Bài Giảng Trong Thánh Lễ Bế Mạc Hội Ngộ Linh Mục Tại Vĩnh Trị
(Ngày 03/06/2010)
Kính thưa toàn thể cộng đoàn Dân Chúa,
Hôm nay tất cả chúng ta vui mừng phấn khởi vì được nhìn thấy con số đông đảo các linh mục về Vĩnh Trị để bế mạc những ngày Hội ngộ linh mục toàn giáo tỉnh Hà Nội, bằng cuộc hành hương hưởng ứng Năm Linh Mục của Giáo hội toàn cầu và Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam. Sở dĩ hành hương đến đây, vì Vĩnh Trị là nơi có chủng viện đầu tiên đào tạo các linh mục trên đất Bắc Việt. Chủng viện tiên khởi này lại đã có một vị giám đốc, là gương mẫu Linh Mục điển hình của Giáo Hội Việt Nam đó là Cha Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh. Ngài đã đào tạo các linh mục tương lai không những bằng lời giảng dạy, mà còn bằng gương sáng trọn đời trung tín với sứ vụ linh mục, cho tới đỉnh điểm là cái chết tử đạo, thực hiện từng chữ lý tưởng Tư tế của Tân Ước “Sacerdos et Victima : vừa là Thầy tế lễ vừa là Lễ vật hiến tế”. Về nơi đây để nhìn ngắm những hiện vật và suy niệm những bút tích ngài để lại, thật xứng đáng là bài học sống động cuối cùng cho cuộc hội ngộ linh mục của chúng ta.
Trong tinh thần cử hành Năm Thánh 2010, theo chủ đề Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, ta hãy cùng nhau suy niệm Lời Chúa và nhìn vào gương sống của vị Thánh tiền nhân để rút ra bài học cho linh mục hôm nay.
Như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a tự sự trong Bài đọc I ta vừa nghe, Phao-lô Lê Bảo Tịnh cũng được ơn Chúa kêu gọi từ thuở ấu thơ. Nhận thấy mình trí khôn bình thường, nên để đáp lại hồng ân Chúa, Phao-lô rất chăm chỉ học tập, ham mê đọc sách rất nhiều, nhất là chịu khó luyện tập nhân đức, ham sống thinh lặng cầu nguyện. Sau này Phao-lô đã trở thành “linh mục thánh thiện khôn ngoan nhất trong số các cha thời ấy” như lời Đức Cha Retord (Liêu) địa phận Tây đàng ngoài nhận định (“Sách Truyện các Thánh Tử đạo VN”, Đ.H.Y Giu-se M. Trịnh Văn Căn, Hà Nội 1990, tập II tr. 165).
Dầu đã trải qua nhiều năm sống tù đầy vì đạo và có tiếng là khôn ngoan thánh thiện như vậy, nhưng khi được gọi chịu chức thầy Phao-lô đã nài xin Đức cha tha cho (Sdd tr.147), vì thầy ý thức rất rõ về tính mầu nhiệm thánh thiêng của thiên chức linh mục và thấy mình bất xứng. Thánh Gio-an Ma-ri-a Vianney nói: “Ôi cao quý thay Thánh chức Linh mục. Linh mục sẽ không thể hiểu được Thánh chức của mình cho đến khi lên thiên đàng. Nếu linh mục có thể hiểu được khi ở thế gian, ngài sẽ chết mất; không phải vì sợ hãi, nhưng chết vì tình yêu” (Bài giảng về chức Linh mục của Thánh G.M. Vianney).
Một khi phải vâng lời bề trên chịu chức linh mục, cha Phao-lô Tịnh luôn thể hiện ý thức về tính chất mầu nhiệm của tác vụ linh mục, để sống xứng với chức thánh. Vì thế ưu tiên số một trong ngày sống của ngài là các việc thiêng liêng. Hằng ngày ngài trung thành dậy sớm nguyện ngắm và suy niệm Lời Chúa. Trước khi đi ngủ, ngài nguyện ngắm lần nữa, và thỉnh thoảng ngài cũng dậy ban đêm mà cầu nguyện (Sdd tr.149). Ngài ý thức rằng cầu nguyện là nguồn ơn sức nhiệm mầu cho tất cả hoạt động mục vụ trong ngày, theo gương Chúa Giê-su sáng sớm đi vào nơi thanh vắng cầu nguyện để tiếp sức cho công việc giảng dạy suốt ngày (Mc 1, 35).
Ngài khuyên dạy các chủng sinh những chi tiết hết sức thực tế mà ngài đã kinh nghiệm khi cử hànhThánh lễ: “Sau này, có ai trong chúng con được bước lên bàn thánh, thì phải làm lễ thật sốt sắng, phải nhịn những chú giúp lễ vì ai cũng có những lúc thiếu sót, lại phải cầm trí mà đọc vào sách lễ cẩn thận, đừng lắp bắp đọc thuộc lòng là điều không xứng đáng, vì Thiên Chúa ban cho ta có hai mắt thì phải dùng mà cầu nguyện tôn vinh Chúa. Khi trời nóng nảy, đừng ai làm lễ vội vàng, sợ rằng bổn đạo tưởng lầm là cụ vội vã cho xong để về nghỉ ngơi uống chén nước trà” (Sdd tr. 150).
Ngài xác tín tất cả những việc mục vụ khác của người tông đồ đều phát sinh hiệu quả từ đời sống cầu nguyện. Ngài nhắc bảo các thày giảng rằng: “Người ta được ơn trở lại phần nhiều là vì nhờ lời cầu nguyện, chẳng phải vì lời giảng dạy. Cho nên dù khi chúng con đã đi giảng đạo thì cũng phải chăm chỉ đọc kinh cầu nguyện xin Chúa soi sáng mở lòng cho kẻ có tội và kẻ chưa biết Chúa được ăn năn trở lại. Phải có ơn Chúa giúp thì những người ấy nghe lời chúng con giảng giải mới động lòng muốn tìm đến với Chúa” (Sdd tr. 151). Phải chăng đó là bài học thiết thực “vị Thánh Linh mục Gio-an M. Vianney Việt Nam” dạy bảo các linh mục chúng ta theo gương ngài sống chiều sâu mầu nhiệm trong cuộc đời mục vụ; lội ngược dòng với trào lưu thực dụng thời buổi hiện đại quá quen với hoạt động ồn ào bên ngoài, có khuynh hướng ngoại giới hóa cả những sự mầu nhiệm thánh thiêng nhất trong đạo.
Trong đoạn trích thư gửi giáo đoàn E-phê-sô công bố trong Bài đọc II, Thánh Phao-lô Tông đồ khuyên nhủ các tín hữu “hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần”; mỗi người hãy lo “chu toàn chức vụ của mình, xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho tới khi mọi người chúng ta hợp nhất trong Đức Tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa”. Để sống chiều kích hiệp thông Giáo Hội đó, Thánh Tông đồ dạy mỗi người phải “hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái”, nhìn nhận chỉ có một Thân thể duy nhất mà mỗi cá nhân là một chi thể được Đức Ki-tô là Đầu ban cho thi hành một chức năng phục vụ cho toàn thân. Do đó mỗi phần mình phải liên kết chặt chẽ với Đầu, từ đó mới có thể liên kết chặt chẽ với nhau.
Cha Thánh Phao-lô Tịnh đã sống mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô đặc biệt trong Thánh lễ mỗi ngày. Ngài kết hợp với sự thương khó Đức Ki-tô dâng mình làm của lễ hy sinh và hằng trông mong được phúc tử đạo. Ngài còn sống mối dây kết hợp với Đức Ki-tô cụ thể bằng sự vâng lời bề trên đại diện Chúa. Ngài dạy chủng sinh “phải thực lòng cung kính vâng phục các đấng bề trên. Dù khi có lẽ mà nghĩ rằng các đấng bề trên nhầm chăng, thì cũng phải vâng phục, đừng cãi lại; có cần thưa lại điều gì, hãy đợi cho xong lúc ấy mới nên thưa”(Sdd tr. 153). Ngài đã làm gương vâng phục, đã bỏ ý thích riêng muốn đi tu rừng để theo ý Đức Cha về phục vụ tại chủng viện, đã vâng lời liều mạng đảm nhận các việc rất hiểm nguy trong thời sự đạo bị cấm ngặt.
Ngài cũng luôn quan tâm tới sự hiệp thông với cộng đoàn Ki-tô và tạo mối liên hệ tốt với xã hội dân sự, ngay cả trong hoàn cảnh lưu đầy tù ngục. Khi bị bắt lần thứ nhất và bị kết án đi đầy ở Đàng Trong, Thầy Tịnh đã chữa bệnh làm phúc cho một số vị quan quyền đang hành quyền bắt đạo. Thầy đã cảm hóa được họ sau này đối xử nhân đạo hơn với người Ki-tô hữu (Sdd tr.146). Khi bị bắt lần thứ hai, bị nhốt trong lao tù cực khổ, Cha Tịnh vẫn tích cực tạo mối hiệp thông Ki-tô hữu, thăm hỏi động viên các bổn đạo trong tù vững lòng xưng đạo ra, giúp đỡ những bạn tù thiếu thốn hơn mình. Nhất là ngài đã viết những lá thư trong tù đầy tâm huyết nối kết mối hiệp thông với các học trò của ngài ở chủng viện Vĩnh Trị (Sdd tr. 160).
Ngày nay tình liên đới nhân loại đang bị xâu xé bởi lối sống ích kỷ cá nhân, bởi thành kiến độc đoán, bởi bè phái, bởi kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Đối lại, theo gương Cha Thánh Phao-lô, hàng linh mục chúng ta quan tâm xây dựng hình ảnh một gia đình Giáo Hội hiệp thông, bằng sự vâng phục hiếu thảo với Đức Thánh Cha và các Đức giám mục. Đồng thời người Ki-tô hữu mở rộng quan hệ tốt đẹp với hết mọi thành phần dân tộc, để mở đường thuận lợi cho Tin Mừng thấm nhập môi trường văn hóa xã hội trên quê hương đất nước.
Bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an nhắc đến nguồn gốc sứ vụ của Giáo Hội: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”(Ga 15, 16). Chính Chúa Ki-tô đã tuyển chọn các Tông đồ, và sẽ tiếp tục tuyển chọn những người kế vị Tông đồ trong Giáo Hội, như Thiên Chúa đã tuyển chọn các ngôn sứ trong thời Cựu Ước, để trao cho một sứ vụ phải hoàn thành. Sứ vụ đó thường vượt quá sức con người tự nhiên và làm cho các ông khiếp sợ. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong Bài đọc I là một thí dụ. Nhưng nếu các ông khiêm tốn cậy trông vào ơn Chúa trợ giúp, và thi hành sứ mệnh với niềm xác tín, sẵn sàng đương đầu với mọi thách đố kể cả hy sinh tính mạng, Chúa sẽ cho các ông sẽ đạt được kết quả và hoàn thành xuất sắc sứ vụ được trao.
Thánh Phao-lô Tịnh khi còn ở bậc thày giảng đã dấn thân vào sứ vụ truyền giáo không những cho đồng bào quê hương mà còn vượt rừng thiêng nước độc sang cả đất nước Lào láng giềng (Sdd tr.140). Khi làm linh mục ngài nêu gương tận tâm thi hành sứ vụ tư tế trong việc chu toàn bổn phận thánh hóa đoàn chiên, chuyên cần soạn giảng, chịu khó ngồi tòa giải tội (Sdd tr. 154). Khi gặp hoàn cảnh gian nan cấm cách, ngài vẫn can đảm thi hành sứ vụ rao giảng. Bị bắt vì đạo lần thứ nhất, ngài mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin, lại còn thừa dịp phải ra công đường để giải nghĩa lẽ đạo cho quan quyền (Sdd tr. 143 ), khi bị giam trong ngục thì tích cực truyền giảng cho các bạn tù (Sdd tr. 145). Ngài bị bắt lần thứ hai là do ngài ý thức sứ vụ mục tử, trách nhiệm bảo vệ chủng viện, nên ra mắt quan quân để lựa lời xin cho nhà chung đỡ bị phá phách tệ hại (Sdd tr. 156). Ngài sẵn sàng nộp mình chịu tử đạo để thi hành sứ vụ hy sinh cứu chuộc kết hợp với lễ hy sinh của Đức Ki-tô trên Thánh giá. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Trước khi chịu chém ngài còn giảng đạo cho công chúng lần cuối (Sdd tr. 162).
Anh em linh mục quý mến,
Trong Năm Thánh 2010 này, chúng ta hành hương về Vĩnh Trị này như trở về cội nguồn, để cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam nhìn về lịch sử sống đạo trong quá khứ, mà dâng lời cảm tạ Chúa vì những gương anh hùng tiền nhân để lại, cách riêng các vị mục tử trong đó có Cha Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh. Đối chiếu những gương sáng đó với tình trạng hiện tại của hàng ngũ mục tử, mỗi linh mục chúng ta rút ra những bài học áp dụng cho tương lai từ đây về sau.
Là Ki-tô hữu chúng ta cùng điều chỉnh lại sống sâu đậm tinh thần mầu nhiệm hiệp thông với mọi tín hữu trong Giáo Hội tại Việt Nam; nhưng là Linh mục, chúng ta phải lấy sứ vụ mục tử là mục đích của đời mình. Thánh Âu-tinh đã nêu lên nguyên tắc trong câu nói bất hủ: “Cùng với anh chị em tôi là tín hữu Chúa Ki-tô, nhưng để phục vụ anh chị em tôi là giám mục”. Sở dĩ chúng ta được Chúa tuyển chọn làm linh mục là để hết mình phục vụ anh chị em trong sứ vụ mục tử. Tất cả cuộc đời linh mục là để cống hiến cho chương trình mục vụ. Cầu nguyện cho mục vụ, cử hành phụng vụ bí tích vì mục vụ, học tập cho mục vụ, rèn luyện sức khỏe để làm mục vụ, giao tế xã hội nhắm lợi ích mục vụ, sinh hoạt thường ngày cũng theo kế hoạch mục vụ: ăn mục vụ, uống mục vụ, ngủ mục vụ, chơi mục vụ, thăm viếng mục vụ…nhất cử nhất động đều vì mục vụ. Và cuối cùng đến cả cái chết của linh mục cũng mang đầy ý nghĩa mục vụ, như lời Thánh Phao-lô Tông đồ nói: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa”(Rm 14, 7).
Hạnh phúc thay cuộc đời linh mục được kết thúc bằng cái chết tử đạo trong chương trình sứ vụ hy sinh cứu chuộc như Cha Thánh Phao-lô Lê bảo Tịnh. A-men.
(Ngày 03/06/2010)
Kính thưa toàn thể cộng đoàn Dân Chúa,
Hôm nay tất cả chúng ta vui mừng phấn khởi vì được nhìn thấy con số đông đảo các linh mục về Vĩnh Trị để bế mạc những ngày Hội ngộ linh mục toàn giáo tỉnh Hà Nội, bằng cuộc hành hương hưởng ứng Năm Linh Mục của Giáo hội toàn cầu và Năm Thánh 2010 của Giáo hội Việt Nam. Sở dĩ hành hương đến đây, vì Vĩnh Trị là nơi có chủng viện đầu tiên đào tạo các linh mục trên đất Bắc Việt. Chủng viện tiên khởi này lại đã có một vị giám đốc, là gương mẫu Linh Mục điển hình của Giáo Hội Việt Nam đó là Cha Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh. Ngài đã đào tạo các linh mục tương lai không những bằng lời giảng dạy, mà còn bằng gương sáng trọn đời trung tín với sứ vụ linh mục, cho tới đỉnh điểm là cái chết tử đạo, thực hiện từng chữ lý tưởng Tư tế của Tân Ước “Sacerdos et Victima : vừa là Thầy tế lễ vừa là Lễ vật hiến tế”. Về nơi đây để nhìn ngắm những hiện vật và suy niệm những bút tích ngài để lại, thật xứng đáng là bài học sống động cuối cùng cho cuộc hội ngộ linh mục của chúng ta.
Trong tinh thần cử hành Năm Thánh 2010, theo chủ đề Giáo Hội tại Việt Nam: Mầu Nhiệm – Hiệp Thông – Sứ Vụ, ta hãy cùng nhau suy niệm Lời Chúa và nhìn vào gương sống của vị Thánh tiền nhân để rút ra bài học cho linh mục hôm nay.
Như lời ngôn sứ Giê-rê-mi-a tự sự trong Bài đọc I ta vừa nghe, Phao-lô Lê Bảo Tịnh cũng được ơn Chúa kêu gọi từ thuở ấu thơ. Nhận thấy mình trí khôn bình thường, nên để đáp lại hồng ân Chúa, Phao-lô rất chăm chỉ học tập, ham mê đọc sách rất nhiều, nhất là chịu khó luyện tập nhân đức, ham sống thinh lặng cầu nguyện. Sau này Phao-lô đã trở thành “linh mục thánh thiện khôn ngoan nhất trong số các cha thời ấy” như lời Đức Cha Retord (Liêu) địa phận Tây đàng ngoài nhận định (“Sách Truyện các Thánh Tử đạo VN”, Đ.H.Y Giu-se M. Trịnh Văn Căn, Hà Nội 1990, tập II tr. 165).
Dầu đã trải qua nhiều năm sống tù đầy vì đạo và có tiếng là khôn ngoan thánh thiện như vậy, nhưng khi được gọi chịu chức thầy Phao-lô đã nài xin Đức cha tha cho (Sdd tr.147), vì thầy ý thức rất rõ về tính mầu nhiệm thánh thiêng của thiên chức linh mục và thấy mình bất xứng. Thánh Gio-an Ma-ri-a Vianney nói: “Ôi cao quý thay Thánh chức Linh mục. Linh mục sẽ không thể hiểu được Thánh chức của mình cho đến khi lên thiên đàng. Nếu linh mục có thể hiểu được khi ở thế gian, ngài sẽ chết mất; không phải vì sợ hãi, nhưng chết vì tình yêu” (Bài giảng về chức Linh mục của Thánh G.M. Vianney).
Một khi phải vâng lời bề trên chịu chức linh mục, cha Phao-lô Tịnh luôn thể hiện ý thức về tính chất mầu nhiệm của tác vụ linh mục, để sống xứng với chức thánh. Vì thế ưu tiên số một trong ngày sống của ngài là các việc thiêng liêng. Hằng ngày ngài trung thành dậy sớm nguyện ngắm và suy niệm Lời Chúa. Trước khi đi ngủ, ngài nguyện ngắm lần nữa, và thỉnh thoảng ngài cũng dậy ban đêm mà cầu nguyện (Sdd tr.149). Ngài ý thức rằng cầu nguyện là nguồn ơn sức nhiệm mầu cho tất cả hoạt động mục vụ trong ngày, theo gương Chúa Giê-su sáng sớm đi vào nơi thanh vắng cầu nguyện để tiếp sức cho công việc giảng dạy suốt ngày (Mc 1, 35).
Ngài khuyên dạy các chủng sinh những chi tiết hết sức thực tế mà ngài đã kinh nghiệm khi cử hànhThánh lễ: “Sau này, có ai trong chúng con được bước lên bàn thánh, thì phải làm lễ thật sốt sắng, phải nhịn những chú giúp lễ vì ai cũng có những lúc thiếu sót, lại phải cầm trí mà đọc vào sách lễ cẩn thận, đừng lắp bắp đọc thuộc lòng là điều không xứng đáng, vì Thiên Chúa ban cho ta có hai mắt thì phải dùng mà cầu nguyện tôn vinh Chúa. Khi trời nóng nảy, đừng ai làm lễ vội vàng, sợ rằng bổn đạo tưởng lầm là cụ vội vã cho xong để về nghỉ ngơi uống chén nước trà” (Sdd tr. 150).
Ngài xác tín tất cả những việc mục vụ khác của người tông đồ đều phát sinh hiệu quả từ đời sống cầu nguyện. Ngài nhắc bảo các thày giảng rằng: “Người ta được ơn trở lại phần nhiều là vì nhờ lời cầu nguyện, chẳng phải vì lời giảng dạy. Cho nên dù khi chúng con đã đi giảng đạo thì cũng phải chăm chỉ đọc kinh cầu nguyện xin Chúa soi sáng mở lòng cho kẻ có tội và kẻ chưa biết Chúa được ăn năn trở lại. Phải có ơn Chúa giúp thì những người ấy nghe lời chúng con giảng giải mới động lòng muốn tìm đến với Chúa” (Sdd tr. 151). Phải chăng đó là bài học thiết thực “vị Thánh Linh mục Gio-an M. Vianney Việt Nam” dạy bảo các linh mục chúng ta theo gương ngài sống chiều sâu mầu nhiệm trong cuộc đời mục vụ; lội ngược dòng với trào lưu thực dụng thời buổi hiện đại quá quen với hoạt động ồn ào bên ngoài, có khuynh hướng ngoại giới hóa cả những sự mầu nhiệm thánh thiêng nhất trong đạo.
Trong đoạn trích thư gửi giáo đoàn E-phê-sô công bố trong Bài đọc II, Thánh Phao-lô Tông đồ khuyên nhủ các tín hữu “hãy lo bảo vệ sự hợp nhất tinh thần”; mỗi người hãy lo “chu toàn chức vụ của mình, xây dựng thân thể Đức Ki-tô, cho tới khi mọi người chúng ta hợp nhất trong Đức Tin và trong sự nhận biết Con Thiên Chúa”. Để sống chiều kích hiệp thông Giáo Hội đó, Thánh Tông đồ dạy mỗi người phải “hết lòng khiêm nhượng, hiền hậu, nhẫn nại, chịu đựng nhau trong đức ái”, nhìn nhận chỉ có một Thân thể duy nhất mà mỗi cá nhân là một chi thể được Đức Ki-tô là Đầu ban cho thi hành một chức năng phục vụ cho toàn thân. Do đó mỗi phần mình phải liên kết chặt chẽ với Đầu, từ đó mới có thể liên kết chặt chẽ với nhau.
Cha Thánh Phao-lô Tịnh đã sống mối dây hiệp thông với Đức Ki-tô đặc biệt trong Thánh lễ mỗi ngày. Ngài kết hợp với sự thương khó Đức Ki-tô dâng mình làm của lễ hy sinh và hằng trông mong được phúc tử đạo. Ngài còn sống mối dây kết hợp với Đức Ki-tô cụ thể bằng sự vâng lời bề trên đại diện Chúa. Ngài dạy chủng sinh “phải thực lòng cung kính vâng phục các đấng bề trên. Dù khi có lẽ mà nghĩ rằng các đấng bề trên nhầm chăng, thì cũng phải vâng phục, đừng cãi lại; có cần thưa lại điều gì, hãy đợi cho xong lúc ấy mới nên thưa”(Sdd tr. 153). Ngài đã làm gương vâng phục, đã bỏ ý thích riêng muốn đi tu rừng để theo ý Đức Cha về phục vụ tại chủng viện, đã vâng lời liều mạng đảm nhận các việc rất hiểm nguy trong thời sự đạo bị cấm ngặt.
Ngài cũng luôn quan tâm tới sự hiệp thông với cộng đoàn Ki-tô và tạo mối liên hệ tốt với xã hội dân sự, ngay cả trong hoàn cảnh lưu đầy tù ngục. Khi bị bắt lần thứ nhất và bị kết án đi đầy ở Đàng Trong, Thầy Tịnh đã chữa bệnh làm phúc cho một số vị quan quyền đang hành quyền bắt đạo. Thầy đã cảm hóa được họ sau này đối xử nhân đạo hơn với người Ki-tô hữu (Sdd tr.146). Khi bị bắt lần thứ hai, bị nhốt trong lao tù cực khổ, Cha Tịnh vẫn tích cực tạo mối hiệp thông Ki-tô hữu, thăm hỏi động viên các bổn đạo trong tù vững lòng xưng đạo ra, giúp đỡ những bạn tù thiếu thốn hơn mình. Nhất là ngài đã viết những lá thư trong tù đầy tâm huyết nối kết mối hiệp thông với các học trò của ngài ở chủng viện Vĩnh Trị (Sdd tr. 160).
Ngày nay tình liên đới nhân loại đang bị xâu xé bởi lối sống ích kỷ cá nhân, bởi thành kiến độc đoán, bởi bè phái, bởi kỳ thị chủng tộc và tôn giáo. Đối lại, theo gương Cha Thánh Phao-lô, hàng linh mục chúng ta quan tâm xây dựng hình ảnh một gia đình Giáo Hội hiệp thông, bằng sự vâng phục hiếu thảo với Đức Thánh Cha và các Đức giám mục. Đồng thời người Ki-tô hữu mở rộng quan hệ tốt đẹp với hết mọi thành phần dân tộc, để mở đường thuận lợi cho Tin Mừng thấm nhập môi trường văn hóa xã hội trên quê hương đất nước.
Bài Tin Mừng theo Thánh Gio-an nhắc đến nguồn gốc sứ vụ của Giáo Hội: “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại”(Ga 15, 16). Chính Chúa Ki-tô đã tuyển chọn các Tông đồ, và sẽ tiếp tục tuyển chọn những người kế vị Tông đồ trong Giáo Hội, như Thiên Chúa đã tuyển chọn các ngôn sứ trong thời Cựu Ước, để trao cho một sứ vụ phải hoàn thành. Sứ vụ đó thường vượt quá sức con người tự nhiên và làm cho các ông khiếp sợ. Ngôn sứ Giê-rê-mi-a trong Bài đọc I là một thí dụ. Nhưng nếu các ông khiêm tốn cậy trông vào ơn Chúa trợ giúp, và thi hành sứ mệnh với niềm xác tín, sẵn sàng đương đầu với mọi thách đố kể cả hy sinh tính mạng, Chúa sẽ cho các ông sẽ đạt được kết quả và hoàn thành xuất sắc sứ vụ được trao.
Thánh Phao-lô Tịnh khi còn ở bậc thày giảng đã dấn thân vào sứ vụ truyền giáo không những cho đồng bào quê hương mà còn vượt rừng thiêng nước độc sang cả đất nước Lào láng giềng (Sdd tr.140). Khi làm linh mục ngài nêu gương tận tâm thi hành sứ vụ tư tế trong việc chu toàn bổn phận thánh hóa đoàn chiên, chuyên cần soạn giảng, chịu khó ngồi tòa giải tội (Sdd tr. 154). Khi gặp hoàn cảnh gian nan cấm cách, ngài vẫn can đảm thi hành sứ vụ rao giảng. Bị bắt vì đạo lần thứ nhất, ngài mạnh dạn tuyên xưng Đức Tin, lại còn thừa dịp phải ra công đường để giải nghĩa lẽ đạo cho quan quyền (Sdd tr. 143 ), khi bị giam trong ngục thì tích cực truyền giảng cho các bạn tù (Sdd tr. 145). Ngài bị bắt lần thứ hai là do ngài ý thức sứ vụ mục tử, trách nhiệm bảo vệ chủng viện, nên ra mắt quan quân để lựa lời xin cho nhà chung đỡ bị phá phách tệ hại (Sdd tr. 156). Ngài sẵn sàng nộp mình chịu tử đạo để thi hành sứ vụ hy sinh cứu chuộc kết hợp với lễ hy sinh của Đức Ki-tô trên Thánh giá. “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Trước khi chịu chém ngài còn giảng đạo cho công chúng lần cuối (Sdd tr. 162).
Anh em linh mục quý mến,
Trong Năm Thánh 2010 này, chúng ta hành hương về Vĩnh Trị này như trở về cội nguồn, để cùng với toàn thể Giáo Hội Việt Nam nhìn về lịch sử sống đạo trong quá khứ, mà dâng lời cảm tạ Chúa vì những gương anh hùng tiền nhân để lại, cách riêng các vị mục tử trong đó có Cha Thánh Phao-lô Lê Bảo Tịnh. Đối chiếu những gương sáng đó với tình trạng hiện tại của hàng ngũ mục tử, mỗi linh mục chúng ta rút ra những bài học áp dụng cho tương lai từ đây về sau.
Là Ki-tô hữu chúng ta cùng điều chỉnh lại sống sâu đậm tinh thần mầu nhiệm hiệp thông với mọi tín hữu trong Giáo Hội tại Việt Nam; nhưng là Linh mục, chúng ta phải lấy sứ vụ mục tử là mục đích của đời mình. Thánh Âu-tinh đã nêu lên nguyên tắc trong câu nói bất hủ: “Cùng với anh chị em tôi là tín hữu Chúa Ki-tô, nhưng để phục vụ anh chị em tôi là giám mục”. Sở dĩ chúng ta được Chúa tuyển chọn làm linh mục là để hết mình phục vụ anh chị em trong sứ vụ mục tử. Tất cả cuộc đời linh mục là để cống hiến cho chương trình mục vụ. Cầu nguyện cho mục vụ, cử hành phụng vụ bí tích vì mục vụ, học tập cho mục vụ, rèn luyện sức khỏe để làm mục vụ, giao tế xã hội nhắm lợi ích mục vụ, sinh hoạt thường ngày cũng theo kế hoạch mục vụ: ăn mục vụ, uống mục vụ, ngủ mục vụ, chơi mục vụ, thăm viếng mục vụ…nhất cử nhất động đều vì mục vụ. Và cuối cùng đến cả cái chết của linh mục cũng mang đầy ý nghĩa mục vụ, như lời Thánh Phao-lô Tông đồ nói: “Không ai trong chúng ta được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết là chết cho Chúa”(Rm 14, 7).
Hạnh phúc thay cuộc đời linh mục được kết thúc bằng cái chết tử đạo trong chương trình sứ vụ hy sinh cứu chuộc như Cha Thánh Phao-lô Lê bảo Tịnh. A-men.