Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trong bối cảnh đang có những hoang mang trước tuyên bố của Đức Thánh Cha về việc chúc lành cho các cặp đồng giới, ngài vừa có một bài giải thích đăng trên tờ National Catholic Register nhan đề “Pope Francis Gives a ‘Yes and No’ Answer Regarding Blessings for Same-Sex Couples”, nghĩa là “Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra câu trả lời 'vừa Có vừa Không' về việc chúc lành cho các cặp đồng giới”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Tin tức quan trọng – được đo lường qua các tiêu đề báo chí – trong tuần lễ đầy tin tức ở Vatican là Đức Thánh Cha ủng hộ việc ban phép lành cho các cặp đồng tính. Thật vậy, đó sẽ là một tin tức, đặc biệt là vì vào năm 2021, đích thân Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một câu trả lời chính thức của Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, nay là “Thánh Bộ” Giáo lý Đức tin, gọi tắt là DDF, khi đó nói rằng những phước lành như vậy là không thể được.Một “dubium,” hay một câu hỏi, đã được đặt ra cho CDF về việc chúc lành cho các cặp đồng tính, và câu trả lời rất rõ ràng: “Thiên Chúa không và không thể chúc lành cho tội lỗi: Ngài ban phước cho con người tội lỗi, để họ có thể nhận ra rằng mình là một phần trong kế hoạch tình yêu của Ngài và để cho chính mình được Ngài thay đổi.”
Câu trả lời của CDF – một lần nữa, đã được Đức Thánh Cha chấp thuận và mang thẩm quyền của ngài – rất chi tiết.
“Không được phép chúc lành cho các mối quan hệ, hoặc những thâm giao, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (nghĩa là, ngoài sự kết hợp bất khả phân ly giữa một người nam và một người nữ, tự nó mở ra cho việc truyền sinh), như trong trường hợp kết hợp giữa những người cùng giới tính”, CDF viết. “Sự hiện diện của các yếu tố tích cực trong các mối quan hệ như vậy, vốn tự chúng đáng trân trọng và đáng được đánh giá cao, không thể biện minh cho các mối quan hệ này và cũng không khiến chúng trở thành đối tượng hợp pháp cho việc chúc lành của Giáo hội, vì các yếu tố tích cực tồn tại trong bối cảnh của một sự kết hợp như thế không được sắp xếp theo thánh ý Chúa.”
Một cặp vợ chồng dị tính trong sự kết hợp vợ chồng ngoài hôn nhân - sống “trong tội lỗi” - cũng không thể có được mối quan hệ hạnh phúc.
Nếu một người xin được chúc lành, nhưng không phải một phép lành cho một cuộc kết hợp vợ chồng bất hợp pháp, thì điều đó sẽ khác:
“Câu trả lời cho dubium được đề xuất không loại trừ các chúc lành được ban cho những cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái, những người thể hiện ý muốn sống trung thành với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa như giáo huấn của Giáo hội đề xuất”.
Một bộ “dubia” khác đã được đệ trình vào mùa hè vừa qua, bao gồm một câu hỏi về việc chúc lành cho các cặp đồng giới. Lần này Đức Thánh Cha đích thân trả lời trong một phúc đáp rất dài:
“Vì lý do này, Giáo hội tránh bất kỳ loại nghi thức hay bí tích nào có thể… tạo ấn tượng rằng một điều gì đó không phải là hôn nhân lại được công nhận là hôn nhân. Tuy nhiên, khi đối xử với mọi người, chúng ta không được đánh mất lòng bác ái mục vụ phải thấm nhuần mọi quyết định và thái độ của chúng ta. Việc bảo vệ sự thật khách quan không phải là biểu hiện duy nhất của lòng bác ái này, nó còn được tạo nên từ lòng nhân ái, sự kiên nhẫn, sự hiểu biết, sự dịu dàng và sự khích lệ. Vì vậy, chúng ta không thể trở thành những quan tòa chỉ phủ nhận, bác bỏ, loại trừ. Vì lý do này, sự khôn ngoan mục vụ phải phân định một cách thỏa đáng xem có những hình thức chúc lành nào, được một hoặc nhiều người yêu cầu, không truyền tải một quan niệm sai lầm về hôn nhân hay không”.
“Việc phân định” liệu có những “hình thức chúc phúc” nào có thể được ban cho các cặp đồng giới hay không, đã gây ra một cơn bão truyền thông toàn cầu đến mức cho rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẵn sàng ban phước lành cho các cặp đồng giới. Ngài có sẵn sàng làm như thế hay không?
Có và không. Và sự mơ hồ, theo quan điểm của Đức Thánh Cha, có thể là một đặc điểm chứ không phải một khuyết điểm. Nó đã được nhìn thấy trước đây.
Những gì Đức Thánh Cha Phanxicô viết không khác lắm so với những gì CDF đã trả lời vào năm 2021. Nếu một cặp đồng tính yêu cầu ban phép lành cho cuộc chung sống vợ chồng bất hợp pháp của họ, thì điều đó không thể được ban - đó sẽ là tội lỗi, cũng như trường hợp của một cặp vợ chồng dị tính (chưa kết hôn hợp luật).
Nếu cặp vợ chồng xin phép lành để củng cố họ sống chung khiết tịnh, và họ đồng ý với giáo huấn của Giáo hội về sự vô luân của các hành vi đồng tính luyến ái, thì đó sẽ là một vấn đề khác. Có lẽ điều đó có thể thực hiện được, nhưng cần phải cẩn thận để làm rõ điều đang được tìm kiếm. Đưa ra sự khích lệ là một phần thiết yếu của việc chăm sóc mục vụ, và ranh giới giữa sự khuyến khích và sự chuẩn y cần phải được duy trì. CDF đã nói chính xác như vậy, Đức Thánh Cha Phanxicô hiện nay cũng nói như thế thôi.
Nếu một cá nhân yêu cầu một phước lành, thì gần như chắc chắn nó sẽ được ban. Các linh mục thường xuyên được yêu cầu ban phép lành, và nói chung, không có yêu cầu nào được đưa ra từ phía người xin phép. Thiện chí được giả định và trong mọi trường hợp, không có một sự kết hiệp nào được ban phước.
Tại sao lại có sự ồn ào và bối rối?
Vì Amoris Laetitia, tông huấn năm 2016 của Đức Thánh Cha cho phép, trong một số trường hợp, các cặp ly dị và tái hôn dân sự được rước lễ. Khả năng bị hạn chế; một cặp vợ chồng như vậy sẽ phải thừa nhận rằng họ không kết hôn thành sự và những hành vi vợ chồng của họ trái với luật luân lý. Hơn nữa, một cặp vợ chồng sẽ phải đồng ý với sự thật của luật luân lý và chân thành mong muốn sống phù hợp với nó, nhưng bằng cách nào đó họ lại cho rằng họ không thể làm được điều đó. Nếu đọc một cách rõ ràng các tiêu chí do Đức Thánh Cha Phanxicô đặt ra, thì có rất ít cặp vợ chồng có thể đáp ứng được. Việc cho phép về nguyên tắc vẫn còn là một điểm gây nhiều tranh cãi, nhưng trên thực tế, số cặp vợ chồng đáp ứng được tiêu chí của Đức Thánh Cha sẽ rất ít.
Tuy nhiên, nhiều giám mục khác nhau đã coi giáo huấn của Đức Thánh Cha vượt xa những gì ngài viết. Chẳng hạn, các giám mục Malta đã nói về “lương tâm được soi sáng” là “niềm tin rằng họ được hòa giải với Thiên Chúa”, điều này đơn giản không phải là cách hiểu của người Công Giáo về lương tâm. Hai giám mục Malta đưa ra hướng dẫn đó là Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna, hiện là phụ tá thư ký tại DDF, và Giám mục Mario Grech, hiện là Hồng Y và là người đứng đầu ban thư ký thượng hội đồng Vatican. Trong tư cách đó, ngài là kiến trúc sư trưởng của Thượng Hội Đồng về tính đồng nghị cho một Giáo hội đồng nghị.
Thực tế sau Amoris Laetitia là một sự mơ hồ có chủ ý, nếu không muốn nói thẳng là hoàn toàn giả vờ. Về mặt chính thức, tiến trình đặt ra được tuân thủ nghiêm ngặt, nhưng trên thực tế, ở một số nơi, các cặp vợ chồng vô hiệu được đối xử ngang hàng với các cặp vợ chồng hợp pháp. Ở những nơi như vậy, nó trở thành sự thừa nhận việc ly dị và tái hôn một cách rõ ràng và thẳng thừng, mặc dù nó không được nói đến một cách rõ ràng hay thẳng thắn.
Điều tương tự có thể xảy ra với phước lành đồng giới hay không? Có thể tưởng tượng nổi hay không, một linh mục chúc lành cho một cặp đồng tính và, như một phần của lời cầu nguyện chúc lành, xin cho họ ơn sống khiết tịnh? Người ta không mong thấy được điều đó; quả thực, ở Đức và Bỉ, nơi những phước lành như vậy đã diễn ra, thì điều đó không đang xảy ra. Về mặt chính thức, các phép lành không phải là bản sao của hôn nhân, nhưng một cách không chính thức, chúng đưa ra sự chấp thuận của Giáo hội đối với việc kết hợp vợ chồng bất hợp pháp của các cặp đồng giới.
Các phương tiện truyền thông thế giới đưa tin Đức Thánh Cha đã cho phép một điều gì đó mà ngài không cho phép một cách rõ ràng. Điều đó phản ánh kỳ vọng rằng sự mơ hồ và giả tạo sẽ thúc đẩy một phước lành giả tạo cho một sự kết hợp tình dục chứ không phải là hôn nhân.
Thượng hội đồng năm 2023 có đi theo đường hướng đó không? Những ai nghĩ như vậy hãy nhớ rằng các Thượng Hội đồng năm 2014 và 2015 đã dẫn đến sự mơ hồ và giả tạo của Amoris Laetitia.
Source:National Catholic Register