LOS ANGELES -- Trong thời gian qua có những bài viết và những nguồn thông tin tố cáo rằng các Giám mục Việt Nam và ngay cả Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, cũng như hàng giáo sĩ Việt Nam hải ngoại đã "hèn nhát" không dám lên tiếng để bênh vực và bảo vệ "quyền tự do tôn giáo", "nhân quyền" và cũng "không bênh vực Cha Lý", v.v... Đây là những tố cáo sai lầm và cố tình làm ngơ trước những sự thật hiển nhiên mà hàng giáo phẩm Việt Nam trong nước và tập thể Công giáo Việt Nam hải ngoại đã từng nhiều lần lên tiếng về những vấn đề nêu trên với nhà nước Cộng Sản Việt Nam. Sau đây chỉ đan cử một vài thí dụ:

  • 1. Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam tại Hoa Kỳ từ ngày thành lập cho đến nay là 12 năm, trong đó Công giáo là thành phần sáng lập chủ chốt, không năm nào mà không lên tiếng đòi hỏi tự do tôn giáo, nhân quyền và tố cáo những vi phạm của nhà nước Cộng sản Việt nam.
  • 2. Ngoài tập thể Công giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ, ở các quốc gia khác có đông người Việt Nam như tại Đức quốc, Úc châu, Na uy, v.v... các Liên Đoàn Công Giáo, các Ban Tuyên Úy Công Giáo và các Cộng Đồng Công Giáo, mỗi khi có dịp đại hội đều lên tiếng đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, nhân quyền cho Việt Nam và lên án chế độ Cộng sản vô thần tại Việt Nam.
  • 3. ĐHY Phạm Minh Mẫn và một số các giám mục Việt Nam khi ra ngoại quốc có dịp tiếp xúc với báo chí và qua các cuộc phỏng vấn, Ngài đã từng lên tiếng nhận định về tình trạng thiếu tự do tôn giáo, về nạn giáo dục bị băng hoại, về những tệ đoan xã hội như tham nhũng, cần sa, nghiệp ngập, ma túy... (những bài phỏng vấn này có thể tìm lại và đọc trên VietCatholic, chỉ cần qúi vị vào mục tìm kiếm, đánh chữ: phạm minh mẫn, hay chữ: nhân quyền, tự do tôn giáo.. có cả trên 100 bài về những vấn đề này)
  • 4. Cụ thể nhất, chúng tôi xin đan cử lá thư trả lời vào năm 2001của Đức ông Barnabê Nguyễn Văn Phương, đặc trách Á châu vụ tại Bộ Truyền Giáo ở Vatican đối với lá thư mà ông ông Đỗ như Điện đã nêu lên các vấn nạn liên quan tới các vấn đề về nhân quyền, tự do tôn giáo, LM Nguyễn văn Lý, và tố cáo sự im lặng của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Những tố cáo trên đã bị Đức ông Phương phản bác lại ngay khi đó.
Sau đây là nguyên văn lá thứ Đức ông Barnabê gửi ông Đỗ như Điện:

Roma, ngày 9 tháng 6 năm 2001

Kính gởi Anh Đỗ Như Điện

Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại

Kính Anh,

Tôi đã nhân được thư đề ngày 7 tháng 6, 2001, đính kèm thư gởi Mons. Celestino Migliore, Trưởng Phái Đoàn Tòa Thánh sắp viếng Việt Nam ngày 10 tháng 6/2001. Trước hết, tôi chân thành chúc mừng anh được anh em tín nhiệm trao phó chức vụ quan trọng, và cầu chúc anh thành công. Về bức thư gởi kèm, tôi có một nhận định sau đây.

Ai cũng đều biết rằng ở Việt Nam chưa có tự do tôn giáo hoàn toàn, còn nhiều giới hạn, nhất là không có tự do trong việc đào tạo và bổ nhiệm các chức sắc trong các tôn giáo. Chính vì vậy mà từ nhiều năm nay, Tòa Thánh đã và đang cố gắng đối thoại với Nhà Nước Việt Nam để có được tự do tôn giáo hoàn toàn, cho mọi tôn giáo và cho mọi người dân. Phải thành thật nhìn nhận rằng đã có kết quả, mặc dù còn khiêm tốn và cần phải nhẫn nại.

Về vấn đề Cha Nguyễn Văn Lý đấu tranh đòi tự do tôn giáo là việc tốt, nhưng về phương thức thì có người không đồng ý (v.d. yêu cầu Hội Đồng Giám Mục không họp chung nữa, các Giám Mục đừng đi tham dự các hội nghị qưốc tế, kể cả Hội Nghị của Tòa Thánh... ). Dù vậy, các Giám Mục đã không lên tiếng cấm Cha Lý đấu tranh. Đức TGM Nguyễn Như Thể, Đấng Bản Quyền của Cha Lý, bị áp lực của Nhà Nước để ra lệnh cho Cha Lý im tiếng, Ngài đã không làm. Hai sự kiện này minh nhiên cho người ta hiểu rằng các Giám Mục Việt Nam tán thành việc đòi quyền tự do tôn giáo.

Nhiều người Việt Nam đang sống ở thế giới tự do, tự do ngôn luận, tự do chỉ trích, không sợ ai làm khó dễ mình. Họ lên tiếng hô hào, kích thích người trong nước phải can đảm, phải anh hùng, phải đổ máu để bảo vệ tự do. Tôi cho rằng không ai có quyền đòi người khác phải anh hùng đổ máu, trong khi chính mình đứng ngoài bình an vô sự. Và tôi cũng không chắc những người này dám nói, dám làm nếu họ ở Việt Nam.

Điều làm tôi rất ngạc nhiên nữa là nhiều người có thái độ độc đoán, bất bao dung, không chấp nhận người khác có lập trường khác với mình. Các Giám Mục Việt Nam chủ trương đối thoại với Nhà cầm quyền, không biểu tình, không la lối rầm rộ, nhưng dùng lời lẽ thuyết phục, dùng tình thương và Phúc âm, thì những người này chỉ trích, bởi vì họ muốn các Giám Mục phải lên tiếng ủng hộ Cha Lý như họ. Thái độ bất bao dung này không hơn gì chính sách độc tài, bất bao dung của một số chính quyền trên thế giới. Các Giám Mục là những kẻ kế nghiệp các Tông đồ, được Chúa trao trách nhiệm hướng dẫn Dân Chúa, được ơn khôn ngoan của Chúa Thánh Thần, đã chọn lựa con đường đối thoại, thì tôi tin rằng các Ngài làm đúng, và tôi hoàn toàn ủng hộ, nâng đỡ các Ngài. Cần nhìn lại lịch sử từ khi có Cộng sản trên đất nước Việt Nam, các Giám Mục đã làm gì, đã có văn thư nào, đã có tuyên ngôn nào để bảo vệ tự do tôn giáo, rồi mới nên chỉ trích. Những điều Cha Lý đòi đã được các Giám Mục lên tiếng yêu sách từ lâu rồi, nhưng không thấy ai ủng hộ các Giám Mục. Nên đọc bản góp ý ngày 16.1.2001 của các Giám Mục Giáo tỉnh Sàigòn về "Dự án Pháp lệnh về Tôn giáo", để biết các Giám Mục đã cố gắng đóng góp như thế nào cho nền Dân Chủ và Tự Do, Nhân Quyền trên đất nước Việt Nam. Chính sự khôn ngoan lèo lái để Việt Nam không có Giáo hội tự trị như bên Trung hoa, là một sự nghiệp lớn lao của các Giám Mục Việt Nam mà nhiều người không thấy. Chính thực tại Hội Đồng Giám Mục Việt Nam là cơ quan Công Giáo Việt Nam duy nhất được Nhà nước tôn trọng, thì nhiều người Công giáo Việt Nam ở hải ngoại lại đứng ra chỉ trích, làm giảm uy tín Hội Đồng Giám Mục. Vai trò hiện nay của anh rất quan trọng, cần sáng suốt nhận định để giúp Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại hoạt động theo chân lý, công bình và bác ái.

Đôi lời chân thành xin gởi đến anh, kính chúc sức khỏe và nhiều ơn lành của Chúa.

Lm. Nguyên Văn Phương


Ghi chú: Đức Ông Barnabê Nguyễn Văn Phương hiện phục vụ tại Bộ Truyền Giáo, Tòa Thánh Vatican, ngươi đã từng tham dự gần 20 Phái đoàn Tòa Thánh trong các chuyến đi thưong thuyết với nhà cầm quyền Việt Nam từ 1989 đến nay.