CHÚA NHẬT 24 THƯỜNG NIÊN NĂM A : Mt 18,21-35
Khi ấy, ông Phê-rô đến gần Đức Giê-su mà hỏi rằng: “Thưa Ngài, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải đến bảy lần không?” Đức Giê-su đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.
“Vì thế, Nước Trời cũng giống như chuyện một ông vua kia muốn đòi các đầy tớ của mình thanh toán sổ sách. Khi nhà vua vừa bắt đầu, thì người ta dẫn đến một kẻ mắc nợ vua mười ngàn yến vàng. Y không có gì để trả, nên tôn chủ ra lệnh bán y, vợ con y cùng tất cả tài sản mà trả nợ. Bấy giờ tên đầy tớ ấy sấp mình xuống lạy lục: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết” Tôn chủ của đầy tớ ấy liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ.
“Nhưng vừa ra đến ngoài, tên đầy tớ gặp một người đồng bạn, mắc nợ y một trăm quan tiền. Y liền túm lấy, bóp cổ mà bảo: “Trả nợ cho tao!” Bấy giờ, người đồng bạn sấp mình xuống van xin: “Thưa anh, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả anh”. Nhưng y không chịu, cứ tống anh ta vào ngục cho đến khi trả xong nợ.
“Thấy sự việc xảy ra như vậy, các đồng bạn của y buồn lắm, mới đi trình bày với tôn chủ đầu đuôi câu chuyện. Bấy giờ, tôn chủ cho đòi y đến và bảo: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao?” Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông. Ấy vậy, Cha của Thầy ở trên trời cũng sẽ đối xử với anh em như thế, nếu mỗi người trong anh em không hết lòng tha thứ cho anh em mình”.
BẤT HẠNH CỦA LÒNG BẤT NHÂN
Sonziya là môn đệ một linh sư nổi tiếng. Thấy thầy mình đầy đủ kiến thức, có thể giúp tất cả những ai tìm đến với ông, Sonziya xin sư phụ cầu cho mình được nhìn biết điều thiện điều ác trong các tâm hồn, và Thiên Chúa đã ban cho anh ơn huệ đó. Ít lâu sau, một lái buôn đến gặp sư phụ của Sonziya. Cuộc sống của ông này đầy dẫy những điều thất đức. Người môn đệ trẻ mới thoạt nhìn đã thấy rõ tâm hồn ông ta. Hết sức kinh ngạc và phẫn nộ, Sonziya kêu lên: “Nhơ bẩn như ông mà lại dám đứng trước mặt vị thánh à?” Thế là người lái buôn bỏ đi. Vị linh sư liền gọi Sonziya tới và bảo: “Khi nãy có một người tới mà con lại đuổi đi. Đó là dịp may cuối cùng của ông ta đấy!” Lập tức Sonziya kinh sợ, khẩn khoản nhờ sư phụ xin Thiên Chúa đừng để anh phải thấy sự dữ nữa. Nhưng vị linh sư trả lời là không thể được, ân huệ Thiên Chúa không thể hủy bỏ; song ông sẽ xin Người ban cho anh một ơn mới thêm vào đó: là cảm thấy mình giống anh em cách mãnh liệt. Tất cả những điều xấu xa nhìn thấy được, từ nay Sonziya sẽ thấy không phải như sự xấu xa của người khác, mà như sự xấu xa của chính bản thân mình.
1. Rộng lượng tha thứ cho nhau.
Chúa nhật vừa qua, chúng ta đã nghe từ miệng Đức Giê-su lời dạy về thái độ phải có đối với “người anh em trót phạm tội”. Hôm nay, câu hỏi của Phê-rô có tính cách cá nhân hơn nhiều. Trường hợp được xác định: giờ đây không còn là “một” tội chung chung có nguy cơ tác hại đến cộng đoàn, nhưng là một xúc phạm ta đích thân gánh chịu: “Khi một người xúc phạm đến con…”.
Phản ứng đầu tiên, gần như tự nhiên, của kẻ bị tấn công là ăn miếng trả miếng. Óc báo thù, theo Kinh Thánh, giống như ác thú ẩn nấp trong bóng tối ngay nơi cửa nhà, móng vuốt giương sẵn (x. St 4,7). Nhận xét này rất sâu xa: “lòng báo oán” chực sẵn trong con người. Để có thể sống còn, luật rừng xanh đòi hỏi tự vệ. Bản năng này làm cho việc tha thứ nên khó khăn. Nó là hoa trái phát sinh khi ba bản năng sinh tồn, truyền sinh và quyền lực bị ngăn chặn, nhất trên đà lộng hành tác quái của chúng. Trang Tin Mừng đang nghe thành thử trả lời một trong những vấn đề thời sự nóng bỏng nhất. Nhân loại có thể sống… trong leo thang bạo lực như thấy hiện giờ không? Có thể bẻ gãy vòng hận thù quỷ quái, trong đó hờn căm, khiêu khích, đe dọa, báo oán đan kết với nhau da diết không? Nhưng chẳng cần phải đi tìm những tranh chấp chính trị quốc tế đang đầy dẫy báo chí, phát thanh, truyền hình, internet mỗi ngày… hãy có gan nhìn quanh ta, trong đời thường của ta, cái bạo lực tiềm ẩn đang đầu độc bao mối tương quan nhân loại. Câu chuyện Sonziya ở trên là một bằng chứng.
Với sự lanh lợi thường nhật và tính thẳng thắn của một con người bình dân, Phê-rô nhấn mạnh với Đức Giê-su là dầu sao vẫn có những kẻ vượt quá giới hạn! Tha “một lần”, “hai lần”, “ba lần” còn được! (Trong các trường giáo sĩ Do-thái thời Đức Giê-su, người ta nhượng bộ cho tới “bốn lần”). Thành thử Phê-rô tưởng mình đã quảng đại lắm khi đề nghị tha tới bảy lần cho kẻ tái phạm khó chữa không ngừng gây khốn cho ta.
Nhưng một lần nữa, với quyền chủ tế tối thượng, Đức Giê-su làm nổ tung mọi tính toán của chúng ta, kêu mời chúng ta tha thứ vô biên, tha thứ mãi mãi. Và để nói lên tính cách hết sức mới mẻ của cuộc cách mạng thật sự này, Đức Giê-su đảo ngược bài ca cổ nhất mà tiếc thay vẫn được con người hát từ rất lâu, và nay cũng còn người hát. Đó là bài ca man rợ La-méc vẫn tấu bên tai hai vợ mình, âm vang của những hận thù bộ lạc nguyên thủy: “A-đa và Xi-la, hãy nghe tiếng ta. Thê thiếp của La-méc, hãy lắng tai nghe lời ta. Vì một vết thương, ta đã giết một người; vì một chút sây sát, ta đã giết một đứa trẻ. Ca-in sẽ được báo thù gấp bảy, nhưng La-méc thì gấp bảy mươi bảy” (St 4,23-24).
“Thương xót”, “thứ tha” thành ra là một trong những giá trị độc đáo của phong trào do Đức Giê-su khởi xướng. Hết mọi tôn giáo, thậm chí mọi phong trào chính trị, đều đấu tranh chống sự ác, và lấy làm thương xót những ai đau khổ… nhưng họ cũng tránh xa những kẻ “làm điều thất đức” (“Phải trái phân minh, lý tình trọn vẹn”!?). Tính cách mới mẻ lạ lùng của Đức Giê-su nằm ở chỗ dẫu là nạn nhân vô tội, khi chịu khổ hình, Người vẫn nhìn các đao phủ và tha thứ: “Cha ơi, xin tha cho họ, họ không biết việc họ làm” (Lc 23,33). Hỡi bạn, người thấy khó tha thứ, hãy ngắm Dung nhan độc nhất vô nhị này: dung nhan hiền lành của Đức Ki-tô trên thập giá.
2. Như Thiên Chúa đã thứ tha rộng lượng.
Và để minh họa cho giáo huấn của mình, với sở trường của một tay kể chuyện Đông phương, Đức Giê-su đưa ra một dụ ngôn đầy hình ảnh. Tổng số “nợ” rõ ràng là kinh khủng, quá đáng: “mười ngàn yến vàng” (nghĩa là 60 triệu đồng Rô-ma). Sử gia Do-thái Flavius Josèphe cho ta một điểm so sánh khi kể rằng vào năm thứ 4 trước CN, sưu thuế hai tỉnh Ga-li-lê và Pê-rê phải trả là hai trăm yến vàng, nghĩa là chỉ một phần năm con số được Đức Giê-su nêu đây. Số tiền quá mức ấy thành thử chỉ có tính cách biểu tượng: với một chút khôi hài, Đức Giê-su muốn ta hiểu là có một cái gì đó rất quan trọng, mà phần tiếp câu chuyện sẽ cho thấy. Nỗi tò mò bị kích thích dữ dội. Cái gì sắp xảy ra? Ông vua này là ai mà có những con nợ kiểu ấy? Một kẻ thiếu khả năng chi trả như thế thì biết làm gì đây?
“Bấy giờ tên đầy tớ sấp mình xuống lạy lục: “Thưa Ngài, xin rộng lòng hoãn lại cho tôi, tôi sẽ lo trả hết”. Tôn chủ của y liền chạnh lòng thương, cho y về và tha luôn món nợ…” Đây là một món quà ngoài sức tưởng tượng: 60 triệu ngày công! Cái gì đã xảy ra giữa quyết định ban đầu của vua đòi thực thi công lý… và quyết định sau đó tha bổng số nợ? Đức Giê-su nói: “Tôn chủ chạnh lòng”. Ở đây chúng ta gặp lại cùng một từ ngữ mà các tác giả Tin Mừng vẫn thường dành cho Đức Giê-su : chạnh lòng thương trước hàng nước mắt của bà mẹ góa (x. Lc 7,13), chạnh lòng thương trước những ung nhọt của người phung hủi (x. Mc 1,41), chạnh lòng thương quần chúng bơ vơ mệt lả như chiên thiếu chủ chăn (x. Mt 14,14; 15,32). Điều Đức Giê-su muốn chúng ta hiểu qua món nợ khổng lồ chính là đó: Thiên Chúa là nguồn thương xót vô biên, có khả năng thứ tha tất cả! Tổng số sự ác trong thế gian thì không đếm nổi, nhưng Thiên Chúa “chạnh lòng thương” vẫn tha thứ hết. Vâng, Thiên Chúa như thế đấy, Đức Giê-su bảo.
Nhưng vừa ra đến ngoài, gặp một đồng liêu mắc nợ, tên đầy tớ đã cư xử ngược lại với tôn chủ y. Quả là một thằng đê tiện! Y chẳng hiểu gì về lòng tốt y vừa được hưởng. Bất chấp tiếng van nài của bạn vốn cũng dùng những lời lẽ như y, y đòi thanh toán một món nợ nhỏ bé: 1/600.000 những gì y vừa được ban tặng! Nhẫn tâm quá thể! Lương tri bình thường của khán thính giả Đức Giê-su đâu chịu nổi sự bất công này. Vì thế các bạn đồng liêu của tên độc ác mới đi trình bày câu chuyện với tôn chủ. Nổi cơn thịnh nộ, ông trao y cho lý hình hành hạ, mãi đến ngày thanh toán nợ cho ông. Chớ dừng lại trên các chi tiết cụ thể của câu chuyện nhưng hãy đi vào điểm cốt yếu. Ông vua này không phải là một ông vua bình thường. Trên miệng Đức Giê-su, ông trở thành một Bao Công đáng sợ của Ngày Chung thẩm: một ông vua phán xét dân mình dựa trên tình thương họ đã có với nhau! (x. Mt 25,31-46).
Không quên câu Phê-rô hỏi khi nãy, chúng ta vẫn nhớ trong trí nỗi khó khăn vô cùng khi phải thứ tha. Một lần nữa, đâu phải vì các lý lẽ đạo đức hay xã hội học mà Đức Giê-su yêu cầu chúng ta tha thứ! Đối với Người, việc tha thứ cho nhau dựa trên sự kiện chính chúng ta là những kẻ hưởng ân huệ tha thứ của Cha trên trời. Thành thử phải nhìn về phía Thiên Chúa nếu muốn có khả năng hòa giải: có lẽ chúng ta sẽ đủ sức tha thứ cho những ai làm khổ mình, khi ý thức sắc bén về muôn lần tha thứ mà chính chúng ta đã lãnh nhận. Vấn đề là làm dội lại trên bạn hữu lòng thương xót Thiên Chúa đã ban cho ta.
Chớ vội bảo dụ ngôn chẳng liên hệ đến mình. Hay tệ hơn nữa, do bị đầu độc bởi những ý thức hệ tranh đấu của thế giới khắc nghiệt hôm nay, ta lại tìm ra nhiều lý do để chối từ tha thứ. Hãy để trang Tin Mừng này chất vấn mỗi một chúng ta. Can đảm nhìn lại đời mình và đặt các danh tính, các khuôn mặt cụ thể… lên các nhân vật của dụ ngôn này để hết lòng tha thứ. Nếu không, “Cha Thầy ở trên trời, cũng sẽ đối xử với anh em như vậy”. Tư tưởng này nghiêm trọng... đến nỗi Đức Giê-su đã bắt chúng ta đọc nó mỗi ngày trong kinh Lạy Cha (x. Mt 6,12-14). Vì “Anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong cho anh em đấu ấy” (Mt 7,2; Lc 6,38). Thiên Chúa chẳng phạt ai. Chính con người tự phạt lấy họ. Tên đầy tớ bất nhân này, Thiên Chúa yêu mến nó và sẵn sàng tha thứ cho nó. Nhưng nó đã khép lòng trước ơn tha thứ ấy, khi từ chối thứ tha cho anh em mình. Hỏa ngục, đó là nơi không yêu thương, hay đúng hơn là trạng thái không yêu thương, là thái độ từ chối yêu thương, mà mãi mãi. Đức Giê-su nhân hậu báo trước cho ta rằng không yêu thương thật là khủng khiếp, bất hạnh. Vậy hãy tha thứ!