* Lăng kính mới và điểm nhấn mới
* Đời sống thánh hiến & làm chứng
* Chỉ dẫn Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”
- Làm chứng trong bối cảnh Việt Nam hôm nay
Trong suốt dọc chiều dài lịch sử, đời sống thánh hiến luôn hiện diện trong lòng Giáo Hội như là một chứng từ sinh động và hùng hồn về đời sống cầu nguyện cũng như thực hành bác ái, về đời sống chiêm niệm cũng như hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, có lẽ chưa có lúc nào chiều kích đức ái và khía cạnh làm chứng lại được nhấn mạnh như đã được trình bày trong các văn kiện từ Công đồng Vaticanô II cho đến nay. Dường như càng ngày người ta càng “ngộ” ra rằng thiếu vắng Đức Ái thì đời sống thánh hiến cũng chỉ là cái xác không hồn và một khi khuất bóng chứng từ thì đời sống thánh hiến cũng nhạt nhẽo vô vị, thiếu hẳn sinh khí và mất dần đi sức sống vươn mình, thậm chí tệ hơn chỉ còn là một “thứ Pharisiêu” sính hình vụ luật.
Vì thế, các văn kiện Công đồng Vaticanô II và các văn kiện Hậu Công đồng xem ra luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đức Ái và chiều kích chứng tá của đời thánh hiến.
Trong bài viết này, chúng ta cùng rà soát lại khía cạnh quan trọng này của đời sống thánh hiến, khi “nhúng” điều đó trong “dung dịch” đức ái; đặt nó trong tương quan với các yếu tố cốt lõi của đời thánh hiến; soi rọi nhờ giáo huấn của Huấn thị và phần nào áp dụng vào bối cảnh Việt Nam hôm nay.
1. LĂNG KÍNH MỚI VÀ ĐIỂM NHẤN MỚI
1.1. Lăng kính tình yêu
Trước đây, khi nói đến đời sống tu trì, người ta thường dùng những từ ngữ nhấn mạnh đến lý tưởng hoàn hảo mà các tu sĩ cần vươn tới, như “bậc tận hiến/toàn hiến” (religiosus), “bậc trọn lành” (status perfectionis, institutum perfectionis)... Cách gọi đó nói lên quan niệm thường có của thời trước Vaticanô II về đời thánh hiến, một quan niệm rất hay chú trọng đến việc nên trọn lành với ý nghĩa là gìn giữ tỉ mỉ, nghiêm túc và chỉn chu các điều luật, nhất là ba lời khuyên Phúc Âm, đời sống chung và việc khổ chế, hy sinh. Người tu sĩ lý tưởng là người sống khắc khổ, thanh bạch, đạo hạnh, xa lánh thế gian, coi thường vật chất, dửng dưng với vinh hoa phú quý, vui thú danh vọng... Quan niệm này đôi khi bị đẩy tới mức nhị nguyên: coi khinh thể xác, miệt thị hôn nhân... Từ đó có thể dẫn đến những não trạng quá khích là “vụ luật” (legalismus), “vụ hình thức” (formalismus) và “khắc kỷ” (ascetismus).
Từ Công đồng Vaticanô II, thần học đời tu đã đánh dấu một tiến trình tăng tiến và trưởng thành. Lối nhìn truyền thống về đời tu như một tình trạng trọn lành đã nhường chỗ cho một nền Giáo Hội Học mới, trong đó đời tu được lồng trong lăng kính của tình yêu, một tình yêu xây dựng trong mối hiệp thông và liên đới sâu xa của toàn dân Thiên Chúa. Ơn gọi nên thánh của đời tu trì được đặt để trong tương quan với ơn gọi nên thánh chung của các tín hữu. Nếu như “sự thánh thiện được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống mình trong khi xây dựng kẻ khác” (GH 39), thì sự thánh hiến “tu trì” là một sự thánh hiến “đặc biệt hơn”, được “tỏ lộ trong việc thực hành ba lời khuyên Phúc Âm” (GH 39). Đó là một sự đáp trả mãnh liệt hơn trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một sự đáp trả đòi hỏi một đức ái nồng nàn, quảng đại hơn.
Liên quan đến điều này, Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Giáo Hội (Lumen Gentium) đã không ngần ngại khẳng định “ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là đức ái”, bởi vì chính đức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em vì Chúa. Chính đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật. Chính đức ái chi phối mọi phương tiện nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích (GH 42a). Hơn nữa, đức ái đối với Chúa và tha nhân còn là dấu chỉ cho biết người môn đệ chân chính của Chúa Kitô. Chính khi sống khiết tịnh, vâng phục, khó nghèo và chịu thiệt thòi, người thánh hiến làm chứng cách hùng hồn và sống động cho Tình Yêu tuyệt đối của Thiên Chúa và toả lan tình Chúa đến cho nhân loại (x. GH 42 b,c,d). Nhờ việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm trong Giáo hội, những người thánh hiến muốn thoát ly khỏi mọi cản trở có thể trì hoãn đức ái hoàn hảo dành cho Thiên Chúa và tha nhân (GH 44).
Đức ái tuyệt hảo và đời sống thánh hiến quả là cặp từ tóm lược đề xuất của Giáo hội hiện thời về thực tại phong phú đa dạng nơi những người thánh hiến. Sự trọn lành của đức ái (Perfectae caritatis) còn là tựa đề của sắc lệnh Công đồng về canh tân đời sống tu trì và điều này được pháp lý hoá nơi Bộ Giáo Luật 1983 (quyển II, Phần III, điều khoản 573-746).
Nếu như Vaticanô II là Công đồng đầu tiên đề cập đến bậc sống dựa trên các lời khuyên phúc âm đặt trong bối cảnh của mầu nhiệm Giáo Hội như là toàn thể, thì theo Bộ Giáo Luật lại cho thấy “lối sống bền vững” này giúp các tín hữu “theo đuổi đức ái hoàn hảo” để phục vụ nước Chúa và trở thành dấu chỉ rạng ngời, báo trước vinh quang thiên quốc (GL 573 §1). Chính đức ái có được do các lời khuyên Phúc Âm giúp các tu sĩ kết hợp với Giáo Hội cách đặc biệt (GL 573 §2).
Đức ái nói đây không phải là một khái niệm mà là chính đời sống của những con người đã cảm nghiệm thấy một ơn gọi đặc biệt trong Dân Thiên Chúa, một ơn gọi đòi hỏi đi đến một sự thánh hiến đặc biệt. Nhờ việc sống ba lời khuyên Phúc Âm qua một đặc sủng và lối sống riêng biệt của đặc sủng đó, họ gắn bó với Thiên Chúa là Đấng vô cùng đáng yêu mến. Chính yếu tố sau cùng này chỉ huy, định hướng và quy kết tất cả các yếu tố khác.
Đời sống thánh hiến không phải là một thực tại tách rời và biệt lập, cũng không phải là viễn tượng trên mây trên gió. Thuộc về Giáo Hội và ở trong Giáo Hội, đời sống thánh hiến diễn tả điều mà Giáo Hội biểu thị qua các giai đoạn khác nhau của dòng lịch sử nơi chính các đặc sủng làm nên Giáo Hội. Nơi Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội được diễn tả như là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Những đặc tính này định vị hoạt động của tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, cách riêng là đời sống thánh hiến. Đức ái là tình yêu. Người yêu mến là người biết định hướng cuộc đời hoà hợp với bối cảnh riêng biệt mà họ sống, để nắm lấy trách nhiệm và để trở nên chính họ.
Yêu mến là sống tình yêu hỗ tương, đặt nền trên việc trao hiến và hoà hợp với những người cùng chí hướng trong cùng một ơn gọi. Khát vọng vươn tới đức ái trọn hảo không phải là đặc quyền của những người thánh hiến, nhưng mang một diện mạo riêng biệt khi được vun trồng qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, hướng tới cùng đích là “Thiên Chúa là Đấng vô cùng đáng yêu mến” (GH 44). Đức ái nồng nàn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa càng lớn lao bao nhiêu, thì người thánh hiến càng làm cho đời sống Giáo Hội phong phú hơn và càng làm cho việc tông đồ của Giáo Hội dồi dào mãnh liệt hơn bấy nhiêu (DT 1).
Nơi đời sống thánh hiến, đức ái là lối sống bước theo Chúa Kitô “khiết trinh và khó nghèo”, Đấng đã “cứu chuộc và thánh hoá nhân loại bằng việc vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá” (DT 1), với đức khiết tịnh đem đến sự hiệp nhất với Giáo Hội (DT 12), với một đức khó nghèo thanh thoát và tự nguyện (DT 14), với lòng vâng phục luôn phục tùng thánh ý cứu độ của Chúa Cha (DT 14), với đời sống chung tràn đầy bác ái huynh đệ, thấm nhuần sự hiện của Chúa giữa cộng đoàn (DT 15).
Tính chính thống của đức ái thánh hiến được định giá trên nền tảng của việc tháp nhập vào đời sống Giáo Hội, nơi họ được thanh tẩy và tăng tiến trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Sống và phát triển tính chính thống là một cách diễn tả sống động đặc sủng, vốn chỉ được đánh giá khi sống bén rễ trong khung cảnh năng động nguyên thuỷ. Cảm thông, buồn sầu, mừng vui, hoạt động cùng và trong Giáo Hội, qua các chiều kích đa dạng như đã được mô tả trong Hiến chế về Giáo Hội, chính là hoa trái đích thật của việc gắn kết với Chúa Kitô và sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần, và là con đường để hoán cải suốt đời. Ai yêu mến thì được sinh ra bởi Thiên Chúa, Đấng hằng yêu mến chúng ta không phải do công phúc chúng ta có được mà do điều chúng ta đang thủ đắc nhờ ân ban của Ngài.
Đi ra ngoài lằn ranh này, đức ái thánh hiến sẽ phát triển ù lì, trở nên còi cọc, cằn cỗi, kéo lê một cách thiếu sinh khí. Chỉ trong Chúa, người thánh hiến cử hành mầu nhiệm, lớn lên trong tình hiệp thông, vươn mình trong sứ vụ, phó thác cuộc sống tương lai, làm chứng niềm tin phục sinh với lòng thương xót và trong sự liên đới cả với những ai chưa sẵn sàng hoặc từ chối ơn cứu độ. Những người thánh hiến noi gương Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc tội nhân, chứ không kết án. Qua việc thi hành điều đó, họ làm chứng cho luận lý của tin mừng cứu độ. Đức ái đầy lòng thương xót không tìm moi móc quá khứ mà dẫn về tương lai là thực tại viên mãn của thời cánh chung, vén tỏ tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Ep 1, 23).
Lịch sử của đức ái thánh hiến là một chương sáng giá trong lịch sử Giáo Hội, không phải vì được tiến triển trong một môi trường không có tội, mà là trong sự nhận biết ơn tha thứ, nhằm tuyên xưng và làm cho ơn tha thứ đó trở thành đáng tin qua việc lướt thắng sự cùng khốn phàm hèn nhờ năng lực của lòng thương xót và mở ra chân trời an vui hành phúc khi chỉ có “một trái tim và một linh hồn” (Cv 4, 32).
Đức ái mở ra một hướng nhìn tích cực về đời sống thánh hiến. Thánh hiến là một sự đáp trả trước mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, một giao ước tình yêu, một cuộc dấn thân theo tiếng gọi và sự thúc đẩy của tình yêu Chúa Kitô. Đức ái của người thánh hiến vì thế cần kín múc từ nguồn mạch Ba Ngôi, cần nên một với thánh ý cứu độ của Chúa Cha, cần được hiệp nhất cách khắng khít với ân sủng Chúa Giêsu Kitô và ngoan nguỳ với tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là một đức ái được thanh tẩy mỗi ngày qua việc kiên trì cải hoá những hoàn cảnh không có tình yêu đang làm cho các mối liên hệ trở nên cứng cỏi, cằn cỗi, như xung đột, bất hoà, dửng dưng, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng...
Đức ái không cho phép người thánh hiến dừng lại ở cái tầm thường, ở mức tối thiểu, chỉ giới hạn ở việc không xúc phạm đến Chúa, chỉ lo không lỗi luật, an phận thủ thường mà thôi, nhưng thúc đẩy họ tiến lên điều lý tưởng, điều cao quý, thực tại tuyệt đối. Đức ái thúc bách người thánh hiến biết luôn sẵn sàng thông hiệp và cộng tác với Đấng họ yêu mến, để cho ơn cứu độ chan hoà khắp mọi tâm hồn, cho tới khi tất cả được thành toàn trong Ngài. Trong viễn cảnh đó, tội lỗi cũng chỉ là biểu lộ của tình trạng thiếu khả năng yêu mến, cản trở yêu mến hoặc ù lì trong yêu mến. Theo thánh Tôma tiến sĩ, đức ái có những cấp độ khác nhau: xa tránh tội lỗi nghịch đức ái (cấp độ I), nỗ lực thực thi điều thiện và tiến lên trên đường nhân đức (cấp độ II), tha thiết gắn kết và vui hưởng nhan Chúa, vượt ra khỏi mình để ở kề bên Chúa Kitô (cấp độ III). Nói khác đi, đức ái trưởng thành giúp chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ hạn hẹp của tối thiểu, tương đối mà luôn biết hướng tới chân trời bao la của tối đa, tuyệt đối.
Đức ái là hoa trái của sáng kiến đến từ Thiên Chúa đầy lòng xót thương và khoan dung, muốn hiệp nhất với dân của Ngài; là sự tham phần vào tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu đức ái đó giúp người thánh hiến vượt ra khỏi cơn cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa, lạm dụng cộng đoàn hay sứ vụ như cơ hội để thực hiện kế hoạch đời mình. Trái lại với những toan tính “tiến thân” là những cam kết “dấn thân”, họ hoà mình vào mầu nhiệm và sứ vụ cộng đoàn, đi vào mầu nhiệm “tự huỷ” của Chúa Kitô, để cho kế hoạch cứu rỗi, một kế hoạch do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, được thực hiện.
“Đời thánh hiến dùng ngôn ngữ của việc làm để nói rằng lòng mến Thiên Chúa là nền tảng và là thuốc kích thích một tình yêu nhưng không và ân cần” (TH 75). Họ cần ý thức ơn gọi của mình là “biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho thế giới”, đặc biệt là với những người nghèo hèn túng quẫn nhất, những nạn nhân của những “hình thức nghèo đói mới” như thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, nghiện ngập, già cả cô đơn, “nghèo” văn hoá, “nghèo” nhân phẩm, “nghèo” tri thức... (XPL 35-36). Huấn thị đã tô đậm gam nền đức ái khi xem việc xuất phát lại từ Đức Kitô cũng chính là cuộc xuất hành của tình yêu:
“Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu “chúng ta yêu mến” đó là “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô thốt lên: “Đức Kitô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi” (Gl 2,20).
Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn riêng tư hay do cơ cấu. Người thánh hiến không thể có tính sáng tạo, có khả năng canh tân tu hội và mở ra những con đường mục vụ mới nếu họ không cảm thấy được yêu mến với tình yêu ấy. Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự”.
1.2. Điểm nhấn mục vụ: chứng tá
Nếu như đức ái là sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm “linh hồn” cho suy tư và hoạt động về đời thánh hiến, thì “chứng tá” lại là điểm nhấn mục vụ rõ rệt trong các văn kiện Giáo Hội gần đây nói chung và về đời thánh hiến nói riêng. Lý do là vì: (1) có làm chứng mới công bố Tin Mừng cách thực sự; (2) con người thời nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống hơn là lý thuyết; (3) trong nhiều trường hợp đó là cách duy nhất để truyền giáo. Điều này càng quan trọng hơn đối với người thánh hiến, vì trước tiên, sứ mạng của họ “cốt ở việc làm cho Đức Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân” (TH 25, 76).
Đề tài về việc làm chứng trong đời sống tu trì có một lịch sử ngữ nghĩa học rất lý thú. Truyền thống ẩn tu, đan tu hay viện tu có liên hệ mật thiết với ý niệm về “tử đạo” một từ ngữ có gốc gác Hy Lạp là “chứng nhân” (μαρτυς, martys). Và chính ở điểm này, chúng ta khám phá ra ý nghĩa Kinh Thánh sâu xa của khái niệm “nhân chứng” là “hiến dâng mạng sống vì đức tin”. Vào lúc các cuộc bách hại giảm thiểu, lại là lúc đời tu trở về với ý nghĩa cổ truyền và gốc gác của hạn từ là “chứng nhân”.
Các tuyên ngôn của Công đồng Vaticanô II cũng như các văn kiện hậu công đồng đã cống hiến một loạt những khẳng định về đề tài làm chứng trong đời sống tu trì. Đời tu là chứng tá về đời sống vĩnh cửu (GH 44c). Các tu sĩ là chứng tá về lòng yêu mến của Giáo Hội đối với Chúa Kitô và chứng tá này cần thiết đối việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay (DT 55; DT 1, 3, 52-53). Đời tu cũng làm chứng về sự tận hiến cho Thiên Chúa (LH 10, 14), về sự ưu việt của Thiên Chúa (CT 1; CN 2), về sự thánh thiện của Giáo Hội (GH 39), về mối hiệp thông huynh đệ mới trong Đức Kitô (TT 23-25), về công lý (TT 3), về đức bác ái huynh đệ (HA 15), nhất là tình yêu vô vị lợi (HA 13d)...
Tông huấn Đời sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) đã nêu bật vai trò của việc làm chứng cho tình yêu. Đời thánh hiến được diễn tả như một cuộc dấn thân phục vụ vì đức ái (chương III: Servitium caritatis, TH 72-103), được kín múc và thúc đẩy từ nguồn mạch tình yêu Ba Ngôi (phần I: Confessio trinitatis, TH 14-40) và tôi luyện trong tình hiệp thông bác ái huynh đệ (phần II: Signum Fraternitatis, TH 41-71). Cuộc dấn thân này một đàng “tỏ bày tình yêu Thiên Chúa trong thế giới” (x. TH 72-83), qua một “tình yêu cho đến cùng”, một “tình yêu trao hiến” (agapê), một cuộc đời “hoàn toàn sống cho Chúa và anh chị em mình” (TH 75-76). Đàng khác, đó cũng là cuộc dấn thân có tính thừa sai để làm cho “Ngài được yêu mến” qua những nỗ lực loan báo, truyền giảng, hội nhập, đối thoại, ưu tiên cho người nghèo, tái rao truyền Phúc Âm, cổ võ công lý, chăm só bệnh nhân (TH 76-77). Hơn nữa, đời thánh hiến cũng là “chứng tá mang tính ngôn sứ trước những thách đố lớn” của thời đại, như độc tài, khủng bố, văn hoá hưởng thụ, thèm khát chiếm hữu, dửng dưng (TH 87-92)...
Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô dành hẳn phần IV để bàn về việc làm chứng (XPL 33-46): làm chứng cho tình yêu. Đời thánh hiến là một lời chứng hùng hồn về một tình yêu tuyệt đối, làm cho tình yêu đó hiện diện và toả sáng, đáp trả lại tình yêu đó một cách quảng đại và dấn thân (XPL 22):
“Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa là loan báo rằng đời sống thánh hiến là một cách đặc biệt đi theo Đức Kitô, “một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em Người”. Điều đó bao hàm một sự hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Kitô, Đấng đã trở nên trung tâm của đời sống họ và nguồn mạch liên tục của mọi sáng kiến […].
Toàn thể đời sống thánh hiến chỉ có thể hiểu được từ khởi điểm này: các lời khuyên phúc âm có một ý nghĩa trong mức độ chúng giúp gìn giữ và tạo thuận lợi cho tình yêu đối với Chúa trong sự ngoan ngoãn hoàn toàn đối với thánh ý Người; đời sống cộng đoàn được thúc đẩy nhờ Đấng đã quy tụ những người khác chung quanh mình và có mục tiêu là vui hưởng sự hiện diện thường hằng của Người; sứ mệnh là lệnh truyền của Người dẫn dắt ta tìm kiếm khuôn mặt của Người trong những khuôn mặt của những người mà ta được sai đến để chia sẻ với họ kinh nghiệm về Đức Kitô”.
2. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN & VIỆC LÀM CHỨNG
Tin Mừng Gioan đã diễn tả chứng tá của Chúa Giêsu xuất phát từ chính căn tín thâm sâu của Ngài. Quả thực, nếu không có căn tính thâm sâu đó, chứng tá sẽ là một hàng vi trống rỗng, chẳng khác một lời nói không có nội dung. Cũng thế, đời thánh hiến chỉ có thể trở nên một dấu chỉ, một chứng từ, khi đời sống đó hàm chứa một nội dung, cách đặc biệt là nội dung của việc sống và thấm nhuần mầu nhiệm Đức Giêsu. Đặc tính ngôn sứ luôn nhấn mạnh đến khía cạnh nền tảng mà theo kinh nghiệm Kitô giáo, đó chính là mầu nhiệm Đức Giêsu. Đời sống thánh hiến được mô tả như là sự chuyển động linh hoạt của Chúa Thánh Thần, Đấng làm xuất hiện những đoàn sủng cần thiết cho Giáo Hội Chúa Kitô.
Trên phương diện thực hành, người thánh hiến làm chứng cách thuyết phục qua cuộc sống chứng tá chứ không phải chỉ là những lời nói suông trên đầu môi chóp lưỡi. Đó là chứng tá cuộc sống mà người thánh hiến trao tặng cho đời qua những hoạt động bác ái, tông đồ, truyền giáo. Một cách cụ thể hơn, đó chính là những chứng từ phát xuất từ việc sống những lời khuyên Phúc Âm, đời sống huynh đệ và những đặc sủng tiêu biểu của tu hội và những hoạt động kèm theo đó.
2.1. Chứng tá của ba lời khuyên Phúc Âm
Lời chứng đầu tiên đến từ chính việc sống ba lời khuyên Phúc Âm. Cách hiểu và sống ba lời khuyên Phúc Âm hôm nay đang biến chuyển từ việc nhấn mạnh đến tính bó buộc của lời khấn hay lời hứa để tiến tới việc chú trọng hơn vào phát triển sự trưởng thành nội tâm và nỗ lực tham dự vào sứ vụ biến đổi thế giới của Giáo Hội. Thực vậy, các lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục) có liên hệ chặt chẽ với các giá trị nhân bản vốn tác động sâu xa đến đời sống con người: sở hữu, tình cảm và quyền lực. Hơn nữa, ba lời khấn này cũng còn liên quan đến ba lãnh vực tiếp xúc của con người: kinh tế, đời sống xã hội và chính trị.
Sống ba lời khuyên, người thánh hiến tìm cách giải thoát khỏi tình trạng chiếm hữu ích kỷ, đam mê bừa bãi và ham hố quyền lực, để tiến tới một cuộc sống thanh bần không dính bén, thanh khiết không chiếm hữu và thanh thoát không tham lam quyền hành địa vị. Qua đó, họ làm chứng về địa vị tuyệt đối của Thiên Chúa, về một tình yêu dâng hiến vô vị lợi, về thực tại cánh chung tuyệt vời của Nước Trời mai sau.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là việc sống các lời khấn làm cho những người thánh hiến cắt đứt mọi liên hệ với thế giới, mà là giúp họ trở nên sẵn sàng cho việc phục vụ chương trình của Thiên Chúa trong thế giới. Để làm được điều đó, cần thực hành đức ái tông đồ hầu tăng số những người nhận biết và tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý. Ngay từ thời kỳ Giáo Hội tiên khởi, đức ái đã từng là một hình thức rất hữu hiệu của việc làm chứng (x. Cv 2,47) và lịch sử cũng cho ta thấy rằng lịch sử của truyền giáo thực ra chính là lịch sử của tình yêu đức ái, dù không phủ nhận việc đã có những khuyết điểm và lầm lạc. Nếu như các tín hữu nói chung được kêu mời sống tình yêu bác ái vô điều kiện noi gương Chúa, thì những người thánh hiến nói riêng, với việc sống ba lời khuyên Phúc Âm, được gọi mời để trở nên dấu chỉ rõ nét của tình yêu đó.
Quả thực, việc sống ba lời khuyên làm nên một đời sống biến hình, có sức chiếu toả ánh sáng của tình yêu tuyệt đối (x. TH 20), bởi vì làm cho Chúa Kitô hiện diện hữu hình qua những chứng từ của đời sống (x. TH 77). Ba lời khuyên như thế không chỉ là con đường nên thánh mà còn là “liệu pháp” thiêng liêng cho nhân loại trước trào lưu tôn thờ “ngẫu tượng” (x. TH 72, 87). Với ba lời khuyên được đem ra sống triệt để và sáng tạo, đời thánh hiến trở thành dấu chỉ, chứng tá và lời tiên báo về một nền văn hoá mới, một nhân loại mới, hình thành theo thánh ý Thiên Chúa.
Lời khấn khiết tịnh
Lời khấn khiết tịnh mang một tầm vóc đặc biệt bởi một đàng, đó là lời khấn duy nhất mang nội dung bất di dịch cho mọi hình thức thánh hiến tu trì qua mọi thời đại, và đàng khác, đó cũng là lời khấn, với nghĩa vụ độc thân kèm theo, có tính chất “lời khuyên Phúc Âm” nhất theo nghĩa chặt của ngôn từ. Có lẽ cũng chính vì thế mà thay vì sắp xếp theo trình tự cổ điển (thanh bần, khiết tịnh, vâng phục), các văn kiện Công đồng đã đặt lời khấn này lên trước, bởi đó là lời khuyên được Chúa Giêsu kêu mời rõ ràng nhất (x. Mt 19,12), được thánh Phaolô nhấn mạnh nhất (1 Cr 7, 32-35), được nhìn nhận và tuân giữ như một hình thức của cuộc sống tận hiến sớm nhất (x. Cv 21,9).
Công đồng khẳng định lời khấn khiết tịnh là “ân huệ nổi bật” làm nguồn mạch và dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo Hội, là “dấu chỉ và động lực của đức ái” (x. GH 42), là “dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời”, là dấu chỉ sáng chói của giao ước mới và hôn nhân mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (DT 12).
Như vậy, việc sống lời khấn khiết tịnh làm nên chứng tá về tình yêu thuần khiết vô biên, vô điều kiện, vô vị lợi mà Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu con người cần đáp trả và cần thể hiện đối với nhau. “Khiết tịnh tận hiến nhắc lại cuộc duyên tình (giữa Chúa Kitô và Giáo Hội) một cách trực tiếp hơn và làm cho mối tình ấy vươn đến một cao độ mà lẽ ra mọi tình yêu nhân loại phải gắng đạt tới... Khiết tịnh chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa được đề cao hơn hết...” (CT 13). Quả thực, lời khấn khiết tịnh mở rộng con tim người thánh hiến, giúp họ “đạt đến chiều kích của con tim Đức Kitô và làm cho nó có thể yêu mến như Người đã yêu” (XPL 22).
Trong đêm tối của “văn hoá hưởng thụ” vốn đang tháo thứ những quy luật đạo đức khách quan về tính dục, thì việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo loé sáng lên như một “chứng tá về quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của mong manh phận người” (TH 88). Đây chính là một trong “những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết” để minh chứng sức mạnh phi thường của tình yêu Thiên Chúa và đáp ứng nhu cầu thèm khát sự trong sáng ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa người với người (x. TH 88).
Lời khấn thanh bần
Lời khấn thanh bần được hiểu và sống cách đa dạng và phong phú trong lịch sử Giáo Hội. Có khi là bán hết tài sản, có khi chỉ là “tinh thần nghèo khó” thôi. Ngày hôm nay, lời khấn thanh bần được đặt trong mối liên hệ sâu xa hơn với việc phục vụ và phát triển người nghèo, trong viễn tượng là xây dựng một Giáo Hội của người nghèo, cho người nghèo, vì người nghèo, và hơn nữa, một Giáo Hội nghèo.
Lời khấn khó nghèo là chứng tá về một tình yêu trao ban. Dù được diễn tả dưới hình thức nào thì cốt lõi của việc sống thanh bần cũng là một lối sống bước theo Chúa Kitô trong tâm tình bác ái, trao tặng tới mức “tự huỷ” vì anh em mình. Hiến chế Giáo Hội vì thế đã liên kết lời khấn khó nghèo và vâng phục trong số 42d và coi đây là lối sống bác ái theo gương Chúa Kitô (GH 42d). Quả thực, khó nghèo chỉ là phương tiện nên trọn lành bao lâu gắn liền với đức ái. Dưới khía cạnh mầu nhiệm, đó là một tình yêu luôn khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa như là Đấng tuyệt đối, như là kho tàng đích thực của lòng mình. Dưới khía cạnh xã hội, đó là một tình yêu liên đới và chia sẻ dành cho anh em chị em mình, nhất là những người nghèo khổ.
Lời khấn khó nghèo cũng là dấu chứng về sự giàu có đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, nơi kho tàng trên trời. Đó là thái độ sống phó thác vào Thiên Chúa và biết liên đới với người khác. Sắc lệnh canh tân Dòng tu đã khéo léo đề cập tới khía cạnh của “khó nghèo tập thể” với những chỉ dẫn rằng “hãy làm chứng tập thể về khó nghèo” qua việc sẵn lòng chia sẻ của cải với Giáo Hội, với các nhà khác của Hội Dòng cũng như những người túng thiếu (DT 13đ); đồng thời, khuyến cáo họ “hãy tránh mọi hình thức xa hoa trục lợi quá đáng (DT 13e).
Mỗi người thánh hiến cần trở nên chứng nhân của “sự nghèo khó đích thực”. Trong thế giới hôm nay, đức thanh bần trở thành một chứng tá hùng hồn trước sự hoành hành của “chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối” và hững hờ trước sự huỷ hoại của môi trường sinh thái (x. TH 89). Vì thế, đây phải là một sự khó nghèo “mở”, “khó nghèo Phúc Âm để phục vụ người nghèo” (TH 90): phản đối thói thờ tiền tài, thói dửng dưng vô cảm trước khổ đau túng thiếu, thói tiêu dùng của cải cách ích kỷ và hoang phí, để thể hiện một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, cổ võ việc sử dụng của cải cách có trách nhiệm và trong tinh thần liên đới, đấu tranh chống lại bất công, hầu xây dựng một thế giới nhân đạo hơn (x. TH 90).
Lời khấn vâng phục
Đức Phaolô VI đã coi đức tuân phục như là tâm điểm của công cuộc thích nghi và canh tân đời tu. Dĩ nhiên, đó là một quyền bính được thi hành không phải để thống trị mà là phục vụ trong đức ái như lời dạy của thánh Augustinô. Thánh Tôma đã không ngần ngại coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất (maximum est) trong tất cả các lời khấn”, vì qua đó người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống. Tuy nhiên, lời khấn vâng phục cao cả nhưng lại không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hôm nay, vì lời khấn này đòi hỏi chúng ta phải hi sinh chính mình, hi sinh ý chí, hi sinh ý riêng, hy sinh chính bản ngã như là một hiến lễ dâng tiến Thiên Chúa, noi gương tuân phục khiêm hạ của Chúa Kitô, “Đấng đã tự huỷ mình, nhận lấy thân phận tôi tớ... và vâng lời cho đến chết” (Pl 2, 7-8; GH 42d).
Công đồng Vatincanô II làm nổi bật giá trị cứu độ và tư tế của hành vi tuân phục nơi Chúa Giêsu (x. GH 3, 36, 37, 41; TG 24) và vai trò tích cực đầy trách nhiệm của Mẹ Maria (x. GH 56, 61, 63). Đức tuân phục tu trì chói lọi như một hiến lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa, noi gương Chúa Kitô tuân phục và Mẹ Maria “xin vâng” (DT 14).
Tuân phục là chứng tá về tinh thần phó trác trọn vẹn nơi Thiên Chúa: “Lời khấn vâng phục đặt cuộc sống hoàn toàn trong bàn tay Đức Kitô ngõ hầu Người có thể sử dụng theo kế hoạch của Thiên Chúa và biến nó trở nên một tuyệt tác.” (XPL 22).
Đức tuân phục cũng là chứng tá về sự khiêm nhường thẳm sâu và sự hiệp thông trong cộng đoàn. Nếu như thánh Biển Đức đã trình bày về đức vâng phục trong tương quan với đức khiêm nhường và các nhân đức khác, thì thánh Basiliô và thánh Đa Minh lại đề cao tính hiệp thông và bác ái của lời khấn này.
Đức tuân phục cũng làm chứng về sự tự do đích thực của con cái Chúa, khi con người được giải thoát khỏi mọi ràng buộc khiến họ xa rời ý Chúa. Lời khấn tuân phục vì thế phải được hiểu như là “lắng nghe” và “thi hành” thánh ý của Thiên Chúa, cả dưới góc độ cá nhân cũng như tập thể. Qua việc tìm kiếm và thi hành ý Chúa, người thánh hiến tìm được tự do đích thực và tìm thấy con đường tốt nhất để thực hiện và tăng tiến sự tự do đích thực đó. Vì chính qua vâng phục, họ tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời, là thi hành ý muốn cứu độ của Ngài trên đời mình, là tháp nhập ý mình vào ý Chúa, hiệp nhất với cộng đoàn để thực thi cùng một chứng tá và cùng một sứ vụ trong tinh thần con thảo với Chúa và hiệp thông huynh đệ với anh chị em mình (x. TH 91-92).
2.2. Chứng tá của đời sống chung và sứ vụ tông đồ
Tuy ba lời khuyên được coi như cốt yếu cho đời sống thánh hiến, thực tế còn cho thấy những yếu tố quan trọng khác mà đôi khi được gọi là “lời khấn thứ tư”. Đó trước hết là đời sống chung huynh đệ trong cộng đoàn và sứ vụ tông đồ đặc trưng tuỳ theo đặc sủng mỗi tu hội. Đời sống cầu nguyện, mối tương giao huynh đệ, những tiếp xúc và những công việc họ thực hiện luôn là những chúng từ sống động để diễn tả khuôn mặt Chúa Kitô cầu nguyện, rao giảng, bác ái, nhân từ, chữa bệnh, phục vụ... Đó chính là chứng từ cuộc sống mà các tu sĩ được mời gọi đem đến cho thế giới.
“Chứng từ bằng đời sống trở nên điều kiện quan yếu hơn bao giờ hết để đạt đến hiệu quả thực sự trong việc rao giảng. Điều này thật chính xác là vì chính chúng ta, trong một nghĩa nào đó, chịu trách nhiệm về sự tiến triển của Tin Mừng mà chúng ta loan báo [...]. Chúng tôi kêu gọi các tu sĩ, những chứng nhân của một Giáo Hội được kêu gọi nên thánh, chính anh chị em được mời gọi sống một đời sống sinh hoa kết trái các mối phúc thật của Tin Mừng [...]. Nhiệt tình rao giảng Tin Mừng của chúng ta phải bắt nguồn từ một đời sống thánh thiện thực sự, và, như Công đồng Vaticanô II đã khuyến khích, việc rao giảng phải giúp cho nhà rao giảng lớn lên trong sự thánh thiện, một sự thánh thiện được nuôi dưỡng bởi đời sống cầu nguyện và trên hết là lòng yêu mến Thánh Thể [...]. Thế giới đòi hỏi và mong đợi nơi chúng ta tinh thần đơn sơ trong cuộc sống, tinh thần cầu nguyện, lòng bác ái dành cho mọi người, nhất là cho những người yếu thế và nghèo khổ, lòng vâng phục và khiêm nhu, tinh thần siêu thoát và xả kỉ. Không có những dấu chỉ thánh thiện đó, lời rao giảng của chúng ta khó lòng mà đụng chạm đến tâm hồn của con người thời nay”.
3. CHỈ DẪN CỦA HUẤN THỊ XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ
Như một văn bản có tính cách rà soát kiểm điểm lại việc đón nhận và thực thi tông huấn Đời sống thánh hiến (XPL 3), huấn thị đưa ra những chỉ dẫn có tính cách khá cụ thể. Phần IV bàn về việc “làm chứng cho tình yêu”, như tung ra một “hướng mở” cho đời thánh hiến, sau khi đã nhìn ngắm đời thánh hiến dưới góc cạnh thần học, tu đức (phần I & III) và góc cạnh của những thách đố đương đại (phần II). Quả vậy, huấn thị đã soi vào góc cạnh mục vụ tông đồ để mở ra viễn tượng truyền giáo khi “muốn đồng hành với các người thánh hiến trên các nẻo đường của thế giới, nơi Đức Kitô đã đi qua và hôm nay vẫn còn hiện diện, nơi Giáo Hội công bố Người như là Đấng Cứu tinh của thế giới, nơi sự sống Ba Ngôi toả lan sự hiệp thông trong một sứ mạng mới” (XPL 4). Thực ra, ý hướng đó đã được hé mở ngay từ những dòng đầu tiên của Huấn thị, khi nối kết dòng suy tư của mình với hai văn kiện chính yếu có ảnh hưởng xuyên suốt Huấn thị là tông huấn Vita Consecrata và Tông thư Novo Millennio Ineunte:
“Khi chiêm ngưỡng khuôn mặt vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh và làm chứng cho tình yêu của Người trong thế giới, những người thánh hiến hân hoan đón nhận lời mời gọi cấp thiết của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới” “Duc in altum!” (Lc 5,4)” (XPL 1).
Lời mời gọi ra khơi đó như đang thắp lên một ngọn lửa hy vọng tươi mới cho Giáo Hội trong buổi bình minh của ngàn năm mới, một Giáo Hội “khao khát sống Tin mừng nhiệt thành hơn, và mở rộng những chân trời đối thoại và truyền giáo” (XPL 1).
Lời mời gọi đó cấp bách hơn bao giờ hết bởi vì:
- Cần một trợ lực cho một nhân loại đang khát tình yêu vì sống trong thảm kịch của sự hận thù và chết chóc, của những ảnh hưởng tiêu cực đến từ tiến trình “toàn cầu hoá” và nỗi bất an và lo sợ, tội ác và bạo lực, bất công và chiến tranh: “Thế giới hôm nay đang chờ mong các người thánh hiến phản ánh cụ thể cách thức hành động của Đức Giêsu, tình yêu Người dành cho mỗi người không phân biệt và hạn chế”.
- “Chiều kích ngôn sứ” của người thánh hiến cần được hoán cải và kín múc một sinh lực mới để xứng đáng với vai trò cao cả là “giáo dục toàn thể Dân Thiên Chúa”.
- Đã đến lúc cần thổi bùng lên ngọn lửa chiếu toả chứng tá thánh thiện và bác ái nơi những người thánh hiến để “tình yêu Chúa Kitô sẽ được chứng thực giữa mọi người”.
- Sự xuất hiện những hình thức và tổ chức thánh hiến mới do ân sủng của Thánh Thần cần mang lại một “đà tiến mới trong lối sống kitô hữu, biến nó thành sức mạnh gợi hứng và thúc đẩy cho cuộc hành trình đức tin”.
Có thể tóm kết những gợi ý của Huấn thị trong việc làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô qua những điểm chính: hiệp thông, rao giảng, phục vụ và đối thoại.
3.1. Chứng tá đến từ đời sống hiệp thông (XPL 33-34)
Đây là chứng tá đầu tiên huấn thị nhấn mạnh: chứng tá đời sống. Chứng tá trước hết không đến từ hiệu năng công việc mà đến từ chính đời sống, nhất là sự hiệp thông giữa các thành viên, tình bác ái sẻ chia, đồng cảm và đồng thân phận với người nghèo khổ: thăng tiến nhân vị, sống liên đới với những ai đau khổ, giúp đỡ chia sẻ chân thành.
Ở đây, đời sống hiệp thông được coi như là “sứ điệp đầu tiên của đời sống thánh hiến, bởi vì đó là dấu chỉ hữu hiệu và sức mạnh có tính thuyết phục dẫn đến niềm tin vào Đức Kitô”, đến nỗi có thể nói “hiệp thông chính là truyền giáo”, vì hiệp thông phát sinh hiệp thông, thúc đẩy tiến trình bước theo Chúa Kitô và lan toả tình yêu Ngài cho thế giới. Vì thế, cần xây dựng một “linh đạo hiệp thông” nơi các tu sĩ.
Sự hiệp thông đó phát sinh bác ái nhất là “cụ thể hoá tình yêu đối với người nghèo, như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Tông thư Novo Millennio Ineunte:
“Thế kỷ và thiên niên kỷ mới đang bắt đầu cần thấy, và ước mong sao thấy rõ ràng hơn, mức độ cống hiến mà cộng đoàn kitô hữu thể hiện trong việc bác ái đối với người nghèo túng nhất. Nếu chúng ta thật sự xuất phát lại từ việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, chúng ta phải biết nhận ra Người nhất là qua khuôn mặt của những người mà Người muốn đồng hoá: tôi đói và anh em đã cho tôi ăn, tôi khát, anh em đã cho tôi uống, tôi là khách lạ và anh em đã tiếp đón, tôi trần truồng và anh em đã cho tôi mặc, tôi ở tù và anh em đã đến thăm (Mt 25,35-36)”.
3.2. Chứng tá đến từ đời sống rao giảng
- Loan báo Tin Mừng (XPL 37):
Đây được coi như là “nhiệm vụ đầu tiên” mà người thánh hiến cần nhiệt tâm đảm nhận. Loan báo Tin Mừng ở đây hiểu là “loan báo Đức Kitô cho mọi người” nhất là “số đông những người chưa biết Chúa”. Huấn thị nhấn mạnh rằng sứ vụ này đang chỉ ở bước khởi đầu, nên cần phải tận tâm tận lực thi hành.
Sứ vụ này đòi hỏi sự cộng tác và tinh thần thích nghi hội nhập để “Kitô giáo trong ngàn năm thứ ba sẽ mang dáng dấp của một khuôn mặt bao gồm nhiều nền văn hoá và các dân tộc”.
- Truyền bá sự thật (XPL 39):
Huấn thị nêu ra hai lãnh vực quan trọng cần truyền bá sự thật: giáo dục và văn hoá.
Trong lãnh vực giáo dục, người thánh hiến được mời gọi làm chứng qua việc đem đến “sự hiện diện đủ tư cách” của mình theo tinh thần Mầu nhiệm Nhập thể, vươn tới “con người mới” trong Đức Kitô (Ep 4,24; x. Cl 3,10). Đây là điều trong tầm tay nhờ những ân huệ Thánh Thần, nhờ ánh sáng có được do việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và thực hành phân định, nhờ gia sản phong phú của truyền thống giáo dục được tích lũy trong tu hội... Ngoài ra, việc xây dựng một môi trường giáo dục nhân bản và thấm nhuần Tin Mừng cũng là điều được khuyến khích và là một chứng từ sáng giá hôm nay.
Trong môi trường văn hoá, người thánh hiến được mời gọi nỗ lực hoạt động để phúc âm hoá văn hoá, nhất là trong những lãnh vực mới như khuyến học, truyền thông, đối thoại đa chiều... hầu xây dựng một nền văn minh tình thương, một nền văn hoá sự sống.
3.3. Chứng tá đến từ đời sống phục vụ
- Phục vụ người nghèo (XPL 35):
Lãnh vực phục vụ của người thánh hiến là toàn thể thế giới, nhưng ưu tiên nhất vẫn là phục vụ những người nghèo khổ, về vật chất cũng như tinh thần như “thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tình trạng nghiện ngập ma túy, sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay vì bệnh tật, sống bên lề xã hội hay việc phân biệt đối xử trong xã hội.”
- Phục vụ phẩm giá con người (XPL 35):
Đây là nhiệm vụ hàng đầu của truyền giáo khi phải đối diện với một xã hội phi nhân hoá, nhẫn tâm chà đạp lên các quyền lợi của con người.
Trong bối cảnh đó, “với năng động của bác ái, tha thứ và hoà giải, những người thánh hiến đấu tranh cho công lý để xây dựng một thế giới mở ra những cơ hội mới và tốt hơn để cải thiện cuộc sống và phát triển cá nhân.” Huấn thị còn đưa ra chỉ dẫn cụ thể là “để việc tham gia đấu tranh đạt hiệu quả, cần phải có tinh thần của người nghèo, được thanh luyện khỏi tư lợi, sẵn sàng phụng sự hoà bình và bất bạo động với tinh thần liên đới và đầy lòng thương cảm đối với những ai khốn khổ”.
Huấn thị cũng đề cao sứ vụ này khi khẳng định rằng “sẵn sàng trả giá cho việc bách hại, vì hiện nay nguyên nhân của tử đạo thường là sự đấu tranh cho công lý vì muốn trung thành với Tin mừng.”
- Phục vụ sự sống (XPL 38):
Lời mời gọi này trước hết nhằm đến các tu sĩ thầy thuốc, nhất là nữ tu đang hoạt động trong lãnh vực y tế, một lãnh vực liên quan trực tiếp đến sự sống. Sứ vụ của họ là “biểu lộ lòng thương xót của Đức Kitô” qua việc gần gũi, cảm thông, tạo bầu khí nhân đạo và tin tưởng, để xoa dịu niềm đau nỗi khổ của các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo khổ và bị bỏ rơi.
Cách rộng hơn, những người phục vụ trong những môi trường liên quan đến sự sống, được mời gọi hãy khéo léo trình bày những lý lẽ của lập trường Kitô giáo, qua việc “giải thích và bảo vệ các giá trị bắt nguồn từ chính bản tính con người”. Chứng tá như thế đến từ việc chia sẻ sự hiểu biết về sự ưu việt của hồng ân sự sống và mời gọi mọi người cùng góp tay xây dựng nền văn hoá sự sống, đẩy lùi nền văn minh chết chóc đang hoành hành trong đời sống con người hiện thời.
- Phục vụ “trong sự sáng tạo của đức ái” (XPL,36):
Trong ý thức rằng phục vụ trong tinh thần bác ái là “biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho thế giới”, người thánh hiến cần lưu tâm đến sự “trung thành có sáng tạo”, một sự sáng tạo “từng làm phát sinh hàng ngàn khuôn mặt bác ái và thánh thiện dưới các hình thái đặc thù”, một sự sáng tạo cần phải được tiếp nối dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm nảy nở những hình thái mới của tình yêu hầu đáp ứng các nhu cầu mới của thời đại.
Huấn thị gợi ý những nhu cầu mới của thời đại chúng ta: đồng hành và đồng thân phận với người nghèo, người cao niên, người nghiện ngập, những người đau khổ vì bệnh Aids, những người tha hương đang gánh chịu mọi thứ cực hình vì sống trong hoàn cảnh đặc biệt, cảnh buôn bán phụ nữ và bắt trẻ em làm nô lệ (bị lạm dụng, bị ngược đãi, bị bỏ rơi hay bị cưỡng bức tòng quân...).
Huấn thị đi xa hơn khi mời gọi giải quyết “căn nguyên” hầu nhổ tận gốc gây ra cái nghèo: những mô hình xã hội bất công, tham vọng cá nhân hoặc phe nhóm, sự dửng dưng vô tâm của nhiều người, những cơ cấu tội ác...
Huấn thị cũng không quên nhắc nhở các tu sĩ về tình liên đới, sự cộng tác với dân chúng, nhạy bén với thời cuộc và nhạy cảm với các vấn đề của dân chúng. Đồng thời, trong khi luôn gia tăng các sáng kiến, các tu sĩ cũng nên biết làm việc có phương pháp với những chương trình mục vụ và kế hoạch truyền giáo khoa học, để hành động một cách có trật tự và hiệu quả hơn là tùy tiện.
3.4. Chứng tá qua đối thoại
Đối thoại và hợp tác là đường hướng của một Giáo Hội mở ra với thế giới do Công đồng Vaticanô II đề xướng. Đối thoại mở rộng chân trời bao la cho sự hiện diện và sứ vụ của Giáo Hội nói chung và của những người thánh hiến nói riêng. Theo Chúa Kitô, “đời sống thánh hiến không chỉ hài lòng sống trong Giáo Hội và cho Giáo Hội” mà vươn tới các Giáo Hội Kitô khác, các tôn giáo khác và cả những người không tôn giáo nữa (XPL 40).
- Đối thoại đại kết (XPL 41):
Mục tiêu của đối thoại là hướng tới “mọi người”, nhưng trước tiên nhằm đến những người cùng niềm tin Kitô. Người thánh hiến cộng tác cách đặc biệt vào công trình đối thoại này qua việc gia tăng cầu nguyện và hoán cải, nhất là đọc và suy niệm Lời Chúa (lectio divina), làm chứng thật sự cho Tin mừng, xây dựng tình bằng hữu, bác ái và cộng tác trong những sáng kiến chung để phục vụ và làm chứng, nỗ lực tìm hiểu lịch sử, giáo thuyết, phụng vụ và những hoạt động bác ái tông đồ của các Giáo Hội Kitô khác.. .
- Đối thoại liên tôn (XPL 42):
Đối thoại với anh chị em thuộc các tôn giáo khác đòi hỏi chứng tá sống động của Tin Mừng và sự tự do tinh thần khỏi mọi ràng buộc của thành kiến, nghi kị, chia rẽ. Huấn thị nhắc lại một vài phương tiện đặc biệt mà Tông huấn Vita Consecrata đã đề ra: hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tình bạn thiết tha và sự chân thành hỗ tương đối với các cộng đoàn tu trì của các tôn giáo khác, cùng hợp tác để quan tâm đến đời sống con người, cảm thông với những ai đau khổ về mặt thể lý cũng như tinh thần, cùng nhau dấn thân vì hoà bình, công lý và bảo toàn sinh thái, thăng tiến phẩm giá người phụ nữ...
- Đối thoại với những người không niềm tin tôn giáo (XPL 43):
Đối thoại bằng đời sống và sẵn sàng “trở nên những đối tác đặc biệt trong công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa”: gặp gỡ trao đổi, tình thân ái, tinh thần bác ái phục vụ, nhất là “niềm nở đón tiếp và nâng đỡ tinh thần những người khao khát Thiên Chúa và ước muốn sống những đòi hỏi của đức tin, khi họ tìm đến”.
Đối thoại bằng việc lắng nghe và chia sẻ các kinh nghiệm thiêng liêng, can đảm nói về đức tin như là “cơ hội để hân hoan loan báo về ân huệ dành sẵn cho mọi người” mà vẫn “hết sức tôn trọng tự do mỗi người, ân huệ đó là mặc khải về Thiên Chúa, Đấng ‘yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một (Ga 3,16)’”.
Đối thoại trong tư thế biết khiêm tốn đón nhận để có thể thu lượm được những hạt giống của Lời Chúa nơi các truyền thống văn hoá và tâm linh khác.
3.5. Chứng tá trong những thách đố mới
- Thách đố đến từ chủ nghĩa tiêu thụ và duy lợi nhuận: khủng hoảng sinh thái, hố ngăn cách giàu nghèo, chiến tranh, khủng bố. Thách đố này mời gọi người thánh hiến tái khám phá và làm sáng lên nét đẹp của các giá trị Tin Mừng như nghèo khó, khiết tịnh và phục vụ.
- Thách đố đến từ những hình thức chà đạp quyền con người, mời gọi người thánh hiến “có một sự dấn thân đặc biệt với một vài khía cạnh triệt để của Tin Mừng”, như cổ võ việc tôn trọng sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết, làm dậy men Tin Mừng các thực tại xã hội và chính trị, làm “muối và ánh sáng” trong những hoàn cảnh không thuận tiện...
4. LÀM CHỨNG TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY
Với tiêu đề “Sống đạo hôm nay”, Lá Thư MụcVụ của HĐGM Việt Nam năm 2006 đã viết: “Sống trong đất nước đang có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người mới”. Như vậy, đường hướng của Giáo Hội Việt Nam là: (1) sống đức tin trưởng thành; (2) dấn thân phục vụ; (3) xây dựng con người mới. Đó là trách nhiệm sống đạo thật quan trọng, liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa, một trách nhiệm làm nên phẩm giá của đời tín hữu, một phẩm giá được thể hiện rõ nét nhờ nỗ lực nên thánh và trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.
Với người thánh hiến thì sao? Đâu là những chứng tá mà người thánh hiến có thể trao tặng hôm nay, tại Việt Nam? Chắc chắn cũng cần một đời sống nhân bản, đức tin và tu đức trưởng thành, một sự dấn thân tích cực hơn trong sứ vụ tông đồ truyền giáo, một nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc nên thánh và làm chứng cho tình yêu Chúa.
4.1. Làm chứng bằng đời sống trưởng thành
Sự trưởng thành này từng được hiểu như là trưởng thành nhân bản, trưởng thành đời tu và trưởng thành về đời sống thánh hiến. Theo Paolo Provera thì bản tính của sự trưởng thành đó là “sống đời tu một cách sáng suốt đầy đủ và với một thiện chí hoàn toàn”.
Đó là một thực tại bao trùm tất cả (ba lời khấn, đức ái, đời sống chung, các mối liên hệ), nhưng được đạt đến một cách tiệm tiến qua những nguyên động lực là Thiên Chúa, kinh nghiệm, trí năng và ý chí. Có người nhìn dưới góc cạnh khác thì đó không chỉ là trưởng thành nhân bản (thể lý, tâm lý, tình cảm) mà còn là trưởng thành tâm linh, sự trưởng thành Kitô giáo.
Công đồng đã dùng chữ “trưởng thành” lần đầu tiên theo nghĩa tâm lý, khi đòi các ứng sinh phải có “sự trưởng thành về tâm lý và tình cảm” để tuyên khấn sống khiết tịnh (x. DT 12c).
Sự trưởng thành tình cảm là quan trọng, nhưng trong đời sống thánh hiến, cần phải có một sự trưởng thành và phát triển toàn diện hơn: thể lý, tâm lý, tình cảm, trí thức và tình yêu nữa: tình yêu con cái, tình yêu huynh đệ, tình bạn, tình yêu đam mê xác thịt, tình yêu cha mẹ.
Sự trưởng thành trong đời tu là sự trưởng thành nhân vị toàn diện, được thể hiện qua các tiêu chuẩn: khả năng yêu thương và đón nhận yêu thương, khả năng can đảm đối diện và đối thoại, khả năng làm việc và cộng tác có trách nhiệm, khả năng tự lập, khả năng lấy Thiên Chúa làm trung tâm (quy Thượng Đế).
Người thánh hiến hôm nay được mời gọi đạt tới sự trưởng thành cần thiết, để có sự quân bình chín chắn trong cách suy nghĩ, cách chọn lựa và quyết định, cách phán đoán và hành động, sao cho toát lên vẻ đẹp chứng tá tươi vui và thuyết phục của đời sống thánh hiến (x. XPL 30, 46).
4.2. Làm chứng cho sự thật
Tấm gương của lương tâm sau những bụi mờ của “bệnh gian dối”, “bệnh thành tích”, sau những năm tháng luồn lách để có thể sống cái thời “lương tâm không bằng lương tháng”, sau những ảnh hưởng của “CCCP”, đã đến lúc cần được tẩy rửa và giáo dục lại. Những chuẩn mực đạo đức, bậc thang giá trị, đạo làm người, đạo làm con Chúa xem ra mờ nhạt và chìm lắng dần trước cái chói chang ồn ào của thời kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, người thánh hiến được mời gọi để đưa ra cái gì là “thật”, là “đích thực”, “tinh ròng”, “nguyên tuyền”, “chính cống”, qua những nhân đức tự nhiên như thành thật, công bằng, tôn trọng của chung và của cải người khác, kính trọng nhân phẩm, danh dự, giữ lời hứa, nhân từ, tin tưởng …
Nói theo ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Thái Hợp là phải chống lại năm đứa con hư: “con người tiểu kỉ” ngày xưa cùng với hai đứa con hư của thời bao cấp là “thói đạo đức giả” và “vô trách nhiệm”, hai đứa con hư của cơ chế thị trường hoang dã là “nóng ruột kiếm tiền” và “cắm đầu hưởng thụ”; đồng thời, phát triển nhũng đứa con ngoan rút tỉa và hấp thụ tinh hoa từ đạo đức truyền thống và tiếp thu, gạn lọc những giá trị của văn minh tiến bộ. Hay nói cách khác theo tác giả Nguyễn Ngọc Sơn là “xây dựng con người mới, ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức […], có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời”.
4.3. Làm chứng qua đối thoại và hợp tác
Ngày nay ai cũng thấy đối thoại và hợp tác là cần thiết. Đối thoại không chỉ giúp đôi bên thoát ra khỏi tình trạng đối đầu, chiến tranh, hận thù… mà còn giúp nhau phát triển trong hoà bình, trật tự và nhân ái. Kế thừa đường hướng của Vaticanô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu và các tài liệu của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Châu Á cũng khẳng định tầm quan trọng lớn lao của đối thoại và hợp tác. Theo đó, cần xây dựng một linh đạo Á Châu cho việc sống và loan báo Tin Mừng, nhất là trong lãnh vực đối thoại ba chiều: với các tôn giáo, các nền văn hoá (hội nhập văn hoá) và thăng tiến người nghèo. Trong bối cảnh Việt Nam, thiết tưởng chúng ta cần xây dựng một “linh đạo đối thoại” với việc lưu ý đặc biệt những điểm sau:
- Phát huy những đức tính quý báu của người Việt: nhẹ nhàng kín đáo, khiêm hạ nhường nhịn (một điều nhịn, chín điều lành; kính trên nhường dưới), hiếu hoà (dĩ hoà vi quý), tương thân, tương ái (lá lành đùm lá rách), niềm nở, hiếu khách … Nói theo linh mục Kim Định đó là triết lý Việt (siêu việt): Minh Triết và Thái Hoà.
- Tiếp thu tinh hoa của văn hoá cổ truyền cách gạn lọc và thích ứng: nhân cách, phẩm giá của con người quân tử (tứ hải chi nội giai huynh đệ giã, hoà nhi bất đồng, nhân lễ nghĩa trí tín…), tu thân xử thế (tam cương, ngũ thường; tam tòng tức đức; trung, thời; chính danh, ngôn thuận, hành thiện), tâm học của Nho giáo (định, tĩnh, an, lự; trí tri, cách vật); Đạo đế (bát chánh đạo), tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo; Vô vi (nghĩa tích cực), tu tâm dưỡng tính, tự nhiên, minh đức, huyền đức của Đạo giáo…
- Xây dựng một linh đạo về đối thoại theo tinh thần của Tin Mừng nơi khung cảnh Á Châu (Redemptoris Missio 87-91: Linh đạo truyền giáo; Ecclesia in Asia chương V: Hiệp thông và đối thoại để truyền giáo): luôn tin tưởng và tuân theo sự soi sáng và hướng dẫn của Thánh Thần; thấm nhuần điều răn yêu thương của Chúa Kitô; yêu thương, tôn trọng và biết lắng nghe (MV 28, 78; TG 11; LB 53; Ecclesia in Asia, số 31), làm chứng và biết phục vụ (MV 12; TG 11-12), chân thành cởi mở và cảm thông chia sẻ, hợp tác và cộng tác (MV 91; TG 15, 85, 88; Nostra Aetate, số 2; Ecclesia in Asia, số 42), nhất là linh đạo về khổ hạnh, cầu nguyện và chiêm niệm vốn rất được ưa chuộng tại Á Châu và Việt Nam (X. Ecclesia in Asia, số 23).
4.4. Làm chứng qua việc cỗ võ và huấn luyện tình yêu thương, hoà giải, bao dung
Chiến tranh hận thù đã để lại cho Việt Nam một vết thương rỉ máu. Hận thù chia rẽ giữa lương với giáo, cộng sản với quốc gia, bắc với nam, … vẫn như con ma đói ám ảnh đất nước sau hơn 30 vắng bóng chiến tranh. Hay nói theo một tác giả khác thì đó không là vết thương mà “là khối u mà thời gian không hề là phép mầu. […] Làm sao hoà giải nếu không có sám hối và tha thứ?”.
Vì vậy, cần “nỗ lực tối đa góp phần vào công cuộc hòa giải và hòa hợp dân tộc, phát động tình thương, sự hiểu biết, lòng tha thứ và quảng đại [...]. Quan trọng là biết hướng về tương lai, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, một xã hội tiến bộ, công bình, giàu tình thương”. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi thực sự “chữa lành ký ức” và thấm nhuần điều răn Đức Ái, yêu thương khoan thứ của Tin Mừng. Sự sám hối và hoà giải cần có từ hai phía. Trong khi vẫn tôn trọng sự thật lịch sử, phân biệt rõ giữa Tổ Quốc, Quê Hương, lợi ích chung của cả dân tộc trong tương quan với ảnh hưởng của ĐCSVN, người Công giáo cũng nhìn nhận và sám hối về phần mình. Như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ nỗi đau xót sâu xa về những lần người tín hữu đã sử dụng bạo lực để bảo vệ chân lý, một hành động hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng của Đức Kitô, chúng ta cũng cần bình tâm sám hối và canh tân để không bao giờ lấy ác báo ác, lấy hận thù chống lại hận thù, mà biết “lấy sự thiện thắng sự ác”, “lấy đức báo oán”, lấy yêu thương tha thứ để chữa lành đau thương hận thù, hầu trở thành khí cụ yêu thương và hoà bình đích thực của Chúa.
4.5. Làm chứng qua việc đối thoại ba chiều: với các tôn giáo, với người nghèo và với các truyền thống văn hoá.
Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu theo đường hướng của Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). Đối thoại ba chiều thậm chí được coi là “cách thế hiện diện mới của Giáo Hội Á châu, thúc đẩy cảm thông, hoà bình và hợp tác”. Dĩ nhiên, đây cũng là điều cần thiết cho các tu sĩ, nhất là trong việc tìm “trung thành trong sáng tạo”, tức là tìm kiếm một “cách thế hiện diện và phục vụ” mới trong khi vẫn trung thành với căn tính và sứ vụ của mình.
Trong bối cảnh Việt Nam, các giám mục cũng cho thấy mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội là đối thoại, nhất là đối thoại với dân chúng, với các thực tại tôn giáo, chính trị và xã hội. Các Giám mục Việt Nam cũng đề cao sự cấp thiết và quan trọng của việc hội nhập văn hoá. Trong Lá Thư Mục Vụ năm 2003, các Giám mục đưa ra các đề nghị cho tiến trình đó: Đối thoại như là phục vụ trong yêu thương, bằng hành động cụ thể như cầu nguyện, thăm viếng, trao đổi, liên đới và chia sẻ với người nghèo, người bệnh, người bị bỏ rơi. Đối thoại liên tôn: qua các thăm viếng, tiếp xúc hàng ngày, cộng tác giải quyết các vấn đề chung như công ích, công lý, hoà bình, giáo dục đạo đức, thăng tiến con người, chia sẻ kinh nghiệm tâm linh, cầu nguyện chung, chia sẻ kiến thức tôn giáo. Xây dựng nền Thần học đối thoại: Dùng các ý niệm và cách diễn tả Á đông và Việt Nam để trình bày nội dung đức tin, “không chỉ bằng lòng với việc chuyển ngữ hoặc chuyển dịch” mà thôi. Cần tìm những “hạt giống của Lời” và những mảnh chân lý trong các truyền thống tôn giáo và văn hoá địa phương.
************
Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 47 (25/4/ 2010) cũng mang chủ đề liên quan đến “chứng tá”: Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi. Ơn gọi hoàn toàn đến từ sáng kiến của Thiên Chúa nhưng cũng “được trợ giúp bởi phẩm chất và bởi sự phong phú của chứng tá cá nhân và cộng đoàn của những người đã đáp trả lại tiếng gọi của Chúa trong thừa tác vụ linh mục và trong đời sống thánh hiến”. Chứng tá nơi người thánh hiến có thể khơi dậy những đáp trả quảng đại khác trước lời mời gọi của Chúa Kitô.
Theo đó, các linh mục và tu sĩ thánh hiến cần “mang lửa trong tim” (x. Gr 20, 9), sẵn sàng không chỉ phục vụ Chúa để phục vụ Chúa bằng lời nói, nhưng còn bằng tất cả các phương diện của cuộc sống của họ nữa, noi gương Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người không phân biệt, với sự quan tâm ưu tiên dành cho những người bé mọn nhất, những người tội lỗi, những người sống bên lề xã hội, những người nghèo khổ.
Đó chính là chứng từ mà Giáo Hội mong đợi nơi người thánh hiến: trở nên chứng nhân đích thực của tình yêu Thiên Chúa. Điều đáng tiếc là công cuộc truyền giáo nói chung và sự vụ làm chứng nói riêng dường như còn dậm chân tại chỗ. Theo một thống kê mới đây thì 98% linh mục Á châu và 95% linh mục Việt Nam không quan tâm tới người không Kitô giáo! Những dòng nhật ký của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu thật nhẹ nhàng mà thấm thía: “Xóm đạo của con chỉ cách xóm ngoại bằng một con đường đất nhỏ hẹp đến độ hai con trâu đi ngược chiều phải cọ sườn vào nhau. Vậy mà hai xóm có hai nền văn hoá khác nhau như hai dân tộc […]. Bởi vậy từ ngày có trí khôn cho tới bây giờ, con chưa thấy một người ngoại nào theo đạo của Chúa. Chẳng bao giờ con thấy cha xứ than phiền về điều đó. Đức Giám mục cũng chẳng bao giờ phiền trách ngài về điều đó.
Tin Mừng của Chúa đã vón cục lại trong giáo xứ. Giáo xứ là cái ghetto quản thúc Tin Mừng. Nó là cái pháo đài ngạo nghễ để biến chúng con thành những người tự cao tự đại trước mắt người lương dân.
Lạy Chúa, đến bao giờ chúng con mới nói được với giáo xứ lời này:
‘Chúng tôi còn phải đi loan báo Tin Mừng tại các thành khác nữa. Chính vì thế mà chúng tôi đã được sai đến’”.
Với con số tu sĩ và ơn gọi dồi dào, Giáo Hội Việt Nam chắc hẳn mong đợi rất nhiều nơi các thành viên đặc biệt này. Chính họ chứ không ai khác sẽ là thành phần chủ chốt làm nên “mùa hiện xuống mới” cho Giáo Hội hình chữ S thân yêu này. Điều đó, trước hết tuỳ thuộc vào đời sống chứng tá khả tín và thuyết phục mà họ đưa ra. Chỉ khi sống triệt để ơn gọi thánh hiến, làm chứng cho tình yêu tuyệt đối và vô biên của Thiên Chúa, họ mới có thể góp phần hữu hiệu như kỳ vọng đó của Giáo Hội.
Quả thực, đời thánh hiến cho thấy các mối phúc Tin Mừng không phải là một giáo thuyết trừu tượng. Chứng tá hàng ngày của đời sống các mối phúc nơi người thánh hiến là bằng chứng cho thấy một Nước Trời đang bắt đầu hiện diện, đang lớn lên và biến cải thế giới này.
Đó là nỗ lực của con người, nhưng là một nỗ lực mở ra cho Thánh Thần, Đấng là tác nhân chính của công cuộc truyền giáo (RM, chương III). Chính Thánh Thần sẽ thổi lên ngọn lửa tình yêu và nhiệt thành, để nơi mỗi người thánh hiến, người ta có thể nhận ra sự hiện diện sống động và đầy yêu thương của Thiên Chúa.
ĐỀ TÀI GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Đâu là chứng tá “khả tín và thuyết phục” mà người thánh hiến có thể trao tặng cho dân tộc Việt Nam hôm nay?
2. Những yếu tố nào là quan trọng để đào tạo những chứng nhân đích thực?
3. Đức ái là “linh hồn” của đời thánh hiến.
CÁC CHỮ VIẾT TẮT:
CN: Bản đức kết “Chiều kích chiêm niệm của đời tu”, khoá họp khoáng đại 4-7/3/1980 của Bộ Tu sĩ.
CT: Tông huấn “Chứng tá Phúc Âm” (Evangelica testificatio), ĐTC. Phaolô VI, 29-06-1971.
DT: Sắc lệnh về canh tân thích nghi Dòng tu (Perfectae Caritatis: Đức ái trọn hảo) của Công Đồng Vaticanô II, 28-10-1965.
GH: Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium: Ánh sáng muôn dân) của công đồng Vaticanô II, 21-11-1964.
GL: Bộ Giáo Luật 1983.
HA: Tông huấn “Hồng ân cứu chuộc” (Redemptionis donum), ĐTC. Gioan Phaolô II, 25-03-1984.
HĐ: Huấn thị “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn”, 02-02-1994.
HL: Huấn thị “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các dòng tu” (Potissimum institutioni), 02-02-1990.
LB: Tông huấn “Loan báo Phúc Âm” (Evangelii nuntiandi), Đức Phaolô VI, 08-12-1975.
LH: Các liên hệ hỗ tương giữa Giám Mục và tu sĩ trong Giáo Hội (Mutuae relationes), 14-5-1978.
MV: Hiến chế Mục Vụ (Gaudium et Spes) của Công Đồng Vaticanô II, 07-12-1965.
RC: Huấn thị “Renovationis causam”, Bộ Tu Sĩ, 06-1-1969.
RM: Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Missio) của ĐTC. Gioan Phaolô II, 07-12-1990.
TG: Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad Gentes) của Công Đồng Vaticanô II, 18-11-1965.
TH: Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám Mục về đời thánh hiến (Vita consecrata), Gioan Phaolô II, 25-03-1996.
TT: Tu sĩ và việc thăng tiến con người, 12-08-1980.
XPL: Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Tông Đồ, 19-5-2002.
YT: Văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu”, 31-5-1983.
CHÚ THÍCH:
A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 32-33.
X. E. GAMBARI, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, Mathias M. Ngọc Đính chuyển ngữ, Năm Thánh 2000, tr. 116.
X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, Rôma 1993, tr. 391; J. C. G. PAREDES, Teologia de la Vida Religiosa [Thần học về Đời Tu], bản dịch tiếng Anh “Theology of Religious Life: From the Origins To Our Days” được Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ sang tiếng Việt, “Đời tu xưa và nay”, 2007, tr. 122-124.
X. J. C. G. PAREDES, Idem, bản dịch Việt ngữ, tr. 162.
X. D. MONGILIO, “Carità” [Đức Ái], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 184.
X. D. MONGILIO, “Carità” [Đức Ái], tr. 184-185.
X. Ibidem, tr. 186-187.
X. Ibidem, tr.186.
X. CÔNG ĐỒNG ORANGE II, can. 12, Denz. 382.
X. D. MONGILIO, “Carità”, tr.186.
X. Ibidem, tr. 193-194.
TÔMA AQUINÔ, Suma Theologia IIa-IIae, q. 24, a. 9, c, 2m, 3m.
D. MONGILIO, “Carità” [Đức Ái], tr. 184-205.
BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI CÁC TÔNG ĐỒ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 22.
X. PHAOLÔ VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), số 41; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris missio), số 42; Tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia in Asia), số 42.
J.- O. TUÍII VANCELLS, “Testimonianza” [Chứng từ], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994,1739-1740.
X. K. RAHNER, Religious life Today, Burns & Oates, London 1976, tr. 9.
X. S. M. SCHNEIDERS, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, Paulist Press, New York/Mahwah 1986, tr. 93-94; G. SEBASTIAN, Religious And Mission Ad Gentes according to the Missionary Documents of the Universal Church from Maximum Illud to Vita Consecrata, Romae 2000, tr. 2.
X. D. O’MURCHU, Religious Life: A Phrophetic Vision, Hope and Promise for Tomorrow, Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana 1991, tr. 174; G. SEBASTIAN, sđd, tr. 3.
X. S. M. SCHNEIDERS, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, tr. 101; G. SEBASTIAN, sđd, tr. 3.
X. TH, số 87; J. M. R. TILLARD - A GOSPEL PATH, The Religious Life, chuyển ngữ bởi Prendergast, Lumen Vitae, Washington 1975, tr. 86, Sebastian George, sđd, 3-4.
X. L. BOFF, God’s Witness in the Heart of the World, Claret Centre for Resources in Spirituality, Chicago 1981, tr. 155.
X. G. SEBASTIAN, sđd,tr. 4-5.
X. K. MÜLLER, Mission Theology, An Introduction, Steyler Verlag – Wort und Werk, Nettetal 1987, tr. 125.
X. G.SEBASTIAN, sđd, tr. 5.
X. J. M. ROVIRA ARUMÍ, “The Evangelical Counsels in the Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita Consecrata”, trong D. MORALEDA – F. TORRES – J. PINEDA (cb), From Seduction to Mission: An Asian Commentary to Consecrated Life, Claretian Publications, Philippines 1997, tr. 97.
X. S. M. SCHNEIDERS, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, 93-94. Xt. P. PROVERA, Catechismo dei voti religiosi, Bản dịch Việt ngữ của Phạm Duy Lễ, Thánh hiến cuộc đời. Giáo cương lời khấn tu trì dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II, s.e. & s.a., tr. 116-122. Xét về nghĩ vụ pháp lý thì bất di dịch, nhưng xét về động lực và lý thuyết thì lại khá đa dạng. Đàng khác, theo nghĩa rộng, khiết tịnh (castitas) là lời mời gọi cho mọi người. X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, tr. 452-462.
X. E. GAMBARI, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ, tr. 335.
Để có cái nhìn tổng thể và về đức khiết tịnh có thể xem A. A. RODRIGUEZ – J. CRISTO REY GARCÍA PAREDES – J. PUJOL I BARDOLET, “Castità” [Sự khiết tịnh], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr.213-278.
X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, tr. 482-486;
X. PHAN TẤN THÀNH, Sđd, 486-489; E. GAMBARI, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ, tr. 355-361.
TÔMA AQUINÔ, Summa Theologica II-II, q. 187, 5; q. 188, 7.
X. G. SEBASTIAN, 23-24.
Xét về phương diện thần học, đức thanh bần đặt con người trong thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa, thúc đẩy họ bước theo Chúa Kitô tự hạ, siêu thoát, giúp họ sống yêu thương liên đới qua việc chia sẻ với cộng đoàn và tha nhân, chứng tá cho sự tự do thanh thoát. Xét theo khía cạnh tu đức, khó nghèo có nghĩa là cần cù lao động, liên đới phục vụ người nghèo và sống bác ái chia sẻ. Xét theo hình thức thì có khó nghèo trong tâm tình (bình dị, không tạo ra nhu cầu giả tạo, không dính bén) và khó nghèo nghĩa chặt (khất thực, sống chung với người nghèo…). X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2, tr. 493-505.
Tông thư Chúng tá Phúc Âm số 18 nói đến năm phương thức đáp lại “tiếng kêu la của người nghèo”: (1) không liên kết với bất cứ hình thức bất công xã hội nào; (2) thức tỉnh lương tâm trước hoàn cảnh bi đảt của người cùng khổ; (3) sống và chia sẻ cái nghèo với người nghèo; (4) phục vụ người nghè; (5) sử dụng một cách tiết kiệm những của cải mình có. X. PHAOLÔ VI, Chứng tá Phúc Âm, số 17-18.
Để có cái nhìn tổng thể về đức khó nghèo có thể xem thêm V. CASAS GARDA- S. SANTIAGO GONZÀLEZ, “Povertà” [Sự khó nghèo], trong RODRIGUEZ A.A. - CASAS J.M.C. (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 1242-1283.
X. PHAOLÔ VI, Bài diễn văn trước các bề trên thượnng cấp nước Ý, ngày 12.1.1967. http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches/1967/january/documents/hf_p-vi_spe_19670112_superiore-maggiori_it.html.
“Ipsa vero non se existimet potestate dominante, sed charitate serviente” (Ep. 211; P.L. 33, 964).
X. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologica II-IIæ, q.186, 7-8.
Bối cảnh hôm nay đề cao tự do và trách nhiệm cá nhân, chủ nghĩa tự do quá trớn, chủ nghĩa tiện nghi và hưởng thụ, chú nghĩa nhân bản và tự nhiên thái quá, sự suy yếu về đức tin… đang làm cho việc thực thi đức tuân phục trở nên khó khăn. X. Essai de réflexion prospective, Paris: U.S.M.F. 1968, tr. 11-27. Được đề cập trong E. Gambari, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ 2000, tr. 391t, 487.
X. E. GAMBARI, Sđd, bản dịch Việt ngữ, tr. 392-401.
X. PHAN TẤN THÀNH, Sđd, 506-511; 515-523.
X. J. T. CULLITON, “Religious Obedience: Its ‘Grace and Sin’ History”, trong Religious Life Renewed… Formation Renewed!, Canadian Religious Conference, Ottawa 1983, tr. 123.
X. G. SEBASTIAN, Sđd, tr. 24-26.
X. PHAN TẤN THÀNH, Sđd, 529.
X. S. H. CANILANG, Đời Cầu Nguyện. Hiệp Thông và Truyền Giáo trong Đời Sống Thánh Hiến, Bản dịch của Giuse Đinh Hữu Thoại, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2003. Cuốn sách 142 trang gồm 5 phần bàn về chiều kích thừa sai của Đời sống thánh hiến qua việc tạo lập một cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ và chứng tá Tin Mừng.
Chứng từ của đời sống cầu nguyện và khổ chế, của việc thực hành các nhân đức, của việc thực thi đặc sủng của tu hội: rao giảng, giáo lý, giáo dục, bác ái, phục vụ bệnh nhân, truyền thông xã hội, phục vụ người nghèo, đối thoại liên tôn, hội nhập văn hoá, phục vụ người di dân… X. G. SEBASTIAN, Sđd, tr. 27-75.
PHAOLÔ VI, Tông thư Loan báo Tin Mừng, số 76.
X. GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, số 49.
X. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, số 100-103; BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 40-44.
HĐGMVN, Thư Mục Vụ năm 2006: Sống đạo hôm nay, số 11, Huế, ngày 08/09/2006. Khả dụng trên www.hdgmvn.org.
X. Ibidem.
X. F.X. NGUYỄN HỮU TẤN, Người tu sĩ trưởng thành, Phần 1-3, s.e., s.l., s.a.
E. PROVERA, Bản dịch Việt ngữ, tr. 259.
X. Ibidem, tr. 260-308.
S. DE FIORES – T. GOFFI (cb), Dictionnaire de la vie spirituelle, Cerf, Paris 1983. Bản dịch Việt ngữ, “Sự trưởng thành tâm linh”, trong Một con đường sống, Lưu hành nội bộ, tr. 19-25.
X. R. W. GLEASON, “Sự trưởng thành Kitô giáo”, trong M. DOLORES, et al., Creative Personality in Religious Life, Sheed and Ward, N. Y. 1962, Ngô Văn Vững chuyển ngữ: Dâng hiến sáng tạo. Đời tu dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và Tâm lý hiện đại, tr. 207-240. Phần phụ lục này không thuộc về nguyên bản, được dịch giả thêm vào để minh hoạ tốt hơn cho cuốn sách. Theo tác giả, sự trưởng thành Kitô giáo là sự “viên thành thiêng liêng và tâm lý”: quân bình tâm lý, tự lập và tự do, phán đoán tốt, tình yêu bất vụ lợi, trưởng thành tôn giáo. Ngược lại tình trạng thiếu trưởng thành là tôn giáo ma thuật, ý niệm sai lầm về bất vụ lợi, có thái độ tiêu cực trước quyền bính, chủ quan, độc đoán…
X. ĐINH ĐỨC ĐẠO, Integral Development according to the Encyclical “Populorum Progressio”. An anthropological approach to the problem viewed within a world-wide context, Academia Alfonsiana, Roma 1976, tr. 14-22; NGUYỄN THÁI HỢP, Để họ lớn lên, Đức tin & Văn hoá -2005, tr. 9, 179-208.
X. A. VÀZQUEZ, “Maturità” [Sự trưởng thành], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 950-963.
Viết tắt của chữ Liên Bang Xô Viết, bị đọc trại đi là “Của chung cứ phá, của công cứ phí”.
Các nhân đức được đề cập đên trong các văn kiện Giáo Hội. X. OP, số 3; GLGHCG, số 1804-1811.
“Tiểu kỷ” chính là cái tôi bé nhỏ, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh, não trạng khép kín, luồn cúi, khúm núm, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay xở, vun quén chút ít cho cái tôi nhỏ bé … X. TRẦN ĐÌNH HƯỢU, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hoá, in lần thứ hai, Hà Nội 1996, tr. 390-391.
X. NGUYỄN THÁI HỢP, Để họ lớn lên, tr. 15-48; LY TÂM, «Tiếng nói từ trái tim», trong LÊ NHÂN TÂM, Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tp. HCM 2004, 18-26.
“Nếu như trước đây, người Việt Nam tin vào Trời - Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám thì giờ đây, những bài học bài bác thái độ duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 30 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tín ngưỡng ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng cho đạo đức xã hội thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng! Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời.”, Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt Nam trong hoạt động xã hội, mục 2.3.4., mạng lưới Dũng Lạc, http://www.dunglac.org/index.php?m= module2&v = detailarticle&id=45&ia=635.
X. FABC, Hội nghị kháng đạt lần I: “Evangelization in Modern Day Asia”, 27 April 1974, Tapei, Taiwan, số 9, trong G.B. Rosales – C.G. Arévalo (ed), For All People of Asia, tr. 14; Tông huấn Ecclesia in Asia, số 21-40.
X. P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, preface, x; Linementa of the Asian Synod, số 33, X. Ibidem, tr. 14.
X. HỒNG KIM LINH, Người Việt, Tủ sách nghiên cứu dân tộc ngôn ngữ Hồng Lĩnh xuất bản, Paris 1984, tr. 148-165.
X. KIM ĐỊNH, Di Sản Văn Hóa Việt Nam Ðối Với Ðời Sống Hiện Ðại, Bài diễn văn phát biểu của Triết Gia Kim Ðịnh tại Hội Nghị Toàn Cầu về Triết Học lần thứ XVIII được tổ chức tại Brighton (Anh Quốc) từ ngày 21-27/08/1988, http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/kimdinh/culture.htm.
Nhiều người phê bình đây là một chủ trương miệt thị phụ nữ, trọng nam khinh nữ, là “bóng ma không trở lại”, hoặc ít ra phải tách tứ đức ra khỏi tam tòng, nhưng nếu ta biết gạn lọc và phát triển thì cũng rất hữu ích cho việc giáo hoá, không chỉ cho nữ giới mà còn cho cả nam giới nữa. X. LY TÂM, “Tiếng nói từ trái tim”, trong Ibidem, tr. 21-26.
X. TRẦN VĂN HIẾN MINH, Con người biết suy tư. Triết dự bị thần học 1, lưu hành nội bộ, tr. 102-105, 134-150; Để mở rộng: x. TRẦN TRỌNG KIM, Nho giáo, tr. 37-146, 660; TRẦN NGỌC THÊM, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. Cái nhìn hệ thống-loại hình, NXB. Tp. HCM 20044, 449, 479-504; XINZHONG YAO, An troduction to Confucianism, Cambridge University Press 2000, 139-189; NGUYỄN THẾ THOẠI, Tôn giáo học và các Tôn giáo lớn ở Việt Nam, lưu hành nội bộ.
Bao gồm vô dục, vô tư, vô tranh, vô danh, có thể phát triển thành: không ham muốn thái quá; không lo lắng quá để lòng thanh tịnh, tự do phát triển; không bon chen quá mà biết giữ nhân ái nữa; không ham hố hư danh mà sống đơn thành. “Có người cho vô vi một nghĩa rất sơ đẳng ‘Vô vi là không làm gì’, sống an nhàn, lười biếng, không cố gắng, … Cũng có người cho vô vi là bi quan chủ nghĩa… Vô vi phải có một nghĩa tích cực. Vô vi là con đường tổng diệt để giải thoát tâm hồn vào cõi hồn nhiên, diệt trừ mọi ngang trái, mọi tà dục thắt buộc con người để trở về nguyên thuỷ hồn nhiên…là con đường đưa tới chỗ chân thân tức là cái tâm linh bất diệt”, x. TRẦN VĂN HIẾN MINH, Idem, tr. 169-174.
Để mở rộng về đề tài này có thể xem: J. DINH DUC DAO, Preghiera rinnovata per una nuova era missionaria in Asia, Editric Pontificia Università Gregoriana, Roma 1994, III, 49-75; “Educazione alla preghiera”, trong DINH DUC DAO, Tu mi hai chiamato. Cammino di preghiera alla pienezza della vita apostolico-missionaria, CIAM, Roma 2002, 109-117; “Pratiche formative nel Buddismo”, in Redemptoris Missio, XX (2004) 2, Roma 2004, 51-63.
Bằng ngôn ngữ văn chương, Lê Lựu đã phản ánh điều đó qua nhân vật Trần Địa, x. LÊ LỰU, Hai nhà, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 289 -291, trích trong Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, tr. 46-47.
PHẠM THỊ HOÀI, Còn lại gì, www.talawas.org, trích theo NGUYễN THÁI HợP, Idem, tr. 60.
Thư chung năm 1975 của TGM. Nguyễn Văn Bình, X. P. NGUYỄN THÁI HỢP, Tương quan phức tạp giữa Công giáo với Nhà Nước Việt Nam, Bài tham luận tại Tọa đàm về: “Công giáo với Dân tộc: Xưa và Nay”, do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2006, đăng trên NS Công giáo và Dân tộc, số 138, tháng 6-2006, tr. 16-31, và www.dunglac.net (bài này có thêm một số bổ sung).
Ngày 11 tháng 6 năm 1995, ông Nguyễn Hộ, nguyên Chủ tịch Liên Hiệp Công đoàn, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc và sáng lập viên Câu lạc bộ Cựu Kháng chiến Tp.HCM, công bố thư ngỏ về “Một giải pháp hòa hợp Dân tộc” với những lời kêu gọi đảng và bà con công giáo đều cần sám hối: “Không phải chỉ riêng người Cộng sản và người Công giáo mà tất cả tín đồ Tôn giáo khác và các thành phần khác của dân tộc cũng phải sám hối mới có thể tiến tới hòa hợp và hòa giải đích thực. Có người đặt vấn đề “Tổ quốc ăn năn” khi nghĩ lại “những gia tài nhục nhằn” Mẹ Việt Nam để lại cho đàn con và nhất là những thách đố đang đặt ra cho Đất nước trước thiên niên kỷ mới”, trích theo NGUYễN THÁI HợP, Tương quan phức tạp giữa Công giáo với Nhà Nước Việt Nam, www.dunglac.net.
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của mọi người, trong một vài giai đoạn của lịch sử, người Kitô hữu đôi lúc đã sống bất bao dung và đã không trung thành với giới luật yêu thương lớn lao, như thế đã làm hoen ố khuôn mặt Giáo hội, Hiền thê của Ngài. Xin tỏ lòng thương xót với những đứa con tội lỗi của Ngài, và xin thương đón nhận quyết tâm của chúng con nhằm kiếm tìm và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng chân lý chỉ có thể chiến thắng bởi chính chân lý mà thôi”, GIOAN PHAOLÔ II, dịp Năm Thánh 2000.
X. FABC, “Evangelization in Modern Day Asia,” 27 April 1974, Tapei, Taiwan, số 9, trong For All The Peoples of Asia, vol. I, tr. 14; Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, các số 21-40.
P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, tr. 17.
X. J. A. GÓMEZ, Inculturation & Religious Life, ICLA & Cleretian, bản dịch Việt ngữ do jos. LCĐ: Hội nhập văn hoá và đời tu, lưu hành nội bộ; Tuyên Bố Chung của Hội Nghị Chuyên Đề về “Ảnh Hưởng của Nền Văn Hóa Hôm Nay trên Đời Sống Thánh Hiến” do Ủy Ban Đời Sống Thánh Hiến thuộc Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu tổ chức từ ngày 16-21/11/2009 tại Nhà Tĩnh Tâm Salêdiêng ở Hua Hin, Thái Lan.
HĐGMVN, “Response of to Lineamenta,” trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, tr. 51
Ibidem, 46-49.
Ibidem, 47; x. P. NGUYỄN VĂN HOÀ, “Evangelization in Vietnam”, trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), Idem, 122-124; NGUYỄN NHƯ THỂ, “Inculturation. Veneration of Ancestors in Vietnam,” trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), Idem, 124-125; VŨ KIM CHÍNH, “Inculturation of Chirstianity into Asia: reflection on the Asian Synod,” trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), Idem, 269-272.
X. PHAN ĐÌNH CHO, Idem, 47-51, 122-125; HĐGMVN, Lá Thư Mục Vụ 2003, n. 11, trong HĐGMVN, Bản Tin Hiệp Thông 20-21, (October 2003).
HĐGMVN, Lá Thư Mục Vụ 2003, n. 20.
X. HĐGMVN, Lá Thư Mục Vụ 2003, nn. 10-12.
X. Ibidem.
X. Ibidem.
HĐGMVN, “Response to Lineamenta of Ecclesia in Asia,” trong P. Phan Đình Cho (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, 47-51.
BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi: Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi, 13/1/2009, có sẵn trên Kênh thông tin Xuân Bích, http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/02/17/su-diep-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-cac-on-goi-lan-thu-47/. Nguyễn Xuân Tiến chuyển ngữ.
X. NGUYỄN NGỌC SƠN, Muốn xuất phát lại từ Ðức Kitô trước hết cần trở lại với Người, Bài chia sẻ nhân dịp Ðại Hội truyền giáo Á Châu, Chang Mai, Thái Lan 18-22/10-2006.
X. G. NGUYỄN TRỌNG VIỄN, “Vài nhận định về đời sống Kitô giáo tại Việt Nam”, đăng trên Bản Tin Hiệp Thông 23-24 (6/2004), tr. 200-207; Cx. “Những người rao giảng hôm nay”, trong Ibidem, tr. 208-210.
X. P. NGÔ PHÚC HẬU, Nhật ký truyền giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2009, tr. 8-9.
X. C. PÉREZ, “Religiosi”, trong PUU, Dizionario di Missiologia, EDB, Bologna 1993, tr. 441-443.
X. J. LÓPEZ-GAY, “Spirito Santo”, trong PUU, Dizionario di Missiologia, EDB, Bologna 1993, tr. 475 tt.
* Đời sống thánh hiến & làm chứng
* Chỉ dẫn Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô”
- Làm chứng trong bối cảnh Việt Nam hôm nay
Trong suốt dọc chiều dài lịch sử, đời sống thánh hiến luôn hiện diện trong lòng Giáo Hội như là một chứng từ sinh động và hùng hồn về đời sống cầu nguyện cũng như thực hành bác ái, về đời sống chiêm niệm cũng như hoạt động tông đồ. Tuy nhiên, có lẽ chưa có lúc nào chiều kích đức ái và khía cạnh làm chứng lại được nhấn mạnh như đã được trình bày trong các văn kiện từ Công đồng Vaticanô II cho đến nay. Dường như càng ngày người ta càng “ngộ” ra rằng thiếu vắng Đức Ái thì đời sống thánh hiến cũng chỉ là cái xác không hồn và một khi khuất bóng chứng từ thì đời sống thánh hiến cũng nhạt nhẽo vô vị, thiếu hẳn sinh khí và mất dần đi sức sống vươn mình, thậm chí tệ hơn chỉ còn là một “thứ Pharisiêu” sính hình vụ luật.
Vì thế, các văn kiện Công đồng Vaticanô II và các văn kiện Hậu Công đồng xem ra luôn nhấn mạnh đến tầm quan trọng của Đức Ái và chiều kích chứng tá của đời thánh hiến.
Trong bài viết này, chúng ta cùng rà soát lại khía cạnh quan trọng này của đời sống thánh hiến, khi “nhúng” điều đó trong “dung dịch” đức ái; đặt nó trong tương quan với các yếu tố cốt lõi của đời thánh hiến; soi rọi nhờ giáo huấn của Huấn thị và phần nào áp dụng vào bối cảnh Việt Nam hôm nay.
1. LĂNG KÍNH MỚI VÀ ĐIỂM NHẤN MỚI
1.1. Lăng kính tình yêu
Trước đây, khi nói đến đời sống tu trì, người ta thường dùng những từ ngữ nhấn mạnh đến lý tưởng hoàn hảo mà các tu sĩ cần vươn tới, như “bậc tận hiến/toàn hiến” (religiosus), “bậc trọn lành” (status perfectionis, institutum perfectionis)... Cách gọi đó nói lên quan niệm thường có của thời trước Vaticanô II về đời thánh hiến, một quan niệm rất hay chú trọng đến việc nên trọn lành với ý nghĩa là gìn giữ tỉ mỉ, nghiêm túc và chỉn chu các điều luật, nhất là ba lời khuyên Phúc Âm, đời sống chung và việc khổ chế, hy sinh. Người tu sĩ lý tưởng là người sống khắc khổ, thanh bạch, đạo hạnh, xa lánh thế gian, coi thường vật chất, dửng dưng với vinh hoa phú quý, vui thú danh vọng... Quan niệm này đôi khi bị đẩy tới mức nhị nguyên: coi khinh thể xác, miệt thị hôn nhân... Từ đó có thể dẫn đến những não trạng quá khích là “vụ luật” (legalismus), “vụ hình thức” (formalismus) và “khắc kỷ” (ascetismus).
Từ Công đồng Vaticanô II, thần học đời tu đã đánh dấu một tiến trình tăng tiến và trưởng thành. Lối nhìn truyền thống về đời tu như một tình trạng trọn lành đã nhường chỗ cho một nền Giáo Hội Học mới, trong đó đời tu được lồng trong lăng kính của tình yêu, một tình yêu xây dựng trong mối hiệp thông và liên đới sâu xa của toàn dân Thiên Chúa. Ơn gọi nên thánh của đời tu trì được đặt để trong tương quan với ơn gọi nên thánh chung của các tín hữu. Nếu như “sự thánh thiện được diễn tả dưới nhiều hình thức nơi tất cả những ai đang cố đạt tới đức ái trọn hảo trong bậc sống mình trong khi xây dựng kẻ khác” (GH 39), thì sự thánh hiến “tu trì” là một sự thánh hiến “đặc biệt hơn”, được “tỏ lộ trong việc thực hành ba lời khuyên Phúc Âm” (GH 39). Đó là một sự đáp trả mãnh liệt hơn trước tình yêu vô biên của Thiên Chúa, một sự đáp trả đòi hỏi một đức ái nồng nàn, quảng đại hơn.
Liên quan đến điều này, Công đồng Vaticanô II trong hiến chế Giáo Hội (Lumen Gentium) đã không ngần ngại khẳng định “ơn huệ thứ nhất và cần thiết nhất là đức ái”, bởi vì chính đức ái làm cho chúng ta yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự và yêu thương anh em vì Chúa. Chính đức ái là mối dây liên kết của sự trọn lành, là sự viên mãn của lề luật. Chính đức ái chi phối mọi phương tiện nên thánh, làm cho chúng hình thành và đạt được cùng đích (GH 42a). Hơn nữa, đức ái đối với Chúa và tha nhân còn là dấu chỉ cho biết người môn đệ chân chính của Chúa Kitô. Chính khi sống khiết tịnh, vâng phục, khó nghèo và chịu thiệt thòi, người thánh hiến làm chứng cách hùng hồn và sống động cho Tình Yêu tuyệt đối của Thiên Chúa và toả lan tình Chúa đến cho nhân loại (x. GH 42 b,c,d). Nhờ việc tuyên giữ ba lời khuyên Phúc Âm trong Giáo hội, những người thánh hiến muốn thoát ly khỏi mọi cản trở có thể trì hoãn đức ái hoàn hảo dành cho Thiên Chúa và tha nhân (GH 44).
Đức ái tuyệt hảo và đời sống thánh hiến quả là cặp từ tóm lược đề xuất của Giáo hội hiện thời về thực tại phong phú đa dạng nơi những người thánh hiến. Sự trọn lành của đức ái (Perfectae caritatis) còn là tựa đề của sắc lệnh Công đồng về canh tân đời sống tu trì và điều này được pháp lý hoá nơi Bộ Giáo Luật 1983 (quyển II, Phần III, điều khoản 573-746).
Nếu như Vaticanô II là Công đồng đầu tiên đề cập đến bậc sống dựa trên các lời khuyên phúc âm đặt trong bối cảnh của mầu nhiệm Giáo Hội như là toàn thể, thì theo Bộ Giáo Luật lại cho thấy “lối sống bền vững” này giúp các tín hữu “theo đuổi đức ái hoàn hảo” để phục vụ nước Chúa và trở thành dấu chỉ rạng ngời, báo trước vinh quang thiên quốc (GL 573 §1). Chính đức ái có được do các lời khuyên Phúc Âm giúp các tu sĩ kết hợp với Giáo Hội cách đặc biệt (GL 573 §2).
Đức ái nói đây không phải là một khái niệm mà là chính đời sống của những con người đã cảm nghiệm thấy một ơn gọi đặc biệt trong Dân Thiên Chúa, một ơn gọi đòi hỏi đi đến một sự thánh hiến đặc biệt. Nhờ việc sống ba lời khuyên Phúc Âm qua một đặc sủng và lối sống riêng biệt của đặc sủng đó, họ gắn bó với Thiên Chúa là Đấng vô cùng đáng yêu mến. Chính yếu tố sau cùng này chỉ huy, định hướng và quy kết tất cả các yếu tố khác.
Đời sống thánh hiến không phải là một thực tại tách rời và biệt lập, cũng không phải là viễn tượng trên mây trên gió. Thuộc về Giáo Hội và ở trong Giáo Hội, đời sống thánh hiến diễn tả điều mà Giáo Hội biểu thị qua các giai đoạn khác nhau của dòng lịch sử nơi chính các đặc sủng làm nên Giáo Hội. Nơi Công đồng Vaticanô II, Giáo Hội được diễn tả như là mầu nhiệm, hiệp thông và sứ vụ. Những đặc tính này định vị hoạt động của tất cả mọi thành phần trong Giáo Hội, cách riêng là đời sống thánh hiến. Đức ái là tình yêu. Người yêu mến là người biết định hướng cuộc đời hoà hợp với bối cảnh riêng biệt mà họ sống, để nắm lấy trách nhiệm và để trở nên chính họ.
Yêu mến là sống tình yêu hỗ tương, đặt nền trên việc trao hiến và hoà hợp với những người cùng chí hướng trong cùng một ơn gọi. Khát vọng vươn tới đức ái trọn hảo không phải là đặc quyền của những người thánh hiến, nhưng mang một diện mạo riêng biệt khi được vun trồng qua việc thực hành các lời khuyên Phúc Âm, hướng tới cùng đích là “Thiên Chúa là Đấng vô cùng đáng yêu mến” (GH 44). Đức ái nồng nàn kết hiệp với Chúa Kitô qua việc dâng mình trọn vẹn cho Thiên Chúa càng lớn lao bao nhiêu, thì người thánh hiến càng làm cho đời sống Giáo Hội phong phú hơn và càng làm cho việc tông đồ của Giáo Hội dồi dào mãnh liệt hơn bấy nhiêu (DT 1).
Nơi đời sống thánh hiến, đức ái là lối sống bước theo Chúa Kitô “khiết trinh và khó nghèo”, Đấng đã “cứu chuộc và thánh hoá nhân loại bằng việc vâng phục cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên thập giá” (DT 1), với đức khiết tịnh đem đến sự hiệp nhất với Giáo Hội (DT 12), với một đức khó nghèo thanh thoát và tự nguyện (DT 14), với lòng vâng phục luôn phục tùng thánh ý cứu độ của Chúa Cha (DT 14), với đời sống chung tràn đầy bác ái huynh đệ, thấm nhuần sự hiện của Chúa giữa cộng đoàn (DT 15).
Tính chính thống của đức ái thánh hiến được định giá trên nền tảng của việc tháp nhập vào đời sống Giáo Hội, nơi họ được thanh tẩy và tăng tiến trong đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Sống và phát triển tính chính thống là một cách diễn tả sống động đặc sủng, vốn chỉ được đánh giá khi sống bén rễ trong khung cảnh năng động nguyên thuỷ. Cảm thông, buồn sầu, mừng vui, hoạt động cùng và trong Giáo Hội, qua các chiều kích đa dạng như đã được mô tả trong Hiến chế về Giáo Hội, chính là hoa trái đích thật của việc gắn kết với Chúa Kitô và sự ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần, và là con đường để hoán cải suốt đời. Ai yêu mến thì được sinh ra bởi Thiên Chúa, Đấng hằng yêu mến chúng ta không phải do công phúc chúng ta có được mà do điều chúng ta đang thủ đắc nhờ ân ban của Ngài.
Đi ra ngoài lằn ranh này, đức ái thánh hiến sẽ phát triển ù lì, trở nên còi cọc, cằn cỗi, kéo lê một cách thiếu sinh khí. Chỉ trong Chúa, người thánh hiến cử hành mầu nhiệm, lớn lên trong tình hiệp thông, vươn mình trong sứ vụ, phó thác cuộc sống tương lai, làm chứng niềm tin phục sinh với lòng thương xót và trong sự liên đới cả với những ai chưa sẵn sàng hoặc từ chối ơn cứu độ. Những người thánh hiến noi gương Chúa Kitô, Đấng cứu chuộc tội nhân, chứ không kết án. Qua việc thi hành điều đó, họ làm chứng cho luận lý của tin mừng cứu độ. Đức ái đầy lòng thương xót không tìm moi móc quá khứ mà dẫn về tương lai là thực tại viên mãn của thời cánh chung, vén tỏ tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (x. Ep 1, 23).
Lịch sử của đức ái thánh hiến là một chương sáng giá trong lịch sử Giáo Hội, không phải vì được tiến triển trong một môi trường không có tội, mà là trong sự nhận biết ơn tha thứ, nhằm tuyên xưng và làm cho ơn tha thứ đó trở thành đáng tin qua việc lướt thắng sự cùng khốn phàm hèn nhờ năng lực của lòng thương xót và mở ra chân trời an vui hành phúc khi chỉ có “một trái tim và một linh hồn” (Cv 4, 32).
Đức ái mở ra một hướng nhìn tích cực về đời sống thánh hiến. Thánh hiến là một sự đáp trả trước mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa, một giao ước tình yêu, một cuộc dấn thân theo tiếng gọi và sự thúc đẩy của tình yêu Chúa Kitô. Đức ái của người thánh hiến vì thế cần kín múc từ nguồn mạch Ba Ngôi, cần nên một với thánh ý cứu độ của Chúa Cha, cần được hiệp nhất cách khắng khít với ân sủng Chúa Giêsu Kitô và ngoan nguỳ với tác động của Chúa Thánh Thần. Đó là một đức ái được thanh tẩy mỗi ngày qua việc kiên trì cải hoá những hoàn cảnh không có tình yêu đang làm cho các mối liên hệ trở nên cứng cỏi, cằn cỗi, như xung đột, bất hoà, dửng dưng, cá nhân chủ nghĩa, thực dụng...
Đức ái không cho phép người thánh hiến dừng lại ở cái tầm thường, ở mức tối thiểu, chỉ giới hạn ở việc không xúc phạm đến Chúa, chỉ lo không lỗi luật, an phận thủ thường mà thôi, nhưng thúc đẩy họ tiến lên điều lý tưởng, điều cao quý, thực tại tuyệt đối. Đức ái thúc bách người thánh hiến biết luôn sẵn sàng thông hiệp và cộng tác với Đấng họ yêu mến, để cho ơn cứu độ chan hoà khắp mọi tâm hồn, cho tới khi tất cả được thành toàn trong Ngài. Trong viễn cảnh đó, tội lỗi cũng chỉ là biểu lộ của tình trạng thiếu khả năng yêu mến, cản trở yêu mến hoặc ù lì trong yêu mến. Theo thánh Tôma tiến sĩ, đức ái có những cấp độ khác nhau: xa tránh tội lỗi nghịch đức ái (cấp độ I), nỗ lực thực thi điều thiện và tiến lên trên đường nhân đức (cấp độ II), tha thiết gắn kết và vui hưởng nhan Chúa, vượt ra khỏi mình để ở kề bên Chúa Kitô (cấp độ III). Nói khác đi, đức ái trưởng thành giúp chúng ta không chỉ dừng lại ở mức độ hạn hẹp của tối thiểu, tương đối mà luôn biết hướng tới chân trời bao la của tối đa, tuyệt đối.
Đức ái là hoa trái của sáng kiến đến từ Thiên Chúa đầy lòng xót thương và khoan dung, muốn hiệp nhất với dân của Ngài; là sự tham phần vào tình yêu Thiên Chúa. Chính tình yêu đức ái đó giúp người thánh hiến vượt ra khỏi cơn cám dỗ của cá nhân chủ nghĩa, lạm dụng cộng đoàn hay sứ vụ như cơ hội để thực hiện kế hoạch đời mình. Trái lại với những toan tính “tiến thân” là những cam kết “dấn thân”, họ hoà mình vào mầu nhiệm và sứ vụ cộng đoàn, đi vào mầu nhiệm “tự huỷ” của Chúa Kitô, để cho kế hoạch cứu rỗi, một kế hoạch do tình yêu nhưng không của Thiên Chúa, được thực hiện.
“Đời thánh hiến dùng ngôn ngữ của việc làm để nói rằng lòng mến Thiên Chúa là nền tảng và là thuốc kích thích một tình yêu nhưng không và ân cần” (TH 75). Họ cần ý thức ơn gọi của mình là “biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho thế giới”, đặc biệt là với những người nghèo hèn túng quẫn nhất, những nạn nhân của những “hình thức nghèo đói mới” như thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, nghiện ngập, già cả cô đơn, “nghèo” văn hoá, “nghèo” nhân phẩm, “nghèo” tri thức... (XPL 35-36). Huấn thị đã tô đậm gam nền đức ái khi xem việc xuất phát lại từ Đức Kitô cũng chính là cuộc xuất hành của tình yêu:
“Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa tìm lại một lần nữa tình yêu ban đầu của ta, tia sáng lôi cuốn làm ta đứng lên đi theo Người. Bước đầu là tình yêu của Thiên Chúa. Bước tiếp mới là sự đáp trả đầy lòng yêu mến đối với tình yêu Thiên Chúa. Nếu “chúng ta yêu mến” đó là “Người đã yêu chúng ta trước” (1 Ga 4,10.19). Điều đó có nghĩa là nhìn nhận Người yêu ta với cái ý thức sâu đậm đã làm cho thánh Phao-lô thốt lên: “Đức Kitô đã yêu tôi và đã hiến mạng sống cho tôi” (Gl 2,20).
Chỉ khi ý thức mình được yêu thương vô cùng mới có thể giúp chúng ta vượt thắng mọi khó khăn riêng tư hay do cơ cấu. Người thánh hiến không thể có tính sáng tạo, có khả năng canh tân tu hội và mở ra những con đường mục vụ mới nếu họ không cảm thấy được yêu mến với tình yêu ấy. Chính tình yêu ấy làm cho họ trở nên mạnh mẽ, có thể dám làm mọi sự”.
1.2. Điểm nhấn mục vụ: chứng tá
Nếu như đức ái là sợi chỉ đỏ xuyên suốt làm “linh hồn” cho suy tư và hoạt động về đời thánh hiến, thì “chứng tá” lại là điểm nhấn mục vụ rõ rệt trong các văn kiện Giáo Hội gần đây nói chung và về đời thánh hiến nói riêng. Lý do là vì: (1) có làm chứng mới công bố Tin Mừng cách thực sự; (2) con người thời nay tin vào chứng nhân hơn là thầy dạy, tin vào kinh nghiệm hơn là bài vở, tin vào cuộc sống hơn là lý thuyết; (3) trong nhiều trường hợp đó là cách duy nhất để truyền giáo. Điều này càng quan trọng hơn đối với người thánh hiến, vì trước tiên, sứ mạng của họ “cốt ở việc làm cho Đức Kitô hiện diện bằng chứng tá bản thân” (TH 25, 76).
Đề tài về việc làm chứng trong đời sống tu trì có một lịch sử ngữ nghĩa học rất lý thú. Truyền thống ẩn tu, đan tu hay viện tu có liên hệ mật thiết với ý niệm về “tử đạo” một từ ngữ có gốc gác Hy Lạp là “chứng nhân” (μαρτυς, martys). Và chính ở điểm này, chúng ta khám phá ra ý nghĩa Kinh Thánh sâu xa của khái niệm “nhân chứng” là “hiến dâng mạng sống vì đức tin”. Vào lúc các cuộc bách hại giảm thiểu, lại là lúc đời tu trở về với ý nghĩa cổ truyền và gốc gác của hạn từ là “chứng nhân”.
Các tuyên ngôn của Công đồng Vaticanô II cũng như các văn kiện hậu công đồng đã cống hiến một loạt những khẳng định về đề tài làm chứng trong đời sống tu trì. Đời tu là chứng tá về đời sống vĩnh cửu (GH 44c). Các tu sĩ là chứng tá về lòng yêu mến của Giáo Hội đối với Chúa Kitô và chứng tá này cần thiết đối việc loan báo Tin Mừng ngày hôm nay (DT 55; DT 1, 3, 52-53). Đời tu cũng làm chứng về sự tận hiến cho Thiên Chúa (LH 10, 14), về sự ưu việt của Thiên Chúa (CT 1; CN 2), về sự thánh thiện của Giáo Hội (GH 39), về mối hiệp thông huynh đệ mới trong Đức Kitô (TT 23-25), về công lý (TT 3), về đức bác ái huynh đệ (HA 15), nhất là tình yêu vô vị lợi (HA 13d)...
Tông huấn Đời sống Thánh Hiến (Vita Consecrata) đã nêu bật vai trò của việc làm chứng cho tình yêu. Đời thánh hiến được diễn tả như một cuộc dấn thân phục vụ vì đức ái (chương III: Servitium caritatis, TH 72-103), được kín múc và thúc đẩy từ nguồn mạch tình yêu Ba Ngôi (phần I: Confessio trinitatis, TH 14-40) và tôi luyện trong tình hiệp thông bác ái huynh đệ (phần II: Signum Fraternitatis, TH 41-71). Cuộc dấn thân này một đàng “tỏ bày tình yêu Thiên Chúa trong thế giới” (x. TH 72-83), qua một “tình yêu cho đến cùng”, một “tình yêu trao hiến” (agapê), một cuộc đời “hoàn toàn sống cho Chúa và anh chị em mình” (TH 75-76). Đàng khác, đó cũng là cuộc dấn thân có tính thừa sai để làm cho “Ngài được yêu mến” qua những nỗ lực loan báo, truyền giảng, hội nhập, đối thoại, ưu tiên cho người nghèo, tái rao truyền Phúc Âm, cổ võ công lý, chăm só bệnh nhân (TH 76-77). Hơn nữa, đời thánh hiến cũng là “chứng tá mang tính ngôn sứ trước những thách đố lớn” của thời đại, như độc tài, khủng bố, văn hoá hưởng thụ, thèm khát chiếm hữu, dửng dưng (TH 87-92)...
Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô dành hẳn phần IV để bàn về việc làm chứng (XPL 33-46): làm chứng cho tình yêu. Đời thánh hiến là một lời chứng hùng hồn về một tình yêu tuyệt đối, làm cho tình yêu đó hiện diện và toả sáng, đáp trả lại tình yêu đó một cách quảng đại và dấn thân (XPL 22):
“Xuất phát lại từ Đức Kitô có nghĩa là loan báo rằng đời sống thánh hiến là một cách đặc biệt đi theo Đức Kitô, “một ký ức sống động về lối sống và hành động của Đức Giê-su, Ngôi Lời nhập thể trong tương quan với Chúa Cha và với anh em Người”. Điều đó bao hàm một sự hiệp thông tình yêu đặc biệt với Đức Kitô, Đấng đã trở nên trung tâm của đời sống họ và nguồn mạch liên tục của mọi sáng kiến […].
Toàn thể đời sống thánh hiến chỉ có thể hiểu được từ khởi điểm này: các lời khuyên phúc âm có một ý nghĩa trong mức độ chúng giúp gìn giữ và tạo thuận lợi cho tình yêu đối với Chúa trong sự ngoan ngoãn hoàn toàn đối với thánh ý Người; đời sống cộng đoàn được thúc đẩy nhờ Đấng đã quy tụ những người khác chung quanh mình và có mục tiêu là vui hưởng sự hiện diện thường hằng của Người; sứ mệnh là lệnh truyền của Người dẫn dắt ta tìm kiếm khuôn mặt của Người trong những khuôn mặt của những người mà ta được sai đến để chia sẻ với họ kinh nghiệm về Đức Kitô”.
2. ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN & VIỆC LÀM CHỨNG
Tin Mừng Gioan đã diễn tả chứng tá của Chúa Giêsu xuất phát từ chính căn tín thâm sâu của Ngài. Quả thực, nếu không có căn tính thâm sâu đó, chứng tá sẽ là một hàng vi trống rỗng, chẳng khác một lời nói không có nội dung. Cũng thế, đời thánh hiến chỉ có thể trở nên một dấu chỉ, một chứng từ, khi đời sống đó hàm chứa một nội dung, cách đặc biệt là nội dung của việc sống và thấm nhuần mầu nhiệm Đức Giêsu. Đặc tính ngôn sứ luôn nhấn mạnh đến khía cạnh nền tảng mà theo kinh nghiệm Kitô giáo, đó chính là mầu nhiệm Đức Giêsu. Đời sống thánh hiến được mô tả như là sự chuyển động linh hoạt của Chúa Thánh Thần, Đấng làm xuất hiện những đoàn sủng cần thiết cho Giáo Hội Chúa Kitô.
Trên phương diện thực hành, người thánh hiến làm chứng cách thuyết phục qua cuộc sống chứng tá chứ không phải chỉ là những lời nói suông trên đầu môi chóp lưỡi. Đó là chứng tá cuộc sống mà người thánh hiến trao tặng cho đời qua những hoạt động bác ái, tông đồ, truyền giáo. Một cách cụ thể hơn, đó chính là những chứng từ phát xuất từ việc sống những lời khuyên Phúc Âm, đời sống huynh đệ và những đặc sủng tiêu biểu của tu hội và những hoạt động kèm theo đó.
2.1. Chứng tá của ba lời khuyên Phúc Âm
Lời chứng đầu tiên đến từ chính việc sống ba lời khuyên Phúc Âm. Cách hiểu và sống ba lời khuyên Phúc Âm hôm nay đang biến chuyển từ việc nhấn mạnh đến tính bó buộc của lời khấn hay lời hứa để tiến tới việc chú trọng hơn vào phát triển sự trưởng thành nội tâm và nỗ lực tham dự vào sứ vụ biến đổi thế giới của Giáo Hội. Thực vậy, các lời khuyên Phúc Âm (khiết tịnh, khó nghèo, vâng phục) có liên hệ chặt chẽ với các giá trị nhân bản vốn tác động sâu xa đến đời sống con người: sở hữu, tình cảm và quyền lực. Hơn nữa, ba lời khấn này cũng còn liên quan đến ba lãnh vực tiếp xúc của con người: kinh tế, đời sống xã hội và chính trị.
Sống ba lời khuyên, người thánh hiến tìm cách giải thoát khỏi tình trạng chiếm hữu ích kỷ, đam mê bừa bãi và ham hố quyền lực, để tiến tới một cuộc sống thanh bần không dính bén, thanh khiết không chiếm hữu và thanh thoát không tham lam quyền hành địa vị. Qua đó, họ làm chứng về địa vị tuyệt đối của Thiên Chúa, về một tình yêu dâng hiến vô vị lợi, về thực tại cánh chung tuyệt vời của Nước Trời mai sau.
Tuy nhiên, nói như thế không có nghĩa là việc sống các lời khấn làm cho những người thánh hiến cắt đứt mọi liên hệ với thế giới, mà là giúp họ trở nên sẵn sàng cho việc phục vụ chương trình của Thiên Chúa trong thế giới. Để làm được điều đó, cần thực hành đức ái tông đồ hầu tăng số những người nhận biết và tôn thờ Ngài trong tinh thần và chân lý. Ngay từ thời kỳ Giáo Hội tiên khởi, đức ái đã từng là một hình thức rất hữu hiệu của việc làm chứng (x. Cv 2,47) và lịch sử cũng cho ta thấy rằng lịch sử của truyền giáo thực ra chính là lịch sử của tình yêu đức ái, dù không phủ nhận việc đã có những khuyết điểm và lầm lạc. Nếu như các tín hữu nói chung được kêu mời sống tình yêu bác ái vô điều kiện noi gương Chúa, thì những người thánh hiến nói riêng, với việc sống ba lời khuyên Phúc Âm, được gọi mời để trở nên dấu chỉ rõ nét của tình yêu đó.
Quả thực, việc sống ba lời khuyên làm nên một đời sống biến hình, có sức chiếu toả ánh sáng của tình yêu tuyệt đối (x. TH 20), bởi vì làm cho Chúa Kitô hiện diện hữu hình qua những chứng từ của đời sống (x. TH 77). Ba lời khuyên như thế không chỉ là con đường nên thánh mà còn là “liệu pháp” thiêng liêng cho nhân loại trước trào lưu tôn thờ “ngẫu tượng” (x. TH 72, 87). Với ba lời khuyên được đem ra sống triệt để và sáng tạo, đời thánh hiến trở thành dấu chỉ, chứng tá và lời tiên báo về một nền văn hoá mới, một nhân loại mới, hình thành theo thánh ý Thiên Chúa.
Lời khấn khiết tịnh
Lời khấn khiết tịnh mang một tầm vóc đặc biệt bởi một đàng, đó là lời khấn duy nhất mang nội dung bất di dịch cho mọi hình thức thánh hiến tu trì qua mọi thời đại, và đàng khác, đó cũng là lời khấn, với nghĩa vụ độc thân kèm theo, có tính chất “lời khuyên Phúc Âm” nhất theo nghĩa chặt của ngôn từ. Có lẽ cũng chính vì thế mà thay vì sắp xếp theo trình tự cổ điển (thanh bần, khiết tịnh, vâng phục), các văn kiện Công đồng đã đặt lời khấn này lên trước, bởi đó là lời khuyên được Chúa Giêsu kêu mời rõ ràng nhất (x. Mt 19,12), được thánh Phaolô nhấn mạnh nhất (1 Cr 7, 32-35), được nhìn nhận và tuân giữ như một hình thức của cuộc sống tận hiến sớm nhất (x. Cv 21,9).
Công đồng khẳng định lời khấn khiết tịnh là “ân huệ nổi bật” làm nguồn mạch và dấu chỉ sự thánh thiện của Giáo Hội, là “dấu chỉ và động lực của đức ái” (x. GH 42), là “dấu chỉ đặc biệt của kho tàng trên trời”, là dấu chỉ sáng chói của giao ước mới và hôn nhân mầu nhiệm giữa Chúa Kitô và Giáo Hội (DT 12).
Như vậy, việc sống lời khấn khiết tịnh làm nên chứng tá về tình yêu thuần khiết vô biên, vô điều kiện, vô vị lợi mà Thiên Chúa dành cho con người, một tình yêu con người cần đáp trả và cần thể hiện đối với nhau. “Khiết tịnh tận hiến nhắc lại cuộc duyên tình (giữa Chúa Kitô và Giáo Hội) một cách trực tiếp hơn và làm cho mối tình ấy vươn đến một cao độ mà lẽ ra mọi tình yêu nhân loại phải gắng đạt tới... Khiết tịnh chứng tỏ tình yêu Thiên Chúa được đề cao hơn hết...” (CT 13). Quả thực, lời khấn khiết tịnh mở rộng con tim người thánh hiến, giúp họ “đạt đến chiều kích của con tim Đức Kitô và làm cho nó có thể yêu mến như Người đã yêu” (XPL 22).
Trong đêm tối của “văn hoá hưởng thụ” vốn đang tháo thứ những quy luật đạo đức khách quan về tính dục, thì việc vui vẻ thực hành đức khiết tịnh hoàn hảo loé sáng lên như một “chứng tá về quyền năng của Thiên Chúa trong sự mỏng dòn của mong manh phận người” (TH 88). Đây chính là một trong “những chứng tá cần thiết cho hôm nay hơn bao giờ hết” để minh chứng sức mạnh phi thường của tình yêu Thiên Chúa và đáp ứng nhu cầu thèm khát sự trong sáng ngày càng tăng trong mối quan hệ giữa người với người (x. TH 88).
Lời khấn thanh bần
Lời khấn thanh bần được hiểu và sống cách đa dạng và phong phú trong lịch sử Giáo Hội. Có khi là bán hết tài sản, có khi chỉ là “tinh thần nghèo khó” thôi. Ngày hôm nay, lời khấn thanh bần được đặt trong mối liên hệ sâu xa hơn với việc phục vụ và phát triển người nghèo, trong viễn tượng là xây dựng một Giáo Hội của người nghèo, cho người nghèo, vì người nghèo, và hơn nữa, một Giáo Hội nghèo.
Lời khấn khó nghèo là chứng tá về một tình yêu trao ban. Dù được diễn tả dưới hình thức nào thì cốt lõi của việc sống thanh bần cũng là một lối sống bước theo Chúa Kitô trong tâm tình bác ái, trao tặng tới mức “tự huỷ” vì anh em mình. Hiến chế Giáo Hội vì thế đã liên kết lời khấn khó nghèo và vâng phục trong số 42d và coi đây là lối sống bác ái theo gương Chúa Kitô (GH 42d). Quả thực, khó nghèo chỉ là phương tiện nên trọn lành bao lâu gắn liền với đức ái. Dưới khía cạnh mầu nhiệm, đó là một tình yêu luôn khao khát và tìm kiếm Thiên Chúa như là Đấng tuyệt đối, như là kho tàng đích thực của lòng mình. Dưới khía cạnh xã hội, đó là một tình yêu liên đới và chia sẻ dành cho anh em chị em mình, nhất là những người nghèo khổ.
Lời khấn khó nghèo cũng là dấu chứng về sự giàu có đích thực chỉ có nơi Thiên Chúa, nơi kho tàng trên trời. Đó là thái độ sống phó thác vào Thiên Chúa và biết liên đới với người khác. Sắc lệnh canh tân Dòng tu đã khéo léo đề cập tới khía cạnh của “khó nghèo tập thể” với những chỉ dẫn rằng “hãy làm chứng tập thể về khó nghèo” qua việc sẵn lòng chia sẻ của cải với Giáo Hội, với các nhà khác của Hội Dòng cũng như những người túng thiếu (DT 13đ); đồng thời, khuyến cáo họ “hãy tránh mọi hình thức xa hoa trục lợi quá đáng (DT 13e).
Mỗi người thánh hiến cần trở nên chứng nhân của “sự nghèo khó đích thực”. Trong thế giới hôm nay, đức thanh bần trở thành một chứng tá hùng hồn trước sự hoành hành của “chủ nghĩa vật chất thèm khát chiếm hữu, dửng dưng với những nhu cầu và đau khổ của những người yếu đuối” và hững hờ trước sự huỷ hoại của môi trường sinh thái (x. TH 89). Vì thế, đây phải là một sự khó nghèo “mở”, “khó nghèo Phúc Âm để phục vụ người nghèo” (TH 90): phản đối thói thờ tiền tài, thói dửng dưng vô cảm trước khổ đau túng thiếu, thói tiêu dùng của cải cách ích kỷ và hoang phí, để thể hiện một tình yêu ưu tiên dành cho người nghèo, cổ võ việc sử dụng của cải cách có trách nhiệm và trong tinh thần liên đới, đấu tranh chống lại bất công, hầu xây dựng một thế giới nhân đạo hơn (x. TH 90).
Lời khấn vâng phục
Đức Phaolô VI đã coi đức tuân phục như là tâm điểm của công cuộc thích nghi và canh tân đời tu. Dĩ nhiên, đó là một quyền bính được thi hành không phải để thống trị mà là phục vụ trong đức ái như lời dạy của thánh Augustinô. Thánh Tôma đã không ngần ngại coi lời khấn vâng phục là “lời khấn cao trọng nhất (maximum est) trong tất cả các lời khấn”, vì qua đó người tu sĩ dâng cho Thiên Chúa điều cao quý nhất là ý chí tự do và quyền định đoạt về đời sống. Tuy nhiên, lời khấn vâng phục cao cả nhưng lại không dễ dàng, nhất là trong bối cảnh hôm nay, vì lời khấn này đòi hỏi chúng ta phải hi sinh chính mình, hi sinh ý chí, hi sinh ý riêng, hy sinh chính bản ngã như là một hiến lễ dâng tiến Thiên Chúa, noi gương tuân phục khiêm hạ của Chúa Kitô, “Đấng đã tự huỷ mình, nhận lấy thân phận tôi tớ... và vâng lời cho đến chết” (Pl 2, 7-8; GH 42d).
Công đồng Vatincanô II làm nổi bật giá trị cứu độ và tư tế của hành vi tuân phục nơi Chúa Giêsu (x. GH 3, 36, 37, 41; TG 24) và vai trò tích cực đầy trách nhiệm của Mẹ Maria (x. GH 56, 61, 63). Đức tuân phục tu trì chói lọi như một hiến lễ toàn thiêu dâng tiến Chúa, noi gương Chúa Kitô tuân phục và Mẹ Maria “xin vâng” (DT 14).
Tuân phục là chứng tá về tinh thần phó trác trọn vẹn nơi Thiên Chúa: “Lời khấn vâng phục đặt cuộc sống hoàn toàn trong bàn tay Đức Kitô ngõ hầu Người có thể sử dụng theo kế hoạch của Thiên Chúa và biến nó trở nên một tuyệt tác.” (XPL 22).
Đức tuân phục cũng là chứng tá về sự khiêm nhường thẳm sâu và sự hiệp thông trong cộng đoàn. Nếu như thánh Biển Đức đã trình bày về đức vâng phục trong tương quan với đức khiêm nhường và các nhân đức khác, thì thánh Basiliô và thánh Đa Minh lại đề cao tính hiệp thông và bác ái của lời khấn này.
Đức tuân phục cũng làm chứng về sự tự do đích thực của con cái Chúa, khi con người được giải thoát khỏi mọi ràng buộc khiến họ xa rời ý Chúa. Lời khấn tuân phục vì thế phải được hiểu như là “lắng nghe” và “thi hành” thánh ý của Thiên Chúa, cả dưới góc độ cá nhân cũng như tập thể. Qua việc tìm kiếm và thi hành ý Chúa, người thánh hiến tìm được tự do đích thực và tìm thấy con đường tốt nhất để thực hiện và tăng tiến sự tự do đích thực đó. Vì chính qua vâng phục, họ tìm được ý nghĩa đích thực của cuộc đời, là thi hành ý muốn cứu độ của Ngài trên đời mình, là tháp nhập ý mình vào ý Chúa, hiệp nhất với cộng đoàn để thực thi cùng một chứng tá và cùng một sứ vụ trong tinh thần con thảo với Chúa và hiệp thông huynh đệ với anh chị em mình (x. TH 91-92).
2.2. Chứng tá của đời sống chung và sứ vụ tông đồ
Tuy ba lời khuyên được coi như cốt yếu cho đời sống thánh hiến, thực tế còn cho thấy những yếu tố quan trọng khác mà đôi khi được gọi là “lời khấn thứ tư”. Đó trước hết là đời sống chung huynh đệ trong cộng đoàn và sứ vụ tông đồ đặc trưng tuỳ theo đặc sủng mỗi tu hội. Đời sống cầu nguyện, mối tương giao huynh đệ, những tiếp xúc và những công việc họ thực hiện luôn là những chúng từ sống động để diễn tả khuôn mặt Chúa Kitô cầu nguyện, rao giảng, bác ái, nhân từ, chữa bệnh, phục vụ... Đó chính là chứng từ cuộc sống mà các tu sĩ được mời gọi đem đến cho thế giới.
“Chứng từ bằng đời sống trở nên điều kiện quan yếu hơn bao giờ hết để đạt đến hiệu quả thực sự trong việc rao giảng. Điều này thật chính xác là vì chính chúng ta, trong một nghĩa nào đó, chịu trách nhiệm về sự tiến triển của Tin Mừng mà chúng ta loan báo [...]. Chúng tôi kêu gọi các tu sĩ, những chứng nhân của một Giáo Hội được kêu gọi nên thánh, chính anh chị em được mời gọi sống một đời sống sinh hoa kết trái các mối phúc thật của Tin Mừng [...]. Nhiệt tình rao giảng Tin Mừng của chúng ta phải bắt nguồn từ một đời sống thánh thiện thực sự, và, như Công đồng Vaticanô II đã khuyến khích, việc rao giảng phải giúp cho nhà rao giảng lớn lên trong sự thánh thiện, một sự thánh thiện được nuôi dưỡng bởi đời sống cầu nguyện và trên hết là lòng yêu mến Thánh Thể [...]. Thế giới đòi hỏi và mong đợi nơi chúng ta tinh thần đơn sơ trong cuộc sống, tinh thần cầu nguyện, lòng bác ái dành cho mọi người, nhất là cho những người yếu thế và nghèo khổ, lòng vâng phục và khiêm nhu, tinh thần siêu thoát và xả kỉ. Không có những dấu chỉ thánh thiện đó, lời rao giảng của chúng ta khó lòng mà đụng chạm đến tâm hồn của con người thời nay”.
3. CHỈ DẪN CỦA HUẤN THỊ XUẤT PHÁT LẠI TỪ ĐỨC KITÔ
Như một văn bản có tính cách rà soát kiểm điểm lại việc đón nhận và thực thi tông huấn Đời sống thánh hiến (XPL 3), huấn thị đưa ra những chỉ dẫn có tính cách khá cụ thể. Phần IV bàn về việc “làm chứng cho tình yêu”, như tung ra một “hướng mở” cho đời thánh hiến, sau khi đã nhìn ngắm đời thánh hiến dưới góc cạnh thần học, tu đức (phần I & III) và góc cạnh của những thách đố đương đại (phần II). Quả vậy, huấn thị đã soi vào góc cạnh mục vụ tông đồ để mở ra viễn tượng truyền giáo khi “muốn đồng hành với các người thánh hiến trên các nẻo đường của thế giới, nơi Đức Kitô đã đi qua và hôm nay vẫn còn hiện diện, nơi Giáo Hội công bố Người như là Đấng Cứu tinh của thế giới, nơi sự sống Ba Ngôi toả lan sự hiệp thông trong một sứ mạng mới” (XPL 4). Thực ra, ý hướng đó đã được hé mở ngay từ những dòng đầu tiên của Huấn thị, khi nối kết dòng suy tư của mình với hai văn kiện chính yếu có ảnh hưởng xuyên suốt Huấn thị là tông huấn Vita Consecrata và Tông thư Novo Millennio Ineunte:
“Khi chiêm ngưỡng khuôn mặt vinh quang của Đức Kitô chịu đóng đinh và làm chứng cho tình yêu của Người trong thế giới, những người thánh hiến hân hoan đón nhận lời mời gọi cấp thiết của Đức Thánh cha Gioan Phaolô II lúc khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba “Chèo ra chỗ sâu mà thả lưới” “Duc in altum!” (Lc 5,4)” (XPL 1).
Lời mời gọi ra khơi đó như đang thắp lên một ngọn lửa hy vọng tươi mới cho Giáo Hội trong buổi bình minh của ngàn năm mới, một Giáo Hội “khao khát sống Tin mừng nhiệt thành hơn, và mở rộng những chân trời đối thoại và truyền giáo” (XPL 1).
Lời mời gọi đó cấp bách hơn bao giờ hết bởi vì:
- Cần một trợ lực cho một nhân loại đang khát tình yêu vì sống trong thảm kịch của sự hận thù và chết chóc, của những ảnh hưởng tiêu cực đến từ tiến trình “toàn cầu hoá” và nỗi bất an và lo sợ, tội ác và bạo lực, bất công và chiến tranh: “Thế giới hôm nay đang chờ mong các người thánh hiến phản ánh cụ thể cách thức hành động của Đức Giêsu, tình yêu Người dành cho mỗi người không phân biệt và hạn chế”.
- “Chiều kích ngôn sứ” của người thánh hiến cần được hoán cải và kín múc một sinh lực mới để xứng đáng với vai trò cao cả là “giáo dục toàn thể Dân Thiên Chúa”.
- Đã đến lúc cần thổi bùng lên ngọn lửa chiếu toả chứng tá thánh thiện và bác ái nơi những người thánh hiến để “tình yêu Chúa Kitô sẽ được chứng thực giữa mọi người”.
- Sự xuất hiện những hình thức và tổ chức thánh hiến mới do ân sủng của Thánh Thần cần mang lại một “đà tiến mới trong lối sống kitô hữu, biến nó thành sức mạnh gợi hứng và thúc đẩy cho cuộc hành trình đức tin”.
Có thể tóm kết những gợi ý của Huấn thị trong việc làm chứng cho tình yêu Chúa Kitô qua những điểm chính: hiệp thông, rao giảng, phục vụ và đối thoại.
3.1. Chứng tá đến từ đời sống hiệp thông (XPL 33-34)
Đây là chứng tá đầu tiên huấn thị nhấn mạnh: chứng tá đời sống. Chứng tá trước hết không đến từ hiệu năng công việc mà đến từ chính đời sống, nhất là sự hiệp thông giữa các thành viên, tình bác ái sẻ chia, đồng cảm và đồng thân phận với người nghèo khổ: thăng tiến nhân vị, sống liên đới với những ai đau khổ, giúp đỡ chia sẻ chân thành.
Ở đây, đời sống hiệp thông được coi như là “sứ điệp đầu tiên của đời sống thánh hiến, bởi vì đó là dấu chỉ hữu hiệu và sức mạnh có tính thuyết phục dẫn đến niềm tin vào Đức Kitô”, đến nỗi có thể nói “hiệp thông chính là truyền giáo”, vì hiệp thông phát sinh hiệp thông, thúc đẩy tiến trình bước theo Chúa Kitô và lan toả tình yêu Ngài cho thế giới. Vì thế, cần xây dựng một “linh đạo hiệp thông” nơi các tu sĩ.
Sự hiệp thông đó phát sinh bác ái nhất là “cụ thể hoá tình yêu đối với người nghèo, như Đức Gioan Phaolô II đã nhấn mạnh trong Tông thư Novo Millennio Ineunte:
“Thế kỷ và thiên niên kỷ mới đang bắt đầu cần thấy, và ước mong sao thấy rõ ràng hơn, mức độ cống hiến mà cộng đoàn kitô hữu thể hiện trong việc bác ái đối với người nghèo túng nhất. Nếu chúng ta thật sự xuất phát lại từ việc chiêm ngưỡng Đức Kitô, chúng ta phải biết nhận ra Người nhất là qua khuôn mặt của những người mà Người muốn đồng hoá: tôi đói và anh em đã cho tôi ăn, tôi khát, anh em đã cho tôi uống, tôi là khách lạ và anh em đã tiếp đón, tôi trần truồng và anh em đã cho tôi mặc, tôi ở tù và anh em đã đến thăm (Mt 25,35-36)”.
3.2. Chứng tá đến từ đời sống rao giảng
- Loan báo Tin Mừng (XPL 37):
Đây được coi như là “nhiệm vụ đầu tiên” mà người thánh hiến cần nhiệt tâm đảm nhận. Loan báo Tin Mừng ở đây hiểu là “loan báo Đức Kitô cho mọi người” nhất là “số đông những người chưa biết Chúa”. Huấn thị nhấn mạnh rằng sứ vụ này đang chỉ ở bước khởi đầu, nên cần phải tận tâm tận lực thi hành.
Sứ vụ này đòi hỏi sự cộng tác và tinh thần thích nghi hội nhập để “Kitô giáo trong ngàn năm thứ ba sẽ mang dáng dấp của một khuôn mặt bao gồm nhiều nền văn hoá và các dân tộc”.
- Truyền bá sự thật (XPL 39):
Huấn thị nêu ra hai lãnh vực quan trọng cần truyền bá sự thật: giáo dục và văn hoá.
Trong lãnh vực giáo dục, người thánh hiến được mời gọi làm chứng qua việc đem đến “sự hiện diện đủ tư cách” của mình theo tinh thần Mầu nhiệm Nhập thể, vươn tới “con người mới” trong Đức Kitô (Ep 4,24; x. Cl 3,10). Đây là điều trong tầm tay nhờ những ân huệ Thánh Thần, nhờ ánh sáng có được do việc chăm chú lắng nghe Lời Chúa và thực hành phân định, nhờ gia sản phong phú của truyền thống giáo dục được tích lũy trong tu hội... Ngoài ra, việc xây dựng một môi trường giáo dục nhân bản và thấm nhuần Tin Mừng cũng là điều được khuyến khích và là một chứng từ sáng giá hôm nay.
Trong môi trường văn hoá, người thánh hiến được mời gọi nỗ lực hoạt động để phúc âm hoá văn hoá, nhất là trong những lãnh vực mới như khuyến học, truyền thông, đối thoại đa chiều... hầu xây dựng một nền văn minh tình thương, một nền văn hoá sự sống.
3.3. Chứng tá đến từ đời sống phục vụ
- Phục vụ người nghèo (XPL 35):
Lãnh vực phục vụ của người thánh hiến là toàn thể thế giới, nhưng ưu tiên nhất vẫn là phục vụ những người nghèo khổ, về vật chất cũng như tinh thần như “thất vọng vì cuộc sống vô nghĩa, tình trạng nghiện ngập ma túy, sợ bị ruồng bỏ vì tuổi già hay vì bệnh tật, sống bên lề xã hội hay việc phân biệt đối xử trong xã hội.”
- Phục vụ phẩm giá con người (XPL 35):
Đây là nhiệm vụ hàng đầu của truyền giáo khi phải đối diện với một xã hội phi nhân hoá, nhẫn tâm chà đạp lên các quyền lợi của con người.
Trong bối cảnh đó, “với năng động của bác ái, tha thứ và hoà giải, những người thánh hiến đấu tranh cho công lý để xây dựng một thế giới mở ra những cơ hội mới và tốt hơn để cải thiện cuộc sống và phát triển cá nhân.” Huấn thị còn đưa ra chỉ dẫn cụ thể là “để việc tham gia đấu tranh đạt hiệu quả, cần phải có tinh thần của người nghèo, được thanh luyện khỏi tư lợi, sẵn sàng phụng sự hoà bình và bất bạo động với tinh thần liên đới và đầy lòng thương cảm đối với những ai khốn khổ”.
Huấn thị cũng đề cao sứ vụ này khi khẳng định rằng “sẵn sàng trả giá cho việc bách hại, vì hiện nay nguyên nhân của tử đạo thường là sự đấu tranh cho công lý vì muốn trung thành với Tin mừng.”
- Phục vụ sự sống (XPL 38):
Lời mời gọi này trước hết nhằm đến các tu sĩ thầy thuốc, nhất là nữ tu đang hoạt động trong lãnh vực y tế, một lãnh vực liên quan trực tiếp đến sự sống. Sứ vụ của họ là “biểu lộ lòng thương xót của Đức Kitô” qua việc gần gũi, cảm thông, tạo bầu khí nhân đạo và tin tưởng, để xoa dịu niềm đau nỗi khổ của các bệnh nhân, nhất là những bệnh nhân nghèo khổ và bị bỏ rơi.
Cách rộng hơn, những người phục vụ trong những môi trường liên quan đến sự sống, được mời gọi hãy khéo léo trình bày những lý lẽ của lập trường Kitô giáo, qua việc “giải thích và bảo vệ các giá trị bắt nguồn từ chính bản tính con người”. Chứng tá như thế đến từ việc chia sẻ sự hiểu biết về sự ưu việt của hồng ân sự sống và mời gọi mọi người cùng góp tay xây dựng nền văn hoá sự sống, đẩy lùi nền văn minh chết chóc đang hoành hành trong đời sống con người hiện thời.
- Phục vụ “trong sự sáng tạo của đức ái” (XPL,36):
Trong ý thức rằng phục vụ trong tinh thần bác ái là “biểu lộ tình yêu Thiên Chúa cho thế giới”, người thánh hiến cần lưu tâm đến sự “trung thành có sáng tạo”, một sự sáng tạo “từng làm phát sinh hàng ngàn khuôn mặt bác ái và thánh thiện dưới các hình thái đặc thù”, một sự sáng tạo cần phải được tiếp nối dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần để làm nảy nở những hình thái mới của tình yêu hầu đáp ứng các nhu cầu mới của thời đại.
Huấn thị gợi ý những nhu cầu mới của thời đại chúng ta: đồng hành và đồng thân phận với người nghèo, người cao niên, người nghiện ngập, những người đau khổ vì bệnh Aids, những người tha hương đang gánh chịu mọi thứ cực hình vì sống trong hoàn cảnh đặc biệt, cảnh buôn bán phụ nữ và bắt trẻ em làm nô lệ (bị lạm dụng, bị ngược đãi, bị bỏ rơi hay bị cưỡng bức tòng quân...).
Huấn thị đi xa hơn khi mời gọi giải quyết “căn nguyên” hầu nhổ tận gốc gây ra cái nghèo: những mô hình xã hội bất công, tham vọng cá nhân hoặc phe nhóm, sự dửng dưng vô tâm của nhiều người, những cơ cấu tội ác...
Huấn thị cũng không quên nhắc nhở các tu sĩ về tình liên đới, sự cộng tác với dân chúng, nhạy bén với thời cuộc và nhạy cảm với các vấn đề của dân chúng. Đồng thời, trong khi luôn gia tăng các sáng kiến, các tu sĩ cũng nên biết làm việc có phương pháp với những chương trình mục vụ và kế hoạch truyền giáo khoa học, để hành động một cách có trật tự và hiệu quả hơn là tùy tiện.
3.4. Chứng tá qua đối thoại
Đối thoại và hợp tác là đường hướng của một Giáo Hội mở ra với thế giới do Công đồng Vaticanô II đề xướng. Đối thoại mở rộng chân trời bao la cho sự hiện diện và sứ vụ của Giáo Hội nói chung và của những người thánh hiến nói riêng. Theo Chúa Kitô, “đời sống thánh hiến không chỉ hài lòng sống trong Giáo Hội và cho Giáo Hội” mà vươn tới các Giáo Hội Kitô khác, các tôn giáo khác và cả những người không tôn giáo nữa (XPL 40).
- Đối thoại đại kết (XPL 41):
Mục tiêu của đối thoại là hướng tới “mọi người”, nhưng trước tiên nhằm đến những người cùng niềm tin Kitô. Người thánh hiến cộng tác cách đặc biệt vào công trình đối thoại này qua việc gia tăng cầu nguyện và hoán cải, nhất là đọc và suy niệm Lời Chúa (lectio divina), làm chứng thật sự cho Tin mừng, xây dựng tình bằng hữu, bác ái và cộng tác trong những sáng kiến chung để phục vụ và làm chứng, nỗ lực tìm hiểu lịch sử, giáo thuyết, phụng vụ và những hoạt động bác ái tông đồ của các Giáo Hội Kitô khác.. .
- Đối thoại liên tôn (XPL 42):
Đối thoại với anh chị em thuộc các tôn giáo khác đòi hỏi chứng tá sống động của Tin Mừng và sự tự do tinh thần khỏi mọi ràng buộc của thành kiến, nghi kị, chia rẽ. Huấn thị nhắc lại một vài phương tiện đặc biệt mà Tông huấn Vita Consecrata đã đề ra: hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau, tình bạn thiết tha và sự chân thành hỗ tương đối với các cộng đoàn tu trì của các tôn giáo khác, cùng hợp tác để quan tâm đến đời sống con người, cảm thông với những ai đau khổ về mặt thể lý cũng như tinh thần, cùng nhau dấn thân vì hoà bình, công lý và bảo toàn sinh thái, thăng tiến phẩm giá người phụ nữ...
- Đối thoại với những người không niềm tin tôn giáo (XPL 43):
Đối thoại bằng đời sống và sẵn sàng “trở nên những đối tác đặc biệt trong công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa”: gặp gỡ trao đổi, tình thân ái, tinh thần bác ái phục vụ, nhất là “niềm nở đón tiếp và nâng đỡ tinh thần những người khao khát Thiên Chúa và ước muốn sống những đòi hỏi của đức tin, khi họ tìm đến”.
Đối thoại bằng việc lắng nghe và chia sẻ các kinh nghiệm thiêng liêng, can đảm nói về đức tin như là “cơ hội để hân hoan loan báo về ân huệ dành sẵn cho mọi người” mà vẫn “hết sức tôn trọng tự do mỗi người, ân huệ đó là mặc khải về Thiên Chúa, Đấng ‘yêu thương thế gian đến nỗi đã trao ban chính Con Một (Ga 3,16)’”.
Đối thoại trong tư thế biết khiêm tốn đón nhận để có thể thu lượm được những hạt giống của Lời Chúa nơi các truyền thống văn hoá và tâm linh khác.
3.5. Chứng tá trong những thách đố mới
- Thách đố đến từ chủ nghĩa tiêu thụ và duy lợi nhuận: khủng hoảng sinh thái, hố ngăn cách giàu nghèo, chiến tranh, khủng bố. Thách đố này mời gọi người thánh hiến tái khám phá và làm sáng lên nét đẹp của các giá trị Tin Mừng như nghèo khó, khiết tịnh và phục vụ.
- Thách đố đến từ những hình thức chà đạp quyền con người, mời gọi người thánh hiến “có một sự dấn thân đặc biệt với một vài khía cạnh triệt để của Tin Mừng”, như cổ võ việc tôn trọng sự sống của con người từ khi thụ thai cho đến khi chết, làm dậy men Tin Mừng các thực tại xã hội và chính trị, làm “muối và ánh sáng” trong những hoàn cảnh không thuận tiện...
4. LÀM CHỨNG TRONG BỐI CẢNH VIỆT NAM HÔM NAY
Với tiêu đề “Sống đạo hôm nay”, Lá Thư MụcVụ của HĐGM Việt Nam năm 2006 đã viết: “Sống trong đất nước đang có nhiều thay đổi và thách đố, chúng ta được mời gọi sống đức tin cách trưởng thành hơn để có thể dấn thân phục vụ tha nhân cách mới mẻ hơn và góp phần tích cực hơn trong công cuộc xây dựng con người mới”. Như vậy, đường hướng của Giáo Hội Việt Nam là: (1) sống đức tin trưởng thành; (2) dấn thân phục vụ; (3) xây dựng con người mới. Đó là trách nhiệm sống đạo thật quan trọng, liên quan đến mọi thành phần Dân Chúa, một trách nhiệm làm nên phẩm giá của đời tín hữu, một phẩm giá được thể hiện rõ nét nhờ nỗ lực nên thánh và trở thành chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa.
Với người thánh hiến thì sao? Đâu là những chứng tá mà người thánh hiến có thể trao tặng hôm nay, tại Việt Nam? Chắc chắn cũng cần một đời sống nhân bản, đức tin và tu đức trưởng thành, một sự dấn thân tích cực hơn trong sứ vụ tông đồ truyền giáo, một nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc nên thánh và làm chứng cho tình yêu Chúa.
4.1. Làm chứng bằng đời sống trưởng thành
Sự trưởng thành này từng được hiểu như là trưởng thành nhân bản, trưởng thành đời tu và trưởng thành về đời sống thánh hiến. Theo Paolo Provera thì bản tính của sự trưởng thành đó là “sống đời tu một cách sáng suốt đầy đủ và với một thiện chí hoàn toàn”.
Đó là một thực tại bao trùm tất cả (ba lời khấn, đức ái, đời sống chung, các mối liên hệ), nhưng được đạt đến một cách tiệm tiến qua những nguyên động lực là Thiên Chúa, kinh nghiệm, trí năng và ý chí. Có người nhìn dưới góc cạnh khác thì đó không chỉ là trưởng thành nhân bản (thể lý, tâm lý, tình cảm) mà còn là trưởng thành tâm linh, sự trưởng thành Kitô giáo.
Công đồng đã dùng chữ “trưởng thành” lần đầu tiên theo nghĩa tâm lý, khi đòi các ứng sinh phải có “sự trưởng thành về tâm lý và tình cảm” để tuyên khấn sống khiết tịnh (x. DT 12c).
Sự trưởng thành tình cảm là quan trọng, nhưng trong đời sống thánh hiến, cần phải có một sự trưởng thành và phát triển toàn diện hơn: thể lý, tâm lý, tình cảm, trí thức và tình yêu nữa: tình yêu con cái, tình yêu huynh đệ, tình bạn, tình yêu đam mê xác thịt, tình yêu cha mẹ.
Sự trưởng thành trong đời tu là sự trưởng thành nhân vị toàn diện, được thể hiện qua các tiêu chuẩn: khả năng yêu thương và đón nhận yêu thương, khả năng can đảm đối diện và đối thoại, khả năng làm việc và cộng tác có trách nhiệm, khả năng tự lập, khả năng lấy Thiên Chúa làm trung tâm (quy Thượng Đế).
Người thánh hiến hôm nay được mời gọi đạt tới sự trưởng thành cần thiết, để có sự quân bình chín chắn trong cách suy nghĩ, cách chọn lựa và quyết định, cách phán đoán và hành động, sao cho toát lên vẻ đẹp chứng tá tươi vui và thuyết phục của đời sống thánh hiến (x. XPL 30, 46).
4.2. Làm chứng cho sự thật
Tấm gương của lương tâm sau những bụi mờ của “bệnh gian dối”, “bệnh thành tích”, sau những năm tháng luồn lách để có thể sống cái thời “lương tâm không bằng lương tháng”, sau những ảnh hưởng của “CCCP”, đã đến lúc cần được tẩy rửa và giáo dục lại. Những chuẩn mực đạo đức, bậc thang giá trị, đạo làm người, đạo làm con Chúa xem ra mờ nhạt và chìm lắng dần trước cái chói chang ồn ào của thời kinh tế thị trường. Trong bối cảnh đó, người thánh hiến được mời gọi để đưa ra cái gì là “thật”, là “đích thực”, “tinh ròng”, “nguyên tuyền”, “chính cống”, qua những nhân đức tự nhiên như thành thật, công bằng, tôn trọng của chung và của cải người khác, kính trọng nhân phẩm, danh dự, giữ lời hứa, nhân từ, tin tưởng …
Nói theo ngôn ngữ của tác giả Nguyễn Thái Hợp là phải chống lại năm đứa con hư: “con người tiểu kỉ” ngày xưa cùng với hai đứa con hư của thời bao cấp là “thói đạo đức giả” và “vô trách nhiệm”, hai đứa con hư của cơ chế thị trường hoang dã là “nóng ruột kiếm tiền” và “cắm đầu hưởng thụ”; đồng thời, phát triển nhũng đứa con ngoan rút tỉa và hấp thụ tinh hoa từ đạo đức truyền thống và tiếp thu, gạn lọc những giá trị của văn minh tiến bộ. Hay nói cách khác theo tác giả Nguyễn Ngọc Sơn là “xây dựng con người mới, ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức […], có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời”.
4.3. Làm chứng qua đối thoại và hợp tác
Ngày nay ai cũng thấy đối thoại và hợp tác là cần thiết. Đối thoại không chỉ giúp đôi bên thoát ra khỏi tình trạng đối đầu, chiến tranh, hận thù… mà còn giúp nhau phát triển trong hoà bình, trật tự và nhân ái. Kế thừa đường hướng của Vaticanô II, Tông huấn Giáo Hội tại Á Châu và các tài liệu của Liên hiệp Hội đồng Giám mục Châu Á cũng khẳng định tầm quan trọng lớn lao của đối thoại và hợp tác. Theo đó, cần xây dựng một linh đạo Á Châu cho việc sống và loan báo Tin Mừng, nhất là trong lãnh vực đối thoại ba chiều: với các tôn giáo, các nền văn hoá (hội nhập văn hoá) và thăng tiến người nghèo. Trong bối cảnh Việt Nam, thiết tưởng chúng ta cần xây dựng một “linh đạo đối thoại” với việc lưu ý đặc biệt những điểm sau:
- Phát huy những đức tính quý báu của người Việt: nhẹ nhàng kín đáo, khiêm hạ nhường nhịn (một điều nhịn, chín điều lành; kính trên nhường dưới), hiếu hoà (dĩ hoà vi quý), tương thân, tương ái (lá lành đùm lá rách), niềm nở, hiếu khách … Nói theo linh mục Kim Định đó là triết lý Việt (siêu việt): Minh Triết và Thái Hoà.
- Tiếp thu tinh hoa của văn hoá cổ truyền cách gạn lọc và thích ứng: nhân cách, phẩm giá của con người quân tử (tứ hải chi nội giai huynh đệ giã, hoà nhi bất đồng, nhân lễ nghĩa trí tín…), tu thân xử thế (tam cương, ngũ thường; tam tòng tức đức; trung, thời; chính danh, ngôn thuận, hành thiện), tâm học của Nho giáo (định, tĩnh, an, lự; trí tri, cách vật); Đạo đế (bát chánh đạo), tinh thần từ bi hỷ xả của Phật giáo; Vô vi (nghĩa tích cực), tu tâm dưỡng tính, tự nhiên, minh đức, huyền đức của Đạo giáo…
- Xây dựng một linh đạo về đối thoại theo tinh thần của Tin Mừng nơi khung cảnh Á Châu (Redemptoris Missio 87-91: Linh đạo truyền giáo; Ecclesia in Asia chương V: Hiệp thông và đối thoại để truyền giáo): luôn tin tưởng và tuân theo sự soi sáng và hướng dẫn của Thánh Thần; thấm nhuần điều răn yêu thương của Chúa Kitô; yêu thương, tôn trọng và biết lắng nghe (MV 28, 78; TG 11; LB 53; Ecclesia in Asia, số 31), làm chứng và biết phục vụ (MV 12; TG 11-12), chân thành cởi mở và cảm thông chia sẻ, hợp tác và cộng tác (MV 91; TG 15, 85, 88; Nostra Aetate, số 2; Ecclesia in Asia, số 42), nhất là linh đạo về khổ hạnh, cầu nguyện và chiêm niệm vốn rất được ưa chuộng tại Á Châu và Việt Nam (X. Ecclesia in Asia, số 23).
4.4. Làm chứng qua việc cỗ võ và huấn luyện tình yêu thương, hoà giải, bao dung
Chiến tranh hận thù đã để lại cho Việt Nam một vết thương rỉ máu. Hận thù chia rẽ giữa lương với giáo, cộng sản với quốc gia, bắc với nam, … vẫn như con ma đói ám ảnh đất nước sau hơn 30 vắng bóng chiến tranh. Hay nói theo một tác giả khác thì đó không là vết thương mà “là khối u mà thời gian không hề là phép mầu. […] Làm sao hoà giải nếu không có sám hối và tha thứ?”.
Vì vậy, cần “nỗ lực tối đa góp phần vào công cuộc hòa giải và hòa hợp dân tộc, phát động tình thương, sự hiểu biết, lòng tha thứ và quảng đại [...]. Quan trọng là biết hướng về tương lai, xây dựng một Việt Nam thịnh vượng, một xã hội tiến bộ, công bình, giàu tình thương”. Điều này chỉ có thể thực hiện được khi thực sự “chữa lành ký ức” và thấm nhuần điều răn Đức Ái, yêu thương khoan thứ của Tin Mừng. Sự sám hối và hoà giải cần có từ hai phía. Trong khi vẫn tôn trọng sự thật lịch sử, phân biệt rõ giữa Tổ Quốc, Quê Hương, lợi ích chung của cả dân tộc trong tương quan với ảnh hưởng của ĐCSVN, người Công giáo cũng nhìn nhận và sám hối về phần mình. Như Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bày tỏ nỗi đau xót sâu xa về những lần người tín hữu đã sử dụng bạo lực để bảo vệ chân lý, một hành động hoàn toàn đi ngược với Tin Mừng của Đức Kitô, chúng ta cũng cần bình tâm sám hối và canh tân để không bao giờ lấy ác báo ác, lấy hận thù chống lại hận thù, mà biết “lấy sự thiện thắng sự ác”, “lấy đức báo oán”, lấy yêu thương tha thứ để chữa lành đau thương hận thù, hầu trở thành khí cụ yêu thương và hoà bình đích thực của Chúa.
4.5. Làm chứng qua việc đối thoại ba chiều: với các tôn giáo, với người nghèo và với các truyền thống văn hoá.
Đây là một trong những ưu tiên hàng đầu theo đường hướng của Liên Hiệp các Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC). Đối thoại ba chiều thậm chí được coi là “cách thế hiện diện mới của Giáo Hội Á châu, thúc đẩy cảm thông, hoà bình và hợp tác”. Dĩ nhiên, đây cũng là điều cần thiết cho các tu sĩ, nhất là trong việc tìm “trung thành trong sáng tạo”, tức là tìm kiếm một “cách thế hiện diện và phục vụ” mới trong khi vẫn trung thành với căn tính và sứ vụ của mình.
Trong bối cảnh Việt Nam, các giám mục cũng cho thấy mối bận tâm hàng đầu của Giáo Hội là đối thoại, nhất là đối thoại với dân chúng, với các thực tại tôn giáo, chính trị và xã hội. Các Giám mục Việt Nam cũng đề cao sự cấp thiết và quan trọng của việc hội nhập văn hoá. Trong Lá Thư Mục Vụ năm 2003, các Giám mục đưa ra các đề nghị cho tiến trình đó: Đối thoại như là phục vụ trong yêu thương, bằng hành động cụ thể như cầu nguyện, thăm viếng, trao đổi, liên đới và chia sẻ với người nghèo, người bệnh, người bị bỏ rơi. Đối thoại liên tôn: qua các thăm viếng, tiếp xúc hàng ngày, cộng tác giải quyết các vấn đề chung như công ích, công lý, hoà bình, giáo dục đạo đức, thăng tiến con người, chia sẻ kinh nghiệm tâm linh, cầu nguyện chung, chia sẻ kiến thức tôn giáo. Xây dựng nền Thần học đối thoại: Dùng các ý niệm và cách diễn tả Á đông và Việt Nam để trình bày nội dung đức tin, “không chỉ bằng lòng với việc chuyển ngữ hoặc chuyển dịch” mà thôi. Cần tìm những “hạt giống của Lời” và những mảnh chân lý trong các truyền thống tôn giáo và văn hoá địa phương.
************
Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi lần thứ 47 (25/4/ 2010) cũng mang chủ đề liên quan đến “chứng tá”: Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi. Ơn gọi hoàn toàn đến từ sáng kiến của Thiên Chúa nhưng cũng “được trợ giúp bởi phẩm chất và bởi sự phong phú của chứng tá cá nhân và cộng đoàn của những người đã đáp trả lại tiếng gọi của Chúa trong thừa tác vụ linh mục và trong đời sống thánh hiến”. Chứng tá nơi người thánh hiến có thể khơi dậy những đáp trả quảng đại khác trước lời mời gọi của Chúa Kitô.
Theo đó, các linh mục và tu sĩ thánh hiến cần “mang lửa trong tim” (x. Gr 20, 9), sẵn sàng không chỉ phục vụ Chúa để phục vụ Chúa bằng lời nói, nhưng còn bằng tất cả các phương diện của cuộc sống của họ nữa, noi gương Chúa Giêsu, Đấng Chúa Cha sai đến để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa đối với tất cả mọi người không phân biệt, với sự quan tâm ưu tiên dành cho những người bé mọn nhất, những người tội lỗi, những người sống bên lề xã hội, những người nghèo khổ.
Đó chính là chứng từ mà Giáo Hội mong đợi nơi người thánh hiến: trở nên chứng nhân đích thực của tình yêu Thiên Chúa. Điều đáng tiếc là công cuộc truyền giáo nói chung và sự vụ làm chứng nói riêng dường như còn dậm chân tại chỗ. Theo một thống kê mới đây thì 98% linh mục Á châu và 95% linh mục Việt Nam không quan tâm tới người không Kitô giáo! Những dòng nhật ký của linh mục Piô Ngô Phúc Hậu thật nhẹ nhàng mà thấm thía: “Xóm đạo của con chỉ cách xóm ngoại bằng một con đường đất nhỏ hẹp đến độ hai con trâu đi ngược chiều phải cọ sườn vào nhau. Vậy mà hai xóm có hai nền văn hoá khác nhau như hai dân tộc […]. Bởi vậy từ ngày có trí khôn cho tới bây giờ, con chưa thấy một người ngoại nào theo đạo của Chúa. Chẳng bao giờ con thấy cha xứ than phiền về điều đó. Đức Giám mục cũng chẳng bao giờ phiền trách ngài về điều đó.
Tin Mừng của Chúa đã vón cục lại trong giáo xứ. Giáo xứ là cái ghetto quản thúc Tin Mừng. Nó là cái pháo đài ngạo nghễ để biến chúng con thành những người tự cao tự đại trước mắt người lương dân.
Lạy Chúa, đến bao giờ chúng con mới nói được với giáo xứ lời này:
‘Chúng tôi còn phải đi loan báo Tin Mừng tại các thành khác nữa. Chính vì thế mà chúng tôi đã được sai đến’”.
Với con số tu sĩ và ơn gọi dồi dào, Giáo Hội Việt Nam chắc hẳn mong đợi rất nhiều nơi các thành viên đặc biệt này. Chính họ chứ không ai khác sẽ là thành phần chủ chốt làm nên “mùa hiện xuống mới” cho Giáo Hội hình chữ S thân yêu này. Điều đó, trước hết tuỳ thuộc vào đời sống chứng tá khả tín và thuyết phục mà họ đưa ra. Chỉ khi sống triệt để ơn gọi thánh hiến, làm chứng cho tình yêu tuyệt đối và vô biên của Thiên Chúa, họ mới có thể góp phần hữu hiệu như kỳ vọng đó của Giáo Hội.
Quả thực, đời thánh hiến cho thấy các mối phúc Tin Mừng không phải là một giáo thuyết trừu tượng. Chứng tá hàng ngày của đời sống các mối phúc nơi người thánh hiến là bằng chứng cho thấy một Nước Trời đang bắt đầu hiện diện, đang lớn lên và biến cải thế giới này.
Đó là nỗ lực của con người, nhưng là một nỗ lực mở ra cho Thánh Thần, Đấng là tác nhân chính của công cuộc truyền giáo (RM, chương III). Chính Thánh Thần sẽ thổi lên ngọn lửa tình yêu và nhiệt thành, để nơi mỗi người thánh hiến, người ta có thể nhận ra sự hiện diện sống động và đầy yêu thương của Thiên Chúa.
ĐỀ TÀI GỢI Ý THẢO LUẬN
1. Đâu là chứng tá “khả tín và thuyết phục” mà người thánh hiến có thể trao tặng cho dân tộc Việt Nam hôm nay?
2. Những yếu tố nào là quan trọng để đào tạo những chứng nhân đích thực?
3. Đức ái là “linh hồn” của đời thánh hiến.
CÁC CHỮ VIẾT TẮT:
CN: Bản đức kết “Chiều kích chiêm niệm của đời tu”, khoá họp khoáng đại 4-7/3/1980 của Bộ Tu sĩ.
CT: Tông huấn “Chứng tá Phúc Âm” (Evangelica testificatio), ĐTC. Phaolô VI, 29-06-1971.
DT: Sắc lệnh về canh tân thích nghi Dòng tu (Perfectae Caritatis: Đức ái trọn hảo) của Công Đồng Vaticanô II, 28-10-1965.
GH: Hiến chế tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium: Ánh sáng muôn dân) của công đồng Vaticanô II, 21-11-1964.
GL: Bộ Giáo Luật 1983.
HA: Tông huấn “Hồng ân cứu chuộc” (Redemptionis donum), ĐTC. Gioan Phaolô II, 25-03-1984.
HĐ: Huấn thị “Đời sống huynh đệ trong cộng đoàn”, 02-02-1994.
HL: Huấn thị “Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các dòng tu” (Potissimum institutioni), 02-02-1990.
LB: Tông huấn “Loan báo Phúc Âm” (Evangelii nuntiandi), Đức Phaolô VI, 08-12-1975.
LH: Các liên hệ hỗ tương giữa Giám Mục và tu sĩ trong Giáo Hội (Mutuae relationes), 14-5-1978.
MV: Hiến chế Mục Vụ (Gaudium et Spes) của Công Đồng Vaticanô II, 07-12-1965.
RC: Huấn thị “Renovationis causam”, Bộ Tu Sĩ, 06-1-1969.
RM: Thông điệp “Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris Missio) của ĐTC. Gioan Phaolô II, 07-12-1990.
TG: Sắc lệnh về Truyền giáo (Ad Gentes) của Công Đồng Vaticanô II, 18-11-1965.
TH: Tông huấn hậu Thượng hội đồng Giám Mục về đời thánh hiến (Vita consecrata), Gioan Phaolô II, 25-03-1996.
TT: Tu sĩ và việc thăng tiến con người, 12-08-1980.
XPL: Huấn thị “Xuất phát lại từ Đức Kitô” của Bộ Đời Sống Thánh Hiến và các Hiệp Hội Tông Đồ, 19-5-2002.
YT: Văn kiện “Những yếu tố cốt yếu của đời tu”, 31-5-1983.
CHÚ THÍCH:
A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 32-33.
X. E. GAMBARI, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, Mathias M. Ngọc Đính chuyển ngữ, Năm Thánh 2000, tr. 116.
X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, Rôma 1993, tr. 391; J. C. G. PAREDES, Teologia de la Vida Religiosa [Thần học về Đời Tu], bản dịch tiếng Anh “Theology of Religious Life: From the Origins To Our Days” được Giuse Đỗ Ngọc Bảo chuyển ngữ sang tiếng Việt, “Đời tu xưa và nay”, 2007, tr. 122-124.
X. J. C. G. PAREDES, Idem, bản dịch Việt ngữ, tr. 162.
X. D. MONGILIO, “Carità” [Đức Ái], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 184.
X. D. MONGILIO, “Carità” [Đức Ái], tr. 184-185.
X. Ibidem, tr. 186-187.
X. Ibidem, tr.186.
X. CÔNG ĐỒNG ORANGE II, can. 12, Denz. 382.
X. D. MONGILIO, “Carità”, tr.186.
X. Ibidem, tr. 193-194.
TÔMA AQUINÔ, Suma Theologia IIa-IIae, q. 24, a. 9, c, 2m, 3m.
D. MONGILIO, “Carità” [Đức Ái], tr. 184-205.
BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI CÁC TÔNG ĐỒ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 22.
X. PHAOLÔ VI, Tông huấn Loan báo Tin Mừng (Evangelii Nuntiandi), số 41; GIOAN PHAOLÔ II, Thông điệp Sứ vụ Đấng Cứu Chuộc (Redemptoris missio), số 42; Tông huấn Giáo hội tại Á châu (Ecclesia in Asia), số 42.
J.- O. TUÍII VANCELLS, “Testimonianza” [Chứng từ], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994,1739-1740.
X. K. RAHNER, Religious life Today, Burns & Oates, London 1976, tr. 9.
X. S. M. SCHNEIDERS, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, Paulist Press, New York/Mahwah 1986, tr. 93-94; G. SEBASTIAN, Religious And Mission Ad Gentes according to the Missionary Documents of the Universal Church from Maximum Illud to Vita Consecrata, Romae 2000, tr. 2.
X. D. O’MURCHU, Religious Life: A Phrophetic Vision, Hope and Promise for Tomorrow, Ave Maria Press, Notre Dame, Indiana 1991, tr. 174; G. SEBASTIAN, sđd, tr. 3.
X. S. M. SCHNEIDERS, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, tr. 101; G. SEBASTIAN, sđd, tr. 3.
X. TH, số 87; J. M. R. TILLARD - A GOSPEL PATH, The Religious Life, chuyển ngữ bởi Prendergast, Lumen Vitae, Washington 1975, tr. 86, Sebastian George, sđd, 3-4.
X. L. BOFF, God’s Witness in the Heart of the World, Claret Centre for Resources in Spirituality, Chicago 1981, tr. 155.
X. G. SEBASTIAN, sđd,tr. 4-5.
X. K. MÜLLER, Mission Theology, An Introduction, Steyler Verlag – Wort und Werk, Nettetal 1987, tr. 125.
X. G.SEBASTIAN, sđd, tr. 5.
X. J. M. ROVIRA ARUMÍ, “The Evangelical Counsels in the Post-Synodal Apostolic Exhortation Vita Consecrata”, trong D. MORALEDA – F. TORRES – J. PINEDA (cb), From Seduction to Mission: An Asian Commentary to Consecrated Life, Claretian Publications, Philippines 1997, tr. 97.
X. S. M. SCHNEIDERS, New Wineskins, Re-imagining Religious Life Today, 93-94. Xt. P. PROVERA, Catechismo dei voti religiosi, Bản dịch Việt ngữ của Phạm Duy Lễ, Thánh hiến cuộc đời. Giáo cương lời khấn tu trì dưới ánh sáng Công đồng Vaticanô II, s.e. & s.a., tr. 116-122. Xét về nghĩ vụ pháp lý thì bất di dịch, nhưng xét về động lực và lý thuyết thì lại khá đa dạng. Đàng khác, theo nghĩa rộng, khiết tịnh (castitas) là lời mời gọi cho mọi người. X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, tr. 452-462.
X. E. GAMBARI, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ, tr. 335.
Để có cái nhìn tổng thể và về đức khiết tịnh có thể xem A. A. RODRIGUEZ – J. CRISTO REY GARCÍA PAREDES – J. PUJOL I BARDOLET, “Castità” [Sự khiết tịnh], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr.213-278.
X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2. Tập 3: Các Hội Dòng tận hiến và các tu đoàn tông đồ, tr. 482-486;
X. PHAN TẤN THÀNH, Sđd, 486-489; E. GAMBARI, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ, tr. 355-361.
TÔMA AQUINÔ, Summa Theologica II-II, q. 187, 5; q. 188, 7.
X. G. SEBASTIAN, 23-24.
Xét về phương diện thần học, đức thanh bần đặt con người trong thái độ khiêm tốn trước mặt Chúa, thúc đẩy họ bước theo Chúa Kitô tự hạ, siêu thoát, giúp họ sống yêu thương liên đới qua việc chia sẻ với cộng đoàn và tha nhân, chứng tá cho sự tự do thanh thoát. Xét theo khía cạnh tu đức, khó nghèo có nghĩa là cần cù lao động, liên đới phục vụ người nghèo và sống bác ái chia sẻ. Xét theo hình thức thì có khó nghèo trong tâm tình (bình dị, không tạo ra nhu cầu giả tạo, không dính bén) và khó nghèo nghĩa chặt (khất thực, sống chung với người nghèo…). X. PHAN TẤN THÀNH, Dân Thiên Chúa. Giải thích Giáo Luật quyển 2, tr. 493-505.
Tông thư Chúng tá Phúc Âm số 18 nói đến năm phương thức đáp lại “tiếng kêu la của người nghèo”: (1) không liên kết với bất cứ hình thức bất công xã hội nào; (2) thức tỉnh lương tâm trước hoàn cảnh bi đảt của người cùng khổ; (3) sống và chia sẻ cái nghèo với người nghèo; (4) phục vụ người nghè; (5) sử dụng một cách tiết kiệm những của cải mình có. X. PHAOLÔ VI, Chứng tá Phúc Âm, số 17-18.
Để có cái nhìn tổng thể về đức khó nghèo có thể xem thêm V. CASAS GARDA- S. SANTIAGO GONZÀLEZ, “Povertà” [Sự khó nghèo], trong RODRIGUEZ A.A. - CASAS J.M.C. (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 1242-1283.
X. PHAOLÔ VI, Bài diễn văn trước các bề trên thượnng cấp nước Ý, ngày 12.1.1967. http://www.vatican.va/holy_father/paul_vi/speeches/1967/january/documents/hf_p-vi_spe_19670112_superiore-maggiori_it.html.
“Ipsa vero non se existimet potestate dominante, sed charitate serviente” (Ep. 211; P.L. 33, 964).
X. TÔMA AQUINÔ, Summa Theologica II-IIæ, q.186, 7-8.
Bối cảnh hôm nay đề cao tự do và trách nhiệm cá nhân, chủ nghĩa tự do quá trớn, chủ nghĩa tiện nghi và hưởng thụ, chú nghĩa nhân bản và tự nhiên thái quá, sự suy yếu về đức tin… đang làm cho việc thực thi đức tuân phục trở nên khó khăn. X. Essai de réflexion prospective, Paris: U.S.M.F. 1968, tr. 11-27. Được đề cập trong E. Gambari, “Vita Religiosa oggi” secondo il Concilio e il Nuovo Diritto Canonico [Đời tu dưới ánh sáng Công đồng và Giáo luật], quyển 1, bản dịch Việt ngữ 2000, tr. 391t, 487.
X. E. GAMBARI, Sđd, bản dịch Việt ngữ, tr. 392-401.
X. PHAN TẤN THÀNH, Sđd, 506-511; 515-523.
X. J. T. CULLITON, “Religious Obedience: Its ‘Grace and Sin’ History”, trong Religious Life Renewed… Formation Renewed!, Canadian Religious Conference, Ottawa 1983, tr. 123.
X. G. SEBASTIAN, Sđd, tr. 24-26.
X. PHAN TẤN THÀNH, Sđd, 529.
X. S. H. CANILANG, Đời Cầu Nguyện. Hiệp Thông và Truyền Giáo trong Đời Sống Thánh Hiến, Bản dịch của Giuse Đinh Hữu Thoại, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2003. Cuốn sách 142 trang gồm 5 phần bàn về chiều kích thừa sai của Đời sống thánh hiến qua việc tạo lập một cộng đoàn cầu nguyện, hiệp thông huynh đệ và chứng tá Tin Mừng.
Chứng từ của đời sống cầu nguyện và khổ chế, của việc thực hành các nhân đức, của việc thực thi đặc sủng của tu hội: rao giảng, giáo lý, giáo dục, bác ái, phục vụ bệnh nhân, truyền thông xã hội, phục vụ người nghèo, đối thoại liên tôn, hội nhập văn hoá, phục vụ người di dân… X. G. SEBASTIAN, Sđd, tr. 27-75.
PHAOLÔ VI, Tông thư Loan báo Tin Mừng, số 76.
X. GIOAN PHAOLÔ II, Tông thư Novo Millennio Ineunte, số 49.
X. GIOAN PHAOLÔ II, Tông huấn Vita Consecrata, số 100-103; BỘ ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN VÀ HIỆP HỘI TÔNG ĐỒ, Huấn thị Xuất phát lại từ Đức Kitô, số 40-44.
HĐGMVN, Thư Mục Vụ năm 2006: Sống đạo hôm nay, số 11, Huế, ngày 08/09/2006. Khả dụng trên www.hdgmvn.org.
X. Ibidem.
X. F.X. NGUYỄN HỮU TẤN, Người tu sĩ trưởng thành, Phần 1-3, s.e., s.l., s.a.
E. PROVERA, Bản dịch Việt ngữ, tr. 259.
X. Ibidem, tr. 260-308.
S. DE FIORES – T. GOFFI (cb), Dictionnaire de la vie spirituelle, Cerf, Paris 1983. Bản dịch Việt ngữ, “Sự trưởng thành tâm linh”, trong Một con đường sống, Lưu hành nội bộ, tr. 19-25.
X. R. W. GLEASON, “Sự trưởng thành Kitô giáo”, trong M. DOLORES, et al., Creative Personality in Religious Life, Sheed and Ward, N. Y. 1962, Ngô Văn Vững chuyển ngữ: Dâng hiến sáng tạo. Đời tu dưới ánh sáng của Công đồng Vaticanô II và Tâm lý hiện đại, tr. 207-240. Phần phụ lục này không thuộc về nguyên bản, được dịch giả thêm vào để minh hoạ tốt hơn cho cuốn sách. Theo tác giả, sự trưởng thành Kitô giáo là sự “viên thành thiêng liêng và tâm lý”: quân bình tâm lý, tự lập và tự do, phán đoán tốt, tình yêu bất vụ lợi, trưởng thành tôn giáo. Ngược lại tình trạng thiếu trưởng thành là tôn giáo ma thuật, ý niệm sai lầm về bất vụ lợi, có thái độ tiêu cực trước quyền bính, chủ quan, độc đoán…
X. ĐINH ĐỨC ĐẠO, Integral Development according to the Encyclical “Populorum Progressio”. An anthropological approach to the problem viewed within a world-wide context, Academia Alfonsiana, Roma 1976, tr. 14-22; NGUYỄN THÁI HỢP, Để họ lớn lên, Đức tin & Văn hoá -2005, tr. 9, 179-208.
X. A. VÀZQUEZ, “Maturità” [Sự trưởng thành], trong A.A. RODRIGUEZ - J.M.C. CASAS (cb), Dizionario Teologico della Vita Consacrata, Ancora, Milano 1994, tr. 950-963.
Viết tắt của chữ Liên Bang Xô Viết, bị đọc trại đi là “Của chung cứ phá, của công cứ phí”.
Các nhân đức được đề cập đên trong các văn kiện Giáo Hội. X. OP, số 3; GLGHCG, số 1804-1811.
“Tiểu kỷ” chính là cái tôi bé nhỏ, cam chịu thân phận hèn mọn, bị động, nhờ ân huệ, vun quén, xà xẻo, khôn khéo lẩn tránh, não trạng khép kín, luồn cúi, khúm núm, an phận, phụ thuộc, manh mún, tiểu xảo, rình được một cơ hội nào đó thuận tiện thì tìm cách xoay xở, vun quén chút ít cho cái tôi nhỏ bé … X. TRẦN ĐÌNH HƯỢU, Đến hiện đại từ truyền thống, NXB Văn Hoá, in lần thứ hai, Hà Nội 1996, tr. 390-391.
X. NGUYỄN THÁI HỢP, Để họ lớn lên, tr. 15-48; LY TÂM, «Tiếng nói từ trái tim», trong LÊ NHÂN TÂM, Giới trẻ Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, Tp. HCM 2004, 18-26.
“Nếu như trước đây, người Việt Nam tin vào Trời - Phật độ trì, vào thiên mệnh của Nho giáo, vào Thiên Chúa của Kitô giáo, vào Ông bà Tổ tiên chứng giám thì giờ đây, những bài học bài bác thái độ duy tâm, đề cao chủ nghĩa duy vật từ 30 năm qua dường như đang có hiệu quả rõ rệt là xoá bỏ niềm tin mang tính tín ngưỡng ấy của người Việt. Nhưng một khi con người đánh mất ý nghĩa của đời sống tinh thần, chối bỏ sự hiện diện của chủ thể luân lý tối cao như là nền tảng cho đạo đức xã hội thì người ta dám làm bất cứ điều gì để chiều theo những tham vọng và dục vọng! Luật pháp không có khả năng khám phá tất cả những hành động bí ẩn của con người bắt nguồn từ trong tâm trí. Vì thế, khi tin vào một chủ thể luân lý tối cao nhìn thấu lòng mình (Trời cao có mắt), con người mới ý thức và tự nguyện sống theo lương tâm ngay chính, vượt qua những quyến rũ của vật chất, đam mê để sống đạo đức. Từ căn bản đạo đức này, người Việt mới có thể vượt qua những tệ nạn như: dối trá, tham nhũng, quan liêu, lãng phí, phá thai… đang tràn lan trong xã hội hiện thời.”, Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Cấu trúc văn hoá xã hội của người Việt Nam trong hoạt động xã hội, mục 2.3.4., mạng lưới Dũng Lạc, http://www.dunglac.org/index.php?m= module2&v = detailarticle&id=45&ia=635.
X. FABC, Hội nghị kháng đạt lần I: “Evangelization in Modern Day Asia”, 27 April 1974, Tapei, Taiwan, số 9, trong G.B. Rosales – C.G. Arévalo (ed), For All People of Asia, tr. 14; Tông huấn Ecclesia in Asia, số 21-40.
X. P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, preface, x; Linementa of the Asian Synod, số 33, X. Ibidem, tr. 14.
X. HỒNG KIM LINH, Người Việt, Tủ sách nghiên cứu dân tộc ngôn ngữ Hồng Lĩnh xuất bản, Paris 1984, tr. 148-165.
X. KIM ĐỊNH, Di Sản Văn Hóa Việt Nam Ðối Với Ðời Sống Hiện Ðại, Bài diễn văn phát biểu của Triết Gia Kim Ðịnh tại Hội Nghị Toàn Cầu về Triết Học lần thứ XVIII được tổ chức tại Brighton (Anh Quốc) từ ngày 21-27/08/1988, http://www.catholic.org.tw/vntaiwan/kimdinh/culture.htm.
Nhiều người phê bình đây là một chủ trương miệt thị phụ nữ, trọng nam khinh nữ, là “bóng ma không trở lại”, hoặc ít ra phải tách tứ đức ra khỏi tam tòng, nhưng nếu ta biết gạn lọc và phát triển thì cũng rất hữu ích cho việc giáo hoá, không chỉ cho nữ giới mà còn cho cả nam giới nữa. X. LY TÂM, “Tiếng nói từ trái tim”, trong Ibidem, tr. 21-26.
X. TRẦN VĂN HIẾN MINH, Con người biết suy tư. Triết dự bị thần học 1, lưu hành nội bộ, tr. 102-105, 134-150; Để mở rộng: x. TRẦN TRỌNG KIM, Nho giáo, tr. 37-146, 660; TRẦN NGỌC THÊM, Tìm về bản sắc văn hoá Việt Nam. Cái nhìn hệ thống-loại hình, NXB. Tp. HCM 20044, 449, 479-504; XINZHONG YAO, An troduction to Confucianism, Cambridge University Press 2000, 139-189; NGUYỄN THẾ THOẠI, Tôn giáo học và các Tôn giáo lớn ở Việt Nam, lưu hành nội bộ.
Bao gồm vô dục, vô tư, vô tranh, vô danh, có thể phát triển thành: không ham muốn thái quá; không lo lắng quá để lòng thanh tịnh, tự do phát triển; không bon chen quá mà biết giữ nhân ái nữa; không ham hố hư danh mà sống đơn thành. “Có người cho vô vi một nghĩa rất sơ đẳng ‘Vô vi là không làm gì’, sống an nhàn, lười biếng, không cố gắng, … Cũng có người cho vô vi là bi quan chủ nghĩa… Vô vi phải có một nghĩa tích cực. Vô vi là con đường tổng diệt để giải thoát tâm hồn vào cõi hồn nhiên, diệt trừ mọi ngang trái, mọi tà dục thắt buộc con người để trở về nguyên thuỷ hồn nhiên…là con đường đưa tới chỗ chân thân tức là cái tâm linh bất diệt”, x. TRẦN VĂN HIẾN MINH, Idem, tr. 169-174.
Để mở rộng về đề tài này có thể xem: J. DINH DUC DAO, Preghiera rinnovata per una nuova era missionaria in Asia, Editric Pontificia Università Gregoriana, Roma 1994, III, 49-75; “Educazione alla preghiera”, trong DINH DUC DAO, Tu mi hai chiamato. Cammino di preghiera alla pienezza della vita apostolico-missionaria, CIAM, Roma 2002, 109-117; “Pratiche formative nel Buddismo”, in Redemptoris Missio, XX (2004) 2, Roma 2004, 51-63.
Bằng ngôn ngữ văn chương, Lê Lựu đã phản ánh điều đó qua nhân vật Trần Địa, x. LÊ LỰU, Hai nhà, NXB Thanh Niên, Hà Nội, 2000, tr. 289 -291, trích trong Nguyễn Thái Hợp, Để họ lớn lên, tr. 46-47.
PHẠM THỊ HOÀI, Còn lại gì, www.talawas.org, trích theo NGUYễN THÁI HợP, Idem, tr. 60.
Thư chung năm 1975 của TGM. Nguyễn Văn Bình, X. P. NGUYỄN THÁI HỢP, Tương quan phức tạp giữa Công giáo với Nhà Nước Việt Nam, Bài tham luận tại Tọa đàm về: “Công giáo với Dân tộc: Xưa và Nay”, do Viện Nghiên cứu Tôn giáo tổ chức tại Hà Nội vào tháng 2 năm 2006, đăng trên NS Công giáo và Dân tộc, số 138, tháng 6-2006, tr. 16-31, và www.dunglac.net (bài này có thêm một số bổ sung).
Ngày 11 tháng 6 năm 1995, ông Nguyễn Hộ, nguyên Chủ tịch Liên Hiệp Công đoàn, Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc và sáng lập viên Câu lạc bộ Cựu Kháng chiến Tp.HCM, công bố thư ngỏ về “Một giải pháp hòa hợp Dân tộc” với những lời kêu gọi đảng và bà con công giáo đều cần sám hối: “Không phải chỉ riêng người Cộng sản và người Công giáo mà tất cả tín đồ Tôn giáo khác và các thành phần khác của dân tộc cũng phải sám hối mới có thể tiến tới hòa hợp và hòa giải đích thực. Có người đặt vấn đề “Tổ quốc ăn năn” khi nghĩ lại “những gia tài nhục nhằn” Mẹ Việt Nam để lại cho đàn con và nhất là những thách đố đang đặt ra cho Đất nước trước thiên niên kỷ mới”, trích theo NGUYễN THÁI HợP, Tương quan phức tạp giữa Công giáo với Nhà Nước Việt Nam, www.dunglac.net.
“Lạy Chúa là Thiên Chúa của mọi người, trong một vài giai đoạn của lịch sử, người Kitô hữu đôi lúc đã sống bất bao dung và đã không trung thành với giới luật yêu thương lớn lao, như thế đã làm hoen ố khuôn mặt Giáo hội, Hiền thê của Ngài. Xin tỏ lòng thương xót với những đứa con tội lỗi của Ngài, và xin thương đón nhận quyết tâm của chúng con nhằm kiếm tìm và cổ võ chân lý trong thái độ dịu dàng của đức ái, với niềm xác tín rằng chân lý chỉ có thể chiến thắng bởi chính chân lý mà thôi”, GIOAN PHAOLÔ II, dịp Năm Thánh 2000.
X. FABC, “Evangelization in Modern Day Asia,” 27 April 1974, Tapei, Taiwan, số 9, trong For All The Peoples of Asia, vol. I, tr. 14; Đức Gioan Phaolô II, Tông huấn Ecclesia in Asia, các số 21-40.
P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, tr. 17.
X. J. A. GÓMEZ, Inculturation & Religious Life, ICLA & Cleretian, bản dịch Việt ngữ do jos. LCĐ: Hội nhập văn hoá và đời tu, lưu hành nội bộ; Tuyên Bố Chung của Hội Nghị Chuyên Đề về “Ảnh Hưởng của Nền Văn Hóa Hôm Nay trên Đời Sống Thánh Hiến” do Ủy Ban Đời Sống Thánh Hiến thuộc Liên Hiệp Các Hội Đồng Giám Mục Á Châu tổ chức từ ngày 16-21/11/2009 tại Nhà Tĩnh Tâm Salêdiêng ở Hua Hin, Thái Lan.
HĐGMVN, “Response of to Lineamenta,” trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, tr. 51
Ibidem, 46-49.
Ibidem, 47; x. P. NGUYỄN VĂN HOÀ, “Evangelization in Vietnam”, trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), Idem, 122-124; NGUYỄN NHƯ THỂ, “Inculturation. Veneration of Ancestors in Vietnam,” trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), Idem, 124-125; VŨ KIM CHÍNH, “Inculturation of Chirstianity into Asia: reflection on the Asian Synod,” trong P. PHAN ĐÌNH CHO (ed), Idem, 269-272.
X. PHAN ĐÌNH CHO, Idem, 47-51, 122-125; HĐGMVN, Lá Thư Mục Vụ 2003, n. 11, trong HĐGMVN, Bản Tin Hiệp Thông 20-21, (October 2003).
HĐGMVN, Lá Thư Mục Vụ 2003, n. 20.
X. HĐGMVN, Lá Thư Mục Vụ 2003, nn. 10-12.
X. Ibidem.
X. Ibidem.
HĐGMVN, “Response to Lineamenta of Ecclesia in Asia,” trong P. Phan Đình Cho (ed), The Asian Synod. Texts and Commentaries, Orbis Books, Maryknoll, NY 2002, 47-51.
BÊNÊĐICTÔ XVI, Sứ điệp ngày thế giới cầu cho ơn gọi: Đời sống chứng tá khơi dậy các ơn gọi, 13/1/2009, có sẵn trên Kênh thông tin Xuân Bích, http://xuanbichvietnam.wordpress.com/2010/02/17/su-diep-ngay-the-gioi-cau-nguyen-cho-cac-on-goi-lan-thu-47/. Nguyễn Xuân Tiến chuyển ngữ.
X. NGUYỄN NGỌC SƠN, Muốn xuất phát lại từ Ðức Kitô trước hết cần trở lại với Người, Bài chia sẻ nhân dịp Ðại Hội truyền giáo Á Châu, Chang Mai, Thái Lan 18-22/10-2006.
X. G. NGUYỄN TRỌNG VIỄN, “Vài nhận định về đời sống Kitô giáo tại Việt Nam”, đăng trên Bản Tin Hiệp Thông 23-24 (6/2004), tr. 200-207; Cx. “Những người rao giảng hôm nay”, trong Ibidem, tr. 208-210.
X. P. NGÔ PHÚC HẬU, Nhật ký truyền giáo, NXB Tôn Giáo, Hà Nội 2009, tr. 8-9.
X. C. PÉREZ, “Religiosi”, trong PUU, Dizionario di Missiologia, EDB, Bologna 1993, tr. 441-443.
X. J. LÓPEZ-GAY, “Spirito Santo”, trong PUU, Dizionario di Missiologia, EDB, Bologna 1993, tr. 475 tt.