Hai người âm thầm, lầm lũi, lẫn chung với dân lao động khi quân lính vừa mở cổng thành. Họ ăn vận như một nông dân đi sớm về tối mỗi ngày. Khi quân lính mở cổng, người ta túa ra tứ phía, mỗi người theo phương hướng quen thuộc. Hai người bộ hành im lặng ra khỏi cổng, người nọ trước, người kia sau, cách nhau vài ba chục bước. Suốt cuối tuần qua, họ ước mong vượt thoát khỏi cái khung cảnh của thời hỗn mang. Cái hỗn mang âm u, chưa được tổ chức thành nề nếp của thời khai thiên, lập địa. Đây là hỗn mang có tính chất vật lí. Thời đó, sáng, tối phân minh, chia ra rõ rệt giữa ngày và đêm. Thời hỗn mang của hai ngàn năm trước là cái hỗn mang tâm linh. Xã hội được thành hình rõ nét, có tổ chức, lề luật phân minh, nhưng hỗn mang xảy ra bởi cái cao ngạo của con người đặt vật chất, chức tước quyền thế trên tâm linh. Sự khác biệt chính của hỗn mang tâm linh. Một đàng là canh tân đời sống, hoà giải với Thiên Chúa, do Đức Kitô lãnh đạo. Đối nghịch với Đức Kitô là lãnh tụ Đền Thờ và thủ lãnh trong dân. Họ dựa vào truyền thống, dùng Danh Thiên Chúa với mục đích tìm danh lợi cá nhân, phe nhóm. Số người tin theo Đức Kitô một ngày một đông. Uy tín Ngài tăng vọt, trong khi uy tín họ xuống dốc như xe tụt dốc từ đỉnh đồi xuống chân đồi. Chính vì bị tụt dốc nhanh chóng như thế mà họ sống trong lo sợ; từ đó tiến đến ghen tương, rồi trở nên căm thù. Thời đó nhóm chống đối Đức Kitô dựa vào thế lực nhà bảo hộ Rôma làm chủ cả ngày lẫn đêm. Phe canh tân, hoà giải tin theo Đức Kitô, sống ngom ngóp trong lo sợ. Họ bị phe chống đối rình rập, bắt bớ, tra tấn. Phe chống đối dựa vào thế quyền lấn át công lí. Tất cả những gì đến từ họ đều đúng. Ngay cả cách họ hít thở cũng đúng, nói chi đến lối sống, niềm tin. Đức Kitô cảnh báo họ, nói họ thích được ca tụng nơi công cộng, mặc áo rộng thùng thình, thích ngồi ghế nhất, cỗ nhất trong cộng đoàn và mong được người chào hỏi. Phe thân Roma làm chủ cuộc sống mọi cá nhân. Ai bất tuân, trái lệnh, họ trục xuất khỏi hội đường, dồn vào thế sống cô lập; trở thành ngoài lề xã hội và mọi thứ đều bị hạn chế, ngay cả đi lại, xin ăn nơi công cộng cũng bị cấm đoán. Đây là thời ki hỗn mang do tham lam, quyền bính tạo ra. Người bô hành mong trốn khỏi thành bởi lãnh đạo Đền Thờ săn lùng kẻ tin theo Đức Kitô gắt gao hơn, khắt khe hơn, chặt chẽ hơn kể từ khi có tin từ các bà phụ nữ sau khi viếng mộ trở về loan tin là Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Họ tin lời các bà, đồng thời sợ roi vọt từ lãnh đạo Đền Thờ.

Đức Kitô tự nguyện vác thập giá, chịu tử hình và sống lại vinh quang để tái lập trật tự tâm linh. Ai in theo Ngài trở thành dân mới, dân được Thiên Chúa chọn, được tẩy rửa bằng chính máu 'Con Chiên Thiên Chúa'. Hỗn mang tâm linh chính là từ chối đón nhận ơn tái sinh. Những ai tin theo Đức Kitô được tái sinh trong Đức Kitô, hưởng quyền thừa tự cùng Đức Kitô và qua Đức Kitô trở thành con Thiên Chúa. Điều này chưa sáng tỏ trong cuối tuần của thời kì hỗn mang, nhưng nay thì rõ như ban ngày, không ai có thể chối cãi được nữa.

Sống trong tình trạng hỗn mang, ai cũng khép nép, lo sợ. Trật một chút là thành nạn nhân của phe thân Rôma. Hai người tình cờ gặp nhau, lòng mừng như được tái sinh; trong khi bề ngoài lại tỏ ra xa lạ, chỉ dám nhìn nhau từ đàng xa, mà không dám lên tiếng thổ lộ tâm tình. Từ những cái nháy mắt mà cả hai hiểu nhau phải vượt ra khỏi cái cảnh hỗn mang trong thành.

Cả hai đi bộ trên đường về quê, lòng buồn so, lẳng lặng tiến về phía mặt trời mọc. Con đường đất ngoài thành chạy dọc theo các con đồi; nó nhấp nhô theo mức độ cao thấp của từng đỉnh đổi. Ánh nắng mới nhích đỉnh đầu mà cái nắng gắt mùa hè đã ập đến. Cứ nhìn cỏ hai bên vệ đường đủ biết cái khô hạn. Lá cỏ cháy bạc phơ màu vàng nhạt, biến các con đồi thành những con đồi vàng úa, lá khô, cỏ cháy bạc phếch. Dọc đường, thỉnh thoảng có cơn lốc nhỏ, gió xoáy cát bụi cuộn tròn hình ống loa. Có hình thù như cái vòi voi, phía dưới to hút cát bụi, phía trên nhỏ dần, nhỏ dần. Cát bụi bị nó hút xoay tròn tung cao khỏi mặt đất rồi cuốn theo cơn gió, bay rà rà mặt đường rồi thình lình quẹo sang lề đường biến vào đám cỏ kêu rào rào trước khi biến dạng. Khi đi qua chỗ lốc xoáy, hai người nhận ra xác bướm trắng; con chết tức tưởi, con cánh gẫy, tàn tạ, con đang tịnh dưỡng, mong phục hồi. Hai người nhận biết, khi bị hút vào cơn lốc, cánh bướm nào cố vùng vẫy thoát ra đều chết tức tưởi, cánh bướm nào gấp cánh buông xuôi cuốn theo chiều gió có cơ hội sống sót, cánh bướm nào vùng vẫy ít hơn đều bị gió cắt, bẻ gập cánh. Hình ảnh cánh bướm vệ đường diễn tả rõ nét vết thương lòng mỗi người. Môn đệ Đức Kitô tàn tạ, rã rời như những cánh bướm bị thương tích, cả thể xác lẫn tâm hồn đều tàn tạ. Thoát ra khỏi thành mong phục hồi.

Hai người âm thầm tiến bước cho đến khi khuất bóng bọn lính canh, lúc đó họ mới lên tiếng. Cẩn trọng hơn, một trong hai người nhìn trước, ngó sau, không thấy ai, chỉ còn có hai người, họ tiến bước bên nhau lên tiếng. Dẫu không có ai, họ cũng không dám lớn tiếng, chỉ thủ thỉ với nhau; mỗi người một câu về tin đồn họ mới nghe. Câu chuyện chưa đi đến đâu. Thình lình có người lên tiếng.

Hai chú thủ thỉ, chuyện trò gì xem ra có vẻ bí mật thế.

Nghe tiếng người lạ, cả hai giật bắn người lên. Không ngờ có người nghe lén câu chuyện. Thứ nhất bị nghe lén mà không hề hay biết. Thứ hai, người lạ xem ra có vẻ thiếu tế nhị bởi không được mời tham dự vào câu chuyện mà lại chen vào. Vì lí do đó mà cả hai nghi người này là mật vụ của chính quyền bảo hộ Rôma. Hai người thắc mắc, tự hỏi, mình nói nhỏ thế mà sao người lạ thính tai đến độ nghe được câu chuyện đang bàn luận. Hơn nữa, người lạ đi sau lưng tự bao giờ? Mới xuất hiện đây hay đã theo sau từ lâu, mà cả hai đều không hề hay biết. Nếu người này là nhân viên mật vụ Rôma thì cả hai kể như gặp nạn lớn: nhẹ là bị đòn vọt cảnh cáo; nặng là tù đầy; nguy hiểm hơn cả là bị kết án tử hình. Luật mới chính quyền bảo hộ Roma, sau khi nghe tin Đức Kitô sống lại từ cõi chết, ra lệnh cấm không ai được nhắc đến tên Giêsu Nazareth, nói chi đến rao giảng cuộc Phục Sinh của Đức Giêsu Nazaret (Cv 4,18).

Cả hai nhìn nhau tư lự, không biết phải trả lời sao với người lạ. Chối không xong; nhận vào mắc nạn. Một trong hai người đành trả lời, giọng run run, nói cách lững lờ, hững hờ.

Có gì đâu chúng tôi bàn thảo với nhau về sự việc mới xảy ra trong mấy ngày qua đó mà.

Người lạ lên tiếng.

Việc gì thế?

Thắc mắc này ít nhiều giải toả mối lo, giúp cả hai tự tin hơn. Bởi lẽ nếu người này thực sự không biết sự việc sốt giẻo mới xảy ra trong mấy ngày qua thì anh ta không thể nào là mật vụ nhà nước được. Tuy nhiên, cẩn thận vẫn hơn, họ rất nhẹ nhàng trong việc kết án chính quyền bảo hộ. Ngôn từ nhẹ nhàng, không cục mịch, gay gắt, nặng lời. Họ nói với người lạ. Việc ông Giêsu ấy mà, chúng tôi biết ông là người tốt, chuyên làm việc lành, bác ái, thương người, thế mà

'Các thượng tế và thủ lãnh của chúng ta đã nộp Người để Người bị kết án tử hình, và đã đóng đinh Người vào thập giá' Lc 24,20

Theo câu trên thì ai cũng hiểu là cả thượng tế lẫn thủ lãnh của chúng ta đều mang tội sát nhân khi nộp Đức Giêsu để bị kết án tử hình. Kế đến họ nói về người lạ, cho là ông không hề quan tâm đến những gì đang xảy ra trong xã hội. Họ nói.

Sự việc chúng tôi bàn thảo không có gì là bí mật cả. Toàn thể dân trong vùng đều rõ việc này như ban ngày. Nếu ông bạn không biết thì có lẽ ông bạn là người duy nhất không biết điều mới xảy ra cách đây mới ba hôm (Luca 23:13tt).

Đến đây câu chuyện xoay chiều rõ rệt. Thứ nhất, người lạ bây giờ làm chủ cuộc đàm thoại. Việc làm chủ này kéo dài từ lúc này cho đến chiều tối khi người lạ cầm bánh, dâng lời tạ ơn, bẻ ra trao cho họ, rồi biến mất. Kể từ lúc này câu chuyện không còn phải kín đáo thủ thỉ, to nhỏ mà trở thành bài giảng công khai, giải thích, nhắc nhở. Thứ hai, người lạ trở thành 'Thầy' dậy cho hai người bộ hành; nhắc lại lịch sử cứu độ, bắt đầu từ Môisen cho đến các ngôn sứ. Thứ ba, người lạ cho các ông biết lí do các ông không hiểu sự việc vì các ông yếu lòng tin vào lời các ngôn sứ. Thứ tư, sau khi phân tích, giải thích, lời các ông phán đoán về người lạ ( không biết chuyện gì mới xảy ra) lại trở thành sự thật chính các ông mới là người không biết chuyện gì mới xảy ra.

'Ông là cư dân duy nhất tại Giêrusalem không biết chuyện'.

Câu nói trên không ngờ áp dụng chính xác vào chính các ông. Các ông mới chính là người không biết chuyện. Người lạ mặt nêu thắc mắc với hai ông. Tôi không biết chuyện hay chính các anh không biết chuyện. Các anh chậm trí thế.

'Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ' Luca 24: 25

Người lạ cho biết, vinh quang không có đau khổ là vinh quang giả tạo. Vinh quang thật luôn đến sau đau khổ. Sau đau khổ mới có vinh quang thật.

'Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao? (Luca 24,26).

Các ông lẳng lặng lắng nghe và nhận ra người lạ biết nhiều hơn các ông rất nhiều. Các ông đem lòng kính phục, yêu mến, tin vào người lạ và sẵn lòng đón nhận họ vào trọ chung nhà. Bác ái, mời gọi người lạ vào trọ chung nhà tạo cơ hội cho người lạ cầm bánh dâng lời chúc tụng, chia cho các ông rồi thình lình biến mất. Mắt các ông sáng ra. Các ông nhận ra Đức Kitô Phục Sinh. Ngài đến bất thình lình, ra đi cũng bất thình lình. Cách đây ít phút các ông nói với người lạ đoạn đường này rất nguy hiểm, bất an, trắc trở. Nhiều người trở thành nạn nhân do bọn bất lương gây ra cho những ai đi trong đêm tối. Bây giờ chính các ông ra đi trong đêm tối, trở về đúng nơi các ông vượt thoát hồi sáng sớm. Các ông trở lại con đường bán tín, bán nghi lời các bà phụ nữ. Trở lại nơi các ông không tin để thắp sáng niềm tin. Đến nơi, các ông vui mừng nói với đồng bạn: Đức Kitô đã sống lại thật. Chúng tôi đã gặp Ngài và kể chi tiết cuộc đối thoại và việc bẻ bánh. Bạn các ông vui mừng đón nhận tin vui; sau đó họ nói với các ông. Cả chúng tôi nữa cũng đã gặp Ngài. Ngài đã hiện ra với chúng tôi và ban bình an cho chúng tôi.

Câu chuyện cho biết, điều quan trọng nhất đối với môn đệ Đức Kitô lúc này là nhận biết, cảm nghiệm sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô. Trong khi Đức Kitô Phục Sinh dường như chú trọng đến việc ban bình an và việc bẻ bánh hơn là việc Ngài sống lại từ cõi chết. Nhắc lại việc bẻ bánh, bí tích Thánh Thể, bữa Tiệc Li, là nhắc lại việc đoàn tụ giữa Thầy và tình huynh đệ của môn đệ. Đức Kitô thể hiện việc bẻ bánh nhiều lần khi hiện ra để nhấn mạnh đến điều Ngài dậy các ông.

Anh em hãy làm việc này để nhớ đến Ta (Lc. 22:19).

Hai ngàn năm qua người ta còn tiếp tục tranh biện về sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô. Trong khi chính Đức Kitô lại đặt trọng tâm vào hành động bẻ bánh, phân phát của ăn trường sinh cho muôn dân.

Đối với Đức Kitô, hậu Phục Sinh được tóm gọn qua hành động thần thiêng, hành động bẻ bánh. Chúng ta xin ơn tôn kính Bí Tích Thánh Thể.

TiengChuong.org