Suy Niệm Lễ Nến
Chúa Giêsu là Ánh Sáng
(Lc 1, 21-28)
Cách đây bốn mươi ngày, chúng ta đã hân hoan cử hành lễ Chúa Cứu Thế giáng sinh. Hôm nay chúng ta mừng ngày Chúa Cứu Thế được Thân Mẫu và thánh Giuse dâng vào Đền Thánh, đưa chúng ta đi từ Mầu Nhiệm Nhập Thể đến Mầu Nhiệu Cứu Chuộc của Đấng Cứu Thế. Ngôi Lời, Con Thiên Chúa nhập thể làm người, sinh ra và sống trong xã hội loài người, bị luật lệ loài người chi phối, theo Luật Môisen (x. Xh 13, 11-13); “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa” ( Lc 2, 23 ) đó là lý do Hài Nhi Giêsu được dâng cho Thiên Chúa. Đức Trinh Nữ Maria đã tuân theo nghi lễ thanh tẩy được ghi trong sách Lêvi: “Luật cho phụ nữ sinh trai hay gái” (Lv 12, 6-8). Ông Simêon người công chính và mộ đạo, được Thánh Thần linh báo cho biết, ông sẽ không thấy cái chết trước khi gặp Đức Kitô. Vào lúc cha mẹ Hài Nhi Giêsu đem con tới để chu toàn tập tục Luật đã truyền, được Thần Khí thúc đẩy, hôm đó ông lên Đền Thánh, gặp gỡ Hài Nhi, ẵm Hài Nhi trên tay và chào là “Ánh Sáng muôn dân” (Lc 2, 32).
Trong ngày này, Giáo hội ca vang “Vui lên, hỡi Đức Trinh Nữ Mẹ Chúa Trời, Đấng đầy ân sủng, vì từ lòng Mẹ đã sinh ra Đức Kitô Chúa chúng con là Mặt Trời công chính, Ánh Sáng chiếu soi những ai ngồi trong bóng tối. Vui lên, hỡi cụ Symêon, người công chính, vì chính cụ đã bồng ẵm Đấng giải thoát muôn dân, cho muôn dân tham dự vào sự Phục sinh của Người “(x. Phụng vụ Byzantine).
Tại sao Con Thiên Chúa lại phải dâng cho Thiên Chúa và Đức Maria trinh khiết vẹn tuyền phải chịu thanh tẩy?
Theo thánh Dimitri de Rostov: “Mẹ Thiên Chúa tiến vào Đền Thánh vâng theo Luật Chúa, tay bồng ẵm chính Đấng là Lề Luật. Mẹ là Đấng vô tội, tinh tuyền không tì vết đến xin điều mà Mẹ không cần là thanh tẩy. Mẹ không nhận lãnh sự khoái lạc sung sướng của phu quân, đã sinh con mà không đau đớn, Mẹ được gìn giữ tinh tuyền không tì vết trước khi sinh và sau khi sinh Đấng là nguồn suối trong sạch, há Mẹ lại không tinh sạch sao? Đức Kitô đã sinh ra từ lòng Mẹ! Quả không bị hư hoại bởi cây, cây không bị nhơ bẩn bởi quả: Đức Trinh Nữ Rất Thánh vẫn trinh khiết vẹn tuyền sau khi sinh hạ Đức Kitô, Con lòng Mẹ. Mặt Trời công chính không làm tổn thương sự đồng trinh của Mẹ. Lẽ thường, máu không làm ô uế Cửa thiên đàng theo luật tự nhiên, Thiên Chúa ngập tràn ánh sáng thần linh đã vượt qua Cửa này, gìn giữ sự đồng trinh của Mẹ”.
Thánh Phaolô nói: “Vậy bởi vì con cái có chung máu thịt với nhau, thì phần Ngài, giống y như vậy, các điều ấy Ngài cũng đã thông chia, để giải thoát những kẻ vì sợ chết mà suốt cả bình sinh sa vòng nô lệ” (Dt 2,14-15). Chúa đến với loài người là để cứu rỗi và giải thoát, chứ không phải để kết án luận phạt: “Vì thiết tưởng không phải Thiên Thần được Ngài bao bọc, nhưng Ngài bao bọc dòng giống Abraham… Ngài đã nên giống các anh em Ngài, để trở thành vị Thượng tế lo việc Thiên Chúa, vừa biết xót thương vừa trung tín, cốt để lo tạ tội cho dân” (Dt 2,16-17).
Đức Maria Trinh Nữ Rất Thánh Mẹ Thiên Chúa, cũng như Chúa Giêsu không buộc phải tuân theo nghi thức này, nhưng vì khiêm nhường và cũng để cho nhân loại noi theo mà tuân giữ luật Chúa, nhất là để cứu con người Chúa Giêsu đã làm điều đó, nên lễ này được gọi là Lễ Thanh Tẩy.
Hy Tế Cứu Chuộc
Lễ Dâng Chúa Giêsu vào Đền Thánh, mà chúng ta cử hành ngày 02 tháng 01 có một vị trí đặc biệt: vì lễ này loan báo Hy Tế Cứu Chuộc mang lại ơn cứu độ sau này. Đức Maria và thánh Giuse bồng Chúa Giêsu trên tay, dù là Con Thiên Chúa, Đấng giầu sang phú quí để dâng vào Đền Thánh với của lễ đơn sơ là “cặp bồ câu non”! Đây là lần đầu tiên loan báo về Hy Tế Thánh. Chính Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể làm người mạc khải cho chúng ta, việc dâng hiến này ám chỉ tương quan giữa nhân loại với Thiên Chúa Cha, qua trung gian cần thiết của Đức Trinh Nữ Maria đồng công cứu chuộc. Đây là Hy Tế đền tội hoàn hảo duy nhất cứu chuộc nhân loại. Lễ này là “bản lề” chuyển tiếp giữa hai mầu nhiệm Nhập Thể (Truyền tin) và Cứu Chuộc (Phục Sinh). Chúa Giêsu đến trần gian (Nhập thể), để Cứu chuộc chúng ta.
Sao lại làm phép nến và rước nến hay gọi là Lễ Nến?
Giáo hội Đông phương hiểu Thánh lễ này thể hiện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và dân Người. Được Ðức Maria và thánh Giuse đem vào Ðền Thánh, Chúa Giêsu đã gặp gỡ dân người mà hai cụ già Simêon và Anna là đại diện. Ðây cũng là cuộc gặp gỡ lịch sử của dân Chúa, gặp gỡ giữa các người trẻ là Ðức Marria và thánh Giuse và các người già là Symêon và Anna. Chúa Giêsu là trung tâm, chính Người lôi kéo con người đến Ðền Thánh, nhà Cha Người. Ðây còn là cuộc gặp gỡ giữa sự vâng phục của người trẻ và lời tiên tri của người già. Việc tuân giữ Luật được chính Thần Khí linh hoạt, và lời tiên tri di chuyển trên con đường do Luật vạch ra.
Giáo hội Tây phương lại coi đây là Thánh lễ mừng kính Đức Maria: Thanh tẩy theo luật Do thái. Khi sát nhập vào Phụng vụ Rôma, Đức Giáo Hoàng Sergiô I (678-701) lại thêm vào nghi thức rước nến. Vì thế, từ đây, lễ này được gọi là Lễ Nến. Vì trước Thánh lễ có nghi thức làm phép nến và kiệu nến vào nhà thờ như cuộc đón rước Chúa Giêsu là Ánh Sáng của muôn dân. Những cây nến được làm phép và thắp sáng trong ngày lễ này, tượng trưng cho ánh sáng và vinh quang của Chúa Giêsu. Từ cuộc canh tân Phụng vụ năm 1960, thánh lễ này cũng qui hướng về Chúa Giêsu, hơn là Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu trong Đền thờ.
Lời của cụ già Simêon nói: “Đó là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân” (Lc 2, 32). Quả thật, hôm nay ai trong chúng ta cầm nến sáng trong tay mà không nhớ tới ngày cụ già Simêon bồng ẵm Hài Nhi Giêsu, Ngôi Lời trong xác phàm, là Ánh Sáng. Chính cụ là ngọn lửa cháy sáng, chứng nhân của ánh sáng, khi được đầy ơn Chúa Thánh Thần, cụ đã làm chứng rằng Hài Nhi Giêsu là Tình Yêu và là Ánh Sáng chiếu soi muôn dân.
Vậy hôm nay, chúng ta hãy nhìn cây nến cháy sáng trên tay cụ già Simêon, từ ánh sáng đó hãy thắp sáng cây nến của chúng ta… Như thế, chúng ta không những sẽ cầm ánh sáng trong tay, mà chính chúng ta phản chiếu ánh sáng, ánh sáng trong lòng ta, cho đời ta, và cho mọi người. Amen.