Cái nghịch lý của trào lưu thần học không có Thiên Chúa

Ngày nay, một điều không thể chối cãi là trào lưu vô thần đã tìm được chỗ đứng ở một nơi mà người ta thực sự không bao giờ ngờ tới: Ở trong các phân khoa thần học – Và đương nhiên, các hậu quả tai hại gây ra thật vô cùng khủng khiếp!

„Piep, piep, piep, wir haben uns alle lieb“ (Chíp, chíp, chíp, chúng ta cùng khắng khít thương yêu nhau). Đây là một „Kinh Ăn Cơm“ mà tôi đã nghe được cách đây chưa lâu tại một viện đại học Kitô giáo Đức trong giờ cơm trưa của một nhóm sinh viên. Và cách bày tỏ đức tin Kitô giáo hay cách cầu nguyện lố lăng như thế đã dẫn tới một cuộc tranh cãi rất sôi nổi tiếp liền sau đó, và trong cuộc nói chuyện, vị Tuyên úy còn quả quyết là rất có thể ngài sẽ đưa áp dụng hình thức cầu nguyện như thế vào cả trong việc cử hành Phụng Vụ nữa. Khi nghe thế, tôi đã tự hỏi mình là phải chăng tôi đã quá cổ hủ và lạc hậu? Bởi vì, không phải những cuộc bàn cãi đầy triết lý, chẳng hạn về Hegel hay Nietzsche, nhưng là những Lời Kinh đơn sơ trước khi dùng bữa như thế sẽ gây nên những hậu quả nguy hại khôn lường của một khuynh hướng thần học tự xưng một cách mâu thuẩn là „thần học Thiên-Chúa-chết“ hay là thần học vô thần, tức thần học không có Thiên Chúa.

Dĩ nhiên, trào lưu thần học loại này đã không khởi đầu một cách sai trái như khi nó kết thúc như thế, nhưng nay nó đã bước vào vũng lầy đó. Vị Tuyên úy mà mọi người gọi là Mục Sư kia đã phát biểu như thể để tự biện hộ cho cách cầu nguyện kỳ quặc trên: „Ở đâu có tình yêu và sự an hòa, ở đó có Thiên Chúa ngự trị“. Khi nghe thế tôi đã trả lời: „Thế tại sao ngài lại không nói rõ ràng ra như thế trong lời Kinh của mình?“ Câu trả lời là: „Không! Bởi vì, cũng giống như Đức Giêsu, tôi không đánh giá chút nào việc kinh kệ và các lễ nghi phụng vụ rườm rà.“ Tôi hỏi lại: „Nhưng cũng rất có thể là ngài đang gặp phải khó khăn trong vấn đề đức tin?“

Chắc hẳn rằng con đường dẫn thẳng trực tiếp từ hình thức tránh né hay coi thường tâm tình tôn kính nghiêm chỉnh đối với Thiên Chúa ngay chính trong khi cầu nguyện như thế đi vào sự bế tắc đầy mâu thuẩn sẽ khó tránh khỏi.

Hegel và Nietzsche, hai kẻ mở đường cho triết học vô thần

Trong số những học giả mở đường cho triết học vô thần đương nhiên phải kể tới Hegel và Nietzsche: Một người là một thần học gia được đào tạo tại đại học Tübingen, còn người kia là con của một vị Mục Sư Tin Lành. Cả hai đều lớn tiếng khai tử Thiên Chúa. Hai triết gia này coi việc khai tử Thiên Chúa là hậu quả đương nhiên của phong trào tục hóa (sécularisation), vì qua đó Thiên Chúa hoàn toàn mất hết chỗ đứng trong vũ trụ và trong sự tự do của con người; một sự tự do cho phép con người thay thế Thiên Chúa nắm giữ việc điều khiển lịch sử. Những đồ đệ của Các Mác đã công khai cho thấy điều đó đã đi về đâu. Cả các nhà thần học khai tử Thiên Chúa cũng phê bình chủ nghĩa hữu thần (Théisme: Tin vào Thiên Chúa), bởi vì họ cho rằng chủ nghĩa hữu thần phủ nhận trách nhiệm của con người.

Khuynh hướng thần học „Thiên-Chúa-chết“ hay cũng được gọi là „thần học không có Thiên Chúa“, xuất hiện vào năm 1968 của thế kỷ trước. Đó là một trào lưu thần học của thế hệ lúc bấy giờ, và con tàu dẫn đầu là cuốn sách của bà Dorothee Sölle-Steffẹnsky (1929-2003), thần học gia Tin Lành, với tựa đề: „Atheistisch an Gott glauben“ – Tin Thiên Chúa một cách vô thần (1968). Cuốn sách tóm tắt tất cả một chuỗi toàn những kích động từ trước tới nay. Mục đích nhắm tới là việc thay đổi toàn bộ những cách thực hành đức tin hiện hành. Cũng vì thế, nhà thần học Ernst Käsemann, chuyên gia Kinh Thánh Tân Ước và là đồ đệ của Karl Barth (1886-1968, giáo sư thần học người Thụy Sĩ), luôn luôn tuyên bố rằng mục đích thần học của ông là tìm cách tẩy trừ luôn lòng mộ đạo cuối cùng tại vùng Württemberg, thuộc Nam Đức.

Nhưng người ta thắc mắc tự hỏi: Tại sao lại có những hiện tượng kỳ lạ như thế? Câu trả lời của Käsemann: Tất cả mọi tôn giáo đều là sản phẩm do con người chế biến ra, và trước hết lòng mộ đạo là một tội phạm chống lại Thiên Chúa. Những kẻ đạo đức chỉ muốn dùng sự cầu nguyện của mình để điều khiển Thiên Chúa, chỉ muốn biến Thiên Chúa thành dụng cụ cho ý riêng mình. Vì thế, lễ nghi phụng vụ chỉ là trò ảo thuật và cầu nguyện là chuyện chiêm tinh bói toán.

Một sắc thái của khuynh hướng thần học vô thần này đã sản sinh ra bộ môn thần học ở đại học Marburg ở Đông Đức, mà cánh khuynh tả của nó đã kết nạp tư tưởng trên của Käsemann. Do đó, những kiểu trình bày hay phát biểu phụng vụ của nhóm này về Thiên Chúa hoàn toàn có tính cách xa lạ, không còn trung thực nữa và mất hết tính cách nguyên thủy của phụng vụ. Khuynh hướng thần học đó mang tính cách „thần thoại“, vì coi Thiên Chúa như một điều vĩ đại trong các điều vĩ đại trong vũ trụ. Chính Rudolf Bultmann (1884-1976), giáo sư thần học Tin Lành tại đại học Marburg, cũng không xa lạ gì với loại „Kinh Ăn Cơm“ kỳ cục như thế, bởi vì – có lẽ do khinh suất – ông cũng nhấn mạnh việc loại bỏ tính cách huyền thoại về Ngôi Vị Thiên Chúa và trong việc cầu nguyện. Trong khi đó những học trò của ông thuộc cánh tả, như Herbert Braun và Dorothee Sölle, lại có cái nhìn hoàn toàn khác.

Nhưng, nếu người ta muốn tránh loại ngôn ngữ huyền thoại được hệ thống hóa, người ta cũng phải loại bỏ việc huyền thoại hóa Thiên Chúa như một ngôi vị, và thay thế vào đó chẳng hạn bằng „tình yêu“. Nếu vậy, lại đưa tới hậu quả là cho tới ngày nay người thường xuyên phải đối mặt với công thức „Thiên Chúa là tình yêu“. Thực ra, công thức đó được lấy từ Thư I Thánh Gioan, nhưng nếu được trích dẫn một cách riêng rẽ, thì công thức đó sẽ trở thành một suy luận thần học đầy nguy hiểm. Bởi vì, nếu thực sự Thiên Chúa chỉ là „tình yêu“, chứ không gì khác hơn nữa, thì người ta đã hóa giải được bản thể và yếu tính của Người, cũng như quyền năng và những mầu nhiệm của Người. Trong khi đó, yếu tính và bản thể của Thiên Chúa là một điều bất khả tri; bất khả tri như chính Thiên Chúa là Đấng bất khả tri vậy

Quả vậy, nếu Thiên Chúa chỉ là tình yêu, thì không còn là đối tượng, mà người ta có thể xưng là ngôi vị thực hữu. Một vị Thiên Chúa như thế được sản sinh qua những cuộc thân giao giữa con người với nhau, nghĩa là một sản phẩm của tình thân hữu của con người sản sinh ra. Nếu vậy, dung nhan Thiên Chúa bấy giờ - như người ta nói – sẽ có thể nhận ra được như thể dung nhan của một kẻ nào đó đang hiện hữu bên cạnh tôi. Sự giảm thiểu hay thu nhỏ Thiên Chúa toàn năng lại trong các tương giao của cuộc sống và trong chiều kích luân lý như thế, thì ngay từ đầu đã luôn chứa đựng trong mình một khuynh hướng phản phụng vụ và phản tâm tình thờ phượng. Chúng ta hãy nghe một trong những nhà thần học đó phát biểu: „Cuối cùng Đức Giêsu đã thắng dẹp được cái khuynh hướng phàm tục và phản phụng vụ, tư duy và hành động mang tính cách thờ phượng – như việc rửa tay, các giới luật về thức ăn, luật ngày thứ bảy, việc ăn chay và cầu nguyện – và như thế, những chuyện đó hoàn toàn dư thừa trong chương trình rao giảng của Đức Kitô. Người ta sẽ không còn gặp được Thiên Chúa trong ngôi nhà tôn giáo nữa; người ta cũng không cần phải làm cho Thiên Chúa hiện diện một cách đạo đức, vì Người đang hiện diện; chẳng bao lâu nữa, Người sẽ không còn là Vua và Đấng Thống Trị“ (D. Sölle).

Chúng ta thấy rằng sự đề cập đến Đức Giêsu và phần Kinh Thánh Tân Ước ở đây hoàn toàn mang tính cách ý thức hệ và xuyên tạc. Sự sai lầm này đã dẫn tới việc nhận định rằng, Kinh Lạy Cha rất có thể không xuất phát từ Đức Giêsu, bởi vì Đức Giêsu luôn chống lại mọi lễ nghi phụng vụ mang tính cách hình thức. Bởi vậy, ở đây một lần nữa lại cho thấy rằng: Thái độ cương quyết đề cao và bảo vệ chương trình phụng vụ của Đức Bênêđíctô XVI không chịu ảnh hưởng bởi cách thức thực hành ồ ạt tập thể của những người Công Giáo thuộc Tiểu bang Bayern, quê hương của ngài, như một số người nghĩ, nhưng đụng chạm tới vấn đề trọng tâm của nền thần học hiện nay, tức vấn đề phẩm cách của Thiên Chúa. Bởi vì khuynh hướng của trào lưu thần học „Thiên-Chúa-chết“ này đã được bành trướng rộng rãi ra và biến thần học chỉ còn có tính cách đạo đực hiện sinh hay mang tính cách phủ nhận thuần tuý.

Vì thế chúng ta đọc nơi W. Hamilton (1961): „Nếu chúng ta nói Thiên Chúa chết, thì chúng ta không có ý nói cách đơn giản đến cái chết của một thiên thể đã được khách thể hóa một cách sai lầm thành thần tượng. Nhưng chúng ta nói đến cái chết của những khả năng trong chúng ta muốn tìm cách khẳng định những hình ảnh truyền thống về Thiên Chúa mà thôi.“ Và mỗi hậu quả của quan niệm lầm lạc này đều gây nên một mất mát cho đức tin. Nghĩa là sẽ gây nên hoang mang nơi lòng người: „Không còn có Thiên Chúa nữa, thì không có nghĩa nào khác hơn là thực sự không còn có Thiên Chúa nữa.“

Chúng ta có thể giải thích cách vắn tắt bốn hậu quả quan trọng phát sinh từ chủ trương đó:

• Sự qui chiếu sai lầm về khoa thần bí học Kitô giáo.

• Các suy tư và các động thái như thế chỉ là trò múa rối trước vấn nạn hoàn toàn bế tắc của thần luận (Théodicée).

• Phủ nhận sự bất tử của từng cá nhân.

• Nhắm mục đích thiết lập một tân môn phái Phật giáo Âu Châu.

Cũng vì thế, sự phát biểu của Meister Eckhart (1260-1328), một nhà thần bí học Dòng Đa-minh, là ngài rất có thể bỏ việc chiêm ngắm Thiên Chúa Ba Ngôi để đi làm việc bác ái giúp đỡ kẻ khác, đã được khuynh hướng thần học „Thiên-Chúa-chết“ lợi dụng một cách triệt để ngay hầu có thể biện minh cho khuynh hướng thần học của họ.

Nhưng người ta tự hỏi là: Phải chăng Meister Eckhart đã thực sự hiểu Kitô giáo như một cách thức sống không cần tới Thực Thể thần linh tối cao? Nhóm thần học gia này quan niệm thế nào về thần bí học? Câu trả lời là họ phủ nhận hoàn toàn khoa thần bí học. Bởi vì các nhà thần bí học đã ý thức được sự căng thẳng hệ ở chỗ, là những bất đồng trong các phát biểu về điều được nêu lên thì luôn luôn lớn hơn sự tương đồng. Tuy nhiên, các nhà thần bí đã làm chủ được sự căng thẳng giữa những kiểu nói có tính cách biểu tượng „tích cực“ cần thiết về Thiên Chúa và về phẩm tính tuyệt đối của Người – trong hai phương diện: Kinh Thánh cũng như Giáo Hội.

Những hậu quả của khuynh hướng thần học „Thiên-Chúa-chết“

Và để giải tỏa được sự căng thẳng này vì sợ phải đối mặt với sự khách thể hóa, và để thoát ra khỏi được sự căng thẳng đó, người ta đã rơi vào một mâu thuẩn khác: Họ tìm cách loại bỏ ngay sự hiện hữu của Thiên Chúa như của một đối tượng thực hữu. Nhưng thái độ đó là một sự chạy trốn nguy hiểm, đánh mất chính sự cứu rỗi. Thiên Chúa hiện hữu không như các sự vật khác. Thiên Chúa không phải là một cái gì khác. Người luôn luôn ủng hộ và nâng đỡ chúng ta. Cũng vì thế, Thiên Chúa là đối tượng thực hữu của sự cầu nguyện của con người.

Trong tác phẩm „De non aliud“, Đức Hông Y Nikolaus Casanus (hay Nikolaus Von Kues), tên thật là Nikolaus Krebs (1401-1464), một triết gia và chính trị gia thời danh người Đức, đã cho rằng Thiên Chúa không thể là đối tượng của nhận thức con người được, vì Thiên Chúa luôn luôn bất khả tri đối với trí năng con người và vì thế Người là chủ thể, chứ không phải là đối tượng của tri thức con người.

Điều đó muốn khẳng định rằng có Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện hữu và tự hữu. Sự hiện hữu của Thiên Chúa không bị lệ thuộc vào phạm trù thời gian và không gian; nói cách khác, sự hiện hữu của Thiên Chúa không có bắt đầu và không có chấm tận. Nếu vậy, những ai cho rằng „không có Thiên Chúa“, quả thực là những kẻ thiếu trí năng và thiếu hiểu biết lành mạnh bình thường, đúng như lời cảnh Thánh Vịnh 14(13),1: „Kẻ ngu si tự nhủ: ‚Làm chi có Chúa Trời’“. Trong truyền thống Do-thái giáo người ta thường coi kiểu nói „không có“ như thế là ngôn từ Ca-in, kẻ đã giết em mình là A-ben (x. St 4,1-16). Và điều đó cũng đồng nghĩa với sự khẳng định: Nếu đã không có Thiên Chúa, thì cũng không có luật lệ hay án phạt gì cả, và như thế mọi tội lỗi và hành vi gian ác đều được thả lỏng và tùy tiện.

Người Việt Nam ta cũng thường nói: „Không thương thì ngọt như đường cũng đắng“, hay: „Không ưa thì đổ thừa cho xấu“. Và đó là sự thật. Cánh thần học „Thiên-Chúa-chết“ đã chủ quan coi nền thần học Kitô giáo đã trình bày sai lạc và thiếu cân nhắc về lòng nhân hậu của Thiên Chúa, và luôn luôn quên rằng trong lịch sử đã có một thánh Gióp gặp đủ thử thách và một Đức Giêsu gánh đầy khổ đau. Khuynh hướng thần học vô thần này còn lợi dụng cả câu than thở của Đức Giêsu trên thập giá: „Lạy Chúa, lạy Chúa, sao Chúa bỏ rơi con“ (Mt 27,46) làm luận cứ để phủ nhận sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nhưng cái vô lý và buồn cười nằm ngay trong chính luận cứ của cánh thần học vô thần này, vì: Phải chăng Đức Giêsu đã than thở và cầu nguyện trên thập giá như thế với một vị Thiên Chúa không hề hiện hữu sao? Không! Trái lại, chính lời cầu nguyện đó của Đức Giêsu đã chứng minh có Thiên Chúa, Thiên Chúa hiện hữu và Người vẫn lắng nghe tiếng kêu xin của chúng ta.

Vâng, cả trong các trại tập trung rùng rợn, các trại cải tạo man rợ của các chết độ độc tài - (như Đức Quốc Xã của Hít-le, chế độ cộng sản Liên Sô của Stalin, của Mao Trạch Đông ở Trung Cộng hay của Nicolae Ceausescu ở Rumenie, v.v...), - những nơi con người bị đối xử như những con vật hạ đẳng, Thiên Chúa vẫn sống, Thiên Chúa vẫn hiện hữu, chứ Người không chết. Chẳng qua chỉ vì Thiên Chúa không lên tiếng hay chưa lên tiếng mà thôi. Nhưng nếu Thiên Chúa không lên tiếng hay chưa lên tiếng, thì không có nghĩa là Người không hiện hữu! Chính tại những nơi đó, nơi mà một số người nắm quyền hành sinh sát trên đồng loại với những hành động cực kỳ vô nhân đạo, cực kỳ dã man, thì đức tin Kitô giáo vẫn quả quyết cho tôi biết rằng con người luôn luôn chỉ là tạo vật, chứ con người không bao giờ trở thành Thiên Chúa, con người vẫn không thể tranh dành được địa vị của Thiên Chúa, dù họ cứ tự cho mình có toàn quyền sinh sát trên kẻ khác, và dù Thiên Chúa vẫn giữ thái độ thinh lặng trước những hành vi tàn ác của họ! Thiên Chúa thì cô cùng vĩ đại, muôn phần vĩ đại hơn cả những đại tội ác bậc nhất mà con người có thể thực hiện được.

Một trong những hậu quả khờ dại và nguy hiểm của khuynh hướng thần học „Thiên-Chúa-chết“ là việc họ phủ nhận chính cả sự khao khát tự nhiên và sự khả hữu về một cuộc sống kéo dài sang cả bên kia biên giới sự chết. Như thế, vấn đề không chỉ động chạm tới bản thể Thiên Chúa, nhưng động chạm tới bản thể của con người nữa.

Theo cánh thần học vô thần thì người ta không cần tìm kiếm cho mình „một sự an toàn nằm trong cuộc sống bên kia biên giới sự chết.“ Nhưng trong thực tế, người ta tự hỏi: Con người có cần đến sự cứu thoát khỏi cái chết không? Đây là vấn nạn trọng tâm của Kính Thánh Tân Ước. Vì thế, ai phủ nhận sự cứu rỗi, thì cũng chẳng nên tiếp tục bận tâm tới Kitô giáo nữa. Và ai sống như thể hoàn toàn không có Thiên Chúa, thì đối với người ấy kiểu nói đầy tính cách tín ngưỡng: „tử quy“ (chết là được đưa về với Đấng Sinh Thành), chỉ có nghĩa là một sự huỷ diệt sự sống của bản thân, chứ không phải là cảnh „lá rụng về cội“, là trở về cùng Đấng Tạo Thành.

Nếu thế, ở đây người ta lại hiểu sai và sử dụng không đúng khoa thần bí học Kitô giáo, khi coi sự kết hiệp thân thiết giữa Thiên Chúa và con người là một sự biến thành vô ngã theo kiểu Niết-bàn (Nirvana) của Phật giáo. Nếu Gerhard Tersteegen (1697-1769), thi sĩ và Mục Sư Tin Lành người Đức thuộc hệ phái mộ đạo, cầu nguyện: „Lạy Chúa, xin loại trừ tính cách đặc thù tư riêng, xin xoá tan những tính cách tư riêng nơi con. Vì trở nên hư không quả là một giáo lý chí cao“, thì không có nghĩa là sự loại bỏ nhân thân con người (kể cả trong sự chết cũng không). Nhưng nghĩa của sự „hư không“ ở đây được trích dẫn theo ý nghĩa trong Thư Thánh Phaolô gửi Côrinthô: „Những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có, thì Thiên Chúa đã chọn để hủy diệt những gì hiện có...“ (1Cr 1,28). Điều đó muốn nói đến những người chẳng giàu sang, chẳng khôn ngoan thông giỏi và cũng chẳng thuộc tầng lớp quý phái, nhưng chỉ là những người hoàn toàn tay trắng. Những con người cụ thể như thế sống tại Côrinthô. Những con người ấy không biến tan vào trong „Niết-bàn“ của Thiên Chúa, để rồi từ cõi Niết-bàn đó họ sẽ trở thành như mưa, như gió hay như sương tuyết cứ theo tứ thời xuất hiện rồi lại tan đi vào trong vũ trụ, và họ sẽ không bao giờ có thể thoát ra khỏi vỏng „luân hổi“ nghiệt ngã đó nữa.

Một tân lạc giáo Công Giáo đang trên đường hình thành

Đúng vậy, ở Âu Châu nói chung và ở Đức nói riêng, một tân lạc giáo thuần túy Công Giáo đang trên đường hình thành với những tên tuổi quen thuộc như Wiligis Jäger OSB, Gotthold Hasenhüttl và Hubertus Halbfas hay E. Pagels với cuốn sách về „Phúc Âm thánh Tôma“ nặc mùi lạc giáo. Tất cả họ vốn là những Linh Mục giáo sư thần học Công Giáo, nhưng đức tin của họ đã trở nên phôi phai, đã mất dần bản sắc Công Giáo của mình. Nơi các tác phẩm của họ, những tác giả này đã cho thấy rõ ràng khuynh sai lầm của họ hơn nữa, khi họ cho những giáo huấn Đức Giêsu là phù hợp với Phật giáo và ai muốn canh tân Giáo Hội, thì cần đến „Phật giáo hơn nữa“. Trong khi đó, chúng ta đã biết rằng Phật giáo không phải là một tôn giáo theo đúng nghĩa của nó, bởi vì Phật giáo phủ nhận sự hiện hữu của các thần linh cũng như sự hiện hữu của chính Thiên Chúa, nhưng là một khuynh hướng triết học, hay nói đúng là một siêu hình học, nhằm đạt tới sự trống rỗng tuyệt đối như mục đích. Điều đó muốn nói lên rằng sự xác tín của mỗi người phật tử đã rõ: Một khi đã không tin có Thiên Chúa, thì số phận mong đợi của mỗi con người là cuộc sống được nhẹ nhàng tan biến vào trong Niết-bàn, vào trong cõi hư không vô tận. Trong khi đó, theo đức tin Kitô giáo, mỗi cá nhân đều cần phải và có thể được giải thoát, nhưng không phải giải thoát khỏi chính bản ngã của mình để tan biến vào trong cõi „sắc không“, nhưng khỏi tất cả những gì làm cho con người mất an bình và mất tự do.

Nói tóm: Chủ nghĩa vô thần trong thần học chủ trương:

• phủ nhận Thiên Chúa như bản thể hữu ngã;

• thù nghịch với những lễ nghi phụng vụ và các hình thức thờ phượng;

• Phủ nhận phẩm cách của bản thể Thiên Chúa (Cha-Con-Thánh Thần) và cả đến sứ mệnh của nhân phẩm con người.

Và kết quả sau cùng của khuyh hướng đó là hướng về Phật giáo như một tôn giáo của tương lai, mà sự khởi đầu chỉ là một thái độ hay một hành động hết sức tầm thường, vô thưởng vô phạt, như lời kinh „Ăn Cơm“ đã được nói đến ở trên. Một điều đáng buồn phát sinh từ hậu quả đó, là trên con đường đó chúng ta đánh mất đi toàn bộ gia sản Kitô giáo cao quý của mình về phương diện tín ngưỡng, tinh thần, văn hóa, mà chúng ta từng được thừa hưởng từ bao thế kỷ qua.

________________________

Để hiểu thêm vấn đề, người ta có thể đọc:

1. André Gluckmann: «La Troisième Mort de Dieu», Nil Édition, Paris 2000.

2. John A.T. Robinson: «Dieu sans Dieu», 32. Édition 1964, Nouvelles Éditions Latines, Paris.

3. Elisabeth Ott: «Thomas Merton – Grenzgänger zwischen Christentum und Budhismus», Echter Verlag, Würzburg 1977.