Thánh Phero và ơn kêu gọi tư tế

Hằng năm Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Phero, vị Tông đồ và Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội Chúa Giêsu.

Đây là niềm vui mừng cùng cần thiết hữu ích cho đời sống đức tin.

Nhưng đâu là ý nghĩa ngày lễ mừng kính trong năm linh mục ? Hay đúng hơn, khi mừng lễ Thánh Phero có thể tìm học hỏi được gì về đời sống ơn kêu gọi linh mục ?

1. Được kêu gọi đào tạo

Trong lịch sử Giáo Hội Chúa Giêsu ở trần gian, Thánh Phero là Tông đồ trưởng trong nhóm 12 học trò tiên khởi của Chúa Giêsu. Rồi Ông còn được Chúa Giêsu truyền chức Linh mục cùng bổ nhiệm là đức giáo hoàng đầu tiên của Giáo Hội Công Giáo ở trần gian.

Trong văn hóa nghệ thuật người ta vẽ chân dung Thánh Phero với ba đặc điểm: một tay cầm chiếc chìa khóa, một tay cầm cuốn sách Kinh Thánh và hình con gà đỗ xa xa ở đàng sau.

Trong dòng thời gian là Giáo hoàng của Giáo Hội Chúa Giêsu, Thánh Phero đã mở ra trường lớp đức tin, như ngày xưa Chúa Giêsu đã làm. Bản thân ông đã từng là học trò, là tông đồ đầu tiên của Chúa Giêsu. Giờ đây được Chúa trao nhiệm vụ đứng đầu Giáo Hội có nhiệm vụ gìn giữ cùng làm chứng rao truyền đức tin vào Chúa tiếp tục ở trần gian, Thánh nhân cũng tuyển chọn học trò, đào tạo chỉ dạy cho họ về nếp sống đàng tu đức cùng sai họ đi rao giảng Tin Mừng vào Chúa cho mọi người.

Theo sử sách còn để lại, người học trò đầu tiên trong trường học, hay có thể gọi là chủng viện của Thánh Phero, là Thánh Marco.

Thánh Marco, người viết sách Phúc âm Chúa Giêsu (năm 70) theo những gì Thánh Phero thuật lại về Chúa, và chính Phero đã viết giới thiệu Marco là người con của mình (1 Phero 5,13). Có tương truyền Thánh Phero đã truyền chức Giám Mục cho Marco, và sai đến Alexandria cai quản Giáo phận tại đó tới lúc chết tử vì đạo.

Cũng theo tương truyền Thánh Maternus là học trò của trường Thánh Phero ở Roma, và Ông là Giám Mục tiên khởi của Tổng Giáo Phận Colonia ( 313/314).

Thánh Phero đã nói gì về ơn kêu gọi Tư tế tông đồ cho Chúa Giêsu?

2. Viên gạch cát bụi đời sống

„Anh em hãy tiến lại gần Đức Ki-tô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá.5 Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giê-su Ki-tô.“( 1 Phero 2,4-5)

Người ta xưa nay vẫn dùng đá thiên nhiên lấy ở núi, hay gạch nung chín, xây tường vách nhà cửa chắn mưa gió, nóng lạnh. Xây căn nhà, dinh thự hay đền thờ mà dùng toàn đá thiên nhiên thì lấy đâu ra đá cho đủ cùng rất đắt tiền tốn công sức. Nên thay vào đó, đại đa số dùng gạch nung.

Viên gạch nào cũng được thành hình qua qúa trình nhào nặn bằng bùn đất với nước rồi nung đốt cho chín kỹ trong lò đốt nóng cả ngàn độ. Có thế viên gạch mới khô cứng rắn chắc chịu đựng được sức nặng xây đè xếp chồng lên nhau, cùng đứng thẳng vững vàng không thấm nước nghiêng đổ. Và viên gạch sau khi nung đốt ra khỏi lò có hình dáng mầu đỏ. Mà mầu đỏ là mầu diễn tả chỉ về tình yêu mến và về ánh lửa.

Như thế theo Thánh Phero, ơn kêu gọi của Chúa gieo truyền nơi những viên gạch con người sống động cũng được tạo thành từ bụi đất ( St 2,7).

Trên những viên gạch con người sống động với cơ quan thân xác sức khoẻ giới hạn, với khả năng tinh thần cùng trái tim tình cảm hạn chế thay đổi bất thường cùng khác nhau, Thiên Chúa xây ngôi nhà nước Chúa ở trần gian.

Những viên gạch sống động được tạo thành từ đất cát trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Và Ngài đã biến cải chúng thành dụng cụ mang lại lợi ích trong xây dựng Giáo Hội Chúa ở trần gian.

Những viên gạch sống động đó được kêu gọi phải nối liền liên kết với viên gạch góc tường là Chúa Giêsu Kitô, xây nên ngôi đền thờ thiêng liêng, ngôi nhà Giáo Hội, đầy nhiệt tâm nóng cháy cùng tình yêu mến.

Ơn kêu gọi vào làm tư tế trong Giáo Hội của Chúa không chỉ cất nhắc viên gạch con người lên làm linh mục trong khu vườn đức tin Gíao Hội, nhưng còn nhắc nhở đến thân phận căn tính đời sống của những viên gạch sống động đó: Từ bụi đất con đã được tạo thành. Và sau cùng con sẽ trở về với bụi đất. ( St 3,19).

3. Nếp sống của linh mục

Xưa nay có nhiều ý kiến phác họa ra cách thức như kim chỉ nam cho nếp sống của hàng linh mục trong Giáo Hội.

Có ý kiến nghĩ Linh mục là người làm dâu trăm họ, nên phải sống đối xử sao cho vừa lòng mọi người, và cũng khó làm vừa lòng được tất cả mọi lớp người!

Có ý kiến đưa ra muốn sao Linh mục có đời sống gần gũi với mọi người. Vì linh mục cũng là người từ lòng dân đi ra.

Có ý kiến đưa ra muốn linh mục cần có đời sống học vấn văn hóa sao cho tương xứng với xã hội ngày hôm nay. Vì nhiệm vụ của linh mục là người lãnh đạo hướng dẫn.

Có ý kiến đưa ra nhắm kêu gọi linh mục phải có đời sống thánh thiện. Vì linh mục có chức thánh, gìn giữ ban phát kho tàng ân thánh của Chúa là các Bí tích.

Có ý kiến khẳng định rằng linh mục không phải là một công chức, nhưng là người được Chúa chọn sai đi làm việc rao giảng làm chứng cho Chúa Giêsu trên cánh đồng đức tin.

Đức Giáo hoàng Benedicto thứ 16. hôm 24.06.2009 đã phác họa cung cách nếp sống rao giảng lời Chúa của Linh mục trong bối cảnh tu đức thần học:“ Các Linh mục cần phải nhiều hơn nữa trở về với Lời của Chúa Giêsu làm nền tảng cho rao giảng. Họ phải sẵn sàng sống tự nguyện cùng tham dự vào mầu nhiệm sự chết và sống lại của Chúa Giêsu, như lễ hiến tế sống động làm đẹp lòng Thiên Chúa. (Rm 12,1)“.

Bên Âu châu càng ngày càng ít linh mục. Vì thế một linh mục chính xứ phải cùng với những anh em linh mục khác cai quản nhiều nhà thờ họ đạo. Đời sống của linh mục chính xứ trở nên bận rộn với việc mục vụ, với việc hội đoàn, kể cả việc hành chánh nhiều hơn. Có những linh mục chính xứ than rằng tôi được huấn luyện đào tạo làm việc mục vụ, nhưng bây giờ tôi phải làm việc của một „ manager - người quản trị“ các nhân viên làm việc trong các nhà thờ, hội đoàn, nhà cửa, tài sản trong cụm xứ đạo!

Một linh mục bên Việtnam nói thế này: ngoài việc mục vụ các Bí Tích trong xứ đạo, tôi còn phải lo đi kiếm tiền xây cất sửa sang nhà thờ, nhà xứ, xây nhà dạy giáo lý, chỉnh trang nghĩa địa đất thánh, và nuôi ăn chính mình, có khi phải lo giúp những người nghèo túng trong xứ đạo nữa!

Hai hình ảnh công việc mục vụ của hai mẫu linh mục ở hai xã hội đông tây vẽ lên cung cách sống làm việc khác biệt nhau!

Cho dù có khác biệt, nhưng cùng nói lên nếp sống hy sinh phục vụ của một người làm việc tông đồ cho Thiên Chúa, cùng cho con người.

Thánh Phero đã nói về nếp sống một linh mục trong tương quan hai chiều hướng thượng với Thiên Chúa và chiều ngang với con người trần thế:

„Cùng các bậc kỳ mục trong anh em, tôi xin có mấy lời khuyên nhủ, vì tôi cũng thuộc hàng kỳ mục, lại là chứng nhân những đau khổ của Đức Ki-tô và được dự phần vinh quang sắp tỏ hiện trong tương lai.2 Anh em hãy chăn dắt đoàn chiên mà Thiên Chúa đã giao phó cho anh em: lo lắng cho họ không phải vì miễn cưỡng, nhưng hoàn toàn tự nguyện như Thiên Chúa muốn, không phải vì ham hố lợi lộc thấp hèn, nhưng vì lòng nhiệt thành tận tuỵ.“ ( 1 Phero 5,1-2)

Thiết tưởng sâu xa chân tình cùng đạo đức hơn nữa, khó có thể diễn tả phác họa hơn được.

***************

Linh mục là những viên gạch sống động đượcThiên Chúa tuyển chọn dùng xây dựng ngôi đền thờ Giáo Hội ở trần gian.

Dẫu vậy, Linh mục trước sau vẫn còn là con người được tạo dựng từ bụi đất. Thế nên linh mục phải có nếp sống làm người với tâm hồn đạo đức cùng văn hóa: „Chính vì thế, anh em hãy đem tất cả nhiệt tình, làm sao để khi đã có lòng tin thì có thêm đức độ, có đức độ lại thêm hiểu biết,6 có hiểu biết lại thêm tiết độ, có tiết độ lại thêm kiên nhẫn, có kiên nhẫn lại thêm đạo đức,7 có đạo đức lại thêm tình huynh đệ, có tình huynh đệ lại thêm bác ái.“ ( 2 Phero 1,5-7).

Chúc mừng ngày kỷ niệm đệ nhất thập chu niên chức Giám Mục, 1999-29.06.-2009

Đức Giám mục Giuse Trần xuân Tiếu, Longxuyên
Đức Tổng Giám mục Giuse Ngô quang Kiệt, Hànội
Năm Linh mục 2009-2010