Luke Coppen của tạp chí mạng The Pillar, ngày 1 tháng 8 năm 2024, cho hay: Giám mục Daniel Verstraete, người đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình vào thứ Tư, là thành viên của một trong những nhóm độc quyền nhất thế giới.



Ngài là một trong bốn "nghị phụ công đồng" còn sống sót đã tham gia vào công đồng chung được tổ chức tại Rome từ năm 1962 đến năm 1965.

Những thành viên của nhóm tứ trụ này là ai — nhóm cuối cùng trong số gần 2,450 nghị phụ đã tham gia vào biến cố Công Giáo mang tính quyết định của thế kỷ 20?

Đức Hồng Y Francis Arinze (91)

Đức Hồng Y Arinze của Nigeria chắc chắn là người nổi tiếng nhất trong nhóm. Ở tuổi 91, ngài cũng là vị trẻ nhất.

Ngài sinh năm 1932, cha mẹ theo đạo truyền thống châu Phi và đặt tên ngài là Anizoba. Họ gửi ngài đến một trường của một khu truyền giáo và khi lên chín tuổi, ngài đã được rửa tội, lấy tên là Francis. Ngài được thụ phong linh mục tại Rome vào năm 1958.

Khi Công đồng Vatican II sắp kết thúc vào năm 1965, ngài được bổ nhiệm làm giám mục phó của giáo phận quê hương Onitsha. Ở tuổi 32, ngài là giám mục Công Giáo trẻ nhất thế giới. Ngài đã tham dự phiên họp cuối cùng của Công đồng Vatican II, kết thúc vào ngày 8 tháng 12 năm 1965.

Hai năm sau, ngài kế nhiệm làm Tổng giám mục Onitsha. Năm 1984, ngài được gọi đến Rome để phục vụ tại Văn phòng dành cho những người không phải Ki-tô hữu (ngày nay là Bộ Đối thoại Liên tôn) và sau đó là Tổng trưởng Bộ Phụng tự.

Tổng giám mục Victorinus Youn Kong-hi (99)

Victorinus Youn Kong-hi sinh ra trong một gia đình Công Giáo ở Nampo, thuộc Bắc Triều Tiên ngày nay, vào năm 1924. Ngài được thụ phong linh mục vào năm 1950 và được bổ nhiệm một năm sau đó làm tuyên úy cho một trại tị nạn Chiến tranh Triều Tiên tại thành phố cảng Busan.

Sau khi học tập tại Rome vào cuối những năm 1950, ngài được bổ nhiệm làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Suwon, ở phía tây bắc Hàn Quốc, vào năm 1963. Ngài đã tham dự phiên họp thứ hai của Công đồng Vatican II, được tổ chức vào năm đó, cũng như phiên họp thứ ba và thứ tư vào năm 1964 và 1965.

Năm 1973, ngài được bổ nhiệm làm Tổng giám mục Gwangju, ở phía tây nam Hàn Quốc, giữ chức chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hàn Quốc từ năm 1975 đến năm 1981. Ngài nghỉ hưu vào năm 2000.

Trong một cuốn sách xuất bản năm 2022, ngài cho biết ngài tin rằng Giáo Hội Công Giáo đang phát triển ở Bắc Triều Tiên, bất chấp sự đàn áp không ngừng của chính quyền.

Giám mục José de Jesús Sahagún de la Parra (102)

Giám mục José de Jesús Sahagún de la Parra là nghị phụ công đồng duy nhất còn sống sót đến từ Châu Mỹ.

Ngài sinh ra tại Cotija, một thành phố thuộc tiểu bang Michoacán của Mexico, vào năm 1922. Ngài được thụ phong linh mục tại Giáo phận Zamora vào năm 1946.

Năm 1961, Ngài được bổ nhiệm làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Tula, ở miền trung Mexico. Với tư cách này, Ngài đã tham dự phiên họp đầu tiên, thứ hai và thứ tư của Công đồng Vatican II.

Năm 1985, Ngài được bổ nhiệm làm giám mục đầu tiên của Giáo phận Ciudad Lázaro Cárdenas, ở phía nam tiểu bang Michoacán.

Vị linh mục lớn tuổi nhất trong số các nghị phụ còn sống đã kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của mình vào năm 2022.

Giám mục Daniel Verstraete (100)

Daniel Alphonse Omer Verstraete sinh ra tại Oostrozebeke, Bỉ, vào năm 1924. Ngài gia nhập Dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm và được thụ phong linh mục vào năm 1950.

Ngài rời Bỉ ở tuổi 27, ban đầu phục vụ tại thị trấn Soweto của Nam Phi, sau đó đấu tranh dưới chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid.

Năm 1965, Ngài được bổ nhiệm làm giám đốc của Phủ doãn Tông tòa Tây Transvaal của Nam Phi, mới được thành lập từ Giáo phận Johannesburg. Điều này giúp Ngài có thể tham dự phiên họp cuối cùng của Công đồng Vatican II, được tổ chức vào năm đó.

Năm 1978, phủ doãn tông tòa trở thành Giáo phận Klerksdorp. Verstraete nhớ lại trong một cuộc phỏng vấn rằng động thái này đã khiến những người Thệ Phản địa phương lo ngại. Ngài cho biết Ngài đã kết bạn với một mục sư, người ban đầu bày tỏ nỗi sợ hãi về “mối nguy hiểm của người La Mã”.

“Tôi đã đến nói chuyện với ông ấy và chúng tôi đã trở thành bạn bè”, Ngài nói. “Với tôi, vấn đề không bao giờ là số lượng linh hồn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Với tôi, vấn đề là đưa mọi người đến với Chúa Kitô”.