1. Lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố Bakhmut vẫn là “tâm điểm giao tranh”
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Ba 23 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết các thành phố Bakhmut và Marinka ở miền đông Ukraine tiếp tục là “tâm điểm giao tranh”.
Cô cho biết 25 “cuộc giao tranh” đã diễn ra xung quanh Kupyansk, Lyman, Bakhmut, Avdiivka và Marinka.
“Cuộc chiến giành thành phố Bakhmut vẫn tiếp tục. Quân xâm lược Nga đã tiến hành các cuộc không kích gần Bakhmut và Ivanivske. Các lực lượng phòng thủ Ukraine đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công của đối phương gần thị trấn Marinka. Ngoài ra, làng Pobieda ở vùng Donetsk đã bị đối phương pháo kích”.
Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết các cuộc tấn công của Nga nhằm vào các tòa nhà chung cư, nhà riêng, trường mẫu giáo và các cơ sở hạ tầng dân sự khác, khiến một số thường dân bị thương.
“Họ tiếp tục phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự gần giới tuyến” theo hướng Zaporizhzhia và Kherson, theo bản cập nhật. Cô cũng nhấn mạnh “cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và đường không quy mô lớn nhằm vào các cơ sở hạ tầng dân sự và quan trọng của Ukraine,” tấn công thành phố Dnipro, thành phố Zaporizhzhia và các khu định cư ở khu vực Kharkiv.
Trước đó vào thứ Hai, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảm ơn các lực lượng Ukraine đang bảo vệ bầu trời của đất nước.
“Từ đêm qua đến sáng nay, họ đã bắn hạ 25 chiếc máy bay không người lái Shahed. 25 trên 25. Một kết quả xuất sắc,” Zelenskiy nói trong bài phát biểu hàng ngày của mình. “Mỗi lần bắn rơi như vậy có nghĩa là cứu được mạng sống, cứu được cơ sở hạ tầng.”
2. Thứ trưởng quốc phòng nói quân Ukraine vẫn kiểm soát một số tòa nhà ở Bakhmut, tiến công từ hai bên sườn
Các lực lượng Ukraine vẫn đang kiểm soát một số tòa nhà ở phía tây nam Bakhmut, hai ngày sau khi Nga tuyên bố đã chiếm được thành phố này, theo Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine.
Hanna Maliar cũng tuyên bố rằng quân đội của Kyiv đang tiến vào hai bên sườn của thành phố. “Hôm qua, Lực lượng vũ trang Ukraine đã giữ quyền kiểm soát một số cơ sở công nghiệp và nhà riêng ở khu vực phía tây nam, khu vực đặt tượng đài máy bay,” Maliar nói trên truyền hình Ukraine, đề cập đến tượng đài MiG-17 ở Quảng trường Druzhba..
“Ngày nay, chúng ta vẫn có quyền kiểm soát phần nhỏ này của thành phố. Cuộc chiến vẫn tiếp tục,” cô nói thêm. Maliar cho biết Nga đã triển khai “hầu hết lực lượng của mình” ở khu vực Bakhmut.
Maliar cho biết Ukraine đã giành được quyền kiểm soát “các đỉnh cao vượt trội ở hai bên sườn” phía bắc và phía nam của vùng ngoại ô thành phố. Cuộc tiến công của Ukraine ở hai bên sườn đã cho phép pháo binh Ukraine nã đạn vào quân đội Nga trong thành phố.
“Do sự di chuyển của chúng ta ở hai bên sườn phía bắc và phía nam, chúng ta có thể bắn phá và có thể thực hiện một số cuộc tấn công tiêu diệt đối phương. Ở một số địa điểm cụ thể do đối phương kiểm soát ở Bakhmut, họ buộc phải chuyển sang thế phòng thủ và giữ nó theo một cách nào đó, bởi vì điều đó không dễ dàng chút nào”.
Maliar nói thêm rằng vì quân đội Ukraine “di chuyển dọc theo hai bên sườn và chiếm ưu thế về độ cao ở đó, Lực lượng Vũ trang của chúng ta đã gây rất nhiều khó khăn cho đối phương ở bên trong thành phố. Trên thực tế, khi chúng ta tiếp tục tiến lên. Cường độ chống cự của quân xâm lược có phần giảm đi.”
3. Quân du kích Nga chống Putin tuyên bố đã tràn qua khu định cư biên giới Nga ở Belgorod
Giao tranh đã nổ ra dọc biên giới Nga với Ukraine sau khi các lực lượng du kích Nga đã tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới và tuyên bố đã chiếm được một khu định cư biên giới lần đầu tiên trong cuộc chiến.
Quân đoàn Tự do của Nga, tự mô tả mình là một lực lượng dân quân chống Putin đang tìm cách lật đổ giới lãnh đạo Điện Cẩm Linh và giải phóng nước Nga khỏi tay Vladimir Putin, tuyên bố đã vượt qua biên giới và tràn vào khu định cư Kozinka, đồng thời đưa các đơn vị vào thị trấn Grayvoron trong vùng Belgorod của Nga.
Việc chiếm giữ lãnh thổ vẫn chưa được các nhà báo tại thực địa xác nhận một cách độc lập. Lực lượng dân quân chủ yếu tồn tại trên mạng xã hội và không được biết là đã tham gia vào bất kỳ trận đánh lớn nào trong chiến tranh.
Tuy nhiên, cả quan chức Nga và Ukraine đều xác nhận có giao tranh ở biên giới và video trên mạng xã hội cho thấy các xe thiết giáp dường như đã vượt qua một đồn biên phòng của Nga gần Grayvoron.
“Chúng tôi là những người Nga giống như các bạn,” một tuyên bố được nhóm đưa ra trên mạng xã hội cho biết. “Chúng tôi khác biệt duy nhất bởi thực tế là chúng tôi không còn muốn biện minh cho hành động của bọn tội phạm nắm quyền và cầm vũ khí để bảo vệ tự do của chúng tôi và của các bạn. Nhưng hôm nay đã đến lúc mọi người phải chịu trách nhiệm về tương lai của mình. Đã đến lúc chấm dứt chế độ độc tài của Cẩm Linh.”
Một video khác được đăng lên mạng xã hội cho thấy một chiếc trực thăng Mi-8 của Nga đang kéo theo những ngọn lửa trên thị trấn Kozinka và video khói bốc lên từ khu định cư với âm thanh của còi báo động khẩn cấp có thể nghe rõ.
Thống đốc vùng Belgorod đã xác nhận một cuộc tấn công vào thứ Hai, ông nói rằng: “nhóm phá hoại và trinh sát của lực lượng vũ trang Ukraine đã tiến vào lãnh thổ của quận Grayvoron. Các lực lượng vũ trang của Liên bang Nga, cùng với lực lượng biên phòng, Rosgvardiya và FSB, đang thực hiện các biện pháp cần thiết để tiêu diệt đối phương”.
Ukraine đã phủ nhận mối liên hệ với các chiến binh du kích Nga, nói rằng nhóm này hành động độc lập và không chịu sự kiểm soát của quân đội Ukraine.
Trong khi đó, truyền thông nhà nước Nga Tass đưa tin về những gì họ biết về các sự kiện ở Belgorod như sau:
Người đứng đầu vùng Belgorod Vyacheslav Gladkov đã báo cáo về sự xâm nhập của những kẻ phá hoại Ukraine vào quận Grayvoron. Ông làm rõ rằng quân đội Nga, lực lượng biên phòng, cũng như các nhân viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và FSB đang thực hiện “các biện pháp cần thiết để loại bỏ đối phương”.
Trước đó, thống đốc đã báo cáo hai nạn nhân của vụ pháo kích ở làng Glotovo, quận Graivoronsky. Theo ông, người phụ nữ bị vết thương do bom mìn, đã được đưa đi cấp cứu trong tình trạng nguy kịch, người đàn ông được đánh giá ở mức độ trung bình.
Sau đó, Điện Cẩm Linh xác nhận rằng một nhóm phá hoại người Ukraine đã cố gắng đột nhập vào khu vực Belgorod, hiện nhóm này đang bị đẩy ra khỏi lãnh thổ Nga và bị tiêu diệt.
Christopher Miller, đưa tin về cuộc xung đột cho Financial Times, đã gợi ý trên Twitter rằng “Các cuộc xâm nhập của Ukraine vào các khu định cư được bảo vệ yếu kém của Nga dọc biên giới có thể là một phần của chiến lược phản công nhằm làm cho Điện Cẩm Linh lúng túng.”
4. Điện Cẩm Linh cho biết Putin đã được thông báo về nỗ lực của 'những kẻ phá hoại Ukraine' tại khu vực Belgorod
Hãng thông tấn Tass thuộc sở hữu nhà nước của Nga cho biết Putin đã được thông báo về những gì được cho là một nỗ lực xâm nhập vào khu vực Belgorod của lực lượng Ukraine.
Phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: “Bộ Quốc phòng, FSB và lực lượng biên phòng đã báo cáo với Putin về âm mưu của những kẻ phá hoại Ukraine nhằm đột nhập vào khu vực Belgorod”.
Ông lưu ý rằng mục đích của vụ phá hoại Ukraine ở khu vực Belgorod là để chuyển sự chú ý khỏi tình hình tại Bakhmut.
“Các lực lượng Nga đang làm việc để loại bỏ nhóm phá hoại Ukraine khỏi lãnh thổ Liên bang Nga và tiêu diệt chúng. Có đủ lực lượng và phương tiện,” thư ký báo chí của tổng thống Liên bang Nga cho biết thêm.
Reuters báo cáo rằng cơ quan tình báo quân sự của Ukraine cho biết hoạt động vũ trang ở Belgorod là của các công dân Nga thuộc hai nhóm bán quân sự
Phát ngôn nhân tình báo quân sự Andriy Yusov nói rằng Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn tình nguyện Nga chịu trách nhiệm cho hoạt động này.
Tass xác định lãnh thổ của quận Graivoronsky là địa điểm xảy ra vụ việc. Không có tuyên bố nào được xác minh độc lập.
5. Mykhailo Podolyak, cố vấn của người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, đã tách Ukraine ra khỏi các sự kiện ở Belgorod, nơi có báo cáo về một cuộc xâm nhập vũ trang vào lãnh thổ Nga.
Lực lượng chính trị duy nhất có khả năng thay đổi guồng máy chính trị trong một quốc gia toàn trị siết chặt đinh vít luôn phải là một phong trào du kích có vũ trang. Ukraine đang theo dõi các sự kiện ở vùng Belgorod của Nga với sự quan tâm và nghiên cứu tình hình, nhưng họ không liên quan gì đến chúng tôi. Như các bạn đã biết, xe tăng được bán tại bất kỳ cửa hàng quân sự nào của Nga và các nhóm du kích ngầm bao gồm các công dân Nga.
Điện Cẩm Linh đã cáo buộc Ukraine dàn dựng một cuộc xâm nhập để đánh lạc hướng khỏi tuyên bố của Nga rằng họ đã nắm quyền kiểm soát hoàn toàn Bakhmut vào cuối tuần qua.
6. Ukraine cho biết Nga phải di tản khẩn cấp kho vũ khí hạt nhân khỏi Belgorod trong bối cảnh du kích Nga tấn công quân Putin
Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia Removes Nuclear Munitions From Belgorod Amid Conflict: Ukraine”, nghĩa là “Ukraine cho biết Nga di tản đạn hạt nhân khỏi Belgorod trong bối cảnh xung đột.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga được tường trình đã di tản vũ khí hạt nhân của mình khỏi một cơ sở lưu trữ ở Belgorod sau khi những người đào thoát khỏi Nga đang chiến đấu bên cạnh quân đội Ukraine chiếm giữ các khu định cư.
Các thành viên của Quân đoàn Tự do Nga, được thành lập chỉ vài tuần sau “chiến dịch quân sự đặc biệt” của Tổng thống Nga Vladimir Putin mà ông đã phát động vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, bao gồm các cựu thành viên quân đội Nga cùng với các tình nguyện viên người Nga và Belarus khác.
Ilya Ponomarev, một chính trị gia người Nga lưu vong và là đại diện chính trị của nhóm, nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng mục tiêu của họ là “giải phóng nước Nga khỏi chủ nghĩa Putin”. Ông cho biết thành phố Kozinka của Nga đã rơi vào tay các thành viên của quân đoàn Tự Do Nga và Quân đoàn tình nguyện Nga, gọi tắt là RDK.
Andriy Yusov, phát ngôn viên của cục tình báo quân sự Ukraine, cho biết trong một cuộc điện đàm hôm thứ Hai rằng cơ sở vũ khí hạt nhân của Nga được gọi là căn cứ quân sự số 25624 và nằm ở Grayvoron, một thị trấn và là trung tâm hành chính của tỉnh Belgorod nằm ở phía tây nước Nga gần biên giới Ukraine.
Theo Ukrainska Pravda, căn cứ quân sự này được Nga phân loại là “đối tượng C” theo các chuẩn mực của Lực lượng Hỏa tiễn Chiến lược Nga dành cho cơ sở lưu trữ hạt nhân trung tâm của nước này.
Nikolai Sokov, thành viên cao cấp tại Trung tâm giải trừ quân bị và không phổ biến vũ khí hạt nhân Vienna, nói với Newsweek qua email hôm thứ Hai rằng ông chắc chắn hơn “99%” rằng nếu báo cáo là đúng, thì việc di tản được tiến hành vì sự an toàn của vũ khí— chứ không phải là lôi chúng ra sử dụng; và nói thêm rằng khả năng người Nga sử dụng chúng “thực tế là bằng không.”
“Nếu vũ khí hạt nhân được sử dụng, điều này sẽ kéo theo sự leo thang với NATO và chúng sẽ được sử dụng để chống lại NATO (rất có thể là Ba Lan)”, ông Sokov nói. “Tuy nhiên, cho đến nay, Mạc Tư Khoa đã thể hiện sự thận trọng tương đối: Bất chấp nhiều mối đe dọa mơ hồ khác nhau, họ đã không thực hiện các bước leo thang dẫn đến việc sử dụng hạt nhân”.
Theo Ukrainska Pravda, các thành viên quân đoàn đã tiến vào Grayvoron, nơi họ kêu gọi cư dân ở yên trong nhà và “không kháng cự”. Ngôi làng Gora-Podol của Nga cũng được cho là đang trong quá trình bị tạm chiếm.
Mikhail Troitskiy, giáo sư thực hành tại Đại học Wisconsin-Madison, đồng ý với Sokov, và nói với Newsweek trong một email rằng thật là “lạ” vì Nga đã không loại bỏ những loại vũ khí như vậy trước đây vì căn cứ này quá gần biên giới.
Ông nói, đó có thể là một dấu hiệu cho thấy hành động của quân du kích Nga có thể đã khiến Điện Cẩm Linh cảm thấy bất ngờ.
Troitskiy nói thêm: “Mặc dù Ukraine có thể sẽ không triển khai các đầu đạn hạt nhân ngay cả khi nắm giữ chúng, nhưng Mạc Tư Khoa có thể đang ngăn chặn việc chúng rơi vào tay các nước NATO”. “Vì vậy, việc di chuyển vũ khí hạt nhân ra khỏi vùng chiến sự sẽ là một dấu hiệu trấn an cho chúng ta vì nó cho thấy Nga không muốn dùng đến vũ khí hạt nhân. Nga không muốn thấy Ukraine tịch thu các loại vũ khí hạt nhân này để rồi phải đáp trả bằng hạt nhân.”
Yusov cho biết các sự kiện hôm thứ Hai không liên quan gì đến Ukraine và quân đội nước ông.
“Các lực lượng an ninh và quốc phòng Ukraine đang giải phóng lãnh thổ Ukraine và giải phóng các vùng đất của chúng tôi để tiến tới biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine năm 1991,” Yusov nói. “Mọi thứ đang diễn ra trên lãnh thổ Liên bang Nga là xung đột nội bộ của Nga”.
Trích dẫn một báo cáo trước đây của The Washington Post từ các tài liệu bị rò rỉ cho thấy Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và các quan chức quân sự hàng đầu của Kyiv đang cân nhắc “tiến hành các cuộc tấn công bên trong nước Nga” để chiếm các thành phố biên giới nhằm “tạo cho Kyiv đòn bẩy trong các cuộc đàm phán với Mạc Tư Khoa”, Sokov tin rằng cuộc tấn công mới nhất này có thể gây ra những hậu quả chết người.
“Mặc dù Putin xâm lược Ukraine, Mạc Tư Khoa luôn rêu rao rằng cuộc chiến này là cuộc chiến ủy nhiệm của NATO nên nguy cơ leo thang có thể sẽ tăng lên. Khi 'Quân đoàn' Nga này tiến xa hơn và bắn vào kho chứa hạt nhân, ngay cả khi nó trống rỗng vào thời điểm đó, thì nguy cơ leo thang sẽ còn tăng cao hơn nữa. Tôi đã dự đoán rằng mùa hè và đầu mùa thu có thể chứng kiến những diễn biến nguy hiểm. Thật không may, mọi thứ dường như đi theo hướng đó.”
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Ukraine và Nga qua email để bình luận.
7. Hãng tin AP đưa tin rằng các bộ trưởng quốc phòng và quan chức cấp cao từ 12 quốc gia Bắc Âu đã gặp nhau tại Ba Lan hôm thứ Hai để thảo luận về việc tăng cường khả năng răn đe và an ninh ở sườn phía đông của NATO và tăng cường khả năng phòng thủ của Ukraine.
Họ tập trung gần Warsaw với tư cách là một phần của Nhóm phương Bắc, một nền tảng để phát triển các sáng kiến an ninh cho các thành viên của NATO và Liên minh Âu Châu. Các thành viên của Nhóm phương Bắc bao gồm Anh, Đức, Ba Lan và Phần Lan.
Sau cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, Mariusz Błaszczak, cho biết các cuộc đàm phán “rất tốt” tập trung vào việc phối hợp các phương thế cung cấp an ninh cho các quốc gia trong nhóm.
Ông nhấn mạnh sự hợp tác tốt đẹp với Anh và Thụy Điển, cho biết hai nước có quan điểm tương đồng về các mối đe dọa đến từ Nga khi nước này gây chiến với Ukraine.
Błaszczak cho biết: “Chúng tôi đang tìm kiếm các giải pháp chung để bảo đảm an ninh.
Ông cho biết những nỗ lực của Ba Lan để có được máy bay cảnh báo sớm từ Thụy Điển đang được tiến hành.
Các quan chức cũng thảo luận về công tác chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh NATO vào tháng 7 tại Vilnius, Lithuania và các đề xuất của Ba Lan cho hội nghị này, Błaszczak cho biết như trên.
Hội nghị thượng đỉnh đó dự kiến sẽ đánh giá triển vọng trở thành thành viên của Ukraine.
8. Lãnh đạo phe đối lập Belarus Sviatlana Tsikhanouskaya đã cáo buộc tổng thống nước này, Alexander Lukashenko, đích thân ra lệnh vận chuyển bất hợp pháp trẻ mồ côi Ukraine và cho rằng ông ta có thể phạm tội ác chiến tranh.
Tsikhanouskaya, hiện đang sống lưu vong ở Lithuania, cho biết “nhiều bằng chứng” đã được thu thập cho thấy “sự tham gia trực tiếp” của Lukashenko và chế độ của ông ta trong việc bắt cóc trẻ em Ukraine từ các vùng lãnh thổ bị Nga xâm lược sang Belarus.
“Đích thân Alexander Lukashenko đã ra lệnh chuyển những đứa trẻ mồ côi đến Belarus và tạo điều kiện cho chúng đến bằng sự hỗ trợ về tài chính và tổ chức,” một báo cáo mà Tsikhanouskaya gửi cho chủ tịch Ủy ban Âu Châu, Ursula von der Leyen, và các bộ trưởng ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu nêu rõ như trên.
Nhóm của Tsikhanouskaya ước tính rằng ít nhất 2.150 trẻ em sẽ được đưa đến Belarus vào cuối tháng này. Một số đã được gửi đến trại Dubrava ở vùng Minsk, nơi được cho là do Belaruskali điều hành. Belaruskali là một công ty phân bón kali thuộc sở hữu nhà nước và là nguồn thu chính của chế độ Lukashenko.
Bản cáo trạng chống lại Lukashenko và Belaruskali được đưa ra trong bối cảnh Liên Hiệp Âu Châu ngày càng có nhiều áp lực buộc phải thắt chặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus. Liên Hiệp Âu Châu đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, bao gồm cả Belaruskali, cả về vai trò hỗ trợ cuộc xâm lược của Nga và cuộc đàn áp tàn bạo đối với những người biểu tình sau cuộc bầu cử năm 2020. Tuy nhiên, việc gia hạn các biện pháp trừng phạt đã bị trì hoãn trong nhiều tháng về câu hỏi liệu Belaruskali có nên được miễn trừ vì lý do an ninh lương thực hay không.
Ủy ban Âu Châu đã đề xuất miễn trừ cho Belaruskali với niềm tin rằng nó sẽ giảm bớt tình trạng thiếu lương thực toàn cầu.
Lithuania, được hỗ trợ bởi Ba Lan, Estonia và Hung Gia Lợi, đang từ chối ký kết các biện pháp trừng phạt nếu bao gồm việc miễn trừ cho Belaruskali. Vilnius lập luận rằng thị trường đang thích ứng để cung cấp các lựa chọn thay thế cho phân bón kali của Belarus. “Nhiệm vụ của chúng ta là không rơi vào cái bẫy tuyên truyền của Nga. Không thiếu phân bón, và các biện pháp trừng phạt chống lại Nga không gây ra tình trạng mất an ninh lương thực”, Bộ Ngoại giao Lithuania cho biết như trên hôm thứ Hai.
9. Ngoại trưởng Lithuania ca ngợi liên minh F-16 đang phát triển, cảnh báo Ukraine cần thêm vũ khí hạng nặng
Ngoại trưởng Lithuania đã ca ngợi liên minh quốc tế F-16 đang phát triển là một “bước tiến quan trọng”, nhưng kêu gọi các quốc gia đồng minh nhớ rằng Kyiv cũng cần nhiều vũ khí phương Tây hơn những gì họ đã nhận được.
Đến dự cuộc họp của các ngoại trưởng Liên minh Âu Châu tại Brussels hôm thứ Hai, Gabrielius Landsbergis kêu gọi các đồng minh không để việc tập trung vào máy bay phản lực khiến họ phân tâm khỏi việc gửi cho Ukraine vũ khí mà họ đã cung cấp để phòng thủ chống lại Nga, như lựu pháo, hỏa tiễn Stinger và HIMARS.
Landsbergis nói: “Sự hỗ trợ của chúng ta dành cho Ukraine phải liên tục, không chỉ bổ sung vũ khí mới mà còn hỗ trợ theo những gì đã nói trước đây”.
Cũng nói chuyện với các nhà báo khi đến dự cuộc họp ở Brussels, nhà ngoại giao hàng đầu của Liên Hiệp Âu Châu Josep Borrell cho biết ông hy vọng Ukraine có thể sớm được cung cấp F-16.
Borrel nói rằng thật “tốt” khi G7 “cuối cùng đã quyết định chuẩn bị mặt bằng để cung cấp cho Ukraine các máy bay chiến đấu phản lực mà họ cần”.
“Tôi nghĩ rằng việc đào tạo phi công đã bắt đầu. Đây là điều đầu tiên cần làm. Và tôi hy vọng rằng chúng ta sẽ sớm cung cấp cho Ukraine loại vũ khí này”, ông nói thêm.
Các cuộc đàm phán về máy bay phản lực đang tăng tốc: Việc Ukraine tìm kiếm các máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất đã nhận được một sự thúc đẩy lớn vào cuối tuần khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden ủng hộ các phi công của Kyiv được đào tạo để lái các chiến đấu cơ hiện đại của phương Tây.
Bình luận của Biden tại hội nghị thượng đỉnh với các nhà lãnh đạo G7 ở Nhật Bản được đưa ra vài ngày sau khi Anh và Hà Lan cho biết họ đang xây dựng một “liên minh quốc tế” để giúp Ukraine mua F-16 khi nước này tìm cách cải thiện khả năng phòng thủ trước các cuộc không kích của Nga.
Những chiếc F-16 sẽ là sự nâng cấp đáng kể cho không quân Ukraine, mà ngày nay vẫn phải dùng những chiếc máy bay chủ yếu có từ thời Liên Xô. Tổng thống Volodymyr Zelenskiy hoan nghênh quyết định của Biden, nói trong một tweet, “điều này sẽ tăng cường đáng kể quân đội của chúng tôi trên bầu trời.”
10. Trung Quốc phản ứng về việc Zelenskiy tham gia G7, nói rằng cuộc khủng hoảng Ukraine nên được giải quyết thông qua đối thoại
Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết hôm thứ Hai rằng cuộc khủng hoảng Ukraine nên được giải quyết thông qua đối thoại, sau khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cùng với các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ lớn gặp nhau vào hôm thứ Bảy tại một hội nghị thượng đỉnh ở Nhật Bản.
“Chúng tôi nhận thấy Tổng thống Zelenskiy đã tham gia hội nghị thượng đỉnh G7. Lập trường của Trung Quốc về cuộc khủng hoảng Ukraine là nhất quán. Chúng tôi luôn tin rằng cuộc khủng hoảng nên được giải quyết về mặt chính trị thông qua đối thoại và tham vấn”, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh cho biết trong một cuộc họp báo thường kỳ.
Mao Ninh nói thêm rằng Trung Quốc hy vọng các nước, đặc biệt là các nước thành viên G7, có thể hợp tác với cộng đồng quốc tế để đóng “vai trò mang tính xây dựng trong việc thúc đẩy giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng”.
Bắc Kinh đã nhiều lần cố gắng thể hiện mình là người hòa giải trong cuộc xung đột gay gắt, bất chấp mối quan hệ chặt chẽ với Nga.
Lý Huy, đặc phái viên mới được bổ nhiệm của Bắc Kinh về cuộc chiến Ukraine, đã đến Kyiv vào tuần trước. Đây là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc tới Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến tàn khốc ở Mạc Tư Khoa.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích phương Tây đã đặt câu hỏi liệu những nỗ lực thúc đẩy hòa bình của Trung Quốc có phải là thật hay không - và liệu tầm nhìn của họ về cách cuộc xung đột có thể kết thúc có phù hợp với tầm nhìn của Kyiv hay không.
Trong chuyến thăm của Lý Huy, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán hòa bình phải “dựa trên sự tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
“Ukraine không chấp nhận bất kỳ đề xuất nào liên quan đến việc mất lãnh thổ hoặc đóng băng cuộc xung đột,” Kuleba nói.
11. Đại sứ Nga nói việc Mỹ hậu thuẫn cho phi công Ukraine huấn luyện F-16 cho thấy Mỹ “chưa bao giờ quan tâm đến hòa bình”
Đại sứ Nga tại Mỹ, Anatoly Antonov, nói rằng quyết định của Mỹ hỗ trợ đào tạo phi công Ukraine trên F-16 và các máy bay chiến đấu hiện đại khác chứng tỏ rằng họ “chưa bao giờ quan tâm đến hòa bình”.
Tuy nhiên, Đại Sứ Nga Anatoly Antonov đã không trả lời câu hỏi của phóng viên CBC rằng liệu việc Putin xua quân xâm lược Ukraine có thể hiện “sự quan tâm đến hòa bình” của Nga hay không.
Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã thông báo với các nhà lãnh đạo G7 vào hôm thứ Sáu rằng Hoa Kỳ sẽ hỗ trợ nỗ lực đào tạo phi công Ukraine trên F16 và các máy bay thế hệ thứ tư khác. F-16 được coi là hệ thống vũ khí hiệu suất cao với tầm bắn 500 dặm hay 860 km, và sẽ là một sự nâng cấp đáng kể cho các loại máy bay hiện có trong phi đội của Ukraine.
Trước đó, Đại Sứ Nga Anatoly Antonov nói với các phóng viên rằng Hoa Kỳ “tiếp tục thổi bùng ngọn lửa xung đột”.
“Cho đến nay, Washington đang chống lại chúng tôi bằng bàn tay của người khác, bằng cách ủy quyền. Tuy nhiên, mọi chuyên gia đều biết rằng Ukraine không có cơ sở hạ tầng để sử dụng F-16, cũng như không có đủ số lượng phi công và nhân viên bảo trì cần thiết”, ông nói.
Những lời của đại sứ lặp lại lời của Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko, người đã cảnh báo các nước phương Tây về “rủi ro to lớn” nếu Ukraine được cung cấp máy bay chiến đấu F-16, hãng truyền thông nhà nước Nga TASS đưa tin hôm thứ Bảy.
“Chúng tôi thấy rằng các nước phương Tây vẫn đang tuân theo kịch bản leo thang,” Grushko nói.
“Nó liên quan đến những rủi ro to lớn cho chính họ. Trong mọi trường hợp, điều này sẽ được tính đến trong tất cả các kế hoạch của chúng tôi và chúng tôi có tất cả các phương tiện cần thiết để đạt được các mục tiêu đã đề ra.”