Phỏng vấn Đức Cha Giuseppe Merisi, Giám Mục Lodi kiêm Chủ tịch tổ chức Caritas Italia, về thảm cảnh của những người di cư tị nạn liều chết vượt biển tìm đến Italia

Hồi hạ tuần tháng 8 năm nay 2009 tương quan giữa hai nước Italia và đảo Malta đã căng thẳng, vì vụ 73 người di cư ti nạn Eritrea bị chết và xác của họ bị quẳng xuống biển. Chiếc thuyền của họ khởi hành từ Libia ngày 28-7-2009 và họ đã lang thang trên biển khơi hơn 20 ngày. 5 người sống sót được hải quan Italia cứu vớt ngày 21 tháng 8 cho biết khi họ còn ở trong hải phận đảo Malta, nhiều tầu đã trông thấy họ nhưng không ngừng lại để cứu vớt họ. Tuần duyên hải của Malta đã chỉ cung cấp cho họ nước uống, phao và dầu xăng, và bảo họ tiến về đảo Lampedusa của Italia thì sẽ được cứu giúp. Trong những ngày sau đó người ta đã tìm thấy xác của 7 người cách đảo Lampedusa 60 cây số. Một số xác khác đã được tìm thấy gần bờ biển Libia.

Tai nạn này đã khiến cho các đảng phải chính trị Italia lại được dịp cãi nhau và đổ tội cho nhau. Ngoại trưởng Frattini tuyên bố là các quốc gia Liên Hiệp Âu châu cũng phải chia sẻ gánh nặng của Italia. Nhưng vấn đề là cho tới nay đã không có một thỏa hiệp hay luật lệ nào được Quốc Hội Âu châu đưa ra để giải quyết vấn đề người di cư tị nạn.

Ngày 25-8-2009 ông Suleiman Soumi, ngoại trưởng Libia đã đến thủ đô La Valetta của đảo Malta để hội kiến với ngoại trưởng Tonio Borg của Malta. Ông Soumi đã cám ơn các nỗ lực của chính quyền Malta trong việc kiểm soát hiện tượng di cư. Và ngày mùng 1-9-2009 tổng thống George Abela của Malta đã đến Tripoli tham dự lễ nghi mừng kỷ niệm 40 năm cách mạng Libia và hội kiến với Đại tá Gheddafi.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho chương trình Ý ngữ đài Vaticăng ngày 28-8-2009 Đức Cha Cesare Nosiglia, Tổng Giám Mục giáo phận Vicenza, tuyên bố rằng trước cái chết của 73 người di cư Eritrea, tất cả chúng ta đều phải cảm thấy bị liên lụy, bắt đầu từ Giáo Hội, chính quyền vá các lực lượng đối lập. Nó liên quan tới nền văn minh Âu châu, nền văn minh của đất nước Italia đã được Kitô giáo biến thành đèn pha của nền văn minh toàn thế giới. Đó là các sự kiện rất nghiêm trọng, không chỉ khiến cho lương tâm mà cũng khiến cho toàn cuộc sống con người phải lo âu. Không thể ngồi bất động và không thể không lên tiếng. Giáo Hội không thể và không được phép im lặng, nhưng cũng không ai được phép lạm dụng lèo lái các can thiệp của Giáo Hội theo ý muốn của mình. Cần phải để giá trị con người vào trọng tâm. Mọi người đều là con cái Chúa, vì thế đều là anh chị em của chúng ta, và họ là một món qùa của Chúa. Dĩ nhiên nếu họ phạm pháp thì phải kết án, nhưng như là người phạm pháp, chứ không phải vì họ là người nước ngoài.

Liên quan tới sự hiện diện cần thiết của các anh chị em công nhân nước ngoài đối với nền kinh tế và phát triển của Italia và Âu châu, Đức Tổng Giám Mục Vicenza kêu gọi có sự tôn trọng và cộng tác của cả hai bên: phải tôn trọng các kinh nghiệm, nền văn hóa và luân lý đạo đức của nhau, và giúp các anh chị em di cư từ từ hội nhập vào cuộc sống mới và phát triển sự hiểu biết gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau.

Sau đây chúng tôi xin gửi đến qúy vị và các bạn một số nhận định của Đức Cha Giuseppe Merisi, Giám Mục Lodi, kiêm Chủ tịch tổ chức Caritas Italia, về thảm cảnh của những người di cư tị nạn.

Hỏi: Thưa Đức Cha Merisi, những sự kiện thê thảm xảy ra trong các ngày cuối tháng 8 vừa qua, hơn 70 người di cư tị nạn bị chết vì không được cứu vớt đặt để cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên Hiệp Âu châu trước trách nhiệm luân lý của mình. Phải có thái độ nào giúp kiểm soát được một hiện tượng phức tạp như thế thưa Đức Cha?

Đáp:
Chúng ta tất cả đều biết các khó khăn của Liên Hiệp Âu châu trong việc cùng nhau đối phó với vấn đề di cư tị nạn, trong nghĩa nó là một hiện tượng đang chỉ được đối phó trên bình diện quốc gia, mà không có sự phối hợp chung. Trước hoàn cảnh cấp bách hiện nay thì các khó khăn lại càng gia tăng, vì các khác biệt giữa các quốc gia gốc của ngời di cư tị nạn cũng như tương quan đúng đắn với luật lệ của các quốc gia đó, mà đa số trong các trường hợp còn cần phải xây dựng. Các đề tài được thảo luận trong các ngày qua liên quan tới hiện tượng di cư từ các nước miền nam bán cầu, việc gửi trả người di cư về nguyên quán của họ, cũng như việc nhận diện họ và tương quan với quyền được xin tị nạn, cũng như việc tiếp nhận và sự hiện diện thường trú của họ trong tương quan với các khả năng của từng nước.

Hỏi: Như thế có các dụng cụ nào giúp đương đầu với các khó khăn này không, thưa Đức Cha?

Đáp:
Chúng tôi cầu mong rằng các vấn đề này được đương đầu và giải quyết với tinh thần liên đới và cộng tác giữa các quốc gia, với hai ưu tiên: thứ nhất là việc luôn luôn tôn trọng các quyền nền tảng của con người và tôn trọng ở khắp mọi nơi. Trong nghĩa này thì cần phải làm sáng tỏ các trách nhiệm của thảm cảnh xảy ra trong các ngày qua, khi 73 người di cư tị nạn Eritrea và Etiopia bị bỏ chết trong vùng biển giữa Bắc Phi và Italia. Thế rồi cũng cần phải hoạt động trên quốc gia gốc của người di cư nữa, làm sao để có thể lập tức đương đầu giải quyết vấn đề ngay từ gốc rễ. Liên quan tới khía cạnh ưu tiên thứ hai này, không được quên định hướng do Liên Hiệp Quốc đề ra đối với cuộc chiến chống lại nạn nghèo đói, với sự đóng góp của tất cả các quốc gia phát triển.

Hỏi: Liên quan tới vấn đề này, sự cộng tác quốc tế có thể dự liệu và can thiệp thế nào để giúp tránh thảm cảnh của các chuyến đi kiếm tìm hy vọng này, thưa Đức Cha?

Đáp:
Như chúng tôi đã nói, cần phải cùng nhau đương đầu với vấn đề di cư trên bình diện Liên Hiệp Âu châu. Đây là các vấn đề đòi buộc phải có sự cộng tác của tất cả mọi người, với sự chú ý phải có đối với các anh chị em tị nạn và các người xin tị nạn. Vì sự kiện các thảm cảnh này có thể lập lại trong một thời gian ngắn, sự cộng tác quốc tế không được hạn hẹp trong các hành động không có phối hợp, hay chỉ có giá trị liên đới tượng trưng, nhưng có thể trở thành một dụng cụ hữu hiệu cả trên bình diện phòng ngừa nữa, miễn là nó được lồng vào trong một sách lược rõ ràng của Liên Hiệp Âu châu, một cách đặc biệt đối với lục địa Phi châu.

Hỏi: Thưa Đức Cha, một cách đặc biệt có thể trợ giúp các dân tộc này như thế nào?

Đáp:
Khi nói tới liên đới và phụ đới, như Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã đề cập trong Thông điệp ”Yêu thương trong sự thật”, cần phải có sự dấn thân của tất cả mọi người. Đối với vùng Địa Trung Hải Liên Hiệp Âu châu đã bắt đầu một vài suy tư mà chúng tôi hy vọng nó có thể cho phép đạt đến một quyết định nhanh chóng hơn theo cái luận lý của Thỏa hiệp Lisboa.

Hỏi: Tổ chức Caritas đang can thiệp như thế nào trong lãnh vực này, và đã đưa ra các cơ cấu nào để trợ giúp người di cư tị nạn, thưa Đức Cha?

Đáp:
Như mọi người đã biết, nhiệm vụ của tổ chức Caritas là nhắc nhớ và làm chứng cho các nguyên tắc theo tinh thần Tin Mừng yêu thương, tiếp đón liên đới và thăng tiến công ích. Tương quan đúng đắn giữa sự tiếp đón và hợp pháp là việc tôn trọng các quyền nền tảng của con người, trong tinh thần trách nhiệm từ phía các cơ cấu công cộng. Và nó không luôn luôn là điều dễ xác định. Sẽ là điều dễ dàng hơn cho Giáo Hội và cho tổ chức Caritas, nếu các cộng đoàn biết giúp đỡ mọi người cảm thấy có trách nhiệm liên đới và giúp các anh chi em di cư tị nạn hội nhập vào môi trường xã hội mới. Trên bình diện hoạt động Giáo Hội và tổ chức Caritas luôn luôn sẵn sàng cộng tác trong mức độ có thể, bắt đầu từ các nguyên tắc này, với sự phân biệt các vai trò và trách nhiệm.

Hỏi: Thưa Đức Cha, đâu là các lãnh vực dấn thân hiện nay của Caritas Italia, có phải trong lãnh vực di cư tị nạn hay không?

Đáp:
Bên cạnh dấn thân linh hoạt và văn hóa, Caritas Italia còn nỗ lực trong các hoạt động tiếp đón người di cư tị nạn, bảo vệ các quyền lợi của họ và giúp họ hội nhập vào môi trường xã hội nữa. Đây là điều ai cũng nhận ra. Từ bao thập niên qua sự hiện diện của Caritas trên khắp nước Italia đã bảo đảm cho người di cư tị nạn được trợ giúp một cách hữu hiệu và cấp thời. Đặc biệt là đối với các thành phần yếu đuối nhất, như những người xin tị nạn chính trị và các nạn nhận của tệ nạn buôn bán người vv...

(Avvenire 27-8-2009)