartres điều khiển một trường ngay tại Sài Gòn với 190 học sinh, và 10 trường tại các họ đạo với 1039 học sinh; ngoài ra trong cả giáo phận Sài Gòn có 156 trường tiểu học tại các họ đạọ với 8.067 học sinh’ (100). Sau cùng, năm 1907, trong tờ báo cáo gửi sang Tòa Thánh, đức cha Fernandez O.P. đã quả quyết: “Scolae elementaris catholicae habentur in singulis communitatibus christianis” (Trong mỗi cộng đoàn kitô giáo đều có trường giáo lý sơ đẳng) (101).

Chính nhờ những nỗ lực tái thiết các họ đạo như trên, mà tình hình chung của các giáo phận được bình thường hóa mau lẹ, mà giáo dân sớm được hưởng nền giáo dục kitô đầy đủ, nâng cao đời sống đạo, và nhiều luơng dân xin vào đạo Chúa, và Giáo Hội Việt Nam đóng góp tích cực vào công trình tái thiết quốc gia, đặc biệt bằng những công tác giáo dục, văn hóa và từ thiện.

V. Những tổ chức giáo dục và từ thiện.

Song song với công trình tái thiết các họ đạo, là việc xây cất các cơ sở giáo dục và từ thiện ở cấp giáo phận. Các đức giám mục rất bận tâm về các chủng viện, về các trường trung học, về bệnh viện và các chẩn y viện… Dĩ nhiên những cơ sở giáo dục và từ thiện này đều nhằm mục đích củng cố đời sống của Giáo Hội Việt Nam, nhất là sứ vụ truyền giáo cho lương dân.

Kể từ Công nghị Nam Kỳ (1880), rồi Công nghị Bắc Kỳ (1900), các giám mục đã tỏ rõ thiện chí muốn thể hiện những công trình giáo dục và từ thiện. Về chủng viện, Công nghị Nam Kỳ tuyên bố: “Việc thiết lập chủng viện để giáo dục và đào tạo hàng giáo sĩ bản quốc là mục đích chính và chủ yếu của Tòa Thánh khi sai các ‘vị đại diện tông tòa’ (giám mục) qua Đông Phương, chính vì thế chúng tôi phải làm hết sức để thể hiện công trình này”. Tiếp theo lời tuyên bố trên đây, là những quy luật tuyển chọn và huấn luyện các chủng sinh. Thí dụ: các cha sở phải chọn lựa những đứa trẻ nam có hạnh kiểm tốt, đạo đức và thông minh… trong những gia đình đã có đạo lâu năm, họa lắm mới chọn một người trẻ thuộc gia đình mới theo đạo” (102). Công nghị Bắc Kỳ cũng tuyên bố tương tự (103).

Về các cơ sở từ thiện thì các nghị phụ của công nghị Nam Kỳ tuyên bố rằng: “Mọi hoạt động từ thiện kitô giáo là một sự lôi cuốn mãnh lực người lương tìm về với Giáo Hội. Cho đến nay, các nhà thương đã là một nơi lôi cuốn, thúc đẩy và đón nhận nhiều người lương tìm về với Thiên Chúa. Tùy theo khả năng tài chánh, mỗi giáo phận sẽ cố gắng xây cất thêm các cơ sở từ thiện” (104). Các giám mục miền Bắc còn nhấn mạnh nhiều hơn nữa về các công trình từ thiện khi nói về ‘de modiis ad fides propagandam’ (về các phương tiện truyền giáo) (105) và ‘de orphanotrophiis’ (về các cô nhi viện) (106). Trên thực tế, vào năm 1927, tại miền Nam đã có 17 bệnh viện hay chẩn y viện và 44 cô nhi viện. Tại miền Bắc, có 39 bệnh viện hay chẩn y viện và 56 cô nhi viện (107).

VI. Sự đóng góp vô lường của các cộng đoàn tu sĩ.

Công trình tái thiết Giáo Hội Việt Nam về mọi mặt như chúng ta vừa thấy đòi hỏi sự đóng góp của mọi tầng lớp dân Chúa. Không chỉ các giám mục và linh mục, các thầy giảng và quí chức họ đạo, nhưng còn có chừng 40 cộng đoàn tu sĩ đã thật sự dấn thân và tận lực hoạt động để vừa tái thiết vừa phát triển Giáo Hội Việt Nam. Những cộng đoàn tu sĩ này đã đóng góp theo những đường hướng khác nhau nhưng rất phong phú, với những phương thức khác biệt nhưng hiệu lực. Tiếc là bị hạn chế bởi khuôn khổ của bài nghiên cứu, chúng tôi không thể làm gì hơn là chỉ nêu danh những cộng đoàn chính yếu với năm tháng đầu tiên cập bến Việt Nam.

Những cộng đoàn chiêm niệm: Dòng Kín Sài Gòn (1861), Hà Nội (1865), Bùi Chu (1923) và Thanh Hóa (1929). Dòng Xitô (1923) và dòng Biển Đức (1936).

Những cộng đoàn truyền giáo: Dòng Phanxicô (1577), Dòng Đaminh (1738), Dòng Chúa Cứu Thế (1929).

Những cộng đoàn giáo dục: Sư huynh trường Công Giáo (1866), Dòng Thánh Tâm (1925), Hội Xuân Bích (1929).

Những cộng đoàn từ thiện: Dòng Chúa Quan Phòng (1876), Dòng Nữ Tử Bác Ái (1928), Dòng nữ Phanxicô (1932).

Những cộng đoàn giáo dục - bác ái; Dòng Mến Thánh Giá (1669), Dòng Saint Paul de Chartres (1866), Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm (1920) (108).

VII. Tòa Khâm Sứ Toà Thánh

Đứng đầu Giáo Hội Việt Nam (và Cao Miên, Lào) là Đức Khâm Sứ Tòa Thánh. Tòa Khâm Sứ được thiết lập ngày 20.05.1925 đầu tiên ở Huế, đến năm 1951 chuyển ra Hà Nội. Các đức khâm sứ Tòa Thánh là đức cha Constantino Ajuti, quốc tịch Ý (1928-1936), đức cha Antonin Drapier (1936-1950), đức cha Jonh Dooley (1950-1959 (109).

Cần lưu ý rằng, hai lần kể từ khi lập hai giáo phận đầu tiên (1659), Roma đã gửi qua Việt Nam hai Vị Kinh Lược Tòa Thánh (Visiteur Apostolique): lần thứ nhất vào năm 1739, là đức cha Achard de la Baume, giám mục Harlicarnasse, ngài từ trần tại Huế ngày lễ Phục Sinh, 02.04.1741 (110); và lần thứ hai, vào năm 1922 là đức cha Lecronat sj, giám mục Archialus và Đại Diện Tông Tòa ở Sienlisien (Trung Hoa) (110).

VIII. Công Đồng Đông Đương 1934.

Công việc đầu tiên đáng ghi nhớ của đức khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam là triệu tập một công đồng cho tất cả các giáo phận (đại diện tông tòa) ở Đông Dương năm 1934 tại Hà Nội. Công Đồng Đông Dương quy tụ tất cả các giám mục tại Việt Nam, Cao Miên và Lào. Công đồng đặt dưới quyền chủ tọa của đức tổng giám mục Columbano Dreyer, khâm sứ Tòa Thánh. Một cách chung, có thể nói: các nghị phụ của công đồng thảo luận cách rộng rãi những vấn đề mà chúng ta đã đọc được trong văn bản của công nghị Bắc Kỳ năm 1900, trừ những điểm liên quan đến tổ chức Công Giáo Tiến Hành theo thông điệp ‘Nulla dies sine circulo’ (Không ngày nào mà không hội họp) của đức giáo hoàng Piô XI ban hành ngày 4.3.1928 (111). Sau đây là những kết quả quan trọng của công đồng:

Thống nhất, ít ra là trong các đường hướng chung, các hoạt động truyền giáo trong toàn nước Việt Nam cho dù trên bình diện chính trị, Việt Nam bị chia thành ba miền (Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ) từ năm 1874 và mỗi miền đặt dưới một chế độ khác nhau, thuộc địa hay bảo hộ.

Chấm dứt giai đoạn tái thiết và từ nay bắt đầu giai đoạn phát triển hay củng cố với phong trào Công Giáo Tiến Hành mà chính Tòa Thánh nhiệt liệt khuyến khích.

Thúc đẩy các giáo phận củng cố và phát triển tất cả những công trình đã tái thiết hay mới thực hiện theo tinh thần chung của công đồng bằng cách soạn thảo những cuốn Chỉ Nam riêng cho mỗi giáo phận. Cụ thể, sau cuốn Chỉ Nam của giáo phận Sài Gòn và Cao Miên (1922), là cuốn Chỉ Nam của giáo phận Huế (1940), của giáo phận Hà Nội (1941) và của giáo phận Quy Nhơn (1942). Những cuốn Chỉ Nam này trung thành với những quyết định của Công đồng Đông Dương.

IX. Máu của các Vị Tử Đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu.

Đúng như lời ông Tertulien đã nói: “Sanguis Martyrum, semen christianorum” (Máu các vị tử đạo là hạt giống trổ sinh các tín hữu). Số người công giáo Việt Nam năm 1890 là 708.000 và năm 1953 lên tới 1.800.000 trên 36.000.000 dân cư Việt Nam. Các linh mục Việt Nam, từ con số 4 vào năm 1668 đã tăng lên 43 vào năm 1700, 119 vào năm 1800, 385 vào năm 1900 và 1.300 vào năm 1954. Ngoài ra còn có chừng 1.931 nhà thờ và 4.071 nhà nguyện, nghĩa là 6.000 họ đạo và mỗi họ đạo đều có một Hội Đồng Quý Chức hay Hội Đồng Chức Việc. Sự thật, người công giáo mới chỉ là 1/10 hay 10% dân số Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã tạo thành một khối dân quan trọng, đồng nhất trong niềm tin, trong hành động và trong cơ cấu tổ chức. Các họ đạo là những đơn vị cơ bản của giáo phận mà năm 1659 mới chỉ có hai, và sau thời bách hại tức năm 1888 có 8, nhưng đến năm 1954 đã lên 15 giáo phận. Hơn thế, năm 1933 là năm tấn phong giám mục tiên khởi Việt Nam, đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng (113). Và năm 1954 có 7 giáo phận đã giao về cho các giám mục Việt Nam. Họa đồ dưới đây cho chúng ta một cái nhìn tổng quát về sự phát triển lịch sử của Giáo Hội Việt Nam từ khởi thủy cho đến năm 1954.

X. Họa đồ phát triển lịch sử của Giáo Hội Việt Nam từ 1659 đến 1954.





LES VICARIATS APOSTOLIQUES DU VIETNAM EN 1953

------------------------------------------

Chú thích

(1) Những tài liệu về thời đầu truyền giáo tại Việt Nam ít được phổ biến. Chúng tôi rút ra từ một bài báo ký tên V.B. với tựa đề “Les premiers missionnaires européens en pays d’Annam et au Cambodge 1533-1633’, trg Annuaire Pontifical Catholique de 1928 tr. 599 và tt. – Xem LÊ THÀNH KHÔI, Le Viêtnam, Histoire et civilisation, I Paris 1955, tr. 288; A. VŨ VĂN ĐÌNH, De Fontibus Juris Particularis Ecclesiastici Missionis Vietnamensis, Roma 1964 tr. 34 chú thích (5).

(2) Theo Ordonnez de Cevallos trg ‘Historia de las Missiones Dominicas en Tungkin’, Avila de Gisbert, 1928, impenta Catolica, Pedro de la Gasca 6, ‘Thánh Tôma Tông Đồ có lẽ đã đích thân đến Bắc Việt và đã hối cải một ông hoàng trở lại… rồi đến thế kỷ XIII, Kitô giáo xâm nhập vào Việt Nam do đoàn quân của Khoubilai Khan… và thế kỷ XIV, dưới triều đại của The-an-Nan (1318-1342) (Chê–a-Nam), cha đáng kính Odorico de Pordenone, dòng Phanxicô, đã viếng thăm Champa: “Cha đã chứng kiến những điều diệu kỳ, như có những đàn cá chạy đến tôn chào đức vua, mười bốn con bạch tượng ăn mặc diễm lệ và một con hải quy kếch sù, to lớn hơn cái chuông của thánh Martin thành Padoue, nhưng không có tôn giáo…” – Xem thêm PHAN PHÁT HUỒN, ‘Việt Nam Giáo Sử’ I, tr. 25; NGUYỄN HỒNG, ‘Lịch Sử Truyền Giáo ở Việt Nam’ I, tr. 17. – GUENNOU J. ‘Vigne Nouvelle aux Missions d’Indochine’ trg SCP FMR I, tr.573.

(3) MGR DEPIERRE ‘Situation du Christianisme en Cochinchine à la fin du XIXe Siècle’, Saigon 1898, tr.6; P. GRANJEAN, ‘Le Statut des Missions en Indochine’, Hà Nội 1941, tr. 24; VŨ VĂN ĐÌNH sd. Tr.34, chú thích (6); GENNOU sd. I, tr. 573-574.

(4) P. GRANJEAN sd. tr.25; GENOU J. sd I, tr. 574

(5) VŨ VĂN ĐINH, sd, tr. 56, chú thích (10)

(6) Mgr DEPIERRE, sd. tr.9

(7) VŨ VĂN ĐÌNH, sd, tr.36 chú thích (11).

(8) VŨ VĂN ĐÌNH, sd. tr. 36, chú thích (12).

(9) Cần lưu ý rằng chúng ta gọi Nam Kỳ (Conchinchine) từ 1600 đến khi quân Pháp chiếm đóng thì không phải là Nam Kỳ mà thủ đô là Sài Gòn, còn Anam mà thủ đô là Huế, thì đúng hơn là Centre-Annam, xem CHAPOULIE R. ‘Aux Origines d’une Eglise’, I, tr. 8: ‘L’origine de la division Tonkin et Cochinchine’.

(10) Xem VŨ VĂN ĐÌNH sd, tr. 37 chú thích (16); CHARMOT CL. ‘Histoire de l’Evangélisation’ trg Sacerdos (1974), ss 155-157, tr. 55-57.

(11) VŨ VĂN ĐÌNH, sd. tr.38 chú thích (19); - GENOU sd, trg. SCPFMR I tr.575-577

(12) VŨ VĂN ĐÌNH sd tr. 38 chú thích (20) – MGR DEPIERRE sd. tr.10

(13) Xem ROMANET DU CAILLOT, ‘Essai sur les Origines du Christianisme au Tonkin et dans les autres Pays Anamites’ tr. 83-144, - PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.24-31; - NGUYỄN HỒNG, sd. I. tr. 29-31.

(14) Năm 1614, Daifusama, hoàng đế nước Nhật ra lệnh trục xuất tất cả các thừa sai và bắt bớ người công giáo. Một nhóm người Nhật công giáo đã chạy qua Hội An (Faifô) và Cửa Hàn (Touranne). Xem NGUYỄN HỒNG sd; I, tr.46

(15) Theo PHAN PHÁT HUỒN, sd I tr.35 chú thích (1), thì các linh mục dòng thánh Aucơtinh đã đến Hội An như là các tuyên úy của thủy quân Bồ Đào Nha vào khoảng năm 1595; - xem BARTOLI, ‘Istoria della Compagnia di Giesu’, IV, tr.184; - NGUYỄN HỒNG, sd. I, tr.63.

(16) RHODES A. ‘Divers Voyages et Missions’ tr. 74; - BARTOLI sd. tr.30.

(17) Xem NGUYỄN HỒNG, sd. I. tr.73-94; - BARTOLI sd. tr. 207-230

(18) NGUYỄN HỒNG sd. I. tr.99-105

(19) Xem NGUYỄN HỒNG, sd. I. tr.105-106

(20) RHODES A. ‘Histoire du Royzume de Tonkin et des grands progrès que la prédications de l’Evangile y a faits en la conversion des infidèles’ tr.292.

(21) BONIFACY ‘Les débuts du Christianisme en Annam’ tr.11.

(22) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.82

(23) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.88

(24) BARTOLI sd. IV. tr. 182

(25) Xem RHODES R. Divers Voyages et Missions… tr.156-157

(26) LAUNAY A. ‘Histoire générale de la Société des Missions Etrangères de Paris’, I, tr.7

(27) NGUYỄN HỒNG sd. I. tr.60

(28) NGUYEN HỒNG sd. I, tr.128

(29) NGUYỄN HỒNG sd. I, tr.138

(30) NGUYỄN HỒNG sd. I, tr.175

(31) NGUYỄN HỒNG sd. I, tr.199

(32) Nhiều tác giả nói rằng: Các linh mục Việt Nam đầu tiên là quý cha Jean Huế, Benoit Hiền. Trong cuốn ‘Việt Nam Giáo Sử’ cha Phan Phát Huồn đưa ra những tư liệu chính xác chứng tỏ ngược lại. Vì thế ở đây chúng ta chấp nhận ý kiến của cha Huồn. Xem PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.136-138

(33) NGUYỄN HỒNG sd. I. tr. 206

(34) BARTOLI sd. IV, tr. 89

(35) Xem BORRI C. ₡Relatione della nuova missione delli PP della Comagnia de Giesu al Regno della Cocincina’ tr.181

(36) NGUYỄN HỒNG sd. I, tr.133-140

(37) NGUYỄN HỒNG sd. I. tr.155.

(38) NGUYỄN HỒNG sd. I. tr. 193-197; - PHAN PHÁT HUỒN sd.I. tr.93

(39) RHODES A. ‘Divers voyages et Missions …’ tr.194

(40) RHODES A. ‘Divers voyages et Missions …’ tr.197

(41) NGUYỄN HỒNG sd. I, tr.199-201

(42) NGUYỄN HỒNG sd. I, tr.180-183

(43) RHODES A. ‘Divers voyages et Missions…’ tr.211

(44) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.114

(45) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.145

(46) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.146

(47) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.154-156

(48) PHAN PHÁT HUỒN sd, I, tr.172-173

(49) PHAN PHÁT HUỒN sd, I, tr.160,180-185

(50) NGUYỄN VĂN QUẾ ‘Histoire des pays de l’Union Indochine’ tr.141; PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.228

(51) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.210

(52) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.342-343

(53) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.343

(54) PHAN PHÁT HUỒn sd. I, tr.354-379;

(55) TRỊNH VIỆT YÊN ‘Máu tử đạo trên đất Việt’ tr.67

(56) CHAPOULIE H. sd. I, tr. 110-113; - LOUVET L. ‘La Cochinchine Religieuse’, I, tr. 254, - VŨ VĂN ĐÌNH sd. tr. 40

(57) CHAPOULIE H. sd. I, tr.144-145 – LAUNAY A. ‘Histoire de la Mission du Tonkin’ I, tr. 24-26; ‘Histoire de la Mission de la Cochinchine’ I, tr.7-9.

(58) RHODES A. ‘Divers voyages et Missions…’ tr. 102 chú thích (1). – MADRAS ‘Catholic directory for 1883: Missions Annamites’ tr. 196-199.

(59) Đức cha FALLU Đại Diện Tông Tòa Bắc Kỳ, bấy giờ bận công việc Giáo Hội tại Âu Châu đã giao quyền giám quản Tông Tòa của ngài cho đức cha Lambert de la Motte. Xem PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr. 448.

(60) CHAPOULIE H. sd I. tr.235-236. - LAUNAY A. ‘Histoire générale de Société des MEP’ L tr. 140-141; - PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.106-107; 134-135.

(61) LAUNAY A. ‘Histoire de la Mission de Cochinchine’ I, tr.107-108; PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.106-107

(62) LOUVET H. sd. I. tr.362 –LAUNAY A. ‘Histoire de la Mission de Cochinchine’ II, tr.149-206.

(63) Xem PERZ L. ‘Los Espanoles en el imperio de Annam’ trg Archive Ibero - Americano XXVII (Madrid 1927) tr.176-195

(64) Trg Regiona de PP Domenicani’ (Roma 1757) tr.14

(65) LAUNAY A. ‘Memorial de la Société des Missions Etrangères de Paris’ 1916, tr.408

(66) Văn khố Bộ Truyền Giáo tr.162-175

(67) Trg ‘Annales de la Prop. De la Foi 29’ (Lyon 1857), tr.63

(68) RHODES A. ‘Relatio ad B.R.E. Cardinales’ (in Annamitica Ecclesia) trg LAUNAY A. Documents historiques relatifs à la Société des M.E.P., Paris 1904, I, tr. 507-508: «… Et certe miser Japonias Ecclesias status, cui nulla nuno humana industria subvenire potest, probe ostendit quam necessarios singulis Ecclesìs pastores qui de sufficientibus sacerdotibus mature providere illis possint, ne postest igniente persecutione, nullum possit adhibent remedium ut in Japonia patet… Ne igitur simile dannum Ecclesiae Anamiticae accedat, opere pretium est ut egregius aliquis est sanctus vir ad hoc divinum opus elegatur… Nullo autem modo id Regis Catholici jurisdictioni officit, tum quis non petuntur proprì eorum locorum episcopi, sed tantum ad alias Ecclesias in partibus pertinentes, qui in praesznti necessitate Christianis illis consultant ne sine sacramentis interis decedant…».

(69) Mgr DEPIERRE sd. tr.10

(70) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.113

(71) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.141-143.

(72) LOUVET H sd.II tr.336: - PHAN PHÁT HUỒN sd I. tr.351

(73) LOUVET H. sd, II. tr.359; - PHAN PHÁT HUỒN sd I tr.353

(74) LOUVET H. sd, II, tr.346; - PHAN PHÁT HUỒN sd I. tr.352

(75) CHAPOULIE sd, I; tr.325-326; - DESTOMBES ‘Le collège général de la Société des MEP’ tr.7 – LAUNAY A. ‘Histoire de Mission de Cochinchine’ I, tr.84-89.

(76) BONIFACY sd. tr. 91

(77) Trg ‘Missionnes Catholicae descriptae 1891’ (Ex typographia polyglotta S.C. de Prop. Fidei, Roma), tr.237

(78) PHAN PHÁT HUỒN sd.I. tr.112

(79) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.121, 167

(80) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.291, 307

(81) NGUYỄN HỒNG sd. I. tr.126-128, 160-163

(82) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.448-461

(83) Năm 1818, nước Pháp đòi vua Gia Long nhượng cửa Touranne và đảo Côn Sơn cho nước Pháp; năm 1856 vua nước Pháp gửi một lá thư cho vua Tự Đức khiển trách là đã giết các thừa sai Pháp. Xem PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.308.

(84) LOUVET H. sd. II, tr.228

(85) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.315

(86) PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.362.

(87) TRẦN TRỌNG KIM ‘Việt Nam sử lược’ tr.525; - LÊ THÀNH KHÔI ‘Le Vietnam’ tr. 376-377. PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.367.

(88) TEYSSEYRE, ‘Un Missionnaire albigeois en Cochinchine’ phần phụ lục, tr. 339-357: Chúng tôi xin đặt công nghị Nam Kỳ (Cochinchine) 1880 vào thời kỳ tái thiết, bởi vì, mặc dầu có sự phân chia lịch sử, các giáo phận của Miền Nam thực tế đã được bình định từ hòa ước1874 ký kết giữa Việt Nam và Pháp.

(89) Xem ‘Acta et Decreta Primae Regionalis Synodi Tunquinensis 1900’, Kẻ Sở, Ex typis Missionis Tunquini Occ. 1905.

(90) Phần lớn các thư chung được tập trung lại, được in ra và phổ biến trong các cuốn: 1) ‘Les lettres pastorales de Mgr Miche et Mgr Colombert, vicaires apostoliques de la Cochinchine Occidentale’, Sàigòn, 1908; 2) ‘Những thư chung của đức cha Chiểu và đức cha Phước đã làm từ 1868-1890’, Kẻ Sở 1890; 3) ‘Thư chung của Bề Trên địa phận Tây Đàng Ngoài từ 1895-1906’, 3 cuốn, Kẻ Sở 1905; 4) ‘Sách thuật lại các thư chung địa phận Tây Đàng Ngoài’, Kẻ Sở 1908; 5) ‘Mười bảy thư chung của ba giám mục địa phận Sàigòn’, 3 cuốn, nhà in Tân Định, 1918; 6) ‘Thư chung địa phận Thanh’, 2 cuốn, Hồng Kông, 1920.

(91) Mgr Colombert: Mùa Chay 1880, 1881, 1883, 1884, 1886, 1901; Mgr Gendreau: Phục Sinh 1889, Mùa Vọng 1890, Mùa Giáng Sinh 1905; Mgr Marcou: Mùa Giáng Sinh 1903, Mùa Chay 1908, 1911.

(92) Mgr Miche, ngày 15.08. 1869; Mgr Colombert: thư chung vào Tháng Đức Bà 1876, Mùa Vọng 1877, Lễ Ba Vua 1882; Mgr F.M. Gendreau: Mùa Giáng Sinh 1899, 1908

(93) Mgr Miche: các thư ra ngày 15.08.1869, Mgr Colombert, thư ra ngày 01.01.1881, Mùa Chay 1882, 1900; Mgr Theurel, thư ra ngày 27.08.1868; Mgr Pigunier thư ra 27.02.1869; Mgr P.M. Gendreau thư ra ngày 21.11.1850, ngày 08.02.1899, Mùa Chay 1911; Mgr Marcou thư ra ngày 02.03.1888, ra ngày 08.09.1908, Mùa Chay 1911, 1916, 1917.

(94) Mgr P.M. Gendreau: Các thư ra ngày 01.01.1847, 07.09.1894, 08.09.1903, 09.11.1903; Mgr Marcou các thư ra Giáng Sinh 1902, 08.09.1908, Mùa Chay 1914.

(95) Thư viết cho M. Alary, trg LAUNAY A. ‘Histoire de la Mission de Cochinchine’ III., tr.221.

(96) Mgr DEPIERRE sd. tr.34.

(97) Trưng dẫn trong PHAN PHÁT HUỒN sd. I. tr.345

(98) Khoản 17, ch.II, trg TEYSEYRE, sd. tr.345

(99) Trg ‘Missiones Catholicae descriptae 1907’, tr.258

(100) Mgr DEPIERRE sd. Tr.36

(101) Trg ‘Missiones catholicae descriptae 1907’ tr.234

(102) Các khoản 18-37, ch. III, trg TTEYSEYRE sd. tr.345-349

(103) Tiết I, ch.V, tr.51-54

(104) Khoản 50 ch.III, trg TEYSEYRE sd. tr.352

(105) Tiết IV ch. VIII, tr.121-124

(106) Tiết IV ch.IX tr.138-140

(107) Trg ‘Missiones catholicae descriptae 1927’ (Roma 1930) tr.116

(108) PHAN PHÁT HUỒN sd. II, tr.241-365

(109) Tòa Khâm Sứ Tòa Thánh chuyển vào Sàigòn năm 1557 và đóng cửa năm 1976.

(110) PHAN PHÁT HUỒN sd. I, tr.113; GUENOU J. ‘Les Missions d’Indochine au 18e siècle’, trg SCPFMR cuốn II, tr.979-980

(110’) VŨ VĂN ĐÌNH sd. Tr.51

(111) Xem PCI, tr.115 chú thích (1)

(112) Những con số lấy lại hoặc từ ‘L’Annuaire Pontifical 1953’, hoặc từ ‘La Mission en Indochine 1939’ hoặc từ ‘Việt Nam Công Giáo Niên Giám 1964 (Sàigòn), hoặc nữa từ báo MISSI số đặc biệt về Việt Nam (01968) s.319 tr.114-115.

(113) Đức cha Gioan Baotixita Nguyễn Bá Tòng sinh ngày 07.08.1860, tại Gò Công, địa phận Sàigòn. Ngài theo học trường các Sư Huynh Lasan tại Mỹ Tho và Sàigòn, rồi vào chủng viện Sàigòn, và chịu chức linh mục ngày 19.09.1898. Trong nhiều năm, ngài làm thư ký của tòa giám mục, nhưng vì lý do sức khoẻ, ngài phải xin đi coi xứ ở Bà Rịa. Mười năm sau, ngài được bổ nhiệm làm cha sở họ Tân Định. Sau bảy năm, ngày 10.01.1933, ngài được Tòa Thánh bổ nhiệm làm giám mục phó cho đức cha Marcou, giáo phận Phát Diệm. Ngài được chính đức giáo hoàng Piô XI tấn phong tại đền thờ Thánh Phêrô ngày 11.06.1933. Ngày 20.10.1935, đức cha Marcou từ chức và đức cha Nguyễn Bá Tòng chính thức coi sóc địa phận Phát Diệm. Ngài từ trần năm 1950. Xem PHAN PHÁT HUỒN sd. II, tr.249-251.