Tam Toà là nơi các giáo dân thuộc các giáo xứ ở phía nam Quảng Bình bị bắt đạo dưới thời Tự Đức và Văn Thân, đã chạy tán loạn, được Linh mục Claude Bonin (thường gọi là Cố Ninh) tập trung lại và lập thành một giáo xứ mới ở phía bắc thành Đồng Hới, trên bờ sông Nhật Lệ, lấy tên là giáo xứ Tam Tòa. Số người bị bách hại và chết vì đạo rất nhiều, trong đó có hai vị đã được phong thánh là Linh Mục Gioan Đoạn Trinh Hoan và ông Mathêô Nguyễn Văn Phượng. Trước năm 1954, đi vào nhà thờ Tam Toà, chúng ta thấy tượng của hai vị này đứng hai bên trước cung thánh. Ngoài ra, trong làng còn có một ngôi đền kính Chân Phưóc Mathêô Phượng (lúc đó chưa được phong thánh). Theo truyền thống của cha ông, tinh thần sống và chết vì đạo của các tính hữu Tam Toà nói riêng và Quảng Bình nói chung là rất cao.

QUẢNG BÌNH DƯỚI THỜI CẤM ĐẠO

Dưới thời vua Tự Đức (1847 – 1883), lệnh cấm đạo rất ác liệt. Sắc dụ 1855 ra hạn “các quan ở tỉnh 3 tháng để xuất giáo, dân chúng và binh sĩ được 6 tháng để bỏ đạo. Phải đốt tất cả các nhà thờ, nhà xứ; cấm giáo hữu không được tập trung”. Sắc dụ 1857 truyền “khắc vào má hai chữ Tả Đạo và tên làng” cho giáo hữu; những ông quan chễnh mảng phải mất chức”. Sắc dụ 1859 ra lệnh “bắt các chức việc họ, Thầy Giảng”. Sắc dụ 1860 truyền cấm không cho đàn bà, con nít ra khỏi làng “vì chúng dùng những đàn bà xấu nết mà chúng gọi là trinh nữ, là bà phước để giấu diếm các đồ thờ, để đưa thư từ và tin tức”. Cuối cùng Vua Tự Đức hạ Sắc dụ 1861 về “Phân Sáp”, tức phân tán người Công Giáo đi khắp nơi trong nước cho sống giữa các lương dân để họ không còn có thể sống đạo được.

Dưới thời vua Tự Đức cấm đạo, Đức Giáo Mục Francois Marie Pellerin (1850 – 1862) đang cai quản Giáo Phận Bắc Đàng Trong và Giám Mục Joseph Hyacinthe Sohier (1862-1876) làm Giám Mục Phụ Tá. Trước những biện pháp cấm đạo gắt gao nói trên, Đức Cha Sohier phải dời chủng viện ở Di Loan, Cửa Tùng, Quảng Trị, ra Kẻ Sen, phía tây thành phố Đồng Hới ngày nay và ngài đến cư trú ở đó để lo cho chủng sinh. Kẻ Sen là một giáo xứ ở sát rừng núi nên dễ lẩn tránh mỗi khi quan quân mở cuộc lùng bắt. Trong 10 năm, quan quân đã lùng bắt Đức Cha nhiều lần nhưng không bắt được, nên báo cáo với Vua Tự Đức rằng Đức Cha Sohier đã chết. Ngày 13.9.1862, Đức Cha Pellerin qua đời, Đức Cha Sohier lại được Tòa Thánh cử cai quản Giáo phận Bắc Đàng Trong.

Tháng 6 năm 1876, Đức Cha Sohier đi kinh lược tỉnh Quảng Bình, khi tới Kẻ Sen, ngài bị kiết lị và qua đời ngày 3.9.1876, an táng tại Kẻ Sen, hưởng thọ 58 tuổi, với 34 năm làm Linh Mục và 23 năm làm Giám Mục. Vì thế, ngày nay Pháp đã giúp Kẻ Sen phục hồi lại giáo xứ.

Đức Giám Mục Sohier qua đời để lại cho Giáo Phận Huế 113 giáo xứ (Quảng Bình 25, Quảng Trị 63 và Thừa Thiên 25), 2 chủng viện, 7 tu viện Mến Thánh Giá, 3 viện dục anh và 22.000 giáo dân

Vùng Sen Bàng trước 1954 gồm 4 giáo xứ sau đây: Kẻ Sen, Kẻ Bàng, Xóm Kéc và Đá Mài. Hầu hết giáo dân thuộc các giáo xứ này đã di cư vào Đà Nẵng năm 1954. Ngày ngay, các giáo xứ này kết hợp lại thành giáo xứ Sen Bàng, hiện do Linh mục Lê Thanh Hồng làm chánh xứ kiêm chánh xứ Tam Toà.

HAI ANH HÙNG TỬ ĐẠO

Trong thời gian cấm đạo dưới thời Tự Đức, tại Quảng Bình có 41 giáo dân bị giết, nhiều người bị tù tội. Riêng giáo xứ Sáo Bùn có một linh mục và một thầy giảng bị án trảm quyết, đó là Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan và Thầy giảng Mathêô Nguyễn Văn Phượng.

1.- Linh mục Gioan Đoạn Trinh Hoan: Sinh năm 1798 tại họ Kim Long, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên, được phong linh mục năm 1836. Trước tiên, cha Hoan được cử coi sóc họ Kẻ Sen ở Quảng Bình, rồi họ Bãi Trời ở Quảng Trị. Khi tình hình ở Huế gặp nhiều khó khăn, Đức Cha đã gọi ngài về coi giáo dân ở Thừa Thiên. Đầu tháng Giêng năm 1861, Cha Hoan đến Sáo Bùn để giúp giáo dân chuẩn bị dự lễ Ba Vua thì có người ngoại đạo biết được và đi tố giác với quan. Ngài đã bị bắt và bị đưa ra xét xử ngày 4.1.1861 cùng với 9 giáo dân.

Cuối tháng ba, cha bị kết án tử hình và tịch thu tài sản. Các giáo dân khác bị xử lưu đày gồm có: ông Biện, Thầy Huệ, ông Quế và bà Ban. Bốn người khác can vào vụ này còn trốn thoát sẽ bị kết án khi bắt được.

Ngày 25.6.1861, cai đội đã đến nhà tù gọi ngài ra và đọc án như sau: "Tự Đức năm thứ 14, ngày 17 tháng 4, tên Hoan là linh mục, day đạo và lừa dối nhiều người, luận phải xử chém lập tức". Sau đó ông ra lệnh đặt gông lên cổ cha và cho bốn tên lính cầm giáo áp tải cha đi ra cửa thành và đưa ra pháp trường là một cánh đồng trống ở ngoài thành Động Hải, gần làng Phú Ninh. Tại đây, giáo dân đã trải chiếu sẵn để cha quì lên trên.

Sau khi hướng mắt lên trời cầu nguyện một hổi lâu, ngài nói với lý hình: “Tôi đã sẵn sàng”. Lý hình nhảy múa chờ trống lệnh để chém xuống. Nhát đao thứ nhất chém trúng vai khiến Cha Hoan té ngửa, tên lính túm tóc cha ngồi lên và chém nhát thứ hai vào má và chém tiếp theo hai nhát nữa. Lát sau cùng đã trúng cổ khiến đầu cha văng ra xa khoảng năm bước.

Giáo dân được phép vào thấm máu và tẩm liệm, đem xác cha an táng trọng thể tại nghĩa địa của các nữ tu ở Mỹ Hương. Khi lập hồ sơ phong Á Thánh, xác ngài được đưa về chủng viện Phú Xuân

2.- Thầy giảng Nguyễn Văn Phượng: sinh năm 1801 tại Kẻ Lậy, cũng gọi là Lý Nhơn, thuộc tỉnh Quảng Bình. Ngài có ba tên: tên Kế là tên chính thức, tên Đắc là tên cha mẹ đặt cho và tên Phượng là tên người con gái đầu lòng.

Mồ côi cha mẹ lúc 12 tuổi, cậu Đắc đi học thuốc với một người ngoại đạo tên là Nhu, nhưng ba năm sau cậu gặp Cha Điểm, được ngài nhận nuôi và dạy dỗ cho thành Thầy Giảng. Sau đó ngài giúp ông lập gia đình với bà Agnes, con của ông đội Khiêm ở Sáo Bùn. Lập gia đình rồi ông về ở Sáo Bùn luôn và được cử làm Thầy Giảng ở đó. Hai ông bà sinh được 8 người con. Ban đầu làm nghề thuốc nhưng không được khá giả nên đổi sang nghề buôn bán và được dư giả.

Đầu năm 1861 Cha Hoan đến tổ chức tuần đại phúc cho họ Sáo Bùn, ông Phượng lo chỗ ăn ở cho ngài. Khi cha Hoan bị truy lùng vì có người tố cáo, ông đã bị bắt vì tội chứa chấp Cha Hoan. Năm đó ông đã 60 tuổi.

Ông bị giải về Đồng Hới và bị ép chối đạo bốn lần, nhưng ông từ chối. Khi quan bắt ông nhận là đã chứa chấp Cha Hoan, ông cũng không nhận vì không biết Cha Hoan đã khai như thế nào. Quan dọa sẽ bắt các con của ông đánh đòn. Vì thế khi có sự hiện diện của Cha Hoan và các giáo dân khác, với sự đồng ý của Cha Hoan, ông đã khai có tiếp đón và nuôi Cha Hoan.

Ông cũng bị tuyên án như Cha Hoan và cũng bị đưa đi hành quyết một lần với Cha Hoan. Bản án của ông được viết trên gỗ, ghi như sau: "Năm Tự Đức thứ 14, ngày 17-4. Tên Nguyễn Văn Đắc, tự Phượng, là người theo đạo Kitô và chứa chấp đạo trưởng Hoan, tội đáng chém".

Tại pháp trường, lý hình chỉ chém một phát là đầu rơi xuống ngay. Xác ngài được bọc lại và chôn ở Mỹ Hương như Cha Hoan. Khi lập hồ sơ phong Á Thánh, xác ngài cũng được đưa về chủng viện Phú Xuân như xác Cha Hoan.

Cả hai vị đã được phong Á Thánh năm 1909 và được phong Thánh ngày 19.6.1988.

Những gì các nhà truyền giáo và cha ông chúng ta đã dùng xương máu để làm ở nên Tam Tòa, các thế hệ đi sau nhất định sẽ nối tiếp.