LỄ CHÚA GIÁNG SINH, lễ đêm 24/12

Lc 2, 1-14

Ngày nay hầu hết các nơi trên thế giới dù có đạo hay không, một cách nào đó người ta đều mừng lễ Giáng Sinh. Có thể nói Giáng Sinh đã trở thành ngày lễ Quốc Tế. Người Kitô hữu hay người không tin đều vui Giáng Sinh, nhưng không phải tất cả mọi người mừng vui Giáng Sinh đều gặp được Đấng Cứu Thế: Giêsu.

Đọc Tin Mừng của thánh Luca 2,1-14 chúng ta nhận thấy rõ ràng điều này. Thánh sử Luca thuật lại đêm đầu tiên Con Thiên Chúa làm người, những chi tiết như sự xuất hiện của thiên sứ Gabrien, tiếng hát của muôn cơ binh thiên thần ca ngợi Đấng Cứu Độ Giêsu “ Vinh danh Thiên Chúa trên trời. Bình an dưới thế cho người thiện tâm “, đêm Giáng Sinh của Chúa Giêsu vẫn là một đêm thật bình lặng, một đêm êm ả như mọi đêm. Tuy nhiên sự xôn xao, náo động, rộn ràng không phải do Chúa Giêsu được sinh ra mà lại là lệnh kiểm tra dân số của Hoàng Đế Augustô buộc mọi người đang tạm trú, cư trú ở nơi khác phải trở về quê quán của mình để khai lại tên tuổi. Hài Đồng Giêsu được Mẹ Maria đản sinh, đặt trong máng cỏ đơn hèn có gì làm người khác phải chộn rộn, xôn xao ? Vâng, ngay các mục đồng, những trẻ chăn chiên ở trong vùng quê nơi những cánh đồng hoang vu nếu không có lời loan báo của các sứ thần, có lẽ họ cũng chẳng làm sao nhận ra được Hài Đồng Giêsu là Đấng Cứu Thế.

Đêm nay, chúng ta hướng về Bêlem với đức tin sống động. Hướng về Bêlem không phải bằng óc tưởng tượng phong phú, nhưng bằng chính con mắt đức tin để thấy Đấng Cứu Thế Giêsu, một trẻ sơ sinh đang nằm trong máng cỏ. Đây là Tin Mừng trọng đại. Một Tin Mừng được loan báo trước tiên cho những kẻ thấp cổ bé họng, những kẻ thấp hèn, những trẻ chăn dê, chăn cừu. Và đây cũng là dấu hiệu và thái độ của Chúa Giêsu loan báo trước cho sứ mạng loan báo Tin Mừng cứu độ của Ngài sau này.

Lễ Giáng Sinh đích thực là lễ của tình yêu. Bởi vì Chúa Giêsu là Tình Yêu như thánh Gioan đã định nghĩa. Chúa Giêsu là quà tặng vô giá Thiên Chúa đã trao ban cho nhân loại: ” Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi sai Con Một Ngài đến thế gian “. Đây là Tin Mừng vĩ đại và là một Mầu Nhiệm của lòng tin. Chúa Giêsu đến trần gian xua tan bóng tối tăm, chiếu ân sủng của Ngài cho nhân loại. Nên, những kẻ gặp được Ngài chỉ có thể là những kẻ khó nghèo, đơn sơ và khiêm nhượng. “ Lạy Cha là Chúa trời đất, Cha đã không mạc khải cho những kẻ thông thái mà đã mạc khải cho những kẻ khó nghèo, bé mọn “. Đó là điều kỳ diệu, nhưng đó cũng là Mầu Nhiệm của Tình Thương và là Mầu Nhiệm của lòng tin. Nếu Chúa Giêsu đã sinh ra trong một lầu đài hay trong một vương quốc sang trọng giầu có, đầy uy nghi và đầy vẻ bề thế hoành tráng sang trọng thì chắc chắn đêm Giáng Sinh đã diễn ra cách khác: “Không có máng cỏ khó nghèo, đơn sơ và lại thiếu cả bóng Thập Giá nữa…”.

Vâng, máng cỏ nghèo hèn lại là sự chọn lựa của Con Thiên Chúa xuống thế làm người và thấp thoáng sau máng cỏ đơn sơ lại là cây Thập Giá cứu độ. Do đó, Máng cỏ và Thập giá lại là một sự gắn kết không thể tách rời, đồng thời là sự chọn lựa duy nhất của Chúa Giêsu giáng thế.

Lễ Giáng Sinh là quà tặng vô giá của Thiên Chúa trao ban cho nhân loại, trao ban cho con người. Chúa Giêsu Con Thiên Chúa làm người đã đem lại cho thế giới, cho nhân loại, cho con người một Tin Mừng lớn lao: “ Thiên Chúa chính là Cha của chúng ta “. Và chúng ta là anh chị em với nhau.

Lễ Giáng Sinh mời gọi thế giới, mời gọi con người hãy trở về với máng cỏ nghĩa là hãy quan tâm tới những người nghèo như Tin Mừng Giáng Sinh được loan báo đầu tiên cho những người nghèo. Chính những trẻ nghèo, vô học, cùng cực đã gặp được Chúa Giêsu. Điều này đưa chúng ta đi đến thách đố của Mầu Nhiệm Giáng Sinh. Thách đố này được một thi sĩ vô danh nào đó diễn tả cách rất tinh tế như sau:

Khi bài ca của các thiên thần ngừng bặt,

khi ngôi sao trên bầu trời đã đi khỏi,

khi các vua chúa và hoàng tử đã ở nhà,

khi các mục đồng và các đàn súc vật trở về,

thì công việc Giáng Sinh mới bắt đầu:

“để tìm lại những gì đã mất,

để hàn gắn những gì đã gẫy,

để người đói được ăn no,

để tù nhân được giải phóng,

để các nước xây dựng lại,

để đem lại hòa bình đến với mọi người,

để hòa nhạc bằng trái tim
”.