Thánh Phêrô là đấng có tấm lòng chân thành, thật thà. Nơi ông còn tìm thấy lòng khiêm nhường và đức vâng phục. Khi Đức Kitô nói với ông thả lưới nơi nước sâu. Ông chân thành thưa. 'Chúng con vất và suốt đêm không bắt được gì nhưng vâng lời Thầy con thả lưới Lc 5:5'. Câu đáp trên nói rõ tấm lòng chân thành, thật thà và đức tính vâng phục nơi ông.

Trên bờ hồ Gennesaret có rất đông người đi theo nghe Đức Kitô giảng dậy, đông đến độ Ngài mượn thuyền của Phêrô để tránh lộn xộn, chen lấn vì ai cũng mong được đứng gần Ngài. Phêrô đang giặt lưới sau một đêm vất vả không cá, lưới rách. Sau một đêm lao nhọc, tinh thần mệt mỏi, rã rời; đúng lúc ông muốn ngủ nghỉ lại là lúc Đức Kitô hỏi mượn thuyền. Ông có thể từ chối với lí do chính đáng là mệt rồi, cần phải nghỉ tịnh dưỡng. Phêrô chọn cho Đức Kitô mượn thuyền, ngưng công việc giặt lưới ông đang làm dở giang. Ông không nghỉ mệt nhưng, nhịn đói, ngồi nghe Đức Kitô giảng như những người khác. Sau bài giảng Đức Kitô mới bảo ông thả lưới và ông vâng lời. Mẻ cá khổng lồ làm cho ông kinh ngạc bởi ông vất vả suốt đêm không cá, giờ cá ở đâu ra nhiều đến độ đầy lưới. Trong khi bạn ông đang chài lưới gần đó, thuyền họ trống, không có cá. Ông gọi họ đến giúp và họ mau mắn đến và thuyền họ cũng đầy cá. Bạn ông có lẽ không ai khác hơn là hai người bà con, hai anh em con ông Zebêđê.

Phép lạ lưới cá làm cho Phêrô vừa ngưỡng mộ vừa kính phục Đức Kitô. Ông không đứng đáp lại lời Đức Kitô nhưng khiêm nhường quì gối nhận mình là kẻ tội lỗi không đáng đứng gần Đấng Chí Thánh.

'Lậy Thầy, xin tránh xa con vì con là kẻ tội lỗi Lc 5:8'.

Đây không phải là câu nói xã giao bình thường mà là lời nói chân thành, phát xuất từ sâu thẳm của một người có tấm lòng khiêm nhu. Dường như khiêm nhu và vâng phục thường đi chung với nhau. Nơi đâu có tấm lòng khiêm nhu, nơi đó thấy có đức vâng phục. Ngày nay Kitô hữu nào cũng có thể sẵn sàng phủ phục trước mặt Đức Kitô bởi chúng ta học biết nhiều về Ngài. Trường hợp của Phêrô rất khác. Có lẽ lần đầu ông gặp Đức Kitô, lần đầu nghe Ngài giảng. Ông là ngư phủ đầu tiên quì gối trước mặt Đức Kitô. Về tuổi tác có thể ông lớn tuổi hơn Đức Kitô. Nhiều người trong đám đông biết gia đình ông, tiệm cá của Phêrô đó mà. Họ không phải ai xa lạ mà là người ở cùng làng hoặc làng lân cận. Quì gối trước mặt một người lạ, trẻ hơn, giữa đám đông, có người quen thuộc không phải là việc làm dễ dàng. Phêrô bỏ qua tất cả rào cản xã hội, tự nguyện quì gối trước mặt Đức Kitô tự thú mình là kẻ tội lỗi.

Phép lạ mẻ cá vượt khỏi mức hiểu và mức dự đoán của tay nghề chuyên nghiệp. Mẻ cá, vừa đủ đầy cho sức chở của hai thuyền, không hơn, không kém được coi là một tính toán chính xác. Mẻ cá bắt ở thời điểm ít cá, gần giờ trưa là giờ cá nghỉ, không đi săn mồi. Mẻ cá chỉ cần thả lưới ở mạn thuyền một lần và kéo lên ngay, không phải kéo chã lê thê mới có cá. Mẻ cá toàn cá lớn, không có cá rác, cá xấu, cá hạng hai, hạng ba, phải ngồi bãi biển lựa bỏ. Làm sao có thể nói có quá nhiều may mắn trong một mẻ cá khổng lồ như thế. Phêrô tin chắc đây là phép lạ và ông tự nguyện quì gối tự nhận tội không nhận ra Đấng Chí Thánh sớm hơn.

Cuộc đời chài lưới ai cũng có ngày may, ngày rủi. Vì thế có người cho mẻ cá không phải là phép lạ; đúng hơn phải nói là may mắn. Phêrô hành xử hoàn toàn khác với lối lí luận may rủi thông thường. Không phải do kinh nghiệm làm biển cho biết ông may mắn. Niềm tin vào Đức Kitô cho biết ông may mắn. May mắn của ông không phải ở mẻ cá; may mắn là gặp Đức Kitô; may mắn là sẵn lòng, mau mắn, cho Đức Kitô mượn thuyền; may mắn là dám thẳng thắn từ bỏ mọi sự, thuyền, chài, lưới, gia đình tin theo trở thành môn đệ Đức Kitô. May mắn lớn nhất và quan trọng nhất là sớm nhận ra Đức Kitô là Đấng Cứu Thế. Sau này có lần ông tự thú:

'Bỏ Thầy con biết theo ai vì Thầy có Lời ban sự sống' Gn 6:68.

Đức Kitô mời gọi mọi người trở thành môn đệ nhưng không phải ai Ngài cũng chọn làm tông đồ. Có nhiều người tin theo Đức Kitô trước Phêrô nhưng Ngài không chọn họ. Ngài chọn có mười hai vị; hai anh em ông trở thành hai vị tông đồ tiên khởi. Sau đó là hai anh em ông Giacôbê và Gioan.

Chúng ta xin ơn khiêm nhường.

TiengChuong.org