ĐỂ THÁNH THẦN DẪN BƯỚC
(THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA ĐỨC CHA VINH SƠN NGUYỄN VĂN BẢN
Tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn ngày 02-6-2009)
Kính thưa quí ông bà và anh chị em rất thân mến,
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai bằng nghi thức chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan và được Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Người (x. Lc 3,21-22). Tiếp đến, Người được Thánh Thần đưa vào hoang địa chay tịnh bốn mươi đêm ngày và chịu ma quỉ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Sau đó, được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về Galilê bắt đầu giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh (x. Lc 4,14-15). Rồi người trở về Nadarét là nơi Người đã sinh sống và lớn lên để rao giảng Tin Mừng cho quê hương của mình, như chúng ta đã nghe thánh Luca thuật lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Điều thánh Luca đã lặp đi lặp lại trong những thuật trình ngắn ngủi này là Chúa Giêsu luôn luôn bước đi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Là một vị Thiên Chúa cao cả vượt không gian và thời gian, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh xuống làm người trong không gian và thời gian. Vì thế Người đã có một quê hương dưới đất mà Người thiết tha yêu mến như bất cứ người trần thế nào. Quê hương của Người cũng đầy dẫy những người nghèo khó, bệnh tật, bị áp bức và tù đày. Họ cần được Người công bố Tin Mừng giải thoát và người thực hiện cuộc giải thoát ấy không phải ai khác mà là chính Chúa Giêsu, người anh em của họ, đã từng chia sẻ cuộc sống lầm than lam lũ của họ.
Cơ hội gặp gỡ để công bố Tin Mừng cho người đồng hương là buổi cầu nguyện hàng tuần vào ngày sabát tại hội đường Nadaret. Trước đây đã bao nhiêu lần Người đến đây tham dự buổi cầu nguyện và học hỏi Thánh Kinh với mọi người đồng hương, như thánh Luca đã cẩn thận ghi nhận: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát” (Lc 4,16). Nhưng hôm nay Người đã đến đây với tư cách khác, tư cách của một Đấng Cứu Thế đến để thực hiện ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Phụng vụ là khung cảnh tuyệt vời nhất để con người có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ của Người.
Người ta trao cho Người sách ngôn sứ Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dần tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Đây là đoạn sách chúng ta đã nghe trong bài đọc I (Is 61,1-3a.6a.8b-9) với đôi chút thay đổi. Chắc hẳn đây không phải là một sự tình cờ, nhưng đã được Thiên Chúa sắp xếp. Vì thế Chúa Giêsu đã tuyên bố với cử tọa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4,21). “Hôm nay” là một thuật ngữ Thánh Kinh nói lên tính hiện thực của ơn cứu độ. Với Đức Kitô, khoảng cách giữa lời hứa và việc thực hiện ơn cứu độ đã được triệt tiêu: không những Chúa nói và làm, nhưng còn hơn thế nữa: Chúa nói là làm. Nơi Thiên Chúa, lời nói và hành động là một. Với lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu đã chính thức khai mạc triều đại thiên sai của Người và khai mở điều mà các nhà chú giải Thánh Kinh gọi là “mùa xuân Galilê”.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Theo chân Chúa Giêsu, Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa, cách đây 3 tuần, vào ngày 12 tháng 5, Đức Cha Vinh Sơn, người con yêu dấu và ưu tú của giáo phận, đã được Thánh Thần xức dầu tấn phong làm Giám mục chính tòa giáo phận Banmêthuột. Khẩu hiệu giám mục của ngài là Spiritu ambulate, có nghĩa là hãy bước đi trong Thánh Thần, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Galata 5, 16, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc II. Khi chọn câu Thánh Kinh này làm khẩu hiệu cho cuộc đời giám mục của mình, Đức Cha cũng muốn bắt chước Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh, chu toàn sứ mạng của mình bằng cách luôn hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Huy hiệu giám mục của ngài là hai dấu chân người trên con đường dưới bóng chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Con đường ấy do Thánh Thần vạch ra và dẫn dắt xuyên qua những vùng đất có lúc êm ả bình yên, xanh rì ngọn cỏ, có khi gặp núi đá cheo leo, ngổn ngang dặm bước. Thế nhưng bên trên tất cả là khung trời rộng mở thênh thang, xanh ngát một màu thiên thanh, nơi Thánh Thần sẽ dẫn đưa vào để hoàn thành mọi chương trình mà vị mục tử đang ôm ấp.
Với tuổi trẻ, tài cao, học rộng, và đầy nhiệt huyết mục vụ, chắc hẳn ngài sẽ đem lại cho giáo phận Banmêthuột một mùa xuân mới, khiến cho giáo phận Banmêthuột không còn phải mang tên “Buồn muôn thuở”, nhưng thực sự trở thành giáo phận “Bao mến thương”, như lời Cha Tổng Đại Diện giáo phận Banmêthuột Đaminh Hà Duy Khâm đã nói trong thánh lễ tấn phong giám mục của ngài tại nhà thờ Chính tòa Banmêthuột hôm 12 tháng 5 vừa qua.
Cũng như Đức Giêsu đối với thành Nadaret, Đức Cha Vinh Sơn đã là một người giữa chúng ta, đã từng sinh ra, lớn lên, được đào tạo và hoạt động cho Nước Trời trên quê hương thân yêu là giáo phận Qui Nhơn này. Hôm nay, vì lòng yêu mến quê hương đã cưu mang ngài và cũng để bày tỏ lòng biết ơn đối với giáo phận và cộng đồng dân Chúa trong giáo phận, ngài đã trở về đây để cùng với cộng đoàn dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo phận. Chúng ta đón chào ngài không những với tư cách người con của giáo phận, mà còn với tư cách một vị chủ chăn của một Giáo Hội địa phương là giáo phận Banmêthuột, một giáo phận mà phần lớn lãnh thổ được tách ra từ giáo phận Kontum là con đẻ của giáo phận Qui Nhơn, và do đó giáo phận Banmêthuột có thể được coi là giáo phận cháu của giáo phận Qui Nhơn chúng ta.
Giáo phận Banmêthuột mà ngài có nhiệm vụ cai quản là một vùng đất rộng lớn bao gồm tỉnh Đăklăk, Đăk Nông và một phần tỉnh Bình Phước với diện tích là 21.723km2. Số giáo dân hiện có là 361.126 người, trong đó có 67.408 người thuộc các sắc tộc thiểu số, trên tổng số dân của 3 tỉnh là 2.719.267 người, chiếm tỉ lệ 13,28%. Chúng ta hãy thử làm một phép tính: nếu một năm có 365 ngày thì với số giáo dân 361.126 người, trung bình mỗi ngày Đức Cha phải chăm sóc gần 1.000 người. Một bó lúa quá nặng so với đôi vai của bất kỳ một người thợ gặt nào. Đó là chưa kể trên 2.300.000 người lương dân mà ngài có nhiệm vụ phải rao giảng Tin Mừng và dẫn đưa về đàn chiên của Chúa.
Hơn nữa, mặc dù được Đức Thánh Cha Bênêđictô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Banmêthuột, nhưng theo Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus của công đồng Vaticanô II, số 4, với bí tích truyền chức thánh, Đức Cha Vinh Sơn đã chính thức gia nhập giám mục đoàn thế giới kế nhiệm các tông đồ, để cùng với Đức Thánh Cha và các giám mục khác dự phần vào quyền bính trọn vẹn và tối cao trên Hội Thánh toàn cầu và gánh vác công việc của toàn thể Hội Thánh.
Đứng trước một trách nhiệm lớn lao và nặng nề như thế, chắc chắn Đức Cha Vinh Sơn sẽ không còn thời giờ để nghỉ ngơi. Thật vậy, Đức Cha đã hoàn toàn hiến thân cho Nước Trời, đã quyết tâm để cho Thánh Thần chiếm trọn cuộc đời, thì sẽ không còn thời giờ để nghỉ ngơi. Hết việc này đến việc khác sẽ cuốn hút và xô đẩy ngài tới tấp. Ngài phải trở thành chân tay cho những người què cụt, thành đôi mắt cho những kẻ đui mù, thành đôi tai cho những người bị điếc, thành miệng lưỡi cho người không nói được, thành tiếng kêu cho những kẻ chịu bất công. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ngài được dồi dào sức khỏe, tràn đầy nghị lực và đầy đủ ơn Chúa Thánh Thần, để có sức gánh vác trách nhiệm chăn dắt đàn chiên Chúa đã giao phó và làm cho những lời Thánh Kinh Chúa Giêsu đã đọc tại hội đường Nadaret năm xưa tiếp tục được thể hiện hôm nay.
(THÁNH LỄ TẠ ƠN CỦA ĐỨC CHA VINH SƠN NGUYỄN VĂN BẢN
Tại nhà thờ Chính Tòa Qui Nhơn ngày 02-6-2009)
Kính thưa quí ông bà và anh chị em rất thân mến,
Chúa Giêsu bắt đầu cuộc đời công khai bằng nghi thức chịu phép rửa bởi tay Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan và được Thánh Thần như chim bồ câu ngự xuống trên Người (x. Lc 3,21-22). Tiếp đến, Người được Thánh Thần đưa vào hoang địa chay tịnh bốn mươi đêm ngày và chịu ma quỉ cám dỗ (x. Lc 4,1-13). Sau đó, được quyền năng Thánh Thần thúc đẩy, Chúa Giêsu trở về Galilê bắt đầu giảng dạy trong các hội đường và được mọi người tôn vinh (x. Lc 4,14-15). Rồi người trở về Nadarét là nơi Người đã sinh sống và lớn lên để rao giảng Tin Mừng cho quê hương của mình, như chúng ta đã nghe thánh Luca thuật lại trong đoạn Tin Mừng hôm nay. Điều thánh Luca đã lặp đi lặp lại trong những thuật trình ngắn ngủi này là Chúa Giêsu luôn luôn bước đi dưới sự hướng dẫn của Thánh Thần.
Là một vị Thiên Chúa cao cả vượt không gian và thời gian, nhưng vì yêu thương nhân loại, Ngôi Hai Thiên Chúa đã sinh xuống làm người trong không gian và thời gian. Vì thế Người đã có một quê hương dưới đất mà Người thiết tha yêu mến như bất cứ người trần thế nào. Quê hương của Người cũng đầy dẫy những người nghèo khó, bệnh tật, bị áp bức và tù đày. Họ cần được Người công bố Tin Mừng giải thoát và người thực hiện cuộc giải thoát ấy không phải ai khác mà là chính Chúa Giêsu, người anh em của họ, đã từng chia sẻ cuộc sống lầm than lam lũ của họ.
Cơ hội gặp gỡ để công bố Tin Mừng cho người đồng hương là buổi cầu nguyện hàng tuần vào ngày sabát tại hội đường Nadaret. Trước đây đã bao nhiêu lần Người đến đây tham dự buổi cầu nguyện và học hỏi Thánh Kinh với mọi người đồng hương, như thánh Luca đã cẩn thận ghi nhận: “Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sabát” (Lc 4,16). Nhưng hôm nay Người đã đến đây với tư cách khác, tư cách của một Đấng Cứu Thế đến để thực hiện ơn cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa từ ngàn xưa. Phụng vụ là khung cảnh tuyệt vời nhất để con người có thể dễ dàng gặp gỡ Thiên Chúa và nhận được ơn cứu độ của Người.
Người ta trao cho Người sách ngôn sứ Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dần tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Đây là đoạn sách chúng ta đã nghe trong bài đọc I (Is 61,1-3a.6a.8b-9) với đôi chút thay đổi. Chắc hẳn đây không phải là một sự tình cờ, nhưng đã được Thiên Chúa sắp xếp. Vì thế Chúa Giêsu đã tuyên bố với cử tọa: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe” (Lc 4,21). “Hôm nay” là một thuật ngữ Thánh Kinh nói lên tính hiện thực của ơn cứu độ. Với Đức Kitô, khoảng cách giữa lời hứa và việc thực hiện ơn cứu độ đã được triệt tiêu: không những Chúa nói và làm, nhưng còn hơn thế nữa: Chúa nói là làm. Nơi Thiên Chúa, lời nói và hành động là một. Với lời tuyên bố trên đây, Chúa Giêsu đã chính thức khai mạc triều đại thiên sai của Người và khai mở điều mà các nhà chú giải Thánh Kinh gọi là “mùa xuân Galilê”.
Kính thưa quí ông bà và anh chị em,
Theo chân Chúa Giêsu, Đấng Được Xức Dầu của Thiên Chúa, cách đây 3 tuần, vào ngày 12 tháng 5, Đức Cha Vinh Sơn, người con yêu dấu và ưu tú của giáo phận, đã được Thánh Thần xức dầu tấn phong làm Giám mục chính tòa giáo phận Banmêthuột. Khẩu hiệu giám mục của ngài là Spiritu ambulate, có nghĩa là hãy bước đi trong Thánh Thần, trích từ thư thánh Phaolô tông đồ gửi giáo đoàn Galata 5, 16, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc II. Khi chọn câu Thánh Kinh này làm khẩu hiệu cho cuộc đời giám mục của mình, Đức Cha cũng muốn bắt chước Chúa Kitô, Thầy Chí Thánh, chu toàn sứ mạng của mình bằng cách luôn hành động theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Huy hiệu giám mục của ngài là hai dấu chân người trên con đường dưới bóng chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Con đường ấy do Thánh Thần vạch ra và dẫn dắt xuyên qua những vùng đất có lúc êm ả bình yên, xanh rì ngọn cỏ, có khi gặp núi đá cheo leo, ngổn ngang dặm bước. Thế nhưng bên trên tất cả là khung trời rộng mở thênh thang, xanh ngát một màu thiên thanh, nơi Thánh Thần sẽ dẫn đưa vào để hoàn thành mọi chương trình mà vị mục tử đang ôm ấp.
Với tuổi trẻ, tài cao, học rộng, và đầy nhiệt huyết mục vụ, chắc hẳn ngài sẽ đem lại cho giáo phận Banmêthuột một mùa xuân mới, khiến cho giáo phận Banmêthuột không còn phải mang tên “Buồn muôn thuở”, nhưng thực sự trở thành giáo phận “Bao mến thương”, như lời Cha Tổng Đại Diện giáo phận Banmêthuột Đaminh Hà Duy Khâm đã nói trong thánh lễ tấn phong giám mục của ngài tại nhà thờ Chính tòa Banmêthuột hôm 12 tháng 5 vừa qua.
Cũng như Đức Giêsu đối với thành Nadaret, Đức Cha Vinh Sơn đã là một người giữa chúng ta, đã từng sinh ra, lớn lên, được đào tạo và hoạt động cho Nước Trời trên quê hương thân yêu là giáo phận Qui Nhơn này. Hôm nay, vì lòng yêu mến quê hương đã cưu mang ngài và cũng để bày tỏ lòng biết ơn đối với giáo phận và cộng đồng dân Chúa trong giáo phận, ngài đã trở về đây để cùng với cộng đoàn dâng lễ tạ ơn Thiên Chúa và cầu nguyện cho giáo phận. Chúng ta đón chào ngài không những với tư cách người con của giáo phận, mà còn với tư cách một vị chủ chăn của một Giáo Hội địa phương là giáo phận Banmêthuột, một giáo phận mà phần lớn lãnh thổ được tách ra từ giáo phận Kontum là con đẻ của giáo phận Qui Nhơn, và do đó giáo phận Banmêthuột có thể được coi là giáo phận cháu của giáo phận Qui Nhơn chúng ta.
Giáo phận Banmêthuột mà ngài có nhiệm vụ cai quản là một vùng đất rộng lớn bao gồm tỉnh Đăklăk, Đăk Nông và một phần tỉnh Bình Phước với diện tích là 21.723km2. Số giáo dân hiện có là 361.126 người, trong đó có 67.408 người thuộc các sắc tộc thiểu số, trên tổng số dân của 3 tỉnh là 2.719.267 người, chiếm tỉ lệ 13,28%. Chúng ta hãy thử làm một phép tính: nếu một năm có 365 ngày thì với số giáo dân 361.126 người, trung bình mỗi ngày Đức Cha phải chăm sóc gần 1.000 người. Một bó lúa quá nặng so với đôi vai của bất kỳ một người thợ gặt nào. Đó là chưa kể trên 2.300.000 người lương dân mà ngài có nhiệm vụ phải rao giảng Tin Mừng và dẫn đưa về đàn chiên của Chúa.
Hơn nữa, mặc dù được Đức Thánh Cha Bênêđictô bổ nhiệm làm Giám mục chính tòa giáo phận Banmêthuột, nhưng theo Sắc lệnh về nhiệm vụ mục vụ của các Giám mục trong Giáo Hội Christus Dominus của công đồng Vaticanô II, số 4, với bí tích truyền chức thánh, Đức Cha Vinh Sơn đã chính thức gia nhập giám mục đoàn thế giới kế nhiệm các tông đồ, để cùng với Đức Thánh Cha và các giám mục khác dự phần vào quyền bính trọn vẹn và tối cao trên Hội Thánh toàn cầu và gánh vác công việc của toàn thể Hội Thánh.
Đứng trước một trách nhiệm lớn lao và nặng nề như thế, chắc chắn Đức Cha Vinh Sơn sẽ không còn thời giờ để nghỉ ngơi. Thật vậy, Đức Cha đã hoàn toàn hiến thân cho Nước Trời, đã quyết tâm để cho Thánh Thần chiếm trọn cuộc đời, thì sẽ không còn thời giờ để nghỉ ngơi. Hết việc này đến việc khác sẽ cuốn hút và xô đẩy ngài tới tấp. Ngài phải trở thành chân tay cho những người què cụt, thành đôi mắt cho những kẻ đui mù, thành đôi tai cho những người bị điếc, thành miệng lưỡi cho người không nói được, thành tiếng kêu cho những kẻ chịu bất công. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho ngài được dồi dào sức khỏe, tràn đầy nghị lực và đầy đủ ơn Chúa Thánh Thần, để có sức gánh vác trách nhiệm chăn dắt đàn chiên Chúa đã giao phó và làm cho những lời Thánh Kinh Chúa Giêsu đã đọc tại hội đường Nadaret năm xưa tiếp tục được thể hiện hôm nay.