Mục tử tốt lành hay người chăn thuê
SUY NIỆM CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH – NĂM B
(Ga 10, 11-18)

Mục tử tốt lành

Chúa Giêsu đã tự nhận mình là mục tử tốt lành với đoàn chiên (x. Ga 10,11) để nói về tương quan của Người với nhân loại, cách riêng đối với Hội Thánh là từng người Kitô hữu chúng ta. Chúa Giêsu khẳng định Người là mục tử tốt lành biết từng người, luôn chăm sóc và tâm sự với từng con chiên một là mỗi người để giúp chúng ta không nghe theo tiếng của ma quỷ, thế gian và của những thế lực không thuộc về Thiên Chúa. Người mục tử đi trước đoàn chiên, nói lên tâm tình của Chúa Giêsu là đi trước nhân loại, bảo vệ nhận loại, không để cho nhân loại bị rơi vào tay của ma quỷ.

Kẻ làm thuê

Nếu vị “Mục tử tốt lành thí mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11), thì đương nhiên khác với những kẻ chăn thuê và giữ mướn, những kẻ trộm cướp và lợi dụng. “Kẻ làm thuê không phải là chủ chiên, và các chiên không phải là của người ấy, nên khi thấy sói đến, nó bỏ chiên mà trốn. Sói sẽ bắt chiên và làm chúng tản mát. Kẻ chăn thuê chạy trốn, vì là đứa chăn thuê, và chẳng tha thiết gì đến đàn chiên” (Ga 10,11).

Một cách phân biệt mục tử với kẻ chăn thuê có lẽ rất thời sự chúng ta tìm thấy trong lời chú giải của Thánh Grêgôriô Cả Giáo Hoàng: “Khi thinh lặng, người lãnh đạo phải khôn ngoan; khi nói năng phải liệu sao cho hữu ích, để khỏi nói ra điều cần giữ kín, hay không làm thinh khi cần lên tiếng. Một lời nói thiếu thận trọng lôi kéo người ta vào con đường lầm lạc; cũng vậy sự thinh lặng thiếu khôn ngoan khiến người ta tiếp tục sống trong lầm lạc đang khi lẽ ra họ có thể được soi sáng. Thật thế, nhiều khi các vị lãnh đạo không biết lo xa, sợ không được lòng người đời nên ngại không dám thẳng thắn nói ra sự thật. Họ không nhiệt thành chăm sóc đoàn chiên theo lời Đấng là sự thật, cho đúng với nhiệm vụ mục tử, mà chỉ chăn dắt như người làm thuê, vì khi ẩn mình làm thinh thì chẳng khác gì họ xa chạy cao bay khi chó sói đến… Quả vậy, đối với người mục tử, làm thinh không dám nói sự thật vì sợ hãi lại chẳng phải là quay lưng chạy trốn hay sao?” (x.Trích sách Quy Luật Mục Vụ của thánh Grêgôriô Cả GH – Bài đọc 2 Kinh Sách Chúa Nhật XXVII TN).

Lời nói tiếp theo của Chúa Giêsu khiến chúng ta suy nghĩ : “Ta là mục tử tốt lành, Ta biết các chiên Ta, và các chiên Ta biết Ta. Cũng như Cha biết Ta và Ta biết Cha, và Ta thí mạng sống vì đàn chiên” (Ga 10,14).

Mục tử nhân lành học nhiều hơn chơi, kẻ chăn thuê chơi nhiều hơn tự học. Để có thể “biết chiên” và “chiên biết” (Ga 10,14), người mục tử nhân lành phải không ngừng học khám phá đàn chiên của mình.

Trong khi kẻ chăn thuê có thể sẽ đổ lỗi, quy trách nhiệm, than phiền… và bỏ cuộc, còn mục tử nhân lành nhận trách nhiệm khi thất bại. Mục tử nhân lành là người có kiến thức phổ quát, biết cần phải giải quyết điều gì trước, điều gì sau. Trái lại, kẻ chăn thuê thường trầm trọng hóa vấn đề, thiếu bao quát. Vì làm thuê kiếm tiền, nên kẻ chăn thuê sẽ bỏ đàn chiên khi nơi đó không thể kiếm được nữa, hoặc họ sẽ “mọc rễ” thật chắc tại những nơi ‘béo bở”. Mục tử nhân lành thì khác, vì lo lắng cho sự “phồn vinh và giàu có” của đàn chiên, của cộng đoàn, họ khám phá và xây nền trên chính sự thực của cộng đoàn họ.

Không ai trong chúng ta muốn làm kẻ chăn thuê hay kẻ trộm cướp, thực thi sứ vụ như một dịch vụ nhằm chỉ tìm lợi ích cho bản thân, còn ai sống ai chết mặc ai. Những lời sau đây của ngôn sứ Giêrêmia và Edêkiel chất vấn và cảnh tỉnh chúng ta: “Khốn thay những mục tử làm cho đàn chiên Ta thất lạc và tan tác… các ngươi đã xua đuổi và chẳng lưu tâm đến chúng” (Gr 23,1-2); “Khốn cho các mục tử chỉ biết lo cho mình!… Sữa chiên thì các ngươi uống, len của chúng thì các ngươi mặc, con nào béo tốt thì các ngươi giết, và chẳng thèm lo chăn dắt đàn chiên. Chiên đau yếu các ngươi không làm cho mạnh; chiên bệnh tật các ngươi không chữa cho lành; chiên bị thương các ngươi không băng bó; chiên bị lạc các ngươi không đưa về; chiên bị mất các ngươi không chịu đi tìm. Các ngươi thống trị chúng một cách tàn bạo và hà khắc. Chiên của Ta tán loạn vì thiếu mục tử và biến thành mồi cho mọi dã thú, khiến chúng bị tán loạn. Chiên của Ta tản mác trên các ngọn núi, trên mọi đỉnh đồi, trên khắp mặt đất, thế mà chẳng ai chăm sóc, chẳng ai kiếm tìm” (Ed 34,2-6); “Hỡi các mục tử chỉ biết lo cho mình mà không chăn dắt đàn chiên của Ta, đây Ta chống lại các ngươi. Ta sẽ đòi lại chiên của Ta, Ta sẽ không để các ngươi chăn dắt chiên Ta nữa…để chiên của Ta sẽ không còn làm mồi cho chúng nữa” (Ed 34,8b-10).

Ngày cầu cho ơn gọi

Khi công bố Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn Thiên triệu lần thứ 61 với Chủ đề : “Được kêu gọi Gieo Hạt giống Hy vọng và Xây dựng Hòa bình”, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến tình huynh đệ và niềm hy vọng.

Ngài mời gọi chúng ta suy ngẫm về cuộc lữ hành Kitô giáo như một hành trình hiệp hành khởi nguồn từ niềm hy vọng, hướng tới việc khám phá tình yêu của Thiên Chúa. Lời mời gọi phổ quát của Kitô giáo đặt cuộc sống của chúng ta trên tảng đá của sự phục sinh của Chúa Kitô, nhận thức rằng mọi nỗ lực được thực hiện trong ơn gọi mà chúng ta đã ấp ủ và tìm cách thực hiện sẽ không bao giờ vô ích (x. PHANXI CÔ, Sứ điệp cầu cho ơn gọi 2024).

Nói đến ơn gọi sống đời thánh hiến, Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta nghĩ đến những người thánh hiến dâng trọn cuộc sống cho Chúa trong âm thầm của kinh nguyện, cũng như trong hoạt động tông đồ; những người đã đón nhận ơn gọi làm linh mục và tận tụy loan báo Tin mừng, chia sẻ cuộc sống cùng với bánh Thánh Thể cho anh chị em, gieo vãi hy vọng.

Đức Thánh Cha khẳng định: “Mục đích của mỗi ơn gọi là trở thành những người hy vọng. Trong tư cách cá nhân và cộng đoàn, trong các đoàn sủng và thừa tác vụ khác nhau, tất cả chúng ta đều được kêu gọi thể hiện niềm hy vọng của Tin mừng trong thế giới đang bị những thách đố to lớn: hiểm họa thế chiến thứ ba từng mảnh lan rộng, những đám đông di dân tị nạn khỏi quê hương của họ để tìm một tương lai tốt đẹp hơn; số người nghèo liên tục gia tăng, nguy cơ sức khỏe của trái đất bị thương tổn không thể hồi lại được. Tất cả những điều đó, cộng thêm với những khó khăn chúng ta gặp hằng ngày, và nhiều khi làm cho chúng ta lâm vào thái độ cam chịu và chủ bại”.

Trong bối cảnh trên đây, Đức Thánh Cha khẳng định: “điều quan trọng đối với các Kitô hữu chúng ta là vun trồng một cái nhìn đầy hy vọng, để có thể làm việc hiệu quả, đáp ứng ơn gọi được ủy thác cho chúng ta, phục vụ Nước Thiên Chúa, nước tình thương, công lý và hòa bình”.