CỤ SÁU TRẦN LỤC NHÀ VĂN ĐẠO LÝ

Tâm trí Lương-Giáo miền Kim Sơn Phát Diệm luôn mang ơn Cha Phêrô Trần Lục về những vần thơ đạo lý dễ nhớ, dễ thuộc. Các cụ xưa ở quê nhà kể lại, chữ nghĩa không thông, nhưng ca vè Cụ Sáu thì làu làu. Cả khi say lúa giã gạo, vớt bèo nuôi lợn, ươm tơ nuôi tằm, đun bếp nấu cơm, cả công việc đồng áng… cũng đem vè Cụ ra ngâm nga, theo từng trường hợp. Thành công của tác giả ở chỗ hợp với tâm lý quần chúng. Người người khen ngợi vui luôn.

THEO THÁNH KINH

Chúa Giêsu người Cha nhân từ từng nêu gương và dạy bảo, đạo yêu thương và bác ái. Chúa quả quyết:
- “Nếu anh em không trở nên trẻ nhỏ thì chẳng được vào Nước Trời” (Mt 18, 3)
- “Những gì anh em muốn người ta làm cho mình, thì anh em cũng làm cho người ta như vậy” (Mt 7. 12)

Đức Mẹ nhận trách nhiệm ‘con dại cái mang’, nên tha thiết nhắn nhủ như mẹ-con khi hiện ra đó đây:
-Đến, Mẹ sẽ nâng đỡ ủi an (La vang. 1798)
-Ăn năn đền tội xám hối (Fatima. 1917)
-Tìm về nguồn suối trong (Lộ Đức. 1853)

Thay mặt Phát Diệm, Cụ Sáu ca tụng và dạy con chiên bổn đạo ngày đêm sáng tối xa gần lần hạt chung, riêng kính Đức Mẹ Mân Côi, quan thày.
- Cảnh giới vừa tiết trung thu
Gương giăng vằng vặc mây mù vén quang
Giăng là Mẹ Chúa Thiên Đàng
Sáng soi mát mẻ dịu dàng thanh thanh
(Mừng sinh Nhật Đức Bà)

- Dạy về cách lần hạt chung
Là điều rất dễ mà công nhiều
Việc tẻo teo mà công to tát
Ơn trên mưa dào dạt hơn mưa…
(Bản dạy cách lần hạt 15 người)

Cụ Sáu còn dạy vãn ‘Dâng Hoa’ vào các tháng Hoa hay tháng Mân Côi, con ‘dâng hoa’ nào không những dẻo tay mà còn thuộc. Theo nhiều cung trong đó cung ‘Salve Mater’
Mừng Bà rất thánh
Phúc đức no đầy chan hòa
Bà là như neo để cho kẻ đi tàu trông nhờ
Lòng bà nhân đức gồm no đầy ơn sa-ga
Thương xem chúng tôi đang phải mọi chước qủi ma
Ô Maria
Trinh khiết nhiệm màu, chúng con dâng cành hoa trắng
Mửng Đức Mẹ nay trắng tốt hơn tuyết cùng gương
Lòng lành hơn các ngôi sao ở trên tầng mây
Nguyên tuyền trong suốt, dương như bảng tinh sáng láng.
Ô Maria

Hay Ave Maria của Schubert
Con hèn cung kính dâng
Lên trước tòa châu báu
Khong khen bao lời ca Nữ Vương
Đồng trinh no đầy ơn phúc cao sâu
Bóng thiêng liêng bày ra trước tòa thiêng liêng
Hằng tưởng nhớ quê thiên đường
Một mai hồn con lìa xa xác hèn
Về nơi ngàn năm tươi thắm êm đềm
Cùng theo lên trên nơi mây cao sáng trưng
Đầy ơn hát khen Đức Nữ Đồng Trinh
Ave Maria

Giáo Hội khôn ngoan khuyên nhủ ‘rào trước đón sau’ căn cứ vào 10 Điều Răn và 6 Lời Hội Thánh khuyên phải giữ : Khi gia nhập Giáo Hội và chẳng may lỡ phạm đã có phép Hòa Giải

CỤ SÁU PHÁC HỌA TRONG THƠ VĂN

Cho dễ nhớ Cụ Sáu đặt thơ hướng dẫn giáo dân “sống ở đời này” để “ngày sau được lên Thiên Đàng hưởng hạnh phúc đời đởi”.
Mùa Chay, rủ nhau xem “Tuồng Thương Khó”, đến nhà thờ “Ngắm Đứng”.

Ở VN, Cha Trần Lục, theo Lm Trần Công Hoán và ông J. Lê Văn Đức thì Cụ Sáu là người đầu tiên dựng tích ra Tuồng Thương Khó (bắt quân dữ). Dựa theo Thánh Kinh.

Ăn năn sám hối suy nghĩ nhình lên “Chúa Giêsu Chịu Đóng Đinh” trên “Câu Rút” (Thánh Gía).
Ngửa trông lên
Đứng cao chót vót
Ở núi Cala
Là giường Chúa ta
Nằm khi chịu chết…

Dịp Sinh Nhật “Viếng Hang Đá” hát mừng Chúa Con giáng thế, sinh ra đời cứu nhân loại lầm than.
Lạy Chúa Cứu Thế
Con một Chúa Cha
Vốn Chúa sinh ra
Trước phân trời đất
Vì lòng thương thật
Muốn cứu người ta…

Sau Phục Sinh khẩn cầu “Chúa Phirito Sancto (Chúa Thánh Thần) Hiện Xuống” sưởi ấm tâm hồn khô khan nguội lạnh bằng 7 hồng ân cao cả từ Trời.
Cúi đầu lạy Chúa Ba Ngôi
Khôn ngoan mầu nhiệm người ta khôn lường
Ngôi Hai xuống thế mở đường
Cho loài người biết rõ rang phân minh
Khi đổi hình, khi chịu phép rửa
Có Ngôi Ba rỡ rỡ trên cao
Bảy ơn Da Vít khen lao
Hát mừng cảm tạ chớ nào không đâu…
Lâu lâu xin lễ lại “Than Mồ” cho ông bà tổ tiên đã đi trước.

Theo gương các Thánh Quan Thầy. Giáo dân Phát Diệm, con gái đặt tên thánh Maria, Anna. Con trai mang thánh Giuse, Gioan Kim. Dễ kính dễ nhớ:

-Cúi đầu lạy Thánh Anna
Phúc Người to tát người ta ai bì
Chúa làm phép lạ uyên vi
Cho người sinh đẻ trong khi đã già
(Mừng Bà Thánh Anna)

-Canh dài gió mát giăng trong
Giấc hòe biếng nhập mà không mơ màng…
Thật là lá ngọc cành vàng
Cao cao chót vót đức càng khiêm cung
(Mừng Ông Thánh Juakinh (Gioan Kim)

Hết bằng văn thơ, lại bằng hình ảnh sống động. Bước vào nhà thờ chính tòa, nhìn lên cung thánh, đập vào mắt là Thánh Tượng Đức Mẹ Mân Côi ở giữa tòa uy nghi và ba hàng mỗi bên là các Thánh Tử Đạo VN. Mục đích các bức điêu khắc này là làm tăng lòng mến của giáo dân.

CỤ SÁU LO GIÚP THỰC HÀNH CÁC VIỆC ĐẠO ĐỨC

Theo Ánh Sáng Phúc Âm nên người Công Giáo qua thi ca bình dân cho Giáo Dân noi theo

Đạo đức gia đình: Con trai con gái khi còn nhỏ cũng khi đã ‘ở riêng’.Con trai thì lo cho sự nghiệp trước, công danh mới tìm sau.
Trai mà muốn cho toàn thân
Mắt trông tay nhắc mặt cân cho rành
Một là tính nó hiền lành
Hai là tính nó tính mìn y chang
Ba là nó có đức tin
Bốn là tính nó tự nhiên thương người
Năm là có tính vui cười
Hòa với mọi người chúng bạn anh em
Sáu là cá tính tự nhiên
Khiêm cung nhuần nhã dưới trên tôn nhường
Bảy là tính nó sẵn sàng
Nghe lời dạy dỗ về đàng nết na… (NAVÂ, c. 381-392)

Con gái luôn chăm sóc, giữ lấy và bảo vệ 4 đức tính quan trọng “công, dung, ngôn, hạnh” cho vẹn toàn
-Cách ăn nết ở về phần nữ nhi
Dậy dậy sớm, thức thức khuya (Công, NTTL. c. 156-157)
-Nữ nhi quần áo nghiêm trang
Ở cho nhiệm nhặt gọn gàng chớ chi (Dung, c. 817-818)

-Nhời nói trọng hơn vàng bạc
Giữ được nhời nói là người khôn ngoan (Ngôn, c. 647-648)
- Nữ nhi nết ở thật rầu
Hơi mà chạm ý giận nhau vùng vằng (Hạnh, c. 193-194)

Cả hai trai gái lúc nào phải coi trọng “Chữ Hiếu”, đạo làm người, đạo làm con, đầu tiên phải giữ tuôn theo cả đời
Hãy lắng tai nghe lờ Chúa hứa
Ai hết lòng thảo hiếu mẹ cha
Sẽ ban phần thưởng này là
Sống lâu dưới thế để mà trả công
Về sau phúc trọng muôn phần
Chúa còn trả lại vô cùng hẹp chi
Mấy lời hiếu tự phải ghi
Chôn lòng mà giữ chớ khi nào rời
(Hiếu Tự Ca. C. 1080-1088)

NHÀ VĂN ĐỒNG QUÊ

Đọc CaVè Cụ Sáu là thấy ngay : Quê hương thanh bình, ruộng đồng tốt tươi, dân làng sung túc ấm no, nhà nhà sống hạnh phúc và ai cũng được giáo dục Kitô giáo. Không nghe nói bỏ nhau, sống thật thà, hiền hòa bên lũy tre xanh. Thật hạnh phúc ấm êm và tươi thắm
Quê hương thanh bình, lo việc nhà việc nhà việc cửa. Ăn uống không cầu kỳ mà ‘ăn chắc mặc bền’ hay ‘thịt chặt miếng to’, ‘rau trồng ngoài vườn’, ‘gà vịt có sẵn trong nhà’, ‘bắt cá dưới ao’. Đâu cần mua kiếm đâu xa.

-Ở nhà say lúa đâm bèo
Tầm tơ thóc gạo tùy chiều mẹ cha (NTTL, c.163-164)
-Trâu bò gà lợn giống gì
Hễ mà tối đến tức thì phải coi (NTTL, c. 169-170)
-Thổi cơm nấu cá nấu canh
Đừng khê, đừng sống đừng tanh các mùi
Gạo thì phải nấu tùy nồi
Nấu canh nấu cá nếm coi cho vừa (NTTL, c. 919-922)
-Muối cà ta cũng phải coi
Không có nữa rồi ủng thối ai ăn
Mắm tương đừng để có mùi
Dưa khú cá ủng thi thôi còn gì? (NTTL, c. 949-950)

Ruộng đồng tốt tươi. Ai cũng chăm lo hết đồng áng đến ruộng vườn. Một năm hai vụ cày bừa đầy kho.
-Ở nhà xay lúa đâm bèo
Tằm tơ thóc gạo tùy chiều mẹ cha (NTTL 163-164)
-Trâu bò gà lợn giống gì
Hễ mà tối đến tức thì phải coi (NTTL 169-170)
-Nhà nghèo bệnh lạ gian nguy
Đã nhung lại quế sâm quy mời hầu (HTC, 137-138)
-Làm sao cho được vuông tròn
Làm cho được rỗi phần hồn với nhau (NAVA 419-420)

Dân làng sung túc ấm no. Không để ai thiếu thốn túng bấn bần hàn. Hàng xóm ‘tối lửa tắt đèn có nhau’.
-Đuốc cầm lọ soi chân ai
Chân mình tri trít đó rồi thì sao
Mắt nhìn bụi diễu con sào
Lại còn vạch mắt người nào làm chi (NTTL.781-784)
-Trên có cho mình giàu có
Mặc ý người sẽ phó trốc tay (NAVA 91-92)
-Khó giàu là phận là tùy
Đã đành là phận cần gì than van (NAVA 99-100)

Nhà nhà sống hạnh phúc có cha có mẹ, ông bà nội ngoại con cháu quây quần bên nhau, chung bữa cơm. Và có giáo dục hành-giữ đạo, cả nhà và họ hàng thân quen
-Làm sao cho được vuông tròn
Làm sao cho rỗi phần hồn với nhau (NAVA, 419-420)
-Phép vợ chồng một xương một thịt
Đền công ơn sống chết cùng nhau (NTVA 27-28)
-Phần hồn thì Chúa sinh ra
Xác này Chúa phó mẹ cha sinh thành (HTC 7-8)
Lòng mừng mừng lại thêm lo
Mừng vì con khỏe Chúa cho yên lành (HTC 91-92)
Việc bề ngoài liệu chừng tùy tuổi
Cha dạy con hết nỗi dại khôn (HTC 736-737)

CẢM NHẬN VỀ CHA TRẦN LỤC

Dân quê Phát Diệm hiền lành chất phát nhưng chững chạc về đức tin. Giáo dân sống theo “giáo lý” trong thơ của Cụ Sáu. Chúng tôi xin kể lại mấy trường hợp:
1) Lm Trần Công Hoán, người Phát Diệm, trong sách ‘Tiểu sử cha Sáu, Linh Mục Nam Tước Phát Diệm’, nxb Thánh Gia, Saigon, 1963, kể: Khi Cha Sáu còn sống, vợ một quan lớn ra chơi Phát Diệm, nghe phụ nữ đọc bản vè ‘Hiếu Tự Ca’, lúc đầu bà còn ngồi trên sập, sau trụt dần xuống ngồi chung với chi em nhà quê, nghe thích quá, bà xin các cô đọc đi đọc mãi cho mình nghe. Xong, bà chạy lại xin Cha cho xin mỗi người một bản cho ông nhà đọc. (ttr. 113-114)

2) Cụ Phước Môn Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), sau khi viếng mộ Cụ Sáu có cảm đề:
Khoát sắt, thơ son truyền sự nghiệp
Trung trinh hai chữ để gương đời
(Phát Diệm, 25.11.1928)

3) Nhà văn, người Mỹ, gốc Tây Ban Nha, bà là giáo viên nghỉ hưu (không biết tên). Hai ông bà đã từng du lịch 1 tháng ở VN, thích nhất là đến Phát Diệm, kể trong dịp lễ ở Oakland, bắc California cho một người VN: Tôi không ngờ được tại miền quê xa xôi nghèo túng vào thế kỷ I9 một linh mục Việt chưa từng xuất ngoại, đã xây dựng một quần thể Phát Diệm? Tôi thích nhất đó là nét kiến trúc ở đây thể hiện rất hài hòa hai văn hóa Kitô giáo Âu châu và nền văn hóa Viễn đông cổ truyền. Ví dụ, ngôi nhà thờ chính tòa, bức chạm khắc sau bàn thờ làm bằng gỗ sơn son thiếp vàng, theo phong cách văn hóa VN, nhưng cấu trúc cao to thể hiện phong cách Âu châu…
(25.10.2019. https:// www. vanhocconggiao.net /2019 linh muc tran luc

4) Ông Trần Văn Tiên không Công Giáo, nhớ thuộc lòng khi còn học ở Phát Diệm (1938), ba bài thơ “Ca ngợi công đức Cụ Sáu” :
- Ca ngợi công đức Cụ Sáu, 22 câu thơ Lục Bát
- Phát Diệm Vĩ Nhân, 8 câu thơ thất ngôn
- Vịnh đất tổ, 20 câu thơ Lục Bát
(Trần Lục, Canada, 1996, ttr. 499-502)

5) Đức Ông GB Trần Văn Khả viết kết luận bài ‘Nhà thờ chính tòa Phát Diệm: Phần chúng ta cũng phải nối tiếp Truyền Thống cha ông để bảo vệ Đền Thánh ấy, để truyền lại cho con cháu muôn đời mai sau. (Trần Lục, Canada. Tr. 66)


Kết luận bằng lời cuối diễn văn của Đc GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) :

Thưa các ngài, hãy nghe những lời trong mồ nói ra, còn rõ ràng, còn minh bạch, còn như mới mẻ sau 39 năm vắng tạm vắng bóng người. Và nếu phương kế sức ta, lực ta, tư chất không đủ cho ước vọng được cao xa, thì ít nữa là trước mắt ta, ta hãy luôn luôn trông vào khuân mẫu độc nhất vô nhị tôi vừa vạch ra đó, rồi thì…rồi thì chúng ta mới có thể mong làm được những việ ích quốc lợi dân, mưu sự tiến bộ cho xứ Đông Dương yêu qúi của chúng ta; và cùng nhau góp sức đem lại cho xứ sở một cuộc hưng thịnh vững bền, dọn lối bước vào những cái vận mệnh tối cao và cuộc hạnh phúc đời đời vậy. (Phát Diệm. 24 Juin 1938. JB. Tòng. Trần Lục, Canada, 1996, tr. 547)

Hay lời trong diễn văn của Đc GB Nguyễn Bá Tòng:

Có người cho rằng Cụ Sáu là người hoạt động như thế, khó thể chu tòa nhiệm vụ chính của linh mục. Nhưng nghĩ như thế là lầm. Cụ Sáu là linh mục rất hoàn toàn. Nhiều kinh đọc trong nhà thờ ngày nay là do Cụ Sáu soạn. Cụ sáng tác nhiều bài thơ được các nho tôn phục và nhiều bài giáo lý. Toàn thơ của Cụ Sáu được in thành 4 tập. Tập về điều răn thứ 4 in nhiều lần (Le Père Six, Curé et Baron de Phat Diem. L’Avenir du Tonkin, Hà Nội, 29.11.1938. Sách Trần Lục. Canada, 1996, trích lại, tr.142)

Tài Liệu Tham Khảo

- Lm Nguyễn Gia Đệ: Trần Lục, Canada, 1996
- Mgr Olichon.Le Père Six, Curé et Baron de Phat Diem. L’Avenir du Tonkin, Hà Nội, 1938)
- Lê Đình Bảng : Ở Thượng Nguồn Thi Ca Công Giáo VN. Miền Thơ Huấn Ca.
VN,2009
- VietCatholic News,6.2.2007