Đọc thơ tình yêu Lê Đình Bảng
***
Mời bạn đọc bài thơ
CHUYỆN HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ
Francis Assisi Lê Đình Bảng.
Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
…..
Tôi lên phố, đi học xa nhà…
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn…
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
… Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt
Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ
…
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu…
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm?
… Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
***
Đọc xong bài thơ, tôi lặng người đi rất lâu trong thế giới nghệ thuật của Lê Đình Bảng. Một nỗi buồn thương man mác như màu tím hoa xoan bao trùm không gian làm lòng tôi day dứt khôn nguôi. Bỗng dưng tôi đặt mình trong một tư thế trang nghiêm và rất đỗi thành kính để chia sẻ sự mất mát không bù đắp được của nhân vật Tôi; sự mất mát làm cạn khô nước mắt suốt bao nhiêu năm tháng. Cùng với cuộc thương khó “Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu,” nỗi bi thương của nhân vật Tôi tưởng không thể vượt qua được. Nhưng sau phút đắm chìm cảm thương ấy, tâm hồn tôi bừng sáng đến ngỡ ngàng. Thơ chắp cánh cho hồn tôi bay lên. Tôi thốt lên: Bài thơ hay quá!. Tôi lại lặng đi để cảm nhận cái hạnh phúc được đọc một bài thơ hay. Nói thơ hay là nói cái cảm xúc trực giác, cảm xúc này là sự tổng hợp những khám phá nhận thức về bài thơ, kết hợp với sự rung cảm của trái tim khi nhập thân vào thế giới nghệ thuật. Với thơ Lê Đình Bảng, thật khó nói ra “cái hay” mà người đọc tiếp nhận được. Bởi tiếng thơ Lê Đình Bảng không chỉ là tiếng lòng của nhà thơ mà còn khơi gợi được cả một thế giới ký ức trong lòng người đọc, hơn thế, thơ Lê Đình Bảng còn mở ra một vùng trời khác mà có khi người đọc chưa tiếp cận nhưng vẫn cảm được cái đẹp. Vâng, bài thơ đẹp quá.
MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẸP
Bài thơ là lời đối thoại trong tâm tưởng của Tôi với em. Tôi nói chuyện với em, nhớ lại những kỷ niệm yêu thương. Và, em như một nhân vật đang sống, đang ở bên Tôi, chia sẻ những giây phút hai trái tim cùng một nhịp rung cảm, đồng cảm.
Và câu chuyện được kể trong hồi ức về Mùa Chay ở “quê nhà ta”. Nghệ thuật kể chuyện đầy kịch tính với tốc độ nhanh, nhiều tình huống bất ngờ của Lê Đình Bảng góp phần tạo nên cái hay của bài thơ. Đó là nghệ thuật kể chuyện hiện đại. Câu thơ ngắn kết hợp với ngắt nhịp biến hóa, và thay đổi góc trần thuật liên tục: tác giả kể, rồi mẹ kể; quá khứ và hiện tại đồng hiện; thế giới thực tại với thế giới tâm linh lồng vào nhau, vừa tái hiện hiện thực, vừa khắc họa được sự bất tử của nhân vật em, sự vĩnh cửu của tình yêu.
Nghệ thuật kể chuyện ấy kết hợp với cái nhìn đức Tin, tạo nên sự chuyển hóa rất mới lạ. Xưa nay sinh ly tử biệt là nỗi buồn đau bi kịch, nhấn chìm con người trong bóng tối. Nhưng trong chuyện tình này, cái chết bất ngờ đầy đau thương của em “ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ” là một cuộc tử vì đạo, vì em cùng chết với Đức Giêsu. “…mẹ kể…/…Lạy Chúa tôi !”/ Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!”. Em bước thẳng một bước vào cửa thiên đàng để trở thành “thánh nữ trên trời”, và hiển linh ngay trước mắt mọi người. :
Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!...
…
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó…
…Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Đó là sự thăng hoa tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng là của một đức
tin tinh ròng ngay trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Cái Đẹp của chuyện tình mang phẩm chất Mỹ học Kitô giáo, nhưng lại được thể hiện một cách tự nhiên như trong đời thường, như trong tâm linh dân gian (người ta tin rằng, ở những nơi tưởng niệm, khi có con bướm lạ bay vào, đó chính là hồn người chết hiện về).
Từ sự thăng hoa cái chết của em, mọi yếu tố của câu chuyện đều được chuyển hóa và hiện lên với một vẻ đẹp mới lạ. Không gian tâm linh và không gian nghệ thuật giao hòa trong hoan ca. Những cảnh “nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc” trong “thời buổi binh đao”, hình ảnh “một buổi sớm tinh mơ…/ Em gục chết/ ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ”, đêm trước cuộc thương khó, “Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu”… những biến động xã hội lớn lao đau thương ấy trở thành bè trầm hùng vĩ của một bản đại giao hưởng Phục Sinh. Giờ em ở trên cao, là “thánh nữ trên trời”. Có lẽ trong văn chương Việt, không có nhân vật nữ nào tuyệt đẹp như thế. Tiên Dung công chúa, hay Lý Thị Thiên Hương (Linh Sơn Thánh Mẫu-Núi Bà Đen-Tây Ninh) ( https://songdep.com.vn/358-linh-son-thanh-mau-duoc-tho-o-nui-ba-den-la-ai-d2107.html) là những nữ thần tình yêu xinh đẹp linh thiêng lẫm liệt, thì nhân vật Em cũng có những phẩm chất ấy, hơn nữa nàng đơn sơ, thánh khiết hơn: nàng đi lễ sớm dù trời lạnh buốt, nàng quỳ cầu nguyện nghiêm trang, nàng dâng hạt, lời kinh như mật:
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở…
…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Từ sự Phục Sinh của Em, những kỷ niệm trong thời gian trước và sau cái chết của em, cũng phục sinh. Nói cách khác, tình yêu đã vượt qua tử sinh. Những kỷ niệm ấy vẫn đang sống động như trong hiện thực (lưu ý Lê Đình Bảng dùng chữ “chiều nay” ở thì hiện tại). Em đi lễ sớm trong giá rét…Tôi ngắt vội chùm hoa.
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Và:
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi…
Và tôi suy nghĩ nhiều về em để nhận ra Tôi. Em là “hoa thơm Chúa hái đầu ngày”; Em là trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ (Mt 25, 1-13) “Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước”để đón tân lang (đón Chúa). Cả hai tứ thơ đều ca ngợi em, đều diễn tả cái chết của em đẹp ý Chúa, em về trời trong sự quan phòng của Chúa. Còn tôi:
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Khắp làng thôn rộn ràng xưng tội Mùa Chay, còn tôi thì chưa, vì lòng trí còn lơ đãng “nghe chim hót ngoài vườn, còn lưu luyến tơ vương “những rơi rớt của vàng hương xưa cũ”. Em trang nghiêm thánh thiện bao nhiêu thì tôi nghịch ngợm bấy nhiêu
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng…
Em dâng Hạt, lời kinh ngọt mật, nhưng tôi lại lo ra:
lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Những thổ lộ như thế của Tôi khắc họa một nhân vật Tôi có vai trò đặc biệt trong kiến tạo tác phẩm và làm nên sự hấp dẫn của bài thơ.
Tôi là nhân vật kể chuyện, tự kể chuyện tình của mình. Tôi còn là nhân vật tâm trạng, Tôi độc thoại trong tâm tưởng với em (ở thì hiện tại). Sự kết hợp hai góc trần thuật này của Tôi tạo nên hiệu quả kép. Tức là, vừa tái hiện dòng chảy của hiện thực ngoài kia, vừa mở ra cái dòng chảy tâm trạng của Tôi. Ngoài kia là khung cảnh làng quê rộn ràng mùa kinh hạt, ngoài kia là buổi binh đao dân nheo nhóc tản cư, giáo dân chết đạn ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, ngoài kia là ly tán đôi ngả đôi quê, “đành đoạn sinh ly tử biệt”.
Còn Tôi, tâm trạng cuồn cuộn chảy, ào ạt, những lớp sóng tâm hồn với nhiều suy nghĩ và cảm xúc cứ tràn lên hết lớp này đến lớp khác. Chính những lớp sóng cảm xúc này của Tôi làm nên sự phong phú và chiều sâu nghệ thuật của bài thơ.
Tôi với tâm trạng “ngọt ngào” trên đường quê đầy hoa xoan nở khi đi theo em đến nhà thờ. Tôi hạnh phúc biết bao nhiêu “Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn/ Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi”. Tôi nghịch ngợm và tinh tế. Mùi thơm của áo em sao nồng nàn quyến rũ thế!
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Tôi buồn bã khi phải đi học xa nhà: Người một phương/ chả biết đến bao giờ?
Nghe mẹ kể về cái chết của em, tôi đau đớn bất lực:
Tôi thảng thốt/ được tin em quá muộn
Và Tôi không nguôi thương nhớ, không thôi độc thoại, không thôi sống trong tâm tưởng những kỷ niệm với em, và tôi muốn đi theo em (điệp từ: “Tôi còn nhớ”;“nhớ là nhớ”)
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?...
…Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…”
Rõ ràng sự kết hợp nhân vật tôi kể chuyện với nhân vật tôi tâm trạng đã tạo nên sắc thái thẩm mỹ rất riêng cho bài thơ. Bài thơ vừa bao quát được hiện thực rộng lớn ngoài kia, vừa dẫn người đọc thâm nhập rất sâu vào tâm thức của một con người trong nhiều chiều kích: chiều rộng của bối cảnh lịch sử xã hội, chiều cao thẳm của tâm linh (vượt qua tử sinh vươn tới thiên đàng), chiều phức tạp của tâm lý con người trong tình yêu, trong những nghịch cảnh và trong hành trì tư tưởng nhằm giải thích “có nhân có quả” những vấn đề nhân sinh, tư tưởng và tôn giáo (chiến tranh loạn lạc, cái chết bất ngờ đau đớn của người dân, sinh ly tử biệt, mối tương quan giữa người sống và người chết, sự tự ý thức và tự sám hối, niềm tin “ được phước ăn năn/ Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi”…)
Trong vai trò của nhân vật tôi kể chuyện, Tôi còn chêm vào những lời bình ngoại đề một cách tự nhiên như thổ lộ tâm sự (theo cách kể chuyện dân gian), để thổi bùng lên cảm xúc của người đọc.
Đang kể chuyện theo em đi nhà thờ Tôi chen vào “ lên bốc nẻ, hôn chân”, và cảm
nhận mùi hoa soan, mùi áo em nồng nàn gần gũi. Một tình yêu còn e ấp, chực chờ, Tôi tạm ngưng kể mà bình luận (cũng là tâm tình chia sẻ):
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ?
Sau khi kể lại kỷ niệm cùng em “ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…” trong đêm thứ Sáu tuần Thánh, Tôi quay ra suy gẫm:
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Cuối bài thơ là một loạt câu hỏi (cũng là một cách bình luận), để nâng tầm tư tưởng
cho bài thơ, bởi vì việc kể chuyện đã kết thúc. Không gian, thời gian, tâm tưởng mở rộng biên độ ra mãi. Khổ thơ này đòi hỏi người đọc phải có vốn sống, có tri thức văn hóa Việt và sự hiểu biết Kinh Thánh mới cảm hết cái hay của tư tưởng:
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Kết bài thơ là lời Tôi đề nghị với em, tuy ngắn gọn, nhưng tạo ra dư âm vang vọng mãi.
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
Chuyện tình yêu chưa kết thúc. Em sẽ dẫn Tôi và người đọc vào thế giới của ánh sáng, vào Thiên Đàng vĩnh cửu, không còn-mất đau thương, không “bên lở, bên bồi”…
Trở lại vấn đề, nhân vật tôi kể chuyện, Tôi kể câu chuyện của đời thực, tạo ra sự khả tín đối với người đọc. Trái lại, nhân vật tôi tâm trạng, tạo nên chất lãng mạn cho bài thơ. Một bài thơ vừa hiện thực nhưng lại đẫm màu sắc lãng mạn, đó là cái chất riêng của thơ Lê Đình Bảng.
VẺ ĐẸP THI CA MỚI
Khi đặt bài thơ này bên cạnh những bài thơ tình yêu Việt Nam, bạn sẽ nhận ra sự mới mẻ nghệ thuật mà Lê Đình Bảng mang lại cho thơ Việt đương đại. Thơ tình Xuân Diệu đầy nhục cảm. Thơ tình Nguyễn Bính dập dìu lễ hội dân gian, thơ tình Phạm Thiên Thư thấp thoáng ánh vàng cửa Thiền, thơ tình thời chiến tranh sáng rực màu đỏ (Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi Đôi của Vũ Cao; Quê hương của Giang Nam, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn). Nhưng cái màu tím hoa xoan mùa thương khó là một khám phá mới về tứ thơ.
Khi tưởng niệm đức Giêsu chịu chết (thứ Sáu Tuần Thánh), người phụ trách lễ thường hái hoa xoan đem trộn với hạt cốm (thóc rang- mà tác giả gọi là “nẻ”), bỏ vào trong áo quan đựng xác Chúa. Giáo dân lên hôn chân Chúa sẽ cảm nhận mùi thơm hoa soan rất nhẹ và thanh khiết. Hôn xong, người tín hữu đưa tay bốc một ít “nẻ”(cốm có trộn hoa xoan) trong áo quan của Chúa, gọi là xin “lộc” của Chúa. Trẻ con hôn chân Chúa chủ yếu là để bốc nẻ ăn.
Trong bài thơ này, Lê Đình Bảng khám phá màu tím hoa xoan để diễn tả nỗi đau
buồn mùa Chúa chịu nạn, nhưng cũng để diễn tả tình yêu. Lứa đôi đi nhà thờ trên con đường đầy hoa xoan.
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, …
…Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
điệp khúc “hoa xoan… mùa Thương Khó”được tiếp tục nhắc lại ở cuối bài thơ tô đậm tình yêu lứa đôi, tô đậm nỗi buồn thương thánh thiện. Hoa xoan là “hoa xoan… mùa Thương Khó”(tức là mùa lễ thánh, người giáo dân đau buồn trước cái chết của Chúa). Điều tinh tế và kỳ diệu là tình yêu lứa đôi vừa hồn nhiên ngây thơ, vừa hòa trong nỗi đau buồn mùa lễ thánh, và trở thành hy lễ của cả hai người dâng lên Chúa trong ngày Thương Khó. Thế nên tình yêu ấy tuyệt vời thánh thiện và mới lạ trong thi ca Việt. Mở đầu là hoa xoan nở hai bên con đường tình lứa đôi, cuối cuộc tình là “hoa xoan…mùa thương khó”. Đó là sự phát triển tư tưởng. Tình yêu hồn nhiên thánh thiện nở hoa tím đau thương hòa trong Ơn Cứu Độ.
Những tứ thơ mang tư tưởng như thế thật mới lạ trong thơ tình Việt. Với thơ tình Công Giáo, Lê Đình Bảng còn khám phá cái đẹp ngay trong sinh hoạt đạo đức của giáo dân. Góc máy quay của Lê Đình Bảng linh hoạt vô cùng. Mở đầu là font nền có góc rất rộng trong không gian, thời gian: những con đường làng đầy hoa xoan tím, gió thổi lạnh,
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội.
Rồi ống kính zoom lại, tập trung vào lứa đôi:
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Ống kính gần hơn, soi vào chỗ riêng tư :
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Sau cùng ống kính dừng lại ở em:
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn.
Những chi tiết sinh hoạt rất riêng của “nhà đạo” như “bàn tay giấu trong khăn/ Đi lễ sớm”, xưng tội, hôn chân Chúa, quỳ song đôi cầu nguyện, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, nghi thức táng xác, dâng hạt là những điều rất đỗi bình thường của mùa Thương Khó. Không gian nhà thờ chìm ngập trong màu tang (Thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, giáo dân ở nhiều giáo xứ đội khăn tang, để thương tiếc Chúa), chẳng thơ chút nào. Nhưng những chi tiết sinh hoạt ấy bỗng trở thành thơ, rất thơ, rất mới lạ mà trong thơ ca Việt chưa có bao giờ, kể cả trong thơ Hà Mạc Tử, và trong thơ “nhà đạo” hôm nay. Vấn đề là ở chỗ, nhà thơ là người khám phá ra cái đẹp mới mẻ ấy, và biến chúng thành thi liệu đắt giá. Đó là tài năng nghệ sĩ, đó cũng là con đường khai phá mà Lê Đình bảng đóng góp cho thi ca Công giao đương đại.
Và Lê Đình Bảng đã chuyển hóa những sinh hoạt đời thường ấy thành yếu tố văn hóa, thành chất liệu thi ca, đóng góp vào thi ca Việt những phẩm chất mới lạ, thuần Việt, hồn Việt trong trẻo đến lạ lùng. Xin lưu ý rằng, thơ Việt trung đại sử dụng nhiều điển tích Trung Quốc. Thời Pháp thuộc, thơ Việt chịu ảnh hưởng thơ Lãng mạn Pháp.
Một điều rất thú vị làm nên chất tài hoa của thơ Lê Đình Bảng là việc sử dụng ngôn ngữ bình dân bên cạnh những cách diễn đạt rất sang trọng lịch lãm.
Câu thơ này như một câu nói ngày thường: “Ở nhà quê/ thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy”. Hoặc một câu nói như nghe từ cửa miệng các bà mẹ quê: “Người một phương/ chả biết đến bao giờ?”, có cả cách nói triết lý của người nông dân: “Thế mới biết/ ngọn ngành, có nhân, có quả”. Điều này giúp người đọc nhận ra Lê Đình Bảng đã sống rất sâu trong văn hóa dân gian, văn hóa thuần Việt, từ đó chuyển hóa thành thơ. Và trên cái nền nã giản dị, tự nhiên, trong trẻo ấy, bất chợt xuất hiện những tứ thơ như lấp lánh vàng:
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Tứ thơ sau đây có bóng dáng của “chùm hoa năm ngoái”, cũng có cái mê hoặc cõi Thiên Thai: sang trọng, cổ kính nhưng mới lạ
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Chữ “thôi”, chữ “bởi vì” là khẩu ngữ, có thể bỏ đi không ảnh hưởng ngữ nghĩa câu thơ, nhưng chính những từ ngữ ấy lại đem đến cái duyên cho thơ, cái ý nhị trong lời nói, và cái tài hoa của một phong cách thơ.
VỸ THANH
Câu chuyện tình đã kết thúc. Em đã là thánh nữ trên trời, vậy còn điều gì làm cho lòng ta day dứt?
Đó là cái chết của em, một cái chết đột ngột quá, một cái chết thương tâm quá. Người đọc chưa được chuẩn bị tâm thế để đón nhận một tin buồn giữa lúc đang dõi theo tình yêu lứa đôi tưởng là sẽ rất lãng mạn, tưởng là sẽ được Chúa chúc phúc.
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Chuyện kể với tốc độ nhanh như chính sự việc xảy ra trong nháy mắt làm choáng váng. ”Viên đạn ở đâu?/ bay thẳng vào trái tim em “ và tiếng kêu của mẹ “…Lạy Chúa tôi” thảng thốt, rồi ngưng bặt không thốt thành lời. Nếu trước đó nhà thơ miêu tả chiến tranh thì người đọc còn có thể liên tưởng được và nỗi đau không choáng ngợp như thế. Cái chết ấy, ai đã trải qua chiến tranh, để lại bao điều day dứt.
Thôi thì, người chết đã yên phận, trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, em đã là thánh nữ trên trời, nhưng người còn sống, nhân vật Tôi (người kể chuyện, nhân vật tâm trạng) người yêu của em sống thế nào. Thôi thì
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt…
…Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Một ước vọng nhỏ nhoi không thành:
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ
Nên vọng mãi đến thiên thu một câu hỏi không có hồi đáp.
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Một thãng thốt trong mơ như đang ở giữa đời thực
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi…
…Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
Lòng tôi rưng rưng mãi khi đọc những câu thơ gan ruột của một người yêu với người yêu, của một thi nhân tài hoa và đa tình rất mực, của một hồn thơ mênh mang như dòng sông kia chảy mãi tới cõi Thiên đàng. Xin cám ơn người đã để lại cho đời một bông hoa tuyệt vời hương sắc.
Tháng 3/ 2022
***
Mời bạn đọc bài thơ
CHUYỆN HOA XOAN MÙA THƯƠNG KHÓ
Francis Assisi Lê Đình Bảng.
Em còn nhớ
từ Thứ Tư Lễ Tro, ra Tết?
và Giêng, Hai trong cái rét Nàng Bân?
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, muộn mằn
Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn
Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ? Chuyện chung lứa, chẳng chung đôi
Mới chớm quen nhau
đã nhuốm đầy nước mắt!
…..
Tôi lên phố, đi học xa nhà…
Ai bắt trẻ đồng xanh?
để em tôi nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc
Người một phương
chả biết đến bao giờ?
Chuyện thật buồn…
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!
… Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!
Tôi thảng thốt
được tin em quá muộn
Thời buổi binh đao, xa xôi, cách trở đi về
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt
Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Như hồn ma bóng quế, hư huyền
Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Nơi ký ức thiên đường, tôi đánh mất…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ:
kẻ, hoa thơm Chúa hái đầu ngày
Vốc nẻ năm xưa, ai còn giữ trong tay?
không đếm được, Vui, Thương, Mừng, em ạ
…
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Chuyện hoa xoan
mùa Thương Khó đã lâu…
Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu
Đuốc hoa bập bùng, gà khuya gáy sớm?
… Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
***
Đọc xong bài thơ, tôi lặng người đi rất lâu trong thế giới nghệ thuật của Lê Đình Bảng. Một nỗi buồn thương man mác như màu tím hoa xoan bao trùm không gian làm lòng tôi day dứt khôn nguôi. Bỗng dưng tôi đặt mình trong một tư thế trang nghiêm và rất đỗi thành kính để chia sẻ sự mất mát không bù đắp được của nhân vật Tôi; sự mất mát làm cạn khô nước mắt suốt bao nhiêu năm tháng. Cùng với cuộc thương khó “Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu,” nỗi bi thương của nhân vật Tôi tưởng không thể vượt qua được. Nhưng sau phút đắm chìm cảm thương ấy, tâm hồn tôi bừng sáng đến ngỡ ngàng. Thơ chắp cánh cho hồn tôi bay lên. Tôi thốt lên: Bài thơ hay quá!. Tôi lại lặng đi để cảm nhận cái hạnh phúc được đọc một bài thơ hay. Nói thơ hay là nói cái cảm xúc trực giác, cảm xúc này là sự tổng hợp những khám phá nhận thức về bài thơ, kết hợp với sự rung cảm của trái tim khi nhập thân vào thế giới nghệ thuật. Với thơ Lê Đình Bảng, thật khó nói ra “cái hay” mà người đọc tiếp nhận được. Bởi tiếng thơ Lê Đình Bảng không chỉ là tiếng lòng của nhà thơ mà còn khơi gợi được cả một thế giới ký ức trong lòng người đọc, hơn thế, thơ Lê Đình Bảng còn mở ra một vùng trời khác mà có khi người đọc chưa tiếp cận nhưng vẫn cảm được cái đẹp. Vâng, bài thơ đẹp quá.
MỘT CHUYỆN TÌNH ĐẸP
Bài thơ là lời đối thoại trong tâm tưởng của Tôi với em. Tôi nói chuyện với em, nhớ lại những kỷ niệm yêu thương. Và, em như một nhân vật đang sống, đang ở bên Tôi, chia sẻ những giây phút hai trái tim cùng một nhịp rung cảm, đồng cảm.
Và câu chuyện được kể trong hồi ức về Mùa Chay ở “quê nhà ta”. Nghệ thuật kể chuyện đầy kịch tính với tốc độ nhanh, nhiều tình huống bất ngờ của Lê Đình Bảng góp phần tạo nên cái hay của bài thơ. Đó là nghệ thuật kể chuyện hiện đại. Câu thơ ngắn kết hợp với ngắt nhịp biến hóa, và thay đổi góc trần thuật liên tục: tác giả kể, rồi mẹ kể; quá khứ và hiện tại đồng hiện; thế giới thực tại với thế giới tâm linh lồng vào nhau, vừa tái hiện hiện thực, vừa khắc họa được sự bất tử của nhân vật em, sự vĩnh cửu của tình yêu.
Nghệ thuật kể chuyện ấy kết hợp với cái nhìn đức Tin, tạo nên sự chuyển hóa rất mới lạ. Xưa nay sinh ly tử biệt là nỗi buồn đau bi kịch, nhấn chìm con người trong bóng tối. Nhưng trong chuyện tình này, cái chết bất ngờ đầy đau thương của em “ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ” là một cuộc tử vì đạo, vì em cùng chết với Đức Giêsu. “…mẹ kể…/…Lạy Chúa tôi !”/ Em còn kịp kêu tên Giêsu cực trọng vô cùng!”. Em bước thẳng một bước vào cửa thiên đàng để trở thành “thánh nữ trên trời”, và hiển linh ngay trước mắt mọi người. :
Nghe đồn rằng, nơi thềm bậc nhà chung…
Ngay đêm ấy…
Em hiện về… con bướm!...
…
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Con bướm trắng
hoa xoan… mùa Thương Khó…
…Em vẫn là con bướm trắng… rất linh thiêng
Đó là sự thăng hoa tuyệt vời của sáng tạo nghệ thuật, nhưng cũng là của một đức
tin tinh ròng ngay trong những hoàn cảnh đau thương nhất. Cái Đẹp của chuyện tình mang phẩm chất Mỹ học Kitô giáo, nhưng lại được thể hiện một cách tự nhiên như trong đời thường, như trong tâm linh dân gian (người ta tin rằng, ở những nơi tưởng niệm, khi có con bướm lạ bay vào, đó chính là hồn người chết hiện về).
Từ sự thăng hoa cái chết của em, mọi yếu tố của câu chuyện đều được chuyển hóa và hiện lên với một vẻ đẹp mới lạ. Không gian tâm linh và không gian nghệ thuật giao hòa trong hoan ca. Những cảnh “nheo nhóc tản cư, bế bồng chạy giặc” trong “thời buổi binh đao”, hình ảnh “một buổi sớm tinh mơ…/ Em gục chết/ ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ”, đêm trước cuộc thương khó, “Đêm tối ba mươi, Chúa mướt máu trong Vườn Dầu”… những biến động xã hội lớn lao đau thương ấy trở thành bè trầm hùng vĩ của một bản đại giao hưởng Phục Sinh. Giờ em ở trên cao, là “thánh nữ trên trời”. Có lẽ trong văn chương Việt, không có nhân vật nữ nào tuyệt đẹp như thế. Tiên Dung công chúa, hay Lý Thị Thiên Hương (Linh Sơn Thánh Mẫu-Núi Bà Đen-Tây Ninh) ( https://songdep.com.vn/358-linh-son-thanh-mau-duoc-tho-o-nui-ba-den-la-ai-d2107.html) là những nữ thần tình yêu xinh đẹp linh thiêng lẫm liệt, thì nhân vật Em cũng có những phẩm chất ấy, hơn nữa nàng đơn sơ, thánh khiết hơn: nàng đi lễ sớm dù trời lạnh buốt, nàng quỳ cầu nguyện nghiêm trang, nàng dâng hạt, lời kinh như mật:
Nắng ngọt ngào
bàn tay giấu trong khăn
Đi lễ sớm
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở…
…
Nhớ là nhớ, hằng tuần, mỗi Thứ Năm, Chúa Nhật
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Tôi còn nhớ…
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Từ sự Phục Sinh của Em, những kỷ niệm trong thời gian trước và sau cái chết của em, cũng phục sinh. Nói cách khác, tình yêu đã vượt qua tử sinh. Những kỷ niệm ấy vẫn đang sống động như trong hiện thực (lưu ý Lê Đình Bảng dùng chữ “chiều nay” ở thì hiện tại). Em đi lễ sớm trong giá rét…Tôi ngắt vội chùm hoa.
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Và:
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi…
Và tôi suy nghĩ nhiều về em để nhận ra Tôi. Em là “hoa thơm Chúa hái đầu ngày”; Em là trinh nữ khôn ngoan trong dụ ngôn 10 cô trinh nữ (Mt 25, 1-13) “Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước”để đón tân lang (đón Chúa). Cả hai tứ thơ đều ca ngợi em, đều diễn tả cái chết của em đẹp ý Chúa, em về trời trong sự quan phòng của Chúa. Còn tôi:
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Khắp làng thôn rộn ràng xưng tội Mùa Chay, còn tôi thì chưa, vì lòng trí còn lơ đãng “nghe chim hót ngoài vườn, còn lưu luyến tơ vương “những rơi rớt của vàng hương xưa cũ”. Em trang nghiêm thánh thiện bao nhiêu thì tôi nghịch ngợm bấy nhiêu
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng…
Em dâng Hạt, lời kinh ngọt mật, nhưng tôi lại lo ra:
lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Những thổ lộ như thế của Tôi khắc họa một nhân vật Tôi có vai trò đặc biệt trong kiến tạo tác phẩm và làm nên sự hấp dẫn của bài thơ.
Tôi là nhân vật kể chuyện, tự kể chuyện tình của mình. Tôi còn là nhân vật tâm trạng, Tôi độc thoại trong tâm tưởng với em (ở thì hiện tại). Sự kết hợp hai góc trần thuật này của Tôi tạo nên hiệu quả kép. Tức là, vừa tái hiện dòng chảy của hiện thực ngoài kia, vừa mở ra cái dòng chảy tâm trạng của Tôi. Ngoài kia là khung cảnh làng quê rộn ràng mùa kinh hạt, ngoài kia là buổi binh đao dân nheo nhóc tản cư, giáo dân chết đạn ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, ngoài kia là ly tán đôi ngả đôi quê, “đành đoạn sinh ly tử biệt”.
Còn Tôi, tâm trạng cuồn cuộn chảy, ào ạt, những lớp sóng tâm hồn với nhiều suy nghĩ và cảm xúc cứ tràn lên hết lớp này đến lớp khác. Chính những lớp sóng cảm xúc này của Tôi làm nên sự phong phú và chiều sâu nghệ thuật của bài thơ.
Tôi với tâm trạng “ngọt ngào” trên đường quê đầy hoa xoan nở khi đi theo em đến nhà thờ. Tôi hạnh phúc biết bao nhiêu “Như kẻ trộm lành vừa được phước ăn năn/ Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi”. Tôi nghịch ngợm và tinh tế. Mùi thơm của áo em sao nồng nàn quyến rũ thế!
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
Những e ấp, chực chờ, sợ người ta nom thấy?
Tôi buồn bã khi phải đi học xa nhà: Người một phương/ chả biết đến bao giờ?
Nghe mẹ kể về cái chết của em, tôi đau đớn bất lực:
Tôi thảng thốt/ được tin em quá muộn
Và Tôi không nguôi thương nhớ, không thôi độc thoại, không thôi sống trong tâm tưởng những kỷ niệm với em, và tôi muốn đi theo em (điệp từ: “Tôi còn nhớ”;“nhớ là nhớ”)
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?...
…Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…”
Rõ ràng sự kết hợp nhân vật tôi kể chuyện với nhân vật tôi tâm trạng đã tạo nên sắc thái thẩm mỹ rất riêng cho bài thơ. Bài thơ vừa bao quát được hiện thực rộng lớn ngoài kia, vừa dẫn người đọc thâm nhập rất sâu vào tâm thức của một con người trong nhiều chiều kích: chiều rộng của bối cảnh lịch sử xã hội, chiều cao thẳm của tâm linh (vượt qua tử sinh vươn tới thiên đàng), chiều phức tạp của tâm lý con người trong tình yêu, trong những nghịch cảnh và trong hành trì tư tưởng nhằm giải thích “có nhân có quả” những vấn đề nhân sinh, tư tưởng và tôn giáo (chiến tranh loạn lạc, cái chết bất ngờ đau đớn của người dân, sinh ly tử biệt, mối tương quan giữa người sống và người chết, sự tự ý thức và tự sám hối, niềm tin “ được phước ăn năn/ Đến tắm mát ở đầu nguồn Cứu Rỗi”…)
Trong vai trò của nhân vật tôi kể chuyện, Tôi còn chêm vào những lời bình ngoại đề một cách tự nhiên như thổ lộ tâm sự (theo cách kể chuyện dân gian), để thổi bùng lên cảm xúc của người đọc.
Đang kể chuyện theo em đi nhà thờ Tôi chen vào “ lên bốc nẻ, hôn chân”, và cảm
nhận mùi hoa soan, mùi áo em nồng nàn gần gũi. Một tình yêu còn e ấp, chực chờ, Tôi tạm ngưng kể mà bình luận (cũng là tâm tình chia sẻ):
Ở nhà quê
thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy
Trước, chưa nên
sau, cũng vận vào người
Mấy ai ngờ?
Sau khi kể lại kỷ niệm cùng em “ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…” trong đêm thứ Sáu tuần Thánh, Tôi quay ra suy gẫm:
Thế mới biết
ngọn ngành, có nhân, có quả
Cuối bài thơ là một loạt câu hỏi (cũng là một cách bình luận), để nâng tầm tư tưởng
cho bài thơ, bởi vì việc kể chuyện đã kết thúc. Không gian, thời gian, tâm tưởng mở rộng biên độ ra mãi. Khổ thơ này đòi hỏi người đọc phải có vốn sống, có tri thức văn hóa Việt và sự hiểu biết Kinh Thánh mới cảm hết cái hay của tư tưởng:
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Ai gác thuyền, ra dàn đáy, hàng khơi
Ai tiệc rượu, ai dầu thơm, tóc mượt?
Kết bài thơ là lời Tôi đề nghị với em, tuy ngắn gọn, nhưng tạo ra dư âm vang vọng mãi.
Em nhanh chân mang dầu đèn ra trước
Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
Chuyện tình yêu chưa kết thúc. Em sẽ dẫn Tôi và người đọc vào thế giới của ánh sáng, vào Thiên Đàng vĩnh cửu, không còn-mất đau thương, không “bên lở, bên bồi”…
Trở lại vấn đề, nhân vật tôi kể chuyện, Tôi kể câu chuyện của đời thực, tạo ra sự khả tín đối với người đọc. Trái lại, nhân vật tôi tâm trạng, tạo nên chất lãng mạn cho bài thơ. Một bài thơ vừa hiện thực nhưng lại đẫm màu sắc lãng mạn, đó là cái chất riêng của thơ Lê Đình Bảng.
VẺ ĐẸP THI CA MỚI
Khi đặt bài thơ này bên cạnh những bài thơ tình yêu Việt Nam, bạn sẽ nhận ra sự mới mẻ nghệ thuật mà Lê Đình Bảng mang lại cho thơ Việt đương đại. Thơ tình Xuân Diệu đầy nhục cảm. Thơ tình Nguyễn Bính dập dìu lễ hội dân gian, thơ tình Phạm Thiên Thư thấp thoáng ánh vàng cửa Thiền, thơ tình thời chiến tranh sáng rực màu đỏ (Màu tím hoa sim của Hữu Loan, Núi Đôi của Vũ Cao; Quê hương của Giang Nam, Cuộc chia ly màu đỏ của Nguyễn Mỹ, Hương thầm của Phan Thị Thanh Nhàn). Nhưng cái màu tím hoa xoan mùa thương khó là một khám phá mới về tứ thơ.
Khi tưởng niệm đức Giêsu chịu chết (thứ Sáu Tuần Thánh), người phụ trách lễ thường hái hoa xoan đem trộn với hạt cốm (thóc rang- mà tác giả gọi là “nẻ”), bỏ vào trong áo quan đựng xác Chúa. Giáo dân lên hôn chân Chúa sẽ cảm nhận mùi thơm hoa soan rất nhẹ và thanh khiết. Hôn xong, người tín hữu đưa tay bốc một ít “nẻ”(cốm có trộn hoa xoan) trong áo quan của Chúa, gọi là xin “lộc” của Chúa. Trẻ con hôn chân Chúa chủ yếu là để bốc nẻ ăn.
Trong bài thơ này, Lê Đình Bảng khám phá màu tím hoa xoan để diễn tả nỗi đau
buồn mùa Chúa chịu nạn, nhưng cũng để diễn tả tình yêu. Lứa đôi đi nhà thờ trên con đường đầy hoa xoan.
quê nhà ta mới vào mùa Thương Khó…
Gió thổi buốt
dọc hai bên đường, hoa xoan nở
Ôi, loài hoa tim tím ngát, …
…Mùi hoa xoan
hay áo em mới, cứ nồng nàn
điệp khúc “hoa xoan… mùa Thương Khó”được tiếp tục nhắc lại ở cuối bài thơ tô đậm tình yêu lứa đôi, tô đậm nỗi buồn thương thánh thiện. Hoa xoan là “hoa xoan… mùa Thương Khó”(tức là mùa lễ thánh, người giáo dân đau buồn trước cái chết của Chúa). Điều tinh tế và kỳ diệu là tình yêu lứa đôi vừa hồn nhiên ngây thơ, vừa hòa trong nỗi đau buồn mùa lễ thánh, và trở thành hy lễ của cả hai người dâng lên Chúa trong ngày Thương Khó. Thế nên tình yêu ấy tuyệt vời thánh thiện và mới lạ trong thi ca Việt. Mở đầu là hoa xoan nở hai bên con đường tình lứa đôi, cuối cuộc tình là “hoa xoan…mùa thương khó”. Đó là sự phát triển tư tưởng. Tình yêu hồn nhiên thánh thiện nở hoa tím đau thương hòa trong Ơn Cứu Độ.
Những tứ thơ mang tư tưởng như thế thật mới lạ trong thơ tình Việt. Với thơ tình Công Giáo, Lê Đình Bảng còn khám phá cái đẹp ngay trong sinh hoạt đạo đức của giáo dân. Góc máy quay của Lê Đình Bảng linh hoạt vô cùng. Mở đầu là font nền có góc rất rộng trong không gian, thời gian: những con đường làng đầy hoa xoan tím, gió thổi lạnh,
Suốt mấy tuần Chay
khắp làng thôn mình rộn ràng xưng tội.
Rồi ống kính zoom lại, tập trung vào lứa đôi:
Em theo mẹ vừa ngang qua nhà xứ
Tôi chen vô, lên bốc nẻ, hôn chân
Ống kính gần hơn, soi vào chỗ riêng tư :
Quỳ song đôi, hai hàng ghế hai bên
Vẫn chia lòng, chia trí… vẫn ngó nghiêng
Nghe em bảo,
đêm nay, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, táng xác…
Sau cùng ống kính dừng lại ở em:
... lúc em xếp hàng từng đôi, lên dâng hạt
Ôi, lời kinh như mật rót vào hồn.
Những chi tiết sinh hoạt rất riêng của “nhà đạo” như “bàn tay giấu trong khăn/ Đi lễ sớm”, xưng tội, hôn chân Chúa, quỳ song đôi cầu nguyện, ngắm lễ đèn, mở cửa mồ, nghi thức táng xác, dâng hạt là những điều rất đỗi bình thường của mùa Thương Khó. Không gian nhà thờ chìm ngập trong màu tang (Thứ Sáu và thứ Bảy Tuần Thánh, giáo dân ở nhiều giáo xứ đội khăn tang, để thương tiếc Chúa), chẳng thơ chút nào. Nhưng những chi tiết sinh hoạt ấy bỗng trở thành thơ, rất thơ, rất mới lạ mà trong thơ ca Việt chưa có bao giờ, kể cả trong thơ Hà Mạc Tử, và trong thơ “nhà đạo” hôm nay. Vấn đề là ở chỗ, nhà thơ là người khám phá ra cái đẹp mới mẻ ấy, và biến chúng thành thi liệu đắt giá. Đó là tài năng nghệ sĩ, đó cũng là con đường khai phá mà Lê Đình bảng đóng góp cho thi ca Công giao đương đại.
Và Lê Đình Bảng đã chuyển hóa những sinh hoạt đời thường ấy thành yếu tố văn hóa, thành chất liệu thi ca, đóng góp vào thi ca Việt những phẩm chất mới lạ, thuần Việt, hồn Việt trong trẻo đến lạ lùng. Xin lưu ý rằng, thơ Việt trung đại sử dụng nhiều điển tích Trung Quốc. Thời Pháp thuộc, thơ Việt chịu ảnh hưởng thơ Lãng mạn Pháp.
Một điều rất thú vị làm nên chất tài hoa của thơ Lê Đình Bảng là việc sử dụng ngôn ngữ bình dân bên cạnh những cách diễn đạt rất sang trọng lịch lãm.
Câu thơ này như một câu nói ngày thường: “Ở nhà quê/ thường có những cái rất hồn nhiên, tình cờ như vậy”. Hoặc một câu nói như nghe từ cửa miệng các bà mẹ quê: “Người một phương/ chả biết đến bao giờ?”, có cả cách nói triết lý của người nông dân: “Thế mới biết/ ngọn ngành, có nhân, có quả”. Điều này giúp người đọc nhận ra Lê Đình Bảng đã sống rất sâu trong văn hóa dân gian, văn hóa thuần Việt, từ đó chuyển hóa thành thơ. Và trên cái nền nã giản dị, tự nhiên, trong trẻo ấy, bất chợt xuất hiện những tứ thơ như lấp lánh vàng:
Lòng bâng khuâng
nghe chim hót ngoài vườn
Có phải vì còn lưu luyến, tơ vương
Những rơi rớt của vàng hương xưa cũ?
Tứ thơ sau đây có bóng dáng của “chùm hoa năm ngoái”, cũng có cái mê hoặc cõi Thiên Thai: sang trọng, cổ kính nhưng mới lạ
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi
Bởi vì em, giờ đã là thánh nữ trên trời
Chữ “thôi”, chữ “bởi vì” là khẩu ngữ, có thể bỏ đi không ảnh hưởng ngữ nghĩa câu thơ, nhưng chính những từ ngữ ấy lại đem đến cái duyên cho thơ, cái ý nhị trong lời nói, và cái tài hoa của một phong cách thơ.
VỸ THANH
Câu chuyện tình đã kết thúc. Em đã là thánh nữ trên trời, vậy còn điều gì làm cho lòng ta day dứt?
Đó là cái chết của em, một cái chết đột ngột quá, một cái chết thương tâm quá. Người đọc chưa được chuẩn bị tâm thế để đón nhận một tin buồn giữa lúc đang dõi theo tình yêu lứa đôi tưởng là sẽ rất lãng mạn, tưởng là sẽ được Chúa chúc phúc.
vào một buổi sớm tinh mơ…
Em gục chết
ngay khi bước ra khỏi nhà thờ, vừa tan lễ…
“…Viên đạn ở đâu?
bay thẳng vào trái tim em…!” mẹ kể…
“…Lạy Chúa tôi !”
Chuyện kể với tốc độ nhanh như chính sự việc xảy ra trong nháy mắt làm choáng váng. ”Viên đạn ở đâu?/ bay thẳng vào trái tim em “ và tiếng kêu của mẹ “…Lạy Chúa tôi” thảng thốt, rồi ngưng bặt không thốt thành lời. Nếu trước đó nhà thơ miêu tả chiến tranh thì người đọc còn có thể liên tưởng được và nỗi đau không choáng ngợp như thế. Cái chết ấy, ai đã trải qua chiến tranh, để lại bao điều day dứt.
Thôi thì, người chết đã yên phận, trong niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh, em đã là thánh nữ trên trời, nhưng người còn sống, nhân vật Tôi (người kể chuyện, nhân vật tâm trạng) người yêu của em sống thế nào. Thôi thì
Cứ cầm bằng
mình đôi ngả, đôi quê
Đành đoạn qua cầu sinh ly, tử biệt…
…Mà kỷ niệm thì theo ta đến chết
Một ước vọng nhỏ nhoi không thành:
Chỉ ước thầm
mình đừng vội lớn, mau khôn
Cứ thả đỉa ba ba, dung dăng dung dẻ…
Đâu đến nỗi, vội khóc cười lan huệ
Nên vọng mãi đến thiên thu một câu hỏi không có hồi đáp.
Tôi vẫn đợi, vẫn chờ em đầu ngõ
Hỏi sông kia, sao bên lở, bên bồi?
Một thãng thốt trong mơ như đang ở giữa đời thực
Chiều nay, đợi chuyến xe về quá muộn
Ngắt vội chùm hoa
làm quà tặng em thôi…
…Chầm chậm, từng bước thôi
Em ạ, chờ tôi…
Lòng tôi rưng rưng mãi khi đọc những câu thơ gan ruột của một người yêu với người yêu, của một thi nhân tài hoa và đa tình rất mực, của một hồn thơ mênh mang như dòng sông kia chảy mãi tới cõi Thiên đàng. Xin cám ơn người đã để lại cho đời một bông hoa tuyệt vời hương sắc.
Tháng 3/ 2022