LINH MỤC TỰ ĐÀO TẠO TRƯỜNG KỲ

Thông Tin Dẫn Nhập:

Ủy ban Giáo sĩ và Chủng sinh thuộc HĐGMVN đã hoàn thành việc biên soạn RATIO về việc đào tạo linh mục tại Việt Nam. Trong phiên họp HĐGMVN kỳ 1/2010 vừa qua tại Bãi Dâu, Vũng Tàu, cuốn “ĐÀO TẠO LINH MỤC, Định Hướng và Chỉ Dẫn” đã được tất cả các giám mục tham dự bỏ phiếu chấp thuận, sau đó đã được gửi sang Roma để Bộ Giáo dục và Bộ Truyền giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc phê chuẩn và cho phép áp dụng tại Việt Nam.

Theo Ratio nói trên, công cuộc đào tạo linh mục là trách nhiệm chung của mọi thành phần dân Chúa, là công việc phải làm TRƯỚC, TRONG và SAU thời gian được đào tạo cơ bản tại đại chủng viện theo một định hướng và trình tự thống nhất về mục tiêu và tiến trình đào tạo. Riêng đối với các linh mục, Tông huấn Pastores Dabo Vobis gọi việc đào tạo sau thời kỳ đại chủng viện là “ĐÀO TẠO TRƯỜNG KỲ”, huấn luyện thường xuyên (thường huấn). Cũng theo Tông huấn này, vai trò số một trong công cuộc đào tại là Chúa Thánh Thần, vai trò số hai là chính cá nhân mỗi người, vai trò thứ ba là những người đồng hành (toàn thể dân Chúa, cách riêng các nhà đào tạo, chủ yếu là các linh mục). Tuy nhiên, công cuộc đào tạo cuối cùng chính là TỰ ĐÀO TẠO, không có nghĩa là tự hướng dẫn mình, nhưng là cá nhân mỗi người cần chủ động để cho Chúa Thánh Thần hướng dẫn và biết lắng nghe những người đồng hành.

Trong thời gian có hạn, xin được trình bày vắn tắt vài điểm sau đây:

1. Căn tính và sứ vụ linh mục dưới ánh sáng Lời Chúa

“Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”. (Mc 3,13-15).

Đoạn phúc âm trên nói lên căn tính và sứ vụ của các tông đồ mà các giám mục là những người kế vị, được hỗ trợ bởi các linh mục “là những cộng tác viên của hàng Giám Mục, để chu toàn một cách tốt đẹp sứ vụ tông đồ của Chúa Kitô trao phó” (PO 2). Như thế căn tính và sứ vụ của linh mục, dựa trên căn tính và sứ vụ của các tông đồ, được diễn tả qua 6 yếu tố không thể thiếu một yếu tố nào:

(1) Trước hết, ơn gọi tông đồ linh mục là một hồng ân đến từ lời mời gọi của Chúa Kitô. Người “gọi đến với Người những kẻ Người muốn”. Ý muốn của Chúa Kitô chính là ý muốn của Thiên Chúa Cha. Điều này đã được thánh Luca xác định chi tiết hơn trong cùng trình thuật về ơn gọi các tông đồ: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi lên núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ” (Lc 6,12-13).
(2) Trước lời mời gọi của Chúa, các tông đồ đã đáp lại: “Và các ông đến với Người”
(3) Tiếp đó, ơn gọi tông đồ không phải chỉ ban một cách riêng lẻ cho cá nhân nhưng được Chúa Kitô ban cho tập thể Giáo Hội để “lập Nhóm Mười Hai”.
(4) Mục đích của ơn gọi đó là “để các ông ở với Người”,
(5) và “để Người sai các ông đi rao giảng”,
(6) “với quyền trừ quỷ”.

Từ 6 yếu tố trên, 2 thuật ngữ truyền thống có thể tóm gọn bản chất và sứ vụ của người linh mục là: “được thánh hiến” và “được sai đi” - “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (Lc 4,18; x. PDV 11). Trước hết linh mục là người “được thánh hiến”. Sự thánh hiến của người linh mục tùy thuộc nơi mức độ “ở với Chúa Giêsu, thuộc về Chúa Giêsu, nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu”. Sự thánh hiến này được thực hiện một cách đặc biệt qua Bí Tích Truyền Chức. Linh mục, bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần qua việc đặt tay của giám mục, được thánh hiến, được biến đổi tự bản chất để “nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu”. Thực vậy, “chức linh mục của các ngài tuy dựa trên những bí tích khai sinh đời sống Kitô giáo, nhưng lại được một bí tích riêng in dấu đặc biệt khi các Ngài được Chúa Thánh Thần xức dầu: như thế các ngài giống Chúa Kitô Linh Mục, đến nỗi có quyền thay mặt Chúa Kitô là Đầu mà hành động” (PO 2; x. LG 10).

Tiếp đến linh mục là người “được sai đi”. Sau mục đích đầu tiên của ơn gọi là “ở với Chúa Giêsu”, linh mục “được sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ”. Ở đây linh mục được sai đi rao giảng “trong tư cách đại diện Chúa Kitô là Đầu” (in persona Christi Capitis) với tất cả quyền năng của Chúa Kitô, “với quyền trừ quỉ” (x. Mt 10,1). Như vậy, hai yếu tố “được sai đi rao giảng, với quyền trừ quỷ” luôn gắn liền và tùy thuộc vào yếu tố thứ nhất “được ở với Chúa Giêsu - được thánh hiến”. Hiệu quả của việc tông đồ rao giảng sẽ tùy vào mức độ thánh thiện của người linh mục, tuỳ vào mức độ “ở với Chúa Giêsu - nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu”.

Nói tóm lại, bản chất và sứ vụ của người linh mục chỉ có thể hiểu trong bản chất và sứ vụ của Giáo Hội với 6 yếu tố. Ba yếu tố đầu đến từ nền tảng Bí Tích Thánh Tẩy, như mọi kitô hữu, với chức tư tế phổ quát. Ba yếu tố sau đến từ nền tảng Bí Tích Truyền chức, dãnh riêng cho linh mục, với chức tư tế thừa tác.

2. Mục tiêu đào tạo linh mục

Trên cơ sở thánh kinh và thần học về căn tính và sứ vụ linh mục, có thể xác định mục tiêu đào tạo linh mục là đào tạo những “người rao giảng Tin Mừng cho thế giới hôm nay, trong tư cách đại diện Chúa Kitô là Đầu, là Mục Tử (in persona Christi Capitis) với 3 sứ mạng: Rao Giảng, Thánh Hóa, Lãnh Đạo” (x. PO 2; PDV 2; PDV 12; 14; 82). Người giáo dân cũng loan báo Tin Mừng, nhưng với tư cách là chi thể của nhiệm thể Chúa Kitô. Còn linh mục loan báo Tin Mừng với tư cách là Đầu, là Mục Tử với 3 sứ mạng: Rao Giảng, Thánh Hóa, Lãnh Đạo. Cả 3 nhiệm vụ của Linh mục (thầy dạy Lời Chúa, thừa tác viên các bí tích, người lãnh đạo cộng đoàn) đều hướng đến mục đích Phúc âm hóa – loan báo Tin Mừng.

Tóm lại, ba yếu tố căn bản trong việc đào tạo linh mục trong bối cảnh hiện nay là: “đại diện Chúa Kitô là Đầu và Mục Tử” “loan báo Tin Mừng” “cho thế giới hôm nay”. Ba yếu tố này diễn tả mối tương quan của linh mục với Chúa Kitô, với Giáo Hội và với thế giới hôm nay.

Bản chất và sứ vụ của linh mục “loan báo Tin Mừng” chỉ có thể hiểu được trong sứ vụ của Giáo Hội, một Giáo Hội được nhấn mạnh qua 3 đặc tính: “Mầu Nhiệm, Hiệp Thông và Sứ Vụ - Truyền Giáo” (x. PDV 12).

Linh mục được đào tạo để trở thành “con người mầu nhiệm, con người hiệp thông và con người truyền giáo”.

Ba đặc tính này được phác họa cụ thể với 4 đặc tính của người linh mục Á Châu. Từ những cuộc hội thảo nhóm của Đại Đại Hội Lần VII – Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu (FABC), họp tại Thái Lan 3-12/1/2000, các giám mục Á Châu đã đề nghị một hình ảnh sống động của người linh mục Á Châu hôm nay với 4 đặc tính:

Linh mục, con người của sự thiêng thánh (a man of the sacred)
Linh mục, con người trưởng thành (a man of maturity)
Linh mục, con người của đối thoại (a man of dialogue)
Linh mục, con người khiêm tốn phục vụ (a man of humble service)

3. Các giai đoạn và các chiều kích đào tạo linh mục:

Việc đào tạo linh mục trong đại chủng viện là giai đoạn đào tạo cơ bản. Tuy nhiên, nếu không có một phương hướng chung cho cả giai đoạn trước và sau đại chủng viện, công cuộc đào tạo không thể gọi được là “đào tạo toàn vẹn” về thời gian.

Ngoài ra, còn phải “đào tạo toàn vẹn” về nội dung, tức là về 4 chiều kích đào tạo xuyên suốt trong cả 3 giai đoạn. Bốn chiều kích đó là: nhân bản, thiêng liêng, trí thức và mục vụ. Tông huấn PDV gọi việc đào tạo về nhân bản là “nền tảng”, về thiêng liêng là “trọng yếu”, về trí thức là “thiết yếu” và về mục vụ là “mục tiêu” hướng tới của cả 3 chiều kích trên đối với các linh mục “triều”, để cuối cùng trở nên những “nhà truyền giáo”. Tất cả 4 chiều kích này liên hệ mật thiết với nhau.

Đào tạo về 4 chiều kích trong 3 giai đoạn, tuần tự nhi tiến, nhưng cùng chung một định hướng, được gọi là “đào tạo tiệm tiến”, “đào tạo thường xuyên” (trường kỳ). Điều quan trọng để biết kết quả của việc đào tạo là bản thân và người khác nhận thấy có biến đổi trong quá trình đào tạo, được gọi là “đào tạo biến đổi”. Công việc đào tạo cũng cần phù hợp với nhu cầu đa dạng, với bối cảnh con người và xã hội đổi thay, được gọi là “đào tạo thích nghi”. Việc đào tạo vừa đuợc thực hiện trong cộng đoàn vừa quan tâm đến từng cá nhân, được gọi là “đào tạo cộng đoàn và cá biệt”.

Trong công cuộc đào tạo, tuy Chúa Thánh Thần là “động lực” và những người đồng hành là “trợ lực”, nhưng bản thân mỗi người phải “chủ lực” tự đào tạo mình. Như thế, việc đào tạo cuối cùng là TỰ ĐÀO TẠO và ĐÀO TẠO TRƯỜNG KỲ.

4. Xét mình về mục tiêu và phương thức đào tạo 4 chiều kích:

Bản tóm lược những chỉ dẫn sau đây (theo tông huấn PDV) vừa giúp linh mục xét mình, vừa giúp linh mục định hướng mục tiêu và phương thức khi giúp người khác.

* Chiều Kích Nhân Bản

- Mục tiêu nhắm tới:
+ Hoàn thiện nhân cách để có thể tương giao chân thành và có trách nhiệm với mọi người.
+ Hướng đến một tình yêu có trách nhiệm và trưởng thành về mặt tâm cảm, để có thể tận hiến trọn vẹn cho Chúa Kitô và Giáo hội.
+ Muốn thế, phải có được tự do nội tâm để có thể tự nguyện tận hiến.
+ Gắn liền với tình yêu và tự do là lương tâm quen lắng nghe và thực hành những đòi hỏi luân lý.

- Phương thức thực hiện:
+ Nói chung: biết mình để phát triển toàn vẹn và hài hoà, trật tự mọi khả năng của con người.
+ Rèn luyện trí năng: phân tích, tổng hợp, nối kết, phán đoán, trí tưởng tượng, trí nhớ.
+ Rèn luyện ý chí: làm chủ bản thân, điều hướng đam mê, tình cảm và bản năng… vào việc đi tìm sự thiện và theo đuổi lý tưởng, cụ thể như tập trung mọi năng lực vào công việc đang làm. Động lực để tập luyện là tình yêu.
+ Rèn luyện thể lý: chơi thể thao và giải trí để duy trì sức mạnh tinh thần và thể lý, gìn giữ sức khỏe và nuôi dưỡng tình bạn.
+ Rèn luyện lương tâm luân lý: thích ứng với những qui tắc luân lý khách quan để phán đoán trước, trong và sau khi hành động; sống những nhân đức luân lý như: khôn ngoan, công bình, dũng cảm và tiết độ; sự thành thực và lòng biết ơn.
+ Rèn luyện về mặt xã hội: giao thiệp với mọi người với lòng tôn trọng và yêu thương, biết đối thoại, biết quan tâm đến người khác, và thanh tao lịch sự với mọi hạng người

* Chiều Kích Thiêng Liêng

1- Mục tiêu nhắm tới:
+ Ý thức sống ơn gọi làm con Thiên Chúa: sông theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, sống đức tin, cậy, mến, để mỗi ngày một nên giống Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa: hiếu thảo với Chúa Cha, huynh đệ với mọi người, sống mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu Kitô.
+ Bước theo Đức Giêsu Kitô Linh mục: là Đầu và Tôi tớ, là Mục tử và Hôn phu của Giáo hội. Làm linh mục không vì mục tiêu danh vọng, thống trị, nhưng để phục vụ với con tim hiền hậu và khiêm tốn, tận hiến cụ thể qua việc sống độc thân khiết tịnh, thanh bần và vâng phục.
+ Gắn bó với Giáo hội: tin yêu và vâng lời Giáo hội; làm cho Giáo hội lớn lên bằng việc tông đồ và đời sống thánh thiện. tôn sùng và noi gương Đức Maria là Mẹ Giáo hội và là mô hình của Giáo hội.
+ Phục vụ con người: gặp gỡ mọi người để phục vụ ơn cứu độ mà TC dành cho họ, nhất là đối với những người nghèo hèn.

- Phương thức thực hiện:
+ Rèn luyện đời sống nội tâm: không những mỗi ngày chu toàn việc câu nguyện riêng và chung, mà còn cố gắng sống tinh thần cầu nguyện suốt ngày, nghĩa là, nhờ thinh lặng bên trong và bên ngoài, ý thức sự hiện diện của Thiên Chúa để dâng hiến Người từng sinh hoạt hằng ngày và tâm sự với Người bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và trong mọi hoàn cảnh.
+ Trung thành suy niệm Lời Chúa và đọc sách thiêng liêng hằng ngày. Tích cực tham dự các buổi tĩnh tâm và linh thao. ĐGK là kiểu mẫu.
+ Hiểu biết và tích cực tham dự PV Giờ kinh và PV các Bí tích, nhất là BT Thánh thể và Sám hối, quan tâm đến việc viếng Thánh Thể và xét mình hằng ngày.
+ Tôn sùng Đức Mẹ qua việc lần chuỗi và sống theo gương nhân đức của Mẹ, nhất là đức tin, cậy, mến, vâng lời, khiêm nhượng và tận hiến trọn vẹn cho công trình cứu chuộc.
+ Theo dõi và hiệp thông với sinh hoạt của Giáo hội toàn cầu và Giáo hội địa phương.
+ Cởi mở và sẵn sáng tiếp nhận sự trợ lực của Giáo hội, cụ thể là các bạn hữu, các nhà đào tạo, đặc biệt là cha linh hướng.
+ Sống bác ái huynh đệ với môi người, nhất là những người nghèo khổ, hèn mọn. Bác aí có từ bên trong, đó là lòng tốt, được biểu hiện ra bên ngoài như nói tốt cho người khác, tôn trọng và phục vụ lẫn nhau.
+ Sống tiết chế để tạo điều kiện thuận lợi cho việc sống khiết tịnh, thanh bần và vâng phục.

* Chiều Kích Trí Thức

- Mục tiêu nhắm tới:
+ Đào tạo trí thức không chỉ nhằm chu toàn một chương trình học tập, mà là đào tạo một con người linh mục trí thức.
+ Đào tạo những khả năng tinh thần để có được những khả năng và tập quán giúp ứng sinh linh mục nên người trưởng thành về trí thức.
+ Có một kiến thức vững vàng về Triết học, Thần học và văn hoá phổ quát.
+ Phát huy được khả năng truyền thông cho người khác những kiến thức phong phú của mình.
+ Tất cả đều nhằm hướng đến việc hiểu biết ngày càng thâm sâu về các mầu nhiệm của Thiên Chúa trong kế hoạch cứu độ mà trung tâm là mầu nhiệm Đức Giêsu Kitô. Sự hiểu biết ở đây phải là một sự hiểu biết vừa bằng trí tuệ vừa bằng con tim mở rộng, để có thể vừa có cái nhìn tổng hợp và nhất quán vừa có khả năng thông truyền mầu nhiệm Thiên Chúa cho người khác.

- Phương thức thực hiện:
+ Nắm vững mục tiêu, chương trình và phương pháp của mỗi bộ môn trong chương trình học vấn.
+ Tham dự đầy đủ các giờ lớp một cách tích cực và chủ động.
+ Tận dụng giờ học riêng bằng cách hoạch định thời biểu riêng cho việc học, tạo bầu khí thanh tĩnh giúp cho dễ tập trung tư tưởng, làm quen với các phương pháp học tập. Động lực thúc đẩy việc học riêng là chính sứ vụ linh mục. Việc làm bài kiểm tra và nhận định cá nhân qua thang điểm cũng nhằm thúc đẩy việc học riêng.
+ Tiếp xúc riêng để học hỏi với các giảng viên, với các bạn bè nữa.
+ Sinh hoạt nhóm đúng đắn có thể đem lại những kết quả tuyệt hảo trong lãnh vực giúp đỡ nhau học tập.
+ Tham khảo sách báo liên hệ đến chương trình đào tạo trí thức.
+ Tích cực tham dự những sinh hoạt bổ túc như: những buổi thuyết trình, hội thảo, đi tham quan, xem truyền hình, phim ảnh với mục tiêu học hỏi chứ không chỉ để giải trí.
+ Nhằm thấm nhuần mầu nhiệm Thiên Chúa, điều quan trọng là liên kết việc nói về Thiên Chúa (học tập) với việc nói với Thiên Chúa (cầu nguyện).

* Chiều Kích Mục Vụ

- Mục tiêu nhắm tới:
+ Toàn bộ công cuộc đào tạo các ứng sinh linh mục đều qui hướng về mục tiêu mục vụ, nghĩa là đào tạo họ trở thành những mục tử theo gương mẫu Đức Giêsu Kitô là Thầy (tác vụ rao giảng), là Tư tế (tác vụ thờ phượng và thánh hoá) và là Mục tử (tác vụ lãnh đạo ).
+ Mục tiêu hội nhất của đào tạo mục vụ qui hướng về việc hiệp thông với đức ái mục vụ của Đức Giêsu Kitô, với chính tâm tư và cách ứng xử của vị Mục tử tốt.
+ Đào tạo mục vụ còn nhắm giúp ứng sinh linh mục đón nhận những nguyên tắc và tiêu chuẩn hoạt động mục vụ của Giáo hội, làm quen với những phương pháp làm công tác mục vụ qua việc thực tập mục vụ, làm quen với phương hướng làm việc tập thể và khuyến khích giáo dân làm việc.
+ Hiệp thông với sứ vụ Giáo hội, đặc biệt là sứ vụ truyền giáo.

- Phương thức thực hiện:
+ Nhiệt tâm và ý thức về sứ vụ là một ơn thánh của Thiên Chúa, do đó phương cách thứ nhất là cầu nguyện xin ơn thánh trợ giúp ta có đức ái mục vụ. Trong các buổi cầu nguyện riêng, chiêm ngắm mẫu gương của Đức Kitô Mục tử tốt.
+ Có ý hướng tông đồ trong mọi sinh hoạt.
+ Tăng cường đức ái mục vụ bằng theo dõi những sự kiện quan trọng hiện nay của Giáo hội và của thế giới, và tiếp cận với những hoàn cảnh đau khổ và bất công, với những kẻ “bơ vơ như chiên không người chăn”. Học biết phân định tất cả dưới ánh sáng Lời Chúa.
+ Học hỏi các môn về Thần học Mục vụ để đón nhận nhũng nguyên tắc và tiêu chuẩn hoạt động mục vụ.
+ Tích cực thực tập mục vụ trong kỳ học cũng như kỳ nghỉ, đặc biệt trong năm “giúp xứ”, với khả năng hoàn thành công tác vừa theo sáng kiến riêng vừa phối hợp với những người khác.

Lời Cầu Nguyện Với Đức Mẹ Thay Lời Kết:

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa,
Xin Mẹ hãy nhận làm Mẹ các linh mục như đã nhận làm Mẹ Đức Giêsu Kitô.
Chúng con xin dâng lên Mẹ tước hiệu đó,
Để ca tụng lòng từ mẫu của Mẹ,
Để được kề bên Mẹ chiêm ngưỡng chức linh mục của Con Mẹ và các con Mẹ.
Lạy Mẹ là Mẹ Đức Kitô Đấng Cứu Thế,
Được Chúa Thánh Thần ngự xuống xức dầu,
Mẹ đã trao tặng cho Đấng Thiên Sai và là linh mục thân xác của Người,
Để cứu độ người nghèo và những người có lòng hoán cải.
Xin Mẹ hãy giữ gìn các linh mục trong tim Mẹ và trong lòng Giáo hội.
Lạy Mẹ là Mẹ của niềm tin và là Hòm bia giao ước.
Mẹ đã tháp tùng vào Đền Thờ Con Người là sự hoàn thành lời hứa với cha ông,
Xin Mẹ hãy giao phó các linh mục của Con Mẹ cho Chúa Cha để làm vinh danh Người.
Lạy Mẹ là Mẹ Giáo hội và là Nữ vương các Tông đồ.
Mẹ có mặt ở giữa các Môn đồ nơi phòng Tiệc ly,
Mẹ khẩn cầu Chúa Thánh Thần cho Dân Mới và những vị Chủ Chăn,
Xin Mẹ hãy khấn xin cho các linh mục được đầy mọi ân ban.
Lạy Mẹ là Mẹ Chúa Giêsu Kitô và là Mẹ các Linh mục.
Mẹ đã có mặt với Người ngay từ buổi đầu cuộc đời và sứ vụ,
Mẹ đã đi tìm Người lúc đang giảng dạy cho quần chúng,
Mẹ đã trợ giúp Người lúc bị treo lên cao,
Và lúc Người đã hoàn tất hiến lễ duy nhất và vĩnh tồn,
Mẹ đã có Gioan ở kề bên làm con của Mẹ,
Xin Mẹ hãy đón nhận ngay từ bước đầu những kẻ Chúa gọi.
Xin chở che phù trì cho sự tăng trưởng của những đứa con của Mẹ,
Và xin tháp tùng họ trên đường đời và đường sứ vụ.
Amen
! (Trích từ tông huấn PDV)