Câu đối Tết con Hổ

I. Kiếp HỔ - vinh và nhục

Hổ vốn ở tận rừng sâu nhưng mối liên quan đến con người thì ít dã thú nào bì kịp. Vì Hổ đồng nghĩa với sức mạnh, với bạo lực, bạo quyền. Ở nơi rừng rậm thì bạo quyền làm nên chức tước. Sư tử nguyên là Chúa Sơn lâm, nhưng nòi giống “hào kiệt” này đã dần “hao kiệt”, Hổ là cấp phó tự đề bạt mình lên cấp trưởng đương nhiên. Con người hồng hoang xưa vốn là “Con” nên cũng khát khao những thứ bạo lực và “vinh quang” ấy lắm.

Chúa Sơn lâm rất kỵ văn minh chẳng thích gần người, nhưng con người cứ sùng kính đưa Hổ vào đời sống của mình, tôn là Ông Hổ hay Ông Ba mươi (Mối hữu nghị này xem ra cũng là hữu nghị một chiều). Khát khao sinh ra sợ sệt và sùng bái. Sáng dậy, thấy quanh nhà có vết chân “lạ” của Hổ thì xì xào “Đêm qua Ông về, Ngài về!” (mặc dù “Ngài” về để bắt lợn!). Tên của Hổ chỉ dùng vào việc tôn kính, tướng võ oai phong gọi là Hổ tướng, cha con cùng tài giỏi là “Hổ phụ sinh Hổ tử”....

Nhưng ở đời, cao nhân tất hữu cao nhân trị (huống chi “cao Hổ”). Con người dần văn minh lên, có vũ khí, có mưu mẹo để săn bắt Hổ thì danh tiếng xưa kia lại trở thành đại họa cho Chúa Sơn lâm. Bộ da Hổ rất đẹp rất oai thì phải lột da làm thảm trải nơi trướng gấm. Xương Hổ tạo nên sự khỏe mạnh thì phải nấu thành cao. Răng Hổ thì phải vặn ra, đem mài từng chút làm thuốc chữa đau bụng. Vuốt hổ bị bóc ra thành vật trang sức trước ngực những chàng trai muốn bộc lộ tính dũng mãnh của mình. Kể sao hết nỗi tang thương !. Sức mạnh hoang dã là thứ tốt nhất để con người lợi dụng.

Thân đã bại thì danh cũng liệt. Hổ chẳng còn uy vũ thiêng liêng gì, “Chúa” nay bị nhốt vào chuồng làm cảnh để thu tiền du khách. Xác Hổ thì bỏ hết ruột gan, nhồi bông bày nơi khảo cổ, cho loài người chiêm ngưỡng như chiêm ngưỡng một trong những loài “tiền bối” của mình. Cái gì xấu thì dành cho Hổ, người ta chửi rủa nhau “Ăn như Hổ đói”, “Đồ Hổ vồ”. Hổ thành biểu tượng cho sức mạnh tàn ác, luật rừng dã man. Ngôn ngữ Việt nam càng làm mất danh dự cho loài Hổ, nào là Hổ thẹn, đứt thần kinh Xấu Hổ. Trong văn chương, viết “Hổ không biết Hổ” là mượn tên loài Hổ chửi bọn người tham tàn vô sỉ. Nếu hiểu tiếng Việt và có thần kinh xấu hổ thì chắc Hổ phải tủi hổ, chui xuống lỗ nẻ mà chết. Nhưng cũng may cho Hổ, không chết, vì bạo lực và sự hổ thẹn nào có mấy khi song hành !

Nhưng nỗi bất hạnh nhất của Hổ phải kể dến trò đấu Hổ quyền. Cho Hổ đấu với voi, nhưng “Voi được đi lại tự do, còn hổ bị buộc bằng sợi xích cột vào cái cọc đóng chắc chắn ở giữa đấu trường và bị cắt bỏ nanh vuốt, cốt biến Hổ thành vật tế thần cho voi tập luyện ” (!). (Đây là kiểu “Trói tay đối thủ rồi thách đấu” – Bùi Tín).

Theo bài “Hổ Quyền” trong cuốn Quần thể di tích Huế (NXB Trẻ 2007, trang 293-299), tác giả Phan Thuận An tả cảnh một trận Hổ quyền dưới triều Thành Thái như sau:

Voi cái bước vào đấu trường có vẻ hiên ngang, đi qua đi lại trước mặt cọp không một chút sợ hãi, vua Thành Thái khen: "con này can đảm lắm". Nhưng bỗng chốc, cọp nhảy lên trán voi, voi hất mạnh, cọp rơi xuống. Cọp lại nhảy lên bấu vào chỗ cũ. Voi tức giận, rống lên, vụt chạy đến dùng đầu đẩy mạnh cọp vào thành đấu trường, dùng sức mạnh ngàn cân vừa húc, vừa ép thật sát. Khi voi ngẩng đầu lên, cọp té xuống đất, voi dùng chân chà cọp đến chết...

Trận Hổ quyền đẫm máu nhất là vào năm 1750, ở cồn Dã Viên trên sông Hương, lần lượt 40 con voi đã giết chết 18 con Hổ một cách khủng khiếp tương tự như thế.

Âu cũng là “sinh ư nghệ tử ư nghệ”, không cậy mình có sức mạnh vô địch làm Chúa Sơn lâm, mặc sức chén thịt hươu nai, trâu bò thì Hổ đâu có vinh dự chọn làm vật tế thần và bị đẩy vào cảnh thê lương như vậy? Thật rõ oan oan tương báo.

Ba mươi Tết CANH DẦN này, theo phong tục, TRÂU phải bàn giao quyền cho HỔ, HỔ tiếp quản quyền bính chi phối thế gian. Lòng ta không khỏi bồi hồi. nghĩ về con HỔ, để vừa ca ngợi, vừa sợ, vừa ghét, vừa thương. Trời sinh cái kiếp CỌP sao đa đoan, lúc vinh là thế mà lúc nhục là thế !

HỔ lên ngôi thì TRÂU phải tán loạn mà chạy mất dép (mất guốc chứ!). HỔ và BÁO liệu có là cặp bài trùng? HỔ lên ngôi thì họ nhà BÁO ra sao? Tôi cứ nghĩ lan man vậy mà nên mấy Câu đối Tết nôm na này, để cùng bạn bè dăm ba phút vui vui trong ngày Tết.

II. Câu đối Tết con HỔ

Câu đối 1: (Cuộc Đổi mới của Trâu và Hổ)

* TRÂU men Lề phải vô chuồng cũ !
* HỔ cứ Luật rừng giữ thói xưa !


Câu đối 2: (Quan hệ Trâu và Cọp)

* TRÂU theo lề phải... vô chuồng CỌP !
* CỌP cứ luật rừng... chén thịt TRÂU !


Câu đối 3: (Về 2 chữ CANH-DẦN)

*CANH CÁNH những lo niềm nước mất !
* DẦN DẦN phải gỡ nỗi dân đau !


Câu đối 4: (Chơi chữ Hổ-Báo-Hùm-Beo)

* Rỡn mặt Hổ, mình ra tờ nhật Báo!
* Vuốt râu Hùm, ta tạo tấm da Beo!


(Tấm da Beo lốm đốm như Ác với Thiện, như Phải và Trái xen nhau)

Câu đối 5: ( Quan hệ tay tư giữa Trâu-Hổ-Cuội-Bờm)

* BỜM cưỡi lưng TRÂU, sừng vênh vểnh ra chiều tự đắc !
* CUỘI mang tính HỔ, vuốt thập thò coi bộ hiền khô !


Câu đối 6: (Vịnh nước cờ BỐN TỐT sang sông)

* Đêm ba mươi, pháo nổ ngang trời, ông ba mươi tiếp quản, dân thấp thỏm,TRÂU chạy đằng TRÂU!
* Mẹo bốn tốt, cờ tàn hết nước, địch bốn tốt sang sông, tướng khốn cùng, HỔ không biết HỔ?


( Dân gian còn gọi Hổ là “ông Ba mươi”.

Dân chơi Cờ tướng có câu: “Cờ tàn đấm tốt” và “Tốt nhập cung, tướng khốn cùng”)

III: Mời đối Tết Canh Dần

Mời đối 1:

* Đêm đến tàn CANH, DẦN sẽ sáng !?

Mời đối 2: (Tặng những nhà BÁO còn đau đáu một niềm HỔ thẹn)

* HỔ-BÁO tương phùng, năm của HỔ hãy là năm của BÁO !

Mời đối 3:

* NHÂN quyền đâu phải HỔ quyền,
trói đối thủ, lại giữ quyền thách đấu ?


( Hổ quyền có 4 nghĩa khác nhau: 虎圈 Chuồng nuôi hổ, 虎圈 cuộc đấu voi-hổ,

虎拳 thế võ bắt chước hổ, 虎權 quyền của hổ. Về cuộc đấu Hổ quyền xin xem bài viết bên trên)

Cung Chúc Tân Xuân

Hà Sĩ Phu