Giác ngộ
hay là “Đồng Lòng và Đồng Loạt” – bí quyết để thành công


Câu chuyện ông chủ và một bầy nô lệ cùng đi buôn và bị đắm tầu

Cách đây nhiều thế kỷ, một tàu buôn nọ gồm một ông chủ và một bầy nô lệ cùng đi buôn. Bị sóng bão làm đắm tàu, rất may cả đoàn người trên tàu đã bơi được vào một hòn đảo gần đó. Hòn đảo tuy hoang dã nhưng màu mỡ. Với sức người và qua thời gian, đoàn người ấy đã biến hòn đảo thành một vùng trù phú. Hòn đảo đã trở thành một vương quốc nho nhỏ. Nhưng ông chủ vẫn là ông chủ, và đám nô lệ vẫn là những nô lệ. Họ phải làm việc cật lực mỗi ngày và kết quả mọi công lao làm việc của họ đều phải đưa về cho ông chủ. Ông có toàn quyền chia cho ai bao nhiêu tùy ý. Ông chẳng làm gì cả, nhưng ông là chủ nhân của tất cả những của cải mà đám nô lệ làm ra được. Chỉ một mình ông mới có quyền sử dụng theo ý mình những của cải ấy. Ông sống một cuộc đời hết sức vương giả.

Nhưng càng già, ông càng trở nên tham lam, tàn bạo và càng bóc lột đám nô lệ hơn. Ông bắt họ làm việc nhiều hơn, đánh đập tàn nhẫn hơn hoặc giảm bớt phần ăn của bất kỳ ai vì lý do nào đó không tuân lệnh ông hoặc không làm việc được. Để giúp cai trị đám nô lệ này, ông cất nhắc một số nô lệ tỏ ra trung thành nhất lên làm cai. Những tên cai này được hưởng những ưu đãi về quyền lực và quyền lợi. Ai trong bọn cai nẩy sinh tư tưởng bất phục tùng mà ông biết được, lập tức ông “cúp” ngay một số hoặc tất cả những ân huệ mà ông vẫn thường ban cho chúng. Vì thế, đám cai này dù bất mãn hay biết ông sai rành rành vẫn cứ phải trung thành với ông. Ông bảo chúng đánh đập ai là chúng đánh ngay, bất chấp chúng thấy lệnh ấy phi lý hay thất đức đến đâu. Vì quyền lợi, chúng đành phải nhắm mắt theo lệnh ông. Dần dần tâm hồn chúng trở thành chai đá, lòng thương xót trước đau khổ của đồng loại tắt lịm trong lòng chúng. Vì thế, chúng sẵn sàng đối xử thật tàn bạo với những nô lệ dưới quyền khi họ không vâng lời ông chủ hoặc không vâng lời chúng. Nhiều tên còn tàn bạo hơn cả ông chủ của chúng.

Không ý thức được sức mạnh và phẩm giá của mình

Trong số các nô lệ có những kẻ biết suy nghĩ. Họ tự hỏi: Sao ông chủ này lại có quyền trên mình đến như thế? Ông có phải là chủ sở hữu hòn đảo và tất cả những vật có trên đó không? Tại sao ông không làm gì cả mà lại được hưởng mọi thứ trên đầu trên cổ họ như vậy? Tại sao mọi của cải trên đảo đều do họ làm ra mà họ không có quyền gì trên đấy? Tại sao quyền ấy lại thuộc về ông? Quyền lực của ông đến từ đâu?

– Suy nghĩ và tìm hiểu, anh nhận ra rằng hòn đảo này chẳng phải của ông ta, các cây cối, nhà cửa, và tất cả những vật dụng trên đảo đều do đám nô lệ làm ra hết. Sở dĩ ông ta có quyền sử dụng chúng mà đám nô lệ thì không, tại vì đám nô lệ đã dành hay nhường quyền ấy cho ông bằng cách chấp nhận phục tùng ông vô điều kiện.

– Anh bắt đầu trao đổi tư tưởng và thắc mắc của anh với các đồng bạn nô lệ khác. Ai cũng nhận ra rằng ông chủ chẳng có công gì cả, nếu có thì cũng rất ít, và quyền lực của ông chính là do tất cả mọi nô lệ đều công nhận ông là chủ của mình theo truyền thống đã có trước khi họ và ông đến đảo này lập nghiệp. Truyền thống ấy cứ tiếp tục như thế hàng chục năm rồi, không ai dám nghĩ khác. Và quyền lực ấy tồn tại được là do mọi nô lệ đều sợ ông, cho rằng ông có quyền sai bảo họ. Nếu tất cả nô lệ đều không chịu phục tùng ông nữa, thì ông sẽ chẳng còn dựa vào đâu để có quyền sai bảo họ cả.

Nhiều nô lệ giác ngộ được điều ấy và vượt qua nỗi sợ.

Một số nô lệ vì thế đã tỏ ra ương bướng không chịu làm việc hay phục tùng ông nữa. Lập tức những chàng ương bướng này lãnh đủ những cú đấm trời giáng, những ngọn roi đau điếng từ những tên cai, tay sai của ông chủ; có những chàng bị bỏ đói đến chết. Sau màn khủng bố ấy, mọi nô lệ khác đều sợ hãi, nhiều chàng đã hoàn toàn từ bỏ ý định tỏ ra bất phục tùng… Tiếp theo là cả một thời gian dài mọi người đều phải miễn cưỡng chấp nhận thái độ phục tùng.

Từ đó, ông chủ lại càng trở nên hà khắc, và đối xử độc ác hơn nữa với những nô lệ nào tỏ ra dù chỉ một chút ý muốn bất phục tùng. Mọi người – trừ những tên cai được ông chủ ưu đãi – đều bất mãn, căm ghét ông, nhưng không ai dám nói ra. Do thế, không bao lâu, thắc mắc căn bản về quyền lực của ông chủ lại nảy sinh trong lòng nhiều nô lệ quá đau khổ. Có người nhận ra rằng sở dĩ những chàng ương bướng trước kia bị đòn, bị nhịn đói và chết đi là do sự ương bướng của họ chỉ mang tính cá nhân và không được sự ủng hộ của những nô lệ khác. Nếu tất cả mọi nô lệ đều đồng loạt bất phục tùng, không chịu nghe lệnh của ông nữa thì ông chủ sẽ chẳng làm gì được. Điều tối quan trọng để thành công ở đây không chỉ là đồng lòng mà còn là đồng loạt. Thế là anh ta rỉ tai đến tất cả mọi người lý lẽ ấy và tất cả mọi người đều đồng tình vì lý lẽ ấy khá dễ hiểu và rõ ràng.

Khi mọi nô lệ đều hiểu rõ căn nguyên sự thiệt thòi của mình, sự vô lý về thân phận nô lệ luôn bị bạc đãi của mình, và nắm vững bí quyết để thoát khỏi ách nô lệ đã quàng vào cổ họ mà họ đã, một cách nào đó, đồng lòng chấp nhận suốt bao năm qua… họ quyết làm một cuộc cách mạng. Họ cùng quyết định vào một ngày nào đó, tất cả mọi nô lệ đều đồng loạt tỏ ra bất phục tùng ông chủ và những tên cai tay sai của ông. Ông chủ và bọn cai ra bất kỳ lệnh gì cũng nhất định không làm, có bị đánh đập đau đớn cũng ráng cam chịu. Nếu có tên cai nào tỏ ra hung hãn đánh đập họ như mọi khi thì cả bọn nô lệ sẽ cùng nhào vào trói gô chúng lại. Chúng ít người làm sao cự nổi đám đông nếu đám đông biết đoàn kết lại?

Và ngày giờ quyết định đã đến.

Tất cả mọi nô lệ đều đồng lòng và đồng loạt không vâng lời, không hợp tác. Một vài tên cai tỏ ra hung hãn với đám nô lệ khi thấy họ không vâng phục liền bị họ xúm lại đánh thê thảm. Đồng bọn còn lại thấy thế sợ khiếp vía, đã trở nên bất động, để mặc đám nô lệ muốn làm gì thì làm. Không ra lệnh được cho ai, mà cũng chẳng được ai vâng lời, thế là ông chủ tự nhiên mất hết quyền lực.

Từ đó, đám nô lệ không vâng lệnh ông chủ nữa, nên ông chủ đã trở nên một người bình thường như họ, chẳng còn dám sai bảo ai điều gì. Thế là cuộc “cách mạng” thành công. Đám nô lệ đã tự giải phóng mình khỏi ách nô lệ mà họ đã cam chịu suốt bao năm. Giờ đây trên đầu họ không còn một ông chủ có quyền sai khiến và hành hạ họ nữa. Họ có quyền tự quyết định số phận và cuộc đời của họ.

Nếu những người nô lệ
– không ý thức được sự vô lý trong thân phận nô lệ của họ;
– không đoàn kết để cùng đồng lòng, đồng loạt bất phục tùng ông chủ độc tài độc ác;
– không thắng vượt được sợ hãi đã trở thành bản tính của họ…;
– không quyết tâm tự giải thoát chính mình thì chỉ cần một nhúm người – ông chủ và bọn cai tay sai – cũng có thể bắt họ, dù đông đến cả trăm người, phải làm thân nô lệ suốt đời.

Câu chuyện trên cũng tương tự như câu chuyện của 83 triệu người dân Việt Nam ta hiện nay đang cam tâm chấp nhận thân phận nô lệ cho mấy chục người trong Bộ Chính Trị, cùng với bọn tay sai, đang đè nặng trên đầu trên cổ họ. Tôi nói điều này mà không sợ bị phản cảm bị cho là một kẻ phản động bán nước chỉ trích chính dân tộc mình. Vì chính tôi là một công dân Việt Nam đang chịu cảnh sống nô lệ. Bọn tay sai này – với đủ mọi cấp bậc, ban ngành, trong đủ mọi lãnh vực – vì những đặc quyền đặc lợi do Bộ Chính Trị ban phát, sẵn sàng đàn áp dân chúng thẳng tay và độc ác. Bọn này được Bộ Chính Trị ưu đãi đặc biệt, sẵn sàng dung túng những tội ác để chúng trung thành với mình. Nếu chúng không trung thành, Bộ Chính Trị có thể dựa trên những tội ác chúng đã phạm, mà Bộ luôn luôn nắm trong tay đầy đủ bằng chứng, để truy tố chúng trước pháp luật. Một khi đã lỡ “nhúng tay vào chàm”, thì lập tức chúng lâm vào tình trạng “há miệng mắc quai”, muốn đứng về phe dân chúng để lên tiếng phản kháng những sai trái của Bộ Chính Trị là chúng bị “kẹt” ngay. Hiện nay chẳng mấy ai trong bọn tay sai này chưa “nhúng tay vào chàm”, nên chúng cứ phải trung thành với chủ nhân của chúng và đành phải quay lưng lại với dân tộc, cho dù biết đó là tội ác, là hèn hạ.

Còn dân chúng, nói chung, ai nấy đều sợ hãi trước sự tàn bạo và độc ác của Bộ Chính Trị và bọn tay sai: chỉ cần một vài câu đe dọa, thấy một vài người ương bướng bị khủng bố là đa số dân chúng đành thúc thủ, sẵn sàng tuân thủ mọi mệnh lệnh dù hết sức phi lý, bất nhân, hoặc hết sức bất lợi cho mình. Bộ Chính Trị biết rõ tâm lý này của dân chúng và bọn tay sai, nên triệt để áp dụng định luật tâm lý “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” (giết một người là hàng vạn người sợ) để khống chế dân chúng và bọn tay sai bằng sợ hãi. Chính nỗi sợ hãi này khiến dân chúng cứ phải cúi đầu vâng phục, tạo nên quyền lực vững chắc cho Bộ Chính Trị. Do đó, bất kỳ ai còn sợ hãi và sẵn sàng tuân phục những mệnh lệnh phi lý và bất nhân của bộ này thì đều góp phần vào việc xây dựng quyền lực cho họ, giúp họ vững bền mãi.

Vấn đề là làm sao để mọi người dân đều đồng lòng và đồng loạt không sợ hãi, không tuân phục, không hợp tác nữa, thì quyền lực của Bộ Chính Trị cũng như của chế độ độc tài toàn trị hiện nay lập tức bị lung lay và sụp đổ.

Vấn đề khó khăn nhất và cũng là bí quyết để thành công trong việc giải phóng dân tộc khỏi ách độc tài toàn trị hiện nay là làm sao để có được sự “đồng lòng và đồng loạt” ấy! Điều này đòi hỏi mọi người dân và cả những ai đang làm tay sai cho chế độ độc tài đều phải dám can đảm đối diện với sự thật. Đã có những con người anh dũng tỏ ra ương bướng đối với chế độ, dám nói lên những sai trái của họ, bất chấp bị sách nhiễu, bắt bớ, tù đày. Nếu chúng ta không đồng lòng lên tiếng ủng hộ họ, họ sẽ phải chết dưới bàn tay sắt máu của chế độ, và một cách nào đó chúng ta đã trở thành những kẻ “im lặng đồng lõa” với tội ác của bọn chúng. Trong cuộc đấu tranh giành lại chủ quyền của dân tộc, sự liên đới và đoàn kết, cùng đồng lòng, đồng chí hướng… là yếu tố làm nên chiến thắng.