“Đây là ngày Chúa đã dựng nên, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan trong ngày đó!” (Tv 117:24)

Cuộc gặp gỡ huynh đệ đã đem chúng tôi, Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI của Rôma và Thượng Phụ Đại Kết Bathôlômêô I, lại với nhau là kỳ công của Thiên Chúa, và trong một nghĩa nào đó là hồng ân của ngài. Chúng tôi tạ ơn Chủ Tể của mọi điều thiện hảo, Đấng đã cho chúng tôi một lần nữa, trong kinh nguyện và trong đối thoại, được bày tỏ niềm vui chúng tôi nhận thấy như anh em với nhau, và canh tân dấn thân của chúng tôi để tiến đến sự hiệp thông hoàn toàn. Dấn thân này phát sinh từ thánh ý Chúa và từ trách nhiệm của chúng tôi như những Mục Tử của Giáo Hội Chúa Kitô.
ĐGH Benedictô và Thưỡng Phụ Bathôlômêô I


Cầu xin cho cuộc gặp gỡ này là một dấu chỉ và một niềm khích lệ đối với chúng tôi để chia sẻ cùng những cảm nhận và thái độ về tình huynh đệ, sự hợp tác và hiệp thông trong bác ái và sự thật. Thánh Thần Chúa sẽ giúp chúng tôi chuẩn bị cho ngày trọng đại tái lập lại sự hiệp thông hoàn toàn, bất cứ khi nào và theo cách thức ra sao tùy theo Ngài muốn. Khi đó chúng tôi sẽ thực sự có thể mừng rỡ hân hoan.

1. Chúng tôi đã nhắc lại với lòng đầy biết ơn những cuộc gặp gỡ của các vị tiền nhiệm đáng kính, những vị được Thiên Chúa chúc phúc, những vị đã cho thế giới thấy nhu cầu cấp thiết cho sự hiệp nhất và đã vẽ ra các con đường chắc chắn để đạt đến điều đó, qua đối thoại, kinh nguyện và cuộc sống hàng ngày của Giáo Hội. Đức Thánh Cha Phaolô Đệ Lục và Đức Thượng Phụ Athenagoras Đệ Nhất đã đến Giêrusalem như những người hành hương, đến chính nơi Đức Giêsu Kitô đã chết và đã sống lại để cứu độ thế gian, và các ngài đã lại gặp nhau tại Phanar này và tại Rôma. Các ngài để lại cho chúng tôi một tuyên ngôn chung vẫn còn giữ nguyên tất cả giá trị của nó; nhấn mạnh trong tuyên ngôn này là đối thoại thực sự trong tình bác ái cần phải được nuôi dưỡng và khích lệ trong tất cả các tương quan giữa cá nhân và giữa các Giáo Hội, và cuộc đối thoại này “phải bắt nguồn từ một lòng trung tín hoàn toàn với cùng một Chúa Giêsu Kitô và trong niềm kính trọng các truyền thống của nhau” (“Sắc chỉ Agapis”, 195). Chúng tôi cũng không quên những cuộc viếng thăm qua lại của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II và Đức Thượng Phụ Dimitrios Đệ Nhất. Chính trong chuyến viếng thăm của Đức Gioan Phaolô II, chuyến viếng thăm đại kết đầu tiên của ngài mà việc hình thành Ủy Ban Hỗn Hợp về đối thoại thần học giữa Giáo Hội Công Giáo Rôma và Giáo Hội Chính Thống đã được loan báo. Điều này đã mang các Giáo Hội của chúng tôi lại với nhau trong mục tiêu đã được tuyên bố là tái lập sự hiệp thông hoàn toàn.

Liên quan đến quan hệ giữa Giáo Hội Rôma và Giáo Hội Constantinople, chúng tôi không thể không nhắc đến cử chỉ tôn giáo long trọng thanh tẩy khỏi ký ức vạ tuyệt thông xa xưa là điều trong nhiều thế kỷ đã có tác dụng tiêu cực trên các Giáo Hội chúng tôi. Chúng ta vẫn chưa kín múc từ cử chỉ này tất cả các hệ quả tích cực có thể tuôn đổ từ đó trong tiến trình hướng đến sự hiệp nhất hoàn toàn, là điều Ủy Ban Hỗn Hợp đã được triệu tập hầu đem lại một đóng góp quan yếu. Chúng tôi hô hào các tín hữu đóng một vai trò tích cực trong tiến trình này thông qua cầu nguyện và các nghĩa cử quan trọng.

2. Khi xảy ra phiên họp khoáng đại của Ủy Ban Hỗn Hợp về đối thoại thần học được tổ chức gần đây tại Belgrade, nhờ lòng hiếu khách quảng đại của Giáo Hội Chính Thống Giáo Serbi, chúng tôi đã bày tỏ niềm vui sâu xa trước việc tái tục cuộc đối thoại thần học. Cuộc đối thoại này đã bị gián đoạn trong nhiều năm vì những khó khăn khác nhau, nhưng giờ đây Ủy Ban đã có thể hoạt động cách mới mẻ trong tình huynh đệ và hợp tác. Trong khi bàn thảo đề tài “Quyền Bính và Thẩm Quyền trong Giáo Hội” ở các cấp địa phương, miền và toàn cầu, Ủy Ban đã dành một thời gian để suy tư những hệ quả giáo hội học và giáo luật liên quan đến bản chất bí tích của Giáo Hội. Điều này sẽ cho phép chúng ta đề cập đến một số vấn nạn chủ yếu vẫn chưa được giải quyết. Chúng tôi cam kết đưa ra sự ủng hộ không ngừng, như đã làm trong quá khứ, cho công việc đã được trao phó cho Ủy Ban và chúng tôi đồng hành với các thành viên của Ủy Ban trong lời cầu nguyện của chúng tôi.

3. Trong tư cách là những Mục Tử, chúng tôi trước hết đã suy tư về sứ vụ loan báo Tin Mừng trong thế giới ngày nay. Sứ vụ “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ” (Mt 28:19) ngày nay có tính thời sự và cần thiết hơn bao giờ, ngay cả trong các quốc gia có truyền thống Kitô Giáo. Hơn thế nữa, chúng ta không thể lơ là trước sự gia tăng của chủ nghĩa thế tục, chủ nghĩa tương đối, và ngay cả chủ nghĩa hư vô, đặc biệt trong thế giới Tây Phương. Tất cả điều này đòi hỏi một sự loan báo Tin Mừng mới mẻ và mạnh mẽ, thích hợp với những nền văn hóa của thời đại chúng ta. Các truyền thống của chúng ta đem lại cho chúng ta một gia sản cần được liên tục chia sẻ, đề nghị, và diễn dịch mới mẻ. Vì thế chúng ta cần tăng cường sự hợp tác và chứng tá chung của chúng ta trước thế giới.

4. Chúng tôi đã xem xét cách tích cực tiến trình dẫn đến sự hình thành Liên Hiệp Âu Châu. Những ai dự phần trong đề án vĩ đại này không thể không tính đến tất cả các khía cạnh đang ảnh hưởng đến những quyền bất khả nhượng của con người, đặc biệt là quyền tự do tôn giáo, là chứng tá và là bảo chứng cho sự tôn trọng các quyền tự do khác. Trong mỗi bước đi hướng đến sự hiệp nhất, những nhóm thiểu số cần được bảo vệ, với truyền thống văn hóa và những đặc thù tôn giáo của họ. Tại Âu Châu, trong khi cởi mở với mọi tôn giáo và các đóng góp văn hóa của các tôn giáo này, chúng ta phải hiệp nhất trong nỗ lực bảo tồn những căn cội, truyền thống và các giá trị Kitô Giáo, để bảo đảm sự tôn trọng lịch sử, và như vậy là đóng góp cho văn hóa Âu Châu tương lai và cho phẩm chất các mối quan hệ giữa con người với nhau ở mọi cấp. Trong bối cảnh này làm sao chúng ta lại có thể không nêu lên chính những chứng tá cổ kính và gia sản Kitô Giáo huy hoàng của miền đất nơi đang diễn ra cuộc gặp gỡ này, bắt đầu với điều Sách Công Vụ Tông Đồ nói với chúng ta về hình ảnh Thánh Phaolô, vị Tông Đồ Dân Ngoại? Trong miền đất này, sứ điệp Tin Mừng và truyền thống văn hóa cổ gặp gỡ nhau. Liên kết này, điều đã đóng góp rất nhiều cho gia sản Kitô Giáo mà chúng ta chia sẻ, vẫn còn tính thời sự và sẽ mang lại thêm nhiều hoa trái trong tương lai cho công cuộc truyền bá Tin Mừng và cho sự hiệp nhất của chúng ta.

5. Quan tâm của chúng tôi hướng đến những phần của thế giới ngày nay nơi các tín hữu Kitô sinh sống và những khó khăn họ đang gặp phải, đặc biệt là nạn nghèo đói, chiến tranh và chủ nghĩa khủng bố, cũng như những hình thức bóc lột khác nhau những người nghèo, những di dân, phụ nữ và trẻ em. Chúng ta được mời gọi để hoạt động chung với nhau hầu thăng tiến sự tôn trọng các quyền của mỗi con người, được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa, và để nuôi dưỡng sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa. Những truyền thống thần học và luân lý của chúng ta có thể đem lại một cơ sở chắc chắn cho một giải pháp chung trong rao giảng và hành động. Trên tất cả mọi sự, chúng tôi muốn khẳng định rằng việc giết hại những người vô tội nhân danh Thiên Chúa là một xúc phạm đến Ngài và xúc phạm đến phẩm giá nhân loại. Chúng ta tất cả phải dấn thân cho sự phục vụ nhân loại được canh tân và cho sự bảo vệ sự sống con người, mỗi một sự sống con người.

Chúng tôi ghi sâu trong lòng chính nghĩa hòa bình tại Trung Đông, nơi Chúa chúng ta đã sống, đã chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại, và là nơi một con số đông đảo anh chị em tín hữu Kitô đã và đang sống trong nhiều thế kỷ qua. Chúng tôi nhiệt thành hy vọng rằng hòa bình sẽ được tái lập trong vùng, sự cùng tồn tại trong niềm tương kính sẽ được tăng cường giữa các dân tộc khác nhau đang sống ở đó, giữa các Giáo Hội và giữa các tôn giáo trong vùng. Về điểm này, chúng tôi khích lệ sự thiết lập quan hệ gần gũi giữa anh chị em tín hữu Kitô, và một cuộc đối thoại liên tôn thực sự và chân thành, trong viễn tượng chống lại mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối xử.

6. Hiện nay, đối diện với những đe dọa lớn lao đối với môi trường thiên nhiên, chúng tôi muốn bày tỏ sự lo lắng của mình trước những hậu quả tiêu cực đối với nhân loại và đối với toàn thể tạo vật có thể xảy ra từ tiến bộ kinh tế và kỹ thuật không biết giới hạn của nó. Như các nhà lãnh đạo tôn giáo, chúng tôi coi một trong những nghĩa vụ của mình là khích lệ và ủng hộ tất cả mọi nỗ lực đưa ra hầu bảo vệ kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa, và để lưu lại cho các thế hệ mai sau một thế giới mà họ có thể sống được.

7. Cuối cùng, ý nghĩ chúng tôi hướng đến tất cả anh chị em, các tín hữu của hai Giáo Hội trên khắp thế giới, các Giám Mục, linh mục, phó tế, những tu sĩ nam nữ, anh chị em giáo dân đang dự phần vào các sứ vụ của giáo hội, và tất cả những ai đã chịu Phép Rửa. Trong Chúa Kitô, chúng tôi cũng chào thăm những tín hữu Kitô khác, trong khi bảo đảm với họ về những lời cầu nguyện của chúng tôi và sự cởi mở trong đối thoại và hợp tác. Dựa theo những lời của vị Tông Đồ Dân Ngoại, chúng tôi chào tất cả anh chị em: "Xin Thiên Chúa là Cha chúng ta và xin Chúa Giê-su Kitô ban cho anh em ân sủng và bình an." (2 Cr 1:2).

Tại Phanar (Condtantinople), Ngày 30 Tháng Mười Một năm 2006

+ Bênêđíctô XVI và Bathôlômêô I