Hành Hương Niềm Tin Úc Châu 2009
Như đã tường trình tháng trước. Phái đoàn hành hương mũ vàng của chúng tôi gồm 56 người, từ các thành phố Adelaide, Brisbane, Melbourne và Perth thủ phủ của 4 tiểu bang: Queensland, Tây Úc, Nam Úc và Victoria cùng với nhóm 5 người từ Mỹ quốc sang Úc Châu du lịch. Sau hơn 7 tuần chúng tôi đã đi vòng quanh 14 quốc gia trên thế giới, từ Úc sang Á, Âu rồi qua Mỹ Châu, Canada sau đó trở về Úc giữa tháng 9 mnăm 2009, chấm dứt một chuyến hành hương khá dài.
Trưởng phái đoàn của chúng tôi gồm có 2 linh mục và 1 nữ tu, đã sắp xếp điểm hẹn, cho các nhóm gặp gỡ nhau vào chiều thứ Sáu ngày 31 tháng 7 năm 2009 trong phi trường quốc tế Chek Lap Kok Hồng Kông, để nhập chung lại thành phái đoàn hành hương >“Niềm Tin Úc Châu 2009”.B>
Các tu sĩ trưởng đoàn, trong Ban Dẫn Đạo của phái đoàn đã phân chia phần vụ và trách nhiệm như sau:
1. Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng chủ nhiệm nguyệt san Dân Chúa Úc Châu, chánh xứ St Margarett, Melbourne là người luôn đi trước, dẫn đầu phái đoàn cùng với Hướng Dẫn Viên du lịch phục vụ cho phái đoàn, tại địa phương nơi các quốc gia. Cha Quảng:
-Lo liệu sắp xếp chương trình di hành
-Liên lạc các nơi thánh địa, linh địa để khi phái đoàn tới các nơi kính viếng, có chỗ dâng Thánh Lễ và cầu nguyện
-Làm thông dịch viên thường trực cho phái đoàn
-Giúp mọi người check in tại các phi trường và khách sạn
-Dự bị và tính toán tiền tips, để tặng nhân viên phục vụ ở các nơi và tài xế mỗi khi thay đổi xe bus....
2. Sơ Mỹ Nga luôn luôn đi giữa phái đoàn đặc trách công tác:
- Lo mọi thủ tục cần thiết, giúp đỡ các chị em phụ nữ trong bất cứ trường hợp nào, như bị trở ngại giấy tờ, hành lý, ngay
cả khi ốm đau hay những việc riêng tư của quí bà, nếu họ cần trợ giúp..
3. Lm. Giuse Nguyễn Thanh Liêm trưởng phái đoàn giữ nhiệm vụ:
- Tập trung các nhóm của các tiểu bang lại thành một phái đoàn, khi đã có mặt đầy đủ trong phi trường Hồng Kông. (Hầu như Cha Liêm biết mặt hết mọi người).
- Người luôn đi sau cùng, đặc trách tống hậu. Cha lên máy bay và xe bus chót cùng.
-Kiểm diện mọi người có mặt đầy đủ.
-Tìm kiếm những người đi lạc.
-Giúp những người không thể đi bộ nhanh chân, kịp với phái đoàn.
-Liên lạc về công ty du lịch chính bên Úc, khi gặp trở ngại.
-Đốc thúc mọi người giữ đúng giờ giấc (time keeper) theo lịch trình di chuyển của phái đoàn, để tránh bị chậm trễ.
-Lo mọi thủ tục cho “Giới Mày Râu” khi gặp phải bất cứ trở ngại nào, kể cả trục trặc Pass Port, Visa và an ninh nhập cảnh các nước.
-Mỗi khi di chuyển, Cha Liêm báo cáo con số 56 người đủ hết, thì xe bus mới được lăn bánh, không bỏ xót một ai.
Vui Lúc Gặp Nhau:Nhóm 10 người chúng tôi, từ Adelaide sang du lịch Singapore trước mấy ngày, sau đó mới bay qua Hồng Kông.
Ngày đầu tiên gặp gỡ ở Hồng Kông, chúng tôi ôm nhau, chào nhau rối rít mừng rỡ như Mẹ về chợ. Có người từng quen biết nhau đã lâu, có người đã từng đi hành hương chung những lần trước đây, bây giờ gặp lại. Có người chưa hề biết nhau bao giờ. Người quen thì tay bắt mặt mừng, người chưa quen thì giới thiệu đến người khác.
Có một vị, mà tôi chưa từng gặp bao giờ, đến bắt tay, làm quen với tôi, rồi nói: Hân hạnh chào anh, tôi đã từng nghe và biết tên anh trên báo Dân Chúa và trên Vietcatholic net work, nhưng bây giờ được bắt tay anh và gặp tận mặt. Vị này vừa nói xong, đã làm cho 2 cái lỗ mũi của tôi, cứ tự động nhấp nháy, phồng lên, xẹp xuống, rồi nở to lên như quả chua..thúi....Tôi cảm ơn và nói chuyện vài câu xã giao, hỏi thăm gia cảnh, công ăn việc làm: Nào là anh ở tiểu bang nào?? Được mấy cháu rồi ?? Lớn nhỏ ra sao ?? Chắc lần này anh chị lấy ngày nghỉ hàng năm, đi hành hương, hay lấy long services. Chúng tôi kết thân với nhau từ đó.
Đang nói chuyện dông dài ngon lành, thì mấy cô A Muối Hồng Kông phục vụ ở quầy vé check in Boarding Pass, đến phán với chúng tôi một câu: Thưa quí ông và quí bà, theo luật của hãng máy bay E Thụy Sĩ (Swiss Air) của chúng tôi, những ai có 2 cái túi xách nhỏ kéo theo lên máy bay, thì hãng chúng tôi yêu cầu quí vị chỉ được đem lên máy bay 1 túi duy nhất có trọng lượng 07kg. Túi nhỏ còn lại, chúng tôi bắt buộc phải giữ lại đây, để đem đi gửi theo hành lý lớn của quí vị, chứ các ngăn, hộc đựng luggages trong cabin trên trần máy bay, không thể chứa hết hành lý của quí vị được.
Oh! My God....Thế là mọi người bàn tán xôn xao, hổng có ai đồng ý. Các Cha trưởng đoàn đã phân bua với các dì A Muối này. Nhưng các thị vẫn không nghe..Nhất là các bà, ai nấy, tay xách nách mang. Có bà đã từng đi máy bay nhiều lần, rút kinh nghiệm, thủ sẵn trong vali nhỏ, những quần áo và vật dụng cần thiết cho chuyện riêng của các bà, để đề phòng trường hợp, rủi ro bị thất lạc hành lý lớn, thì có những bộ đồ sơ cua để mà thay. Ngoài ra trong túi xách tay của mấy bà con chứa giấy tờ cần thiết, tiền bạc và nhiều thứ lỉnh kỉnh, linh hồn của mỗi người trong chuyến hành hương mà.
Tuy rằng nó là cái bóp xách tay, nhưng với những thứ lỉnh kỉnh kể trên, các bà đã phải mua sắm một cái bóp to (như hand bag) thì mới chứa hết được.
Riêng cá nhân tôi cũng vậy, một cái vali nhỏ size (4 tấc) x (6 tấc). Tôi xếp vào đó ít quần áo gọn nhẹ và một Lap Top computer đem theo, để khi ngồi trong máy bay, tôi hành sự gõ vớ vẩn ít chữ, hay dùng để coi film cho đỡ boring khi phải ngồi mười mất tiếng đồng hồ ở trên trời. Còn một cái túi xách học trò nữa, tôi đeo trên vai với 2, 3 cái máy chụp hình lớn, nhỏ, một cái máy quay film. Tôi đem theo nhiều máy, đề phòng khi đi đường xa, không có chỗ charge battery, thì có máy khác dùng và những phụ tùng linh tinh cho 4 cái máy như: Batteries, Charger, Portable External Hard Disk, dây cable nối từ Camera vào Lap Top và internet.v.v.... Hai cái hành lý này, tôi không thể để chúng rời xa tôi được, vì nó chứa những thứ cần phải take care thật cẩn thận, dễ bị bẻ. Lap Top computer giá gần $2,000 dollars, máy chụp hình và máy quay film lớn nhỏ của tôi cũng 2- 3 ngàn dollars, đâu có ít. Cho nên tôi không thể rời chúng ra được. Những nhân viên bốc xếp hành lý lên máy bay, họ đâu có care, họ quẳng hành lý lên xe và lên máy bay như quăng bao xi măng vậy, tôi đã nhìn thấy rõ ràng ở các phi trường rồi.
Tôi không chịu gửi bất cứ bag nào, nên mấy nàng A Muối phải gọi cabin manager của họ đến nói chuyện với tôi. Tôi mở 2 cái bags ra chứng minh các vật dụng dễ bẻ, cần phải take care của tôi, thế là ông ta đồng ý, cho tôi kéo theo 2 cái bags này lên máy bay. Còn một số người khác, thì phải gửi. Đó là một chặng đường khó đầu tiên cho một số người trong phái đoàn chúng tôi.
Chúng tôi đáp rất nhiều chuyến bay của nhiều hãng khác nhau. Có hãng cho đem hành lý 25kg. Xách tay thì 1 hay 2 bags thoải mái, như hãng: Qantas, American Airways hay Bristish Airways..vv.. Có hãng chỉ cho hành lý có 20kg và 1 bag xách tay....Economy tickets là thế đó... và lúc nào chúng tôi cũng lo hành lý quá kilô..
Sau 10 mấy tiếng đồng hồ, bay xuyên qua đêm từ Hồng Kông sang Thụy Sĩ, chúng tôi lưu lại quốc gia này 1 ngày và 1 đêm, các Hotel của Thụy Sĩ và bên Âu Châu, loại 2 hay 3 sao, chỉ bằng 1 sao bên Úc, các phòng ngủ đều chật hẹp, không có nhiều tiện nghi. Phòng họp chung cũng không có để cho phái đoàn sinh hoạt. Phái đoàn chúng tôi phải nán lại sang đến bên Do Thái. Tối đầu tiên ở Shalom Hotel bên Jerusalem, nhờ có hội trường rộng, nên chúng tôi có dịp sinh hoạt văn nghệ tập thể chung với nhau và có đủ thời giờ giới thiệu tên tuổi từng người để biết nhau. Kể từ đó chúng tôi bắt đầu kết thân và nhận diện ra nhau dễ dàng.
Những tuyến đường dài hành hương, ngồi trên xe bus là những giờ đọc kinh rôm rả nhất. Chấm dứt đọc kinh cầu nguyện, thì ôi thôi! Đủ mọi thứ chuyện vui lôi ra kể, từ tiếu lâm, ca hát, rồi nhảy múa, mặc dù xe bus vừa chạy vừa lắc lư. Chúng tôi chỉ tạm ngưng văn nghệ, khi nào Hướng Dẫn Viên Du Lịch (Tour Guider) cần giải nghĩa về những linh địa và thắng cảnh du lịch. Tôi xin sơ lược qua những chuyện vui buồn trong chuyến hành hương để quí độc giả, cùng chia sẻ với phái đoàn chúng tôi.
Những Chuyện Vui của Phái Đoàn:
-Ngày đầu tiên gặp nhau, chúng tôi vồn vã cười nói tíu tít, cười vang trời, có những vị nói to muốn át cả tiếng máy bay trong phi trường Hồng Kông, cười như nắc nẻ, không thể thắng được, vì những câu nói vui đùa tiếu lâm, cho tới khi lên máy bay mới tạm im.
-Mỗi sáng dậy, trong hotel, tầng lầu nào có phe Mít ta, thì ơi ới nói tiếng Việt, đánh thức, gọi nhau inh ỏi đi ăn sáng. Xuống phòng ăn, với 56 người cười nói tíu tít như đàn chim hót lúc bình minh, chỉ có phe ta hiểu nhau. Còn mấy ông Tây, bà Tàu đi du lịch, thì họ chẳng hiểu mô tê gì, họ ngủ chung hotel, cùng xuống phòng ăn chung.
-Cười vì đồ ăn trưa: Trưởng phái đoàn của chúng tôi đã phát ra các thông tin và thông báo với mọi người, là trong lịch trình hành hương, các hãng du lịch chỉ bao ăn sáng và ăn tối mà thôi, ăn trưa phải tự túc. Thế là bà con ta, không ai bảo ai, lúc xuống phòng ăn, tự động thủ đồ ăn của khách sạn vào túi xách riêng, đem theo đi ăn trưa cho đỡ tốn tiền. Có vị lòn trái cây, trứng luộc, bánh mì của khách sạn vào xách tay riêng đem lên xe bus. Khi vừa nâng bao bị lên, nhét vào hộc đựng hành lý ở trên trần xe bus. Bất cẩn, túi bung ra, cam táo, rơi loỏng roỏng xuống giữa lối đi trong xe bus. Một số người trông thấy, ôm bụng cười. Khổ chủ vội vàng lượm lên, nhét vào túi lại. Đúng là, dấu đầu lòi đuôi. Lạy ông con ở bụi này..
-Mỗi lần lên xe bus rời khỏi hotel, là các tu sĩ mời mọi người đọc kinh, dâng lời cầu nguyện sáng, trưa và tối, xin cho đi đường được bằng an. Mọi người từ già trẻ lớn bé, ai nấy đều đọc kinh ca hát ròn rã, chúng tôi nói là, Đài Vatican bắt đầu phát thanh. Tài xế và Tour Guider chẳng hiểu gì, nhưng họ đoán biết, chúng tôi đang cầu nguyện. Tất cả các Hướng Dẫn Viên của các công ty du lịch, phục vụ cho phái đoàn chúng tôi, đều là những người công giáo tốt lành và am hiểu tường tận kinh thánh, cũng như các danh lam, thắng cảnh. Những người này đều nói thông thạo tiếng Anh, Pháp và đã được các công ty du lịch tuyển lựa sẵn cho chúng tôi.
-Vui khi nhìn các bà, lúc đi đều giống như có bầu:
Phái đoàn được thông tin, một số địa danh ở các nước, lợi dụng sự thánh thiện và chất phác của khách hành hương, nên đã thừa cơ móc túi, chôm chĩa giấy tờ, bắt chuộc. Vì thế các bà lo lắng, mỗi người mua một cái ruột tượng, nhét hết những thứ quan trọng vào trong, rồi cột vào bụng, cho quần áo che đi. Nhìn bà nào bà nấy như có bầu 2 – 3 tháng. Bà này giỡn, vỗ bụng bà kia kêu bình bịch.
Bà Dì N.. của tôi, thì lúc nào Dì cũng tiếu lâm. Bà nói với tôi: Linh hồn của Dì, thì Dì bắt em của Dì giữ cho chắc ăn. Đầu tiên tôi không hiểu, vì Dì có một bà em ở bên Mỹ, đâu có đi trong chuyến hành hương này. Tôi hỏi lại Dì: Ủa!! Dì H.. ở bên Mỹ đâu có đi trong phái đoàn này, mà giữ đồ cho Dì... Bà đấm vai tôi một cái.....Thằng này sao mà ngây thơ thế!!!!....Em của Dì là nó ở dưới này, này!!. Tôi phì cười!! À thì ra, em của Dì là chỗ đó....Mấy bà VN ta, hay dấu tiền và vàng bạc trong quần Xì cho chắc ăn, mỗi lần đi mua bán, móc tiền ra trả, thì các bà phải quay vào chỗ kín, kéo quần xuống móc $$ ra...Tôi nói với Dì, vậy là tiền của Dì lấy ra, thì phải xức nước bông rồi... Mẹ tôi thì còn chắc ăn hơn, các quần xì của Mẹ tôi, bà cụ bắt Ba tôi may thêm cho bà một cái túi dính liền với quần Xì, trước cái Tý em và có zip đàng hoàng, để bà đựng tiền và Pass Port cho chắc ăn..Cướp thì chỉ có rạch quần bà ra, mới lấy được. Ngày đến Mỹ chặng cuối cùng, tiền cạn, ví xẹp, nên nhìn bụng các bà nhỏ nhắn, gọn gàng, như đã sanh con..
-Vui Đi còn răng, Về mất răng: Có một ông, vừa mới đến phi trường Melbourne, hổng biết ổng cắn nhằm cái giống gì mà gẫy mất 2 cái răng cửa giả, thế là trong suốt cuộc hành hương ông không dám nói, mà cũng hổng dám cười, chỉ ăn nói chúm chím thôi... Lại còn một bà, khi xuống phòng ăn sáng, sợ mang răng giả khó ăn, nên đã tháo răng ra, cuộn vào giấy napkin tissue để trên bàn. Ăn xong rồi, vội vàng lên xe bus, quên răng giả trên bàn, đi nửa đường mới nhớ ra, rất may, bà này còn cặp răng giả sơ cua.
Trên đường hành hương thì có nhiều chuyện rất vui, như:
-Trở ngại Toilet: Có những nơi đến thăm quan, toilet thì ở khá xa, những người mót quá, phải đi tìm chỗ giải quyết bầu tâm sự. Thoải mái xong, không nhớ đường trở về chỗ xe bus đậu. Cha Liêm phải đi kiếm, tìm hộc hơi, mới bắt gặp.
-Vui vì ăn uống: Ở hotel thì các bữa ăn toàn là các món All You Can Eat (Buffet) thức ăn ngon, nên ai nấy, cứ thoải mái chất cho đầy đĩa, lại còn return. Người nào, người nấy sau chuyến hành hương bị Over Weight tròn như hạt mít. Ăn nhiều, uống nhiều, nên phải đi toilet. Tài xế và Tour Guider lúc nào cũng phải bận rộn, tính toán, tìm chỗ thuận tiện cho bà con xả bầu tâm sự. Bên Âu Châu, cứ mỗi lần xuống xe vào toilet, người Tour Guider phải vội vàng vào quầy mua vé cho 56 người đi toilet, mỗi người phải trả $0.50 cents Euro. Có những nơi quá đông, đàn ông chúng tôi phải rủ nhau bắn chung 2 người một cái Bô cho nhanh. Tôi rủ một ông bạn cùng bắn chung. Ông ta nhất trí tiến vào, tôi quá mót, nên bắn ra ào ào. Còn ông ấy mắc cở, thằng nhỏ nhất định không chịu bắn, mặc dù ông ấy cũng mót quá trời. Đợi lâu không được, bà con yêu cầu ông ta đi ra cho 2 người kế tiếp. Thế là ông ta phải đi ra, xuống cuối, nối đuôi xếp hàng lại, đoàn hành hương phải chờ.
Các bà thì mới là trở ngại, đi tới toilet nào, các bà cũng bị kẹt, xếp hàng dài cả mấy chục mét. Có bà vào được toilet xong, bên trong hết giấy toilet tissue, thật là bất tiện các bà...vv...
-Vui và mệt vì mua rượu đem xuống tàu thủy. Chúng tôi bàn nhau, mua bia rượu và mồi nhậu đem xuống tàu thủy, rồi lên boong tàu, vừa nhậu, vừa ngắm biển lúc ban đêm, trong lúc tàu băng qua biển Balkan sang Ý. Thế là ông bạn tôi vào shop trên bến cảng, mua một thùng bia 24 loong, tôi mua 2 chia rượu mạnh. Lúc xuống tàu, chúng tôi vừa phải kéo hành lý nặng lên tàu, vừa phải vác thùng bia và rượu, lại còn phải leo cầu thang lên lầu nữa, mệt ơi là mệt. Khi lên boong tàu, mới phát giác ra, trên tàu có rất nhiều quán bia và rượu, mua uống thoải mái.
Thời gian chúng tôi đợi tàu ở bến cảng quá lâu, bia của chúng tôi từ lạnh ấm lại, vì thời tiết khá nóng bên Âu Châu. Khi lên boong tàu, mua nước đá ở Pub, họ không bán, thế là chúng tôi đành phải uống bia nóng và đắng. Thế nhưng chúng tôi vẫn vui vẻ uống và chuyện trò cho đến khuya, gần 2 giờ sáng mới vào phòng ngủ..
-Vui vì mua đồ: Đi đến quốc gia nào, bà con cũng rà vào shop, để mua một vài vật dụng kỷ niệm làm quà, đến khi check in trong phi trường, quá tải, hãng máy bay không chịu cho qua. Nhiều người phải tách ra khỏi hàng, mở Vali hành lý, móc đồ đem đi giục bớt. Có người đi năn nỉ, gửi người này, người kia, nhưng Vali của ai nấy đều đầy ứ lên có ngọn, không ai nhận giùm, đành phải móc những thứ không cần thiết ra giục vào thùng rác trong phi trường. Người có 2 Vali, phải nhồi nhét vào một, rồi vội vàng bỏ một cái lại phi trường.
-Vui vì được bồi thường Vali bẻ: Xuống phi trường Heathrow, London, một cặp vợ chồng anh chị Brisbane, khi lấy hành lý, thì thấy Vali của mình bị bẻ văng mất một bên khóa. Có người mách, hãy kéo Vali vào văn phòng Customer services để khiếu nại. Nhân viên ở đây đã lấy ra một cái Vali mới, còn trong bọc nylon bồi thường cho vợ chồng anh chị này. Vali với nhãn hiệu good quality, bảo đảm 5 năm. Anh chị này đem ra ngoài khoe với phái đoàn là được bồi thường Vali mới, vội vã mở ngay Vali cũ bị bẻ ra, bốc đồ đạc chuyển sang Vali mới láng coóng ngay trong phi trường. Thế là một chị bên Perth cũng vội vàng kiểm soát Vali của mình, sờ sờ, thấy có một chỗ bị móp. Bà con trong phái đoàn nói giỡn chơi, xúi chị ta kéo Vali vào văn phòng bắt thường. Chị ta làm thiệt và cũng được nhân viên Customer services bồi thường cho cái Vali mới tương tự. Thế là mọi người trong phái đoàn, không ai bảo ai, lén lén kéo Vali của mình riêng ra, kiểm soát kỹ càng, rờ tới, mó lui, xem có chỗ nào bị trầy trụa không, để sẵn sàng bắt thường. Nhưng ôi thôi! các Vali đều tốt cả…Thế là bà con tiếc rẻ, lại có chuyện bàn tán, cái vụ bồi thường Vali trên xe bus cho đến khi tới khách sạn…
-Vui vì chụp hình: Nơi các thánh địa bên Do Thái, nhiều nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, họ chờ sẵn khách hành hương, vừa cho mướn thánh giá vừa dụ khị chụp hình lia lịa để kiếm tiền. Nhất là cái màn vác Thánh Giá, ai cũng muốn dành vác Thánh Giá lên núi Golgotha, để chụp tấm hình làm kỷ niệm. Tôi giơ máy lên chụp cho phái đoàn. Mấy tên Do Thái cản không cho tôi chụp, vì nồi cơm và mánh làm ăn của họ, tụi nó cứ đứng chắn phía trước và xô tôi ra. Họ bỏ nhỏ với Tour Guider, dẫn phái đoàn đi chừng 1 tiếng đồng hồ, sau đó lộn lại chỗ cũ. Hình rửa đã xong, rất nhanh, ai nấy chen nhau coi hình. Nhiếp ảnh gia lợi dụng, bán với giá cắt cổ, $15 Euro một tấm ($30 Úc Kim), nhiều người chê đắt không mua. Nhiếp ảnh gia đem tới tận khách sạn dụ khị bán. Đắt quá cũng chẳng có người mua, số hình thặng dư hơi nhiều. Có tay nhiếp ảnh còn lưu manh, nghĩ ra cái kế, giao cho một người trong nhóm hành hương giữa hình, rồi đi phát cho những ai muốn lấy free. Vì là đồ chùa, nên mọi người hí hửng, ai cũng muốn lấy ít nhất là một tấm làm kỷ niệm, có người lấy 2 hoặc 3 tấm để dành, đem về tặng bạn bè. Ai ngờ! Sáng hôm sau, chuẩn bị hành lý rời hotel, lên xe. Tên nhiếp ảnh lộn lại, đến sớm đòi tiền bà con. Thế là những ai đã lấy hình tối qua, phải móc ra. Trưởng nhóm phải đi thu hình, trả lại cho tụi nhiếp ảnh. Chúng đợi cho đến lúc mọi người đã ổn định trên xe bus, chuẩn bị rời bến. Thấy không móc được tiền của ai nữa, chúng làm bộ nhân đạo, giao cho tài xế xe bus, tặng free các hình dư cho bà con... Đây là một kinh nghiệm chụp hình đi du lịch...Khi nhiếp ảnh gia rao bán. Quí vị thấy có ảnh mình trong hình, đừng nên vội mua ngay, đợi đến giờ phút chót, chúng sẽ bán rẻ, còn rẻ thúi ra nữa, ngay cả biếu không. Họ đâu có muốn giữ hình của quí vị lại làm gì, để làm mắm à!!!
-Chuyện vui kể lại, mua lạc đà có 3 chân. Mỗi lần xe bus ngừng là bọn buôn bán dạo, đem các món hàng gift địa phương, leo lên xe bán, như bên VN. Họ nói thách, bà con ta xem xong, trả giá rẻ, chúng không bán. Đợi cho đến khi xe bus lăn bánh, thì chúng làm bộ vội vàng gói kỹ, bán gấp cho khách du lịch. Đi được một đọan đường, bà con mở món quà tặng mới mua ra xem, tốt xấu thế nào? Ôi thôi! Khi mở ra, thì thấy con Lạc Đà chỉ có 3 chân, thiếu một cái chân đã bị gẫy, lúc đó chỉ có nước dở khóc, dở cười, vừa mất tiền, vừa tức, đành phải vất con lạc đà 3 chân vào thùng rác cho nhẹ túi...Dân Do Thái và Palestine cũng ma giáo, không thua gì dân bán dạo bên VN...
-Vui kể chuyện tiếu lâm, có những đoạn đường dài, ngồi trên xe bus 5-6 tiếng đồng hồ, đọc hết kinh nọ đến kinh kia rồi, mà đường vẫn còn xa. Thì chuyện tiếu lâm lại đem ra kể. Có ông, có bà chưa hề kể chuyện trước công chúng bao giờ. Chuyến hành hương này vui quá, nên cũng không thể ngồi im, phải tham gia kể chuyện. Hoạt náo viên của phá đoàn: Các Cha và Chị Tô K. đã khéo léo khích động hết mọi người cùng tham gia, cùng vui, cho quên những đoạn đường dài. Ôi thôi! Nào là đủ thứ chuyện. Từ chuyện tự thuật, cho đến những chuyện linh tinh, một kho, sao ở đâu mà ra lắm thế.. cười muốn bẻ xe luôn. Hết chuyện, thì đến ca hát, nhiều ca sĩ có giọng oanh vàng, nay mới trổ tài. Lúc tới bến, thì mọi người lại vội vàng xuống xe, chen nhau tìm hành lý, nhiều Vali màu sắc giống nhau. Có người lật đật, kéo lộn Vali của người khác. Người không tìm thấy Vali, thì kêu oai oái lên là bị mất. Ai ngờ người kia kéo lộn..
-Vui vì tìm thấy người lạc: Ngày rời Do Thái, có một gia đình đổi phòng trong hotel, ông với trưởng phái đoàn, đến sáng Receptionist không nhớ phòng để đánh thức, nên ngủ dậy trễ. Toàn phái đoàn đã dọn hành lý lên xe bus, ngồi chờ mãi không thấy xuống. Vì quá trễ giờ, Cha Quảng buộc lòng phải kêu xe bus rời bến đến phi trường check in. Vì phái đoàn có tới 56 người, nếu trễ chuyến bay, sẽ gặp gặp trở ngại rất lớn. Không có máy bay kế tiếp nào có thể chứa hết nguyên một phái đoàn. Trễ là phải chờ đợi một thời gian khá lâu, mới book được một chuyến bay riêng cho 56 hành khách, sẽ trật đường rầy toàn chuyến hành hương. Thế là Cha Liêm đành phải ở lại, cùng với nhân viên Hotel đi tìm cho bằng được ông bà này. Khi tìm được, Cha Liêm đã phải vội vàng nhờ hotel kêu Taxi chở gia đình này, chạy bạt mạng ra phi trường. Đến nơi, vừa đúng lúc phái đoàn đang check in lên máy bay. Rất hên là bắt kịp và cũng đứng tim. Mọi người hết lo lắng xôn xao..vui mừng vỗ tay...Thật là một màn hú vía..
Những Chuyện Hên của Phái Đoàn
Những ngày trùng hợp và may mắn, khi phái đoàn chúng tôi đến thăm các thánh địa.
-Chúng tôi lên núi Tabort đúng ngày Lễ Chúa Biến Hình trên núi Tabor. Do đó chúng tôi được gặp rất nhiều phái đoàn và nhiều người đến đây tham dự lễ. Vào lúc sáng sớm, chúng tôi được hướng dẫn lên núi Tabor nơi Chúa Biến Hình. Chúng tôi phải đi từ chân núi lên tới đền thờ trên đỉnh núi, bằng 10 chuyến xe Taxi. Từ trên đỉnh núi nhìn xuống chung quanh thật hùng vĩ. May mắn hơn nữa, là anh hướng dẫn viên của chúng tôi có cái tên họ làTabar, giống tiếng Tabot. Anh là người Do Thái công giáo gốc Ả Rập. Thật bất ngờ, không hẹn, Tabar đã gặp Bố Mẹ và gia đình của anh ở Be Lem, cũng lên đây tham dự thánh lễ. Anh đã giới thiệu song thân và gia đình anh đến phái đoàn chúng tôi. Anh Tabar có bằng cử nhân Thần Học và Kinh Thánh, nên anh đã hướng dẫn tận tình và cắt nghĩa rất tỉ mỉ các đoạn kinh thánh trên đường hành hương kính viếng các nơi thánh địa. Có nhìn tận mắt, có nghe thấu bằng tai, thì mới biết rõ và thông hiểu thêm về kinh thánh Tân Ước..
-Đến Ba Lan trùng ngày Lễ Đức Mẹ Lên Trời ngay trên Đền Thánh Đức Mẹ, đền thánh Đức Bà Đen, Tu Viện và Mộ Thánh Faustina với Lòng Thương Xót Chúa. Dân Ba Lan mặc dù là nước cựu Cộng Sản lâu năm, nhưng họ rất đạo đức, đi rước quá sức đông..
-Đến nhiều quốc gia, Phái Đoàn được các Linh Mục và Tu sĩ người Việt Nam làm tuyên úy hay du học ở địa phương, hướng dẫn cặn kẽ và lý thú..Sang Roma có Cha Tuấn, sang Pháp Cha Hào, sang Ba Lan Cha Khánh, sang Lộ Đức có Thầy...Hòa ??
Những chuyện Buồn của Phái Đoàn
-Buồn khi vừa tới Do Thái thì một chị trong phái đoàn bị giữ lại trong phi trường, Random Check (Security Check), Sơ Nga phải ở lại giúp thông dịch và trấn an, chừng hơn một tiếng đồng hồ sau, chị ta được pass out.
-Buồn vì lạc hành lý: Phái đoàn vừa đến Croatia thì 2 người bị lạc hành lý, không có quần áo thay thế. Cha trưởng phái đoàn phải vất vả liên lạc với các hãng máy bay và công ty du lịch, mãi 4 ngày sau hãng hàng không Thụy Sĩ mới tìm được hành lý, đem tới tận Hotel bên Rôma, nơi đến của quốc gia kế tiếp.
-Buồn vì bịp bợm ở Paris: Đến Paris, một chị người Việt sinh sống ở Pháp mò tới hotel, tự giới thiệu, làm cho Travel agent ở Paris, đến dụ chúng tôi, dẫn đi Tour chợ VN ở Quận 13 và đi Show Lido Paris, nhưng không nói giá cả là bao nhiêu. Chị ta quảng cáo Show Lido chưa từng có trên thế giới, hết xảy và có nhảy đầm, không xem sẽ hối tiếc khi đến Paris, chị ta sẽ order xe Limouse đến chở. Nghe bùi tai, một số người ghi tên đóng tiền đi xem.
Buổi chiều chị ta đem xe van 15 chỗ đến chở đi chợ Việt Nam, đòi mỗi người $20 Euro tiền xe (khoảng $40 Úc kim), chưa kể tiền thù lao cho chị ta. Mọi người chửng hửng và xù đẹp, làm chị ta quê... Hotel chúng tôi ở trong Quận 12, khu phố Chợ VN ở Quận 13. Tôi coi bản đồ, có thể đi bộ được, khoảng chừng hơn 1 cây số. Cha Hào ở bên Pháp dẫn chúng tôi đi bằng xe lửa Metro, mỗi người chỉ tốn có $1.2 Euro, vé có thể dùng trong vòng 3 tiếng đồng hồ, very cheap. Thế mà chị Mít này dám bắt nạt khách lạ, chặt chúng tôi $20 Euro, chỉ chở sang chợ VN quận 13, chưa kể tiền thù lao và tips cho chị ta. Đến tối, những người ghi danh đi Show, diện đồ láng coóng, ngồi chờ xe Limouse đến chở đi xem Show. Ai ngờ! Thay vì chị ta đến đón mấy người đi Show bằng Limouse, thì chị ta lại lù lù đến bằng chiếc xe Van hồi chiều và đã thu tiền vé đi Show mỗi người $120 Euro ($100 vé vào cửa + $20 tiền xe). Khi vào rạp, chị ta dẫn nguyên nhóm vào ngồi các bàn ở góc rạp. Show thì không có gì đặc sắc lắm và cũng không có nhảy đầm.
Tối về hotel, kiếm được tờ thông tin quảng cáo, bỏ ở các phòng ngủ trong khách sạn (Brouchers) ghi giá một show chỉ có $60 Euro + lại có cả dinner nữa....Thế mà chị Mít này dẫn đi, chỉ có ngồi ngó và được một ly nước ngọt thôi, phải trả $100 Euro. Người Việt mình là thế đấy! Gặp khách lạ, là bịp ngay. Mặc dù đây chỉ là chuyện vui chơi riêng rẽ của từng cá nhân, ai muốn đi thưởng lãm văn nghệ Paris cho biết thì đi. Show này không nằm trong chương trình du lịch chung của phái đoàn. Những người không đi xem Show, nghe kể như vậy, thì cảm thấy thoải mái, an phận..Kinh nghiệm, đừng nên tin những dân mánh mung, ngon ngọt người Việt nơi xứ lạ, quê người, sẽ bị lừa đấy..
-Buồn vì nhà hàng VN bên Luân Đôn. Chúng tôi được công ty du lịch booking cho ăn nhà hàng Quê Việt bên Luân Đôn. Khi đến nơi mới biết chủ nhân và Ê Kíp là người miền Bắc ở Hà Nội. Họ tiếp đón phái đoàn chẳng có chút gì là nồng hậu. Chủ nhân cho sắp một bàn dành riêng cho 3 Leaders. Còn chúng tôi thì ngồi 4 dẫy bàn dài. Khi mọi người ngồi sẵn. Các Cha nói bữa nay gần ngày chót và là ngày đầu tiên phái đoàn được ăn chung món ăn Việt ở nhà hàng Việt Nam, nên quí ông được quyền kêu bia, rượu uống thoải mái..Mọi người tỏ ra hồ hởi..Khi sắp các thức ăn, chúng tôi được họ bưng ra 6 – 7 món ăn trước, tưng bừng ăn uống, nhậu nhẹt, có khoảng 8 ông uống bia, mỗi người tối đa uống chừng 3 chai thì xỉn. Theo tôi nghĩ, tổng cộng chỉ chừng 1 thùng bia 24 chai là cùng.
Còn 3 Leadres ngồi chờ mãi, họ mới bưng thức ăn ra. Chủ nhà hàng cho 3 Leaders ăn chay, rất thanh đạm và chỉ có 3 món, trong khi chúng tôi được ăn 6 – 7 món. Chúng tôi hỏi tại sao, các Leaders của phái đoàn mà các anh phục vụ như vậy. Chủ nhà hàng trả lời: Vì 3 người này là Leaders, nên nhà hàng không tính tiền, đãi free, nên chỉ cho ăn chay như vậy thôi...Sau khi ăn uống xong, chúng tôi gọi tính tiền nước. Quí vị biết không? Họ tính chúng tôi trên $355 pound tiền nước, bia rượu. Oh! My God tương đương với $700 dollars Úc. Quí vị thấy chưa?? Con cháu Bác Hồ ở đâu, chúng nó cũng lừa thế cắt cổ, tụi nó chém đẹp người cùng quê Việt Nam. Dân Bắc Kỳ nấu canh chua, thì lấy gì làm ngon. Chúng tôi phải té ngửa và nhớ nhà hàng Quê Việt muôn đời: Cách tiếp đãi 3 leaders và tính tiền nước rất đẹp.. Cạch mặt cái nhà hàng này..
-Buồn bị giữ security tại phi trường Los Angles (LA):
Khi máy bay chúng tôi đáp xuống California chấm dứt cuộc hành trình hành hương Úc Châu 2009. Phi trường LA quá cũ lại busy, máy bay chúng tôi đáp, chạm bánh lúc 4 giờ chiều, phải ngồi trong máy bay chờ trên phi đạo nơi Taxi Way hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, mới có chỗ đậu cho máy bay, hành khách phải xuống ngoài trời. Gần 6 giờ mới được ra khỏi máy bay. Đã thế, chúng tôi còn phải leo lên xe bus chở vào Trạm Hàng Không, để trình Pass Port nhập cảnh di trú và lấy hành lý. Phi trường Mỹ, người ngoại quốc nhập cảnh rất khó. An ninh check rất kỹ, mọi người đều phải chụp hình, lăn 2 bàn tay mới vào Mỹ được. Chẳng may một cặp vợ chồng trong phái đoàn chúng tôi, Bad Luck bị Random Check, an ninh giữ lại ở phòng cách ly trong phi trường, để thẩm vấn. Mặc dù cặp vợ chồng này rất hiền từ. Họ bắt ngồi chờ rất lâu, hơn 7 tiếng đồng hồ, vì đông người nhập cảnh, nên an ninh chỉ phỏng vấn sơ sơ, làm cho du khách bực mình và hồi hộp. Cha Liêm Trưởng Phái Đoàn cùng với Anh Ken phải ở lại ngồi chờ trong phi trường, đợi vợ chồng anh chị này. Đến gần 2 giờ sáng, 4 người mới về tới khách sạn. Cha Quảng và phái đoàn, ngồi chờ trên xe bus quá lâu, đến hơn 7 giờ chiều, Cha quyết định cho xe bus chở phái đoàn 52 người đến Ramada Hotel tại Little Sài Gòn check in.
9 giờ tối, xe bus mới chở phái đoàn đi ăn tối nhà hàng Bò 7 món Ánh Hồng, Travel Agent đã book sẵn cho chúng tôi lúc 5:00pm. Mặc dù thấm mệt và đói, mọi người đang thèm món ăn VN, nhưng ai nấy đều lo lắng cho vợ chồng người bạn đồng hành, thật tội nghiệp họ và thương hại cho Cha Liêm và anh Ken nữa, nên mọi người cảm thấy ăn không ngon, khi được thưởng thức Bò 7 món Ánh Hồng đầu tiên trên đất Mỹ.
-Buồn vì phải chia tay: Sau khi ngủ đêm tại khách sạn Ramada, Little Sài Gòn, hôm sau xuống phòng ăn sáng, mọi người chia tay. Mỗi người một đi một phương. Người thì bay đi tiểu bang khác thăm thân nhân, người thì về nhà, người thì đi thăm quan vòng vòng các nơi trong tiểu bang Cali. Một nhóm booking đi Las Vegas chơi.
Riêng một số người quen biết với chúng tôi, ráp thành nhóm mới, gồm 14 người, chuẩn bị lên đường bay lên xứ Canada. Chúng tôi cảm thấy bùi ngùi lưu luyến trước giờ chia tay, sau bữa ăn sáng ngắn ngủi. Mặc dù sống chung với nhau trong chuyến hành hương gần 2 tháng, nhưng chúng tôi cảm thấy rất thân thiện và gần gũi nhau, có thể như anh em một nhà, biết được cá tính của nhau. Mủi lòng từ giã, không biết bao giờ có dịp gặp lại đông đủ như thế này..
-Trên tuyến đường xe bus dài nhất và cuối cùng cho chuyến hành hương của phái đoàn, chúng tôi được các Tu Sĩ trong Ban Tổ Chức Hành Hương, mời gọi mọi người chia sẻ cảm nghiệm và đóng góp ý kiến. Từng người, từ ghế trên xuống tới ghế cuối của xe bus, thứ tự ai nấy đều chia sẻ những cảm nghiệm vui buồn của chuyến hành hương, thật vui và cảm động. Có một ông bạn chia sẻ rất thành thật là: Trước đây ông đã từng có ác cảm với một người, mà ông đã nhiều lần cầu nguyện:
Xin cho con đừng xem thấy nó
Xin cho nó đừng ngó thấy con
Nhờ chuyến hành hương này, ông cảm nhận được tình thương của Chúa và Mẹ Maria. Ông hứa là sau khi trở về nhà, ông sẽ tìm đến gặp đối tượng để xin lỗi và làm hòa. Nhiều người chia sẻ đã được ơn, cảm thấy thoải mái và muốn đi chuyến nữa..
Sau khi chia sẻ cảm nghiệm hành hương. Chúng tôi mở cuộc bình bầu, tuyển chọn những người đứng hạng nhất và xuất sắc nhất, cho từng bộ môn đặc biệt trong chuyến hành hương của phái đoàn. Những người được tuyển chọn. Ban Tổ Chức phái đoàn đã trao giải thưởng và gắn huy chương ngay trên xe bus.. Màn trao giải thưởng xuất sắc và gắn huy chương này, thì ôi thôi!! Cười bẻ bụng, rung rinh xe bus..
Các hình ảnh lưu niệm chuyến hành hương được ghi lại và có trên Web Site:
http://travel.webshots.com/album/574653022CLkfno#forum
http://travel.webshots.com/album/574653022CLkfno#forum
NHỮNG HẠNG NHẤT TRONG PHÁI ĐOÀN HÀNH HƯƠNG NIỀM TIN
-Người lớn tuổi nhất: Ô/b. Đặng Q. T -Melbourne
-Người trẻ tuổi nhất: Bé Huỳnh T. Brigid -Brisbane
-Người dễ thương nhất: Ô/b. Cố Nguyễn V. P -Perth
-Người nhanh nhẹn nhất: B. Cố Phạm T. N -Perth
-Người phải nói và diễn giải nhiếu nhất: Cha Nguyễn Anthony -Melbourne
-Người phải lo liệu cho phái nữ nhiều nhất: Sr. Vũ Maria -Brisbane
-Người hay giúp đỡ người khác nhiếu nhất: A. Huỳnh Ken -Brisbane
-Người hoạt bát và năng động nhất: Chị Tô A. K -Brisbane
-Người vui vẻ nhất: Em Huỳnh Martin -Brisbane
-Người phục vụ Phòng Thánh và siêng năng đọc kinh nhiều nhất: Ô. Nguyễn V. Đ -Adelaide
-Người nghe đĩa CD Lòng Thương Xót Chúa nhiều nhất: Chị Nguyễn T. H -Adelaide
-Người lần đầu tiên Lần Hạt nhiều nhất: Ô.Nguyễn Đ. L. -Perth
-Người Đọc Kinh Lần Hạt hay nhất: Chị Mary Nguyễn K. O. -USA
-Người hay bái qùi và cúi đầu nhiều nhất: Chị Huỳnh T.C -USA
-Người ngủ trên xe nhiều nhất: Chị Nguyễn T. KT -USA
-Người xem DVD trên Xe Bus và trên Máy Bay nhiều nhất: Chị Nguyễn T. N -Adelaide
-Người đi chậm nhất: Ô. Trần Đ. -Melbourne
-Người đi nhanh và đi Toilets nhiều nhất: Chị Vương H.V -Perth
-Người có giọng ca truyền cảm hay nhất: Ô. Ng. Đ. N -Perth
-Người ca hát nhiều bài nhất: Chị Đặng T. H -Perth
-Người kể chuyện tiếu lâm nhiều nhất: Ô. Nguyễn V. T -Perth
-Người nói ngọt và lễ phép nhất: Chị Bùi T. L -Adelaide
-Người cười nhiều to nhất: Chị Hoàng T. M và Chị Đào T. K -Perth
-Người ít cười, ít nói nhất: Bà Nguyễn T. Đ. -Melbourne
-Người giúp khuân vác hành lý nhiều nhất: A. Ng.V.T -Adelaide
-Người kéo lộn Vali nhiếu nhất: Ô. Nguyễn V.V -Adelaide
-Người hiền lành nhất: Chị Nguyễn T. L. -Adelaide
-Người có mái tóc duyên dáng nhất: Chị Nguyễn T.M.C -Adelaide
-Người mặc đồ điệu nhất: Bà Nguyễn T. T -Perth
-Người uống bia giải khát nhiều nhất: Ô.Trần B. -Brisbane
-Người mua hàng vặt nhiều nhất: Chị Tăng T.T -Brisbane
-Người hay hỏi vặt nhiều nhất: Cô Đinh T. -Melbourne
-Người hay bị bịnh bất thường nhiều nhất: C. Nguyễn T. V -USA
-Người chụp hình nhiếu nhất: A. Jovi và A. Vinc. Th -Adelaide & Melbourne
-Người quay Video nhiều nhất: Chị Phạm T.T -Adelaide
-Người hay thường xuyên bỏ bữa ăn nhất: Ô. Ng. T. N -USA
-Người hay cất hát trong Thánh Lễ nhất: B. Vũ T. M -Melbourne
-Người nấu cơm lén trong hotel nhiều nhất: B. Phạm T. L -Melbourne
-Người bị giữ lại Phi Trường lâu nhất: Ô/b. Nguyễn H. D -Brisbane
-Người ra Phi Trường trễ nhất: Ô/b. Phạm N. S -Perth
-Người hay ngồi ghế gấp nhiều nhất: Ô/b. Nguyễn T. Q -Melbourne
-Người có duyên tình đậm đà nhất: A/c. Vũ V. H & D -Perth
-Người phải xách Máy Speaker nhiếu nhất: A. Cao V. Tr -Melbourne
-Người tìm đồ nhậu nhiều nhất: A. Nguyễn X. H -Brisbane
-Người đàn ông dành lên xe trước nhiều nhất: Ô. Ng. V.V -Adelaide
-Người lúc nào cũng vất vả và sẵn sàng hy sinh để giúp lo
cho Phái Đoàn và đi sau cùng nhiều nhất: Cha Nguyễn Joseph -Brisbane
Sau gần hai tháng bỏ nhà đi hành hương nhiều nơi. Bây giờ về nhà đã mấy ngày rồi, mà cứ nằm mơ, sáng dậy vội vã chuẩn bị kéo Vali lên xe đi hành hương tiếp...
Kỷ niệm một chuyến hành hương
Miệt Dưới