Priya Kathpal, bên phải, và Taylor Williamson, bên trái, làm việc cho một công ty thực hiện hợp đồng cho USAID cầm biển báo ở Washington, DC. (Nguồn: Manuel Balce Ceneta/AP.)


Nirmala Carvalho của tạp chí mạng Crux, ngày 13 tháng 2 năm 2025,tường trình rằng vị Hồng Y đứng đầu cơ quan viện trợ chính của Vatican cho biết "việc thực hiện bất cứ thay đổi mạnh mẽ nào về chính sách, đặc biệt là chính sách ảnh hưởng đến hàng triệu người ở nước ngoài, nên được thực hiện một cách thận trọng và quan tâm đến hồng ân quý giá của Chúa, phẩm giá con người", khi nói về việc Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tạm dừng tài trợ cho USAID.

Thực vậy, vào ngày 27 tháng 1, Văn phòng Quản lý và Ngân sách liên bang đã ban hành một bản ghi nhớ chỉ thị các cơ quan liên bang tạm dừng chi tiêu để xem xét liệu nó có phù hợp với các lệnh hành pháp của Tổng thống Donald Trump hay không. Bản ghi nhớ sau đó đã bị hủy bỏ vào ngày 29 tháng 1, với Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt sau đó minh xác rằng việc đóng băng tài trợ vẫn sẽ tiếp tục.

Việc duyệt xét này đặt hàng nghìn tỷ đô la vào vòng nguy hiểm cho các thực thể như các tổ chức phi lợi nhuận và các quốc gia.

"Mối quan tâm chính của chúng tôi là bảo vệ mọi sự sống, bất kể quốc tịch hay tôn giáo vì chúng tôi tin rằng sự sống của con người là hồng ân thánh thiêng từ Thiên Chúa và phẩm giá của con người phải được bảo vệ mà không có bất cứ ngoại lệ nào", Đức Hồng Y người Nhật Isao Kikuchi, chủ tịch của Caritas Internationalis cho biết.

"Tôi chỉ mong rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ cân nhắc nhiều hơn đến mức độ tác động tiêu cực do quyết định này gây ra đối với hàng triệu người, đặc biệt là những người trong tình trạng dễ bị tổn thương hoặc phải đối diện với các tình huống đe dọa tính mạng", ngài nói với Crux.

Caritas Internationalis đã đưa ra tuyên bố về tình hình hiện tại liên quan đến USAID vào ngày 10 tháng 2, công nhận "quyền của bất cứ chính phủ mới nào trong việc xem xét lại chiến lược viện trợ nước ngoài của họ".

"Việc dừng USAID đột ngột sẽ giết chết hàng triệu người và đẩy hàng trăm triệu người khác vào cảnh nghèo đói vô nhân đạo. Đây là sự xúc phạm vô nhân đạo đối với phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng, sẽ gây ra đau khổ vô cùng. Việc giết chết USAID cũng đặt ra những thách thức to lớn đối với tất cả chúng ta trong cộng đồng nhân đạo hoàn cầu, những người sẽ phải đánh giá lại hoàn toàn xem chúng ta có thể tiếp tục phục vụ ai và như thế nào", Alistair Dutton, Tổng thư ký Caritas Internationalis cho biết.

"Mục tiêu trước mắt của chúng tôi là hợp tác với các đối tác và đồng minh trên hoàn cầu để giảm tác động của lệnh đóng băng và đảm bảo tiếp tục hỗ trợ cho nhiều người dễ bị tổn thương nhất có thể. Mạng sống và phẩm giá của hàng triệu người đang bị đe dọa. Chúng tôi kêu gọi các chính phủ, các cơ quan quốc tế và các bên liên quan lên tiếng và mạnh mẽ thúc giục Chính quyền Hoa Kỳ đảo ngược các biện pháp nguy hiểm này", Dutton nói thêm.

ĐHY Kikuchi nói với Crux rằng USAID chiếm khoảng 40 phần trăm tổng ngân sách viện trợ hoàn cầu tại thời điểm lịch sử này và có lịch sử lâu dài về sự hợp tác thân thiện với các cơ quan của Liên hợp quốc, các tổ chức đa phương, các tổ chức tôn giáo cũng như các chính phủ quốc gia phụ thuộc vào viện trợ song phương, "tất cả đều phải đối diện với những thất bại nghiêm trọng về hoạt động vì kế hoạch dài hạn đã được lập".

“Tất nhiên, khi chúng ta thấy trước tương lai của các nước Nam bán cầu, khi Caritas đang thực hiện chiến dịch hoàn cầu ‘Biến nợ thành hy vọng’ trong Năm Thánh này, sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài nên được giảm thiểu và các nước Nam bán cầu phải có năng lực tự lực để tự quyết định vận mệnh của mình vì lợi ích của chính người dân của họ,” Đức Hồng Y cho biết.

“Tuy nhiên, các mối quan hệ quốc tế hiện tại và những tác động của sự suy thoái môi trường đòi hỏi sự hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau, đặc biệt là hỗ trợ cứu trợ khẩn cấp để bảo vệ mọi sự sống,” ngài nói thêm.

ĐHY Kikuchi cũng đề cập đến bức thư của Đức Giáo Hoàng Phanxicô gửi cho các giám mục Hoa Kỳ trong tuần này, nêu rõ quan điểm của người Công Giáo về các vấn đề nhập cư và viện trợ.

“Như Đức Thánh Cha đã viết trong bức thư gần đây gửi cho các giám mục Hoa Kỳ, ‘Ordo Amoris thực sự phải được thúc đẩy là điều mà chúng ta khám phá ra bằng cách liên tục suy gẫm về dụ ngôn Người Samaritanô nhân hậu,’ nghĩa là, bằng cách suy gẫm về tình yêu xây dựng một tình huynh đệ cởi mở với tất cả mọi người, không có ngoại lệ,” Đức Hồng Y cho biết.